Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Kim Long có gái mỹ miều

Kim Long có gái mỹ miều

Thuyền nan đủng đỉnh sau hàng phượng,
Cô gái Kim Luông yểu điệu chèo
Nam Trân

Vào cuối thế kỷ XIX - đầu XX, Nguyễn Phúc Bửu Lân (1879-1954), con vua Dục Ðức và bà Từ Minh Hoàng hậu Phan Thị Điểu, nhờ khôn khéo của thông ngôn Diệp Văn Cương cạnh khâm sứ Rheinart được đưa lên ngôi vua lấy hiệu Thành Thái, Hoàng đế thứ 10 triều Nguyễn (1889-1907) lúc 10 tuổi. Ông là một nhà vua được đánh giá là người cầu tiến, yêu nước và vì chống Pháp, từng bị chính phủ bảo hộ quản thúc ở Vũng Tàu, rồi đày sang đảo La Réunion 31 năm (1916-1947) đồng thời với con là vua Duy Tân.

Ngày còn tại vị, Ngài rất bình dân, gần gũi dân chúng, không ngần ngại cải dạng rởi hoàng cung ra ngoài thành dạo chơi trong dân gian, vui vẻ chuyện trò với thường dân. Để qua sông Hương, Ngài phải lấy đò vì cầu Thành Thái tức cầu Trường Tiền khá xa Kim Long và đi đò có cái thú đặc biệt của nó, nhất là cho một ông vua ngày ngày như bị cầm giữ trong cung cấm. Thế là Ngài bước lên đò chùng chình suýt té nhưng đôi má ửng hồng như cánh sen, dáng bộ tha thướt yêu kiều, quý phái của cô lái đò tuổi đôi mươi không ngớt quyến rũ cặp mắt liến thoắng của chàng trai. Tuy quen cách đối xứ với các công nương trong nội, lòng xao xuyến, Ngài không khỏi thẹn thùng trước điệu bộ của cô gái quê mộc mạc và đánh bạo thổ lộ tâm tư của mình qua một câu hỏi bâng quơ như trò chơi, không chờ đợi một câu trả lời nào: Nì o tê, có ưng lấy vua không, (Cô kia, có muốn lấy vua không?) tôi sẽ làm mối cho o! Sau giây phút ngỡ ngàng trước câu hỏi thình lình, thảng thắn, nói chơi của người lạ mặt qua đường, cô gái ngại ngùng mặt càng đỏ thêm, rồi lễ phép cúi đầu lẩm bẩm để cho qua chuyện, không có chút nghiêm nghị: Đừng nói bậy, vua đem chém đầu. Thấy cô gái thật thà, đáng yêu, Ngài khuyến khích cứ bằng lòng đi để xem ra sao, cô gái đánh bạo trả lời: Dạ ưng! (đồng ý) rồi phá lên cười, để lộ một hàm răng đen lánh khêu gợi. Lập tức chàng trai ra dành lấy mái chèo: Rứa thì để Trẫm chèo đưa quý phi về cung! Thế là vua đưa cô về bến Nghinh Lương ở Phu Văn Lâu, vào Đại nội, đi dạo vườn Thượng uyển... như trong một giấc mơ. Không biết chuyện thực hư ra sao nhưng những cô gái Huế lãng mạn thường thích kể lại như một giấc mơ thần tiên.
Kim Long có gái mỹ miều
Trẫm thương trẫm nhớ, trẫm liều trẫm đi...


Ðể sinh sản những cô gái vui tính và dễ thương như vậy, đất Kim Long ắt phải có địa hình tốt đẹp mà chúa Nguyễn Phúc Chu tức chúa Thượng cảm thấy và, sau Ái Tử (1558-1570), Trà Bát (1570-1600), Dinh Cát (1600-1626), Phước Yên (1626-1636) là những nơi các vị tiền bối đã đóng đô, năm 1636 cho dời kinh đô đến đó. Kim Long trở thành thủ phủ đầu tiên của các chúa Nguyễn, tọa lac trên tả ngạn sông Hương, đối chiếu với đồi Long Thọ bên kia hữu ngạn. Thế đồi nầy được cho là đặc thù phong thủy khóa giữ thượng lưu sông Hương và được các nhà địa lý gọi là kiểu đồi thiên quan địa trục, nghĩa là trổ cửa lên trời và là trục xoay của các vùng đất (Ðại Nam nhất thống chí). Ðứng từ kinh thành Huế nhìn theo ngược dòng sông lên nguồn dưới chân trời, khách ngắm đồi núi tiếp nhau từng dãy, màu sắc thay đổi tùy nắng mưa, khi xanh đậm, khi xanh lạt trông như bức tranh sơn thủy bốn mùa. Hai bên sông, hai ngọn đồi mạnh dan vững chân án ngữ: một bên là ngọn đồi Thiên Mụ (Hà Khê) với tháp Phước Duyên, bảy tầng ngất ngưỡng như chọc thủng trời xanh để đưa xuống những nguồn phúc lộc, và bên kia hữu ngạn là mô đất Long Thọ, trường sinh bất tử. Mô đất này cũng có những đặc tính nhiệm màu kỳ lạ mà sau này các thầy địa lý của triều đình Việt Nam cũng công nhận. Vì nó án ngữ nguồn chảy của sông Hương, tưởng như nó đang gối đầu lên dòng nước và nghiêng nghiêng đối diện với đồi Thiên Mụ tạo thành một thế phong thủy gọi là cánh cửa thông thiên và trục xe địa phủ (Ðỗ Trinh Huệ dịch). Núi và sông ôm lấy nhau để tạo nên cảnh trí thơ mộng như cụ Tả Ao giải thích trong sách địa lý gia truyền: có núi mà không có nước là cô sơn, ngược lại có nước mà không có núi sẽ thành cô thủy (Hữu sơn vô thủy, vị chi cô sơn, Hữu thủy vô sơn, vị chi cô thủy).Tốt nhất vừa có núi vừa có sông nước liền nhau để núi nghênh thủy (sơn cố thủy) và thủy in bóng núi (thủy cố sơn) mới thật là đất tốt (dung kết chi địa dã).


Vua Thành Thái với anh em và 
hai thứ phi Giai Triệu, Chi Lạc
Vậy Kim Long có đủ yếu tố sơn thủy như cụ Tả Ao nêu. Mà thủy ở đây đủ thế tĩnh và tụ nên sinh ra người trong vùng thanh lịch, giàu có (thủy tĩnh nhân tú, thủy tụ nhân phú) khác với chỗ nước xoáy xô bồ ào ạt, hoặc nước chảy rì rào như tiếng khóc tỉ tê suốt ngày sẽ sinh ra kẻ bần tiện, đói nghèo (thủy trọc nhân mê, thủy khứ nhân bần). Thật vậy, đây là đất Kim Long từ khi trở thành thủ phủ. Sau này, khi dời về Phú Xuân (cũng nằm bên tả ngạn sông Hương), Kim Long chỉ còn để lại các tên đất gợi nhớ thời lập phủ như: Thượng Dinh, Trung Dinh, Hạ Dinh, Cồn Kho, Mô Súng, vườn Nghênh Hôn... và các hậu duệ ông hoàng bà chúa làm nhà thờ, lập vườn hoa trái thành một vùng ngoại ô xinh đẹp. Tại đây, vua Thành Thái đã đến góp một trang tình sử. Kim Luông dãy dọc tòa ngang. Em chèo một chiếc thuyền nan về Sình. Đôi lứa mình lỡ hẹn ba sinh. Có mần răng đi nữa cũng hãy trọn tình với nhau. Dãy dọc tòa ngang nhắc nhở thời Kim Long thủ phủ của các chúa Nguyễn. Nhưng thủ phủ không chỉ là nơi giao lưu văn hóa mà còn là trung tâm hành chính, quân sự đất Nam Hà. Nhà truyền giáo Alexandre de Rhodes, tác giả cuốn tự điển Việt-Bồ-La, mô tả quang cảnh Kim Long như một thành phố lớn, đông đúc dân cư, nhà cửa, phố xá, chợ búa, bến nước và buổi lễ đón tiếp những người Tây Ban Nha, những nữ tu và bản thân ông vào một buổi chiều tháng 2.1645 bên bờ sông Hương. Chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan mời Alexandre de Rhodes và những người trong đoàn bữa tiệc theo cung cách cung đình với rất nhiều món ăn sang trọng. Yến tiệc được bày ra với các vũ nữ Kim Long vây quanh biểu diễn các điệu múa điêu luyện khiến những người Tây Ban Nha có mặt phải trầm trồ khen ngợi. Ðến khi trời sập tối, chúa ra lệnh thắp đuốc sáng rực khắp dinh. Sau đó, chúa đã cho diễu binh trên bộ với khoảng 6000 binh lính và dân chúng tham gia đi rợp cả Kim Long, cùng lúc dưới nước 20 chiến thuyền tập trận trông rất ngoạn mục.

Cô lái đò Kim Long vào nội cung, làm quý phi của Vua Thành Thái. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, đây chỉ là giai thoại do dân gian tạo ra chứ kỳ thực, vua Thành Thái mê muội một kiều nữ đất Kim Long con gái út của Vĩnh Quốc Công Nguyễn Hữu Ðộ. Bà tên Nguyễn Hữu Thị Nga, sau này được nhà vua đưa vào cung, phong làm huyền phi, sinh hạ được hai người con... Còn có một bà phi nữa được nói đến nhiều là bà Dương Thị Ngọt được xếp vào bậc cửu giai tài nhân tức là bậc cuối cùng trong số 9 bậc. Bà Dương Thị Ngọt là con gái ông Dương Quang Xứng, một vị quan trải qua nhiều đời vua triều Nguyễn. Cùng với con đường thăng tiến của ông Xứng, đến chức Bố chính tỉnh Khánh Hòa, bà Ngọt từ một cô thôn nữ quê mùa bỗng trở thành một bà trong cung cấm là chuyện dễ hiểu nhưng bà có một số phận hết sức bi đát, sinh ra bên dòng sông mối tình sử Ô Lâu. Theo lời kể cua một người cháu, vua Thành Thái không để tóc dài như các vua khác mà đã cắt tóc ngắn. Một hôm, sau khi đã cắt tóc xong, vua dạo một lượt qua các bà phi, hỏi xem có đẹp không. Bà nào cũng khen đầu vua đẹp. Chỉ riêng bà Ngọt đã không khen lại còn buột miệng bảo: Trông giống như kẻ cướp ấy. Mất thể diện, vua nổi giận, liền buộc tội xử trảm bà Ngọt. Dù vậy vua vẫn lo cho lễ mai táng bà chu đáo, theo đúng nghi thức xứng với một bà vua. Đám tang bà Ngọt được đưa từ Huế về Quảng Trị bằng đò theo đường sông Ô Lâu, về cập bến chợ Hôm, huyện Phong Điền, Thừa Thiên Huế. Từ chợ Hôm, người ta gánh bộ quan tài bà Ngọt đi trên chiếu hoa rải cho đến tận thôn Hội Kỳ, bên kia sông Ô Lâu là thôn Mỹ Cang làng ngoại của mạ tôi. Chi phí mai táng, xây dựng lăng tẩm, nhà vua chịu hết. Vua còn cấp cho 4 người từ phu coi lăng, mỗi người được cấp 3 sào ruộng miễn thuế và ngoài ra còn được miễn các thứ sưu dịch. Bia mộ trong lăng của bà đặt tại thôn Hội Kỳ, Hải Chánh đã ghi rõ tên thụy của bà là Thục Thuận.

Sau cùng vua Thành Thái còn có hai bà thứ phi sống với ông suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion, cũng như những năm cuối đời ở Sài Gòn. Đó là bà Giai Triệu và bà Chi Lạc. Bà Giai Triệu là mẹ của Hoàng nam Vĩnh Chương. Theo huyết thống thì ông phải gọi hai bà là cô. Hai bà có tên thật Công Tằng Tôn Nữ Nhàn và Công Tằng Tôn Nữ Mừng, chắt nội của tiên đế Minh Mạng. Trong hoàng tộc, vị thế của hai bà sánh ngang với bên nam giới có chữ lót Ưng. Theo một số ghi chép, để hợp pháp hóa cuộc hôn nhân cô cháu này, hai bà phải đổi sang họ Hồ rồi cuối cùng là họ Nguyễn Công. Bia mộ của hai bà hiện nay ở An Lăng cũng được khắc với họ Nguyễn Công. Hai bà đã chung sống và tận tụy với Thành Thái suốt thời gian bị lưu đày ở đảo Réunion nên được cựu hoàng yêu mến. Trong thời gian ở đảo Réunion, bà Giai Triệu sinh thêm Vĩnh Giêu. Còn bà Chí Lạc sinh cho cựu hoàng 5 con trai: Vĩnh Lưu, Vĩnh Quỳnh, Vĩnh Khôi, Vĩnh Giu, Vĩnh Cầu. Chuyện kết hôn trong nội tộc làm ta liên tưởng đến chế độ hôn nhân bảo thủ, phản động thời Trần do lo sợ ngoại thích, nhưng ở triều Nguyễn, tình huống hi hữu này đã xảy ra dưới thời Thành Thái... Dù hậu cung không hùng hậu như thời Minh Mạng, nhưng chuyện các bà vợ của vua Thành Thái cũng phát sinh thật nhiều giai thoại! Đó có thể là những cái kết bi ai của chốn hậu cung cay độc, cũng có thể là câu chuyện dân gian nhẹ nhàng và có hậu, đi vào lòng người bước qua thăng trầm lịch sử...


Thành Thái là một nhà vua ham học, cả chữ Nho lẫn chữ Pháp, cắt tóc ngắn, mặc âu phục, lái xe hơi,... nói chung sống trong bầu văn minh phương Tây. Không ưa xu nịnh, ông bị thực dân Pháp nghi ngại như khi cậy họa sĩ Lê Văn Miến vẽ hình mẫu các khẩu súng. Lúc rảnh rổi Ngài thích dạo chơi, về sau muốn tận mắt chứng kiên cuộc sống của nhân dân, đồng thời xem mặt những giai nhân có tiếng trong vùng. có khi cải trang thành thư sinh hay nhà sư khất thực. Theo truyền thuyết, Ngài chiêu nạp được 4 đội binh nữ, mỗi đội 50 cô. Sau khi luyện tập quân sự thành thục, 50 nữ binh ấy được giao trả về gia đình, đợi khi cần thì nhập ngũ chống Pháp, sau đó tuyển thêm 50 nữ binh mới. Người ta cũng còn kể chuyện vua có cách tuyển binh rất đặc biệt. Ông thường đích thân mang ngự lâm quân ra khỏi hoàng thành, đến những nơi có phụ nữ đẹp đưa họ về cung, sau một thời gian lại thả về nhà. Những cô gái đó được nhà vua tổ chức thành đội quân tóc dài. Nhà vua tự bỏ tiền ra lo chi phí, ăn ở cho đội nữ binh, cho ăn mặc áo quần theo kiểu riêng và hàng ngày chăm lo luyện tập võ nghệ. Việc tuyển mộ và huấn luyện được tổ chức bí mật. Ðể cho chắc chắn, Ngài cho lính cận vệ thân tín đến tiếp xúc họ và gia đình. Nếu được chấp thuận, vua cho dàn cảnh bắt cóc, chỉ định hẹn ngày giờ và địa điểm gặp gỡ, rồi lính cận vệ, hoặc chính nhà vua đem xe song mã đến đón đưa vào cung cấm. Cũng để bảo mật, các cô gái gọi là bị bắt cóc thường được đưa vào cung bằng cửa Hữu của Thành nội, gần làng Kim Long. Con đường chạy dọc theo bên ngoài Hoàng thành dẫn đến cửa Hữu rất vắng vẻ vào ban đêm, hai bên đường lại không có nhà cửa của dân chúng. Vua còn ngụy trang cho tổ chức ở Đại nội các chợ bán vải do các nữ binh ấy dệt trong cung. Một mặt, nhà vua dễ dàng lừa thực dân, mặt khác để cho nữ binh có công việc, trang trải chi phí.

Những hành động khả nghi của nhà vua không qua mắt Thượng thư bộ Lại Trương Như Cương thường xuyên mật tấu lên Tòa khâm sứ. Lấy cớ Ngài không chịu phê chuẩn những đề nghị thăng quan một số tay sai, khâm sứ thấy phải hạ bệ nhà vua, bảo Thành Thái mắc bệnh điên, buộc phải thoái vi, tước quyền phê chuẩn, giao lại cho Hội đồng Thượng Thư: hai chính phủ đã quyết định như vậy để bảo vệ lợi ích của quốc gia, cũng như chính bản thân nhà vua! Biết trước sẽ thua cuộc, ngày 2.9.1907 Ngài thản nhiên phê chuẩn vào chiếu thoái vị rồi từ bỏ ngai vàng ra đi. Từ đây, Ngài khuây khỏa nổi buồn ở chốn Kim Long, từ ngày hết còn thủ phủ vùng trở nên đất hứa cho việc an cư sinh tư thất của các hoàng tử, công chúa, công thần, khanh tướng. Kim Long một vùng đất quyền quý nổi danh với những vườn phủ đệ và sinh thành nhiều giai nhân, vẫn còn bảo lưu hàng chục vườn phủ đệ có kiến trúc nghệ thuật độc đáo như: Phủ Ðức Quốc Công, Cẩm Xuyên quận vương, Diên phúc trưởng công chúa, Khoái Châu quận công... và nhiều nhà vườn của các gia đình danh gia vọng tộc như An Hiên, Thường Lạc Viên, Xuân Viên Tiểu Cung, Tĩnh Dật Cơ, Phú Mộng Viên... Những ngôi nhà vườn ở Kim Long thể hiện sự kết hợp giữa kiến trúc (ngôi nhà) và cảnh quan (khu vườn) một cách dụng ý tạo thành một không gian sống theo tính cách Huế với những yếu tố tuân theo quy luật phong thủy, bao gồm cổng ngõ, hàng rào, bình phong, hòn non bộ, bể cạn, sân, nhà chính, nhà phụ và vườn. Có thể nói kiến trúc nhà vườn Kim Long giống như một Kinh thành Huế thu nhỏ, với bình phong thay núi Ngự, bể nước thế dòng sông Hương, hòn non bộ, hang động, thác nước, các loại cây cảnh, hoa và cây ăn quả... mang nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật đặc sắc.


Từ những giá trị độc đáo về mặt kiến trúc nghệ thuật, lịch sử văn hóa của hệ thống nhà vườn Kim Long, chính quyền địa phương đã và đang thiết kế những mô hình khai thác sản phẩm du lịch nhà vườn một cách có hiệu quả, đặc biệt là loại hình du lịch sinh thái cộng đồng, hứa hẹn sẽ là những điểm đến lý tưởng với du khách trong nước và quốc tế. Ngoài việc chuẩn bị chỗ ăn, ngủ chu đáo, du khách sẽ ở chung và sinh hoạt chung với người dân địa phương như thành viên trong gia đình, thông qua những hoạt động cộng đồng đó để trải nghiệm các giá trị sống và văn hóa làng cổ Kim Long. Vườn hợp thể với kiến trúc, che bớt những đường nét khô cứng, hạn chế của công trình, tạo nên sự hòa hợp với cảnh quan thiên nhiên. Nét đặc trưng của nhà vườn Kim Long là tính pha tạp, đa chủng loại một cách có tính toán với các hệ cây trồng phù hợp với điều kiện khí hậu xứ Huế với những loài rau có thể sử dụng chế biến các món canh giàu chất dinh dưỡng trong các bữa cơm gia đình; những cây hoa phục vụ cho các buổi lễ cúng kỵ diễn ra thường kỳ tại nhà vườn; hoa lấy hương; cây dược liệu để trị bệnh hay làm gia vị; cây cảnh tạo thế, cây ăn trái... Ngoài ra, gia chủ cũng kết hợp trồng các loại cây lấy gỗ nguyên liệu xung quanh vườn để tạo bóng mát quanh nhà. Ngày nay, cho dù diện mạo nhà vườn Kim Long đã có những thay đổi trong quá trình đô thị hóa, vẫn còn đó những ngôi nhà vườn danh tiếng hàm chứa biết bao điều kỳ bí cần phải khám phá, để du khách được cảm nhận một cách trọn vẹn thần thái, lối sống của người Huế. Nhà vườn ở Kim Long thành hình do tài năng, trí tuệ và công sức của những người thợ tài hoa và sử dụng những vật liệu địa phương quý hiếm, nó không chỉ là thành tựu của sự chọn lọc những giải pháp tối ưu trong xử lý kỹ thuật mà còn là một tác phẩm nghệ thuật về kiến trúc đã được đúc kết và hoàn thiện qua nhiều thế hệ.
Phần lớn ảnh chụp ở tư thất An Hiên của bà Lan Hữu.
Tiết Thanh Minh 2019
Võ Quang Yến
Theo http://chimvie3.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...