Thứ Sáu, 29 tháng 7, 2022

Điều khó hiểuXXX

Điều khó hiểu

Ả nằm trên giường, uể oải. Sự mệt mỏi đến với Ả không phải do ốm, mà vì không vận động. Bản chất lười nhác đã ăn sâu vào xương tủy Ả như căn bệnh mãn tính không có thuốc chữa. Làm người hẳn là ai cũng phải lao động, dù trí óc hay là chân tay, mới nhanh nhẹn, hoạt bát và mạnh khoẻ được, để có tiền ăn hàng ngày nữa chứ, cha ông đã bảo, “Tay làm hàm nhai đấy thôi”. Ấy vậy mà đối với Ả, Ả không làm gì vẫn có tiền để ăn một cách đều đặn. Tiền từ trên trời rơi xuống chăng- Không ? Ả đi xin ư - Không ? Vì Ả rất kiêu căng, mặc dù Ả xấu hơn những người đàn bà xấu. Đôi chân như một cành cây cong vặn vẹo với khuôn mặt trên to dưới nhỏ, cong lên như mảnh trăng hình lưỡi liềm cùng với cái cằm nhọn hoắt trên thân hình ẻo lả, cộng thêm nước da chì, có chấm trắng tròn lẳn như gạo trắng trộn với đám đậu đen, nhìn đầu tóc Ả ta thấy cả một mùa hè gay gắt.
Người ta bảo, xấu người, đẹp nết để kéo lại, đằng này Ả không được một điểm gì. Ngày hai buổi Ả mặc chiếc quần lửng của trẻ con có hoa văn, đi dọc con đường quốc lộ 1A như đi diễu hành - Ả tìm khách làng chơi chăng ? Không phải- Vì xấu như Ả thì ai chiêm ngưỡng được. Ai khuyên bảo Ả đi làm mà ăn, số tiền kia dành dụm lại làm căn nhà cho các con nó ở.
Ả dồn hết vận khí rồi tuyên bố:
- Mặc kệ tui, vướng gì đến các người.
Điều qua tiếng lại, Ả giở ngón chua ngoa, đem cái lý cùn ra thách thức.
- Các người có được như tôi không nào ? Tôi không đi làm, thế mà vẫn có tiền ăn hàng tháng đấy chứ.
 
Ông Thẩn bố đẻ của Ả làm ruộng, tay cày, tay cấy, suốt ngày lầm lũi với đồng áng cùng với con trâu, cái cày, cây lúa. Mệt nhọc là thế nhưng ông rất khoẻ, người vạm vỡ, nước da bánh mật, có lúc đỏ au lên vì nắng gió nơi xứ đèo. Nhìn ông ta có cảm giác mối mọt không thể nào đục vào được.
 
Bà Thẩn thì ngược lại, người đàn bà ốm yếu xanh xao, vì căn bệnh thiếu máu. Nhưng bà lại khoẻ thế mới lạ, là do bà thường vận động, mà không vận động sao được. Hàng ngày bà đi kiếm củi để thổi cơm và cho Ả thổi nữa. Mẹ con, không lẽ mẹ Ả không cho tí củi, mà không cho thì các cháu của bà chết đói.
 
Được đà, Ả dồn hết công việc cho bà Thẩn, dọn dẹp trong nhà, giặt giũ áo quần cho các cháu bà không giặt thì cháu bà không có áo quần để thay đổi.
 
Ả nằm ưỡn qua, ưỡn lại trên giường như con giun. Nhìn Ả như người không có xương, để đỡ cái thân hình mềm oặt Ả há to miệng ngáp dài, cái ngáp của Ả cũng mệt mỏi, không như những người bình thường khác. Ả đưa lưỡi liếm quanh mép như thèm khát một thứ gì ?
Hai đứa con Ả, một gái, một trai, quần áo tả tơi vừa đi học mẫu giáo lớn về.
Cả hai đứa chạy ào vào nhà bếp, bé gái kéo chiếc soong ở góc bếp ra mở nắp nhìn vào. Soong cơm trống trơn như bị thủng.
 
Bé trai ứa nước mắt, bé gái cho năm ngón tay sờ vào soong, hy vọng có hạt cơm nguội nào mắc vào đâu đó - Bé gái rút tay lại, ỉu xìu. Bất ngờ bé kéo tiếp chiếc soong bà Thẩn thường nấu cơm ra mở nắp nhìn vào, bốn con mắt của hai đứa trẻ sáng lên niềm hy vọng trước mặt chúng là tấm cháy, khô cứng bám chặt lấy đáy nồi, không khô cứng sao được bởi từng luồng gió Lào thổi ào ạt trong mùa nắng nóng ở xứ đèo Nghếch này. Bé gái lấy chiếc bát ở chạn cho vào xô nước lạnh mà bà Thẩn mới xách về chuẩn bị nấu cơm trưa, bé gái múc một nửa bát đổ vào chiếc soong có tấm cháy. Chờ một lát, miếng cháy thấm nước bung ra, cả hai đứa cho tay vào bốc, đưa lên miệng ăn ngấu nghiến.
 
Ông Thẩn đi cày về, ông buộc con trâu ngoài bờ rào, ông dựng cái cày vào hiên nhà đi vào chỗ hai đứa cháu ngoại rồi nhìn cái soong có cháy gần hết, ông lắc đầu thất vọng, ông lại nhìn vào giường thấy Ả nằm chềnh ềnh, ông hét:
- Con kia, mày không dậy nấu cơm cho con mày ăn hả ?
Ả trả lời:
- Cơm gì ? Hết tiền, còn đâu mà mua gạo.
Ông Thẩn bực tức hỏi tiếp:
- Mày định giam đói hai đứa hả, tiền nhận về, không mua gạo, đi ăn hàng có mà tiền núi cũng hết.
Ả trả lời dấm dẳng:
- Tui ăn hàng thì ảnh hưởng gì đến ông ?
Ông Thẩn nhìn thẳng vào Ả:
- Mày nói thế mà nghe được sao ? Không lẽ ông bà ăn cơm mà để cho các cháu nhịn đói.
Ả trả lời nhát gừng:
- Con tôi, tôi nuôi, ai khiến ông cho con tôi ăn mà ông kể.
Ông Thẩn bực tức vứt cái nón trên đầu xuống nền nhà, lao đến túm lấy chân Ả ,ông kéo và nói:
- Dậy nấu cơm cho con mày ăn, không thì tao giết.
Ả không thua kém, hét lên:
- Làng xóm ơi, ông Thẩn hiếp dâm tôi, hiếp dâm con gái, cứu tôi với...
 
Ả hét xong, giật tung hai chiếc cúc áo phía trên ngực để lộ ra một mảng da ngực xanh lẻo, hở hang.
Hàng xóm nghe tiếng hét của ả, chạy đến mỗi lúc một đông.
Ông Thẩn bực tức ngồi bệt xuống nền nhà, run rẩy, bất lực, hai giọt nước mắt của ông rơi ra.
Mọi người nhìn ông Thẩn rồi nhìn Ả, Ả phân bua:
- Tôi đang nằm, ông ấy đi cày về, lao vào định hiếp dâm tôi, tôi chống cự được.
 
Ả khóc bù lu, bù loa nhưng không có lấy một giọt nước mắt nào.
Bà Thẩn vác bó củi về, ngỡ ngàng trước sự việc đang diễn ra. Bà nhìn thẳng vào mặt Ả nói:
- Trời nắng thế này, đi cày về, chưa ăn, sức lực đâu mà hiếp dâm hả ? Cái thứ ăn không, nói có gắp lửa bỏ tay người như  mày ấy à, những ngày qua không có bố mày thì no đòn với thiên hạ con ạ.
 
Hàng xóm nghe bà Thẩn nói, có tính thuyết phục, họ nhìn Ả với ánh mắt mỉa mai rồi lần lượt ra về. Hai đứa con Ả nép sát vào tường, lấm lét nhìn Ả rồi nhìn ông bà Thẩn.
Ả ngồi dậy đến xô nước múc nước rửa mặt, bà Thẩn nói:
- Này con kia, nước tao xách về để nấu cơm bây giờ, gió to, nắng nóng thế này tao không đi xách lại được đâu.
 
Ả không trả lời, đổ hết xô nước ra chậu, dùng khăn nhúng vào lau mặt, lau cổ một cách bình thản.
Bà Thẩn dậm chân xuống nền nhà, run lên bất lực, bà đưa tay quệt nước mắt.     Bà nói:
- Trời ơi, quả báo, kiếp trước tôi ăn ở thế nào mà kiếp này tôi đẻ ra một con quỉ cái.
Ả trừng mắt lên, túm lấy cổ áo bà Thẩn.
-      Bà nói ai quỉ cái hả,
-      Ông Thẩn lao đến gở tay Ả ra. Hai đứa trẻ nhìn Ả rồi bà Thẩn chúng khóc ré lên đứa lớn kêu to:
- Bố ơi, về cứu con!
Ả nhìn hai đứa con lấy hết sức lực Ả quát:
- Bố hả, lên Tuyên Hoá mà tìm.
Ông Thẩn lao đến đầu giường của Ả, vứt quần áo của Ả ra sân ông nói miệng lắp bắp vì tức giận.
- Mày cút, cút khỏi nhà tao ngay.
Ả cười mỉa mai:
- Hừm- Tôi không đi đấy, các người làm gì tôi nào ?
Ả đi ra sân nhặt những thứ ông Thẩn vừa vứt ra, đi vào nhà ngồi thụp xuống giường, như nhớ ra điều gì, Ả lật chiếu lấy ra ba tờ bạc, mệnh giá hai ngàn đồng, Ả gọi:
- Bé, vào tao bảo.
Bé gái rụt rè đi đến chổ Ả, Ả trao tiền cho bé và nói:
- Đến quán chân đèo mua cho tao lon bò húc, nhớ là của Thái Lan đấy.
Bé gái cầm tiền chạy đi, bà Thẩn nói:
- Không có tiền mua gạo, sáu ngàn kia mày mua gạo nấu cơm cho con nó ăn có hơn không ?
Ả trả lời thách thức:
- Tui không mua gạo đấy, tui bệnh tui mệt tôi mua bò húc, tui đem về đây tui uống, ai làm gì được tui nào, các người ghen ăn, tức ở hả ? Hỏi thử, thế gian này có ai được như tui cơ chứ, làm gì cho mệt xác, vẫn có tiền ăn.
 
Bà Thẩn nhóm lửa, bà đổ gạo vào soong rang, ông Thẩn nói:
- Bà đừng làm thế, tôi xách nước giúp bà nấu bát cơm mà ăn. Tôi còn đi cày cho xong đám ruộng.
Bà Thẩn trả lời:
- Thôi khỏi, có nước là nó tắm, nó rửa, bao nhiêu lần rồi còn gì ? Ăn tạm gạo rang cho xong.
Ả cười khẩy, thái độ đắc thắng.
Ông Thẩn nói:
- Giết nó thì giết không được, vì nó là con, lại còn pháp luật nữa, chỉ tội cho hai đứa nhỏ, phải sống dật dờ như thế, nó chết, ta nuôi cháu. Chắc chúng đỡ khổ hơn.
Bà Thẩn nói:
-Tại cái bà ngoài Hà Nội ấy, làm hư nó chứ ai. Nhân đạo gì, độc ác thì có, bà ấy mà không gửi tiền, đói, đầu gối phải bò thôi, với lại nó lo làm ăn, thời gian đâu, đi đầu la mách lẻo, buôn dưa lê, bán dưa chuột, người ta nói “ Nhàn cư vi bất thiện” cấm có sai. Đến nhà người ta, không có gì, lấy câu chuyện làm quà sinh ra gây gổ đấy thôi.
Bé gái đưa lon bò húc về, Ả nhìn xem có đúng bò húc Thái Lan không, Ả mở nắp  ngửa cổ uống ừng ực, cái cuống họng của Ả nhúc lên, nhúc xuống. Hai đứa con Ả đứng nhìn Ả, vẻ thèm thuồng, nước miếng của chúng ứa ra từ kẽ chân răng, chảy thành giọt, rồi kéo theo đường dài như nước rễu của trẻ nhỏ đang thời kỳ mọc răng
Bà Thẩn thương cháu quát:
- Này con kia, mày để hai đứa nhìn như thế được sao ? Mày làm mẹ như thế hả ? Đồ chết dịch, loại đàn bà quần không đáy. Có ai như mày không ? Nhận tiền về không lo cơm nước cho các con, chỉ biết ăn quà, hết bò húc lại đến sữa chua để con cái đói rách, thế kia  hả ?
Ả lấy hết bình sinh, hai bên mép nổi lên hai cục bọt trắng.
- Tôi không cầm làm, chờ nhận tiền để ăn quà đấy, ai làm gì được tôi nào ? Tôi thách.
Bà Thẩn rang xong gạo, nhấc nồi xuống. Hai đứa con của Ả nhìn thấy, đi đến bên bà Thẩn- Cháu trai sợ sệt hỏi
- Cho cháu ăn với bà nhé.
Bà Thẩn gật đầu nói:
- Để chút nguội rồi ăn, xem ra con mẹ chúng mày hết thuốc chữa rồi, cái bệnh lười nhác như bám chắc vào xương tuỷ, nó gặm nhấm hết sức lực của mẹ chúng mày đám đất ông bà để lại cho mẹ con làm căn nhà mà ở, mẹ chúng mày bán để cống nạp cho các quán phở rồi.
Ả nhìn ông Thẩn rồi bà Thẩn, Ả nói:
- Ông bà ra Hà Nội mà bảo đừng gửi tiền cho tôi đi, tôi sẽ đi làm. Ngồi đó mà mong nhé, Hừm...đừng tưởng bở.
Ả lật chiếu lên tìm kiếm rồi nói một mình:
- Thôi chết tiền đâu để đi điện thoại.
Ả lục tung lên, một tờ năm ngàn nữa rơi ra, Ả vội vả cầm lấy đi nhanh đến điểm bưu điện văn hoá xã nói với cô nhân viên:
- Cho chị gọi ra Hà Nội, bấm số cũ để bà ấy gửi tiền ngay vào cho chị, hết tiền rồi.
Cô nhân viên bấm máy rồi trao máy điện thoại cho Ả, Ả áp máy vào tai rồi nói to:
- Mẹ hả, thế nào đây, thế nào hả mẹ ?
Đầu dây bên kia hỏi lại.
- Mày bảo thế nào là thế nào chứ ?
Ả cười cụt rồi hỏi:
- Là gửi tiền ấy, mẹ con tôi hết tiền ăn rồi, mẹ để các cháu chết đói hả ?
Đầu dây bên kia nói lại.
- Tao nói cho mày biết, tiền tao gửi vào cho mày, mày ăn quà chứ có thổi nấu gì cho con cái ăn đâu mà tiền với bạc ?
Ả hét to lên:
- Mẹ nói sao ? Không gửi nữa chắc, mẹ độc ác vừa thôi, mẹ làm thế là  ăn hết phần của các cháu, đồ rắn độc, đồ cá sấu.
Đầu dây bên kia bà Sâm đặt mạnh máy điện thoại xuống bàn.
Ông Quyết ngồi ở ghế, nét mặt cau lai theo dõi cuộc điện thoại câu được câu mất của vợ. Ông Quyết hỏi bà Sâm:
- Con dâu quí hoá của bà lại gọi điện hả ?
Bà Sâm ngồi xuống ghế một cách nặng nề, ông Quyết hỏi tiếp:
- Bà tưởng làm như thế, mọi người cho bà là nhân đạo chắc, chỉ với loại người ngốc thì mới nghĩ như thế. Bà xem thằng con trai riêng của tôi, bà bỏ bê không dạy bảo, bà được tiếng chiều con chồng hậu quả bà biết rồi chứ gì ? Giá như bà có trách nhiệm dạy bảo nó thì sự thể đã khác rồi, giờ đây nó đi bụi đời, trộm cắp, bỏ trốn, công an truy nã, gặp con Mỉnh chẳng cưới hỏi gì, chỉ lánh nạn, chúng có con với nhau, hàng tháng chờ bà gửi tiền để ăn, người mà không vận động, sống ỷ lại người khác thì, thể xác chây lười, tư tưởng cằn cỗi, chết dần chết mòn thôi.
Bà Sâm trả lời chậm rãi:
- Ngày thằng Trắc đưa con Mỉnh về, tôi thấy nó xấu người, xấu nết, tôi bảo nó đừng ra đây nữa mà công an họ biết, thằng Trắc đi tù về là nó bỏ thôi, nó không nghe tôi,  cuối cùng thằng Trắc thi hành án xong nó về lấy vợ khác rồi đấy.
Ông Quyết hỏi:
- Nhưng bà thường gửi tiền cho nó là có ý gì ? Bà thương nó hay là ghét nó đây?
Bà Sâm ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời:
- Không gửi để hai đứa cháu chết đói à ? Ông xem nó ra đây, tôi không cho tiền nó nằm lăn ra đường, mình còn mặt mũi nào nhìn bà con lối xóm chứ ?
Ông Quyết hỏi lại:
- Và bà gửi tiền cho nó hàng tháng để nó ăn quà, bà sợ nó hay bà giết nó. Một con người không có lí chí như nó, được bà bồi đắp thêm tính ỷ lại, chây lười, bà trả thù nó về những bức thư và những cú điện thoại mà nó chửi rủa bà phải không? Nếu không phải vậy thì bà gửi tiền cho nó với ý gì ? Tôi cấm bà từ nay không được gửi tiền cho nó nữa, cái kiểu nhân đạo chết người này của bà thật là ngớ ngẩn.
Bà Sâm đứng dậy mở tủ lấy tiền, ông Quyết hỏi:
- Bà lại đi gửi tiền cho nó đấy à ?
Bà Sâm trả lời:
- Không gửi để chúng nó chết đói à, ai nghĩ gì thì nghĩ, kệ họ, tôi cứ gửi.
Ông Quyết lắc đầu vẻ thất vọng:
- Thế gian này không có ai như con Mỉnh mà cũng chẳng có ai như bà.
Bà Sâm không để tâm lời ông Quyết nói, bà cầm tiền đi nhanh ra bưu điện.
Chú thích: 
 * “Ả miền trung tức chị”.
10/10/2008
Đậu Nữ Vệ
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tâm tình với ý nghĩ

Tâm tình với ý nghĩ “Mình với ta tuy hai mà một Ta với mình chỉ một chứ ai đâu Lý lẽ, luận bàn phân hơn thiệt Giải quyết bao nhiêu chuyện ...