Lằn ranh cuộc đời…
Tôi sinh ra giữa lằn ranh Đàng Trong và Đàng Ngoài,
rất xa kinh kỳ nghìn năm văn hiến và Sài Gòn đổi thay từng ngày. Cái cù lao giữa
nguồn Son và nguồn Nậy của sông Gianh quê tôi một thời không thuộc Chămpa,
không thuộc Đại Việt, không phải Đàng Trong chẳng phải Đàng Ngòai… Một thời
chúa Trịnh, chúa Nguyễn lãng quên… Nhưng bốn mùa cái cù lao ấy vẫn đón nhận phù
sa phía thượng nguồn và mở cửa nhìn ra biển cả. Giữa bốn bờ sông nước ngọn lửa
khát vọng tự do vẫn bùng cháy trong tôi…
Tôi lớn lên trong thiếu thốn và sống chung với cái đói, không
đủ khôn ngoan để nghĩ rằng cái chữ có thể thay đổi được cuộc đời. May thay số
phận đưa đẩy cho tôi học như là niềm vui duy nhất của một người không tìm được
nguồn vui nào khác... Những ngày đông buốt trên đất Cố đô còn làm tôi giật mình
khi nhớ lại, sống lại với cơn đói không thể đói hơn của những năm 1979-1982. Cố
học, nhưng chữ nghĩa cũng không giúp tôi bước qua được lằn ranh của kẻ
có chữ vượt ngưỡng trở thành kẻ có cơm, có tiền. Những người tự sắm cho mình
con chữ mà không phải cướp giật được gì ngòai sự tử tế của chữ nghĩa có lẽ đều
phải như vậy?
Rời xứ gió đông bắc để đón nồm tây nam tôi mới biết xứ Vũng
Tàu cũng là đất lằn ranh của Chămpa và Chân Lạp. Nhiều thời, nhiều
trăm năm hoang đảo này cũng không thuộc về ai cả. Là nơi hội tụ cư dân 61 tỉnh
thành Việt, xứ biển Ô cấp dường như lúc nào cũng là “thành phố lạ”.
Tôi đã ra đi từ lằn ranh Trịnh Nguyễn, đến lằn
ranh của Huyền Trân Công Chúa rồi bước tiếp tới lằn ranh của
công nữ Ngọc Vạn… Ngày trước, tôi không đủ khôn ngoan để nghĩ rằng cái chữ có
thể thay đổi được cuộc đời, còn bây giờ vẫn loay hoay khi biết chắc chắn rằng
cái chữ không thể thay đổi được cuộc đời.
Giữa bốn bề sông nước Vũng Tàu, ngọn lửa khát vọng tự do vẫn
tiếp tục cháy trong tôi… Cho dù tôi vẫn ở giữa các lằn ranh của số phận,
của từng dãi đất và con nước thủy triều, của các sắc thái văn hóa, của thời cuộc,
của danh phận và lằn ranh của chính mình… Nhưng phù sa phía thượng
nguồn vẫn trôi về biển cả mà không chia lằn ranh nào…
7/2/2007 Đinh Văn Hạnh
7/2/2007
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét