Thứ Năm, 27 tháng 6, 2024

Chủ hiệu tân dược

Chủ hiệu tân dược

Ngót năm chục tuổi đầu, tôi trở thành ông chủ tiệm bán tân dược. Tuy theo nghề này, với tôi chỉ là sự bất đắc dĩ, cực chẳng đã mà thôi, song nó lại là nguồn sống chính của tôi. Hàng ngày, tôi phải trần ra những 14 tiếng đồng hồ làm việc. Cái vòng quay luẩn quẩn và mòn mỏi. Sáng, 8 giờ có mặt ở hiệu thuốc. Trưa đi ăn và nghỉ ngả lưng đôi chút. Chiều bán hàng đến hơn 6 giờ tối mới mò về tới nhà. Tắm qua loa và ăn cơm tối, ngó nghiêng nhà cửa, hỏi vợ con dăm câu ba điều. Và 8 giờ tối lại phóng xe đến cơ quan làm tròn bổn phận của một anh bảo vệ đêm. Lúc này thì tôi mệt rã rời, ngồi gật gù với cái ti vi mà chẳng hiểu người ta nói gì ở đó. Bóng đá hấp dẫn là thế mà tôi cũng không tài nào xem nổi hết trận, bởi ngủ thiếp đi, chẳng biết tỷ số ra sao. Đêm ngủ lại mộng mị. Sáng hôm sau, 7 giờ sáng dậy về nhà và bắt đầu một vòng quay mới.
Cuộc đời có những bước ngoặt không ngờ. Trước khi trở thành ông chủ hiệu tân dược, tôi đã làm đủ thứ nghề. Cầm cái bằng kỹ sư canh nông, tôi được nhồi vào đồng bằng Nam Bộ làm quy hoạch nông nghiệp, chán chê dăm năm tôi cầy cục xin ra một nông trường ngoài Bắc, được hai năm, tôi bỏ đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Ba năm ở Đức, tôi phải làm mỗi một việc là giữ chân cầm bàn là điện trong dây chuyền là độc mỗi phần cổ áo trước khi chúng được ráp vào thân. Đơn điệu và nhàm chán đến mức thành tật, sau này mỗi khi thấy chiếc áo là mắt tôi nhìn xoáy ngay vào cổ, và khi cầm nó trên tay thì bàn tay tôi quen nếp sờ sờ phần cổ áo xem có phẳng phiu không. Đã có lần tự tôi bật cười khi nghĩ mình giống hệt cái tay công nhân chuyên bắt vít trong một bộ phim câm do Charles Chaplin đóng. Số phải dính vào lao lý, cái đận nước Đức hợp nhất, dân lao động ta đổ xô đi buôn, tôi cũng đi buôn, bị cảnh sát tóm ngay lần đầu. Thế là ra hầu toà, ngồi nhà giam ít ngày rồi bị trục xuất về nước. Phú quý giật lùi, lại qua đủ thứ việc, từ chân áp tải xe hàng đến chân bán lẻ ở một cửa hàng lương thực, cuối cùng dừng ở chân bảo vệ đêm ở cơ quan.
Để trở thành ông chủ hiệu tân dược, tôi gặp không ít khó khăn. Thoạt đầu, vợ tôi, một dược sĩ cao cấp đang làm trong một cơ quan nhà nước hùn vốn với người chị, họ thuê một cửa hàng nhỏ mở hiệu tân dược. Hiệu nằm kề với một cái chợ, chợ kiểu chợ xanh chợ cóc thường thấy. Những buổi đầu là làm quen mặt thuốc, phụ giúp họ bán hàng ngoài giờ hành chính. Tranh thủ học thêm một lớp sơ cấp dược. Và rồi, tôi trở thành người bán chính.
Thế nhưng, việc gì cũng có cái khó của nó. Hồi đầu, khi mới đứng chân phụ bán, thỉnh thoảng tôi lấy thuốc cho khách, thấy khách chỉ mua hàng toàn những xi lanh và nước cất thôi, thì tôi chỉ nghĩ họ bị bệnh gì đó phải tiêm thuốc tự điều trị nên mua vậy. Sau dần tôi cũng hiểu ra, khách mua hàng kiểu ấy phần đông là dân xài ma tuý, nhất là khi quan sát kỹ dáng vẻ của khách. Nghĩ thế song tôi cũng không hỏi chủ cửa hàng vì hiểu mình là phận làm thuê, không nên tò mò những gì không nên biết. Đến lúc thay chủ cũ đứng chủ hiệu thuốc thì việc này trở nên rõ ràng. Tôi có thể vừa bán hàng, vừa ngầm quan sát, thậm chí hỏi han họ đôi ba câu. Thường là họ đến rất nhanh, ít nói, vào cửa hiệu, móc túi thẩy mấy đồng bạc lẻ lên mặt quầy, lạnh tanh hỏi nhỏ mua vài ba ống nước cất và xi lanh, chờ lấy hàng xong, nhét vội vào túi áo và vội bỏ đi rất nhanh.
Khi bán hàng cho cánh này, quả thật lòng cứ phân vân không yên. Như thế liệu có phải là tiếp tay cho tệ nạn nghiện hút hay không? Mà không bán cho họ thì cũng không được. Nếu không, biết đâu có kẻ trong số họ gây sự, lấy kim chính chọc cho mình một cái thì có phải thêm hoạ lo nhiễm HIV? Hoặc giả, đêm hôm khuya khoắt, có kẻ thù oán đổ chai xăng vứt mồi lửa thì toi ngay cửa hiệu. Thật tiến thoái lưỡng nan. Một lần, khi ngồi uống rượu với anh bạn nối khố thửa học trò với nhau hiện là nhà báo, tôi mang chuyện này ra tâm sự. Anh bạn tôi gạt phắt, bảo rằng: "Ông cứ yên trí đi! Bán bơm kim tiêm cho dân xài ma tuý là ông đang làm một việc hữu ích, đóng góp cho sự nghiệp ngăn chặn đại dịch HIV/AIDS đấy. Ông không biết à, thế giới người ta làm việc này từ tám hoánh rồi…". Tôi vẫn băn khoăn: "Nhưng mà… như thế thì làm sao mà ngăn chặn được nạn nghiện hút?". Anh bạn tôi rồ lên: "Trời ơi! Vậy ông tưởng, ông không bán thì không có người bán bơm kim tiêm cho họ sao? Mà nếu họ không mua được, họ sẽ dùng chung bơm kim tiêm, và ông có biết khi ấy sao không? HIV sẽ lan truyền nhanh hơn gấp bội, ông rõ chửa…?". Thấy tôi có vẻ đồng tình, anh bạn ôn tồn giảng giải: "Ông ạ, việc ngăn chặn người nghiện hút, cai nghiện là một việc, còn với người đang xài ma tuý, thì việc hướng họ tới hành vi sử dụng bơm kim tiêm riêng là việc nên làm… Thì cũng như cái việc sử dụng bao cao su với khách làng chơi ấy… Đấy cũng là những hành vi bất đắc dĩ song an toàn…".
Khi mọi chuyện vỡ lẽ ra, tôi yên tâm bán hàng. Thái độ cũng tự nhiên vui vẻ, cởi mở hơn khi tiếp xúc với cánh xài ma tuý. Tôi đã có thể hỏi han, trao đổi với họ đôi ba câu ngoài chuyện mua bán. Lâu ngày, gần như tôi thuộc mặt họ gần hết. Trong số đó, tôi chú ý đến vài ba người…
Người thứ nhất là Quý. Có lần vui miệng, tôi đã mời anh ta một chén trà nóng và anh ta cũng vui vẻ xưng tên cho tôi biết. Quý độ chừng hơn tôi vài ba tuổi, thường đi chiếc xe Vespa đã cũ song còn tốt và bao giờ cũng quần áo xơ vin gọn gàng, giày tất tinh tươm. Sau lần ấy, lâu lâu, Quý không cần tôi mời và tự động vào hẳn trong hiệu thuốc, xin nước trà và tán gẫu với tôi. Tôi e dè nhưng cũng không nỡ đuổi khách. Có bận, thấy trên mặt bàn nước của tôi lổng chổng mấy cuốn truyện dã sử, truyện chưởng Kim Dung, Quý cầm lên lật lật xem qua quýt rồi vanh vách nói chuyện ra chừng thông thạo. Tôi từ ngạc nhiên đến thích thú. Hoá ra cha này cũng chịu khó đọc sách ra phết. Nghĩ vậy, tôi thử kiểm tra vốn sách vở của Quý bằng cách nói đến những tác phẩm văn hoá, văn học cổ điển Tây Tàu khác, Quý đều có thể góp chuyện được. Cha này khá thật. Nhưng sao hiểu biết vậy mà y cũng xài ma tuý nhỉ, tôi cứ tự hỏi mình? Dần dà, tôi biết Quý từng tốt nghiệp trường Nhạc viện hẳn hoi, và hiện anh ta đang có chân trong dàn nhạc của một nhà hát có tiếng nào đó. Ngoài ra, Quý còn chơi săc xô phon cho một vài bar, sàn nhảy nào đó để kiếm thêm. Phải rồi, nghiện hút như thế, ngày mấy cữ thì có mà tiêu tiền như hủi ăn thịt mỡ. Quý thật khác với hình dung của tôi về dân xì ke ma tuý bệ rạc, bởi anh ta luôn giữ được dáng vẻ phong lưu trí thức của mình. Lâu ngày, vô hình chung, Quý gần như trở thành người bạn tâm giao của tôi. Chỉ trừ khi quá vội, do công việc và cũng có thể sắp đến cữ chích, Quý mới nhoẻn miệng cười trừ phóng xe đi ngay, còn đâu bao giờ cũng dùng dằng tán gẫu với tôi hàng giờ. Những lần như thế, đã thành thói quen, vì tôi bận bán hàng nên Quý thường tự lãnh phần pha ấm trà mới, tráng đĩa chén cẩn thận rồi mới rót nước. Tôi được biết thêm, Quý có một gia đình tương đối đầy đủ, chí ít là về mặt hình thức, vợ làm kế toán của một công ty, hai con, gái đầu trai sau cùng trong độ tuổi đi học. Đã có lần, tôi thấy ngày nghỉ, Quý chở vợ con trên xe máy đi đâu đó phóng ngang qua hiệu thuốc của tôi. Nhìn họ, tôi không khỏi thắc mắc, Quý nghiện hút như vậy, liệu gia đình họ có êm ấm, hoà thuận không, và rồi anh ta sẽ dạy bảo các con như thế nào, bởi dẫu sao anh ta cũng không thể làm tấm gương tốt cho các con noi theo? Quý đã từng vui chuyện kể cho tôi biết là anh ta đã từng cai nghiện tới năm lần rồi mà vẫn thất bại hoàn thất bại. Tôi có hỏi Quý, khi bập vào ma tuý hẳn phải có nguyên do của nó, cứ cho là bất khả kháng đi chăng nữa, nhưng còn cai nghiện, mà nhất là cai đến lần thứ năm thì phải có mục đích và quyết tâm cao độ, vậy sao vẫn không cai nổi. Quý trầm ngâm hồi lâu mới trả lời, diễn giải lòng vòng, song tôi có thể lọc ra từ mớ lý luận của Quý những ý tứ. Nghĩa là, với người khác thì thế nào không rõ, chứ với anh ta cai nghiện không được, nguyên do từ sức chịu đựng kém, cái mà người đời vẫn gán cho mỹ từ là nghị lực, chỉ thứ yếu thôi, điều quan trọng hơn cả thuộc về quan niệm sống. Quý bảo, anh ta mang trong mình trái tim và dòng máu nghệ sĩ, rất nhạy cảm và cũng dễ đổ vỡ, cho nên, trong cuộc đời lao động và tận hưởng mọi lạc thú, niềm vui phải cân bằng nhau. Tội gì mà lao lực để rồi nhịn ăn nhịn chơi cơ chứ. Với lại sau khi dùng ma tuý, chơi kèn sẽ phê hơn do tâm thần bay bổng, quên hết sự đời và tự li ti huyết quản chỉ còn có âm thanh giai điệu mà thôi. Như thế mới là hết mình cho nghệ thuật. Tôi lấy làm buồn cười về lý sự của Quý. Tôi nghĩ, có lẽ lúc đầu bập vào ma tuý anh ta không qua niệm chi hết, sau rồi mới bao biện, là để lý giải cho cái sự lân khân không muốn từ bỏ ma tuý mà thôi. Tôi thử tìm cách bác bỏ quan niệm của Quý, anh ta không phản đối, đột ngột hỏi tôi xem ngày ăn mấy bữa. Tôi trả lời thật thà mà vẫn thầm cảnh giác. Quý lại hỏi tôi, ngày hút bao nhiêu thuốc lá, uống cà phê mấy lần, có hay xem phim kịch bản gì không, thậm chí tuần mấy lần ngủ với vợ, có bồ bịch hay karaoke giật giải bàn tay vàng không? Tôi cười trừ, trả lời mập mờ vì biết anh ta sẽ bẫy mình chi đây. Quả nhiên Quý bảo: "Thì cứ cho rằng anh đầy đủ tất cả những thứ đó, song anh vấn kém tôi, bởi anh không xài ma tuý. Nếu xài rồi anh sẽ thấy tất cả những cái anh đang có hàng ngày kia chẳng ra quái gì cả, rằng từ trước đến giờ anh chưa từng sống, nói đúng ra là anh đã sống uổng phí, kiểu sống chất lượng thấp…". Vừa nói, Quý vừa cầm chiếc bật lửa rip po đặt xuống mặt bàn nước: "Đây này, anh đang sống ở dưới mặt bàn, còn tôi đang sống ở cấp độ cao hơn, trên mặt chiếc bật lửa đấy!". Đến đây thì tôi cười to, ngửa đầu ra sau ghế mà cười, đến chảy nước mắt. Quý cũng cười, vớt vát: "Anh cứ cười đi. Cười cho cái sự uổng phí đến ngốc nghếch của anh…". Tôi đột ngột hỏi: "Vậy tại sao lại cai, mà cai đến những năm lần?". Không cần nghĩ ngợi, Quý bật luôn: "Là tôi nghĩ đến vợ con. Sung sướng một mình là ích kỷ… là có lỗi. Tiền bạc còn để nuôi các con ăn học… Nếu chỉ có một thân một mình thì…". Tôi bảo: "Anh nghĩ là mình mắc lỗi với vợ con… thì tôi tin đến một ngày nào đó anh sẽ thay đổi…". Quý lảng sang chuyện khác, mà tôi cũng không truy vấn nữa.
Người thứ hai tên Sáng. Đó là một thanh niên mới lớn. Tôi chú ý đến cậu ta trước hết bởi dáng vẻ sinh viên với gương mặt sáng sủa, thông minh. Lần đầu cậu ta đến hiệu thuốc của tôi, đi có một mình. Cậu ta đứng tựa người vào tủ kính, không nhìn vào mặt tôi mà mắt lướt đâu đó trên tủ giá đựng thuốc hai bên. Tôi hỏi mua gì thì cậu ta ngần ngừ không nói, lúng búng mãi mới chìa tiền ra hỏi mua mấy cái xi lanh kèm theo nước cất. Chắc là nhận biết được vẻ ngạc nhiên xen chút thất vọng nơi tôi, cậu ta vơ vội hàng và tiền lẻ thối lại nhét nhanh vào túi áo khoác rồi quay người cắm đầu bước như chạy. Tôi nhìn theo và thầm xót xa thay, con cái nhà ai, cha mẹ dạy dỗ thế nào, trẻ trung và dáng vẻ thông minh như vậy, lại sớm dính vào ma tuý thế. Rõ ràng, cậu ta không hề có vẻ gì của đám công tử dởm con nhà giàu đua đòi chơi bời phá tiền của cha mẹ cả. Những lần sau, Sáng dần bình thản, lạnh lùng hơn, cả khi đi một mình hay cùng hội nghiện hút choai choai. Có lần, cậu ta cưỡi xe @ đèo bạn, xỉa tiền ra một đống hàng chắc để dùng dần hoặc chơi cả hội chi đó. Khi ấy, Sáng ra vẻ ta đây dân chơi sành điệu, trông thật kệch cỡm, đáng ghét. Quả thật, tự thâm tâm, tôi cũng có chút cảm tình, đúng ra là cảm cảnh với nó. Thật thất thường, tuần trước thì vậy, tuần sau nó đã lại thành kẻ bệ rạc ngay. Sáng đến, bảo mua mỗi loại một, rồi nó nhăn nhó: "Hôm nay cháu chẳng còn một xu dính túi. Cho cháu chịu tiền, lần sau cháu trả cả thể…". Tôi bực mình lắm, không phải vì sợ mất mấy nghìn bạc mà vì nghĩ đến thái độ kên kên hôm nào của nó. Tôi đành nặn ra câu trêu: "Dạo này bết thế à? Mới đây còn cưỡi xe xịn cơ mà?". Sáng bảo: "Có đâu chú… Xe của thằng bạn cháu đấy. Bố nó là cục trưởng cục… gì đó. Nhà nó giàu lắm. Nhưng mà giờ biết nó mắc nghiện, papa, mama nó quản chặt, không cho nhiều tiền nữa…". Sau trận ấy, tới hàng tháng không thấy Sáng lai vãng. Bỗng một hôm trời mưa trở rét, tôi ngồi hêu từ sáng mãi gần trưa chẳng có khách, gặm chiếc bánh mỳ patê nuốt không trôi, định đóng cửa hiệu ngủ trưa vì cả đêm trước thức xem bóng đá C1 thì Sáng xộc đến, tự mở cửa ngăn quầy vào hẳn bên trong. Mưa đang nặng hạt nên tôi không nỡ cản. Chiếc áo khoác ngoài trên người nó ướt lướt thướt, nhểu giọt xuống nền nhà. Sáng móc túi, lôi ra một chiếc điều khiển tự động ti vi, chẳng biết của nhà hay mới chỉa được, bảo là gửi đấy làm tin khi nào có tiền thì chuộc lại và còn đòi mua thêm dụng cụ chích. Tôi bực lắm nhưng không dám to tiếng vì sợ rầy rà. Nói ngồi rụi ngay xuống một xó tủ hàng khuất lấp, lẩy bẩy pha thuốc. Tôi sợ tái mặt, vội xua đuổi. Sáng mặc kệ, không đếm xỉa, chỉ tập trung vào việc làm sao chích của mình. Hình như nó bắt đầu lên cơn nghiện. Khi nhìn thấy mũi kim chọc vào mạch, tôi ngoảnh mặt đi không dám nhìn. Đây là lần đầu tiên tôi chứng kiến tận mắt kẻ chích ma tuý, ngoài phim ảnh. Thật khó tả sự chộn rộn trong lòng tôi. Có lẽ, nỗi sợ là lớn nhất. Tôi sợ nhỡ ai đó bước vào, hoặc giả chủ nhà cho thuê nhà biết, họ sẽ nghĩ là tôi chứa chấp kẻ xài ma tuý, thậm chí còn nghi là tôi bán ma tuý nữa không chừng. Tôi nhớn nhác hết nhìn vào trong lại ra ngoài cửa và thầm cầu mong không có ai. Mưa vẫn sầm sập, mờ mịt trời đất. Đầu óc tôi ong ong như người sốt. Rồi tôi giật mình hốt hoảng vì thấy Sáng rời kim chính khỏi tay, lịm người đi từ bao giờ. Chẳng biết nó có sao không? Ngộ nhỡ chích ma tuý quá liều mà tử vong thì tội vạ chút hết lên đầu tôi mất. Tôi luống cuống song không dám chạm vào người nó mà chỉ gọi, khẽ thôi vì lo ai đó nghe thấy. May sao, Sáng từ từ mở mắt, nhìn tôi. Cái nhìn xa lạ, trống rỗng. Tôi thở phào: "Nhãi, không sao chứ? Thật hú vía cho tao… Thôi ông ranh, nhanh chóng đi đi cho tôi nhờ…". Sáng ngồi hẳn dậy: "Đã quá… chú ạ". Tôi làu bàu: "Sướng mày nhưng mà khổ cái thân tao. Này nghe đây, không có lần sau đâu nhớ!…". Sáng tỉnh như sáo, hoạt miệng: "Cháu xin lỗi chú… Dạo này đói thuốc. Nãy vì trời mưa, mới lại cháu cũng chẳng đủ sức đi đâu cả, thôi đành vậy… Phiền chú quá!". Thấy tôi đã bình tĩnh trở lại, Sáng dẻo mỏ: "Cháu đói quá… Chú có gì măm được không?". Từ bực giận, thấy nó xin ăn tôi lại cám cảnh, giọng chân tình: "Còn nửa cái bánh mỳ đây, tao vừa ăn dở, nếu mày không chê…". Nó đón nửa chiếc bánh mỳ, ăn ngấu nghiến, ngon lành. Tôi thấy lúc này có thể gợi chuyện được, bèn hỏi: "Này… thế mày không học hành gì à? Mày chắc còn đang trong độ tuổi đi học?…". Sáng bảo: "Cháu đang học đại học năm thứ ba thì bị đuổi". Tôi bảo: "Hẳn vì tội dùng ma tuý? Trường nào dám chứa tụi bay?". Nó không giận trêu lại tôi: "Chú nói hệt tay hiệu trưởng trường cháu… nhưng mà thân thiện hơn". Tôi lại bảo: "Mày tên Sáng, chẳng hiểu tên thật hay giả, nhưng mà nếu đúng như thế thì sao mày u tối vậy?…" Sáng vẫn bông lơn: "Chú đừng rủa cháu như thế… Chú mà dính vào, có khi còn máu hơn cả cháu". Tôi căng giọng: "Điều quan trọng là đừng bao giờ để dính vào, mày hiểu chứ?". Nó nhìn tôi chằm chằm: "Chú nói như sách… Vâng, cháu cũng đã từng nghĩ như chú… Nhưng, đời mà chú, đâu phải lúc nào cũng cuộc đời vẫn đẹp sao… Có ai nắm tay được từ sáng đến tối đâu?…". A, thằng cu này hùng biện, còn biết nói chữ kia đấy, gớm thật, tôi thầm nhủ.
Và rồi, Sáng kể cho tôi nghe chuyện nhà nó và cả việc nó dính vào ma tuý như thế nào. Sáng con nhà lương thiện, bố mất sớm, mẹ là công nhân về hưu non. Sáng học giỏi, đỗ những hai trường đại học. Đến năm thứ hai thì đàn đúm với hội con nhà giàu. Hội này lười học, lắm tiền, chơi bời rượu mạnh, sàn nhảy, đua xe. Phần đông chúng đều hút chích, đơn giản vì chúng coi việc xài ma tuý như việc dán nhãn mác con nhà phú quý vào người, như để phân biệt với dân thường. Lúc đầu, chúng cho Sáng ăn ngon, cho mặc đồ hàng hiệu và chỉ lo mỗi việc làm bài tập của trường cho chúng chép lại đối phó. Sau một lần bị chích ma tuý cưỡng bức vì muốn Sáng không thể tách rời chúng, Sáng lao vào việc hút chích còn bợm hơn cả tụi chúng. Có bận, vì sĩ diện không muốn bị bọn chúng xem thường con nhà nghèo, Sáng đã bán chiếc xe đạp mẹ dành dụm từ tiền bán bánh rán, chuối rán mua cho để khao ma tuý cả hội. Bị bắt quả tang chích ma tuý tập thể, cả hội bị kỷ luật, song tụi chúng lo chạy chọt được, riêng Sáng bị đuổi học. Từ con nhà lành học giỏi, Sáng nhanh chóng thành kẻ cù bơ cù bất. Bà mẹ biết chuyện song chẳng thể làm gì, cứ còng lưng làm thêm nuôi báo cô đứa con hư hỏng… Chẳng biết Sáng kể chuyện nhà, thật giả thế nào thì tôi không rõ, song cứ lấy làm tiếc cho một thân phận… Nghe chuyện, tôi hỏi Sáng: "Thế mày không thương mẹ mày à?". Nó nhìn tôi như người biết lỗi: "Có chứ!… Cháu thương mẹ cháu lắm… Dạo này mẹ cháu gày yếu quá… Bữa cơm ở nhà, vẫn chỉ toàn ăn thịt mỡ, phần cháu thịt nạc…". Tôi bực: "Vậy mà mày nuốt trôi sao?". Nó bảo, giọng rân rấn: "Nhưng mà cháu không ăn thì mẹ cháu bỏ cơm luôn, nên cháu đành…". Tôi than thở: "Con thì bất hiếu… mà mẹ mày cũng không biết dạy con… chỉ hy sinh một cách vô lối… Thôi sáng đầu óc ra thì liệu đường mà cai nghiện đi còn kịp…".
Nghe chừng, sau đấy Sáng có chuyển biến. Một lần, Quý đang huyên thuyên nói chuyện với tôi về một bộ chưởng mới đọc thì Sáng đến. Tôi lạnh tanh: "Mỗi thứ mấy đây?". Sáng bảo: "Cháu chỉ mua thuốc bổ cho mẹ cháu thôi". Tôi ngạc nhiên và cảm động. Tôi hỏi tỉ mỉ tình trạng sức khoẻ mẹ Sáng và hướng dẫn nó mua các loại thuốc bổ dưỡng, tiền thuốc cũng lấy vốn mà thôi. Sáng đi rồi, tôi đem chuyện nó kể cho Quý nghe. Quý bảo: "Nó khác, tôi khác… Nó trẻ ranh, đua đòi, còn tôi thuộc về quan niệm…". Thấy tôi không phản ứng, Quý cao hứng: "Đấy cứ như thằng cha Lệnh Hồ Xung trong Tiểu ngạo giang hồ, nghiện rượu, mê gái đẹp, đời tiêu sái biết bao nhiêu… Tóm lại trong đời con người ta cứ phải nghiện một cái gì đấy… Tôi xài ma tuý thì thôi rượu, chừa gái… còn như anh không nghiện gì cả… biết đâu lại chơi gái thành thần… Đời người sống có một lần, tội gì phải khuôn phép, quy quy củ củ… Hay ho cái khỉ gì… Cứ vô chiêu mà thắng hữu chiêu như cha Lệnh Hồ Xung, gặp đâu ứng phó đó… Ha ha…!…". Tôi cáu tiết, cho rằng kẻ nghiện ngập thì chẳng có quan niệm nào bênh vực được, chẳng qua ích kỷ hại nhân mà thôi. Bình tĩnh lại, tôi kể chuyện cha tôi cai nghiện như thế nào để bác bỏ lại Quý.
Cha tôi vốn là một kiến trúc sư thời Tây. Ông kiếm tiền như rác, ngoài việc mua mấy chục mẫu ruộng ở quê cho bà nội tôi trông coi thì ông vẫn thừa tiền để cô đầu nhà hát, hút thuốc phiện rồi ngả đầu lên đùi mấy ả đào tơ ở Khâm Thiên để mơ màng nghe "hồng hồng tuyết tuyết… mới ngày nào chưa biết cái chi chi, mười lăm năm thấm thoắt có ra gì…". Đến khi cách mạng tháng Tám nổ ra, ông cũng hăng hái cùng các trí thức bạn bè tham gia, nhưng khi toàn quốc kháng chiến thì vì nghiện ngập nên ông không dứt bỏ nổi để theo kháng chiến, đành ở lại thành làm nghề cũ. Sau hoà bình lặp lại, Nhà nước trưng dụng trí thức cũ, ông đi làm. Lúc ấy, ông biết chế độ mới không thể dung tha người nghiện thuốc phiện nên quyết chí đi cai. Ông đã đánh vật với chính mình, ròng rã ba tuần liền, mỗi đêm bách bộ đến cả chục cây số để chống lại cơn thèm thuốc đến khi kiệt sức. Sau này, khi mang gia đình hồi hương làm ruộng, thỉnh thoảng ông lại mang chuyện cai nghiện của mình ra kể cho con cái nghe, nhằm giáo dục, động viên mấy chị em chúng tôi vượt khó. Câu chuyện ấy đã ăn sâu vào tâm trí tôi, động viên mấy chị em chúng tôi vượt khó. Câu chuyện ấy đã ăn sâu vào tâm trí tôi, giúp tôi nỗ lực hơn trong những lúc đường đời khúc khuỷu.
Quý nghe rồi bảo: "Quả là ông cụ nhà anh đáng nể trọng… Nhưng mà vì cụ quyết chí cai… Tôi cũng đã nhiều lần cai, song cũng chỉ là để thử xem sức chịu đựng của con người ta đến mức nào?… Tôi chưa sa vào hoàn cảnh cụ cụ… Nói vô phép, có lẽ khi ấy, tôi cũng sẽ làm được như vậy chăng?. Quý nhìn tôi cười: "Gì thì gì cũng chưa phải là lúc này!…". Tôi biết Quý cùn nên không tranh luận nữa. Nhưng có một chuyện, tôi giấu anh ta không kể hết. Chuyện này thì tôi cũng mới biết gần đây, do chính người anh rể tôi ở quê kể lại nhân ngày giỗ cha tôi. Rằng, cha tôi cũng đã dùng thử lại thuốc phiện sau mấy chục năm cai. Trước khi mất vài năm, khi đã ở độ tuổi gần thất thập, sức khoẻ cha tôi giảm sút nhiều. Ông chú họ tôi hay buôn bán ở mạn ngược, có đem về ít thuốc phiện sống dành khi đau bụng gió máy thì uống chữa bệnh, đưa cha tôi một chút bảo ông dùng thử biết đâu khỏe lại và còn máh cho chỗ còn bàn đèn để hút. Không hiểu ông đã nghĩ gì mà nghe theo. Để hút được, ông đã ngầm nhờ người anh rể tôi, nguyên là bộ đội chống Mỹ phục viên về khi ấy đang là bí thư đảng uỷ xã đưa đi. Tuy sợ lộ chuyện, song vì chiều bố vợ nên anh đành bấm bụng đèo xe đạp đưa cha tôi đi hút thử. Sau hai lần như thế, không thấy sức khoẻ khá hơn, sợ nghiện lại nên ông kiên quyết dứt hẳn cho đến khi ốm nặng qua đời. Anh rể tôi đã hỏi tôi rằng, nếu ở vào hoàn cảnh ấy, tôi sẽ làm thế nào. Quả là tôi không biết mình sẽ xử trí ra sao, song có một điều toio biết rõ, cha tôi giấu biệt là có ý tránh để lại một tấm gương xấu cho con cái. Tấm lòng ấy của cha, tôi hiểu và thầm biết ơn ông.
Tôi đã giấu Quý không phải tôi sợ đuối lý trong cuộc tranh luận chưa có hồi kết, mà tự thâm tâm tôi tôn trọng tâm nguyện của cha mình. Con người ta, tôi cũng vậy thôi, đầy rẫy những sai phạm, quan trọng là ở cái tâm phục thiện. Sau lần tranh luận nhằm ra ngô ra khoai không phân thắng bại đó, Quý vẫn qua lại mua hàng, song chỉ chào hỏi qua loa thôi. Còn Sáng thì biệt tăm tích. Một chiều, tôi vừa đi nhập thuốc về, đang bận rộn xếp hàng vào quầy thì Quý đến. Thấy tôi tất bật, Quý bảo không vội, đợi tôi xong việc. Xếp thuốc xong, tôi pha ấm trà xả hơi và mời Quý cùng uống. Quý cầm chén trà nóng, mân mê trên tay không thấy uống, vẻ mặt khang khác, cũng chẳng mau miệng như mọi khi. Tôi gợi: "Đói thuốc hay cãi nhau với vợ đấy?". Quý bảo: "Không đâu… Anh nhớ thằng cu tên Sáng chứ?…". Tôi chợt nhớ ra sự vắng mắt của nó lâu nay: "Sao? Nó làm sao? Hút chích hay trộm cắp bị bắt à?". Quý vẫn rầu rầu: "Nó vừa suýt chết. Đúng ra là chết đi sống lại". Và Quý cho tôi biết, nghe đâu dân nghiện ở khu này kháo nhau, là Sáng đã dùng ma tuý quá liều, xỉu ở gầm cầu thang một chung cư. May có người phát hiện đưa đi cấp cứu. Quý trầm ngâm: "Chẳng hiểu nó đói thuốc lâu ngày hay bị nhiễm HIV rồi, nên nói bi quan muốn chết cho rảnh?…". Tôi bảo: " Thì vẫn thấy nó mua bơm kim tiêm sạch mà?". Quý trề môi: "Anh thì chỉ biết nửa vời… Làm sao hiểu được dân nghiện bọn tôi, khi cơn lên thì có kể gì, dao kề cổ, súng kề tai cũng mặc, miễn sao đưa thuốc vào máu càng nhanh càng tốt…". Tôi thừ người thở dài: "Thương nó thì ít, mà thương mẹ nó thì nhiều". Quý bảo: "Anh thật cải lương mùi mẫm. Dẫu sao anh cũng hiểu chúng tôi đôi chút… Người ngoài bình thường thì không chịu, nhìn chúng tôi như tội phạm đáng chém đầu, chỉ đòi hỏi ở chúng tôi thôi. Lúc nào cũng mang luân lý, đạo đức ra dạy bảo… Chúng tôi cũng có những nỗi khổ tâm…". Tôi chăm chú nhìn Quý, chẳng thấy vẻ tiêu sái mà anh ta vẫn nguỵ trang thường ngày đâu nữa. Tôi lựa lời: "Thế nào?… Anh thử cai lần nữa chứ?…". Quý ầm ừ hồi lâu mới lộc cộc: "Để xem". Nói rồi Quý chào tôi, lên xe phóng vụt đi.
Tôi định bụng lúc nào rảnh đến thăm Sáng. Song tôi chợt nhận ra, mình vẫn chưa biết nhà nó ở đâu, và hiện đang nằm cấp cứu ở bệnh viện nào!… Tôi nhìn quanh quất tủ thuốc bên mình và đâu cũng thấy những gương mặt Quý, Sáng và bao nhiêu con nghiện khác lúc nguyên vẹn lúc méo mó.
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam

Tinh thần hiện pháp lạc trú trong thơ đương đại Việt Nam Có thể nhận thấy, ngày nay các nhà thơ đương đại thể hiện trong thơ những bàn luậ...