Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

XXXXXNghiên cứu văn hóa từ góc nhìn nhân học biểu tượng

Nghiên cứu văn hóa từ
góc nhìn nhân học biểu tượng

ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghiên cứu văn hóa là một loại hình công việc đặc thù chiếm vị trí quan trọng trong khoa học xã hội ở Việt Nam: với hai trường Đại học Văn hóa cùng hàng chục khoa, bộ môn văn hóa học ở các trường đại học; hàng chục viện, phân viện nghiên cứu trên cả nước, đó là chưa kể đến các cơ quan quản lý văn hoá từ Trung ương đến địa phương. Điều đó cho thấy số lượng đông đảo những người làm công tác văn hóa, trong số đó, những người làm công tác chuyên môn về nghiên cứu văn hóa cũng không hề nhỏ. Tuy nhiên có một vấn đề dường như chưa được quan tâm một cách thoả đáng: Nhiều người làm công tác văn hoá ở Việt Nam chưa được tiếp cận một cách đầy đủ các hệ thống lý thuyết của lĩnh vực nghiên cứu rộng lớn này. Vì vậy mà nhiều vấn đề chưa có sự thống nhất giữa nghiên cứu và quản lý văn hoá nên đôi lúc xảy ra tình trạng “mạnh ai nấy làm” dẫn đến những hậu quả đáng tiếc[1]. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Chúng ta sẽ tiếp cận như thế nào với với một đối tượng hết sức rộng lớn, đa dạng và trừu tượng như văn hoá nếu không nắm vững hệ thống lý thuyết?
 
Trên thế giới, “đã có nhiều ngành khoa học khác nhau nghiên cứu văn hoá như triết học văn hoá, xã hội học văn hoá, các ngành văn hoá nghệ thuật, đặc biệt là nhân học văn hoá. Trên thực tế lâu nay đã có một tổ hợp khoa học khác nhau được gọi là các khoa học về văn hoá” (Nguyễn Văn Tiệp 2006)[2]. Ở Việt Nam, trong thế kỷ XX vừa qua, các nhà nghiên cứu văn hoá chủ yếu sử dụng các lý thuyết và phương pháp tiếp cận văn hoá dựa trên các trường phái lý thuyết của các ngành khác. Nội dung bài này sẽ đề cập đến một phần của vấn đề nêu trên dưới góc nhìn nhân học biểu tượng .
 
Như chúng ta đã biết, một ngành khoa học độc lập cần phải vận hành trên cơ sở đối tượng nghiên cứu, cơ sở lý thuyết, phương pháp và phương pháp luận… của riêng nó. Nhưng nghiên cứu văn hoá hiện nay lại chủ yếu sử dụng các “công cụ khác ngành”, đặc biệt là phương pháp luận của nhân học văn hoá[3]. Tuy nhiên, với thực tế ở Việt Nam, nhân học văn hoá (vốn bắt nguồn từ Tây Âu và Mỹ) mới chỉ thực sự đến được với các nhà nghiên cứu một cách phổ biến vào đầu thế kỷ XXI và nó mới được chính thức công nhận là một chuyên ngành khoa học xã hội được cấp phép đào tạo với mã ngành 62 31 65 01 vào năm 2002[4]. Điều đó cho thấy sự tiếp cận muộn màng của khoa học xã hội Việt Nam với một chuyên ngành quan trọng trong nghiên cứu văn hoá.
 
Trong bài này, chúng tôi sẽ không trình bày những nội dung chi tiết của nhân học văn hoá và vai trò của nó với nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam mà sẽ chỉ lược qua một số vấn đề cơ bản của chuyên ngành này để tiếp cận một đối tượng cụ thể hơn đó là các biểu tượng văn hoá. Nghiên cứu các biểu tượng văn hoá đã được nhiều ngành khoa học đề cập đến từ lâu (như triết học, ngôn ngữ học, nghệ thuật học, ký hiệu học...) trong hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu của từng ngành. Trong phạm vi nghiên cứu các biểu tượng dưới góc nhìn nhân học văn hoá thì nhân học biểu tượng chính là một trong những hướng tiếp cận cụ thể nhất. Mục đích của chúng tôi ở đây là tìm kiếm trong vô vàn cách thức và phương pháp tiếp cận nghiên cứu văn hoá một hướng đi cụ thể để nghiên cứu một đối tượng cụ thể, đó là các biểu tượng văn hoá. Thông qua đó, chúng tôi muốn nhấn mạnh tới vấn đề phương pháp và phương pháp luận nghiên cứu trong vai trò là những “công cụ” đối với một loại hình công việc đặc thù: Nghiên cứu văn hoá.
 
1. Các lý thuyết và phương pháp tiếp cận
 
Trên thực tế, nghiên cứu văn hoá là công việc chung của nhiều ngành khoa học khác nhau có cùng một đối tượng nghiên cứu, đó là văn hoá. Sự khác nhau giữa các chuyên ngành khoa học này chỉ là ở phương pháp tiếp cận và tiếp cận phương pháp. Với một đối tượng nghiên cứu vô cùng rộng lớn như văn hoá thì khó có thể tồn tại một lý thuyết hay một phương pháp luận duy nhất để giải quyết mọi vấn đề có liên quan. Theo đó, nhà nghiên cứu văn hoá sẽ sử dụng cơ sở lý thuyết trong ngành khoa học chuyên sâu của mình (chẳng hạn như dân tộc học, xã hội học, triết học, tâm lý học, ngôn ngữ học, nhân học…) làm phương pháp tiếp cận nhưng họ có thể sử dụng một hoặc nhiều phương pháp nghiên cứu khác nhau để tiếp cận đối tượng nghiên cứu, đó chính là cách tiếp cận phương pháp. Nắm vững những vấn đề này sẽ giúp nhà nghiên cứu tiếp cận đối tượng nghiên cứu của mình một cách chủ động hơn.
 
1.1. Một số phương pháp tiếp cận truyền thống trong nghiên cứu văn hoá ở Việt Nam
 
Ở Việt Nam, nghiên cứu văn hoá là một thuật ngữ hàn lâm mới chỉ được nhắc tới trong khoảng thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX nhưng sự thực là công việc này đã được thực hiện từ nhiều thế kỷ trước bởi quan lại của các triều đình phong kiến như Lê Văn Hưu, Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú, Dương Văn An… và các danh sĩ như Đoàn Triển, Nguyễn Tông Quai, Phạm Đình Hổ, Phan Kế Bính... Tuy nhiên đó mới chỉ là những ghi chép, khảo tả về các thành tố lịch sử, địa lý, văn hoá mà chưa có hệ thống phương pháp hay phương pháp luận cụ thể mang tính hàn lâm như cách thức nghiên cứu của phương Tây cùng thời[5]. Chỉ đến khi người Pháp đến cai trị và thiết lập nên các thiết chế khoa học hàn lâm theo mô hình phương Tây như Viện Viễn Đông Bác cổ (1900), Viện nghiên cứu Con người Đông Dương (1938), Đại học Đông Dương (1906), Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1924)... thì một nền khoa học hàn lâm của “xứ Đông Dương thuộc địa” mới thực sự bắt đầu. Viện Viễn Đông Bác cổ chính là viện nghiên cứu đầu tiên ở Việt Nam có chức năng nghiên cứu văn hoá theo hướng hàn lâm. Kể từ đây, Việt Nam mới chính thức có một cơ quan hàn lâm chuyên nghiên cứu về các vấn đề văn hoá, nghệ thuật, chính trị, xã hội, tôn giáo…
 
Sau khi giành được độc lập năm 1945, thừa hưởng những thành quả khoa học mà người Pháp để lại, Việt Nam nhanh chóng trở thành một quốc gia có nền khoa học và giáo dục hàng đầu trong khu vực. Có thể nói đây là một giai đoạn “thịnh vượng” trong quá trình phát triển của khoa học xã hội[6] ở Việt Nam với những tên tuổi lớn như Nguyễn Văn Huyên, Trần Văn Giáp, Nguyễn Văn Tố, Tạ Quang Bửu, Đặng Thai Mai, Đào Duy Anh… Nhưng rồi cuộc chiến tranh với người Mỹ đã khiến cho nền khoa học có tầm cao và chiều sâu nhưng lại quá non trẻ của Việt Nam gặp khủng hoảng - khủng hoảng ý thức hệ. Nền khoa học Việt Nam kể từ đây đi theo hai khuynh hướng khác nhau:
 
- Miền Bắc chịu ảnh hưởng từ Liên Xô và khối các nước xã hội chủ nghĩa;
- Miền Nam chịu ảnh hưởng Tây Âu và Mỹ.
 
Quá trình này kéo dài suốt nhiều thập niên (khoảng từ giai đoạn bắt đầu chiến tranh chống Mỹ - 1954 đến giai đoạn Đổi mới - 1986. Thậm chí sau giai đoạn Đổi mới - mở cửa - hội nhập tới 20 năm thì nhiều bộ môn khoa học xã hội và nhân văn đương đại của thế giới vẫn chưa được chúng ta tiếp nhận một cách chính thức vì sự khác biệt về ý thức hệ. Trong những bộ môn cơ bản của khoa học xã hội và nhân văn chuyên nghiên cứu văn hoá mới được “cấp phép đào tạo” gần đây nhất ở Việt Nam là Nhân học văn hoá (mã ngành 62 31 65 01) và Nhân học xã hội (mã ngành 62 31 62 01). Đây được coi như bước “đột phá” mới của khoa học xã hội ở Việt Nam trong việc tiếp cận nền khoa học xã hội và nhân văn của thế giới đương đại. 
 
1.2. Các hướng tiếp cận đương đại trên thế giới đối với nghiên cứu văn hoá
 
Nhìn chung, các khuynh hướng khoa học có cùng mục tiêu luôn có xu thế ngày càng thống nhất với nhau. Điều này không chỉ đúng với khoa học tự nhiên mà còn cả trong khoa học xã hội. Vì vậy những sự phân loại đối với các khuynh hướng nghiên cứu văn hoá mà chúng tôi nêu ra dưới đây cũng chỉ mang tính tương đối. Đặc biệt trong một thế giới toàn cầu hoá như hiện nay thì những ranh giới đó càng trở nên mờ nhạt[7]. Trong các hướng tiếp cận đương đại trên thế giới hiện nay đối với nghiên cứu văn hoá thì hệ thống lý thuyết nghiên cứu của xã hội học và nhân học hiện đang được sử dụng nhiều nhất[8].
 
1.2.1. Một số trường phái lý thuyết đương đại
 
- Trường phái Xã hội học Pháp
 
Đây là một trường phái lý thuyết nghiên cứu đã được hình thành lâu đời ở Pháp với hệ tư tưởng xã hội của Baron de Montesquieu (1689-1755). Các nhà khoa học sau Montesquieu như Auguste Comte, Emile Durkheim, Marcel Mauss, Claude Lévi-Strauss… tuy là những nhà xã hội học nhưng những lý thuyết nền tảng của họ lại là tiền đề của nhân học hiện đại sau này. Chẳng hạn nhà xã hội học người Pháp Marcel Mauss được gọi là “cha đẻ của dân tộc học Pháp” (theo George Condominas[9]) còn một nhà xã hội học người Pháp khác Claude Lévi-Strauss lại chính là “cha đẻ” của nhân học hiện đại trên thế giới.[10]
 
- Trường phái Nhân học văn hoá Anh - Mỹ
 
Như đã đề cập ở trên, việc phân chia các trường phái lý thuyết của chúng tôi không nhằm mục đích xác định những thuộc tính cá biệt của các đối tượng được chia, mà là để có được một cái nhìn toàn cảnh về nhân học văn hoá nói riêng và nghiên cứu văn hoá nói chung. Có thể nhận thấy nhân học văn hoá phát triển mạnh mẽ vào cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX là giai đoạn mà nền học thuật của Anh và Mỹ đã gần như hoà vào nhau làm một[11]. Vì vậy, sự kết hợp/đan xen của hai trường phái này cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt có thể nhận thấy của hai trường phái nhân học này chủ yếu là về phạm vi khái niệm (conceptual territory).[12]
 
- Nghiên cứu văn hoá trong bối cảnh toàn cầu hoá
 
Hiện nay trên thế giới đang diễn ra một hiện tượng chưa từng có trong lịch sử văn minh của nhân loại, đó là quá trình toàn cầu hoá. Xuất phát từ những bước tiến vượt bậc của khoa học công nghệ, quá trình toàn cầu hoá đã tác động đến mọi mặt đời sống của con người như kinh tế, chính trị, xã hội, nghệ thuật…, đặc biệt là văn hoá. Hiện tượng này vừa mang tính tự nhiên lại vừa mang tính xã hội; nó chi phối hầu như tất cả mọi hoạt động của con người và quốc gia chấp nhận tham gia tiến trình đó[13]. Toàn cầu hoá văn hoá là một hiện tượng mang tính hai mặt hết sức đặc thù: Nó vừa mang lại những lợi ích to lớn cho con người và văn hoá, nhưng nó cũng là tác nhân có thể huỷ hoại các thành tố văn hoá có giá trị cao (do được tích tụ từ ngàn đời) một cách nhanh chóng.
 
1.2.2. Một số lý thuyết nghiên cứu văn hoá theo quan điểm nhân học
 
- Duy vật luận (Materialism)
 
Đây là một quan niệm triết học và xã hội học, về căn bản, thuyết duy vật coi mọi sự vật đều có cấu tạo từ vật chất và mọi hiện tượng đều là kết quả của sự tương tác vật chất. Duy vật luận được Marx và Engels hoàn thiện và phổ biến thành một trong những học thuyết vĩ đại nhất trong kinh tế, chính trị, xã hội… của các quốc gia đi theo hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa. Trên cơ sở thuyết duy vật của Marx và Engels, Marvin Harris (1927-2001) đã xây dựng nên một học thuyết mới, sử dụng trong khoa học xã hội và nhân văn có ảnh hưởng khá mạnh trong thế kỷ XX. Từ góc nhìn tiến hoá luận, Leslie White và Julian Steward đã tạo dựng nên các lý thuyết tân tiến hoá luận và sinh thái văn hoá...
 
- Đặc thù văn hoá luận (Cultural Particularism)
 
Đây là một trong những hệ lý thuyết nhân học hiện đại đầu tiên được Frank Boas xây nền và một số học trò của ông như Alfred KroeberRuth BenedictMargaret Mead… hoàn thiện. Về cơ bản, học thuyết này nhấn mạnh đến tính đặc thù của mỗi nền văn hoá không phân biệt giữa phương Đông và phương Tây, giữa hiện đại và bản địa… Học thuyết này giúp tránh được những định kiến về sự “chậm tiến” của các bộ tộc/bộ lạc lạc hậu bởi nó đề cao tới vấn đề bản sắc văn hoá (culture in itself)[14] của mỗi nền văn hoá. Đây cũng chính là cách mà Frank Boas và những người theo trường phái của ông phản ứng lại tiến hoá văn hoá luận vốn ảnh hưởng đến hầu khắp giới khoa học xã hội và nhân văn trước đó. Theo lý thuyết này, bản sắc văn hoá của mỗi tộc người hay mỗi nền văn hoá có giá trị “tự thân” của nó nên không thể áp đặt bằng một khung văn hoá của bất cứ một xã hội nào khác cho dù “cái khung” đó được coi là văn minh hay tiến bộ hơn. Và như vậy, quá trình phát triển văn hoá (chứ không phải là tiến hoá văn hoá - ĐHH) của các nền văn hoá với nền tảng xã hội khác nhau sẽ đi lên bằng những cách thức khác nhau chứ không thể là những bước tiến hoá chung giống như sự phát triển của sinh vật trong thế giới tự nhiên.
 
- Chức năng luận (Functionalism)
 
Đây là một trong những lý thuyết khoa học ra đời từ rất sớm được ứng dụng trong triết học, xã hội học trước khi đến với nhân học hiện đại. Người được coi như cha đẻ của học thuyết này là Emile Durkheim, nhưng trước đó Herbert Spencer (1820-1903) đã sử dụng nó trong các nghiên cứu của ông về khoa học xã hội. “Có thể tóm tắt tư tưởng cơ bản của chức năng luận như sau: Bất kỳ một hệ thống ổn định nào cũng bao gồm những bộ phận khác nhau nhưng liên hệ với nhau, chúng cùng nhau vận hành để tạo nên cái toàn bộ, tạo nên sự ổn định hệ thống. Có thể xem là hiểu được một bộ phận trong hệ thống khi hiểu được cái cách mà nó đóng góp vào sự vận hành của hệ thống. Sự đóng góp vào việc vận hành ổn định của hệ thống được gọi là chức năng. Các bộ phận có tầm quan trọng chức năng khác nhau đối với hệ thống” (Bùi Thế Cường, 2005)[15]. Các lý thuyết về chức năng luận của Durkheim được tiếp nối bởi Alfred Radcliffe-Brown (1881-1955) và Bronislaw Malinowski (1884-1942), Robert Merton (1910-2003) và Talcott Parsons (1902-1979).
 
- Cấu trúc luận (Structuralism)
 
Đây là một trong những lý thuyết có ảnh hưởng lớn, được xem như một trong những cuộc cách mạng về phương pháp luận trong khoa học xã hội và nhân văn thế kỷ XX. Người sáng lập Ferdinand de Saussure (1857-1913) đã chủ trương một phương pháp luận tập trung vào tính hệ thống của ngôn ngữ được biểu thị bằng những ký hiệu gồm cái biểu đạt (signifier) và cái được biểu đạt (signified). Phương pháp này đã được ông sử dụng trong  ngôn ngữ học và sau đó là ký hiệu học. Dựa vào cấu trúc luận (trên cơ sở ký hiệu học của F. de Saussure), Lévi-Strauss đã cho ra đời nhân học cấu trúc (structural anthropology) từ những tương quan giữa các thành tố văn hoá khác nhau thông qua cấu trúc của chúng. Theo ông, những hình mẫu phổ quát của văn hoá là những sản phẩm của những cấu trúc không đổi trong ý nghĩ của con người. Chẳng  hạn  như “trong các tác phẩm thơ ca, nhà ngôn ngữ học nhận ra các cấu trúc rất giống với các cấu trúc trong các huyền thoại mà các nhà dân tộc học đã từng bắt gặp trong quá trình phân tích của họ” (Beckson & Ganz, 1990)[16]. Có thể nói, cấu trúc luận chính là một công cụ quan trọng để chúng ta tiếp cận thế giới biểu tượng của văn hoá.  
 
- Tương đối văn hoá luận (Cultural relativism)
 
Đây là một học thuyết ra đời tại Mỹ với quan điểm cho rằng không có những nền văn hoá bậc cao và nền văn hoá hạ đẳng, mọi nền văn hoá đều bình đẳng (tương đương) tuỳ theo môi trường của chúng. Mọi thành tố của văn hoá có mối quan hệ chặt chẽ với chính bản chất đặc trưng của văn hoá. Giữa hai cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ I và lần thứ II, lý thuyết tương đối văn hoá đã trở thành công cụ quan trọng để các nhà nhân học Mỹ chống lại sự “thống nhất văn hoá” và cải biến các nền văn hoá phi phương Tây.  Đóng góp này của thuyết tương đối văn hoá là một công cụ phục vụ đắc lực cho sự ra đời của Tuyên ngôn nhân quyền của Liên Hợp Quốc ngày 10/12/1948. Có thể nói, tương đối văn hoá luận cùng với đặc thù văn hoá luận của Frank Boas đã ghi một dấu ấn hết sức quan trọng trong cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa vị chủng (racism) và chủ nghĩa phát xít (facism) đem lại quyền tự do, bình đẳng của con người không phân biệt đẳng cấp, chủng tộc, màu da...
 
2. Khái quát về nghiên cứu biểu tượng và nhân học biểu tượng
 
2.1. Khái quát về nghiên cứu biểu tượng
 
Trên thực tế, nghiên cứu biểu tượng là một công việc đã được các nhà khoa học trên thế giới đề cập đến từ lâu thông qua các chuyên ngành khoa học đã ra đời từ trước Công Nguyên như toán học, triết học, sử học, xã hội học, nghệ thuật học... Mặc dù các chuyên ngành khoa học nêu trên ít nhiều đều đề cập đến biểu tượng như một đối tượng nghiên cứu của chúng nhưng chưa có một chuyên ngành nào thực sự là một chuyên ngành khoa học độc lập nghiên cứu các biểu tượng. Chuyên ngành đầu tiên đề cập đến các biểu tượng như một chuyên ngành khoa học độc lập là ký hiệu học (semiotics/semiology) vào đầu thế kỷ XX[17]. Ký hiệu học là bộ môn nghiên cứu ý nghĩa của các ký hiệu, tín hiệu, biểu tượng, hiện tượng văn hoá… và hành vi sử dụng chúng. Ký hiệu học giải nghĩa các thành tố văn hoá do con người tạo ra trong quá trình phát triển của văn hoá như ngôn ngữ, biểu tượng, hoạt động, hành vi sống… của con người. Các nhà ký hiệu học hiện đại như Claude Lévi-Strauss, Jacques Lacan, Michel Foucault, Jacques Derrida, Roland Barthes, Julia Kristeva... đã áp dụng cấu trúc luận dưới góc nhìn ký hiệu học cho nhiều lĩnh vực như mỹ học, nhân học, tâm lý, truyền thông, ngôn ngữ...[18]
 
Các biểu tượng có một tính chất đặc thù là luôn biến đổi theo thời gian và không gian (trừ một số trường hợp đặc biệt chúng tôi sẽ đề cập riêng). Hai trong số những đặc tính căn bản nhất của biểu tượng là tính thông tin và giao tiếp. Nhờ những đặc tính này mà con người ngay từ thời tiền sử đã biết sử dụng các biểu tượng như một loại ngôn ngữ để giao tiếp khi hệ thống ngôn ngữ nói và hệ thống chữ viết chưa hoàn thiện[19]. Cho đến thế kỷ XXI, con người vẫn tiếp tục sử dụng loại ngôn ngữ này trong hầu hết mọi thành tố văn hoá xã hội. Thậm chí, đã có rất nhiều loại biểu tượng và ngôn ngữ biểu tượng đã trở thành những ngôn ngữ giao tiếp toàn cầu[20]. Vì vậy, nghiên cứu ngôn ngữ biểu tượng của một tộc người hay một cộng đồng có tính liên kết cao trong xã hội (chẳng hạn một tôn giáo) cũng chính là nghiên cứu văn hoá của tộc người hay cộng đồng người đó.
Về mặt thuật ngữ, biểu tượng (symbol trong tiếng Anh) là một từ bắt nguồn từ ngôn ngữ cổ ở châu Âu (symbolus trong tiếng La Mã và symbolon trong tiếng Hy Lạp). Theo Từ điển biểu tượng (Dictionary of Symbols) của C. G. Liungman thì “những gì được gọi là biểu tượng khi nó được một nhóm người đồng ý rằng nó có nhiều hơn một ý nghĩa là đại diện cho chính bản thân nó”. Biểu tượng có tính đa nghĩa nhưng chúng ta có thể chia làm hai nghĩa chính là biểu hình và biểu ý. Ở giai đoạn ban đầu có lẽ ngôn ngữ biểu tượng thường mang tính đơn giản và ước lệ. Về sau, do sự phát triển của xã hội loài người, ngôn ngữ biểu tượng ngày càng được mở rộng đến mọi thành tố văn hoá và mọi mặt đời sống của con người[21].
 
2.2. Các định nghĩa nhân học biểu tượng
 
Định nghĩa về nhân học biểu tượng theo các bách khoa thư nhân học lớn trên thế giới như sau:
 
- Bách khoa thư nhân học văn hoá và xã hội (Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology): “Nhân học biểu tượng đề cập đến văn hoá như một thực thể có tính độc lập tương đối, là một hệ thống ý nghĩa mà qua đó các nhà nhân học muốn tạo ra để giải mã và diễn dịch các biểu tượng và các nghi lễ trọng tâm” (Spencer, 1996, tr. 535-539).
 
- Bách khoa thư nhân học văn hoá (Encyclopedia of Cultural Anthropology): “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu ý nghĩa trong đời sống xã hội loài người, bằng cách nào chúng ta tri nhận và diễn giải những gì diễn ra xung quanh và bằng cách nào chúng ta sáng tạo và sẻ chia với thế giới hoặc hệ thống ý nghĩa văn hoá. Nhân học biểu tượng tiếp cận với một góc nhìn rộng lớn về các biểu tượng, biểu tượng hoá, sự vật và ý nghĩa mà con người đặt cho với ý nghĩa, sự nhận biết, quá trình giao tiếp” (Des Chene, 1998, tr. 1274-1278).
 
- Văn hoá dân gian: Bách khoa thư về các tín ngưỡng, phong tục, chuyện kể, âm nhạc và nghệ thuật (Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art): “Nhân học biểu tượng là khoa học nghiên cứu về các biểu hiện tự nhiên của các biểu tượng được sử dụng ở các nền văn hoá khác nhau, các nghi lễ trình diễn, và trong đời sống hàng ngày nơi mà nó có đầy đủ hơn các ý nghĩa thành văn. Mỗi biểu tượng có hai phần - một là những thực thể nhìn thấy và phần còn lại là ý nghĩa biểu hiện của nó. Nhân học biểu tượng diễn giải các biểu tượng trong ngữ cảnh của tiến trình xã hội và đời sống văn hoá” (Turner, 1997, tr. 24-29).
              
Trên đây là những định nghĩa phổ biến nhất về nhân học biểu tượng trong nhân học đương đại mà chúng tôi chọn lọc từ những bộ bách khoa thư được nhiều người sử dụng trên thế giới. Qua các định nghĩa trên chúng ta có thể dễ dàng nhận thấy đối tượng được nhắc đi nhắc lại trong các định nghĩa này là văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó. Như vậy, đối tượng nghiên cứu của nhân học biểu tượng chính là văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó, trong khi văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó lại là đối tượng mà ký hiệu học đã đề cập đến trước khi nhân học biểu tượng ra đời tới hơn nửa thế kỷ (!). Điều đó cho thấy ký hiệu học và nhân học biểu tượng tuy là những chuyên ngành nghiên cứu khác nhau nhưng đều hướng đến một mục tiêu chung là nghiên cứu văn hoá và hệ thống ý nghĩa của nó. Đây là những phương pháp tiếp cận khác nhau (giữa ký hiệu học và nhân học biểu tượng) với những cách tiếp cận phương pháp khác nhau nhưng cùng để giải quyết một vấn đề chung: nghiên cứu ý nghĩa của các biểu tượng văn hoá.
 
2.3. Cơ sở lý thuyết nhân học biểu tượng
 
Nhân học biểu tượng còn được biết đến với một cái tên khác là nhân học diễn giải (interpretive anthropology) nơi các nhà khoa học ủng hộ việc giải thích văn hoá thông qua ý nghĩa của các biểu tượng. Quan niệm của các nhà nhân học theo trường phái này là tiếp cận các “quan điểm tự nhiên” để tìm hiểu tính chất trừu tượng và đa nghĩa của các biểu tượng. Tại đây các biểu tượng được sáng tạo và sử dụng trong cộng đồng và trong quá trình giao tiếp của xã hội loài người. Mỗi biểu tượng đặc trưng thường đại diện cho một ý nghĩa văn hoá riêng nhưng sự cộng hưởng của chúng lại chính là sự định dạng của đời sống văn hoá thông qua tính “động” đặc thù của văn hoá. Dưới đây chúng tôi xin lược qua một số quan điểm chính của các nhà lý thuyết nhân học biểu tượng tiêu biểu: Clifford Geertz, Victor Turner và David Schneider[22].
 
Quan điểm của Clifford Geertz coi biểu tượng như một loại phương tiện của văn hoá, tại đây các biểu tượng chuyển tải ý nghĩa và thông tin mà con người nhìn thấy, nhận thức và suy nghĩ về thế giới của họ. Theo ông, văn hoá không đóng khung trong tiềm thức của từng cá nhân đơn lẻ mà bao gồm một tập hợp hệ thống các biểu tượng thể hiện thế giới quan về nhận thức, đặc tính, giá trị... Trong khi Victor Turner lại không coi các biểu tượng như những khuôn mẫu có chứa những đặc tính và nhận thức xã hội mà là một cách điều khiển tiến trình xã hội. Turner căn cứ vào đó để trả lời các câu hỏi: bản chất thực tế của các biểu tượng là gì? Chúng ảnh hưởng tới tiến trình xã hội ra sao?... Turner có xu hướng tập trung vào những vấn đề mâu thuẫn và xung đột nội tại của xã hội. Ông coi các biểu tượng và hành động biểu tượng có ý nghĩa quan trọng là duy trì và thống nhất xã hội. Schneider lại tiếp cận nhân học biểu tượng bằng một cách nhìn mang tính “động”. Theo ông, hệ thống văn hoá được xác định bởi tính lô-gíc nội tại của hệ thống biểu tượng và ý nghĩa của nó, điều mà ông gọi là hệ thống các biểu tượng, thông qua các biểu tượng trọng tâm (core symbols). Hệ thống này có tác dụng thông tin và đưa ra những hình mẫu, quy tắc căn bản của hành vi ứng xử.[23]
           
Qua cách nhìn của Geertz, Turner và Schneider ở trên, chúng ta có thể nhận thấy một đặc điểm chung xuyên suốt trong lý thuyết của họ là sự diễn giải những đặc tính của văn hoá thông qua các biểu tượng được hình thành trong xã hội loài người. Nói cách khác, hệ thống lý thuyết nhân học biểu tượng hướng tới một mục tiêu chung: nghiên cứu các biểu tượng văn hoá bằng công cụ của nhân học. Có thể thấy rằng, nghiên cứu các biểu tượng văn hoá không chỉ giúp chúng ta tiếp cận được với những thành tố cụ thể của văn hoá và ý nghĩa biểu đạt của chúng mà còn có thể tiếp cận được với quá trình tồn tại và phát triển của xã hội loài người. Qua đây chúng ta cũng có thể xác định được những bộ phận cấu thành của nhân học biểu tượng dựa trên ba đối tượng chính là con người, xã hội và văn hoá. Đây cũng chính là những trọng tâm mà những người làm công tác nghiên cứu văn hoá thường xuyên phải tiếp xúc. Vì vậy, có thể nói rằng lý thuyết nhân học biểu tượng trong nhân học cũng chính là một phần quan trọng của các lý thuyết nghiên cứu văn hoá.
 
3. Nghiên cứu biểu tượng ở Việt Nam
 
Trên thực tế, các biểu tượng đã tồn tại từ lâu đời trong đời sống của con người ở mọi nền văn minh. Theo tiến trình phát triển của văn hoá, các biểu tượng ngày càng mở rộng thêm về số lượng cũng như ý nghĩa, đồng thời, quá trình giao thoa văn hoá cũng đã tiếp nhận thêm ngày càng nhiều các biểu tượng mới từ các nền văn hoá bản địa lân cận và du nhập... Đối với Việt Nam, tính chất phức tạp của các biểu tượng cộng thêm sự đa dạng của văn hoá bản địa và sự giao thoa với các yếu tố văn hoá du nhập đã khiến cho ý nghĩa của các biểu tượng càng trở nên phức tạp. Trong quá trình nghiên cứu văn hoá Việt Nam, hầu hết các nhà khoa học đều tiếp cận nghiên cứu biểu tượng một cách “bán chính thức” thông qua phương pháp luận của các chuyên ngành khoa học khác như văn học, nghệ thuật học, dân tộc học, xã hội học… Ký hiệu học tuy đã được hình thành trên thế giới hàng trăm năm qua nhưng ở Việt Nam nó rất ít được nhắc tới. Ở Việt Nam, chuyên ngành ký hiệu học cho tới nay vẫn chưa được thành lập, nhưng một phân ngành của ký hiệu học là Ký hiệu học văn hoá đã được cấp phép đào tạo từ năm 2009.
            
Từ sau giai đoạn hội nhập với văn hoá phương Tây, khoa học nói chung và ngành khoa học xã hội ở Việt Nam nói riêng đã có những thay đổi đáng kể. Nhiều trào lưu khoa học của thế giới đã được tiếp nhận, nhiều hệ thống lý thuyết và phương pháp nghiên cứu được du nhập… Nhờ đó, cách tiếp cận đối với các vấn đề khoa học hoặc các đối tượng nghiên cứu đã được mở rộng hơn rất nhiều. Một số nghiên cứu về các biểu tượng văn hoá thông qua dân tộc học, nghệ thuật học… đã được các nhà khoa học Việt nam áp dụng với những kết quả khả quan. Nổi bật trong số các nhà khoa học này là Từ Chi với các công trình nghiên cứu về hoa văn cạp váy của người Mường. Thông qua đối tượng nghiên cứu này, Từ Chi (1974) đã tìm được những mối quan hệ cội nguồn giữa người Việt với người Mường trong không gian văn hoá Đông Sơn. Gần đây, một công trình của Tạ Đức xuất bản năm 1999 đã tập hợp một cách khá đầy đủ các dữ liệu về hệ biểu tượng kiến trúc và ngôn ngữ Đông Sơn. Từ đó tác giả đã cho thấy mối quan hệ giữa các tộc người thông qua các biểu tượng trong ngôn ngữ và kiến trúc. Ngoài ra còn có khá nhiều những cuốn sách và bài viết đề cập đến các biểu tượng theo cảm nhận riêng của từng ngành, từng người. Tuy nhiên, nghiên cứu văn hoá dưới góc nhìn nhân học biểu tượng nói riêng và một góc nhìn rộng hơn từ khoa học nghiên cứu biểu tượng nói chung vẫn cần có sự quan tâm nhiều hơn của các nhà khoa học cũng như các cơ quan quản lý.
 
*
Nghiên cứu các biểu tượng là một công việc vô cùng khó khăn và phức tạp, nó đòi hỏi người nghiên cứu phải có cách tiếp cận vừa cụ thể lại vừa bao quát theo cả hai chiều đồng đại và lịch đại. Nghiên cứu các biểu tượng có thể được coi là một trong những cách tiếp cận cụ thể nhất đối với văn hóa vì biểu tượng chính là sự kết tinh các giá trị văn hóa được con người tạo nên. Ở một phương diện khác, văn hoá lại chính là tập hợp của một hệ thống các biểu tượng do con người tạo ra. Và như vậy, biểu tượng chính là đối tượng để con người thể hiện bản sắc văn hoá thông qua nhân sinh quan và thế giới quan của họ. Biểu tượng là một sản phẩm văn hóa được hình thành một cách tự nhiên trong “hành trình văn hóa” của loài người. Tuy nhiên, khi nền văn minh của nhân loại càng phát triển thì những thành tố văn hóa đó càng trở nên phức tạp. Vì vậy, khoa học hiện đại đã phân chia các cách tiếp cận đối với biểu tượng thành những ngành hoặc nhóm ngành nghiên cứu khác nhau. Với tốc độ phát triển của khoa học hiện nay thì sẽ ngày càng có thêm nhiều ngành khoa học mới ra đời để đáp ứng và thích nghi với nhu cầu ngày càng cao của con người. Vì vậy, việc nghiên cứu các biểu tượng rất cần có một cái nhìn tổng thể không chỉ với các đối tượng nghiên cứu mà còn phải bao quát tới các ngành khoa học có liên quan. Vì vậy, chúng tôi đã chọn nhân học biểu tượng như một thử nghiệm về lý thuyết đối với vấn đề phương pháp và phương pháp luận trong quá trình nghiên cứu các biểu tượng nói riêng và nghiên cứu văn hoá nói chung./.
 
Tài liệu trích dẫn:
 
Mary Des Chene (1998), Symbolic anthropology, trong: David Levinton & Melvin Ember, Encyclopedia of Cultural Anthropology, Vol. 4, tr. 1274-1278.
Nguyễn Từ Chi, Góp phần nghiên cứu văn hóa và tộc người, Nxb. Văn Hóa Dân Tộc và tạp chí Văn Hóa - Nghệ Thuật, Hà Nội, 2003, tr. 109-110
Nguyễn Văn Chính (2007), “Một thế kỷ dân tộc học Việt Nam và những thách thức trên con đường đổi mới và hội nhập”, Tạp chí Văn hoá Dân gian, Số 5, tr.46-47
Bùi Thế Cường (2005), trong Đề tài KX.02.10 “Các vấn đề xã hội và môi trư­ờng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (2001-2005), Xem: http://phucdinhhong.wordpress.com
Tạ Đức (1999), Nguồn gốc và sự phát triển kiến trúc - Biểu tượng và ngôn ngữ Đông Sơn, Hội Dân tộc học xuất bản tại Hà Nội.
Raymond Firth (2011) (Đinh Hồng Hải dịch), “Quan điểm của các nhà nhân học về vấn đề sử dụng biểu tượng”, Tạp chí Văn hoá dân gian, Số 5, tr. 65-77
Đinh Hồng Hải (2007), “Nghiên cứu biểu tượng và vấn đề tiếp cận nhân học biểu tượng ở Việt Nam”, Hội nghị Thông báo Dân tộc học, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
Đinh Hồng Hải (2010), “Ngôn ngữ biểu tượng trong văn hóa Cơtu (Symbolical Language in Katu Culture)”, Báo cáo hoàn thành chương trình Nghiên cứu sinh trao đổi (Visiting fellow) tại Đại học Harvard, Hoa Kỳ 2008-2010.
Hoàng Phê (Chủ biên) (1998), Từ điển tiếng Việt, Trung tâm từ điển học & Nxb Đà Nẵng.
Quyết định số 44/2002/ QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24/10/2002.
Jonathan Spencer (1996), Symbolic anthropology trong: Alan Barnard & Jonathan Spencer, Encyclopedia of Social and Cultural Anthropology, Routledge, London & New York, tr. 535-539
Nguyễn Văn Tiệp (2006), Bàn về mối quan hệ giữa văn hoá học và nhân học từ phương pháp tiếp cận. Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học (nay là Khoa Văn hoá học) Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chức tháng 1/2006.
Edith Turner (1997), Symbolic anthropology, trong: Thomas A. Green, Folklore: An encyclopedia of beliefs, customs, tales, music, and art, ABC Clio, tr. 25-29.
 


[1] Vấn đề này xin xem thêm tham luận: Mặt trái của vấn đề bảo tồn di sản văn hoá Thăng Long - Hà Nội - Một vài ghi nhận trước Đại lễ 1000 năm Thăng Long, của tác giả  tại hội thảo Thành phố Hồ Chí Minh hướng về 1000 năm Thăng Long – Hà Nội do Thành ủy Tp.HCM và ĐHQG Tp. HCM tổ chức tại Tp.HCM tháng 9/2010
[2] Trích trong Báo cáo tại Hội thảo khoa học “Nâng cao chất lượng đào tạo bậc sau đại học chuyên ngành văn hóa học” do Bộ môn Văn hóa học (nay là Khoa Văn hoá học) ĐHKHXH&NV-ĐHQG TpHCM tổ chức tháng 1/2006.
[3] Đề cập đến vấn đề này, PGS. TS. Nguyễn Văn Tiệp cho rằng: “nhân học là một trong những ngành học tiên phong trong việc xây dựng những nền tảng cơ bản về lý thuyết và phương pháp tiếp cận nghiên cứu văn hoá. Các trường phái, các khuynh hướng lý thuyết nghiên cứu về văn hoá đều do các nhà nhân học văn hoá tạo dựng nên...” (Nguyễn Văn Tiệp, Bài đã dẫn, tr. 5).
[4] Theo quyết định số 44/2002/ QĐ-BGD&ĐT của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành ngày 24 tháng 10 năm 2002.
[5] Cần lưu ý rằng công việc nghiên cứu ở châu Âu đã được thực hiện một cách chuyên nghiệp từ hơn 2000 năm trước với các nhà lý thuyết phương pháp nổi tiếng mà tên tuổi của họ vẫn còn ảnh hưởng đến ngày hôm nay như Aristotle, Socrates, Plato, Xenophon…
[6] Khoa học tự nhiên ở Việt Nam có con đường đi riêng và những thành tựu của khoa học tự nhiên được gặt hái ở nhiều giai đoạn khác nhau. Ở đây chúng tôi xin được bỏ qua những thành tựu của khoa học tự nhiên để tập trung vào khoa học xã hội và nhân văn, đặc biệt là văn hoá.
[7] Các trường phái lý thuyết nghiên cứu văn hoá ra đời ở Anh, Pháp hay Mỹ trong những thế kỷ vừa qua được mang cái tên nơi nó ra đời nhưng trên thực tế “cha đẻ” của những học thuyết đó lại mang dòng máu hoặc quốc tịch khác. Chẳng hạn, Claude Lévi-Strauss được coi như cha đẻ của nhân học hiện đại là một người Pháp, sinh tại Bỉ, lớn lên tại Paris, học tại Đại học Sorbonne, thành danh tại Mỹ, còn Frank Boas, cha đẻ của nhân học Mỹ với thuyết tương đối văn hóa và thuyết đặc thù văn hoá nổi tiếng lại là một người Đức, được đào tạo tại Đức, giảng dạy tại Mỹ… nhưng trong người họ lại mang dòng máu Do Thái.
[8] Còn hướng tiếp cận văn hoá học cho đến nay vẫn chưa có hệ thống phương pháp và phương pháp luận “của riêng nó” như đã đề cập ở phần mở đầu.
[9] Đăng trong trang tiểu sử của Marcel Mauss, Đại học Princeton: http://press.princeton.edu/chapters/i8038.html
[10] Theo “The New York Times”, http://www.nytimes.com/2009/11/04/world/europe/04levistrauss
[11] Chẳng hạn những nghiên cứu mới đều được công bố đồng thời ở cả châu Âu (nước Anh) và ở Mỹ, hoặc những xuất bản phẩm quan trọng đều được xuất bản ở các nhà xuất bản cả hai nơi trên.
[12] Xem thêm: Nhân học Anh và Mỹ (British and American anthropology) trong cuốn “The rebirth of Anthropological Theory” của Stanley R. Barrett (tr. 15), University of Toronto Press, 1984
[13] Thực tế là quá trình này diễn ra một cách không bắt buộc nhưng rất khó để mỗi con người, mỗi quốc gia hay nền văn hoá có thể cưỡng lại. Bhutan là quốc gia cuối cùng trên thế giới tham gia vào quá trình này với việc tiếp nhận truyền hình và tham gia vào mạng lưới internet toàn cầu vào đêm trước của thế kỷ XXI. Xem bài: “Khai sáng ở Bhutan”, Tạp chí Tia sáng online 19/8/2010.
[14]  Thuật ngữ bản sắc văn hoá trong tiếng Việt thường được dịch sang tiếng Anh là cultural identity.
[15] Bùi Thế Cường, trong Đề tài KX.02.10 “Các vấn đề xã hội và môi trư­ờng của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa” (2001-2005). Xem: http://phucdinhhong.wordpress.com
[16] Theo Karl Beckson và Arthur Ganz (1990), Literary Terms, a Dictionary, André Deutsch Limited, London.
[17] Có nhiều người có công đóng góp vào sự hình thành của ký hiệu học nhưng Ferdinand de Sausure được cho là cha đẻ của bộ môn ký hiệu học cùng với Charles Sander Peirce.
[18]  Tổng hợp từ  Bách khoa thư tiếng Anh: http://www.britannica.com/EBchecked/topic/534099/semiotics
[19] Chẳng hạn như các dấu hiệu của những người đi săn hay các quy ước về giới hạn (như cành cây, hòn đá…).
[20] Chẳng hạn các biểu tượng tôn giáo hay các biểu tượng dùng trong máy tính.
[21] Chẳng hạn những mảnh sọ người treo trong nhà ở người Iban cũng nhằm để tôn vinh chiến công giống như trong xã hội hiện đại, chiến công của các chiến binh được cụ thể hoá bằng cấp bậc và chức vụ, những ngôi sao trên quân hàm chính là một dạng phát triển cao hơn của ngôn ngữ biểu tượng.
[22] Clifford Geertz sinh năm 1923, là một trong những nhà nhân học thuộc thế hệ mở đầu của các trường phái nhân học Mỹ được đào tạo tại Đại học Harvard. Victor W. Turner (1920-1983): Tiến sĩ Đại học Manchester năm 1955. Davis Schneider (1918-1995) với trường phái Chicago về nhân học biểu tượng, Tiến sĩ tại Đại học Harvard năm 1949.
[23] Lược dịch từ: Scott Hammerstedt, Symbolic and Interpreter Anthropologies, trong trang của Đại học Alabama: http://anthropology.ua.edu/.
15/2/2012
Đinh Hồng Hải
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...