Thứ Bảy, 30 tháng 7, 2022

Về phốXXXX

Về phố

Dễ thường, chị xa phố đã gần mười năm. Ngày chị đi, phố vẫn còn ngủ yên, không như bây giờ, là khu du lịch phố cổ nổi tiếng, khách tây, khách ta luân phiên ra vào nườm nượp. Lúc đó, Quỳnh hãy còn nhỏ lắm, ngày cưới của chị, vẫn bộ váy xanh áo trắng đồng phục đi học thường ngày, tay còn lấm đầy mực xanh, chạy lăng quăng quanh xóm khoe: "Đám cưới chị tao, anh rể tao từ Mỹ về nhe, mai mốt chị tao qua Mỹ ở luôn!" trước những cặp mắt thán phục của tụi bạn cùng xóm. Đâu biết lần đó chị đi là suốt những đêm tiếp sau, Quỳnh ôm gối khóc vùi vì thiếu hơi mồ hôi nồng nồng của chị, cái gường hai chị em vẫn ngủ chung bỗng rộng thênh thênh... Và suốt khoảng thời gian từ một con bé chuyển thành thiếu nữ, Quỳnh chẳng có chị để thủ thỉ chuyện này chuyện nọ mỗi lúc đi học về, thư của chị thì họa hoằn mới nhận được, chỉ toàn là chuyện chồng con và nỗi nhớ của người xa phố. Phố trong tiềm thức của chị, với những nếp nhà cũ kỹ, mái ngói âm dương đọng rêu xanh rì, chiều chiều có tiếng rao lục tàu xá khàn khàn đầu ngõ, kèm theo tiếng mõ khua lốc cốc... Không phải phố của bây giờ, hàng ăn, hiệu vải bảng hiệu kẻ chữ lòe lọet, ồn ả, náo nhiệt...
 
            Quỳnh tròn mười tám tuổi và nhận được tin chị về thăm. Tin một người từ Mỹ về đối với phố bây giờ không còn là tin sốt dẽo như cách đây mấy năm nữa, khi thông thương còn khó khăn và cuộc sống còn cực khổ. Cả nhà Quỳnh nôn nao và tự nhiên Quỳnh thấy thương chị hơn bao giờ hết, một thứ tình cảm dường như âm ỉ trong Quỳnh từ nhỏ mà Quỳnh chưa hề nhận ra. Quỳnh suốt ngày kể chuyện về chị đến nỗi Thông phát gắt lên: "Lúc nào cũng chị, Quỳnh làm như chỉ mình Quỳnh là có chị.". Quỳnh không thấy giận Thông, Thông làm sao hiểu được Quỳnh chỉ có mỗi mình chị. Ba đi làm xa cả tháng mới về, mẹ buôn bán suốt ngày ngoài chợ, chị là cả một thời thơ ấu của Quỳnh...
 
            Rồi chị cũng về đến phố, vào một ngày trời chớm mưa, những giọt mưa hòa lẫn với những giọt nước mắt tủi mừng hạnh ngộ trên má chị. Mẹ ôm lấy vai chị, nghẹn ngào: "Con tôi..." rồi nức nở. Ba vui lắm, mấy năm gần đây ba không được khỏe, lập cập huơ huơ chiếc gậy cầm tay trên nền gạch: "Hai đó hả con?". Chị vùi mặt vào vai mẹ mà khóc. Chỉ có Quỳnh, một mình đứng đó, ngỡ ngàng không thốt được một lời. Chị đấy sao, một người phụ nữ trung niên trắng mập, sang trọng đến xa lạ? Đến khi chị quay lại nhìn Quỳnh, đôi mắt ánh lên vẻ yêu thương một cách buồn rầu, chị thầm thỉ gọi Quỳnh: "Cún Con!" thì Quỳnh nhận ra chị ngay, chị của Quỳnh thật đây rồi. Bỏ qua những năm tháng cách biệt, bỏ qua hàng rào lối sống ngăn cách, chị lại là chị của Quỳnh ngày xưa, của những ngày cả hai chị em từng lóc ngóc ngồi chờ một tiếng rao lục tàu xá khàn khàn quen thuộc, chén lục tàu xá ngòn ngọt thơm lừng, vét sạch chén vẫn chưa đã thèm...
 
            Chị không về một mình, theo chị là thằng Cún Con gần ba tuổi, mắt tròn xoe, miệng ngọng ngịu mấy câu tiếng Anh chưa rõ lời. Chị ngượng ngùng phân trần: "Hai đứa lớn đi học, con dẫn thằng nhỏ về cho biết phố. Nó không biết nói tiếng Việt." rồi giải thích: "Con gọi nó là Cún Con để đỡ nhớ dì Út.". Quỳnh nghe mắt mình cay cay, trong Quỳnh đang lan tỏa một thứ tình cảm ruột rà ấm áp. Bất giác, Quỳnh đưa tay vẫy vẫy thằng bé: "Lại đây chơi với dì Út, Cún Con !" để được đáp lại bằng một ánh mắt dè chừng, sợ sệt. Tự nhiên Quỳnh thấy buồn, thằng bé là con của chị Quỳnh, là cháu ruột của Quỳnh, hoàn toàn không phải là người của một thế giới xa lạ nào khác, sao nó lại không giống Quỳnh và chị, lại chẳng nói chung một thứ tiếng nói của Quỳnh và chị, của bà con nội ngoại. Quỳnh không hình dung được trong ngần ấy năm chị đã xoay xở như thế nào để tồn tại, chợt thấy đau lòng kinh khủng, mà không thể diễn tả được rạch ròi những điều đang xảy ra trong đầu mình...
 
            Chị đòi Quỳnh đưa chị đi khắp nơi, thăm bạn bè cũ, luôn mồm hỏi thăm chỗ này chỗ nọ, người này người kia, ai còn ai mất... để rồi Quỳnh thấy chị như buồn hơn, trầm tư hơn. Chị đến thăm ngôi trường ngày xưa chị học, bây giờ cũng là trường của Quỳnh, nhưng chẳng tìm được người quen. Thầy Bách dạy Hóa, cô Tươi giám thị qua đời cách đây vài năm, các thầy cô khác người thì đã nghỉ hưu, người đã lưu lạc phương nào. Chị mừng đến phát khóc khi bắt gặp chiếc ghế đá cũ dưới hàng dương trước mặt cột cờ giữa sân trường, ngày xưa, giờ ra chơi chị hay ngồi hóng mát, nghe tiếng lá dương rì rầm trong gió, tiếc bây giờ hàng dương không còn, thay vào là mấy cây bàng uy nghi, sừng sững... Chị đi chợ với Quỳnh, gặp một chị bạn cùng lớp cũ đang bán hàng, ôm chầm lấy nhau giữa chợ không kể bộ áo quần lấm lem luốc của chị bạn. Hai người ríu ra đủ thứ chuyện, thật vui, và Quỳnh ngồi đó nghe hai chị nói chuyện, tự hỏi mười lăm, hai chục năm sau, Quỳnh và một đứa bạn nào đó của Quỳnh gặp lại, có sẽ như thế này... Đứa bạn đó chắc chắn sẽ không thể nào là Thông, Thông vốn không thích những trò mà Thông cho là tình cảm nhăng nhít. Không dưng, Quỳnh thấy buồn, nỗi buồn không nguyên cớ mà có thật, cố nén một tiếng thở dài...
 
            Phố vẫn thế, vẫn những nếp nhà cũ kỹ, mái ngói âm dương đọng rêu xanh rì, bây giờ hàng quán nhiều hơn, nhưng không còn là của ngày xưa. Chị dẫn Quỳnh đi quanh, cố tìm một gánh lục tàu xá nhưng không thấy. Ông lão bán lục tàu xá già yếu lắm rồi, đã nghỉ bán từ lâu. Cả bà lão hay gánh xí-mà ngang qua nhà, hồi nhỏ ít tiền, chị hay nhường cho Quỳnh, phần mình chờ Quỳnh ăn xong vét chén, mới hay là từ lâu bà lão đã không còn. Cuộc sống chung quanh bây giờ có nhiều điều xao động quá, đến chén xí-mà của tuổi thơ cũng bị Quỳnh lãng quên thì làm sao mà bà lão không bị người đời quên lãng. Chị chép miệng: "Hồi nhỏ thì không có tiền, bây giờ định bụng về ăn cho đã thì mới biết nhiều thứ đã không còn. Thế thì làm sao Cún Con của chị biết phố.". Cún Con, sau một thời gian theo bà ngoại, đã biết vòi dì Quỳnh, bập bẹ mấy câu tiếng Việt ngọng líu, lơ lớ, đã dám ra ngõ chơi với tụi nhỏ hàng xóm, cũng đùa giỡn, la hét ì xèo. Quỳnh nhìn vào mắt chị, tưởng không còn niềm vui nào lớn hơn...
 
            Chị hay rủ Quỳnh đi dạo quanh phố lúc gần nửa đêm, chính lúc nửa đêm chị mới tìm được phố của mình. Phố trong đêm, là những đường nét gân guốc, huyễn hoặc dưới bàng bạc ánh trăng, luôn gợi lên vẻ u hoài, trầm mặc. Không còn tiếng mõ khua lốc cốc của những hàng quà rong bán dạo trong đêm, phố dường như im ắng hơn. Chị mua bánh mì chả, hai chị em vừa đi dạo loanh quanh phố vừa nhấm nháp... Quỳnh nhớ hồi chị mới lớn, buổi tối đi đâu về, chị cũng đem về cho Quỳnh mấy miếng bánh mì chả thơm giòn, béo ngậy. Ngày đó, chị không xinh lắm nhưng có duyên, môi hồng, mắt sáng long lanh và tóc như mây. Quỳnh còn nhớ anh Phong bên cạnh nhà vẫn thường hối lộ bánh cho Quỳnh để được làm quen với chị... Suốt những cuộc chuyện trò của hai chị em, chị không hề nhắc đến một cái tên con trai nào nhưng có lần Thông đến rủ Quỳnh đi chơi bị Quỳnh từ chối làm Thông dằn dỗi bỏ về, chị đã buồn buồn với Quỳnh mà rằng: "Chỉ có những tình cảm thời học trò là chân thành, là đẹp nhất, em cố mà nâng niu, kẻo sau này chẳng bao giờ tìm lại được.". Ôi, chị của Quỳnh, chị về thăm phố có hơn tháng, Quỳnh chỉ có ý muốn thời gian này dành hết cho chị...
 
            Thấm thoát, chẳng mấy chốc đến ngày chị đi. Cún Con lúc này đã bám đòi bà ngoại nhiều hơn mẹ, chị bịn rịn dắt con lên máy bay mà mắt rơm rớm. Cả nhà Quỳnh cũng không ai kìm được nước mắt, xem ra cuộc chia tay lần này còn nặng nề hơn lần chị đi lấy chồng. Sau chuyến về thăm phố, chị phải quay trở về với cuộc sống thường nhật, bổn phận làm người của mình bên kia bờ đại dương, mà sao Quỳnh thấy cái cuộc sống tha hương của chị cô đơn, nghiệt ngã quá. Sẽ cứ êm đềm mà bức bối như thế, rồi có qua đi một kiếp người?
 
            Thông cũng theo Quỳnh ra sân bay tiễn chị. Lúc máy bay cất cánh cũng là lúc Quỳnh, mặt nhòe nhọet nước mắt, từ từ khuỵu xuống trong cánh tay vững chải của Thông... 
5/4/2006
Đinh Lê Vũ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cái còn lại hóa cái không

Cái còn lại hóa cái không Nhà thơ Tạ Bá Hương vừa được kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 2022. Anh tốt nghiệp Khóa 7 Trường Viết v...