Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2022

Đi trong sương khói quê nhàXXXX

Đi trong sương khói quê nhà

Người nghệ sĩ bởi chưng lòng hoài tưởng nên thường thả mộng ven trời. Tưởng là để làm sống dậy những hồi quang êm ái từng chảy qua bao mùa khai hội. Nhớ là để về tắm gội bên dòng sông xưa, hay lặng nhìn cây đa, bến nước đậm  nghĩa cũ tình quê. Nhớ chiếc lá trầu không rơi đầy trước sân nhà  và tưởng niềm bâng khuâng xao xuyến bên giếng làng với người em gái nhỏ gánh nước dễ thương… mà đan dệt giấc mơ nhiều thanh sắc. Có lẽ trong bảng lảng khói sương ấy không thể nào mà nhớ mà thương cho hết!
 
Phảng phất ý thiền
 
Nguyễn Nhã Tiên nhiều lần tỏ bày: “Mình rất thích gọi hai chữ thi sĩ. Vì thi sĩ hồn nhiên nhất và trong trẻo nhất”. Anh xuất bản 4 tập thơ, tiêu biểu như Cõi về (NXB Đà Nẵng 1997) và Hồi âm của lá (NXB Hội nhà văn 2003)… Chặng đường thi ca anh từng gặt hái nhiều quả ngọt. Tuy nhiên, có lẽ anh vui nhất là khi được Thiền sư Nhất Hạnh chọn bài Khúc quê để đưa vào chương trình bình thơ dịp đón xuân Quý Tỵ ở Đạo tràng Mai thôn (Làng Mai), với chủ đề “Bếp lửa hồng”. Câu thơ mở đầu như sức ngân vang dội từ miền sâu thẳm: “Em va gàu vào giếng khuya gọi ngàn đêm thức giấc”. Con người mãi lầm lũi trong vô minh. Va gàu vào giếng khuya như thỉnh một hồi chuông tỉnh thức. Va - như tụng một lời kinh không gợn niềm lưu luyến cầu mong. Nó thường tại nhi nhiên. Kinh Thủ Lăng Nghiêm tán dương 14 công đức vô úy, trong đó “Hễ quán nghe âm thanh, liền đặng giải thoát”. Chỉ với một câu mở đầu, Nguyễn Nhã Tiên đã đánh thức bao nỗi niềm!
 
Đối với văn hóa Việt Nam, hình ảnh của ngọn lửa thắp từ “Bếp lửa thức xa xôi rực đỏ một góc trời” thường đi đôi với hình ảnh gánh nước “nước tràn mái, tràn thùng, em gánh tiếp niềm tin”. Gánh nước đêm ba mươi là một mỹ tục như lời cầu phúc cho năm mới bội thu mùa màng, của cải làm ra tràn đầy như nước đổ vào nhà. Thầy Nhất Hạnh phẩm bình: “Điều này người nào cũng làm được. Bất cứ người nào dù nghèo cách mấy cũng có thể gánh thùng đi gánh một đôi. Đó là điều bình đẳng… Người giàu cũng nước đó. Người nghèo cũng nước đó. Vậy nên nhìn vào cái giếng chúng ta có thể thấy đó là một vị Bồ Tát không kỳ thị, không phân biệt, là một nguồn sống, nguồn hạnh phúc cho làng…”. Còn trong câu kết Khúc quê: “Có tiếng gàu ai bỏ quên ngoài giếng”. Giáo pháp của đức Phật như chiếc bè qua sông, là “ngón tay chỉ trăng”, là chánh pháp còn phải bỏ huống là phi pháp. Tiếng gàu ai bỏ quên là một âm hưởng đã biến chuyển. Bỏ quên không phải là không nhớ, hay nói một cách khác, nhớ cái chẳng có thể quên được và nhớ cái chẳng có thể nhớ được, vì tất cả đã dịch chuyển, vô thường... Bởi thế, tuy cách xa muôn trùng nhưng nhà thơ vẫn cứ tưởng, cứ nhớ rồi khẽ chạm vào mình mà ngân rung mãi khúc quê mùa tinh khôi. Đời thơ mà có được một bài thơ chạm vào bao trái tim của kẻ ly quê như thế, Nguyễn Nhã Tiên quả thật hạnh phúc! Anh cũng là người yêu quý đặc biệt tài thơ Phạm Hầu với những bước chân đi không để dấu trên đường: “Muôn đời e vẫn còn vương vấn/ Một sắc không bờ trên biển xa”. Như để sẻ chia chút tình hoài mộng thi sĩ Nguyễn Nhã Tiên trong “Dấu phù vân” với dấu chấm nhỏ mong manh của kiếp phù sinh, kịp khẽ: “Chưa đốt mà tôi khói/ Bay giữa trời mênh mông”. Có dịp nào đó chúng ta thử lay rèm cửa bước nhẹ vào vườn thơ Nguyễn Nhã Tiên, sẽ bắt gặp rất nhiều sương khói lung linh.
 
Dòng sông thi sĩ
 
Đọc văn Nguyễn Nhã Tiên cũng có cái thú như đọc thơ. Phần lớn mạch văn anh bồi hồi lai láng chảy qua những triền dốc hồi ức, nếu chúng ta lướt nhanh sẽ không dễ nhận ra đâu là bến là bờ. Ví thử anh vừa mới xúc cảm ngọn núi xanh lơ, thoắt chốc lại bồi hồi xao xuyến góc bến sông quê. Ta vừa thấy anh nhớ sông dài lại vội vàng chạy ra ngắm mưa Đà Nẵng, lại nhanh chân về nhặt lá vàng phai ở quê nhà… Những cảm xúc  qua các tản văn, bút ký anh  thể hiện cũng rất đa dạng. Ai có dịp ngồi với anh sẽ được nghe anh kể bằng những cung bậc như  truyền thuyết - sử thi, huyền thoại - cổ tích, mây trắng - khói sương… mà trong từng mạch cảm lóng lánh như thơ. Tôi từng say sưa những trang bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông, Đứa con phù sa… của Hoàng Phủ Ngọc Tường không biết bao nhiêu lần. Mỗi lần đọc lại gieo những cảm xúc mới lạ. Và tôi đã từng xem nhiều lần tản văn Dòng sông thi sĩ của Nguyễn Nhã Tiên, tôi rất thích cái cách đặt tên. Anh viết: “Mỗi lần Lễ hội Quán Thế Âm tổ chức hàng năm đều có dòng sông Cổ Cò dự phần, một dự phần có vẻ thi sĩ nhất. Sông mà thi sĩ ư? Có đấy! Đến cây lá cũng thi sĩ nữa huống là sông: Cái cây thi sĩ vô tình đã/ Biên những dòng thơ lá “bẽ bàng” (Phạm Hầu). Tôi chắc anh phải hiểu và thương lắm mới bật ra những âm vang quyện chặt đến nhường thế. Mỗi mùa lễ hội Quán Thế Âm tôi thèm nghe những thanh âm: “Dòng sông thi sĩ của tôi ơi…, người đã truyền tâm cảm ấy tự bao giờ để tôi ngâm hoài không dứt về một cố hương xa thẳm - nơi sông lấp, sông bồi mà tình yêu ngày ngày cứ mỗi lên xanh”.
Ngoài dòng sông thi sĩ Cổ Cò còn có một dòng sông thi sĩ lớn hơn, bọc ôm tất cả. Đó là sông mẹ Thu Bồn. Một lời ru hằng cửu của nhà thơ Thanh Quế từng vỗ mái chèo: “Trước nhà em sông Vu Gia/ Sau nhà em lại cũng là dòng sông”.  Nói “cái sau” là để nói sông Thu Bồn bao giờ cũng kỳ vĩ hơn. Còn đọc tản văn Dằng dặc Thu Bồn tôi không biết cái trống tuồng Nguyễn Nhã Tiên dẫn ra có thật hay không, nhưng tôi rất thích. Chuyện kể, một trận lụt đã cuốn trôi cái trống tuồng của gánh hát bội làng Mỹ Lưu, rồi cứ thế theo con nước, cái trống kỳ diệu ấy tấp vào bến bờ nào thì nơi ấy khai sinh ra đoàn hát bội. Tuồng - hát bội, là văn hóa. Mà dòng sông văn hóa từ Trung Phước, Đại Bình, Bàu Toa… chảy xuống Hội An sản sinh không biết bao nhiêu văn nhân thi sĩ… Thời Thơ mới vùng Gò Nổi có Phạm Hầu, Xuân Tâm, Hằng Phương; vùng Giao Thủy có Võ Quảng; đi tiếp đến Hòn Ngang có Trinh Đường; chưa hết miệt Vu Gia có Nam Trân; từ vùng Trung Phước xuống Duy Xuyên có Bùi Giáng, Tường Linh, Tạ Ký, Ý Nhi… Đứng trước trời cao bể rộng sông dài lòng thi sĩ, sông thi sĩ quyện làm một. Một là tất cả. Giữa đất trời mênh mang kêu dài một tiếng, lạnh cả bầu trời (Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư - Không Lộ thiền sư).
 
Lời kết
Trong trang blog của một người làm thơ trẻ, Nguyễn Nhã Tiên nhắn gửi: “Đừng bao giờ giả dối, người trẻ khởi hành nghề viết bằng những chất liệu chân thực… Đích thực của đời sống thi ca, vốn là “bào thai”, những bờ bụi, những phù phiếm sẽ rơi rụng và không tồn tại”.
 
Nhà thơ NGUYỄN NHÃ TIÊN còn có bút hiệu khác là Dã Châu. Sinh 9.10.1952, tại Phường Đông (Mỹ Hảo), xã Đại Phong, huyện Đại Lộc,Quảng Nam, hiện ở tại TP.Đà Nẵng, viết báo và làm thơ.
Hội viên Hội Nhà văn TP.Đà Nẵng.
Tác phẩm: Thơ cho người (Gió mới - 1972), Mênh mông quê nhà (Nxb Đà Nẵng-1996), Cõi về (Nxb Đà Nẵng-1997), Khúc hồi âm của lá (Nxb Hội Nhà văn-2003), Ngày bắt đầu truyền thuyết (Nxb Đà Nẵng-2004), Đi tìm huyền thoại cho đất (Nxb Hội Nhà văn - 2015).
Các giải thưởng: giải Thơ của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam (2004); iải 5 năm VHNT của UBND Đà Nẵng (2005); giải Nhất thơ Đà Nẵng (1998, 2003); giải A của Hội VHNT Đà Nẵng (2004); Giải thưởng truyện ngắn của Tạp chí Sông Hương (2000)… 
11/1/2017
Đình Quân
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...