Để nhớ Dương Đình Sang, một
họa sĩ tài hoa của Huế
Nhận được mấy tập brochures Cõi Riêng Trong Tranh Dương Đình Sang, nhân triển lãm tanh của cố họa sĩ Dương Đình Sang (không ai gọi cố họa sĩ Picasso, cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí, bởi vì cái tên họa sĩ và tác phẩm là bất tử) khai mạc hôm 27 tháng 10 năm 2012 tại Trung Tâm Văn Hóa Phương Nam,15 Lê Lợi-Huế- do Thanh Quyên vợ Sang gởi từ Huế qua New Jersey cho Trần Nguyên Kim nhờ chuyển đến tôi ở Virginia, tôi chuyển tiếp cho Hồ Đình Nghiêm ở Montreal - Canada và Đinh Tráng ở Salt Lake City - Utah…làm nhớ cả một thời đàn đúm ở Huế những năm 70 cho đến 75, và vài năm sau đó - như dấu mốc thời gian của thế giới đầy mộng tưởng và nghịch cảnh.
Sang thường đi cà phê với Kim, Nghiêm, Tráng…thường nhất là
cà phê Tôn ở cửa Hiển Nhơn, khi còn là những sinh viên năm cuối Cao Đẳng Mỹ Thuật
Huế, bây giờ thì Sang đã mất, vì nhồi máu cơ tim, ở tuổi 55, mới đó mà 8 năm,
các bạn thì mỗi người một phương trời… Sang tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ Thuật Huế
ban sơn dầu năm 1971 và được giữ lại dạy tại trường. Tôi có hướng dẫn Sang năm
thứ nhất và ban sơn dầu, là một sinh viên xuất sắc, Sang vẽ tay trái, cả tay phải,
và vẽ giỏi, dựng hình rất chắc môn nghiên cứu hình họa (cours de dessin
académie) quen gọi là môn vẽ khỏa thân (thường thuê người mẫu khỏa thân, nam
và nữ - nhớ là vào những sáng mùa đông lạnh ở Huế, sinh viên phải để thêm cái lồng
ấp lửa than cho người mẫu được sưởi ấm)
Kỷ niệm đáng nhớ là năm 1974, vào một chiều mưa lâm thâm lạnh
trong Thành Nội, bên bữa cơm với muối sả, hai anh em cao hứng bàn làm một cuộc
bày tranh chung tại Hội Việt Mỹ - Huế… và sau 75 tôi cùng Sang đi thực tế ở
vùng Đá Trắng, Thạch Hãn - Quảng Trị để vẽ, mỗi nhà dân trong thôn cho ở hai người.
Tháng 9 gặp ngày mưa lụt thật buồn, tôi đã ghi:
Căn nhà bên kia sông
một lần tôi về
cùng Dương Đình Sang [1]
buổi chiều vàng
sau ngọn núi thấp
hàng phi lao reo
như phím đàn cello
dứt khúc
tháng chín
nước trên thượng nguồn
về kéo theo
mấy cành củi mục
ngồi trong căn nhà
buồn hiu nhìn mưa lụt
những sợi tóc mai
khuôn mặt em gái quê
cúi xuống bếp lửa hồng
chiếc khoen tai
làm nhớ tranh Vermeer
nhưng không bằng hạt trai
đôi khoen tai đơn sơ
bằng bạc
bây giờ chiếc kẹp tóc
bằng bạc
đôi khoen tai bằng bạc
lưu lạc nơi nào
căn nhà bên kia sông
ở vùng Đá Trắng cũng không còn
tháng chín nhớ mùa mưa lụt
nhớ bếp lửa hồng
rơm khô cháy bén
nhớ lần đi thực tế cùng Sang
để vẽ tranh
một thời buồn không nói
bây giờ Sang đã mất
mới đó mà bảy năm …
( Virginia, 3 Sept. 2012)
Tháng 10 năm 1998 Sang qua bày tranh tại Mỹ, sau những lần
bày ở Pháp, Đan Mạch, Hồng Kông... Mừng vui gặp lại Sang tại Virginia…Sang vẫn
vậy, trầm trầm, nhỏ nhẹ, luôn đam mê vẽ, vẽ cho hay, cho tới, không cho mình tự
thỏa mãn… Sang còn than nhớ nhà, nhớ da diết, khi cùng đứng trước bờ hồ Café
Montmartre ở Reston , nơi Sang có mấy ngày bày tranh ở đó khi từ Cali. lên
Virginia…Tôi chú ý có một số tranh Sang vẽ về các chú Tiểu, các Tăng Sĩ mang một
không khí rất ấm, rất thanh thoát, khoảng không vang xa như tiếng vọng chuông
chùa …
Dương Đình Sang có một loạt tranh cuối đời chưa kịp ra mắt.
Loạt tranh này khổ lớn, không khí từ tranh toát ra có vẻ phiêu phất. Hình người
trong tranh lặng lẽ, nhường chỗ cho khoảng trống, khoảng lặng hút lấy người xem
khiến người xem dường như không còn để ý đến bố cục tranh, không còn để ý đến cả
bức tranh, không còn để ý luôn cả tác giả mà chỉ còn muốn buông mình rơi tự do
vào khoảng không như là trạm cuối của đời người nghệ sĩ hay là, nói ngắn gọn,
trạm cuối của đời người (Bửu Ý - Cõi riêng chung của Dương Đình Sang -
trong bài mở đầu brochure)
Trạm cuối của đời người, sao mà buồn. Sang đã ngủ rồi ngủ
luôn không dậy nữa. Xem qua tập brochure thấy nhớ Sang vô cùng, không khí tranh
như đang hít thở mùi phế tích của lau lách và thành quách, gờn gợn một ánh đèn
dầu và đôi vầng nhật nguyệt của Bửu Chỉ. Làm nhớ thêm những người bạn tài hoa một
thời ở Huế như Lê Văn Tài, như Hoàng Đăng Nhuận. Tài đang còn sung sức ở Úc,
Nhuận vẫn còn phải đi từng bước rất chậm sau khi bị stroke. Và làm sao không nhớ
Tôn Thất Văn, người bạn thiết đã mất năm nào. Dương Đình Sang là người trẻ nhất,
ra đi… tìm một cõi riêng.
Chú thích:
[1] Dương Đình Sang, sinh năm 1950 tại Huế
Tốt nghiệp Cao Đẳng Mỹ
Thuật Huế 1971 được giữ lại làm giảng
viên tại trường. Mất ngày 18 tháng 10 năm
2005 tại nhà riêng trong Thành Nội.
Triển lãm riêng và chung
nhiều lần trong nước và quốc tế từ 1974 đến
những năm 2000, có gallery riêng ở đường Phạm
Ngũ Lão, Huế…
Đính kèm ảnh:Dương Đình Sang qua trí nhớ đinh cường Dương Đình Sang, Virginia 1998 14/3/2013Đinh Cường
Dương Đình Sang qua trí nhớ đinh cường
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét