Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Bài học của lịch sử 2

Bài học của lịch sử 2

CHƯƠNG VIII
Kinh Tế Và Lịch Sử
Karl Marx cho lịch sử là sự tác động của kinh tế; sự cạnh tranh giữa các cá nhân, các tập đoàn, các giai cấp và các Quốc gia để giành nhau thực phẩm, nhiên liệu, nguyên liệu và sức mạnh về kinh tế. Các chế độ chính trị, các giáo đoàn giáo hội, các công trình văn hóa, hết thảy đều xây dựng trên sự kiện kinh tế. Chẳng hạn, chính cuộc cách mạng kĩ nghệ đã lôi kéo theo chế độ dân chủ, chủ nghĩa nữ quyền, sự hạn chế sinh dục, chủ nghĩa xã hội, sự suy tàn của tôn giáo, sự đồi bại của phong hóa và một văn chương thoát li khỏi sự bảo trợ của quí tộc, mà chủ trương hiện thực đã thay thế chủ trương lãng mạn; và sau cùng… cuộc cách mạng kĩ nghệ đã lôi kéo theo quan niệm dùng kinh tế để giải thích lịch sử - tức kinh tế sử quan.
Những nhân vật siêu quần trong các phong trào đó là hậu quả, chứ không phải là nguyên nhân[1]: nếu người Hi Lạp không muốn chiếm eo biển Dardanelles để buôn bán thì không khi nào người ta được nghe nhắc tới những tên như Agamemnon, Achille, Hector; chính tham vọng kinh tế chứ không phải dung nhan của nàng Hélène “đẹp hơn trời chiều có ngàn ngôi sao trang điểm” đã khiến cho người Hi Lạp đem một hạm đội vĩ đại tấn công thành Troie; họ giảo hoạt lắm, đã khéo dùng những mĩ từ để che đậy một sự thực kinh tế trần truồng như các nhà điêu khắc thượng cổ dùng lá nho để thay bộ phận sinh dục của đàn ông[2].
Không ai chối cãi rằng kinh tế sử quan giảng cho ta hiểu được nhiều biến cố lịch sử. Chính nhờ tiền của Hội nghị Liên bang ở đảo Délos [biển Hi Lạp] mà người Hi Lạp đã dựng nên đền Panthénon [ở Athènes, thế kỉ thứ V trước T.L.]; chính nhờ kho vàng của nữ hoàng Ai Cập Cléopâtre mà nền tài chính của Auguste mới hồi sinh mà ông ta mới cấp dưỡng được thi hào Virgile và tặng Horace được một cái trại. Thời thượng cổ La Mã tấn công Ba Tư rồi thời trung cổ Thập tự quân qua đánh chiếm Jérusalem cũng là để kiểm soát các con đường thương mại sang phương Đông; và hậu quả sự thất bại của Thập tự chiến là người Âu đã tìm con đường khác qua phương Đông mà khám phá ra được châu Mĩ. Chính nhờ tài chính của dòng họ Médicis [ở Ý, thế kỉ XIV] mà mới có phong trào Phục hưng văn nghệ ở Florence; nhờ kĩ nghệ và thương mại ở Nuremburg phát đạt, nên tỉnh đó mới sinh được họa sĩ lớn nhất của Đức: Durer [1471-1528]. Cách mạng Pháp phát sinh không phải vì Voltaire đã viết những tác phẩm phúng thích rất hay, và Rousseau đã viết những tiểu thuyết tình cảm, mà vì các giai cấp trung lưu đã chiếm được địa vị quan trọng nhất trong đời sống kinh tế, cần được tự do về pháp luật để xí nghiệp của họ có thể hoạt động được và họ muốn có một địa vị về xã hội và chính trị xứng với sự quan trọng thực sự của họ.
Marx không hề bảo rằng cá nhân luôn luôn bị quyền lợi kinh tế thúc đẩy; ông ta không khùng đến nỗi nghĩ rằng vì những lí do vật chất mà Abélard[3] yêu nàng Héloise, Phật Thích Ca thuyết pháp hoặc thi hào Keats[4] làm thơ. Nhưng có lẽ ông đã đánh giá quá thấp vai trò của các động cơ không phải là kinh tế trong hành động của quần chúng: Vai trò của lòng tín ngưỡng cuồng nhiệt trong những đạo quân Hồi giáo hoặc Y Pha Nho chẳng hạn; vai trò của lòng ái quốc mãnh liệt trong hàng ngủ quân đội của Hitler hoặc trong các đội “thần phong” (Kamikaze) của Nhật Bản; vai trò của sự cuồng loạn tập thể, như trong các cuộc bạo động của Gordon[5] ở Londres từ mùng hai đến mùng tám tháng sáu năm 1870, hoặc trong các cuộc tàn sát từ mùng hai đến mùng bảy năm 1872 ở Paris. Trong những trường hợp ấy, động cơ của hạng cầm đầu (hạng này thường ở trong bóng tối) có thể là một nguyên nhân kinh tế, nhưng hậu quả tùy thuộc một phần lớn vào sự cuồng nhiệt của đám đông. Trong nhiều trường hợp quyền hành chính trị hoặc võ bị hiển nhiên là nguyên nhân chứ không phải là hậu quả của các hoạt động kinh tế; chẳng hạn trường hợp đảng Bôn-sơ-vich lật đổ Nga hoàng năm 1917, hoặc trường hợp các cuộc đảo chính của quân nhân xảy ra thường trong lịch sử các nước Nam Mĩ. Ai dám bảo rằng người Maure[6] chiếm Y Pha Nho, người Mông Cổ chiếm Tây Á, hoặc người Mogol[7] chiếm Ấn Độ vì kinh tế của họ mạnh hơn? Trong tất cả những trường hợp đó, những dân tộc nghèo lại tỏ ra mạnh hơn những dân tộc giàu; họ thắng lợi về quân sự mà có được quyền hành về chính trị, rồi quyền hành về chính trị đã đem lại cho họ sự thống trị về kinh tế. Các tướng lãnh có thể đưa ra một thuyết giải thích lịch sử bằng quân sự được.
Đưa ra những hạn chế như trên rồi, chúng ta có thể rút ra một bài học quí báu trong sự phân tích kinh tế của các thời trước. Chúng ta nhận thấy rằng khi bị các rợ xâm chiếm thì La Mã đã suy nhược vì không còn hạng nông dân trước kia cung cấp cho các quân đoàn La Mã những lính ái quốc, cương quyết chiến đấu để bảo vệ ruộng đất, mà chỉ có một hạng nô lệ miễn cưỡng cày cấy những đồn điền rộng lớn thuộc về một thiểu số địa chủ. Ngày nay những trại nhỏ không thể lợi dụng những máy nông nghiệp tốt nhất được, thành thử nông dân lại phải làm việc dưới quyền một địa chủ lớn hay một giám đốc một Kolkhoze [nông trường ở Nga] để sản xuất đại qui mô. Có lần tôi đã nói rằng văn minh không còn là một vật kí sinh sống bám vào người cầm cuốc nữa: Chỉ có những người cầm tay lái một máy kéo hay một máy gặt và đập lúa thôi. Chính canh nông đã thành một kĩ nghệ và người tá điền phải lựa chọn, hoặc là làm thuê cho một nhà tư bản, hoặc là làm công cho Chính phủ.
Lịch sử cho ta thấy rằng ở trên ngọn thang xã hội, “hạng người điều khiển người chỉ điều khiển những người điều khiển sự vật thôi, còn hạng người điều khiển tiền bạc mới điều khiển tất cả”. Vì vậy mà các chủ ngân hàng theo dõi các khuynh hướng của canh nông, kĩ nghệ, thương mại, thu hút và chi phối tư bản, mà kinh doanh sao cho số tiền chúng ta kí thác sinh lợi ở hai ba chỗ một lúc; do đó hạng người làm mưa làm gió về ngành cho vay lấy lời, cũng làm mưa làm gió trong mọi xí nghiệp, dám mạo hiểm để kiếm thật nhiều lời, và leo lên được cái ngọn kim tự tháp kinh tế. Từ dòng họ Médicis ở Florence, qua các dòng họ Fugger ở Augsburg, Rothschild ở Paris và Londres, sau cùng tới dòng họ Morgan hiện nay ở New York, các ông chủ ngân hàng thời nào cũng dự các cuộc hội họp chính trị, cấp tiền cho chính quyền trong các chiến tranh, và cho các Giáo hội, đôi khi gây ra các cuộc án mạng nữa. Có lẽ một trong những bí quyết quyền hành của họ là nhờ họ nghiên cứu sự lên xuống của giá cả mà đoán được lịch sử có khuynh hướng lạm phát, và biết rằng con người khôn ngoan thì không bao giờ lại nghĩ tới việc tích lũy tiền bạc.
Nghiên cứu dĩ vãng, chúng ta thấy rõ ràng rằng bất kì chế độ kinh tế nào, tới một lúc nào đó, cũng phải dùng cái lợi để thúc đẩy cá nhân và đoàn thể tăng năng suất lên. Các phương pháp khác (bóc lột bọn nô lệ, đàn áp kẻ phản kháng, kích thích người ta bằng ý thức hệ) đều ít hiệu quả, tốn kém quá, hoặc không thể dùng lâu được. Bình thường ra và xét chung thì tùy theo khả năng sản xuất mà chúng ta định giá trị của một người (trừ trong chiến tranh, lúc đó giá trị mới tùy theo khả năng phá hoại).

Mà những khả năng thực tế của mỗi người đều khác nhau, và trong hầu hết các xã hội, đa số các khả năng đều tập trung vào một số người tối thiểu. Sự tập trung tài sản [vào một số ít người] là hậu quả tự nhiên của sự tập trung các khả năng đó, nó tái hiện hoài hoài trong lịch sử. Nếu mọi điều kiện, hoàn cảnh như nhau, thì sự tự do kinh tế - do luật pháp và đạo đức cho phép - càng cao, mức độ tập trung tài sản cũng càng cao. Chế độ độc tài có thể hãm lại sự tập trung đó trong một thời gian; chế độ dân chủ cho con người được tự do tối đa, trái lại xúc tiến sự tập trung đó. Cho tới năm 1776, người Mĩ tương đối bình đẳng với nhau; rồi từ năm đó trở đi, có cả ngàn yếu tố khiến cho họ cách biệt nhau về thể chất, trí tuệ hoặc kinh tế, thành thử hiện nay cái hố giữa người giàu và kẻ nghèo càng sâu rộng hơn bao giờ hết, từ cái thời La Mã còn là đế quốc ở trong tay một bọn phú hào.
Trong các xã hội tiến bộ, sự tập trung tài sản có thể đạt tới một mức mà hạng người nghèo vì đông đảo, cũng mạnh như hạng giàu sang nhiều khả năng; sự quân bình bấp bênh ấy gây nên một nguy cơ có thể giải được bằng hai cách: Hoặc sửa đổi luật pháp để phân chia lại tài sản, hoặc phát sinh một cuộc cách mạng để chia đều sự khốn cùng.
Năm 594 trước T.L., ở Athènes, theo lời Plutarque[8] thì “sự cách biệt về tài sản giữa kẻ nghèo và người giàu đã đạt tới cái mức mà Athènes cơ hồ như ở trên bờ một vực thẳm; chỉ có mỗi một cách để tránh những cuộc nổi loạn… là thành lập một chính thể chuyên chế”. Nhận thấy rằng tình cảm của mình mỗi ngày một thêm khốn đốn, vì chính quyền ở trong tay bọn chủ nhân mà tòa án thì thiên vị, luôn luôn xử ức họ, hạng người nghèo bàn tính chuyện làm cách mạng. Hạng người giàu nổi đóa vì hạng người nghèo có ý không chịu thừa nhận quyền chủ nhân của mình, bèn chuẩn bị phản ứng lại bằng bạo động. Nhưng rồi lương tri đã thắng; các phần tử ôn hòa vận động mà bầu Solon làm thống đốc (archonte). Solon là một nhà kinh doanh trong giới quí tộc, lên cầm quyền bèn phá giá đồng bạc, làm nhẹ gánh của mọi người mắc nợ (nên nhớ, chính ông là một chủ nợ!); giảm tất cả các món nợ của tư nhân, bỏ lệ nhốt khám vì thiếu nợ; hủy hết các số thuế chưa đóng và các số lời mà người cầm cố phải trả; đặt một thứ thuế lợi tức có tính cách lũy tiến; làm cho người giàu phải chịu một thuế suất gấp mười hai lần thuế suất đánh vào người nghèo; tổ chức lại tòa án cho dân chủ hơn; sau cùng ban sắc lệnh rằng con cái các tử sĩ hi sinh cho Athènes được chính phủ nuôi nấng, dạy dỗ. Bọn người giàu la ó cho rằng như vậy không khác gì tịch thu tài sản mà không bồi thường cho họ; còn bọn cấp tiến thì trách Solon [ôn hòa quá], không phân chia lại ruộng đất; nhưng chỉ ít năm sau, mọi người đều nhận rằng cải cách của Solon đã tránh cho Athènes một cuộc cách mạng.
Thế kỉ thứ hai trước T.L., khi sự tập trung tài sản ở Ý tới một mức nguy hại, Viện Quí tộc La Mã vấn nổi tiếng là khôn khéo, lại không chịu hòa giải. Tibère Gracchus (162-133), một nhà quí tộc được bầu làm “tribun” - một chức bảo hộ quyền lợi của dân chúng - đề nghị chia lại ruộng đất, cho mỗi người giữ được tối đa là 13 hecta[9], còn bao nhiêu thì tịch thu, chia cho bọn vô sản ở La Mã. Viện Quí tộc bác bỏ đề nghị ấy, cho là trái phép. Tibère bèn hô hào dân chúng: “Các anh em chiến đấu và hi sinh tính mạng để cho kẻ khác làm giàu và sống xa xỉ; người ta bảo các anh làm chủ thế giới, nhưng không một người nào trong số các anh làm chủ được một tấc đất”. Rồi bất chấp luật pháp La Mã, ông vận động để ứng cử “tribun” một khóa nữa; trong cuộc bầu cử, một cuộc nổi loạn dấy lên, ông bị giết (133 trước T.L.). Em ông là Caius cũng theo chủ trương của ông nhưng cũng không ngăn được bạo động xảy ra một lần nữa, và ra lệnh cho tên nô lệ đâm chết mình; tên nô lệ vâng lời rồi tự tử (121 trước T.L.); Viện Quí tộc ra lệnh tàn sát ba ngàn đồng đảng của Caius. Sau đó, Marius cầm đầu giới bần dân; nhưng rút lui khi thấy phong trào muốn hướng về cách mạng. Catilina đề nghị hủy bỏ hết các món nợ, tổ chức một đạo quân cách mạng gồm các “cùng dân”, nhưng ông ta thua tài hùng biện như dông tố của Cicéron, rồi chết trong khi đấu tranh chống lại nhà nước (62 trước T.L.) sau năm năm nội chiến. Marc Antoine làm bộ ủng hộ chính sách của César để thỏa mãn tham vọng cùng những mạo hiểm riêng tư của ông; Octave đánh bại ông ta ở Actium và thành lập chế độ “principat” (hoàng đế) trong hai trăm mười năm (từ -30 tới 180), chế độ ấy duy trì cuộc “Thái bình La Mã” (Pax Romana) giữa các giai cấp trong xã hội và các dân tộc sáp nhập vào đế quốc.
Sau khi đế quốc phương Tây và tổ chức chính trị của nó sụp đổ (476), tiếp theo là hai thế kỉ băng hoại, rồi tài sản lại lần lần được phục hưng, tái tập trung, phần lớn ở trong tay các giáo chức đạo Ki Tô. Một phương diện của cuộc Cải cách tôn giáo (thời Trung cổ) là chia lại tài sản bằng cách một mặt chấm dứt ở Đức và Anh sự góp tiền cho Giáo hội La Mã, mặt khác thế tục hóa các của cải, lợi tức của Giáo hội. Cách mạng Pháp gây những cuộc nông dân bạo động và những tàn sát ở thành thị để tính chia lại tài sản một cách chuyên hoành, nhưng hậu quả chung là của cải cùng đặc quyền chỉ chuyển từ giai cấp quí tộc xuống giai cấp trung lưu hữu sản thôi. Từ 1933 đến 1952, rồi 1960 đến 1965, chính quyền Mĩ hai lần dùng lại phương pháp hòa bình của Solon, đã chia tài sản lại một cách hòa dịu; có lẽ một vị nào đó trong chính quyền đã chịu nghiên cứu sử! Giới đại tư sản Mĩ đã lớn tiếng mạt sát nhưng sau cũng chịu khuất phục, để rồi lại tập trung tài sản trở lại.
Tất cả những sự kiện lịch sử ấy cho ta rút ra được kết luận gì? Sự tập trung tài sản có vẻ là một điều tự nhiên và không sao tránh được; để bù lại, cứ lâu lâu, đều đều lại có một cuộc phân chia lại một phần tài sản, hoặc bằng cách bạo động, hoặc bằng cách ôn hòa. Xét theo khía cạnh đó, thì lịch sử kinh tế không khác gì trái tim của xã hội nó đập chậm chậm: trong thời gian trái tim phồng ra, của cải được một thiểu số tập trung lại, để rồi tới thời gian trái tim bóp lại thì nhất định sẽ phải phân phát ra để lưu thông.
Chú thích:
[1] Tác giả muốn nói rằng theo Marx thì thời thế tạo anh hùng, chứ không phải anh hùng tạo thời thế.
[2] Ở đây tác giả nhắc đến một đoạn trong huyền sử Hi Lạp: chiến tranh Troie. Troie là một thị trấn ở Tiểu Á. Nàng Hélène, hoàng hậu Sparte (Hi Lạp) bị Paris, con vua Troie, bắt cóc. Hi Lạp đem quân qua đánh, vây thành Troie mười năm rồi hạ được. Agamemnon cầm đầu đạo quân Hi Lạp, và Achil1e là những anh hùng Hi Lạp trong trận đó. Hector là anh hùng của thành Troie, bị Achille giết.
Các điêu khắc gia Hi Lạp thời cổ tạc nhiều hình khỏa thân và tạc một lá nho thay bộ phận sinh dục của đàn ông.
[3] Abélard (1079-1142) là một triết gia và thần học gia Pháp, có một cuộc tình duyên trắc trở với Héloise; còn lưu lại một tập thư tình rất cảm động của hai ông bà.
[4] Thi hào Anh (1795-1821) thơ rất đẹp, rất đa cảm.
[5] Gordon (1751-1798) chính trị gia Anh, chống một đạo luật của chính phủ, tổ chức một cuộc mít tinh vĩ đại, sau đó là một cuộc nổi loạn, khám đường Newgate bị quần chúng thiêu trụi.
[6] Tức dân tộc Ả Rập ở Bắc Phi.
[7] Cũng là giống Mông Cổ, nhưng chỉ riêng hậu duệ của Tamerlan (Thiết Mộc Nhĩ).
[8] Một trong bảy hiền nhân của Hi Lạp thời cổ; vừa là chính trị gia, vừa là thi sĩ, triết gia (khoảng 640-548 trước T.L.).
[9] Bản tiếng Anh chép là: 333 acres. (Goldfish).
CHƯƠNG IX
Chủ Nghĩa Xã Hội Và Lịch Sử
Sự xung đột giữa chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa tư bản là một trong những yếu tố của cái nhịp điệu tập trung và phân tán tài sản chúng tôi đã nói trong chương trên. Hiển nhiên là giới tư bản đã đóng vai trò kiến tạo trong lịch sử; họ đã gom góp số tiền dành dụm của nhiều người để gây nên một số vốn sinh lợi, bằng cách hứa chia lời cho mỗi người; họ đã xuất vốn để cơ giới hóa kĩ nghệ, canh nông, hợp lí hóa cách thức phân phối sản vật; hậu quả của tất cả các hoạt động đó là cả cái khối trao đổi sản phẩm giữa người sản xuất và người tiêu thụ tăng vụt lên, lớn lao chưa từng thấy. Chế độ tư bản đã lợi dụng nguyên tắc kinh tế tự do, chủ trương rằng các nhà kinh doanh mà không bị những thuế chuyên chở, những luật lệ hành chính đè bẹp thì có thể tặng cho dân chúng nhiều thực phẩm hơn, nhiều tiện nghi trong nhà hơn, nhiều thì giờ nhàn hạ hơn các xí nghiệp do các chính trị gia dùng công chức để điều khiển, hầu mong thoát được sự chi phối của sự cung cầu. Trong sự tự do kinh doanh, tinh thần ganh đua và lòng ham tư hữu thúc đẩy người ta làm việc bằng tay chân và bằng trí óc, gần hết các thiên tư về kinh tế, không sớm thì muộn cũng sẽ được dùng và được thưởng công, vì có sự di động các người tài giỏi, có sự đào thải tự nhiên các tài năng, vả lại khi mà các sản phẩm và các dịch vụ được cung cấp tùy theo nhu cầu của dân chúng, chứ không tùy theo một sắc lệnh của chính phủ thì sự diễn tiến của kinh tế mới có thể nói là dân chủ từ căn bản được.
Tất cả những lí lẽ kể trên chứa một phần chân lí, nhưng không giảng được tại sao trong lịch sử lại có nhiều cuộc phản kháng, nổi loạn để chống những sự quá lạm của sự áp chế trong kỹ nghệ, sự gian trá về giá cả, thuật trốn tránh luật pháp của bọn kinh doanh và tinh thần vô trách nhiệm của bọn phú gia. Những quá lạm đó chắc đã xảy ra từ thời thượng cổ rất xa xăm vì chúng ta thấy những thí nghiệm chế độ xã hội xuất hiện trong mấy chục quốc gia và mấy chục thế kỉ. Ở Sumer[1] vào khoảng 2.100 trước T.L.
Kinh tế được quốc gia tổ chức, phần lớn các đất cày cấy được đều thuộc về hoàng gia, nông dân gặt hái xong chở lúa lại kho lẫm của hoàng gia và được chia cho một phần. Để quản trị kinh tế thuộc về quốc quyền đó, người ta đã tạo một tổ chức quan lại rất nhiều đẳng cấp, nhiệm vụ là ghi tất cả những vật đem vô kho và những vật phát từ kho ra. Người sau đã tìm lại được ở Ur, kinh đô Sumer, ở Lagash và Umma cả chục ngàn tấm bằng đất sét ghi những xuất nhập đó… Ngoại thương cũng vậy, do hành chính trung ương điều khiển[2].
Ở Babylone bộ luật Hammourabi[3] (khoảng 1750 trước TL) qui định số lượng của các người chăn cừu, của các thợ thủ công và cả số tiền mà y sĩ được lãnh mỗi lần mổ xẻ.
Ở Ai Cập dưới các triều đại Ptolémée (323-30 trước T.L). Quốc gia làm chủ đất đai và điều khiển canh nông, chính quyền cho biết người dân nào phải cấy khu ruộng nào, gieo thứ hạt giống nào, tới khi gặt, các thư kí của chính quyền lại xem xét, ghi vào sổ, thóc lúa được sàng sảy trên các sân đạp lúa của hoàng gia, rồi do nông dân đứng nối nhau thành hàng chuyền tay nhau đưa vô kho lẫm của nhà vua. Mỏ, quặng cũng thuộc về chính quyền. Chính quyền quốc hữu hóa sự sản xuất và bán dầu, muối, sợi vải, giấy làm bằng vỏ cây papyrus. Tất cả thương mại đều do Quốc gia kiểm soát, quy định, ngay một phần lớn sự bán lẻ cũng ở trong tay các nhân viên bán lại sản phẩm của nhà nước. Ngân hàng cũng vậy, thuộc về độc quyền của chính phủ, nhưng chính phủ có thể giao cho các hội tư nhân làm đại lí. Có nhiều thứ thuế, như thuế thân, thuế kĩ nghệ, thuế đánh vào sản phẩm, thuế buôn bán, thuế xử án, thuế dùng các tài liệu hợp pháp. Muốn lưu lại vết tích của tất cả các giao dịch, lợi tức có thể đánh thuế được, chính quyền phải dùng một đạo quân thư kí một hệ thống kiểm tra người và tài sản rất phức tạp. Nhờ chế độ đó, Ai Cập dưới các triều đại Ptolémée thành quốc gia giàu nhất đương thời, thực hiện được những công tác lớn lao, cải thiện canh nông và dùng một phần lớn số lời để xây những kiến trúc lộng lẫy trong khắp nước, xuất tiền cho các hoạt động văn hóa. Vào khoảng 290 trước T.L., họ xây cất bảo tàng viện và thư viện nổi danh ở Alexandrie. Khoa học và văn học được tôn trọng, chính trong thời đại ấy, không rõ vào năm nào, họ đã dịch những thiên đầu trong bản Hi Lạp của Cựu ước, gọi là bản của Bảy mươi hai dịch giả Do Thái (Septante). Nhưng chẳng bao lâu các vua Ai Cập gây những chiến tranh tốn kém tai hại,[4] đam mê rượu chè, săn bắn, phó thác các việc kinh tế và cai trị cho một bọn cướp ngày, chúng tha hồ vơ vét của bần dân tới sạch sành sanh. Từ triều vua trước đến triều vua sau, sự lạm thu cứ tăng lên, mà các cuộc đình công cũng mỗi ngày một nhiều, một dữ dội. Tại kinh đô Alexandrie, người ta phát tiền, tổ chức các cuộc diễn nghệ để vỗ về bọn dân đen, nhưng dân bị vô số công an, cảnh sát coi chừng kĩ, không được dự vào việc nước và rốt cuộc thành một khối bạo động chống chính quyền. Canh nông và kĩ nghệ không thịnh nữa vì dân không làm việc, luân lí suy đồi, và tới khi Octave qua tròng cái ách La Mã vào cổ dân chúng Ai Cập (30 trước T.L.), lúc đó trật tự mới được tái lập.

Dưới thời hoàng đế Dioclétien, La Mã cũng đã theo một chế độ xã hội. Ở trong nước thì dân chúng nổi loạn vì mỗi ngày một nghèo thêm, ở ngoài thì các rợ lăm le xâm chiếm, Hoàng đế Dioclétien ở giữa hai nguy cơ đó, ban bố năm 301 sau T.L., một sắc lệnh gọi là Edictum de Prettis cấm các nhà buôn có độc quyền không được rút hàng về để tăng giá, qui định giá tối cao cho mỗi món hàng và tiền công tối cao cho mỗi công việc quan trọng. Ông phát động nhiều công tác xây cất lớn lao để cho bọn thất nghiệp có việc làm, phát chẩn thức ăn cho người nghèo, hoặc bán rẻ cho họ. Chính phủ lúc đó đã làm chủ hầu hết các mỏ (kim thuộc, đá) và các kho muối; từ nay Dioclétien kiểm soát kĩ lường hầu hết các kĩ nghệ và công nghệ lớn. Paul Louis trong cuốn Le travail dans le monde romain (Sự lao động trong thế giới La Mã) bảo: “Trong hết thảy các thành thị lớn, Quốc gia thành một cố chủ[5] rất mạnh… mạnh hơn các nhà kinh doanh tư, mà hạng này lại còn bị đánh thuế nặng”. Dĩ nhiên, các nhà kinh doanh tiên đoán thế nào Quốc gia cũng sẽ phá sản. Dioclétien đáp rằng các rợ đương dòm ngó ở cửa ngõ Đế quốc thì phải tạm thời từ bỏ tự do cá nhân đi, cho tới khi tự do quốc gia được vững vàng đã. Chế độ xã hội của Dioclétien là một chính sách kinh tế chiến tranh chỉ có thể áp dụng được khi dân chúng sợ bị ngoại xâm. Bao giờ cũng vậy, nỗi nguy bị xâm lăng càng lớn thì sự tự do trong nước càng giảm đi.
Việc kiểm soát kinh tế tỉ mỉ tỏ ra quá nặng nề đối với tổ chức hành chính vốn đã qua lớn lao, tốn kém, và tham nhũng của Dioclétien. Để duy trì các cơ quan hành chính (quân đội, tòa án, công tác, phát chẩn), phải tăng thuế lên tới nỗi dân La Mã không muốn làm việc, không muốn kiếm tiền nữa; kinh tế băng hoại vì một bên luật sư tìm mọi cách bênh vực thân chủ để họ khỏi đóng thuế, một bên các nhà lập pháp nghĩ ra các đạo luật ngăn chặn các mưu mô trốn thuế đó. Hằng ngàn người La Mã trốn các nhân viên thu thuế, vượt biên giới, qua ẩn náu tại những xứ thuộc về các rợ. Để chấm đứt tình trạng ấy và cho nhân viên kiểm thuế làm việc được dễ dàng, chính phủ ra những sắc lệnh cấm nông dân không được rời ruộng đất, thợ thủ công không được rời cửa hàng nếu chưa đóng đủ thuế. Những sắc lệnh ấy cùng vài sắc lệnh khác nữa mở đầu cho chế độ nông nô ở thời Trung cổ.
Trung Hoa cũng đã có nhiều lần thử áp dụng chế độ xã hội. Tư Mã Thiên (sinh khoảng 145 trước T.L. bảo rằng “vua Hán Vũ Đế (giữ ngôi từ 140 đến 87 trước T.L.) muốn ngăn tư nhân chiếm tài nguyên của núi, bể mà làm giàu… và muốn bắt dân chúng phải phục tòng triều đình”, ra lệnh quốc hữu hóa tài nguyên của đất đai, sự chở chuyên và thương mại, đặt ra thứ thuế đánh vào lợi tức, phát động công việc xây cất, đào kinh nối các con sông với nhau và dẫn nước vào ruộng. Triều đình lập những kho chứa hàng hóa, khi giá hạ thì mua vào, khi giá cao thì bán ra; như vậy, theo Tư Mã Thiên, “những phú thương và các nhà bán lẻ không kiếm lời nhiều được… mà chính phủ bình giá hàng hóa được”. Người ta bảo Trung Hoa nhờ vậy thịnh vượng hơn bao giờ hết trong một thời gian. Nhưng khi Vũ đế băng, vì “mệnh trời” và lòng hiểm ác của con người mà thí nghiệm đó phải bỏ. Trong nước hết lụt thì đến hạn hán, đói kém thê thảm và giá cả tăng vọt lên. Các nhà làm ăn buôn bán cho rằng những số thuế họ phải đóng chỉ để nuôi bọn ở không và bất tài. Kiệt lực vì vật giá leo thang, người nghèo đồng thanh kêu ca, và cũng như người giàu, đòi phục hồi chính sách kinh tế cũ; có người đòi luộc sống kẻ nào đã bày đặt ra chính sách kinh tế mới nữa. Thế là các cải cách lần lượt bị bãi bỏ, và khi dân chúng gần quên hẳn rồi thì một ông vua hiền triết lại đem ra thực hành.
Vương Mãng (làm vua từ 9 đến 23 sau T.L.) là một học giả, bảo trợ văn nghệ, một đại phú gia thường giúp đỡ bạn bè và người nghèo. Khi tiếm được ngôi rồi[6], ông trọng dụng các văn nhân thi sĩ, triết gia và các người giỏi về khoa học. Ông quốc hữu hóa đất đai[7], phân phát đều cho nông dân[8], chấm dứt chế độ nô tì. Cũng như Vũ Đế, ông ráng kiểm soát giá cả bằng cách trữ hàng hóa để bán ra hợp lúc. Ông cho các tư nhân kinh doanh vay tiền với lãi nhẹ. Những biện pháp ấy làm thiệt hại một số người cho vay nặng lãi, họ liên kết nhau để lật đổ ông đúng vào lúc trong nước bị nạn lụt rồi hạn hán, mà lại bị ngoại nhân xâm lăng[9]. Một họ giàu có, họ Lưu[10] cầm đầu cuộc nổi loạn, giết Vương Mãng và hủy bỏ chế độ của Vương. Mọi việc lại trở lại như cũ.
Một ngàn năm sau, Vương An Thạch làm tể tướng từ 1068 đến 1085 (đời Tống) lại ráng quốc hữu hóa hoàn toàn kinh tế Trung Hoa. Ông cho rằng chỉ Quốc gia mới được tổ chức thương mại, kĩ nghệ, canh nông để cho bọn giàu có khỏi bóc lột bọn nghèo. Ông cho dân vay nhẹ lời để khỏi bị bọn vay nặng lãi cứa cổ[11]. Ông khuyến khích sự khẩn hoang, phát trước cho nông dân lúa giống và nhiều vật khác nữa, rồi những mùa gặt sau dân mới phải trả. Ông phát động nhiều công tác lớn lao để giảm bớt nạn lụt và nạn thất nghiệp. Trong mỗi quận, huyện có một nha kiểm soát giá cả và tiền công. Thương mại bị quốc hữu hóa. Người già cả, người thất nghiệp và người nghèo được trợ cấp. Ông tổ chức lại giáo dục và chế độ khoa cử để tuyển quan lại; một sử gia Trung Hoa[12] bảo “học sinh không học làm thi làm phú nữa mà học sử, địa, kinh”.
Thí nghiệm đó bị tấn công ở ba mặt. Trước hết là mặt thuế má quá cao: Triều đình phải dùng thêm nhiều quan lại nên phải tăng thuế để trả lương cho họ. Rồi về mặt trưng binh, mỗi nhà một người[13] vì triều đình cần có một đạo quân đông để chống các rợ[14] xâm lăng. Sau cùng, bị tấn công vì nạn tham nhũng của quan lại; như mọi nước khác, Trung Hoa phải chịu sự cướp bóc của tư nhân hoặc sự cướp bóc chính thức của chính quyền. Phe thủ cựu do một người em của Vương An Thạch[15] cầm đầu, cho rằng con người vốn tham nhũng và bất tài, triều đình không thể điều khiển lấy việc kinh doanh được; chế độ kinh tế hữu hiệu nhất là chế độ “tự do kinh doanh”, không can thiệp vào công việc làm ăn của dân, như vậy hợp với bản năng tự nhiên của con người. Bọn phú gia bất bình vì phải đóng thuế quá nặng, và vì triều đình nắm độc quyền thương mại, họ tung tiền ra gây một cuộc vận động bôi nhọ tân chế độ, không cho nó thi hành được, rồi diệt nó. Cuộc vận động ấy tổ chức rất hoàn hảo, luôn luôn gây áp lực với nhà vua. Khi xảy ra những nạn hạn hán và lụt, tiếp theo là sao chổi xuất hiện làm cho mọi người hoảng sợ, thiên tử[16] đành phải bãi chức Vương An Thạch, hủy bỏ các đạo dụ và kêu cựu đảng trở lại cầm quyền.
Cho tới ngày nay, chế độ xã hội tồn tại lâu nhất là chế độ do các vua chúa dân tộc Incas thành lập ở thế kỉ XIII, không rõ từ năm nào, tại miền ngày nay chúng ta gọi là Pérou. Các vua chúa Incas tin rằng Thần Mặt Trời trao quyền cho họ để trị dân; họ tổ chức và điều khiển hoàn toàn nông nghiệp, tiểu công nghệ và thương mại. Chính quyền làm kế toán tinh xác về nguyên liệu, dân chúng và lợi tức; xây cất những đường sá rất hoàn hảo, dùng một hạng phu trạm chuyên môn mà tạo được một hệ thống giao thông cần thiết cho một chế độ cai trị tinh mật như vậy trong toàn cõi. Người dân nào cũng là một công chức của Quốc gia và có vẻ thỏa mãn về chế độ đó vì được Quốc gia bảo đảm cho an toàn, khỏi lo đói rét. Chế độ tồn tại mãi tới khi Pizarro [người Y Pha Nho] xâm chiếm Pérou năm 1933[17].
Pérou ở bờ biển phía tây, thì ở bờ biển phía đông Nam Mĩ, trên bờ sông Uruguay, vào khoảng 1620-1750, một trăm năm mươi Thầy tu dòng Tên (Jésuite) cũng thành lập một cộng đồng theo chủ nghĩa xã hội gồm 200.000 người Da đỏ. Những nhà cai trị tu hành ấy tổ chức tất cả đời sống kinh tế: nông nghiệp, kĩ nghệ, thương mại. Họ cho phép mỗi thiếu niên được lựa một nghề trong số những nghề họ dạy, nhưng bắt buộc người nào khỏe mạnh cũng phải làm việc tám giờ một ngày. Họ tổ chức các trò tiêu khiển (thể thao, vũ hội), điều khiển những đội hợp xướng gồm ngàn người hát, thành lập cả những nhạc đội tấu nhạc Âu châu. Họ vừa là nhà giáo, y sĩ, vừa là thẩm phán; hình luật của họ không có tử hình. Về mọi phương diện, thổ dân đều thỏa mãn, cho nên tỏ ra rất nhu thuận. Khi cộng đồng bị tấn công, thổ dân chống cự rất hăng và rất giỏi, khiến kẻ xâm lăng (Y Pha Nho) phải ngạc nhiên. Năm 1750, Bồ Đào Nha nhường cho Y Pha Nho những đất đai gồm bảy khu thực dân Y Pha Nho ở Mĩ muốn chiếm liền; chính quyền Bồ Đào Nha do Pombal (1699-1782) làm tể tướng – ông này xung đột với dòng Tên thời đó - ra lệnh cho các thầy tu và thổ dân phải rời ngay những đồn điền ấy; thổ dân chống cự lại không nổi và thí nghiệm đó chấm dứt.
Ở Đức sau thời Cải cách tôn giáo, xảy ra một cuộc cách mạng xã hội, và nhiều thủ lãnh phong trào tung ra những khẩu hiệu cộng sản phỏng theo Thánh kinh. Một nhà truyền giáo tên là Thomas Munzer (?-1525) hô hào dân chúng lật đổ các vua chúa, giai cấp tăng lữ và giai cấp tư bản mà thành lập một “xã hội hoàn hảo hơn”, trong đó mọi tài sản là của chung[18]. Ông ta tuyển một đạo quân nông dân, thuyết cho họ nghe về chế độ cộng sản thời các Sứ đồ Ki Tô, làm cho lòng họ bừng bừng lên rồi đưa họ ra mặt trận, và Munzer bị chặt đầu (1525) Hans Hut thích tư tưởng của Munzer, tổ chức ở Austerlitz một cộng đồng “anabaptiste”[19] theo chủ trương cộng sản trong gần một thế kỉ (từ 1530 đến khoảng 1622). Jean de Leyde cầm đầu một nhóm anabaptiste, cầm quyền ở Munster, kinh đô xứ Westphalie, thi hành một chế độ cộng sản trong mười bốn tháng (1534-35).
Thế kỉ XVII, một nhóm “san bằng”[20] trong đạo quân của Cromwell[21] yêu cầu Cromwell nhận thành lập ở Anh một xã hội lí tưởng thuộc loại cộng sản.
Phong trào xã hội dịu xuống trong thời Phục Hưng rồi lại tái hiện khi cuộc cách mạng kĩ nghệ làm cho dân chúng thấy sự tham lam tàn nhẫn của giai cấp tư bản đương lên: Đàn bà và trẻ con phải làm việc mười mấy giờ một ngày, tiền công quá thấp, xưởng và những túp lều lụp xụp của họ là những ổ bệnh tật. Karl Marx và Friedrich Engels thảo cho phong trào một hiến chương, tức bản Tuyên ngôn của đảng Cộng sản năm 1847, và một bộ Thánh kinh, tức bộ Tư bản luận (1867- 1895).
Hai nhà đó nghĩ rằng chế độ xã hội sẽ thực hiện trước hết ở Anh vì nước đó là nước kĩ nghệ phát triển nhất; tổ chức kĩ nghệ ở đó tập trung quá rồi, thế nào cũng gây ra phong trào quốc hữu hóa. Họ không được sống thêm ít chục năm để ngạc nhiên thấy rằng chế độ Cộng sản bắt đầu ở Nga chứ không phải ở Anh.
Tại sao chế độ xã hội hiện đại bắt đầu ở chính trong cái xứ mà chế độ tư bản gần như chưa có ấy, trong cái xứ thiếu hẳn những nghiệp đoàn mạnh mẽ bắt cầu cho hai chế độ tư bản và xã hội ấy? Đành rằng nông dân Nga thời ấy đã chịu mấy thế kỉ khốn khổ, và đã có mấy thế hệ trí thức Nga nổi loạn để mở đường, nhưng nông dân Nga đã dược giải thoát khỏi tình trạng nô lệ từ năm 1861, còn các nhà trí thức thì có khuynh hướng vô chính phủ - trái hẳn với chế độ Quốc quyền. Sở dĩ cách mạng 1917 thành công có lẽ là vì chính quyền Nga hoàng đã mất tín nhiệm vì chiến bại mà lại cai trị dở; kinh tế Nga chìm đắm trong cảnh hỗn loạn, nông dân ở mặt trận đem theo khí giới về, mà chính quyền Đức lại cho Lénine và Trotsky mọi phương tiện cần thiết để trốn ra ngoại quốc, không bị ngăn cản, bắt bớ gì cả. Cuộc cách mạng đã có tính cách cộng sản vì tân Quốc gia phải đương đầu với nội loạn và ngoại xâm. Dân tộc Nga đã phản ứng như mọi dân tộc khác trong tình trạng bị bao vây, nghĩa là tạm từ bỏ tự do cá nhân trong khi chờ đợi trật tự và an toàn được tái lập. Ớ đó cũng vậy, chế độ cộng sản là một chế độ kinh tế thời chiến. Nó tồn tại được có lẽ nhờ dân chúng sợ nguy cơ chiến tranh, nỗi sợ đó hiện nay vẫn còn ở Nga; nhưng chỉ sau một thế hệ hòa bình là chắc chắn chế độ cộng sản sẽ bị bản tính con người làm cho suy sụp lần lần.

Hiện nay các người Nga theo chủ nghĩa xã hội lại đánh vào lòng ham tư lợi của con người để chế độ sản xuất được nhiều hơn, và cũng vì dân chúng đòi hỏi nhiều tự do thể chất và tinh thần hơn. Ngược lại, chế độ tư bản lại hạn chế tư sản cá nhân: luật pháp đã có một nửa tính cách chế độ xã hội rồi, mà tài nguyên thì do “Quốc gia Phù trì”[22] phân phối lại rồi. Marx nhận là môn đệ của Hégel mà đã phản Hégel. Theo ông ta, biện chứng pháp[23] của Hégel có nghĩa là chế độ tư bản và chế độ xã hội tranh đấu nhau thì rất cuộc chế độ xã hội sẽ toàn thắng; nhưng nếu chúng ta áp dụng thuyết Hégel (chính, phản, hợp) như vầy: Cuộc cách mạng kĩ nghệ là chính đề: sự xung đột giữa chế độ tư bản và chế độ xã hội là phản đề, thì rốt cuộc phải đưa tới sự tổng hợp của chế độ tư bản và chế độ xã hội; vả lại hiện nay rõ ràng là Tây phương đương tiến tới sự hòa giải giữa hai chế độ trái nhau ấy. Từ năm này qua năm khác, các chính quyền Tây phương càng ngày càng xen vào đời sống kinh tế của dân, và chức vụ giao phó cho khu vực kinh doanh của tư nhân bị gậm nhấm thêm mỗi ngày một chút. Trong số các yếu tố cổ truyền, chế độ tư bản còn giữ lại nguyên tắc tư sản nó là một kích thích tố, nguyên tắc tự do kinh doanh và nguyên tắc ganh đua; nó lại tặng chúng ta nhiều sản phẩm cùng loại mà khác nhau để ta lựa chọn. Đồng thời nhờ chính sách thuế khóa đánh nặng vào giai cấp giàu có, chính quyền có đủ tiền giúp cho một dân số đã biết tự hạn chế sinh sản được hưởng nhiều dịch vụ hơn bao giờ hết về giáo dục, y tế, tiêu khiển. Vì sợ chế độ tư bản mà chế độ xã hội phải trả cho dân chúng một chút tự do; vì sợ chế độ xã hội mà chế độ tư bản đã bắt buộc phải giảm bớt sự bất bình đẳng giữa các giai cấp. Phương Đông (cộng sản) đã giống phương Tây (tư bản), phương Tây đã giống phương Đông, và chẳng bao lâu hai chế độ sẽ gặp nhau ở giữa đường.

Chú thích:
[1] Miền Nam xứ Irak ngày nay, trên hạ lưu hai con sông Tigre và Euphrate.
[2] Trích trong bộ Encyclopaecha Britannica cuốn II, 962 b (chú thích của Durant).
[3] Vua Babylonie đã chiếm xứ Sumer, Babylone ở trên bờ sông Euphrate.
[4] Trong nguyên tác, sau dấu phẩy (,), có mấy chữ này: and after 246 B.C. Tạm dịch: sau năm 246 trước T.L. (Goldfish).
[5] Chủ mướn người làm công.
[6] Vương Mãng làm chức tể hành (như tể tướng), giết vua Bình Đế nhà Hán, lập Nhụ tử Anh (Nhụ tử nghĩa là em bé) mới hai tuổi làm vua, rồi phế Anh, tự xưng Hoàng đế, lấy quốc hiệu là Tân, giữ ngôi được 14 năm (9-23 sau T.L.).
[7] Gọi là vương điền: ruộng của vua.
[8] Tức chính sách tỉnh điền.
[9] Tức các rợ Hung Nô, Man Di, các nước Cao Li và Tây Vực.
[10] Chính ra là các tôn thất nhà Hán; hai anh em Lưu Diễn và Lưu Tú khởi binh, tôn Lưu Huyền (cháu sáu đời vua Cảnh Đế) làm Hán đế.
[11] Tức chính sách thanh niên: triều đình cho dân vay tiền khi lúa còn xanh, đến ngày mùa thì thu lại với hai phân lời.
[12] Durant không chỉ rõ là ai, chỉ nói là theo cuốn Phát minh nghề in ở Trung Hoa của Carter.
[13] Durant muốn nói chính sách bảo giáp: dùng dân thay lính để bảo vệ địa phương.
[14] Tức rợ Liêu và Tây hạ.
[15] Tức “cựu đảng” (tân đảng là đảng của Vương). Hai người em của Vương An Thạch là Vương An Lễ và Vương An Quốc. Cầm đầu cựu đảng là Tư Mã Quang, Âu Dương Tu (coi cuốn Tô Đông Pha của Nguyễn Hiến Lê - Cảo Thơm 1971).
[16] Vua Tống Thần Tôn, năm 1076. Sau đó vua Triết Tôn lại dùng tân pháp một thời gian nữa (1093-1101) đến đời vua Huy Tôn (1101) mới bỏ hẳn.
[17] Theo Louis Baudin trong cuốn Đời sống hằng ngày ở thời các Incas cuối cùng (Hachette 1955) thì hồi đó, đầu thế kỉ XVI, xứ Incas gồm khoảng 15 triệu dân, và người Y Pha Nho rất ngạc nhiên về sự tổ chức rất hợp lí của chế độ Quốc quyền (Etatisme), quốc sản (capital d’etat) của họ. Công chức phân phát ruộng đất, hạt giống, nông cụ hoặc các nguyên liệu cho mỗi người dân để họ trồng trọt hoặc chế tạo các đồ dùng. Gặt hái hoặc chế tạo được bao nhiêu, họ chở tới chất trong các kho, lẫm của chính phủ xây cất thành hàng hai bên các đường lộ lớn hoặc ở chung quanh các thị trấn. Những người coi kho, lẫm cũng là công chức, lo việc kế toán xuất nhập. Trong những kho lẫm ấy luôn luôn tích trữ đủ thực phẩm cho toàn quốc trong mấy năm. Theo nguyên tắc, nhà vua làm chủ tất cả những của cải ấy, muốn sử dụng ra sao tùy ý. Mỗi gia đình được phân phát cho đủ thức ăn, quần áo và đồ dùng, thuốc men khi đau ốm. Tỉnh nào bị thiên tai thì được tỉnh khác viện trợ; miền nào có những công tác lớn lao thì người miền khác lại giúp. Tóm lại là kinh tế trong nước hoàn toàn kế hoạch hóa. Được vậy là nhờ một tổ chức hoàn hảo, những cơ quan thống kê đắc lực, những đường sá rất tốt (tốt hơn La Mã thời cổ), và những cách thức truyền tin (bằng phu trạm) rất mau. Trong nước không có người nghèo người giàu, xã hội được quân bình. Nhưng, như mọi chế độ khác, chế độ đó tuy hoàn toàn hợp lí, cũng có nhiều điểm bất tiện; kỉ luật nghiêm quá, nhà vua dễ chuyên hoành; - phí tổn rất lớn vì phải nuôi rất nhiều công chức; - sản phẩm hư hao, lâu lâu phải đổ đi; - sau cùng, những kho lẫm đó, cách phân phối công việc và sản phẩm đó là những trở ngại lớn lao khi bị người Y Pha Nho xâm lăng. Một điều lạ lùng là dân tộc ấy không có chữ viết, chi dùng lối “kết thằng” (thắt nút) để ghi nhớ mà tổ chức được một nền kinh tế kế hoạch hóa, những cơ quan kế toán, thống kê tinh vi như vậy.
[18] Trong cuốn Cộng sản ở Trung Âu thời Cải cách tôn giáo của Kautsky (chú thích của Durant).
[19] Một giáo phái Ki Tô chủ trương rằng tín đồ phải làm tẩy lễ hai lần mới đủ.
[20] Leveller: trỏ hạng người chủ trương làm cách mạng để “san bằng” xã hội, nghĩa là phá bỏ hết các giai cấp, mọi người bình đẳng như nhau.
[21] Cromwel1 (1599-1653) là một nhà cách mạng Anh, giỏi cầm quân, thắng đảng bảo hoàng Anh, thanh trừng quốc hội, thành lập một tòa án xử tử vua Charles I, lên cầm quyền nhưng không xưng vương mà chi xưng là Nhiếp chính Đại thần, khéo trị dân.
[22] Nghĩa là Quốc gia che chở cho dân, nhưng bắt dân phải theo lệnh của mình, như theo ý Trời.
[23] Dialectique: Chúng ta quen dịch như vậy, nhưng dịch là luận biện pháp hoặc dịch hóa pháp thì có phần đúng hơn.
CHƯƠNG X
Chính Thể Và Lịch Sử
Thi sĩ Anh Alexander Pope (1688-1744) bảo chỉ có hạng ngốc mới thảo luận về các chính thể. Vì lịch sử cho ta thấy chính thể nào cũng có cái hay và xét chung thì sự “thống trị” nào cũng có lợi. Con người vốn yêu tự do mà muốn được tự do thì các phần tử trong một xã hội phải theo một số phép tắc cư xử nào đó, cho nên điều kiện đầu tiên để được tự do là sự tự do phải bị hạn chế; để cho tuyệt đối tự do thì sẽ sinh ra hỗn loạn mà tự do sẽ chết nghẹt. Vậy nhiệm vụ đầu tiên của một chính quyền là thiết lập trật tự; nếu người ta muốn ngăn sức phá hoại mạnh vô cùng của tư nhân thì chỉ có mỗi một cách là lập một chính quyền trung ương có tổ chức. Quyền hành tự nhiên phải tập trung vào một trung tâm vì nó sẽ bất lực nếu có bị phân tán, loãng ra, phổ cập, như xứ Ba Lan dưới chế độ Liberum Veto[1]; cho nên các sử gia vẫn hoan nghênh sự tập trung quyền hành có lợi cho chế độ quân chủ, như Richelieu hoặc Bismark đã thực hiện ở Pháp và Phổ, bất chấp sự phản kháng của bọn phong kiến. Đó cũng chính là lí do khiến dân chúng Hoa Kì đã giao hết cả quyền hành cho chính phủ liên bang; nói tới “quyền của các tiểu bang” làm gì khi mà kinh tế đâu biết tới ranh giới của mỗi tiểu bang, mà việc điều khiển kinh tế chỉ có một cơ quan trung ương mới làm nổi. Ngày nay, kĩ nghệ, thương mại, tài chính, đương vượt khỏi biên giới các quốc gia mà lần lần có hình thức quốc tế.
Chế độ quân chủ có vẻ là chính thể tự nhiên nhất, vì nó áp dụng vào dân chúng qui tắc này: quyền hành thuộc về gia trưởng hoặc thủ lãnh một đoàn chiến sĩ. Và nếu dùng hai tiêu chuẩn: Đa số và trường cửu để thẩm định các chính thể, thì nhất định chúng ta phải tặng giải nhất cho chế độ quân chủ; đem ra so sánh thì các chế độ dân chủ chỉ là những lớp tuồng phụ cuồng loạn thôi.
Khi chế độ quân chủ La Mã sụp đổ vì các cuộc đấu tranh giai cấp (anh em Gracchus, Marius, César) thì Auguste[2] lập lại trật tự, dưới chế độ quân chủ, thực hiện được một việc lớn lao nhất trong lịch sử chính trị, tức tạo nên được cảnh Thăng bình La Mã (Pax Romana), suốt từ năm -30 đến năm 180 trên toàn cõi một đế quốc từ Đại Tây dương tới sông Euphrate và từ xứ Ecosse tới Hắc hải. Sau ông, các hoàng đế Caligula, Néron và Domitien làm cho chế độ quân chủ mất thanh thế, nhưng họ được những người kế vị: Nerva, Trajan, Hadrien, Antonin và Marc Aurèle, mà Renan phải khen là “thế giới chưa bao giờ được một loạt minh quân tài giỏi như vậy”. Sử gia Gibbon bảo: “Nếu phải chỉ ra một thời đại mà nhân loại được sung sướng nhất, thịnh vượng nhất, thì người ta nghĩ ngay tới thời từ khi Nerva lên ngôi tới khi Marc Aurèle chết”. Mấy triều đại đó gom lại thành một thời đại duy nhất trong lịch sử mà nhà cầm quyền chỉ chuyên lo tới hạnh phúc một đại dân tộc[3]. Trong thời rực rỡ đó các dân tộc qui phục La Mã, lấy làm sung sướng về thân phận của họ, chế độ quân chủ không có tính cách thế tập mà có tính cách lập tự, nghĩa là ngôi vua không truyền tử mà truyền hiền; nhà vua lựa người nào có tài năng nhất mà nhận làm con nuôi, chỉ bảo cho việc trị nước rồi tuần tự giao phó quyền hành cho. Chính sách đó không gặp trở ngại, một phần vì cả Trajan lẫn Hadrien đều không có con trai, còn các con trai của Antonin thì lại chết sớm. Marc Aurèle có một người con trai tên là Commode, nối ngôi ông vì vị hoàng đế hiền triết đó quên không chỉ định một người kế vị; tức thì cảnh hỗn loạn phát ra liền[4].
Xét toàn thể thì chế độ quân chủ đã thành công một cách trung bình chứ không hơn. Tính cách liên tục - cũng gọi là “chính thống” - của nó có lợi bao nhiêu thì những chiến tranh kế vị do nó gây ra cũng có hại cho nhân loại bấy nhiêu. Khi ngôi vua mà cha truyền con nối thì hạng vua ngu độn, vô trách nhiệm, cuồng bạo, lạm dụng quyền hành để cất nhắc người thân thích nhiều hơn hạng minh quân tâm hồn cao thượng hoặc có tài chính trị. Người ta thường đưa vua Louis XIV làm gương cho các ông vua cận đại, nhưng khi ông băng thì dân Pháp mừng rỡ. Còn các quốc gia hiện đại thì việc nước phức tạp quá, không một người nào dám một mình đảm đương lấy hết được.
Vì vậy hầu hết các chính quyền đều là những chính thể thiểu số, thiểu số cai trị này được tuyển hoặc do dòng dõi (như trong chế độ quí tộc), hoặc do giáo hội (như trong chế độ thần quyền), hoặc theo tài sản (chế độ dân chủ). Đa số mà cầm quyền thì không phải là điều tự nhiên; ngay Rousseau cũng đã nhận thấy vậy. Vì rất hiếm thấy một đa số có thể tổ chức được để đồng tâm nhất trí trong một hoạt động đặc biệt, còn một thiểu số thì có thể như vậy được. Nếu quả thực là một thiểu số có gần hết các tài năng, thì thiểu số đó cầm quyền là điều không thể tránh được cũng như sự tập trung của cải vào tay một nhóm người; đa số chỉ còn có mỗi một cách là lâu lâu lại lật đổ thiểu số khác lên cầm quyền. Bọn quí tộc cho rằng cách tuyển lựa chính trị gia theo huyết thống có phần sáng suốt hơn cách tuyển lựa theo của cải, theo thần học hoặc bằng bạo động.
Chế độ quí tộc lựa một số ít người, tránh cho họ sự tranh đua về kinh tế nó làm kiệt lực con người, khiến con người hóa ra thô lỗ, và chuẩn bị cho họ từ hồi nhỏ - bằng cách nêu gương cho họ, đặt họ vào những hoàn cảnh thuận tiện, tập cho họ làm những chức vụ phụ thuộc - để lớn lên họ đảm nhiệm việc trị nước được; công việc trị nước này cần một sự chuẩn bị đặc biệt, không phải một gia đình, một giới tầm thường nào cũng thực hiện được. Chế độ quí tộc không phải chỉ là một trường đào tạo chính trị gia, mà còn duy trì, truyền bá văn hóa, phép tắc lịch sự, phép phán đoán và giám thức nữa; nó ngăn chặn bớt những mốt mới điên khùng trong xã hội hoặc nghệ thuật, những thay đổi quá thường của luân lí. Giới quí tộc bảo: “Luân lí, phép lịch sự, bút pháp, kiểu thức và nghệ thuật từ thời Cách mạng Pháp đã suy đồi ra sao, các ông thấy không?”.
Giới quí tộc đã gợi hứng, nâng đỡ và hướng dẫn nghệ thuật nhưng rất ít khi sản xuất nghệ phẩm. Họ coi các nghệ sĩ, như hạng lao động tay chân; họ thích nghệ thuật sống hơn là đời sống nghệ sĩ, và không bao giờ có cái ý tự hạ mình xuống sống một cuộc đời cần cù cực nhọc để thành một thiên tài. Họ không làm văn thơ vì cho rằng viết để xuất bản là một hình thức phô trương có tính cách thương mại. Cho nên bọn quí tộc cận đại thường theo chủ nghĩa hưởng lạc, sống một cách tài tử; họ coi cuộc đời như những kì nghỉ lâu dài, cứ hưởng cho thật nhiều đặc quyền do địa vị của mình, mà nhiều khi chẳng cần biết tới trách nhiệm. Vì vậy một số quí tộc đã suy đồi. Đời ông nói: “Quốc gia là trẫm” thì đời cháu đã nói: “Trẫm chết rồi, đời sau thế nào thì mặc”[5]. Thành thử công lao của giới quí tộc không đủ miễn tội cho họ khi họ nắm hết quyền hành và đặc quyền, áp bức, bóc lột dân chúng, chỉ thấy cái lợi trước mắt mà không nghĩ tới cái lợi dài hạn, khi họ đui mù ương ngạnh cố giữ những thủ tục của tổ tiên, làm cho sự tiến hóa của quốc gia chậm lại, khi họ hi sinh biết bao nhân mạng tài sản vào cái trò chơi của các “ông lớn”, tức cái trò chiến tranh vương thống hoặc chiến tranh chiếm đất. Lúc đó, những kẻ bị hi sinh đoàn kết nhau lại, nổi loạn; bọn tân phú gia liên kết với bần dân để lật đổ bọn cầm quyền ích kỉ làm cho quốc gia ngưng trệ; máy chém làm rơi hàng ngàn đầu quí tộc, và chế độ dân chủ lên thay thế, cũng lại tỏ ra bất lực trong việc trị nước.
Lịch sử có chứng minh rằng các cuộc cách mạng thật là cần thiết không? Không phải ngày nay người ta mới đặt câu hỏi đó. Luther đã cả gan đoạn tuyệt với Giáo hội Thiên chúa, trong khi Erasme chỉ muốn kiên nhẫn tuần tự cải cách tôn giáo thôi; Charles James Burke[6] muốn bảo vệ sự liên tục của truyền thống chứ không muốn tạo ra những thuyết mới, chế độ mới. Trong vài trường hợp, có những chế độ vừa lỗi thời vừa cứng nhắc, bất di bất dịch, cơ hồ phải dùng tới bạo động để lật đổ, như trường hợp của Nga năm 1917. Nhưng thường thì sự phát triển về kinh tế có một áp lực mỗi ngày mỗi mạnh đủ thay đổi một chế độ mà chẳng cần phải nhờ tới cách mạng. Hoa Kì có một cuộc cách mạng nào đâu mà cũng thành quốc gia chủ yếu trong phần thế giới nói tiếng Anh. Cuộc Cách mạng Pháp đưa giai cấp tư sản kinh doanh lên thay giai cấp quí tộc chủ điền; nhưng nước Anh ở thế kỉ XIX cũng đạt được kết quả đó mà không phải đổ máu, xã hội không phải xáo trộn. Đột nhiên đoạn tuyệt với quá khứ tức là khêu gợi sự cuồng loạn, nó thường xảy ra sau một cuộc khích động chém giết đột phát. Sức khỏe tinh thần của cá nhân nhờ sự liên tục của kí ức, thì sức khỏe tinh thần của một tập thể cũng vậy, phải nhờ vào sự liên tục của truyền thống; trong cả hai trường hợp đó, sự gián đoạn mất liên tục sẽ gây một phản ứng về thần kinh, như thành phố Paris trong các cuộc tàn sát tháng chín năm 1792.[7]
Một nước giàu có là nhờ sản xuất nhiều, khéo giao hoán, chứ không nhờ sự tích lũy (của cải nào, tích lũy lâu thì cũng hư hại, mất mát); nhờ sự tin cậy ở người và chế độ, (chế độ tín dụng) chứ không nhờ cái giá trị cố hữu của các chi phiếu và của giấy bạc, vì vậy các cuộc cách mạng tàn bạo chỉ hủy diệt tài sản chứ không phân phối lại tài sản. Có thể chia đất lại đấy, nhưng do sự bất bình đẳng tự nhiên giữa con người mà chẳng bao lâu sau, sự bất bình đẳng về tài sản và đặc quyền sẽ phục hồi, và một thiểu số lại lên cầm quyền, cũng có những bản năng căn bản của bọn cầm quyền trước [cũng ích kỉ, ham quyền, ham lợi]. Chỉ có mỗi một cuộc cách mạng thực sự là mở mang trí tuệ, cải thiện tư cách; chỉ có mỗi một sự giải phóng thực sự là sự giải phóng con người, và các nhà cách mạng chân chính là các triết gia và các vị thánh.
Nếu ta theo cái nghĩa hẹp của danh từ “dân chủ” thì chỉ thời hiện đại, gần như là chỉ từ cuộc Cách mạng Pháp, nhân loại mới có chế độ dân chủ.
Nếu ta lấy sự phổ thông đầu phiếu của riêng phái nam làm tiêu chuẩn thì ở Hoa Kì bắt đầu có chế độ dân chủ từ thời tổng thống Andrew Jackson[8]; nhưng nếu ta lấy sự phổ thông đầu phiếu đích thực [cho cả nam lẫn nữ] làm tiêu chuẩn thì chế độ dân chủ mới có từ khi thế hệ tôi còn trẻ.[9]
Ở Attique[10] toàn thể dân số là 315.000 người, mà 115.000 người là nô lệ, chỉ có 43.000 người được quyền bầu cử, có tư cách công dân. Đàn bà, hầu hết các thợ thuyền, hầu hết các tiểu thương gia và thợ thủ công, với tất cả các ngoại kiều, đều không được quyền bầu cử. Còn thiểu số công dân kia thì chia làm hai phe: một phe nhỏ cầm quyền gồm hầu hết là giới quí tộc chủ đất và giới đại tư sản, một phe bình dân gồm những tiểu điền chủ, tiểu thương gia và những công dân phải làm việc để kiếm ăn nhưng vẫn giữ được quyền công dân. Dưới trào Périclès (từ -460 đến -430), bọn quí tộc cầm quyền và Athènes cực thịnh về phương diện văn học, kịch và các nghệ thuật khác. Sau khi Périclès mất, và Athènes bị thất bại trong chiến tranh Péloponnèse (từ -430 đến
-404), làm cho giới quí tộc mất uy tín, thì bọn Démos (bình dân) tức bọn công dân hạ cấp lên cầm quyền, khiến cho Socrate và Platon rất thất vọng. Từ thời Solon[11] tới khi Hi Lạp bị La Mã chiếm (-146) hai phe quí tộc và bình dân đả kích nhau bằng sách, kịch, diễn thuyết, khuynh loát nhau bằng lá phiếu, lưu đày nhau, ám sát nhau, gây ra nội chiến liên miên. Ở Coreyre (nay là Corfou), năm 427, bọn thiểu số quí tộc lên cầm quyền ám sát sáu chục nhà lãnh đạo đảng bình dân; phe dân chủ lật họ, đưa năm chục người trong bọn họ ra trước một ủy ban tựa như ủy ban cứu quốc, hành hình họ, không tha một người, rồi bắt giam mấy trăm quí tộc, để họ chết đói trong khám. Thucydide chép lại vụ đó, làm cho ta nhớ tới không khí ở Paris trong những năm 1792 - 1793:
“Trong bảy ngày, dân chúng Corcyre chỉ lo giết những công dân mà họ coi là kẻ thù… Sự chết chóc dưới mọi hình thức, lan tràn một cách dữ dội, và như vẫn thường xảy ra trong những thời như vậy, sự tàn bạo chẳng bao lâu đạt tới cực độ; con bị cha giết; những kẻ đương cầu nguyện cũng bị lôi ra khỏi chỗ làm lễ hoặc bị cứa cổ ngay ở dưới chân bàn thờ… Thế là cuộc cách mạng lan từ thị trấn này qua thị trấn khác, và tại những nơi cách mạng tới sau cùng, người ta học được kinh nghiệm của các nơi trước, càng trả thù nhau một cách tàn khốc hơn nữa… Corcyre nêu gương tội ác đầu tiên… bọn bị trị trước kia bị đối xử luôn luôn bất công và tàn nhẫn bây giờ trả thù lại… Con người bị lòng căm thù, oán ghét kích thích, hóa ra tàn nhẫn, man rợ… Các phần tử ôn hòa đều bị cả hai nhóm [chiến đấu] kia thủ tiêu… Toàn thể xã hội Hi Lạp giãy giụa, lên cơn động kinh”.
Trong cuốn Cộng hòa, Platon cho Socrate diễn những ý của chính ông, mạt sát nền dân chủ Athènes thành công: Ông bảo nó là cảnh hỗn loạn vì nạn giai cấp đấu tranh, cảnh suy đồi về văn hóa, thoái hóa về đạo đức. Bọn dân chủ khinh miệt đức điều độ mà chúng cho là thiếu hùng dũng… Chúng gọi là sự xấc láo là có giáo dục, sự vô trật tự là tự do, sự phung phí là tráng lệ, sự vô liêm sỉ là can đảm… Cha quen tự hạ mình xuống ngang hàng với con và sợ con, còn con thì tự đặt mình ngang hàng với cha, chẳng sợ sệt gì, có thái độ vô liêm sỉ đối với cha mẹ… Thầy sợ và nịnh trò, trò khinh thầy… Bọn già bắt chước bọn trẻ, sợ bị chúng chê là hay càu nhàu, hách dịch… Chúng ta cũng đừng quên ghi thêm điều này: Nam nữ tự do và bình đẳng trong sự giao thiệp với nhau… Nhà cầm quyền hơi muốn dùng quyền hành là các công dân đã bất bình rồi và rốt cuộc… họ khinh miệt cả luật pháp thành văn cũng như bất thành văn… Sự độc tài phát sinh từ tình trạng đẹp đẽ vẻ vang ấy… Trong mọi việc, sự quá khích luôn luôn gây một phản ứng ngược lại… Chế độ dân chủ tự nhiên gây ra sự độc tài, và những hình thức tự do quá mức luôn luôn gây ra những hình thức áp chế, nô lệ trầm trọng nhất.
Khi Platon mất (-347) thì lịch sử gần như xác nhận một cách hiển nhiên lời ông chỉ trích chế độ dân chủ Athènes, Athènes lại khôi phục được sự phong phú nhưng nhờ thương mại chứ không nhờ đất đai; ở trên chóp cái xã hội đã được cải tổ lại ấy, là bọn kĩ nghệ gia, thương gia và chủ ngân hàng. Hoàn cảnh mới đó gây ra một cuộc tranh đấu cuồng nhiệt vì tiền, một sự thèm khát, tham lam vô độ mà người Hi Lạp gọi là pleonexia. Bọn tân phú gia - neoploutoi - sai xây cất những dinh thự lộng lẫy, sắm cho vợ quần áo và châu báu để đeo đầy người, tặng họ hằng tá nô lệ, và ganh đua nhau đãi đằng khách khứa. Cái hố phân cách kẻ giàu người nghèo càng ngày càng lớn rộng ra; như Platon nói, Athènes chia thành “hai khu: khu giàu và khu nghèo, hai khu chiến đấu với nhau”. Người nghèo lập kế hoạch tước đoạt kẻ giàu bằng luật pháp, thuế khóa, cả bằng một cuộc cách mạng nữa; kẻ giàu đoàn kết nhau để tự bảo vệ, chống cự lại với người nghèo. Theo Aristote, hội viên của vài đoàn thể quí tộc long trọng thề rằng: “Tôi sẽ là kẻ thù của bọn bình dân (tức của bọn không phải là quí tộc) và ở Quốc hội, tôi sẽ làm hại họ càng nhiều càng tốt”. Isocrate viết vào khoảng năm -366: “Bọn giàu đã mất hết ý thức nhân quần tới nỗi những kẻ có dư thà liệng của xuống biển[12] chứ không chịu giúp đỡ kẻ túng thiếu, còn bọn nghèo giá tìm được một kho vàng thì cũng không thích bằng tước đoạt của cải của bọn giàu”. Hạng công dân nghèo chiếm được đa số ở Quốc hội và dùng luật pháp bắt bọn giàu phải nộp hết tiền bạc vào quốc khố, để chính phủ phân phát cho dân nghèo bằng cách tạo công việc cho họ làm và trợ cấp cho họ. Các chính khách khôn lanh dùng mọi cách để phát giác những nguồn lợi mới của quốc gia. Trong vài thị trấn, sự phân tán kinh tế[13] được thực hiện một cách trực tiếp hơn: Ở Mytilène bọn con nợ giết hết bọn chủ nợ, ở Argos, bọn dân chủ thình lình tấn công bọn giàu có, giết hằng mấy trăm mạng và tịch thu tài sản của họ. Trong các tiểu bang Hi Lạp vốn kình địch nhau, các gia đình giàu có liên kết ngầm với nhau để giúp đỡ lẫn nhau mà đương đầu với các cuộc nổi loạn của bọn bình dân. Giai cấp trung lưu cũng như giai cấp phú hào bắt đầu nghi kị chế độ dân chủ, cho nó là chế độ của bọn nghèo ghen ghét bọn giàu; rồi chính bọn nghèo cũng hết tin chế độ dân chủ vì quyền bầu cử bề ngoài có vẻ cho mọi người bình đẳng, nhưng thực ra không che đậy được sự bất bình đẳng rất tàn nhẫn về tài sản. Càng ngày càng mất tinh thần vì cuộc giai cấp đấu tranh đó, khi bị vua Philippe ở Macédoine[14] xâm lăng năm 338, dân tộc Hi Lạp hoàn toàn chia rẽ cả về nội bộ lẫn trên phương diện quốc tế; nhiều người Hi Lạp phong lưu cho rằng bị xâm lăng như vậy còn hơn là bị một cuộc cách mạng. Vì vậy mà chế độ dân chủ Athènes bị chế độ độc tài của Macédoine thay thế.
Theo Platon, các chính thể diễn tiến từ chế độ quân chủ qua chế độ quí tộc, rồi dân chủ, sau cùng là độc tài; luật đó cũng được lịch sử La Mã minh chứng. Trong hai thế kỉ thứ ba và thứ hai trước tây lịch, một chế độ quí tộc La Mã thi hành một chính sách ngoại giao và tạo một đạo quân có kỉ luật để xâm chiếm và bóc lột các nước chung quanh Địa Trung hải. Bọn quí tộc chia nhau của cải chiếm được, còn bọn đại tư sản làm giàu quá độ nhờ thương mại phát triển. Dân các nước bị chiếm: Hi Lạp, các nước Cận đông và Ả Rập bị bắt đưa về Ý để làm nô lệ trong các điền địa (Latifundia) mênh mông của La Mã; những người Ý trước kia làm ruộng, [bây giờ thất nghiệp vì có bọn nô lệ đó] ùa ra các thị trấn, do giai cấp vô sản tăng lên, sinh sản mau, hóa ra bướng bỉnh, gây gổ, và Caius Gracchus năm -123 phải xin chính phủ mỗi tháng phát chẩn lúa cho họ. Tướng lĩnh và tổng trấn ở tỉnh về[15], rương đầy nhóc của cải họ cướp bóc của dân để tiêu dùng và tặng giai cấp thống trị; số người triệu phú rất đông; trước kia chỉ bọn có nhiều đất mới có quyền hành chính trị, nay bọn có nhiều tiền thay thế họ; các đảng phái kình địch nhau, tranh nhau bỏ tiền ra mua chuộc ứng cứ viên và cử tri; năm -53, chỉ một nhóm cử tri được đút lót 10.000.000 sesterce[16]. Và tới khi thiếu tiền thì vẫn còn cách khác là giết: Có những công dân bỏ phiếu bậy bị đánh đập tới chết, còn nhà cửa thì bị đốt. Chưa bao giờ thời Thượng cổ có một chính quyền giàu như vậy, mạnh như vậy mà thối nát như vậy. Bọn quí tộc dựa vào Pompée để giữ quyền thống trị; bọn bần dân đứng về phía César, lần này thắng bại không do tiền nhiều hay ít nữa mà do may rủi của chiến tranh; César thắng và thành lập chế độ độc tài nhân dân. Bọn quí tộc ám sát ông ta, nhưng rốt cuộc cũng phải nhận sự độc tài của Auguste, vừa là cháu [gọi César bằng ông chú hay ông bác], vừa là con rể của César. (-27). Thế là chế độ dân chủ sụp đổ, chế độ quân chủ được phục hưng. Cái vòng kể trên của Platon đã khép lại.
Mấy thí dụ cổ điển đó cho phép ta suy luận rằng chế độ dân chủ thời thượng cổ bị chế độ nô lệ, thói tham tiền vụ lợi, và chiến tranh làm cho bại hoại từ căn bản, nên không đáng mang cái danh dân chủ; nó không cho ta dược một ý niệm đúng về một chính quyền nhân dân. Ở Hoa Kì, chế độ dân chủ có nền móng rộng hơn. Nó đã được hưởng hai di sản của Anh: Luật anglo-saxon từ hồi Đại Hiến chương[17] đã bênh vực công dân chống với Chính phủ; và đạo Thệ phản (Tin Lành) đã mở đường cho tự do tín ngưỡng và tư tưởng. Cuộc Cách mạng Hoa Kì không phải chỉ là một cuộc nổi loạn của dân thuộc địa chống mẫu quốc ở xa, mà còn là cuộc nổi dậy của giới tư sản bản xứ chống lại giới quí tộc ở Anh qua. Nhờ nhiều đất còn trống và nhờ một pháp chế rất sơ sài, cuộc nổi loạn hóa dễ dàng và mau thành công. Những người làm chủ khu đất họ trồng trọt đó, và chỉ bị thiên nhiên hạn chế thôi, tự tạo lấy hoàn cảnh sinh hoạt cho mình, nên có được cái căn bản kinh tế cho sự tự do và chính trị; tư cách, tính khí của họ đâm rễ trong lòng đất. Chính những người như vậy đã bầu Jefferson làm tổng thống, ông này cũng hoài nghi ngang Voltaire và cách mạng không kém Rousseau. Một chính quyền can thiệp rất ít vào việc dân, làm cho sinh lực cá nhân được giải phóng để biến đổi hẳn Hoa Kì: từ một miền hoang vu thành một cõi thiên đường cho hạng theo chủ nghĩa duy vật; từ thân phận một đứa con bị bảo hộ của châu Âu thành ra kình địch và giám hộ cho châu Âu. Sự cô lập ở thôn quê[18] khiến cho cá nhân được tự do, và sự cô lập của quốc gia, hai bên có hai đại dương che chở, bảo đảm cho sự tự do và sự an ninh của Hoa Kì. Đó là vài trong vô số yếu tố khiến Hoa Kì có một nền dân chủ có căn bản hơn, phổ biến hơn tất cả những nền dân chủ từ trước tới thời đó.
Đa số những yếu tố ấy ngày nay không còn nữa. Sự bành trướng của các thị trấn lớn đã làm cho cá nhân không còn cô lập nữa. Sự độc lập của cá nhân cũng mất: Người lao động phải lệ thuộc các dụng cụ và một tư bản không phải của họ, lệ thuộc những điều kiện làm việc họ không thay đổi được. Chiến tranh càng ngày càng có tính cách tàn phá và cá nhân không làm sao hiểu được nguyên nhân, hoặc tránh được hậu quả. Không còn đất trống nữa, tuy nhiên tư sản đã được phổ biến (với tối thiểu thổ địa). Xưa kia thợ thủ công tự làm chủ mình, ngày nay thành một khí cụ trong tay các nhà đại phân phối, và có thể tán thành lời phản kháng của Marx khi ông bảo rằng cái gì cũng bị lung lạc hết. Cả trong giai cấp trung lưu, cũng càng ngày càng hiếm thấy những người được tự do về kinh tế và người ta tự an ủi rằng còn được chút bề ngoài tự do về chính trị. Mà trái với điều chúng ta nghĩ khi còn đương ở tuổi thanh xuân bồng bột, tất cả tình trạng đó không do bọn giàu có bại hoại gây ra đâu, mà do hậu quả không tránh được của sự phát triển kinh tế và do chính bản tính con người. Mọi sự tấn bộ trong guồng máy phức tạp của kinh tế đều làm cho hạng người tài giỏi có thêm cơ hội thành công, làm gia tăng tốc độ tập trung tài sản, trách nhiệm và quyền hành chính trị.
Trong mọi chế độ chính trị, chế độ dân chủ khó thực hiện nhất vì nó cần một điều kiện là sự thông minh càng được phổ biến càng tốt; mà khi chúng ta tự đặt mình lên địa vị lãnh đạo thì chúng ta quên đi, không muốn thành người thông minh. Giáo dục được phổ biến đấy, nhưng sự thông minh luôn luôn thua sự ngây ngô, nó sinh sản rất mạnh[19]. Một người cực nửa đời đã nói: “Không phải vì lẽ sự ngu xuẩn rất phổ thông mà phải đặt nó lên ngai vàng”. Thực ra, sự ngu xuẩn không giữ được ngôi lâu vì nó bị những sức mạnh gây nên dư luận lung lạc. Có lẽ đúng như Lincoln nói, “người ta không thể lừa gạt tất cả mọi người hoài được”, nhưng người ta có thể gạt được một số người đủ để thống trị một nước lớn.

Chế độ dân chủ có chịu trách nhiệm về tình trạng sa đọa hiện tại của nghệ thuật không? Dĩ nhiên, không phải ai cũng cho rằng nghệ thuật ngày nay sa đọa; đó là vấn đề phê phán chủ quan. Người nào thấy ghê tởm trước những thái quá của nghệ thuật đó (những vết sơn vô nghĩa, những mảnh vụn dán bậy với nhau, những cái chuông mắt hỗn độn), thì nhất định là còn lệ thuộc quá khứ, không có can đảm thí nghiệm cái mới. Những người sáng tác các nghệ phẩm vô lí ấy đâu có nhắm đại chúng (đại chúng khinh họ là bất thường, sa đọa, lừa gạt) mà cốt để bán cho bọn giàu có dễ bị phỉnh, dễ chóa mắt vì lời rao hàng của người bán đấu giá, và phục sát đất tất cả những cái gì mới mẻ, dù dị dạng tới đâu. Chế độ dân chủ có chịu trách nhiệm về sự sa đọa đó thì chỉ ở điểm này: nó không biết đưa ra những giá trị, những giám thức có thể thay thế những cái mà giới quí tộc thời trước đã dùng để ngăn chặn bớt óc tưởng tượng và tinh thần cá nhân của các nghệ sĩ mà giữ cho nghệ phẩm của họ dễ hiểu đối với người thưởng ngoạn, diễn được đời sống và sự điều hòa của các bộ phận theo một thứ tự hợp lí, một toàn thể có mạch lạc chặt chẽ. Sở dĩ nghệ thuật này nay có vẻ “kì cục”, không phải chỉ vì nó được đại chúng gợi ý, chi phối, phổ biến[20], mà còn vì nó đã tận dụng những khả năng của các môn phái và các hình thức thời trước rồi; thành thử nó lúng túng trong một giai đoạn chuyển tiếp, đương tìm những hình thức, phong thể, qui tắc và khuôn phép mới.
Trừ mấy điểm kể trên ra, chế độ dân chủ đã ít hại mà lại nhiều lợi hơn tất cả các chế độ khác. Nó làm cho đời sống xã hội thêm hứng thú, nó tạo nên tinh thần bạn bè, những cái đó đủ bù những bước vụng về cùng nhược điểm của nó rồi. Nó đã cho ta sự tự do cần thiết cho sự phát triển của tư tưởng, khoa học và kinh doanh. Nó đả phá những hàng rào đặc quyền và giai cấp, và trong mỗi thế hệ nó đã cho hạng người tài giỏi xuất đầu lộ diện bất kì ở trong giai cấp nào. Nhờ nó kích thích mà Athènes và La Mã đã thành những thị trấn có tài sáng tạo nhất trong lịch sử; nhờ nó mà Hoa Kì trong hai thế kỉ đã làm cho tỉ số dân phong lưu tăng lên rất cao, trong lịch sử chưa từng thấy. Từ nay trở đi, chế độ dân chủ cương quyết tận lực phổ biến giáo dục, kéo dài thời gian đi học, đồng thời lo bảo vệ sức khỏe của dân chúng. Nếu nó làm cho mọi người đều có cơ hội ngang nhau để học hành, thì nó thực sự là “dân chủ”, và sự tồn tại của nó thực là chính đáng. Vì đây là phần đúng trong những khẩu hiệu của nó: Không phải mọi người có thể bình đẳng với nhau, nhưng có thể làm cho càng ngày người ta càng bình đẳng hơn trong cơ hội được giáo dục. Quyền của con người không phải là quyền được giữ chức vụ này, nắm quyền hành nọ, mà là cái quyền được thử mọi cách để phát triển khả năng lãnh một nhiệm vụ hoặc một quyền hành. Quyền lợi không phải là của Thượng Đế, hoặc của Thiên nhiên ban cho, mà phải là một đặc quyền [do xã hội ban] mà cá nhân phải dùng vào việc ích cho xã hội.
Ngày nay ở Anh, Hoa Kì, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ, Gia Nã Đại, chế độ dân chủ mạnh mẽ, vững vàng hơn bao giờ hết. Nó đã can đảm, cương quyết chống lại sự tấn công của các chế độ độc tài ngoại lai, và nó vẫn chưa chịu nhường bước cho các mưu mô độc tài nội tại. Nhưng nếu chiến tranh tiếp tục nuốt nó, chi phối nó, hoặc nếu cái tham vọng xấu xa muốn chiếm cả thế giới làm cho nó quân đội hóa hơn nữa, thì rất có thể các tự do dân chủ lần lượt mất hết. Nếu các chiến tranh chủng tộc, giai cấp chia rẽ chúng ta thành những phe đảng thù nghịch nhau, không còn tranh luận về chính trị với nhau nữa mà mù quáng căm hận nhau, thì rất có thể một trong những phe đảng sẽ thay chế độ tuyển cử bằng uy lực của lưỡi gươm. Và nếu chế độ kinh tế tự do của chúng ta không phân phối tài sản một cách cũng thông minh như khi sản xuất tài sản, thì con đường độc tài sẽ mở rộng cho kẻ nào khéo thuyết phục quần chúng rằng mình có thể bảo đảm sự an toàn cho mọi người; mà một chính phủ quân nhân, dù có tự che đậy, tô điểm bằng những lời hấp dẫn ra sao đi nữa, thì cũng vẫn có nghĩa là chế độ dân chủ đã cáo chung.
Chú thích:
[1] Nghĩa là tự do phủ nhận: chế độ này áp dụng ở Ba Lan từ năm 1652, làm cho Ba Lan hỗn loạn, suy nhược, vì cho phép mỗi vị trong Quốc hội có quyền xin ngưng các cuộc thảo luận về một vấn đề nào đó, cả quyền hủy bỏ các quyết định trong buổi họp nữa. Mãi đến năm 1791 chế độ đó mới bãi bỏ.
[2] Sinh năm 63, mất năm 14.
[3] Trong cuốn “Lịch sử sự suy vi và sụp đổ của đế quốc La Mã”.
[4] Chúng ta nên nói thêm rằng theo một số sử gia, trong thế kỉ của dòng Antonin, các hoàng đế cố lập lại trật tự trong cảnh suy vi của La Mã, nhưng không thành công. Coi cuốn Khảo luận về Sử của Arnold Toynbee. [Theo chú thích của tác giả. (Goldfish)]
[5] Câu: “Quốc gia là trẫm” là của Louis XIV, một ông vua Pháp chuyên chế nhưng siêng năng, nắm hết cả việc nước. Câu sau, dịch cho đúng từng chữ là: “Sau trẫm là cơn hồng thủy”, tương truyền của Louis XV, cháu nội Louis XIV, thốt ra trong khi ông ta đương ham vui, bực mình vì có người lại nhắc ông những việc rắc rối trong nước. Ý ông muốn nói rằng: “Tình trạng khó khăn ra sao thì cũng duy trì được suốt đời ta. Ta chết rồi, kẻ kế vị ta xoay sở ra sao thì xoay sở”. Nghĩa là ông ta chẳng quan tâm gì tới việc nước cả. Nhưng có sử gia cho rằng câu đó chính là: “Sau chúng mình là cơn hồng thủy” không phải của Louis XV, mà của bà De Pompadour tình nhân của Louis XV, nói với Louis XV.
[6] Burke (1728 hay 1730-1797) là một văn sĩ và chính trị gia Anh, vừa là bạn vừa là thầy của Charles James Fox. Ông là tác giả cuốn “Suy tư về cuộc cách mạng Pháp” xuất bản năm 1790. Chê cách mạng Pháp phá hoại các giá trị cổ truyền.
[7] Trong cuốn “Cuộc cách mạng Pháp”, Taine đã ghi chép lại giai đoạn đó, đọc rồi không sao quên được. [Theo chú thích của tác giả. (Goldfish)].
[8] Tổng thống thứ bảy của Hoa Kì từ 1828 đến 1836 (hai khóa).
[9] Nghĩa là vào khoảng đầu thế kỉ XX vì tác giả sinh năm 1885.
[10] Một miền của cổ Hi Lạp mà thị trấn chính là Athènes.
[11] Chính trị gia đại tài của Hi Lạp sinh năm -640, mất năm -548 (phỏng chừng).
[12] Y như Hoa Kì trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929.
[13] Nghĩa là không cho tài sản tập trung vào một thiểu số nữa.
[14] Macédoine là một xứ ở phía Bắc Hi Lạp. Vua Philippe là cha vua Alexandre, nhà xâm lăng bậc nhất thời thượng cổ đã tiến quân tới Ấn Độ.
[15] Tức thuộc địa.
[16] Đồng tiền cổ La Mã.
[17] Do vua Anh Jean sans terre ban hành năm 1215. [Vua Anh Jean sans terre: tức vua Anh John (1199-1216) có biệt hiệu là Lackland (không có ruộng đất). (Goldfish)].
[18] Vì đất đai rất rộng, trại ruộng nọ cách trại ruộng kia rất xa.
[19] Nghĩa là người chất phác sinh sản mạnh hơn hạng người thông minh.
[20] Tác giả muốn nói tới báo chí, màn ánh, truyền thanh, truyền hình chăng, chứ đại chúng đâu có ưa nghệ thuật mới đó, như tác giả đã nhận định ở trên.
CHƯƠNG XI
Lịch Sử Và Chiến Tranh
Chiến tranh là một trong những sự thực lịch sử thời nào cũng xảy ra, khi loài người bắt đầu văn minh nó đã không bớt, mà khi chế độ dân chủ xuất hiện, nó cũng không giảm. Trong 3421 năm gần đây chỉ có 268 năm là không có chiến tranh. Chúng ta đã chấp nhận rằng chiến tranh là hình thức phát triển nhất của sự ganh đua, sự đào thải tự nhiên trong loài người với nhau. Triết gia Hi Lạp Héraclite (thế kỉ thứ VI trước T.L.) đã nói rằng chiến tranh (hoặc sự ganh đua) là mẹ của mọi sự (Polemos pater panton), nguồn gốc của mọi ý tưởng, phát minh, chế độ, cả của các Quốc gia nữa. Hoà bình chỉ là một thế thăng bằng không bền, và chỉ có thể duy trì được khi hai bên lực lượng ngang nhau, hoặc một bên chịu nhận ưu thế của bên kia.
Nguyên nhân của chiến tranh cũng vẫn là những nguyên nhân của sự ganh đua giữa cá nhân, tức bản năng thủ đắc, tính hiếu chiến, tính tự tôn, tự phụ; nói cách khác, là cái lòng ham muốn chiếm thức ăn, đất đai, nguyên liệu, nhiên liệu và lòng ham thống trị. Quốc gia cũng có những bản năng đó như chúng ta, nhưng lại không có những cấm chỉ của chúng ta. Cá nhân chấp nhận những hạn chế do luân lí và luật pháp đặt ra, bắt mọi người phải theo; cá nhân chịu thôi không đánh nhau nữa mà ngồi thảo luận với nhau, sở dĩ vậy chỉ nhờ Quốc gia bảo đảm cho cá nhân được hưởng một sự bảo vệ tối thiểu về sinh mạng, của cải và quyền lợi. Còn Quốc gia thì không chịu chấp nhận một sự hạn chế quan trọng nào cả, hoặc vì nó khá mạnh để bất chấp mọi sự ngăn cản ý muốn của nó[1], hoặc vì không có một siêu quốc gia nào có thể bảo đảm cho nó một sự bảo vệ tối thiểu[2], không có một bộ luật nào, một luân lí quốc tế nào có đủ thực lực.
Ở cá nhân, lòng tự phụ gây ra các cuộc cạnh tranh; còn các dân tộc thì tinh thần quốc gia đưa tới hoặc mưu thuật (ngoại giao) hoặc là chiến tranh. Khi các quốc gia châu Âu đã trút bỏ được sự giám hộ của các giáo hoàng[3] thì Quốc gia nào cũng khuyến khích tinh thần quốc gia, để hỗ trợ cho lục quân hoặc hải quân. Khi một nước nào đoán trước sẽ có xung đột với một nước khác thì chính quyền nước đó khêu trong lòng quốc dân ngọn lửa oán ghét nước kia, rồi tìm ra những khẩu hiệu kích thích nỗi oán ghét ấy tới cực độ; đồng thời người ta không ngớt tuyên bố hoài rằng mình chỉ muốn hoà bình.
Sự khiêu động, điều lí tinh thần bài ngoại ấy chỉ xảy ra trong những cuộc xung đột tầm thường nhất; ở châu Âu người ta ít khi dùng tới cách đó từ những chiến tranh tôn giáo ở thế kỉ XVI tới những chiến tranh của cuộc Cách mạng Pháp thế kỉ XVIII. Trong khoảng thời gian đó, dân chúng các nước lâm chiến được tự do tôn trọng nền văn minh của nhau; Pháp đánh nhau với Anh mà người Anh vẫn được đi lại thong thả trên đất Pháp; trong chiến tranh bảy năm [chiến tranh giữa Anh, Phổ và Pháp, Áo, Nga: 1756-1763] người Pháp và đại đế Fréđérick [vua Phổ, bạn thân của Voltaire] vẫn tiếp tục ngưỡng mộ lẫn nhau. Ở thế kỉ XVIII và XIX, chiến tranh là sự xung đột giữa các quí tộc (tức các vua chúa), chứ không phải là giữa các dân tộc[4]. Tới thế kỉ XX, do sự cải thiện các phương tiện giao thông, chuyên chở, cải thiện khí giới và các cách tuyên truyền nhồi sọ, mà chiến tranh thành sự xung đột giữa các dân tộc, chẳng những chiến sĩ ở mặt trận mà cả thường dân ở hậu tuyến cũng phải liên luỵ, và từ đó “chiến thắng” có nghĩa là tiêu diệt một cách triệt để mọi của cải và sinh mạng. Ngày nay chỉ một cuộc chiến tranh thôi cũng đủ phá huỷ trọn kết quả của mấy thế kỉ xây dựng: thị trấn, nghệ phẩm và tất cả những ích lợi của văn minh. Để bù lại, và cũng tựa như để được miễn tội, chiến tranh làm cho khoa học và kĩ thuật tiến bộ, và những phát minh sát nhân có thể một ngày kia[5] giúp cho các thực hiện vật chất trong thời bình mau phát triển, miễn là từ nay tới đó, thế giới không bị tàn phá hoàn toàn, nhân loại không trở về tình trạng dã man mà các phát minh đó không bị chôn vùi luôn, không còn ai nhớ nữa.
Ở thế kỉ nào cũng vậy, các tướng lĩnh và các quốc trưởng trừ vài trường hợp rất hiếm như Acoka và Auguste[6], đều chế giễu các lời phản kháng rụt rè của các triết gia đối với chiến tranh. Theo thuyết giải thích lịch sử bằng chiến tranh thì chiến tranh là sự điều đình tối hậu; nó được mọi người, trừ bọn hèn nhát ngây thơ, cho là tự nhiên, cần thiết. Charles Martel [Charlemagne] thắng quân Hồi giáo ở Poitiers (732) đã chẳng tránh cho Pháp và Y Pha Nho khỏi bị Hồi hoá đấy ư? Nền văn minh cổ điển của chúng ta nếu không được bảo vệ bằng khí giới, chống với các cuộc xâm lăng Mông Cổ và Hung Nô thì phương Tây chúng ta đã ra sao? Chúng ta mỉa mai các tướng lĩnh chết trên giường bệnh giữa vợ con (mà quên rằng sống, họ có ích cho ta hơn là chết chứ), nhưng chúng ta dựng tượng cho họ khi họ hạ được một Hitler, một Thành Cát Tư Hãn. Bọn tướng lĩnh bảo có biết bao thanh niên chết trên chiến trường, điều đó đáng tiếc thật, nhưng số thanh niên chết vì tai nạn xe hơi còn nhiều hơn, mà nhiều thanh niên vì thiếu kỉ luật mà hay chống đối chính quyền, nổi loạn hoặc sống một đời truỵ lạc; tính ham chiến đấu, mạo hiểm, ghê tởm cuộc sống bình thường của họ cần có một lối thoát; mà sớm muộn gì họ cũng sẽ chết thì tại sao lại chẳng để họ say mê chết cho quốc gia trong sự vinh quang rực rỡ? Ngay một triết gia nếu thuộc sử tất cũng phải nhận rằng hòa bình mà kéo dài lâu quá thì tinh thần chiến đấu của một dân tộc có nhiều phần chắc sẽ suy giảm không sao cứu được. Hiện nay luật pháp quốc tế còn thiếu sót quá, ý thức bốn bể một nhà còn ít được phổ biến quá, vậy thì dân tộc nào cũng phải chuẩn bị sẵn sàng để tự bảo vệ bất kì lúc nào; và khi những quyền lợi cốt yếu cho sinh mệnh của mình bị lâm nguy thì mình phải có quyền dùng bất kì phương tiện nào thấy nó cần thiết cho sự sống còn của mình. Thập giới [Thượng Đế ban cho Moise[7]] phải làm thinh đi, khi khi giết người là một vấn đề sinh tử.[8]
Bọn tướng lĩnh nói tiếp: Hiển nhiên là ngày nay Mĩ phải lãnh cái nhiệm vụ mà Anh đã làm một cách rất hoàn hảo ở thế kỉ XIX - bảo vệ văn minh phương Tây khỏi bị những tai hoạ từ ngoài vô. Các chính quyền cộng sản nhờ giữ được mức sinh suất cũ[9] và có được những khí giới mới, không giấu giếm gì cả, nói thẳng ngay rằng họ quyết tâm diệt chế độ kinh tế và sự độc lập của các nước không cộng sản. Các quốc gia tân lập vẫn ao ước một cuộc cách mạng kĩ nghệ để giàu mạnh lên, bị mê hoặc và choá mắt khi thấy Nga áp dụng chính sách kinh tế do Quốc gia chỉ huy mà kĩ nghệ phát triển rất mau; chế độ tư bản phương Tây rốt cuộc có thể là sản xuất được nhiều hơn, nhưng phương pháp của họ có vẻ chậm chạp hơn; những chính quyền mới muốn sử dụng tài nguyên và nhân lực trong nước, dễ bị sự tuyên truyền của cộng sản cám dỗ, hậu quả là cộng sản xâm nhập lần lần rồi phá hoại. Vậy nếu không ngăn chặn lại bước tiến của cộng sản thì Á, Phi và Nam Mĩ sớm muộn gì cũng sẽ đứng vào khối cộng mất, chỉ là một vấn đề thời gian thôi. Trong hoàn cảnh ấy, Úc, Tân Tây Lan, Bắc Mĩ và Tây Âu sẽ bị kẻ thù bao vây mọi phía. Ta thử tưởng tượng tình trạng ấy sẽ ảnh hưởng tới Nhật, Phi Luật Tân và Ấn Độ, hoặc tới đảng cộng sản mạnh mẽ ở Ý ra sao; mà một thắng lợi của cộng sản Ý sẽ tác động tới phong trào cộng sản ở Pháp ra sao? Anh, Thuỵ Điển, Na Uy, Phần Lan, Hoà Lan, Tây Đức sẽ phải tuỳ thuộc một lục địa đại đa số theo cộng, cộng bắt sao họ phải chịu vậy Bắc Mĩ hiện nay quyền lực lên tới tột đỉnh, có chịu qui phục, nhận tai hoạ ấy không, thu hình trong cái vỏ sò, để cho các nước kình địch kia bao vây, chặn đường tiếp tế nguyên liệu, cắt đứt các thị trường và như mọi dân tộc bị bao vây, bắt buộc phải bắt chước kẻ thù, thiết lập chế độ độc tài về mọi khu vực kinh tế mà kinh tế hết được tự do, kích thích nữa, Bắc Mĩ có chịu nhận tình thế ấy không? Các chính quyền Mĩ có nên chỉ quan tâm tới ý kiến của thế hệ hiện nay chỉ ham hưởng lạc, không chịu nhìn thẳng vào vấn đề sinh tử đó; hay là cũng nên nghĩ tới những thế hệ sau này nữa, mà hành động như họ ao ước ông cha họ hành động? Chống cự lại ngay đi có phải là khôn hơn không? Đem ngay chiến tranh vào nội địa của địch đi, chiếm đất tại nước họ, nếu cần thì hi sinh một trăm ngàn sinh mạng Mĩ, và có lẽ một triệu thường dân không chiến đấu nữa, để được trở lại thành một nước Mĩ tự do, sống theo ý mình, trong sự độc lập và an toàn, như vậy có phải là khôn hơn không? Chính sách dài hạn đó chẳng hoàn toàn phù hợp với những bài học của lịch sử đấy ư?
Phe triết gia đáp: Phải, phù hợp đấy, nhưng hậu quả tai hại cũng sẽ phù hợp với lịch sử nữa, chỉ khác là những hậu quả ấy sẽ tăng lên theo số đông và tốc độ di động của các lực lượng chiến đấu, và theo sức tàn phá kinh khủng phi thường của các khí giới. Còn có cái gì lớn lao hơn lịch sử nữa chứ. Có những lúc mà nhân danh nhân loại, chúng ta phải từ chối không bắt chước cả ngàn những việc đáng tiếc đã xảy ra, và can đảm áp dụng Hoàng kim qui tắc[10] vào các dân tộc như vua Phật giáo Acoka đã làm năm 262 trước T.L. hoặc ít nhất thì cũng như Auguste khi ông ra lệnh cho Tibère[11] đừng tiến sâu vào xứ Germanie nữa (năm 9 sau T.L.).
Dù phải trả giá nào chăng nữa, chúng ta cũng không được phạm cái tội gây ra cả trăm vụ Hiroshima ở Trung Hoa. Edmund Burke đã nói: “Về chính trị, đức đại độ nhiều khi mới thực là khôn khéo, sáng suốt, và không có một sự thích hợp giữa một đại đế quốc và một tinh thần ti tiểu”[12]. Chúng ta thử tưởng tượng một vị tổng thống Mĩ nói với các nhà lãnh đạo Nga và Trung Hoa:
“Nếu chúng tôi cứ theo những luật truyền thống của lịch sử thì chúng tôi phải tuyên chiến với các ông liền, vì e rằng chỉ trong một thế hệ nữa, các ông cũng sẽ tuyên chiến với chúng tôi. Hoặc giả nếu không vậy thì chúng tôi phải noi cái gương ô nhục của Đồng Minh Thần thánh năm 1815[13] mà dùng tiền bạc cùng tinh hoa của thanh niên chúng tôi để đàn áp mọi cuộc nổi loạn chống trật tự hiện tại trên khắp thế giới[14]. Nhưng chúng tôi đã quyết định thử một giải pháp khác. Chúng tôi tôn trọng dân tộc và nền văn minh của các ông mà chúng tôi cho là vào hàng đáng chú ý nhất trong lịch sử. Chúng tôi sẽ rán tìm hiểu cảm nghĩ cùng ý muốn thực hiện chế độ cộng sản của các ông, mà không sợ bị các ông tấn công. Phía các ông và phía chúng tôi, chúng ta đừng nên để cho niềm sợ sệt lẫn nhau thúc đẩy mà gây ra chiến tranh, vì sức hiệu nghiệm phi thường của khí giới đôi bên sẽ làm cho vấn đề mang một yếu tố chưa từng thấy. Đây, chúng tôi đề nghị với các ông như vầy: Các nhà đại diện của các ông và các nhà đại diện của chúng tôi sẽ họp nhau trong một hội nghị thường trực để giải những mối xung đột của chúng ta, chấm dứt hành động cừu địch, phá hoại lẫn nhau, và tài giảm binh bị. Mỗi khi chúng tôi ganh đua với các ông để thu phục một nước thứ ba nào thì chúng tôi chịu tuân theo kết quả cuộc đầu phiếu tự do của dân chúng nước đó. Chúng ta mở cửa nước chúng ta cho nhau vô, chúng ta tổ chức các cuộc trao đổi văn hoá để hiểu biết thêm nhau. Chúng tôi không sợ chính sách kinh tế của các ông thay thế chính sách của chúng tôi, và các ông cũng đừng sợ chính sách kinh tế của chúng tôi một ngày kia sẽ thay thế chính sách của các ông; chúng tôi tin rằng mỗi chính sách hễ tiếp xúc với chính sách kia thì sẽ tự cải thiện đi và cả hai có thể sống chung với nhau, hợp tác một cách hoà bình với nhau nữa. Có thể mỗi nước chúng ta vừa giữ những phương tiện tự bảo vệ thích đáng, vừa kí kết với các nước khác những hiệp ước bất tương xâm, bất tương phá hoại; những hiệp ước như vậy có thể tạo nên một sự thăng bằng trên khắp thế giới, mà mỗi quốc gia được tự chủ, độc lập, chỉ phải giữ những lời cam kết mà mình đã tự do kí thôi. Chúng tôi mời các ông hợp sức với chúng tôi để chống lại cái luật định mệnh lịch sử, để đem các luật lễ độ, văn minh áp dụng vào sự giao thiệp giữa các Quốc gia xem sao. Chúng tôi lấy danh dự thề trước toàn thể nhân loại rằng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng và thành thực thử mạo hiểm xem sao. Dù chúng tôi có thua trong cuộc đánh cá lịch sử này thì tương lai cũng không thể tệ hơn cái tương lai nó chờ đợi chúng tôi nếu chúng tôi cứ khăng khăng theo chính sách truyền thống. Nhưng nếu các ông và chúng tôi mà thành công thì chúng ta đáng được hậu thế mang ơn”.

Tới đây phe tướng lĩnh mỉm cười: “Các ông quên tất cả những bài học của lịch sử, ngay đến bản tính con người như các ông đã tả, các ông cũng quên nữa. Có một số xung đột sâu sắc quá không thể giải quyết bằng cách thương nghị được; vả lại lịch sử cho ta thấy rằng trong các cuộc thương nghị kéo dài, hai bên cũng vẫn tiếp tục phá hoại lẫn nhau. Một trật tự cho cả thế giới không thể thành lập bằng một gentleman’s agreement (giao ước bằng lời, lấy danh dự bảo đảm) mà chỉ có thể thành lập sau một cuộc đại thắng có tính cách quyết định tới nỗi một đại cường có thể bắt buộc các quốc gia khác phải theo luật của mình đưa ra như một luật quốc tế trên như La Mã từ thời hoàng đế Auguste tới thời hoàng đế Marc Aurèle[15]. Những màn thế giới thăng bình đó trái với tự nhiên, vậy là lệ ngoại, chẳng bao lâu lại có một sự phân phối mới về vũ lực và cảnh thăng bình phải chấm dứt. Các ông đã nói với chúng tôi rằng phải chấm dứt. Các ông đã nói với chúng tôi rằng bản tính con người là thích ganh đua, rằng những xã hội loài người thành lập nhất định cũng mang tính cách ganh đua ấy và luật đào thải tự nhiên từ nay chuyển lên cương vị quốc tế. Chỉ khi nào các quốc gia đều bị tấn công từ ngoài vào thì họ mới đoàn kết với nhau và hợp tác từ căn bản.
Có lẽ ngày đó đương tiến lại gấp đấy; có thể chúng ta sẽ phải đương đầu với những giống người tham lam, có dã tâm, từ các hành tinh khác hoặc từ các thái dương hệ khác đổ bộ xuống địa cầu chúng ta; rồi ngay sau đó sẽ có một chiến tranh giữa các tinh cầu. Lúc đó và chỉ lúc đó, loài người trên địa cầu này mới đoàn kết với nhau mà đồng cam cộng khổ.
*[16] Ngay triết gia Bergson năm 1936 cũng viết: “Cứ để cho nữ thần ái tình Vénus hành động thì chúng ta sẽ thấy thần chiến tranh Mars xuất hiện nghĩa là loài người sinh sản nhiều quá thì sẽ có chiến tranh.
Chúng tôi nhớ Napoléon sau một cuộc bại trận ở Áo (?) thấy sĩ tốt chết nhiều quá, bảo: “Không sao! Chỉ một đêm ái ân của dân Paris là đủ bù được”.
Và Bouthoul kết luận rằng tài giảm binh bị không có hiệu quả bằng “tài giảm sinh sản (désarmenent démographique – trang 137) vì ông cho sự thăng hoa (sublimation) bản năng ganh đua, chiến đấu, nghĩa là hướng tinh thần chiến đấu của loài người vào những mục tiêu cao cả, không có hiệu quả lớn: nguyên nhân của chiến tranh không do bản năng ganh đua chiến đấu, mà do bản năng tự sát, tự hủy kia. Nếu vậy thì bi đát thật![17]
Chú thích:
[1] Như Nga, Mĩ ngày nay.
[2] Như Israel và các quốc gia Ả Rập ngày nay.
[3] Cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX.
[4] Tác giả chỉ xét riêng ở châu Âu. Ở Đông Á chúng ta, cho tới thế kỉ XIX, chỉ có chiến tranh xâm lăng. Trung Hoa khi mạnh thì xâm lăng các nước chung quanh (trừ Nhật Bản vì cách biển) để mở mang bờ cõi; khi yếu thì bị các dân tộc chung quanh - nhất là các dân tộc du mục ở phía Bắc và phía Tây - xâm lăng. Dân tộc ta đời Lý, thừa lúc nhà Tống suy vi, cũng tính chiếm Hoa Nam nhưng không thành công. Trung Hoa thời đó vì đất đai quá rộng, vì thiếu phương tiện hoặc vì chưa giỏi tổ chức, nên không biết bóc lột, khai thác triệt để các nước bị họ chiếm, và cơ hồ chỉ chú trọng tới sự đồng hoá các dân tộc chung quanh thôi. Rồi từ thế kỉ XIX, Đông Á (kể cả Trung Hoa) lại bị những chiến tranh xâm lăng của người da trắng, tàn nhẫn hơn nhiều, hiện nay chưa dứt.
[5] Tác giả viết cuốn này năm 1967, vậy lúc đó ông còn cho rằng thế giới vẫn chưa hoà bình, thế chiến thứ nhì vẫn còn tiếp diễn dưới một hình thức khác.
[6] Acoka là một ông vua Ấn Độ rất mộ đạo Phật; dưới triều đại ông (273-232) đạo Phật thịnh hành nhất, bành trướng nhất. (Coi Lịch Sử Văn Minh Ấn Độ - Lá Bối 1971). Auguste là ông vua đầu tiên của La Mã, sinh năm 63, chết năm - 14. Cả hai ông vua ấy mới đầu đều dùng binh lực để thống nhất quốc gia, thành công rồi thì trị dân một cách nhân từ và không ưa chiến tranh. [Có lẽ chữ Açoka sách in sai thành Acoka. (Goldfish)]
[7] Có lẽ chữ Moïse bị in sai thành Moise. (Goldfish).
[8] Vì trong Thập giới (Mười điều cấm), giới thứ năm cấm giết người.
[9] Vì họ không cấm sự ngừa thai, không hạn chế sinh dục, sinh suất của họ vẫn vào khoảng từ 2 đến 3% mỗi năm, còn ở Âu Mĩ chỉ vào khoảng 1%. Nhờ vậy dân số họ tăng mau hơn, gấp hai gấp ba. Nhưng ở Trung Cộng hiện nay người ta bắt đầu áp dụng chính sách ngừa thai rồi.
[10] Tức qui tắc: kỉ sở bất dục, vật thi ư nhân (điều gì mình không muốn thì đừng làm cho người).
[11] Vừa là tướng, vừa là con rể của Auguste, kế nghiệp Auguste, thành Hoàng đế thứ nhì của La Mã (-42 đến -37).
[12] Do Seebolm dẫn trong cuốn The age of Johnson (Thời đại Johnson) - Chú thích của Durant. Đại ý câu ấy là nước lớn đừng nên tính những chuyện nhỏ mọn.
[13] Sau khi thắng Napoléon ở Waterloo rồi đày ông ta ra đảo Thánh Hélène, các đồng minh Nga, Anh, Áo, Phổ họp nhau ở Vienne (Áo) năm 1915, tự ý chia cắt châu Âu với nhau rồi Nga, Áo, Phổ lập ra Đồng minh Thần Thánh để giữ tinh thần huynh đệ giữa ba quốc gia “mà Thượng Đế đã giao cho thiên chức đem lại hoà bình cho châu Âu”, nói thẳng ra là để duy trì hiện trạng ở châu Âu sau khi họ đã chia phần với nhau, mà bất chấp quyền lợi của các dân tộc khác.
[14] Mĩ, Anh, Úc đang dùng chính sách đó.
[15] Auguste: coi chú thích ở trên. Marc Aurèle, một hoàng đế kiêm triết gia La Mã, sinh năm 121, mất năm 181. Trong hai thế kỉ đầu kỉ nguyên, từ Auguste tới Marc Aurèle, đế quốc La Mã cực thịnh, sống trong cảnh thanh bình.
[16] Từ đây đến cuối chương XI này, bản tiếng Anh không có. (Goldfish).
[17] Lời người dịch: Gaston Bouthoul, nhà xã hội học nổi danh ở Pháp hiện nay trong cuốn Le phénonène guerre (Hiện tượng chiến tranh) Payot 1962, tiến thêm một bước nữa, cho rằng nhân loại không những có bản năng tàn phá mà còn có bản năng tự sát, mà nguyên nhân các cuộc tự sát đại qui mô, tức chiến tranh, là để lập lại một sự thăng bằng về nhân khẩu (équilibre démographique – trang 97) và ông nhận thấy rằng - ít nhất là trong các thế kỉ đã qua - cứ sau một thời có nạn nhân mãn là có một chiến tranh lớn (trang 144) để loài người chết bớt đi, đỡ phải dùng chính sách giết trẻ con (infanticide différé - trang 151). Nếu có thể di cư được để bớt nạn nhân mãn thì chiến tranh có thể tạm tránh được.
CHƯƠNG XII
Tiến Bộ Và Suy Tàn
Chúng tôi đã định nghĩa văn minh là “một tổ chức xã hội giúp cho văn hóa xuất hiện”. Chúng ta có thể phân biệt một tổ chức chính trị do tập tục, luân lí và pháp luật, và một tổ chức kinh tế do sự liên tục sản xuất và trao đổi; còn muốn tạo lập một nền văn hóa thì phải có sự tự do; phải khuyến khích sự sáng kiến, phát biểu, nhận định và hưởng thụ các tư tưởng, các tập tục, văn chương và nghệ thuật. Tất cả những cái đó thành một hệ thống quan hệ nhân văn phức tạp và tế nhị, phải gắng sức lâu mới tạo nên được mà muốn phá hoại thì không khó.[1]
Làm sao mà suốt dòng lịch sử ta thấy rải rác những cảnh tàn phế của biết bao nền văn minh, và lịch sử cơ hồ muốn nhủ ta rằng chết là số phận chung, trong vũ trụ như lời của Shelley trong bài “Ozymandias”.[2] Trong sự diễn tiến thịnh rồi suy đó, chúng ta có tìm ra được một luật biến chuyển đều đặn nào giúp ta ôn cố rồi tri tân mà đoán được tương lai nền văn minh của chúng ta sẽ ra sao không?
Nhiều người giàu tưởng tượng tin là có thể được, tới nỗi họ tả tỉ mỉ cái tương lai đó. Trong bài ca thứ tư của mục đồng (Eglogue) Virgile[3] tuyên bố rằng một ngày kia, toàn thể vũ trụ đã canh tân, biến đổi hết cách rồi, sẽ cố ý hoặc ngẫu nhiên trở lại một tình trạng y hệt một tình trạng rất xa xăm trong dĩ vãng, rồi do một định mệnh không sao tránh được, sẽ diễn lại đúng từng tiểu tiết một các biến cố xảy ra từ thời trước đó.
“Rồi sẽ có một Tiphus (nhà tiên tri) khác, và một chiếc tàu khác tên là Argo sẽ chở các đấng anh hùng nổi danh khác [như Jason…]; lại sẽ có những chiến tranh khác, mà Achille vĩ đại lại sẽ được phái qua đánh dân thành Troie”.[4]
Fredench Nietzsehe[5] vì ngắm cái ảo tượng “phản phục bất tuyệt đó” mà hóa điên; không có ý tưởng nào điên khùng bằng ý tưởng đó, vậy mà ta có thể gặp nó trong tác phẩm nhiều triết gia đấy.
Lịch sử trùng diễn, đúng, nhưng chỉ trùng diễn một cách đại khái thôi. Chúng ta có thể tiên đoán không sai rằng trong tương lai cũng như trong quá khứ, có nhiều tân Quốc gia thành lập, trong khi nhiều quốc gia khác bị tiêu diệt: rằng sẽ có những nền văn minh mới theo chế độ mục súc và canh nông rồi lần lần phát triển nhờ thương mại và kĩ nghệ, mà cực thịnh nhờ tài chánh; rằng các tư tưởng sẽ biến chuyển (như Vico và Comte[6] đã nghĩ) từ siêu nhiên tới hoang đường, sau cùng đạt tới khoa học; rằng đời sống tinh thần gồm các lí thuyết, phát minh, phát kiến và nhiều lầm lẫn mới; rằng các thế hệ trẻ sẽ phản kháng các thế hệ già rồi từ thái độ phản động qua thái độ thích nghi và phản ứng; rằng các thí nghiệm trong khu vực luân lí sẽ khiến truyền thống phải lung lay, nhưng lại làm cho những kẻ được hưởng những thí nghiệm đó đâm ra hoảng sợ; và sau cùng, sự hấp dẫn của cái gì mới mẻ sẽ lần lần bị thời gian làm nhạt, mờ đi, mà thời gian chẳng coi trọng một cái gì cả.
Phải, về đại cương thì lịch sử trùng diễn vì bản tính con người thay đổi chậm tới nỗi làm cho ta nghĩ tới các thời đại địa tầng; con người đã được tạo hóa sinh ra để phản ứng - thời nào cũng y hệt nhau - với những hoàn cảnh hoặc kích thích xuất hiện như nạn đói, sự nguy hiểm, hoặc ý muốn truyền chủng. Tuy nhiên, trong một nền văn minh đã tiến hóa, nghĩa là đã phức tạp, thì cá nhân này khác cá nhân khác, có tính cách độc nhất hơn là trong một xã hội bán khai, và nhiều hoàn cảnh có những yếu tố mới mẻ khiến cho cách phản ứng bẩm sinh phải thay đổi đi; tập tục phải lùi bước mà tinh thần lí luận được phổ cập; cũng những nguyên nhân đó càng ngày càng ít phát sinh ra những hậu quả đó. Tóm lại, không có gì chứng tỏ rằng tương lai sẽ y hệt với quá khứ. Mỗi một năm mới là một cuộc mạo hiểm mới.
Một số người thông minh đặc biệt, muốn tìm trong những cái bất thường của lịch sử những qui luật lớn lao. Claude-Henri de Rouvroy, bá tước Saint-Simon (1760-1825), nhà sáng lập chủ thuyết xã hội Pháp, chia quá khứ và vị lai thành những thời đại “tổ chức” và “khủng hoảng” luân phiên nhau xuất hiện:
“Luật phát triển của nhân loại… cho ta thấy hai trạng thái phân biệt và luân phiên của xã hội: Một trạng thái mà chúng tôi gọi là trạng thái tổ chức, trong trạng thái đó mọi hành vi, hoạt động của con người được xếp đặt, dự tính, chỉnh đốn theo một lí thuyết tổng quát; mục đích của hoạt động xã hội được minh định; còn trong trạng thái kia mà chúng tôi gọi là trạng thái khủng hoảng thì không có sự cảm thông tư tưởng, không có sự thống nhất, sự phối trí hoạt động và xã hội chỉ còn là một tụ họp các cá nhân cách biệt nhau, kẻ nọ tranh đấu với kẻ kia.
“Mỗi trạng thái đó đã chiếm hai thời đại trong lịch sử. Một trạng thái tổ chức đã xuất hiện trước thời đại của người Hi Lạp mà người ta gọi là thời đại triết lí, còn chúng tôi thì gọi là thời đại khủng hoảng cho đúng hơn. Sau đó, một thuyết mới phát sinh, trải qua các giai đoạn khai đoan rồi cải thiện, và rốt cuộc khống chế tất cả phương Tây về chính trị. Sự thành lập Giáo hội mở màn cho một thời đại tổ chức mới kéo dài tới thế kỉ XV, tới lúc mà các nhà cải cách tôn giáo đưa phương Tây vào một thời đại khủng hoảng còn tiếp tục tới ngày nay…
“Tất cả những thời đại tổ chức đều là những giải pháp - ít nhất là tạm thời- cho các vấn đề căn bản đó, tín ngưỡng, chính trị, kinh tế, luân lí; nhưng rồi chẳng bao lâu, do những tiến bộ thực hiện được nhờ những giải pháp đó - nghĩa là nhờ những chế độ xã hội thành lập theo giải pháp đó, mà chính giải pháp đó hóa ra bất túc, lại cần có những giải pháp mới nữa; những thời đại khủng hoảng, những thời tranh luận, phản kháng, chờ đợi, chuyển tiếp, bèn tới trám khoảng trống: con người hóa ra hoài nghi, lãnh đạm với các vấn đề lớn lao đó, và có tính vị là, hậu quả tất nhiên của lòng hoài nghi và lãnh đạm.
“Mỗi khi mà những vấn đề xã hội trọng đại đó được giải quyết thì có một thời đại tổ chức; còn những khi nào các vấn đề đó không có cách giải quyết thì là một thời đại khủng hoảng…
“Trong tất cả các thời đại cùng một bản chất, cùng là tổ chức, hoặc cùng là khủng hoảng, thì bất kì ở nơi nào, ở thời nào, loài người cũng luôn luôn hành động như nhau: họ xây dựng trong suất các thời đại tổ chức, và phá hoại trong suất các thời đại khủng hoảng…”[7]
Saint Simon cho rằng chế độ xã hội mà thành lập thì sẽ mở màn cho một kỉ nguyên “tổ chức” mới, ổn định, trong đó các tín ngưỡng, sự tổ chức, sự hợp tác sẽ được thống nhất. Nếu chế độ cộng sản mà thắng, tạo được một trật tự mới, thì những phân tích cùng dự ngôn của Saint Simon sẽ được chứng thực một cách rực rỡ.
Oswald Spengler (sử gia Đức 1880-1936) sửa đổi thuyết của Saint Simon, chia lịch sử thành một số văn minh, mỗi nền văn minh đó gồm bốn “mùa”, kéo dài một thời gian nào đó; và theo một quĩ đạo nào đó; trong số bốn “mùa” đó, có hai mùa quan trọng hơn hai mùa kia: một mùa là thời đại tổ chức hướng tâm (centripète) nó gom tất cả những giai đoạn của một nền văn minh thành một hình thức duy nhất, liên tục, mạch lạc, đẹp đẽ; một mùa là thời đại tan rã, li tâm, trong thời đó các tín ngưỡng và văn hóa phân giải do sự chia rẽ và sự chỉ trích lẫn nhau, rồi đưa tới sự hỗn độn của chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa hoài nghi, sự thác loạn của nghệ thuật. Saint Simon cho rằng chế độ xã hội sẽ là giai đoạn tổng hợp mới; còn Spengler thì, như Talleyrand[8], tiếc thời đại giới quí tộc (tức vua chúa) cầm quyền, thời mà đời sống và tư tưởng được chỉnh đốn một cách khéo léo, đời sống được coi là một công trình nghệ thuật.
Đối với phương Tây thì có sự đứt quãng vào khoảng 1800. Trước năm đó, con người tự tín, sống một cách sung mãn; cuộc sống là một sự phát triển từ trong ra, suất một thời tiến hóa không hề gián đoạn từ thời gô-tích (gothique)[9] cho tới Goethe[10] và Napoléon. Sau năm đó, chúng ta sống cuộc đời hoàng hôn, giả tạo, mất gốc trong các thành phố lớn, tuân theo những hình thức do trí tuệ tạo ra… Người nào không thấy rằng các kết quả đó nhất định phải xảy ra và không sao sửa đổi được thì đừng nên tìm hiểu bất kì một cái gì trong lịch sử.[11]
Mọi người đều đồng ý về điểm này: Các nền văn minh phát sinh, nảy nở, tàn rồi chết, trừ phi là sống lây lất như làn nước tù mà những dòng sông đã cạn rồi còn để lại. Vậy thì nguyên nhân của sự tiến bộ ở đâu, và nguyên nhân của sự suy tàn ở đâu?
Không một nhà khoa học nào ngày nay mà lại chấp nhận thuyết của thế kỉ XVII về Quốc gia: Quốc gia sở dĩ thành lập là do một “khế ước xã hội” kí kết giữa cá nhân với nhau hoặc giữa dân chúng và nhà vua. Có thể tin rằng hầu hết các Quốc gia (nghĩa là những xã hội có một tổ chức chính trị) đã được thành lập vì một nhóm nào đó đã thắng một nhóm khác rồi tiếp tục dùng uy quyền để trị nhóm khác đó. Những mệnh lệnh của nhóm thứ nhất thành những luật đầu tiên của cộng đồng mới thành lập ấy; những luật đó cùng với các tục lệ của dân chúng tạo nên trật tự xã hội mới. Hiển nhiên là nhiều Quốc gia ở châu Mĩ La tinh đã thành lập theo cách ấy. Khi bọn chủ nhân tổ chức sự làm việc của bọn bề tôi để lợi dụng, khai thác một nguồn lợi thiên nhiên nào (chẳng hạn những con sông ở Ai Cập, ở châu Á) thì sự dự tính, dự trữ về kinh tế tạo nên một cơ sở khác cho nền văn minh. Một tình trạng khẩn trương nguy hiểm giữa người cầm quyền và kẻ bị trị chắc đã kích thích sự hoạt động tinh thần và cảm xúc của các bộ lạc nguyên thủy tới một mức quá cái độ thường ngày [do đó mà có sự tiến bộ]. Sự tiến bộ cũng có thể phát sinh do bất kì một sự thay đổi nào của hoàn cảnh khiến con người phải phản ứng lại[12], chẳng hạn một cuộc ngoại xâm hoặc một cơn nắng hạn kéo dài; nếu là ngoại xâm thì người ta cải thiện nghệ thuật võ bị, nếu là nắng hạn thì người ta đào các kênh dẫn nước vô ruộng.
Chúng ta thử xét vấn đề sâu hơn nữa và tự hỏi tại sao một phản ứng cần thiết có lúc xảy ra, có lúc không xảy ra. Đây là lời đáp: cái đó là do có hay không có những cá nhân có óc sáng tạo, sáng kiến, sáng suốt và cương quyết (có thể gọi như vậy là thiên tài), có khả năng phản ứng một cách hiệu quả với một tình thế mới (và có thể gọi như vậy là thiên tài), có khả năng phản ứng một cách hiệu quả với một tình thế mới (và có thể gọi như vậy là trí tuệ minh mẫn). Nếu chúng ta lại tự hỏi làm sao có được những cá nhân như vậy thì chúng ta phải rời phạm vi sử học mà bước qua phạm vi tâm lí, sinh lí, ảnh hưởng của hoàn cảnh và tác động bí mật của các nhiễm sắc thể (chromosome)[13]. Dù sao thì một phản ứng hiệu quả (như phản ứng của Mĩ năm 1917, 1933 và 1941)[14] nếu không làm cho kẻ thắng bị kiệt sức (như Anh năm 1945) thì chính là một yếu tố tiến bộ, khiến cho dân tộc có khả năng phản ứng hơn nếu cần phải phản ứng một lần nữa.
Chúng ta đã biết nguyên nhân của sự tiến bộ rồi; còn nguyên nhân của sự suy tàn? Chúng ta có nghĩ như Spengler và nhiều nhà khác rằng mỗi nền văn minh là một cơ thể được phú bẩm một cách bí mật cái khả năng biến hóa lần lần để tới một lúc nào đó nhất định phải chết không? Chúng ta dễ bị cái ý này cám dỗ: Ví một xã hội với một cơ thể rồi dùng cách loại suy về sinh lí hoặc vật chất mà giảng đời sống các xã hội, cho rằng xã hội [cũng như một cơ thể] suy tàn vì một luật nội tại nào đó hạn chế đời sống của nó, hoặc vì một sự xuất tiết sinh lực nội tại không sao bồi bổ lại được. Những loại suy kiểu đó có thể cho ta một lối “giảng giải” tạm thời, như khi chúng ta so sánh các tập hợp cá nhân với các tập hợp tế bào hoặc so sánh sự lưu hành tiền bạc từ ngân hàng phát ra rồi lại trở về ngân hàng với nhịp bóp rồi phồng của trái tim. Nhưng một đoàn thể không phải là một cơ thể lắp vào các cá nhân phần tử; nó không có óc, không có bao tử; cho nên nó phải suy tư bằng bộ óc, cảm xúc bằng bộ thần kinh của các phần tử trong đoàn thể. Khi một đoàn thể, một nền văn minh suy tàn, không phải là vì đời sống vật chất của nó có những giới hạn bí mật mà vì các nhà chỉ huy chính trị hoặc tinh thần không biết thích ứng với hoàn cảnh mới.
Có thể có nhiều lí do thúc đẩy ta phải thích ứng với hoàn cảnh mới; nếu một lí do lặp đi lặp lại nhiều lần hoặc hai ba lí do khác nhau cùng xuất hiện một lúc, thì sự khuyến dụ có thể hóa ra thúc bách như một tối hậu thư. Tôi xin kể vài ví dụ. Trời không mưa nữa, các dòng nước tại các ốc đảo ở sa mạc cạn hết, đất hóa ra khô cằn. Vì không biết cách cày cấy hoặc vì không biết lo xa mà đất hết màu mỡ. Sự thay thế hạng nông dân tự do bằng hạng nông dân nô lệ làm cho người ta không ham làm việc nữa; đất bị bỏ hoang, dân các thành thị chết đói. Đôi khi, do thay đổi các phương tiện chở chuyên hoặc con đường thương mại (chẳng hạn không dùng đường bộ nữa mà dùng đường biển, hoặc không dùng đường biển nữa mà dùng đường hàng không) mà một cựu trung tâm văn minh bỗng nhiên hết thịnh vượng, như trường hợp hai thị trấn Pise và Venise (ở Ý) sau năm 1492. Thuế má tăng lên quá mức, thì khiến cho người ta chán nản không muốn sản xuất hoặc đầu tư nữa. Thị trường và các nguyên liệu ngoại quốc bỏ mặc cho kẻ khác có tinh thần mạo hiểm hơn cạnh tranh; hoặc cán cân thương mại nghiêng về phía nhập cảng làm cho vàng, bạc trong nước chạy ra nước ngoài. Sự tập trung tài sản có thể gây ra đấu tranh giai cấp hoặc chiến tranh chủng tộc. Sau cùng, đôi khi sự tập trung dân chúng và tình trạng nghèo khổ của dân thành thị có thể buộc chính quyền phải dùng phương pháp trợ cấp mà làm suy nhược nền kinh tế, nếu không thì dân sẽ nổi loạn, cách mạng có thể phát sinh.
Vì kinh tế càng phát triển thì kẻ giàu người nghèo càng cách biệt nhau, cho nên xã hội nào, tới một ngày nào đó, cũng sẽ chia thành hai giai cấp, một thiểu số có học thức và một đa số, vì bẩm sinh hoặc vì hoàn cảnh, bị nhiều nỗi bất lợi quá, không thể có một trình độ văn hóa, giám thức cao được. Đa số đó mỗi ngày mỗi đông thêm lên, gây nên tình trạng san bằng từ dưới, nghĩa là cách nói năng, ăn mặc, tiêu khiển, cảm xúc, phán đoán, cả suy tư của họ nữa, mỗi ngày mỗi phổ biến, lan tới giai cấp thiểu số. Thiểu số này dĩ nhiên nắm then chốt của giáo dục và kinh tế, nhưng phải trả giá đặc quyền đó, và một cách trả giá là họ thành nạn nhân của đa số, lây đa số, hóa ra dã man mỗi ngày một chút mà không hay.[15]
Giáo dục càng phổ biến thì các thuyết thần học càng được ít người tin; người ta vẫn làm bộ theo tôn giáo đấy nhưng không vì vậy mà người ta không hành động, hi vọng theo xu hướng tự nhiên của người ta. Lối sống và tư tưởng có tính cách phàm tục mỗi ngày một đậm; người ta không tin các lời giảng linh dị nữa, cũng không sợ thần linh nữa. Người ta càng ý thức được nguồn gốc nhân tinh, phàm tục của mình thì luân lí đạo đức càng mất uy thế: không còn một đức Thượng Đế giám thị loài người, thưởng hay phạt mỗi hành động nữa. Các triết gia Hi Lạp thời cổ đã làm cho tôn giáo mất thanh thế trong giới học thức; các triết gia ở nhiều nước châu Âu thời cận đại cũng vậy. Protagoras đã thành Voltaire; Diogène thành Rousseau; Démocrite thành Hobbes; Platon thành Kant; Thrasymaque thành Nietzsche; Aristote thành Spencer và Epicure thành Diderot.[16]
Dù trong thời thượng cổ hay trong thời cận đại thì tư tưởng phân tích cũng đã phá hoại nền tảng của tôn giáo, mà tôn giáo không còn bảo đảm cho luân lí, đạo đức được nữa. Có nhiều tôn giáo mới xuất hiện, nhưng không có liên hệ đặc biệt nào giữa các tôn giáo đó với các giai cấp cầm quyền, thành thử những tôn giáo đó chẳng ích lợi gì cho Quốc gia cả. [Thời thượng cổ] chủ nghĩa duy lí đả đảo được thần thoại rồi thì được tôn trọng trong thế kỉ cuối cùng trước kỉ nguyên Ki Tô; nhưng sau sự thắng lợi đó, tiếp theo là một thời đại hoài nghi mệt mỏi, và hưởng lạc; ngày nay, nghĩa là từ thế kỉ đầu tiên sau Ki Tô, sau một thắng lợi tương tự cũng tiếp theo một tâm trạng như vậy.
Mắc kẹt trong khoảng giao thời bại hoại, nó ngăn cách thời có qui luật luân lí với cái thời nối tiếp, một thế hệ phóng túng sống một cuộc đời xa hoa, đồi bại, không bị cái gì ngăn cản, họ khinh một cách tích cực trật tự gia đình và xã hội; tôi nói đó là nói chung xã hội, trừ một số nhỏ tuyệt vọng cố bám lấy truyền thống khắc kỉ. Rất hiếm người ngày nay còn nghĩ rằng “chết cho tổ quốc là đẹp đẽ và vinh dự”. Một chính quyền nhu nhược có thể để cho quốc gia tuột lần xuống cảnh chia rẽ; chỉ thua trong một trận quyết định hoặc chỉ bị bọn mọi rợ ở ngoài xâm lăng bắt tay với bọn mọi rợ ở trong nước, là một nền văn minh có thể bị tiêu diệt.
Bức họa đó có làm cho ta thất vọng không? Không, không nhất định như vậy! Tại sao sinh mệnh lại có cái quyền được vĩnh viễn, bất tuyệt, dù là sinh mệnh của cá nhân hay của Quốc gia? Chết là luật tự nhiên, nếu nó tới đúng lúc thì nó có thể tha thứ được, đáng coi là tốt nữa; người nào có tinh thần già dặn thì không tức giận khi thấy nó tới. Nhưng các nền văn minh có chết thực không? Cũng không nhất định như vậy. Văn minh Hi Lạp có chết không? Không, chỉ cái khung của nó đã mất thôi, còn cái nơi hóa thân của nó ngày nay còn vô cùng rộng hơn cái nôi của nó hồi xưa. Nó còn sống trong kí ức của nhân loại, sống sum suê tới nỗi không một người nào dù sống lâu, sống đầy đủ tới đâu, mà có thể tiêu hóa nó trọn vẹn được Homère ngày nay có nhiều độc giả hơn thời thượng cổ Hi Lạp. Các thi sĩ, triết gia của xứ ông được bày trong tất cả các thư viện, các đại học; hiện nay, Platon được hằng trăm ngàn người đọc để hưởng cái “thú khả ái” của triết lí, nó tỏa vào cuộc nhân sinh ánh sáng của trí tuệ. Sự trường tồn của các tinh thần sáng tác sau cuộc đào thải của thời gian đó là sự bất hủ xác thực nhất, quí báu nhất.
Nhiều quốc gia chết đi. Có những miền xưa có dân cư, nay hóa ra khô cằn hoặc chịu những cuộc tang thương khác. Con người phản ứng lại, thu thập dụng cụ và kiến thức của mình, rồi di cư tới nơi khác, đem theo các hồi kí, kỉ niệm. Nếu nền giáo dục mở rộng và đào sâu các hồi kí, kỉ niệm đó thì tức là nền văn minh cũng di cư theo và lại tìm thấy một quốc gia ở một nơi nào khác. Trong quốc gia mới này, con người không phải xây dựng lại từ đầu, mà cũng không phải là không được giúp đỡ: các phương tiện giao thông chuyên chở vẫn liên kết người ta với quốc gia cũ, mà cuống rốn đâu phải đã bị cắt đứt hẳn. La Mã đem văn minh Hi Lạp vào cõi rồi truyền nó qua Tây Âu; Mĩ đã được hưởng văn minh Âu châu và chuẩn bị để truyền nó lại cho đời sau, bằng những phương tiện từ trước tới nay người ta không ngờ tới.
Các nền văn minh là những thế hệ của tâm hồn nhân loại đấy. Sự sinh thắng sự tử nhờ sự truyền chủng, thì một nền văn minh già cỗi cũng vậy, để di sản lại cho kẻ kế thừa xa cách về thời gian và không gian. Trong khi chúng tôi viết những hàng này thì thương mại, ấn loát, các dây điện, các điện ba, các sứ giả vô hình trong không trung, đương kết những liên lạc giữa các dân tộc, các nền văn minh, để giữ gìn cho mọi người những cái gì mà mỗi người đã cống hiến được cho di sản của nhân loại.
Chú thích của người dịch
Để đọc giả tham khảo, chúng tôi xin tóm tắt lại dưới đây những thuật tiến bộ sử gia Pháp René Gerousset đã trình bày trong cuốn Con người và lịch sử nhân loại (Plon-1954):
Trong đời sống các xã hội loài người, nhiều khi chỉ tiến bộ về một phương diện nào đó thôi mà phải chịu đau đớn thụt lùi về nhiều khu vực khác, chẳng hạn tiến bộ về kĩ thuật thì thụt lùi về mĩ thuật (trang 64).
Sau một thời gian ngắn thắng lợi, nền văn minh chiếm được vài khu vực mới rồi, thì tới một thời đứng lại (như thủy triều khi đã đầy) và con người chỉ khai thác những khu vực mới đó thôi (trang 67) như triết học Trung Hoa ngưng lại sau thời Chiến Quốc, biền văn Trung Hoa sau thời Lục Triều, thơ Trung Hoa sau đời Tống (thí dụ này của chúng tôi).
Sức kháng cự của văn minh về phương diện tinh thần, ngay cả sức kháng cự của một đất đai phì nhiêu không phải là vô cùng. Chiến tranh mà trở đi trở lại trong một thời gian dài thì có thể làm cho đất chết và văn minh bị tiêu diệt, như miền Mésopotamie giữa hai con sông Tigre và Euphrate xưa rất văn minh (Ur, Babylone, Ninive), sau thành hoang tàn ngày nay miền đó vẫn còn úng thủy, rất nghèo, (trang 69)[17].
Do đó René Grousset cho rằng khi một nền văn minh chết đi thì là tại nó đã tự hại nó. (trang 70). Như miền Mésopotamie kể trên. Một thí dụ nữa là đế quốc La Mã suy tàn vì các nhà cầm quyền lạm dụng chính sách chỉ huy, đánh thuế nặng quá, phá giá đồng bạc, dùng nhiều công chức quá, quốc gia diệt sự tự do kinh doanh, các đại điền chủ nuốt lần các tư sản nhỏ… (trang 89-90).
Không một giống người nào là thuần túy không lai, trừ vài bộ lạc cực kì lạc hậu ở miền lịch đạo châu Phi, hoặc ở Bắc cực. Dù sao thì các nền văn minh lớn đều do công lao hợp tác của nhiều giống người (trang 71). Trường hợp điển hình nhất là văn minh Hi Lạp đã chịu ảnh hưởng của các văn minh Crète, Mycène, Ai Cập, Mésopotamie.
Văn minh phát triển trước hết trên những miền hạ du nhiều phù sa (như Ai Cập, Mésopotamie; hạ lưu sông Indus, sông Gange; sông Hoàng Hà…); rồi trên các bán đảo, hải đảo hoặc miền duyên hải như Hi Lạp, Phénicie, Nhật Bản.
Còn những miền đồng hoang và rừng rậm không có văn minh, không phải vì dân chúng thuộc về những giống người thấp kém mà chỉ vì họ tuy đồng thời với các dân tộc văn minh ở chung quanh, mà thực ra vẫn còn sống như thời tiền sử.
Khi các dân tộc đó xâm chiếm một nền văn minh thì văn minh này suy tàn như đế quốc La Mã hồi xưa và văn minh Trung Hoa cuối đời Tống (trang 91-93).
Ảnh hưởng của các biến cố lớn trong lịch sử luôn luôn xảy ra rất chậm, về phương diện chính trị cũng như phương diện văn hóa. Chẳng hạn quân đội Trung Hoa đời Hán dồn một số Hung Nô về miền hồ Balkash (biên giới Sibérie và Turkestan) trong khoảng từ 40 tới 35, và những người Hung Nô đó thành dân tộc Tây Hung Nô; nhưng mãi đến bốn thế kỉ sau, do Attila chỉ huy, dân tộc đó mới xâm chiếm phương Tây, làm cho đế quốc La Mã hoàn toàn sụp đổ. Một thí dụ nữa: đế quốc La Mã theo đạo Ki Tô từ năm 325, mà mãi đến năm 1.000, Giáo hội La Mã mới có được những giáo đường rất đẹp; cũng vậy, đức Thích Ca tịch năm 483 mà tới thế kỉ thứ V trở đi, mới có tượng Phật tuyệt mĩ. (trang 103, 104).

Một qui luật nữa là không phải cứ một quốc gia bành trướng về chính trị tới đâu là văn hóa cũng lan tới đó. Mạnh về chính trị chưa nhất định là cao về văn hóa. Như Pháp thời Napoléon, bành trướng nhất về chính trị mà chẳng có một tác giả nào lớn cả, trừ Chateaubriand; mà thời văn học nghệ thuật thịnh lại là thời đệ tam và đệ tử Cộng Hòa (trang 105-106). Ngược lại, khi chính trị suy vi thì văn hóa lại có thể rất thịnh. Điển hình nhất là Trung Hoa trong đời Tống, kinh tế, võ bị suy vi, chính trị hỗn loạn, mà triết học văn học, mĩ thuật (kiến trúc, họa, đồ sứ) phát triển rực rỡ hơn cả các thế kỉ trước và các thế kỉ sau. (Coi cuốn Tô Đông Pha của Nguyễn Hiến Lê – Cảo Thơm 1971).
Do đó René Grousset kết luận rằng một lí tưởng nhân bản, yêu hòa bình có thể có lợi cho những hoạt động tinh thần, còn chính sách phát triển thế lực, xâm lăng, nhiều khi làm hại cho sự phát triển tinh thần và mĩ thuật của một nước. Những nhà chinh phục vĩ đại nhất của nhân loại không phải là Alexandre, César, Thành Cát Tư Hãn, Napoléon, mà là đức Thích Ca và chúa Ki Tô, những vị mà ảnh hưởng sẽ tồn tại hoài trong lịch sử nhân loại (trang 106-107).
NGUYỄN HIẾN LÊ
Chú thích:
[1] Lời này thật đúng. Nền văn minh của Trung Hoa mấy ngàn năm mới xây dựng nên được mà chỉ vài ba chục năm từ 1930 tới 1960 là sụp đổ gần hết.
[2] Nhan đề một thi phẩm của Shelley, thi hào Anh đầu thế kỉ XIX (1792-1822).
[3] Virgile là thi hào bậc nhất La Mã, sinh năm -71, mất năm 19, làm thơ ca tụng lòng ái quốc, và tình yêu thiên nhiên.
[4] Achille là một vị anh hùng Hi Lạp nổi danh trong chiến tranh Troie (một tỉnh ở Tiểu Á), theo truyền thuyết Hi Lạp. Nhân vật đó được thi hào Hi Lạp Homère (không rõ đời sống) tả trong thiên anh hùng ca Iliade. Coi “Một khảo luận về lịch sử” của Toynbee (Chú thích của tác giả).
[5] Nietzsche: triết gia Đức 1844-1900, có thuyết siêu nhân; tư tưởng mạnh mẽ, mới mẻ. Bắt đầu điên năm 1889.
[6] Vico là triết gia Ý (1668-1744), Comte là triết gia Pháp (1798-1857).
[7] Lời trích dẫn của Bazard, Trình bày thuyết Saint Simon trong Toynbee, cuốn I, trang 199 (Lời chú thích của tác giả).
[8] Spengler là một học giả hiện đại, tác giả cuốn Sự suy tàn của phương Tây, khá nổi tiếng. Talleyrand là nhà ngoại giao Pháp (1754-1838) có ảnh hưởng rất lớn ở châu Âu đầu thế kỉ XIX.
[9] Tức từ thời Trung cổ. Goths là tên một dân tộc ở Đức thời đó.
[10] Thi hào bậc nhất của Đức (1749-1832).
[11] Của Spengler trong cuốn Sự suy tàn của phương Tây (Chú thích của tác giả).
[12] Thuyết đầu tiên của Toynbee. Cuốn I trang 271 và các trang sau. (Chú thích của tác giả). Toynbee là một sử gia danh tiếng hiện đại.
[13] Đây là vấn đề di truyền.
[14] Năm 1917 Mĩ bỏ chính sách trung lập mà tấn công Đức; năm 1941, cũng vậy, Mĩ đứng về phe đồng minh tấn công Nhật, Đức; còn năm 1933 Mĩ thay đổi chính sách kinh tế chấm dứt cuộc khủng hoảng kinh tế.
[15] Hình như hiện tượng này đương xảy ra ở nước ta.
[16] Tác giả so sánh các triết gia cổ Hi Lạp với các triết gia Pháp, Đức, Anh thế kỉ XVIII và XIX.
[17] Nếu chiến tranh hiện nay ở Việt Nam kéo dài mươi, hai chục năm nữa thì chúng ta cũng sẽ bị cái cảnh đó; những chất khai quang đã làm chết bao nhiêu đất đai rồi, và bao nhiêu con kênh tháo nước trong Đồng Tháp đã bị lấp rồi.
CHƯƠNG XIII
Loài Người Có Thực Sự Tiến Bộ Không?
Nhìn các dân tộc, các luân lí, các tôn giáo phát triển rồi suy tàn trên tấm màn phông [lịch sử] thì ý niệm của chúng ta về tiến bộ hóa ra rất bấp bênh. Phải chăng nó chỉ là sự hợm hĩnh, đời trước truyền cho đời sau, mỗi thế hệ cuối cùng, chứ thực ra nó vô nghĩa. Vì chúng ta đã nhận thấy rằng suốt các thời đại lịch sử, bản tính con người không tiến hóa bao nhiêu, cho nên chúng ta phải gạt bỏ lí lẽ tiến bộ kĩ thuật đi, vì một sự “tiến bộ” kiểu đó chỉ là những phương tiện mới để đạt được những mục tiêu đã nhắm từ lâu: Kiếm của cải, nam giới chinh phục nữ giới, nữ giới chinh phục nam giới (hoặc nam chinh phục nam, nữ chinh phục nữ), ganh đua, gây chiến tranh[1]. Một trong những nhận định đáng nản lòng nhất của thế kỉ toàn những vỡ mộng này là khoa học vô tình: Nó sẵn sàng vì ta mà giết người cũng như nó sẵn sàng trị bệnh cho ta, và nó giúp ta phá hoại còn đắc lực hơn là kiến thiết nữa. Lời nói ngạo mạn này của Francis Bacon[2]: Knowledge is power (Biết là có thể làm được) thời này có vẻ huênh hoang làm sao! Đôi khi chúng tôi tự hỏi thời Trung cổ và thời Văn nghệ Phục sinh coi trọng nghệ thuật và thần thoại hơn khoa học, sức mạnh, chưa biết chừng mà đã khôn hơn thời đại chúng ta đấy, chúng ta chỉ cải thiện hoài phương tiện hoạt động của chúng ta mà không bao giờ xét lại cứu cánh của hoạt động.
Những tiến bộ khoa học và kĩ thuật của chúng ta đã có những hậu quả khiến cho cái xấu, cái ác không thể tách rời ra khỏi cái tốt, cái thiện [nói cách khác là hễ có lợi thì tất nhiên có hại]. Chắc chắn là sự tiện nghi mà chúng ta được hưởng làm cho các “thớ” tinh thần của ta lơi ra, dãn ra cũng như các thớ gân của ta vậy! Chúng ta đã cải thiện tới cùng cực các phương tiện di chuyển, nhưng nhiều người dùng những phương tiện đó làm khí giới tấn công người đồng thời hoặc tấn công chính họ. Chúng ta đã tăng tốc độ của chúng ta lên gấp đôi, gấp ba hoặc gấp trăm, nhưng như vậy đã làm hại dây thần kinh, gân cốt của ta, và dù bay được 2000 cây số giờ, chúng ta cũng vẫn là những con khỉ bận quần áo như khi chúng ta còn dùng tới cặp giò. Chúng ta hoan hô những cách trị liệu của y khoa hiện đại, miễn là những cách đó đừng gây những biến chứng nguy hại hơn bệnh mà chúng trị được; chúng ta mang ơn các y sĩ đã tuyệt vọng chạy đua với sức kháng cự của vi trùng, với tài tránh né, biến chuyển của con ma bệnh tật[3]; chúng ta mừng vì y khoa đã cho chúng ta sống thêm được ít năm, miễn là những năm được hường thọ thêm đó không phải là thời gian buồn bực kéo dài thêm những nỗi đau khổ, tàn tật hoặc chán đời của ta. Chúng ta đã tăng lên gấp trăm khả năng bắt và truyền những tin tức về các biến cố xảy ra trong ngày trên thế giới, nhưng có lúc chúng ta ước ao được yên ổn như ông cha chúng ta, chỉ bận tâm về các tin tức trong làng thôi. Chúng ta đã cải thiện đời sống vật chất của các người lao động chuyên môn, của giai cấp trung lưu, điểm đó đáng khen lắm, nhưng chúng ta vẫn để cho trọn những khu ổ chuột dơ dáy và những chòi cất bằng thùng sắt, thùng gỗ phát triển trong các thành phố lớn của chúng ta, thấy mà lợm giọng.
Chúng ta rất mừng rỡ thoát khỏi sự chi phối của thần học, nhưng chúng ta đã tìm cho mình được một luân lí tự nhiên chưa? Tôi muốn nói một luân lí không lệ thuộc tôn giáo, đủ mạnh để hãm các bản năng thủ đắc, hiếu chiến, và săn đàn bà (hoặc săn đàn ông), để ngăn chúng không cho chúng biến nền văn minh của chúng ta thành một vũng ô uế đầy những tham lam, tội ác và chung đụng thể xác. Chúng ta đã thực sự diệt được tinh thần bất bao dung chưa hay là chỉ mới thay những căm thù tôn giáo bằng những căm thù quốc gia, ý thức hệ và chủng tộc? Thái độ, cử chỉ của chúng ta tốt đẹp hơn hay xấu hơn của cổ nhân? Một nhà du lịch ở thế kỉ XIX đã nói: “Từ Đông càng tiến sang Tây thì thái độ cử chỉ của con người càng kém tốt đẹp đi, và tới những tiểu bang ở phía Tây nước Mĩ thì thật là ghê tởm”[4]; ngày nay phương Đông bắt kịp được phương Tây trong khu vực đó. Luật pháp của chúng ta có cho tội nhân được sự che chở quá rộng rãi chống với Quốc gia và xã hội không? Chúng ta có tự cho mình hưởng nhiều tự do quá mà trí tuệ của ta chịu không nổi không? Hay là chúng ta tiến đến một sự hỗn độn tinh thần và xã hội tới nỗi các bậc cha mẹ hoảng hết sắp phải vội vàng trở vô Giáo hội, nhờ Giáo hội bắt con cái họ vào khuôn vào phép giùm cho, dù có thiệt thòi về phương diện tự do tinh thần thì cũng chịu. Chúng ta có nên ân hận về tất cả những tiến bộ của triết lí từ thời Descartes tới nay không, vì triết lí đó không thấy rằng thần thoại có ích cho việc hướng dẫn và an ủi con người? “Vì, càng biết nhiều thì người ta càng rầu rĩ, và kẻ nào tăng kiến thức lên thì cũng tăng nỗi đau khổ của mình lên”.[5]
Có một chút tiến bộ nào về triết lí từ thời Khổng tử tới nay không? Hoặc về văn học từ thời Eschyle[6] không? Chúng ta có dám quả quyết rằng nhạc của chúng ta ngày nay, với những hình thức phức tạp, những đội nhạc hùng hậu như vậy, thâm thuý hơn nhạc của Palestrina[7], hoặc du dương hơn, gợi hứng hơn những khúc độc xướng mà người Ả Rập thời Trung cổ họa với thanh âm các nhạc cụ thô sơ của họ không (Edward Lane trong bộ Lề lối và phong tục Ai Cập hiện đại khen các nhạc sĩ ở Caire: “Tôi mê giọng hát của họ… chưa có một âm nhạc nào khác làm cho tôi mê như vậy”). Kiến trúc hiện đại của chúng ta dù táo bạo, tân kì và vĩ đại tới mấy đi nữa thì chúng ta có dám đem ra so sánh với những ngôi đền của Ai Cập hoặc của Hi Lạp thời xưa không? Có dám so sánh các công trình điêu khắc của ta với những tượng Chéphren (Ai Cập) và Hermès (Hi Lạp) không? So sánh những hình chạm nổi của chúng ta với những hình ở Persépolis (Ba Tư) hoặc ở đền Parthénon (Hi Lạp) không? Hoặc so sánh các bức họa của ta với những bức của Van Eyck (xứ Flandres), của Holbein (Đức) không? Nếu quả thực “tinh túy của nghệ thuật và của văn minh là đem trật tự thay thế cho hỗn độn” thì môn họa hiện đại của Mĩ và của Tây Âu chẳng đúng là hỗn độn thay thế cho trật tự đấy ư? Chẳng là một dấu hiệu rành rành của sự suy vi hỗn độn và dã man báo trước rằng nền văn minh của chúng ta sắp tiêu diệt đấy ư?
Lịch sử gồm vô số sự kiện tạp đa nhất khiến chúng ta có thể nếu khéo lựa chọn thí dụ thì chứng minh được bất kì một thuyết nào. Nếu chúng ta lựa thí dụ theo một định kiến lạc quan hơn thì chúng ta có thể tới những kết luận bớt chán nản hơn một chút. Nhưng trước hết có lẽ nên định nghĩa thế nào là “tiến bộ” đã. Nếu tiến bộ có nghĩa là “làm tăng hạnh phúc lên” thì chúng ta gần như bắt buộc phải tuyên bố ngay rằng tiến bộ là chuyện hão. Loài người vô cùng khó tính, thế nào cũng không vừa ý: Dù thắng được những trở ngại nào đi nữa, dù đạt được nhiều mục tiêu rồi, chúng ta vẫn luôn luôn kiếm được cớ để thấy mình rất mực đau khổ; chúng ta cảm thấy âm thầm thích thú khi cho rằng nhân loại hoặc vũ trụ không xứng đáng với ta. Có vẻ như vô lí, điên khùng nếu định nghĩa tiến bộ là làm cho một đứa trẻ trung bình tài giỏi hơn, hoàn toàn hơn một người lớn hoặc một người minh triết; nhưng định nghĩa tiến bộ là “làm tăng hạnh phúc lên” thì có khác gì vậy đâu, vì đứa bé nhất định là sướng hơn người lớn và hạng người minh triết. Có thể tìm một định nghĩa nào khách quan hơn không? Theo thiển kiến của chúng tôi thì tiến bộ là sự tăng tiến cái khả năng mà sinh vật tác động tới ngoại giới. Tiêu chuẩn đó có thể áp dụng cho một cơ thể hạ đẳng nhất cũng như cho loài người.
Chúng ta không nên đòi hỏi sự tiến bộ phải liên tục và phải phổ cập[8]. Hiển nhiên là các nền văn minh đã có những thời thụt lùi, cũng như cá nhân đã trải qua những lúc thất bại, mệt mỏi, nghỉ ngơi; miễn giai đoạn hiện tại khác những giai đoạn trước ở điểm con người có khả năng tác động tới ngoại giới mạnh hơn, là thực sự có tiến bộ rồi. Chắc rằng suốt dòng lịch sử, có một số quốc gia tiến bộ trong khi các quốc gia khác suy tàn; chẳng hạn hiện nay Nga đương tiến mà Anh đương lùi. Lại thêm cùng một quốc gia có thể tiến trong một khu vực hoạt động nào đó mà lùi trong một khu vực khác, chẳng hạn Mĩ đương tiến về kĩ thuật mà lùi về mĩ thuật. Khi nhận định rằng thiên tài của các quốc gia trẻ như Mĩ và Úc hợp với hạng người thực tế (nhà sáng chế, nhà bác học, nhà kĩ thuật) hơn là với hạng nghệ sĩ (họa sĩ thi sĩ, điêu khắc gia, văn sĩ, hùng biện gia), thì chúng ta hiểu được rằng mỗi thời đại và mỗi miền cần có và sản xuất được một số khí chất, tài năng nào đó hơn là những khí chất, tài năng khác, có vậy mới dễ khắc phục được ngoại vật. Chúng ta đừng nên so sánh công trình của một xứ nào đó hoặc một thời đại nào đó với những công trình tốt đẹp nhất của lịch sử trong tất cả các thời đại đã qua. Chúng ta chỉ cần biết hạng trung nhân ngày nay có làm chủ được điều kiện sinh hoạt của mình hơn cổ nhân không.
Nếu chúng ta nhìn bao quát cả mấy chục thế kỉ, nếu chúng ta so sánh cuộc sống hiện thời của ta, dù bấp bênh, hỗn độn, cực khổ đến đâu đi nữa, với cuộc sống của các dân tộc bán khai, ngu dốt, tin dị đoan, tàn bạo, bệnh tật, thì chúng ta nên mừng. Có thể rằng mực sống thấp nhất ở các nước văn minh không khác mực sống các dân tộc dã man bao nhiêu, nhưng ở trên mực đó, có cả ngàn triệu người đạt tới một trình độ trí tuệ và luân lí cao rất hiếm thấy trong các dân tộc cổ lỗ. Đôi khi mệt mỏi quá vì mọi sự bó buộc của đời sống thành thị, chúng ta ước mơ những tục lệ tự nhiên mà ta tưởng là giản dị; nhưng cuộc khủng hoảng lãng mạn [về tinh thần] đó qua rồi, chúng ta hiểu rõ rằng đó chỉ là một phản ứng trốn tránh các nhiệm vụ trước mắt của ta, và như nhiều cái mốt khác, sự lí tưởng hóa đời sống mọi rợ chỉ là biểu lộ một cách vụng về sự thiếu thích ứng nhất thời và sự thiếu già dặn về tinh thần. Người “mọi chất phác” dễ thương thật đấy nếu hắn không có cái thói tệ hại lột một mảng da đầu của người đồng thời, nếu thân thể hắn không đầy chí rận và cáu ghét. Và nếu người ta nghiên cứu các bộ lạc bán khai hiện còn sống thì người ta nhận thấy rằng tử suất của trẻ con rất cao, hi vọng sống được rất thấp; họ không dai sức, chạy không mau bằng ta, và dễ mắc bệnh hơn ta[9]. Nếu sống lâu là một dấu hiệu tốt tỏ rằng con người biết thích ứng với ngoại vật, thì cứ nhìn các bảng tử suất. cũng thấy rằng loài người đã tiến bộ, vì đời sống trung bình của người da trắng ở Âu và Mĩ đã tăng lên gấp ba trong ba thế kỉ gần đây[10]. Cách đây không lâu, một hội nghị của bọn đô tùy đã bày tỏ nỗi ngại rằng đoàn thể của họ sẽ lâm nguy vì càng ngày càng ít người chết[11]. Đoàn thể đó mà sợ thất nghiệp thì sự tiến bộ quả là có thực.
Trong cuộc tranh luận giữa hai phe Tân và Cựu, không nhất định là phe Cựu sẽ thắng. Bộ ta coi thường sự kiện này sao: Tại các quốc gia tân tiến ngày nay, nạn đói đã bị tận diệt rồi, và từ nay, chỉ một nước cũng sản xuất được đủ thực phẩm để ăn tới căng bụng ra mà vẫn còn dư để gởi cả chục triệu tấn lúa qua những miền bất hạnh nữa? Khoa học đã thành công rực rỡ trong việc chống mê tín dị đoan, chống thói ngu dân, thói kì thị tôn giáo, thì chúng ta nên đánh đắm nó, hủy diệt nó không? Hoặc có nên hủy diệt kĩ thuật đã phổ biến một cách thật là bất ngờ những thực phẩm đủ bổ, những căn nhà sạch sẽ, sự tiện nghi, sự giáo dục và các thú tiêu khiển? Chúng ta có thực tâm thích những agora ở Athènes, hoặc những comitia La Mã[12] hơn Quốc hội Anh hoặc Mĩ không? Chúng ta có chịu nhận một sự tự do hạn chế như sự tự do ở miền Attique[13], hoặc một chính quyền do bọn lính cận vệ [La Mã] đề cử không? Sống dưới chế độ luật pháp của Cộng Hòa Athènes hoặc của Đế quốc La Mã, chúng ta có sung sướng hơn là dưới chế độ hiến pháp hiện nay nó bảo đảm cho ta sự tự do cá nhân nhờ những đoàn bồi thẩm ở pháp đình, sự tự do trí tuệ và tôn giáo, và sự giải phóng phụ nữ không? Phẩm hạnh của chúng ta dù có buông thả tới đâu thì có tệ hơn Alcibiade[14] không, và có bao giờ người ta thấy một tổng thống Mĩ cặp một gái điếm có học mà ra mắt công chúng như Périclès[15] không? Chúng ta có xấu hổ về những đại học đồ sộ, những nhà xuất bản nhiều vô kể, những thư viện công cộng đầy sách của chúng ta không? Athènes hồi xưa có những nhà soạn kịch đại tài nhưng có nhà nào vĩ đại hơn Shakespeare không, và Aristophane[16] có sâu sắc, nhân bản bằng Molière không? Démosthène, Isocrate và Eschine [thời cổ] có hùng biện hơn Chatham, Burke, Sheridan [thời cận đại không? Chúng ta có đặt sử gia Gibbon ở dưới Hérodote hoặc Thucydide không? Văn xuôi thời thượng cổ có một bài nào so sánh được về nội dung với tiểu thuyết hiện đại không? Nhiều lắm là chúng ta chỉ có thể nhận rằng thời thượng cổ hơn chúng ta về phương diện mĩ thuật, mặc dầu nhiều người thích giáo đường Notre Dame ở Paris hơn đền Parthénon ở Athènes. Nếu các Quốc phụ thành lập nước Mẹ sống lại ở Mĩ, nếu Fox và Bentham sống lại ở Anh hoặc Voltaire và Diderot sống lại ở Pháp, thì các vị ấy có trách chúng ta là vong ân không, vì chúng ta không nhận thấy cái may mắn được sống ở thời này, chứ không phải sống vào năm 1900, đừng nói chỉ là sống ở thế kỉ Péricìès hoặc Auguste? Chúng ta đừng nên thắc mắc quá mức về nỗi nền văn minh của chúng ta có thể chết như mọi nền văn minh khác. Vua Phổ Frédéric hỏi đạo quân của ông đương rút lui ở Kolin: “Các anh có muốn trường sinh bất tử không?”[17] Có lẽ nên mong cho cuộc sống đổi mới hoài, mà nhiều nền văn minh khác, nhiều dân tộc khác thay phiên chúng ta. Mặt khác phương Tây rất có thể vượng lên một lần nữa trong khi gắng sức để khỏi bị phương Đông dào dạt sinh lực bỏ xa mình.
Chúng tôi đã nói rằng các nền văn minh lớn không hoàn toàn chết hẳn. Có một số phát minh, chinh phục quí báu vẫn tồn tại sau mọi cuộc thăng trầm, của các dân tộc: làm chủ được lửa và ánh sáng, chế tạo được bánh xe và các dụng cụ căn bản khác, tạo ra ngôn ngữ, chữ viết, nghệ thuật, ca hát, canh nông, chế độ gia đình, bổn phận làm cha, tổ chức xã hội, đạo đức và tình bác ái, sau cùng dùng giáo dục để lưu lại những truyền thống của gia đình, nòi giống cho đời sau. Đó là những yếu tố của văn mình này chuyển qua một nền văn minh kác, những yếu tố đó vẫn luôn luôn tồn tại. Có thể gọi chúng là những kết mạc (tissu conjonctid)[18] của lịch sử nhân loại.
Nếu giáo dục là sự truyền đạt văn minh thì nhất định là chúng ta đã tiến bộ, không thể cãi được. Loài người không phải sinh ra là văn minh ngay; mỗi thế hệ phải học lại nó, tiếp thu nó cho đời mình; sự truyền đạt đó mà gián đoạn trong một thế kỉ thì nền văn minh sẽ chết và chúng ta sẽ trở lại thành mọi rợ. Vậy công trình đáng kể nhất của thời đại chúng ta là chúng ta đã gắng sức phổ biến giáo dục hơn mọi thời đại trước. Xưa kia các đại học là một xa xỉ phẩm dành riêng cho nam giới của giai cấp ở không; ngày nay trường đại học nhiều tới nỗi bất kì ai chịu lăn lóc trong các đại học ít lâu cũng lượm được một bằng cấp. Có lẽ chúng ta không giỏi gì hơn hạng tinh hoa của các thiên tài thượng cổ, nhưng chúng ta đã đưa cái mức trung bình của kiến thức lên một trình độ cao hơn thời trước.
Phải non nớt như con nít mới trách các nhà giáo dục của ta chưa xóa bỏ được hết mười ngàn năm lầm lẫn và tin dị đoan. Thí nghiệm[19] của chúng ta mới bắt đầu thôi mà; lại thêm tác dụng của nó có thể bị chậm lại vì sinh suất cao của hạng người tích cực hoặc tiêu cực sống trong cảnh ngu dốt. Nhưng nếu đứa trẻ nào cũng được đi học ít nhất là tới hồi hai mươi tuổi, được thong thả vô các đại học, thư viện, viện bảo tàng chứa những bảo vật tinh thần và nghệ thuật của nhân loại thì kết quả sẽ tốt đẹp biết bao. Chúng ta không nên coi giáo dục là nhồi vào sọ trẻ một cách khó khăn từng chuỗi dài sự kiện, niên đại, tên các triều đại; cũng không nên chỉ coi nó là việc chuẩn bị cần thiết cho trẻ có một nghề sau này, mà nên chú trọng trước hết tới sự truyền cho chúng di sản tinh thần, luân lí, kĩ thuật và mĩ thuật của chúng ta, truyền một cách thật đầy đủ và phổ biến càng rộng trong đám thanh niên thì càng tốt, để cho loài người sau này hiểu rộng hơn, chỉ huy khéo hơn, tô điểm cho đời và hưởng đời nhiều hơn.
Di sản đó mà từ nay chúng ta có đủ phương tiện để truyền đạt hơn, còn quí báu hơn thời trước nữa. Nó quí hơn di sản của Périclès vì nó gồm cả văn minh của Hi Lạp sau Périclès; quí hơn di sản của Léonard de Vinci vì ngoài Léonard de Vinci ra, nó còn gồm cả thời đại Văn nghệ phục hưng ở Ý; quí hơn di sản của Voltaire vì nó gồm cả Thế kỉ ánh sáng[20] và tất cả những gì mà thế kỉ đó đã cống hiến thế giới. Mặc dầu bị chúng ta chê, sự tiến bộ quả là có thực, mà sở dĩ vậy không phải là vì chúng ta sinh ra khỏe mạnh, thông minh hoặc ngoan hơn các em bé thời xưa đâu mà vì chúng ta được thấy trong nôi của chúng ta một di sản lớn lao hơn; kiến thức và nghệ thuật tích lũy mỗi ngày một chút, chập chồng mỗi ngày một cao ở dưới chân chúng ta y như các lớp đất các nhà khảo cổ khai quật, và loài người càng biết lợi dụng di sản đó thì càng thăng tiến.
Lịch sử trước hết là nghệ thuật sáng tạo và bảo vệ di sản đó; mà sự tiến bộ là làm sao cho di sản đó tăng lên, công dụng của nó được phổ biến. Đối với những người học sử không phải chỉ để biết những điên khùng cùng tội ác của loài người, mà còn để được phấn khởi vì nhớ lại các người có công sáng tác, đối với những người đó, dĩ vãng không còn là cái kho chứa những xấu xa, bỉ ổi đáng nản nữa; nó thành một thiên quốc, một quốc gia mênh mông của tinh thần, tại đó có cả ngàn vị thánh, chính khách, nhà phát minh, nhà bác học, thi sĩ, nghệ sĩ, nhạc sĩ, tình nhân và triết gia đương tiếp tục sống, nói năng, giảng dạy, sáng tác và ca hát. Sử gia không có gì phải than vãn vì thấy rằng loài người cho đời sống một ý nghĩa ra sao thì đời sống sẽ có ý nghĩa đó, không thể khác được; trái lại, chúng ta nên vinh hãnh rằng chính chúng ta đã cho cuộc sống của mình một ý nghĩa, ý nghĩa này đôi khi vượt cả sự chết nữa. Sung sướng thay người nào trước khi chết đã hưởng được đầy đủ di sản văn minh để lại cho mình, và đã truyền di sản đó lại cho con cháu; trên giường bệnh, người đó sẽ mang ơn tất cả tài sản bất tuyệt đó, biết rằng nó vừa nuôi ta, vừa vĩnh truyền đời sống của ta.
Chú thích:
[1] René Grousset trong sách dã dẫn, trang 130, cũng nhận rằng sự tiến bộ về vật chất không nhất định là tiến bộ về tinh thần, nhưng kinh tế gia Fourastié cho rằng tiến bộ về vật chất lần lần đưa tới tiến bộ về tinh thần. Chúng ta nên mong như vậy. (Coi cuốn Một niềm tin của Nguyễn Hiến Lê).
[2] Triết gia Anh (1561-1626).
[3] Nghĩa là trị được bệnh này thì phát ra bệnh khác.
[4] Anon, trong cuốn Vật lí và Chính trị của Bagehot (Chú thích của tác giả).
[5] Trong Truyền đạo thư. (Chú thích của tác giả).
[6] Thi sĩ Hi Lạp (525? - 456).
[7] Nhạc sĩ Ý (1524-1594).

[8] René Grousset trong sách đã dẫn cũng nhận định như vậy. Trang 145 ông nói: các nền văn minh có thể thụt lùi tạm thời và sự thụt lùi đó có thể kéo dài hằng mấy thế kỉ, như văn hóa châu Âu đã thụt lùi trong các thế kỉ VI, VII, VIII hơn bao giờ hết. Trang 123-124, ông bảo ngày nay chẳng những có sự cách biệt rất xa giữa trình độ văn minh của ngườ da đen và người da trắng, mà ngay giữa người da trắng, cũng có sự cách biệt giữa các dân tộc Scandinavie và Thụy Sĩ - năm 1930 họ cơ hồ đã đạt tới trình độ - và các dân tộc khác ở Âu Mĩ hồi đó vẫn còn tôn trọng những ý thức hệ sát nhân.
[9] Coi cuốn Các lí thuyết về tiến bộ xã hội của Todd (Chú thích của tác giả).
[10] Hiện nay đời sống trung bình của họ là 70 tuổi hoặc hơn.
[11] Coi cuốn Nước Mĩ ngày nay của Siegfried (Chú thích của tác giả).
[12] Agora là những công trường rộng ở Athènes, kinh đô Hi Lạp thời cổ, dân chúng hội họp ở đó để bàn việc nước. Omitia cũng là những công trường để họp bàn việc nước ở La Mã.
[13] Một miền ở Hi Lạp cổ, có thành Athènes.
[14] Một tướng lãnh và chính khách Hi Lạp (-450 -404) rất dâm đãng, rất thích cả những đàn ông và đàn bà đẹp.
[15] Chính trị gia Hi Lạp (-499 -429) có tài hùng biện, giỏi trị dân, trọng mĩ thuật. Dưới thời ông, Hi Lạp cực văn minh.
[16] Nhà soạn hài kịch bằng thơ, nổi danh nhất ở Hi Lạp (-445 -386?).
[17] Trong cuốn lịch sử Hoàng tộc Áo của Coxe - quyển III. (Chú thích của tác giả).
[18] Tức những tổ chức tế bào có công dụng kết hợp các tổ chức tế bào (tissu) khác.
[19] Tức sự phổ biến giáo dục.
[20] Tức thế kỉ XVIII, thế kỉ của Voltaire.
PHỤ LỤC
Loài Người Khôn Hơn Mỗi Người
Sau khi rút ra mười hai bài học của lịch sử, cuối năm 1968, ông Will Durant lại rút thêm cho chúng ta một bài học về nhân sinh quan. Đã nghiên cứu bốn chục năm về lịch sử văn minh thì dù chẳng muốn, ông cũng thành một triết nhân, một đạo đức gia. Đây, chúng ta nghe ông mượn lời khuyên thanh niên để cảnh cáo nền văn minh hiện đại của thế giới. Bài này, không kiếm ra bản tiếng Anh, chúng tôi phải dịch theo bản tiếng Pháp đăng trong tạp chí Sélection du Reader’s Digest, số tháng ba năm 1969.
Hôm nay nói chuyện với các bạn, tôi không muốn đóng vai trò ông lão đầu bạc, tỏa ra một hào quang minh triết lõi đời. Xin các bạn cứ coi tôi như một bạn đồng môn, dĩ nhiên là lớn tuổi hơn các bạn nhiều nhưng lúc nào cũng ham học hỏi thêm như các bạn. Nếu các bạn thấy câu chuyện của tôi ý sáo và nhạt nhẽo, thì xin các bạn nêm giùm cho tôi một hạt muối, cho tôi được hưởng lòng khoan hồng của tuổi xanh đối với kẻ đầu bạc.[1]
SỨC KHOẺ
Bạn nên gìn giữ sức khỏe: đó là điều tôi khuyên bạn trước hết. Hễ có nghị lực là được. Trừ những bệnh có từ hồi sơ sinh hoặc từ tuổi thơ, còn bao nhiêu bệnh khác, xét về phương diện sinh lí, đều do ta khinh suất mà mắc phải, thiên nhiên khó bồi bổ lại được.
Cơ thể chúng ta được cấu tạo nhờ các thức ăn của chúng ta và tổ tiên chúng ta. Đừng ham những món ngon ở các tiệm, chỉ tổ vừa làm cho nhẹ túi, vừa khiến cho thân thể thêm nặng nề. Có lẽ một trong những lầm lỗi chính của thời đại và xớ sở chúng ta là chỉ ngồi một chỗ, ít vận động mà vẫn tiếp tục ăn uống như tổ tiên chúng ta hồi xưa cần có nhiều ca-lô-ri và những bắp thịt rắn chắc. Dưỡng đường nào cũng đầy những bệnh nhân cơ thể suy nhược vì ăn vô nhiều quá mà tiêu hóa không hết, cũng như một quốc gia nhập cảng trội hơn xuất cảng.
Rồi bạn phải vận động nữa! Chức vụ bình thường của tư tưởng là hướng dẫn hành động chứ không phải là thay thế nó. Thiếu hoạt động để được thăng bằng thì tư tưởng vượt ra ngoài giới hạn tự nhiên của nó. Bạn phải tự bắt mình mỗi ngày vận động ít nhất là một giờ.
TÍNH DỤC
Ở loài người, nhu cầu tính dục chỉ kém nhu cầu ăn uống về tính cách kịch liệt và gây nhiều vấn đề rắc rối. Hóa công muốn cho loài người sinh tồn, đã cho phụ nữ nhiều vẻ kiều diễm và cho đàn ông kiếm được tiền, mà đàn ông thấy đàn bà đẹp là động lòng, đôi khi đến mê mẩn tâm thần. Lửa dục ấy đáng lí ra phải được điều hòa cho có thứ tự thì lại bừng bừng trong huyết quản mà diệt mất nhân phẩm của họ. Tổ tiên chúng ta nén được sự kích thích ấy, biết rằng nó quá mạnh rồi, không cần phải khêu thêm nó nữa. Chúng ta trái lại, dùng cả ngàn cách để gợi tình, khêu ngọn lửa dục cho tới khi nó nổ bùng lên. Quá quan trọng hóa bản năng tính dục, chúng ta quảng cáo nó rầm rộ, bày nó ra ở khắp nơi. Để biện hộ cho sự túng dục, chúng ta không ngần ngại tạo ra một thuyết về những tai hại của sự tiết dục, mà không biết rằng, chế ngự được bản năng là nền tảng của mọi văn minh.
TƯ CÁCH
Tư cách cũng gần quan trọng bằng sức khỏe. Thiên chức cao cả nhất của giáo dục là biến đổi những cá tính thô lỗ thành những con người đáng trọng trong nhân quần, nghĩa là, như nhà tôi có lần đã nói, thành những cá nhân luôn luôn chú ý tới người khác.
Bạn đừng bao giờ nói xấu ai cả. Những lời nói xấu, không sớm thì muộn, luôn luôn sẽ rớt xuống đầu chính kẻ thốt ra, và có thể làm hại cho sự thành công của ta trên đường đời. Nói xấu người khác là một cách bất lương để tự khoe mình. Nếu không nói được những lời nhân từ, khuyến khích thì thôi, đừng nói gì cả. Chẳng làm gì cả đôi khi là khôn, nhưng chẳng nói gì cả thì lúc nào cũng là khôn.
TÔN GIÁO
Nếu bạn chỉ học khoa học thôi thì bạn sẽ khó hiểu được tôn giáo, trừ phi bạn nghĩ như Voltaire rằng sự điều hòa trong vũ trụ tỏ rằng có một thứ trí năng nguyên thủy tối cao nào đó. Chúng ta chỉ là những phần tử nhỏ li ti trong vũ trụ bao la tới nỗi không ai có thể hiểu nổi nó, mà giải quyết dứt khoát vấn đề ấy lại càng khó hơn nữa. Pascal phải rùng mình khi nghĩ tới sự nhỏ bé của con người bơ vơ giữa sự mênh mông của vũ trụ và sự phức tạp của các thành phần trong vũ trụ.
Ông viết: “Sự im lặng bất tuyệt của những khoảng vô biên ấy làm cho tôi hoảng”. Chúng ta hãy nghĩ kĩ đi, trước khi đưa những thuyết tầm thường quá đỗi ra để tổng hợp vũ trụ vô cùng đa dạng, tế nhị và mênh mông kia.
KINH TẾ
Bạn nên dựng cuộc đời vật chất của mình trên những nền tảng kinh tế vững chắc, nhưng đừng đem cả tâm trí, tài lực ra mà kiếm tiền đấy nhé. Đừng để mắc bẫy. Vì cũng như bản năng tính dục, sự khao khát của cải có thể biến thành một thứ bệnh sốt nung nấu, chỉ gây cho ta được vài thú vui nhất thời, chứ không sao tạo được một hạnh phúc lâu bền.
Nếu bạn làm chủ một xí nghiệp thì bạn nên tự nhủ rằng lo cho đời sống của nhân viên còn quan trọng hơn là thêm một con số không vào gia sản của bạn[2]. Bạn nên trả cho mỗi người một số lương tương đương với sự góp sức của họ vào việc sản xuất.
TRÍ TUỆ
Người thời nay quá trọng trí tuệ và coi thường tư cách. Chúng ta đã luyện trí tuệ cho sắc bén mà để cho cái ý thức tự chủ nhạt đi.
Chúng ta quá khen cái tân kì về tư tưởng cũng như về các thực hiện vật chất. Cứ cuồng ngôn, vọng động, việc đó rất dễ, giữ được mực thước mới khó! Tập tục, qui ước, tín ngưỡng là công lao của nhân loại trong bao nhiêu thế kỉ dò dẫm. Khó mà chấp nhận được rằng chỉ một đời người - dù là đời một người thông minh tuyệt trần - là có được những kiến thức quảng bác, những tư tưởng thâm trầm đủ để phán đoán đúng những truyền thống có từ mấy thế kỉ.
Nhân loại khôn hơn mỗi người trong chúng ta. Do đó mà một số người nông nổi tự khoe theo thuyết duy trí mới có cái vẻ khó thương: họ chỉ biết một phần nhỏ thôi, không biết được toàn thể. Sự nhũn nhặn làm tôn kiến thức của ta lên cũng như sự e lệ làm tôn vẻ đẹp của phụ nữ.
MỘT DI SẢN ĐƯƠNG KHUẾCH TRƯƠNG
Khoa học, kĩ thuật, luân lí, xã giao, chính trị, văn học, triết học, nghệ thuật: đó là di sản của các bạn. Di sản đó đã phát triển vô cùng, không ngờ được, trong bao nhiêu thế kỉ nay, các bạn tha hồ mà dùng, không bao giờ hết. Cứ uống từng ngụm lớn, cho cạn cái chén đầy tràn của cuộc sống đi. Các bạn nên cảm ơn Thượng Đế và thiên nhiên đã khiến cho đời mình gặp những nỗi gian nan, thử thách, chịu những hình phạt và hưởng những phần thưởng. Các bạn nên cảm ơn đã được hưởng biết bao cái đẹp, điều khôn, nỗi khó nhọc và tình thương.
Chú thích:
[1] Ông sinh năm 1885, vậy lúc này đã 83 tuổi.
[2] Bản tiếng Pháp dịch là: “vào gia sản của nhân viên” chúng tôi e rằng lầm. Thêm một số không vào gia sản là làm tăng nó lên gấp mười lần, ví dụ: 100.000.000$ thì thành 1.000.000.000$. Nhưng chẳng qua cũng chỉ là con số không.
Will - Ariel Durant
Dịch giả: Nguyễn Hiến Lê
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...