Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Người chồng muôn thuở 1

Người chồng muôn thuở 1

TIỂU SỬ SƠ LƯỢC
Bản Việt Ngữ Này Được Dịch Ra Từ Bản
Pháp Ngữ Của Boris De Schloezer Do Nhà Xuất Bản Gallimard Ấn Hành Năm 1936.
(L’éternel Mari )
TIỂU SỬ SƠ LƯỢC
của ĐẠI VĂN HÀO DOSTOÏEVSKI
(căn cứ theo tài liệu của Pierre Pascal, giáo sư văn chương Nga tại Đại Học đường Sorbonne)
1821 - 30 Tháng Mười: Théodore Dostoïevski chào đời tại Moscou. Cha ông là y sĩ phục vụ tại Bệnh Viện Marie ở Moscou và mẹ ông xuất thân từ một gia đình tiểu thương. Dostoïevski là con thứ hai. Ông có một người anh (Michel) và năm người em.
1832 - Tháng Tư: Mẹ ông đem các con về ở tỉnh Toula, nơi đây gia đình ông đã mua được hai làng.
1833 - 1837: Dostoïevski và người anh trọ học tại Moscou.
1837 - 29 Tháng Giêng: Văn hào Pouchkine chết trong một cuộc đấu kiếm. Dostoïevski vốn là độc giả trung kiên của Pouchkine đã bị xúc động mãnh liệt.
27 Tháng Ba: Mẹ Dostoïevski từ trần.
Tháng Năm: Dostoïevski và người anh trọ học tại kinh đô Saint Pétersbourg để chuẩn bị thi vào Trường Công Binh.
1 Tháng Bảy: Cha Dostoïevski hưu trí về ngụ tại tỉnh Toula.
1838— 1840: Dostoïevski theo học tại Trường Công Binh. Trong thời gian này, ông say sưa đọc Hoffmann, Balzac, Shakespeare, Goethe, Hugo, Schiller, Homère và các kịch tác gia cổ điển Pháp...
1839 — 3 Tháng Sáu: Cha Dostoïevski bị các nông nô của ông ám sát.
1840 —29 Tháng Mười Một: Dostoïevski tốt nghiệp hạ sĩ quan.
1842 —11 Tháng Tám: Dostoïevski được vinh thăng Thiếu Úy.
1843 — Dostoïevski làm việc ở sở họa hình của Bộ Chỉ Huy Công Binh. Đời sống vật chất túng hụt. Ông phiên dịch Eugénie Grandet của Balzac.
1844 — Ông phiên dịch La Dernière Aldini của George Sand.
19 Tháng Mười: Giải ngũ với cẩp bực Trung Úy. Bắt đầu viết Les Pauvres Gens.
1845 — Tháng Ba: Viết lạl lần thứ hai Les Pauvres Gens.
Tháng Tư : Viết lại lần thứ ba.
Tháng Năm: Dostoïevski đọc bản thảo cho văn hữu Grigorovitch nghe. Thi sĩ Nékrassov chuyển bản thảo đến cho phê bình gia Biélinski. Ngay ngày hôm sau, Biélinski tiếp Dostoïevski một cách nồng hậu.
Mùa Thu: Dostoïevski viết Le Double. Ông gặp văn hào Tourguenev tại nhà Biélinski. Hoàn thành Le Roman en neuf lettres, Si tinh bà Panaev.
1846 —15 Tháng giêng: Les Pauvres Gens được đăng tải trên tạp chí Le Recueil de Pétersbourg.
 1 Tháng Hai: Le Double xuất hiện trên tạp chí Les Annales de la Patrie.
Tháng Mười : Tạp chí Les Annales đăng tác phẩm Monsieur Prokhartchine.
1847 —Tháng Giêng: Le Roman en neuf lettres đăng trên tạp chí Le Contemporain.
Ông tiếp tục viết truyện và giữ những mục thường xuyên cho vài tạp chí văn học.
1848 — Tháng Hai: Xuất bản Un coeur faible và Polzounkov.
Tháng Tư: Xuất bản Récits d'un homme averti.
 28 Tháng Năm: Biélinski qua đời.
Tháng Mười: Dostoïevski tham gia những tổ chức cách mạng có khuynh hướng xã hội kiểu Fourier.
Tháng Mười Một, Mười Hai: Xuất bản Les Nuits Blanches và Le Mari Jaloux.
1849 —Tháng Tư : Ông diễn thuyết yêu cầu Nga Hoàng bãi bỏ kiểm duyệt báo chí, bãi bỏ chế độ nông nô và cải tổ tư pháp.
23 Tháng Tư: Dostoïevski bị bắt.
16 Tháng Mười Một: Dostoïevski bị kêu án tử hình. Nhưng ba ngày sau, bản án được giảm xuống còn bốn năm tù khổ sai và phải sung làm lính trơn trong một cơ ngũ.
24 Tháng Chạp: Dostoïevski bị đày về trại giam ở Tobolsk thuộc Tây Bá Lợi Á.
1850 — 1854: Dostoïevski sung vào một đội lao công đặt thuộc quyền xử dụng của Công Binh. Năm 1850, ông bị động kinh lần thứ nhất. Nằm bệnh viện một thời gian.
1854— 22 Tháng Hai: Dostoïevski mãn hạn tù và thuyên chuyển về một Tiểu Đoàn biên trấn ở Semipalatinsk.
1 Tháng Năm: Ông sáng tác và gởi theo hệ thống quân giai một thi phẩm ái quốc.
1855 — Dostoïevski si tình một người đàn bà có chồng, nàng Marie Dmitrievna.
18 Tháng Hai: Hoàng Đế Nicolas Đệ Nhất băng hà. Alexandre Đệ Nhị kế vị.
Tháng Năm: Gia đình nàng Marie Dmitrievna di chuyển về Kouznetsk.
4 Tháng Chín: Chồng nàng Marie chết.
20 Tháng Mười Một: Nhờ một thi phẩm thứ hai, Dostoïevski được vinh thăng hạ sĩ quan.
1856— Tháng Hai: Dostoïevski được một vài người quen biết quyền thế vận động xin phóng thích.
 19 Tháng Năm: Dostoïevski lại sáng tác một thi phẩm ái quốc nữa và chuyển theo hệ thống quân giai. Kết quả, ông được vinh thăng Thượng Sĩ.
24 Tháng Mười Một: Góa phụ Marie Dmitrievna ưng thuận lấy Dostoïevski.
1857 —6 Tháng Hai: Dostoïevski thành hôn cùng Marie Dmitrievna.
1858 — Dostoïevski xin giải ngũ vì lý do sức khỏe.
1859 — Tháng Tư: Dostoïevski xuất ngũ với cấp bực Thiếu Úy. Ông không được phép cư ngụ tại các kinh đô. Ông chọn tỉnh Tver.
2 Tháng Bảy: Ông rời bỏ Semipalatinsk để đi Tver.
Cuối Tháng Chạp: Ông về ngụ tại Saint Pétersbourg.
1860 — Xuất bản tuyển tập thứ nhất những Tác Phẩ của Dostoïevski.
14 Tháng Tư: Dostoïevski thủ một vai kịch trong đêm kịch do Hội Nhà Văn tổ chức.
Tháng Chín: Dostoïevski cùng người anh Michel sửa soạn xuất bản tạp chí Le Temps.
1 Tháng Chín: Récits de la Maison des Morts được đăng tải trên một tuần san.
1861 — Tháng Giêng: Đăng Humiliés et Offensés (hoàn tất vào tháng Bảy) trên tạp chí Le Temps.
19 Tháng Hai : Ký tên vào bản Tuyên Ngôn đòi bải bỏ chế độ nông nô.
Suốt năm, Dostoïevski viết phần lớn những bài đăng trong tạp chí Le Temps và giữ chức vụ Thư ký Tòa soạn. Ông giao du với văn giới.
1862 — Tháng Giêng: Đăng phần thứ hai của La Maison des Morts trong Le Temps.
 16 Tháng Năm: Rối loạn chính trị tại Saint Pétersbourg.
7 Tháng Sáu: Dostoïevski xuất ngoại: Paris, Londres, Cologne, Thụy Sĩ và Ý.
1863 — 24 Tháng Năm: Le Temps bị đình bản vì một bài báo về vấn đề Ba Lan.
11 Tháng Tám: Dostoïevski đến Paris, nơi đây ông gặp nàng Souslova (đã quen nhau từ 1861) Hai người cùng du lịch với nhau.
Tháng Tám — Tháng Chín: Tại Baden-Baden (Đức), Dostoïevski đánh bạc thua liên miên. Đến thăm Tourguenev.
Tháng Mười: Sang Ý. Túng tiền. Souslova trở lại Paris.
Cuối Tháng Mười: Dostoïevski trở về Nga.
1864 — Tháng Ba: Người anh xuất bản nguyệt san L'Époque. Dostoïevski cho đăng phần đầu của Sous-sol.
15 Tháng Tư: Nàng Marie Dmitrievna chết vì bệnh suyển tại Moscou.
10 Tháng Bảy : Michel chết. Dostoïevski lãnh trả nợ cho anh và cưu mang gia đình anh.
1865 — Tháng Tư: Dostoïevski cầu hôn nàng Anne Korvin-Kroukovski nhưng bị từ chối.
Tháng Sáu: Tờ L'Époque đình bản vì hết vốn. Dostoïevski sắp bị sai áp. Ông bán bản quyền toàn thể tác phẩm cho nhà xuất bản với giá 3000 đồng rouble. Ông xuất ngoại.
 Tháng Bảy: Ông thua bạc ở Wiesbaden, phải đến xin tiền Tourgucnev và Souslova.
Cuối Tháng Chín: Dostoïevski đề nghị với ông chủ nhiệm báo Le Messager Russe, tác phẩm Crime et Châtiment, để nhận trước một món tiền.
 15 Tháng Mười: ông trở về Pétersbourg. Những cơn động kinh liên tiếp.
 Tháng Mười Một: Gặp lại nàng Souslova.
1886 — Tháng Giêng: Tờ Le Messager Russe khởi đăng Crime et Châtiment (kết thúc vào Tháng Chạp).
4 Tháng Tư: Karakozov mưu sát Nga Hoàng.
 4 Tháng Mười: Dostoïevski đọc cho nữ tốc ký viên Anne Grigorievna Snitkine chép quyển Le Joueur mà theo hợp đồng, ông phải giao cho nhà xuất bản ngày 30 Tháng Mười.
1867 — Dostoïevski thành hôn cùng Anne Snitkine.
14 Tháng Tư: Hai vợ chồng xuất ngoại: Dresde, Hambourg, Bade, Bâle, Genève. Tại Bade, Dostoïevski lại thua bạc và cãi cọ với Tourguenev.
 Tháng Chín: Khởi công L’Idiot.
1868 — Tháng Giêng: L’Idiot xuất hiện trên tờ Le Messager Russe (Kết thúc vào Tháng Chạp).
22 Tháng Hai: Hạ sanh một đứa con gái, Sophie (chết ngày 12 Tháng Năm).
Tháng Mười Một đến Tháng Bảy 1869: Cư ngụ tại Florence.(Ý)
Tháng Chạp: Dostoïevski suy nghĩ về một cuốn tiểu thuyết lớn tựa đề L’ Athéisme.
1869— Tháng Bảy đến Tháng Bảy 1871: Cư ngụ tại Dresde.
 14 Tháng Chín: Hạ sanh đứa con gái thứ hai, Lioubov
1870 — Tháng Giêng: Tạp chí L’Aurore khởi đăng L’Éternel Mari.
1871 — Tháng Giêng: Tờ Le Messager Russe khởi đăng Les Démons.
Tháng Tư: Dostoïevski lại thua tài xỉu ở Wiesbaden. Ông không còn đánh bạc nữa.
8 Tháng Bảy: Trở về Saint Pétersbourg sau bốn năm vắng mặt.
16 Tháng Bảy: Hạ sanh đứa con trai, Théodore.
1872 — 20 Tháng Chạp: Dostoïevski giữ chức vụ Chủ bút cho tờ Le Citoyen.
1873 —Tháng Hai: Xuất bản Les Démons.
1874 — Tháng Tư: Ông rời bỏ tờ Le Citoyen sau khi bị phạt giam vì một bài báo, Ông lại xuất ngoại : Ems, Genève.
Mùa Đông: Khởi viết L'Adolescent và cho đăng trong tạp chí Les Annale; de la Patrie của thi sĩ Nékrassov.
1875 — 10 Tháng Tám. Hạ sanh đứa con thứ tư, Alexis.
Giữa Tháng Tám: Trở về Pétersbourg. Hoạt động báo chí.
1876 — Tháng Bảy — Tháng Tám: Sang Ems.
1877 — Mùa Xuân: Dostoïevski mua một biệt thự tại Staraia Roussa.
2 Tháng Chạp: Được bầu làm hội viên liên lạc của Hàn Lâm Viện.
27 Tháng Chạp: Nékrassov chết. Dostoïevski đọc điếu văn nơi mộ phần của Nékrassov, ca ngợi Nékrassov là thi sĩ của nỗi khổ đau của đám đông.
1878 — Đứa con thứ tư, Alexis, chết vì chứng động kinh
1879 — Tháng Giêng đến Tháng Chạp: Tờ Le Messager Russe đăng Les Frères Karamazov.
1880 — Tháng Năm: Đến Moscou. Tại đây, ông đọc một bài diễn văn quan trọng về văn hào Pouchkine.
1881 — 25 Tháng Giêng: Ông giao cho nhà in bản thảo Journal d'un Écrivain.
28 Tháng Giêng: Dostoïevski mửa máu và tạ thế hồi 8 giờ rưỡi tại Saint Pétersbourg. Thi hài ông được chuyển về Laure de Saint Alexandre Nevski, và mai táng bên cạnh thi sĩ Joukovski. Một đám đông vĩ đại với những đoàn hợp ca thanh niên đã đưa tiễn Dostoïevski đến nơi an nghỉ đời đời.
CHƯƠNG I
Veltchaninov

MÙA hè đến, và trái với mọi sự chờ đợi, Veltchaninov vẫn ở lại Pétersbonrg. Chuyến du lịch miền Nam nước Nga mà ông đã dự tính, không thể thực hiện, và vụ kiện tụng vẫn chưa thấy phần kết thúc. Vụ kiện tụng đó, liên quan đến một miếng đất, đã trở nên rắc rối. Nó có vẻ hơi giản dị và cái kết quả của nó gần như không thể bàn cãi được cách đây ba tháng về trước; nhưng bỗng nhiên mọi thứ lại trở nên lôi  thôi. (Và theo thói
thường, mọi thứ càng lúc càng tệ thêm). Bây giờ Veltchauninov thường hay lập lại câu nói đó. Ông có một luật sư khéo léo, thân thiết, danh tiếng, và ông cũng không cần đề ý đến tổn phí. Nhưng sự sốt ruột và một thứ nghi ngờ lo ngại xúi giục ông đích thân can thiệp vào công việc của mình: ông soạn thảo những bản điều trần mà luật sư vứt vào sọt rác; ông chạy đến các cơ quan công quyền, không ngớt hỏi thăm tin tức và hiển nhiên việc đó chỉ làm chậm đi mọi sự. Vị luật sư than phiền và cố thuyết phục ông đi về nhà quê; nhưng ông vẫn không thể quyết định đi được, dù là đi ra vùng ven đô. Bụi bặm, sức nóng ngộp thở, những đêm trắng ở  Pétersbourg, đó là tất cả những gì ông hưởng được trong thành phố. Ông cũng chẳng được may mắn với cả căn phòng trọ của ông, ở một nơi nào đó gần Nhà Hát Lớn, mà ông đã mướn cách đây ít lâu: “Chẳng có gì thành công hết” Nỗi ưu uất càng ngày càng trầm trọng, hơn nữa, từ lâu nay, ông cũng đã có khuynh hướng như thế …
Đó là môt người đàn ông đã sống nhiều và từng trải. Ông không còn trẻ nữa—ba mươi tám hay ba mươi chin rồi cũng nên— và “cái tuổi già” đó, như ông thường nói, đã xuất hiện “gần như bất thần”. Nhưng chính ông cũng hiểu rằng không phải số lượng niên kỷ nhưng phẩm chất của chúng đã làm ông già đi và nguyên nhân những nỗi đau đớn của ông có tính cách nội tâm nhiều hơn. Ông vẫn còn có vẻ là một gã trai trẻ khỏe mạnh. Đó là một người đàn ông to lớn và lực lưỡng. Chẳng có một sợi bạc nào trong mái tóc dầy vàng sáng hay trong bộ râu dài chấm xuống đến nửa ngực. Thoạt trông, ông có vẻ vụng và hơi nặng ne-2, nhưng nếu nhìn kỹ, ta sẽ nhận thấy ngay ở ông ta một người biết cách xử thế và hấp thụ một nền giáo dục thời lưu. Cử chỉ của Veltchaninov vẫn còn có vẻ thư thái, chửng chạc và duyên dáng nữa dù cho thái độ càu nhàu, và tính bười xười mà gần đây ông đã nhiễm phảo. Và cho đến ngay cả bây giờ, ông ta vẫn còn có một thái độ quả quyết khó lay chuyển, một niềm tự tin quan cách đến độ trịch thượng mà ngay chính ông, ông cũng không thể ngờ đến ; dù rằng ông không những là một người thông minh mà đôi khi còn là người tế nhị, học hành khá và hiển nhiên là người có tài nữa. Gương mặt trung thực và hồng hào, mà cách đây không lâu, với nét mặt và làn da thanh tú ấy, ông đã lôi cuốn sự chú ý của phái yếu. Và cho đến bây giờ, mỗi khi thấy ông, người ta vẫn còn phải tấm tắc khen ngợi: “Người bảnh trai làm sao! Da trông cứ như là trứng gà bóc ấy!” Thế mà, “con người bảnh trai” đó đã mắc phải bệnh ưu uất hiểm nghèo. Cách đây chừng mươi năm, đôi mắt xanh biếc ấy vẫn có một cái gì chinh phục. Đó là đôi mắt khá trong sáng, vui tươi, vô tư đến độ lôi cuốn ánh nhìn của mọi người mà chính chủ nhân không hay. Bây giờ, ông ta đã gần tứ tuần rồi, sự trong sáng, sự nhân từ đã hầu như tắt hẳn trong ánh mắt, trong đôi mắt thâm quầng đó. Trái lại, đôi mắt đó phản chiếu tính cách “ xi-ních” của một con người mỏi mệt với cuộc sống và không mấy đạo đức ; sự lừa lọc, nhất là sự châm biếm chua cay và một “nét” mới mà trước kia không hề có: sự buồn bã và sự thống khổ, một cái buồn ơ hờ, vô cớ nhưng rất sâu đậm. Nhất là khi ông ta một mình, cái buồn đó mới càng biểu lộ. Và, điều lạ lùng là con người đó, cách đây mới có hai năm hãy còn huênh hoang, vui vẻ, phóng túng và hãy còn kể rất duyên dáng những câu chuyện dí dỏm, “tiếu lâm”, bây giờ đây không thích gì hơn là được hoàn toàn một mình. Ông ta tự ý cắt đứt mọi liên lạc với nhiều người mà đáng lý ông ta không nên làm như thế dù giờ đây gia sản của không còn bao lăm. Sự tự kiêu, phải, sự tự kiêu đã trợ lực thêm: Tánh đa nghi và sự tự kiêu đã khiến ông không thể nào tiếp tục giao thiệp với những người quen biết cũ. Nhưng tánh tự kiêu đó cũng biến dạng dần trong cô đơn…Đáng lý tánh đó giảm dần thì nó lại mang một hình thái khác, một hình thái rất đặc biệt: những lý do mà trước kia chưa từng đụng chạm đến lòng tự kiêu của ông thì bây giờ lại khiến ông ta giận dỗi; những lý do bất ngờ, “thượng đẳng” hơn những lý do mà xưa nay đã từng chi phối ông; “nếu ta có thể diễn tả như thế, nếu quả thật là có những lý do thượng đẳng và những lý do hạ đẳng”. Câu này, chính ông thêm vào.
Phải, ông ta đã đến trình độ đó: hiện giờ ông đang chống chỏi với những lý do “thượng đẳng” nào đó mà từ trước ông chưa hề bị ám ảnh. Trong lương tâm, trong lương tri của ông; “những lý do thượng đẳng” được ông hiểu là những gì (đối với ông, ông không thể nào xem là  chuyện «tếu» được, Ồ! Khi đông đủ bạn bè lại là một chuyện khác. Ông ta biết một cách chắc chắn là nếu gặp cơ hội thuận tiện, ông ta sẽ từ chối ngay tức thì “những lý do thượng đẳng” đó mặc dù đã có những quyết định thầm kín và thành tín của lương tri mình. Và chính ông là kẻ đầu tiên sẽ cười nhạo về chuyện đó, dĩ nhiên là ông cố tránh tự thú nhận với mình điều này. Thực thế, việc đó như vậy, mặc cho tính cách độc lập khá quan trọng của tư tưởng mà mới đây ông đã thành công trong việc chế ngự những lý do “hạ đẳng”; những lý do trước đây từng chi phối ông ta. Và đã biết bao nhiêu lần, mỗi sáng khi thức dậy, ông đã tự hổ thẹn về những ý kiến, về những cảm tình đã đến với mình trong những giờ khuya thao thức (mấy lúc sau này, ông thường bị mất ngủ). Đã từ lâu, ông nhận thấy mình càng ngày càng trở nên ngờ vực và mất tin tưởng, hoài nghi trong những việc quan trọng và cả trong những việc vụn vặt, tủn mủn nữa và ông đã quyết định là chỉ nên tin ở mình càng ít càng hay. Nhưng lại có những sự kiện xảy ra mà không thể nào ông không thừa nhận. Trong những ngày gần đây, đôi khi cả ban đêm nữa ; những suy tư, những cảm xúc thông thường của ông hầu như đã biến đổi hoàn toàn và những suy tư, những cảm xúc ấy không còn giống chút nào với những gì ông đã nghĩ, ông đã cảm lúc ban sáng. Việc đó làm cho ông lo lắng và ông đã phải đến hỏi ý kiến một vị danh y thân thiết.
Với một giọng tự nhiên pha chút bỡn cợt, ông kể cho bác sĩ nghe bệnh trạng mình. Ông được bác sĩ cho hay là sự thay đổi và ngay cả sự nhị-hóa tư tưởng và cảm xúc trong những đêm mất ngủ là một hiện tượng rất thông thường của những người nào ‘‘suy tư và cảm xúc mãnh liệt’’. Bác sĩ cũng cho biết thêm là ảnh hưởng khốc hại của đêm khuya và sự mất ngủ đã đột ngột thay đổi cả những điều mà suốt cả một đời ta đã tin theo và có khi ‘‘không đầu, không đuôi’’ đột nhiên, ta có những quyết định tai hại nhất. Nhưng dĩ nhiên việc gì cũng phải một vừa, hai phải, nếu con bệnh cảm thấy sự nhị-hóa đó mãnh liệt đến độ như Veltchaninov mắc phải thì đó là triệu chứng không thể chối cãi được của bệnh hoạn và trong trường hợp này, cần phải đưa trị ngay. Cách hay nhất là thay đổi tận gốc cách sống, cách ăn uống hay làm một chuyến đi xa. Cũng chắc chắn có hiệu quả nữa là hãy dùng thuốc xổ.
Veltchaninov không muốn nghe thêm ; chứng bệnh của ông như thế là đã rõ ràng quá rồi.
‘‘Thì ra là vậy, tất cả việc ấy, tất cả những lý do  ‘‘Thượng đẳng’’ ấy chỉ là do bệnh họan mà ra chứ không có gì lạ cả, ông ta mỉa mai kêu lên. Những ông ta thức tỉnh không chịu nhìn nhận như thế.

Rồi thì, những gì ông ta chỉ đặc biệt cảm thấy khi đêm về, giờ đây lại xảy ra cả về ban sáng, nhưng với nhiều nhức nhối và cay đắng hơn, sự hối hận nhường chỗ cho sự tức giận, sự châm chích thay thế cho lòng ái ngại. Và càng lúc, càng thường xuyên, nhiều việc đã qua, đôi khi đã qua rất lâu rồi trong đời, bỗng khơi dậy trong ký ức ông một cách rất đặc biệt,  ‘‘đột ngột và có Trời biết tại sao’’. Từ lâu, Veltchaninov vẫn tự than thầm là mình mất trí nhớ ; thí dụ như ông quên hẳn khuôn mặt nhiều người quen biết khiến họ rất bất bình khi gặp lại ông ta ; thí dụ như đôi khi ông không còn nhớ gì đến cốt chuyện một cuốn sách vừa đọc cách đây sáu tháng. Vậy mà, dù cho ký ức thường xuyên kém cỏi như thế (sự suy giảm trí nhớ này đã làm ông bận tâm không ít) ; tất cả những gì dính dáng đến quá vãng xa xăm, những biến cố đã hoàn toàn bị quên lãng từ mươi, mười lăm năm nay đôi khi bỗng xuất hiện đột ngột, xuất hiện với đầy đủ chi tiết, với những ấn tượng nóng hổi khiến ông ta có cảm tưởng là mình đang sống thực vậy. Một số trong những biến cố trên đã hoàn toàn đi vào lãng quên mà việc có thể nhớ lại không thôi, đối với ông, cũng là cả một phép lạ rồi. Nhưng không phải chỉ có thế thôi đâu! Trong số những người sống nhiều, đã từng trải việc đời, ai lại không có một số kỷ niệm thuộc về một lãnh vực nào đó? Nhưng điều quan trọng là quá khứ kia khi sống dậy đã hiện ra dưới một khía cạnh hoàn toàn mới, bất ngờ mà trước kia, Veltchaninov chưa hề nghĩ đến. Tai sao, giờ đây dưới mắt ông, có một số kỷ niệm nào đó đã mang bộ mặt của tội ác? Và việc đó không phải chỉ độc có liên quan đến sự phán doán của lý trí ông ta : ông ta không mấy tin tưởng ở tâm hồn mình, một tâm hồn u uất, cô đơn và bệnh hoạn, ông ta có thể đi đến chỗ tự nguyền rủa, gần như là khóc lóc, và nếu không phải là tiếng khóc nức nở, thì đó cũng là tiếng khóc nghẹn ngào. Hai năm trước, có ai bảo rằng một ngày kia ông sẽ khóc lóc, chắc chắn là ông ta không tài nào tin nổi. Lúc đầu, những kỷ niệm có đượm màu cay đắng hơn là cảm động, ông ta nhớ lại những cuộc giao tế thất bại, những nhục nhã phải gánh chịu ; ông ta hồi tưởng, thí dụ như những lời vu khống của một tên quỉ quyệt đã đưa đến việc thiên hạ thôi tiếp ông ; hay hơn nữa, mới đây không lâu, vì một lẽ gì đó, người ta đã chú ý và công khai xúc phạm đến ông mà không cho ông thách đấu để rửa nhục ; vì lẽ gì, một ngày nào đó, trước mặt những người đẹp, ông đã phải nghẹn lời vì những lời châm độc, ông cũng nhớ lại vài ba món nợ chưa thanh toán, dù rằng nhỏ nhặt, ít ỏi, vô nghĩa thật, nhưng là những món nợ danh dự mà ông đã thiếu chịu của những người ông thôi giao thiệp, và hiện giờ đang bị ông nói hành, nói tỏi. Ông cũng khổ sở (nhưng chỉ cảm thấy trong những lúc khốn đốn nhất), khi nhớ lại hai tài sản, hai tài sản đồ sộ của mình, mà ông đã dại dột phung phí hết. Nhưng rồi chẳng bao lâu, những kỷ niệm đó nhường chỗ cho những việc có ‘‘trình độ cao hơn’’.
Thí dụ như, không vì một lý do nào cả, sau một thời gian dài quên hẳn, đột nhiên ông ta nhớ lại một ông công chức già gương mẫu với mái tóc lốm đốm hoa râm, với tính tình ươn gàn mà một ngày nào đã lâu lắm rồi, đã bị ông công khai hạ nhục một cách vô tội vạ chỉ vì để thỏa mãn tính khoác lác của mình, chỉ vì muốn có dịp thi thố tài nói xỏ, tài chơi chữ mà về sau thiên hạ sẽ còn nhắc nhở đến. Câu chuyện ấy vùi sâu vào ký ức đến nỗi ông ta khó mà có thể nhớ lại tên viên công chức già kia dù rằng tình tiết câu chuyện trên đã hiện ra trong trí ông ta khúc chiết đến độ khó ngờ. Ông ta nhớ lại rõ ràng là ông lão đã tự ý xen vào câu chuyện để bênh vực cho cô con gái luống tuổi mà vẫn chưa chồng và còn ở chung với cha: thiên hạ đã bàn tán nhiều về việc này và nhiều tiếng đồn đãi đầy ác ý đã được truyền đi khắp tỉnh. Ông già đáng thương đã cố gắng biện hộ và sắp sửa nổi giận, thì bỗng nhiên ông òa lên khóc trước mặt mọi người, làm cho tất cả trở nên sượng sùng. Cuối cùng, giả vờ xem như là câu chuyện đùa, mọi người đã phục rượu ông già kia và rồi  ‘‘vui vẻ cả làng’’. Và bây giờ, ‘‘không kèn, không trống’’, Veltchaninov thấy lại ông già nhỏ nhoi ấy đang nức nở khóc trong lòng bàn tay như một đứa trẻ và hình như chưa bao giờ ông ngớt nhớ đến hình ảnh ấy. Điều kỳ lạ là ngay lúc câu chuyện mới xảy ra, ông xem là khôi hài thì giờ đây lại trái lại ; nhất là một vài chi tiết, đặc biệt là hình ảnh ông già khóc vùi, mặt úp vào đôi tay.
Ông ta cũng nhớ lại vì muốn đùa cợt, mình đã vu khống cô vợ khả ái của một thầy giáo trưởng tỉnh, và những lời xuyên tạc đó đã đến tai người chồng như thế nào. Ít lâu sau, ông rời tỉnh và Veltchaninov không biết hậu quả của hành động mình ra sao ; nhưng giờ đây bỗng nhiên ông hình dung ra cái kết quả của việc kia và chỉ có Trời mới biết được trí tưởng tượng sẽ dẫn dắt ông đến đâu, nếu đột nhiên không có một kỷ niệm khác gần hơn vụt hiện ra trong trí óc. Đó là kỷ niệm về một cô gái, một cô gái trung lưu ở tỉnh mà thành thật nói thì ông không thích, lấy làm xấu hổ nữa là khác, nhưng đã mang thai với ông mà ông không ngờ đến. Ông đã bỏ rơi hai mẹ con không một lời giã biệt (thật ra thì ông không có đủ thì giờ) khi ông rời Pétersbourg. Về sau, suốt một năm trời, ông đã cố sức tìm lại người con gái kia, nhưng không gặp. Ông có gần cả trăm kỷ niệm thuộc loại đó, và hình như mỗi kỷ niệm lại kéo theo hàng chục kỷ niệm khác. Dần dần, tình tự kiêu của ồng cũng bắt đầu sứt mẻ.
Như chúng ta đã nỏi ở trên, tính tự kiêu của ông đã mang một sắc thái rất đặc biệt. Thật thế, có những lúc (mặc dù rất hiếm hoi) ông dửng dưng với thế sự đến độ không thấy gì là nhục nhã, xấu hổ khi không có xe riêng, ông phải lết bộ từ cơ quan này đến cơ sở nọ; đến độ mặc cho quần áo xốc xếch ; và nếu có người quen biết cũ nào khinh khỉnh nhìn ông hay giả vờ như không biết ông khi gặp nhau ngoài đường, ông cũng đủ kiêu hãnh để mà không hờn giận, không phải chỉ với bộ mặt làm màu, nhưng chính trong thâm tâm ông như thế. Dĩ nhiên, trường hợp này rất hiếm, chỉ có trong những giây phút ngắn ngủi, ông tự quên mình và tức giận mà thôi. Dầu vậy, dần dần, lòng tự kiêu của ông không còn quan tâm gì đến những việc mà xưa kia đã từng xúc phạm đến mình và giờ đây ông chỉ chú ý đến một đối tượng độc nhất, một đối tượng luôn luôn ám ảnh tâm trí ông.
 ‘‘Hừ, ông ta tự nhủ với giọng mỉa mai (mỗi khi nghĩ về mình, hầu như thường thường, ông bắt đầu bằng giọng điệu mỉa mai), thì ra ở dưới trần này mà cũng có người lo lắng đến đời sống đạo đức của mình và ném trả lại mình tất cả những kỷ niệm  ‘‘chó đẻ’’, và  những giọt lệ thống hối’’ kia ! Được đi, nhưng việc đó có ích gì nhỉ? Chỉ là nước đổ lá môn! Dầu cho sự hối hận có dày vò và mình đã nghiêm khắc tự lên án, nhưng thật ra mình có chút tự chủ nào đâu dẫu rằng mình mang cả đống tuổi trên đầu, những tứ tuần chứ ít sao?

Ví như mai đây cũng có cùng sự cám dỗ như trước đây, cũng ở cùng trường hợp như trước đây mình đã vì lợi riêng mà tung tin vợ ông giáo trường tỉnh nọ đã nhận quà của mình thì mình cũng không chút ngần ngại mà vu khống nữa. Và câu chuyện lần này sẽ tồi tệ hơn lần đầu nhiều lắm, vì đây là lần thứ hai. Ví như vị hoàng con kia, người con độc nhất của mẹ gã ta mà cách đây khoảng muời một năm đã bì mình bắn què giò: giờ đây nếu hắn lăng nhục mình, mình sẽ thách đấu tức khắc và mình sẽ lại tặng cho gã ta cái chân gỗ thứ hai... Phải chăng là nước đổ lá môn? Vậy sự việc đó có công dụng gì? Và ngay cả mình, mình cũng đã không tự giải thoát nổi lấy một chút nào thì những kỷ niệm kia có ích gì nhỉ?
Dầu câu chuyện về cô-vợ-ông-giáo-trường- tỉnh kia không có lại lần thứ hai, dù ông không tăng thêm chân gỗ cho ai, nhưng chỉ nghĩ rằng những chuyện ấy sẽ xảy lại không sai chệch nếu lại có hoàn cảnh thuận tiện; thì ý nghĩ đó cũng đã đôi khi... gần như khiến cho ông tưởng chết được. Thật thế, không thể nào chịu đựng nổi sự dày vò thường trực của những kỷ niệm đau buồn kia ; tốt hơn hết là cần phải tỉnh dưỡng và du ngoạn trong những lúc nhàn rỗi.
Veltchaninov sẽ làm như vậy: ông ta đã sẵn sàng để đi du ngọan trong những lúc rỗi rãnh, nhưng cuộc sống của ông ở Pétersbourg ngày càng trở nên vất vả. Tháng bảy sắp đến. Đôi khi, ông có quyết định đột ngột là bỏ tất cả, ngay cả vụ kiện tụng của ông để đi ngay tức khắc, đâu cũng được, như đến Crimée chẳng hạn, và không nghĩ đến việc gì nữa cả. Nhưng thường thường là khoảng một giờ sau, ông xem thường ngay dự định đó và chế nhạo nó: ‘‘Không có cuộc du lịch nào có thể làm cho ta quên được những tư tưởng hắc ám kia, một khi chúng đã sống dậy trong lòng ta, và nếu ta còn đôi chút lương thiện ; vậy thì trốn tránh chúng làm gì? Và tại sao mình lại phải trốn tránh chúng?’’
‘‘Ừ !  Tại sao phải trốn tránh kỷ niệm? Ông ta tiếp tục triết lý một cách chua chát. Ở đây bụi bặm thật, ngột ngạt thật, chỗ ăn chỗ ngủ dơ dáy ; trong các cơ sở mà mình đã phí thì giờ giữa một lũ người  áp-phe, đã có biết bao nhiêu là vụ chạy chọt vô ích, bao nhiêu là nỗi lo lắng ti tiện; những người sống ở đây, những khuôn mặt mà ta gặp hằng ngày đã phản ảnh một lòng vị kỷ quá ngây ngô, quá lộ liễu, một sự trở tráo đến lợm giọng, đã phản ảnh tất cả cái nhát nhúa của những tâm hồn thấp kém, tất cả cái hèn của những con tim nhỏ nhen ; ở đây thật là nơi lý tưởng cho những người mắc phải bệnh ưu uất. Tất cả đều bộc trực, tất cả đều minh bạch, không ai nghĩ đến việc giấu diếm dù là việc gì, chuyện mà những mệnh phụ của chúng ta đã làm như thế ở đồng quê, ở nơi dưỡng bệnh, ở nước ngoài. Như vậy, chỉ với sự chân thực và sự giản dị đó, ở đây xứng đáng hơn ở đâu hết. Ta sẽ không đi! Ta sẽ ngủm ở đây, nhưng ta sẽ không đi đâu cả.’
CHƯƠNG II
Nguời Đội Nón Có Băng Tang
HÔM ấy là ngày ba tháng bảy. Sức nóng oi bức thật là chịu hết nổi. Ngày hôm đó là ngày đầy bực bội cho Veltchaninov. Ông phải chạy đôn, chạy đáo suốt buổi sáng, khi thì đi bộ, khi thì ngồi xe, và chiều hôm ấy, dù với bất cứ giá nào, ông phải gặp cho được một nhân vật có thể giúp ít nhiều cho ông. Đó là một nhà doanh nghiệp và là Ủy Viên trong Tham Chính Viện mà ông muốn bất ngờ gặp ở nhà riêng của ông này, nằm không xa Hắc Giang là bao. Đến sáu giờ, Veltchaninov vào một tiệm ăn (có một bộ mặt đáng ngờ dù là do người Pháp làm chủ) ở Đại Lộ Nevski, gần cầu Cảnh Sát. Ông ngồi vào chỗ của ông nơi chiếc bàn quen thuộc, và gọi bữa cơm chiều đáng giá một rouble ; rượu uống phải trả thêm, chỉ thỉnh thoảng ông mới gọi và xem đó là sự tính toán khôn ngoan, đối với tình trạng làm ăn khó khăn của ông. Tự lấy làm lạ vì sao có thể nuốt trôi những thức ăn tồi tệ như thế, ông vẫn ngấu nghiến cho đến miếng cuối cùng, và mỗi lần với một sự khoái khẩu như là đã nhịn đói đã ba bốn ngày rồi vậy. ‘‘Thật là bệnh hoạn, ông tự nhủ thầm như thế khi nhận ra sự ngon miệng của mình. Nhưng lần này, ngồi ở bàn ăn với nét mặt bực dọc, ông cáu kỉnh ném nón vào một góc, tựa cùi tay vào bàn và nghĩ vơ vẩn. Chỉ cần người khách ngồi bàn bên cạnh gây vài tiếng động, hay anh bồi bàn chưa kịp nghe ông ta sai bảo thì ông ta, người được tiếng là tử tế và nếu cần là người điềm nhiên và cao ngạo, chắc chắn sẽ gây sự như một chú hạ sĩ quèn và có thể làm om sòm là khác nữa.
Nhà hàng dọn lên món ‘‘xúp’’ ; ông cầm muỗng định múc, nhưng bỗng nhiên ông ném muỗng xuống bàn và thiếu chút nữa là nhào ra khỏi ghế. Một ý kiến bất ngờ loé sáng trong đầu ông: ngay từ phút ấy, ông chợt nhận ra, có Trời mới biết vì sao ! Cái nguyên nhân của nỗi phiền muộn của mình, của cái nỗi phiền muộn lạ lùng, đặc biệt, đã dày vò, làm khổ làm sở ông trong nhiều ngày gần đây; cái nỗi phiền muộn, có Trời mới biết từ đâu đến! Và không ngừng vây hãm ông ta, cũng có Trời mới biết tại sao! Bỗng chốc tất cả trở nên rõ ràng và giản dị như là năm đầu ngón tay vậy.
‘‘Cái nón, ông lẩm bẩm như được mặc khải.  Chính cái nón tròn khốn nạn với chiếc băng tang xấu xí kia là nguyên nhân độc nhất của tất cả!
Ông ta bắt đầu suy nghĩ, và càng suy nghĩ, ông càng trở nên trầm mặc và  ‘‘biến cố’’ đó, đối với ông càng lúc càng kỳ lạ.
‘‘Nhưng... đó có thật là một biến cố không? Ông tìm đủ cách để bác bỏ, không còn tin tưởng gì ở mình nữa. Có điều gì giống với một biến cố không nào?
Đây là những gì đã xảy ra: gần hai tuần trước đây (ông ta nhớ không đúng cho lắm, nhưng ông tin chắc là hai tuần), ông đã gặp lần đầu tiên ở gần góc đường Podiatcheskaia và Méstchannskaia một người đàn ông có mang băng tang trên chiếc nón. Người đó không khác gì những người khách qua đường khác, nghĩa là không có gì đặc biệt; ông ta vượt qua rất nhanh, nhưng lại ngoái nhìn Veltchaninov hơi kỹ khiến ông này phải chú ý ngay. Dù sao khuôn mặt người khách qua đường kia hình như quá quen thuộc với Veltchaninov; chắc chắn là trước kia, Veltchaninov đã gặp ông ta ở đâu đây. Vả lại, suốt cuộc đời, không phải là mình đã gặp cả hàng nghìn người sao! Không ai có thể nhớ nổi hàng nghìn khuôn mặt ấy! Đi quá một quãng xa, hình như ông đã quên cuộc gặp gỡ kia, dầu rằng cái ấn tượng đầu tiên còn nóng sốt. Suốt cả ngày, ấn tượng này còn mãi, dưới hình thức một sự bực dọc vô cớ, một nỗi bực bội rất đặc biệt. Bây giờ, hai tuần lễ sau, ông ta nhớ lại rất rõ ràng tất cả sự việc đó; ông ta cũng nhớ lại là lúc bấy giờ không hiểu vì đâu mình phát cáu, đến nỗi ông không làm sao tìm ra được mối liên hệ giữa sự cáu kỉnh của mình tối hôm đó với cuộc gặp gỡ lúc ban sáng. Nhưng rồi chính người khách qua đường kia đã tự mình vội vã giúp ông nhớ lại kỷ niệm : ngày hôm sau, ông ta lại gặp Veltchaninov ở Đại Lộ Nevski và một lần nữa, nhìn ông một cách kỳ lạ. Veltchaninov giận tràn hông, ông nhổ nước bọt nhưng lập tức lấy làm lạ về cử chỉ mới gặp lần đầu đã gây cho ta một nhờm chán khó lý luận, một ngấy chán không đối tượng. Nửa tiếng sau cuộc gặp gỡ đó, với dáng điệu trầm ngâm, ông ta lẩm bẩm:  ‘‘Ừ! Mình đã gặp lại hắn ta ở đâu đây rồi’’. Và tối ấy, một lần nữa, ông tỏ ra cáu kỉnh đến đáng ghét; ông còn nằm mơ thấy cả một cơn ác mộng nữa, nhưng ông không hề nghĩ là sự dao động tâm hồn một cách mới lạ và đặc thù đó là do cái ông đội- nón- tang gây nên, dù suốt cả buổi tối hôm ấy, Veltchaninov thường nghĩ đến ông kia luôn. Ông cũng cảm thấy bực dọc khi những ‘‘thứ cà chớn như thế’’ lại có thể ám lâu trong trí não mình. Còn việc quy cho ‘‘cái ông đó’’  trách nhiệm gây nên sự bực dọc thì chỉ mới nghĩ đến thôi, ông cũng đã cảm thấy khá nhục rồi. Hai ngày sau, họ lại gặp nhau một lần nữa trong một đám đông khi rời con tàu xuôi ngược trên dòng Néva. Trong lần thứ ba này,  Veltchaninov thề có Trời đất là ‘‘ông để tang’’  kia nhận ra mình và cô gắng rẽ đám đông  cuồn cuộn để sấn về phía mình. Và hình như, lão ta lại ‘‘còn dám’’ quơ tay ra dấu và có lẽ lão ta còn gọi ầm lên và réo cả tên mình nữa. Việc này thì Veltchaninov nhận định chưa rõ lắm, nhưng... ‘‘Thằng khốn nạn ấy là ai và tại sao nó không đến gặp thẳng mình, nếu quả thật là nó qnen mình và nó hết sức muốn đến gần mình?’’, ông đã giận dữ tự bảo như thế khi đã yên vị trong chiếc xe thổ mộ đi đến tu viện Smolny. Nửa tiếng sau, ông bàn cãi sôi nổi với vị luật sư riêng ; nhưng, chiều và tối ấy, một nỗi lo âu khắc khoải, quái dị, một lần nữa, dày vò tâm hồn ông. ‘‘Có phải bị bệnh xuất mật không nhỉ?’’, ông lo lắng tự nhủ khi nhìn vào gương bóng mình.
Đó là cuộc gặp gỡ lần thứ ba. Suốt năm ngày sau, ông không gặp ‘‘một ai’’, và ‘‘tên khốn nạn’’ cũng biệt vô âm tín. Tuy nhiên, thỉnh thoảng, cái kỷ niệm về cái ông mang nón tang lại trở về trong trí, và không phải là không gây cho ông một sự ngạc nhiên.  ‘‘Mình nôn nóng muốn gặp lại hắn ta đến thế ư? Hừ, hắn ta có lẽ cũng nôn nóng như mình. Hắn ta có lẽ có nhiều việc phải làm ở Pétersbourg. Và hắn ta để tang cho ai vậy nhỉ? Việc này không hợp với hắn chút nào cả... Hình như nếu mình nhìn gần và kỹ hắn ta, mình sẽ biết hắn là ai...’’
Có đôi điều như sắp thành hình trong kỷ ức ông, như là khi ta muốn nhớ một danh từ quen thuộc mà bỗng nhiên ta quên khuấy: mình biết rõ danh từ đó và mình biết là mình thông hiểu ‘‘nó’’, mình biết  nó  nghĩa là gì, mình dò dẫm xung quanh ‘‘nó’’; nhưng, dù cố gắng đến mấy, mình vẫn không thể nào nhớ ra nổi danh từ ấy.
‘‘Đó là...đã lâu lắm rồi... Và ở tại đấy... Ở tại đấy có... Hừ! Cầu cho ma quỷ bắt tất cả đi ! Ông ta bỗng nhiên la lớn. Đáng gì phải mệt óc để tự bôi nhọ và tự lăng nhục vì tên khốn nạn đó nhỉ !’’
Ông ta lâm vào cơn giận dữ kinh khủng; nhưng đến tối, khi sực nhớ lại cơn giận dữ ‘‘quá kinh khủng’’ đó, ông lấy làm khó chịu: như là ông bị bắt quả tang việc gì; ông cảm thấy bối rối và ngạc nhiên.
‘‘Phải có một lý do nào khiến mình giận dữ như thế… mình đột nhiên giận dữ… khi nghĩ đến kỷ niệm kia…’’ Ông tiếp tục nghĩ ngợi nữa… Và ngày hôm sau, ông lại lâm vào một cơn giận còn dữ dội hơn nữa ; nhưng lần này, đối với ông, hình như sự giận dữ kia có lý do và ông giận, hoàn toàn là phải. ‘‘Thật là một sự trơ trẻn vô tiền khoáng hậu !’’.
Rồi thì lần gặp gỡ thứ tư lại xảy ra ;  Ông-mang-nón-tang, một lần nữa, lại xuất hiện như dưới đất chui lên. Veltchaninov, sau nhiều ngày tìm cách diện kiến và có khi theo đến tận nhà riêng, cuối cùng đã gặp được ở ngoài đường ông ỦY Viên trong Tham Chính Viện mà ông cần nhờ vả. Viên công chức cao cấp này, người sơ giao với Veltchaninov, đã tìm đủ mọi cách để tránh ông, không để bị ông bắt gặp bất chợt và lẩn mặt Veltchaninov một cách không giấu diếm. Rất sung sướng vì cuối cùng gặp được người mình nhờ cậy, Veltchaninov sóng bước bên cạnh ông ta.
Nhìn thẳng vào mặt người bạn đồng hành, Veltchaninov gắng sức hết lái câu chuyện về một vấn đề định trước với mong muốn ông kia sẽ để lộ tâm can và nói hớ một vài câu quan trọng mà ông chờ nghe đã từ lâu; nhưng tên già tinh ma kia cũng có phương pháp riêng: ông ta chỉ cười nụ và im lặng. Và đúng trong lúc gay cấn đó, Veltchaninov bỗng nhiên nhận rõ ở lề đường bên kia cái ông đội nón có đính băng tang. Hắn ta dừng lại và nhìn chằm chặp hai người. Và rõ ràng là hắn ta theo dõi hai người và hình như hắn cũng đếch cần hai người có biết hay không.
 ‘‘Đồ dịch vật!’’, Veltchaninov giận dữ la lên: ông ta vừa chia tay viên công chức, và ông cho rằng mình thất bại là vì sự xuất hiện đột ngột của ‘‘tên hỗn xược’’ kia. ‘‘Đồ dịch vật! Phải chăng nó dò la mình. Rõ ràng là nó theo dõi mình! Ai đã trả tiền cho nó làm việc này? Và... và... thề có Trời! Ông ta cười ngạo! Thề có Trời, ta sẽ đánh nó mềm xương! Đáng tiếc là mình không sẵn trong tay một chiếc ‘‘can’’! Mình sẽ mua một chiếc mới được! Không thể bỏ qua như thế nầy! Hắn ta là ai nhỉ? Ta cần phải biết hắn là ai?’’
Cuối cùng, đúng ba ngày sau cuộc gặp gỡ nói trên (cuộc gặp gỡ lần thứ tư), chúng ta gặp lại Veltchaninov trong quán ăn quen của ông ta, với sự lo lắng ra mặt và cả đôi chút bối rối nữa như chúng ta đã nói ở những trang trên. Sau khi xem xét mọi trường hợp, mọi tình tiết, cuối cùng ông ta bắt buộc phải công nhận là nguyên nhân độc nhất của sự cáu kỉnh, của mọi phiền muộn rất ư là đặc biệt và của tất cả những xúc động từ hai tuần nay của ông, nguyên nhân đó, không có gì khác hơn là chính cái ông để tang kia, ‘‘mặc dù sự không -ra-gì-tột-độ của hắn ta’’.
 ‘‘ Công nhận mình là một người mắc bịnh ưu uất đi, Veltchaninov nghĩ như thế, và do đó mình sẵn sàng xem con chuột là quả núi, nhưng đỡ khổ cho mình biết bao, nếu mình biết rằng tất cả những chuyện đó có lẽ thuần do óc tưởng tượng mà ra? Nếu lại cho phép một thằng ba que vớ vẩn nào đó làm điên đảo cả nếp sống của một người thì …thì…’’
Thật thế, hôm nay (đó là lần gặp gỡ thứ năm) quả núi đã có tất cả hình dáng của một con chuột : cũng như những lần trước, ‘‘cái ông đó’’ thoáng nhanh qua, nhưng lần này hắn ta lại không nhìn Veltchaninov, lại giả vờ không biết Veltchaninov là ai, trái lại cúi gằm đầu xuống và hình như cố tránh để khỏi bị nhận diện. Veltchaninov quay lại và lớn tiếng gọi :
‘‘Ê! Ông kia! Ông có tang kia! Bây giờ ông lại cố tránh hả! Dừng lại, ông là ai vậy?’’
Câu hỏi cũng là những lời réo gọi thật là ngu xuẫn. Nhưng Veltchaninov chỉ nhận thức được sau khi đã lên tiếng. Cái ông bị gọi như thế đó ngoảnh lại, dừng bước trong giây lát, hơi bối rối, mỉm cười, định nói một vài câu, định phác một vài cử chỉ: chắc chắn là có một phút giây nào đó, đã vô cùng do dự, rồi thì, bỗng nhiên, ông ta quay trở lại và bỏ chạy không ngoái đầu nhìn lại. Rất ngạc nhiên, Veltchaninov nhìn vói theo.
 ‘‘Rất có thể là, ông ta thầm nghĩ, không phải hắn ta theo dõi mình mà chính mình theo dõi hắn ta, và tất cả sự việc chỉ có thế...’’
Sau khi ăn xong, ông thuê xe đến biệt thự của viên công chức cao cấp kia. Nhưng ông không gặp: người nhà ông kia đã trả lời là  ‘‘từ sáng đến giờ, ông chủ vẫn chưa về và có lẽ ông ta sẽ về vào khoảng trước ba hay bốn giờ khuya vì ổng còn ở lại dưới phố để ăn mừng sinh nhật một người bạn’’. Veltchaninov cảm thấy chuyện này là một chuyện sỉ nhục nên, trong lúc đầu giận dữ, ông quyết định đi tìm vị khách quý của buổi sinh nhật kia ; ông ta lên đường tức thì, nhưng nhận thấy mình đã đi hơi quá lố, nên nửa đường, ông xuống xe và kéo bộ về tận nhà trọ ở gần Nhà Hát Lớn. Ông thấy cần tản bộ. Để làm dịu dây thần kinh đang căng thẳng, bằng đủ mọi cách, đêm nay ông phải ngủ yên, và để trị bệnh mất ngủ, ít ra ông phải tự làm cho mình mỏi mệt. Vì đường khá xa nên ông về nhà vào lúc mười giờ rưỡi và quả nhiên là ông mệt nhoài.

Căn nhà ông thuê từ hồi tháng ba, căn nhà mà ông đã từng chê bai và nguyền rủa chí ư là chua cay, mà ông đã từng biện hộ với chính mình rằng ‘‘đó chỉ là nơi ăn nhờ ở đậu’’ và đó là vì ‘‘ cái vụ kiện tụng khỉ mốc kia’’ đã ‘‘tạm thời’’ giữ mình ở lại Pétersbourg, cái căn nhà đó không đến nỗi thiếu tiện nghi và tồi tệ như ông đã từng đoan chắc. Lối vào cổng chính, hơi âm u ở lầu hai, gồm hai gian phòng lớn, quang đãng và cao ráo, cách nhau bởi một gian phòng xép có phần nào tối tăm. Hai gian phòng đó, một nhìn ra đường và một trông ra sân; cái sân này lại nằm kế một căn phòng dùng làm phòng ngủ nhưng Veltchaninov lại dùng làm nơi chứa bừa bãi sách vỡ và giấy tờ ; ông ta ngủ trong gian phòng quay ra mặt đường và giường của ông là chiếc đi-văng. Bàn ghế tuy hơi cũ kỹ nhưng đúng kiểu và ông còn có những đồ vật đáng giá nữa ; những bảo vật còn sót lại của một quá khứ huy hoàng, những đồ xứ và đồ đồng, những tấm thảm chính hiệu của Boukhara và hai họa phẩm khá đáng giá. Nhưng tất cả đều bụi bặm, nằm vô trật tự và người ta khó mà tìm đúng chỗ của chúng từ khi cô Pélagie tươi trẻ, người giúp việc của ông, về thăm song thân ở Novgorod và để ông ở lại một mình. Sự kiện một người con gái đang xuân ở chung với một người đàn ông độc thân, một người lịch thiệp và còn muốn đòi chút lễ nghi, sự kiện đó thật là đáng lạ lùng và việc này đã làm Veltchaninov thẹn thùng, mặc dù ông rất vừa ý về công việc làm của Pélagie. Cô ta về ở với ông vào mùa xuân khi ông mới thuê căn nhà này; gia đình mà trước kia cô ta giúp việc đã đi ngoại quốc. Sự ngăn nắp đã đến cùng với cô ngay khi cô mới đến ở ; nhưng khi cô đi, Veltchaninov không còn muốn mướn một cô hay một bà nào khác nữa cả. Còn về phần người giúp việc đàn ông thì ông ta không mấy thích họ, và cũng không cần thiết mướn họ cho lắm trong một thời kỳ ngắn ngủi. Giờ đây, việc dọn dẹp nhà cửa, mỗi sáng ông giao cho Mavra, cô em của bà gác cổng, khi ông rời nhà và trao hẳn chìa khóa cho cô ta. Nhưng ông cũng biết cô nàng chẳng làm gì hết dù lãnh lương rất đều và còn có thể cầm nhầm tiền bạc nữa là khác. Nhưng, ông la vốn hững hờ với mọi sự, vả lại, ông cảm thấy sung sướng khi được hoàn toàn một mình. Tuy nhiên, việc gì cũng có giới hạn và thần kinh của ông, khi mật tiết ra nhiều, không chịu đựng nổi sự  dơ dáy  kia, và hình như ông luôn luôn cảm thấy một sự nhờm tởm sâu đậm khi trở về nhà.
Nhưng lần này, vội vã thay quần áo, ném mình xuống giường, và, bực dọc, ông cố gắng không nghĩ ngợi đến điều gì cả và cố gắng ngủ  ‘‘tức khắc’’. Việc đáng lạ là khi vừa đặt đầu xuống gối, ông ngủ liền. Việc đó chưa từng xảy ra từ một tháng nay.
Ông ngủ gần ba tiếng nhưng không thẳng giấc. Ông thấy những giấc mộng kỳ lạ như khi bị lên cơn sốt vậy. Ông thấy mình liên quan đến một vụ án mạng mà mình đã nhúng tay vào và cố giấu đi, nhưng đã bị rất nhiều người không biết từ đâu đến, không ngớt vào nhà ông và đồng thanh tố cáo ông. Đã có rất đông người trong nhà, nhưng họ vẫn tiếp tục đến, và cửa lại mở toang. Nhưng rồi tất cả đều chú mục vào một nhân vật kỳ lạ mà ông đã từng quen thân; nhân vật này đã chết và giờ đây vừa đột ngột bước vào. Điều khổ tâm là Veltchaninov không biết ông đó là ai: ông đã quên hẳn tên người đó và không thể nào nhớ lại nổi; ông chỉ biết là xưa kia ông đã từng thương mến người đó! Hình như người đó chính là nhân vật mà toàn thể đám đông đang chờ đợi để nghe một lời tuyên bố dứt khoát là kết tội hay tha bổng Veltchaninov, và tất cả đều có vẻ sốt ruột. Nhưng người đó ngồi bất động và không chịu nói gì cả. Sự ồn ào vẫn không giảm bớt, sự khích nộ lớn dần; và bị cơn giận lôi kéo, đột nhiên Veltchaninov đánh người đó vì ông ta đã im lặng một cách ngoan cố, và trong khi đánh đập, ông cảm thấy một niềm khoái lạc kỳ thú. Sự ghê tởm về hành động của mình cùng với sự đau khổ đã bóp nát con tim ông, nhưng chính việc đó đã tạo cho ông niềm khoái lạc kỳ thú nói trên. Hoàn toàn bị cơn giận chi phối, ông đập thêm lần thứ hai, rồi lần thứ ba, và say máu như bị một cơn điên thôi thúc, một cơn điên tràn đầy khoái lạc, ông ngừng đếm những cú đấm và đánh đập ông kia liên hồi. Ông ta muốn phá hủy, muốn thủ tiêu ‘‘cái đó’’, tất cả cái đó. Nhưng bỗng nhiên có vài việc mới lạ xảy ra: tất cả mọi người đều la lên, rồi họ hướng về phía cửa chính như chờ đợi một ai. Ngay lúc đó, vang lên ba tiếng chuông, ba tiếng chuông náo động như là người gọi cửa muốn giựt đứt luôn dây kéo chuông. Veltchaninov vùng thức dậy, sực tỉnh, nhảy ra khỏi giường và vội vã chạy ra cửa. Ông hoàn toàn tin chắc tiếng chuông kia không phải là một ảo giác và đích thực có một ai đấy gọi cửa. Khó mà tin rằng ảo giác lại có thể là một tiếng chuông rõ ràng cụ thể như thế được.
Nhưng kinh ngạc biết bao! Ông nhận thấy tiếng chuông réo gọi kia chỉ là sự tiếp nối của giấc mộng. Ông mở cửa, bước đến đầu cầu thang và còn chịu khó nhìn cả xuống thang gác nữa, nhưng không có ai cả. Quả chuông vẫn treo lủng lẳng, bất động. Kinh ngạc nhưng mãn nguyện, ông quay về buồng ngủ. Khi đốt nến lên, ông sực nhớ là cửa chính chỉ khép hờ chứ chưa khóa mà cũng chả cài then. Thường thường, khi về nhà rồi, ông quên khóa cửa ban đêm, và ông cũng chẳng để ý đến chuyện này cho lắm. Pélagie đã nhiều phen phàn nàn với ông về vụ này. Ông quay ra căn phòng xép để đóng cửa, nhưng trước khi đóng, ông còn hé nhìn ra ngoài một lần nữa, rồi mới cài then, nhưng lại quên khóa. Đồng hồ treo trên tường gióng chuông báo hai giờ rưỡi đêm; ông đã ngủ được ba tiếng.
Giấc mộng vừa rồi còn xúc động mạnh đến độ ông không thể nào ngủ lại ngay được ; ông quyết định bách bộ khoảng nửa tiếng quanh phòng, ‘‘thời gian để hút một điếu xì-gà’’. Ăn bận sơ sài, ông đến gần cửa sổ, giở tấm màn che dày ra, rồi vén đến bức mành mành. Trời đã bắt đầu hửng sáng.
Những đêm hè quang đãng ở Pétersbourg luôn luôn khích động đến thần kinh hệ của ông và mấy lúc sau này còn làm cho bệnh mất ngủ của ông tăng thêm ; do đó, ông đã cho treo ở mấy cánh cửa sổ những bức màn dày để ngăn không cho ánh sáng lọt vào khi ông khép cửa. Khi tấm màn được vén lên, và quên là ngọn nến đang cháy sáng trên bàn, ông bắt đầu thả bước quanh phòng, tâm trí bị ám ảnh bởi một cảm giác nặng nề và khó chịu. Ấn tượng do giấc mộng vừa rồi gây nên vẫn chưa phai. Nghĩ đến việc mình có thể vung tay và đánh đập người đó, việc này làm cho ông thực tình khó chịu.
‘‘Nhưng ông đó không có và không bao giờ có trên cõi đời này kia mà! Đó chỉ là một giấc mộng. Việc gì mà mình phải than van?’’
Và tất cả những nỗi lo âu, những nỗi ưu tư của ông như đều quy về điểm đó, ông nôn nóng nghĩ rằng quả nhiên là mình lâm bệnh: ‘‘Một bệnh nhân!’’
Ông luôn luôn lấy làm khó chịu. Khi phải thú nhận là mình trở nên già yếu và trong những lúc khổ sở, vì ác ý, ông thổi phòng lên những bệnh trạng của mình, để tự hành hạ mình.
 ‘‘Đó là tuổi già ! Mình đã già quá rồi, ông vừa dạo bước vừa lẩm bẩm ; mình mất trí nhớ, mình thấy ma, mình gặp những cơn ác mộng, mình nghe vọng những tiếng chuông. Trời đất quỷ thần ơi ! Theo kinh nghiệm, cứ mỗi lần mình thấy những cơn ác mộng dữ như thế thì thường thường đó là triệu chứng của cơn sốt... Chắc chắn là câu chuyện ‘‘ông để tang’’ cũng chỉ là một giấc mộng mà thôi. Hôm qua quả nhiên là mình nhận xét rất đúng: chính mình là người bám riết lão ta chứ đâu phải lão ta theo dõi mình. Mình đã tưởng tượng ra cả một câu chuyện hoang đường về lão ta rồi thì đâm ra sợ hãi, mình đã chui xuống gầm bàn ! Và tại sao mình lại xem ông ta là một thứ lưu manh, khốn nạn? Có thể ông ta là một người đàng hoàng. Bộ mặt của ông ấy khó coi thật, nhưng không có gì đáng gọi là xấu xí; ngoài ra ông cũng ăn mặc như tất cả mọi người. Nhưng có một cái gì khang khác ở trong tia mắt của ông ta... Đó! Mình lại bắt đầu! Mình lại nghĩ đến lão ta nữa! Mà tia mắt của lão thì quan hệ  ‘‘đếch’’  gì đến mình! Mình không thể sông mà không nghĩ đến tên vô lại đó à!’’
Giữa mớ ý tưởng hỗn độn trong đầu óc, có có một ý tưởng đã làm tổn thương ông nặng nề: ông tin chắc là ông để tang đó, xưa kia đã biết rõ về ông, và giờ đây lại xem thường ông khi gặp nhau, cái ông đó lại cũng biết rõ một trong những sự bí ẩn quan trọng của quá khứ ông, và giờ đây lại trông thấy ông sa sút đến như thế. Ông đến gần cửa sổ mà không hay ; định mở cửa và hít vào phổi làn không khí ban đêm, và... và bỗng nhiên ông rùng mình… hình như có một vài sự gì kỳ quái và phi phàm đã xảy ra.
Ông chưa kịp mở cánh cửa sổ, đã vội lẩn nhanh vào góc cửa và ẩn mình ở đó: ở phía bên kia lề đường vắng người, ngay trước mặt nhà, đột nhiên ông thấy cái ông đội nón có mang băng tang. Cái ông đó đứng trên lề, mặt hướng về phía cửa sổ ; chắc chắn là ông ấy không thấy ông và hình như ông ta vừa kỹ lưỡng quan sát ngôi nhà, vừa ra chiều suy nghĩ. Hình như ông ta hơi do dự và toan tính chuyện gì: ông ta giơ ngón tay lên, và lấy ngón tay gõ gõ vào trán. Cuối cùng ông tỏ vẻ dứt khoát, lén lút nhìn quanh mình, rồi thì nhón gót, thu mình lại, ông băng nhanh qua đường... Thì ra vậy: ông vào lối cổng chánh bằng chiếc cửa nhỏ bên hông (thường thường về mùa hè, cửa nầy được bỏ ngỏ cho đến ba giờ sáng). ‘‘Hắn ta đến nhà mình’’, Veltchaninov tự nhủ thầm như thế, và rón rén trên đầu ngón chân, ông chạy vội ra phòng xép và nép mình trước cửa chính ; tinh thần hoàn toàn căng thẳng trong sự chờ đợi, bàn tay run rẫy đặt trên cái then vừa được cài lại hồi nãy, ông lắng tai nghe tiếng chân chạm nhẹ trên thang gác.
Tim đập mạnh đến độ sợ không thể nào nghe được người khách lạ đang nhón gót bước lên cầu thang. Ông ta không biết chuyện gì đã xảy ra, nhưng ông cảm thấy tất cả những gì đang xảy ra với một độ bén nhậy được tăng lên gấp bội. Như là mộng lẫn lộn với thực. Veltchaninov vốn can đảm, ngay cả khi không có ai chứng kiến, đôi khi ông cũng xem thường hiểm nguy đến độ liều lĩnh chỉ để thỏa mản độc nhất ý thích riêng tư mà thôi. Nhưng giờ đây lại khác; là người mang bệnh ưu uất, lối rày lại hay lo lắng và mau nước mắt nên ông hoàn toàn thay đổi: ông không còn là ông trước kia nữa. Một chuỗi cười nôn nóng và im lặng lay chuyển lồng ngực ông. Xuyên qua cánh cửa đóng kín, ông đoán ra từng cử động của người khách lạ.
‘‘ À ! Nó đang đi lên đó! Nó đã đến rồi đây, nó cúi mình xuống nghe ngóng trong cầu thang, nó vừa thở vừa lén lút bước tới... À! Nó đã nắm nắm cửa, nó kéo, nó thử ! Nó hy vọng là cửa không đóng ! Nó biết là đôi khi mình quên khóa cửa mà! Nó lại kéo cửa lần nữa ! Nó nghĩ là then cài sẽ gãy? Thật là đáng tiếc nếu bỏ về tay không?
Thật ra, mọi việc đều đã xảy ra như ông miêu tả: có một người nào đó đứng sau cánh cửa, nhẹ nhàng thử ổ khóa, không một tiếng động, và kéo cánh cửa. ‘‘Hiển nhiên là hắn ta có một mục đích nào đây’’. Nhưng Veltchaninov đã có sẵn giải pháp? ông phấn khởi chờ đợi cơ hội thuận tiện, ông chuẩn bị chu đáo, ông thu người đợi chờ: một ước muốn khó lay chuyển là đột nhiên mình tháo cái then cài, mở toang tức thì cánh cửa và chạm mặt ‘‘ông kẹ’’ kia với câu hỏi: ‘‘Làm gì ở đây vậy, kính thưa Ngài?’’
Đó là những gì sẽ xảy ra: chọn đúng lúc, ông mở then cài, tông cửa ra và thiếu chút nữa là đụng nhằm cái ông đội nón quấn băng tang.
CHƯƠNG III
Pavel Pavlovitch Troussotzky
ÔNG kia có vẻ sửng sờ. Hai người đối diện nhau và cùng nhìn vào mắt nhau. Như thế trong chốc lát, rồi bỗng nhiên, Veltchaninov nhận ra người khách.
Và, cũng ngay lúc ấy, người khách quyết đoán là Veltchaninov biết mình: điều đó hiện ra trong đôi mắt. Chỉ trong chốc lát, nét mặt của ông kia như dãn ra trong một nụ cười khả ái.
— Chắc chắn là tôi đang được cái hân hạnh tiếp chuyện với ông Aléxéi Ivanovitch? Ông ta thốt ra với một giọng ngọt ngào và thanh tao, tạo thành
một sự mâu thuẫn rất ư là khôi hài với cảnh ngộ lúc bấy giờ.
— Ông đúng là Pavel Pavlovitch Trossotzky chứ? Veltchaninov hỏi lại, giọng kinh ngạc.
— Cách đây chín năm, ở tỉnh T..., chúng ta đã từng quen biết nhau, và, nếu anh cho phép tôi nhắc lại, sự giao thiệp của chúng ta rất là thân thiết.
— Vâng... có thể là thân thiết... nhưng… bây giờ đã ba giờ khuya rồi, và anh đã thử trong mười phút để mở cửa nhà tôi...
— Ba giờ rồi! Ông vừa la lớn vừa rút đồng hồ trong túi ra xem và ngạc nhiên lắm. Ba giờ thật rồi nhỉ ! Thứ lỗi cho tôi, Aléxéi Ivanovitch, đáng lý tôi phải nghĩ đến điều này khi bước vào đây, tôi lấy làm áy náy lắm. Lần khác, tôi xin trở lại và giải thích anh rõ, và bây giờ...
— À không! Nếu muốn giải thích, xin anh giải thích ngay bây giờ, Veltchaninov đáp lại. Xin mời anh vào, phòng ở bên cạnh đấy thôi. Chắc chắn là anh muốn vào nhà tôi chứ đâu phải đến đây trong đêm hôm khuya khoắt chỉ để thử ổ khóa...
Ông ta xúc động và đồng thời hơi bối rối, và ông cảm thấy mình không thể nào tập trung nổi tư tưởng. Ông cũng cảm thấy hổ thẹn nữa: chả có gì là bí mật, là nguy hiểm cả; tất cả ảo giác đó chỉ còn sót lại có khuôn mặt đần độn của một tên Pavel Pavlovitch nào đó. Tuy nhiên, ông cũng không tin chắc là tất cả chỉ giản dị có thế: ông tiên đoán một cách mơ hồ và lo ngại là có điều gì kỳ lạ đây.
Sau khi mời khách ngồi vào cái ghế bành, ông ngồi trên giường, cách cái ghế độ một bước, mình hơi cúi về phía trước, lòng bàn tay đặt trên đầu gối, ông sốt ruột chờ ông kia nói trước. Ông quan sát kỹ lưỡng ông kia và tập trung kỷ niệm. Nhưng điều kỳ lạ, ông khách vẫn im lặng và hình như không có gì chứng tỏ là ông ta sắp nói ‘‘ngay tức thì’’. Trái lại, ông nhìn chủ nhà với một vẻ dò hỏi như là đang chờ đợi một điều gì. có thể chỉ vì ông ta sợ, còn cảm thấy lúng túng như một chú chuột vừa sập bẫy. Nhưng rồi Veltchaninov phát cáu hét:
— Thế nào, tôi nghĩ rằng anh không phải là một giấc mơ, cũng chẳng phải là một con ma kia mà! Phải chăng anh đến đây để chơi trò ma? Hãy giải thích dùm đi, cha nội!
Người khách cựa mình, mỉm cười và bắt đầu nói một cách dè dặt:

— Điều làm anh kinh ngạc nhất là tôi đến vào giờ này và... trong một hoàn cảnh quá đỗi đặc biệt... Nhớ lại những gì đã xảy ra giữa hai chúng ta và vì lẽ gì chúng ta xa nhau, theo ý tôi thật lạ lùng... Vả lại, tôi không nghĩ đến chuyện vào nhà anh, và nếu việc này có xảy ra thì cũng chỉ là một sự tình cờ...
— Sao, tình cờ à? Nhưng từ cửa sổ, chính tôi thấy anh đang rón rén băng qua đường kia mà !
— À! Anh đã thấy tôi! Như thế hẳn anh biết rõ hơn tôi về tất cả những việc đó! Nhưng tôi chỉ làm cho anh bực mình... Đây chuyện như thế này: Từ ba tuần nay tôi đã ở đây để lo một công việc riêng... Tôi là Pavel Pavlovitch Troussotzky như anh đã nhận biết. Tôi đang vận động để thay đổi chỗ làm và được bổ dụng vào một nhiệm sở khác, giữ một chức vụ quan trong hơn... Tuy nhiên, đó chẳng phải là việc đáng nói... Việc chính, nếu anh muốn biết, là tôi đã mất ba tuần lễ ở đây và ngay chính tôi, hình như thế, đã kéo dài công việc, công việc bổ nhiệm của tôi; và thật ra, nếu công việc có xong xuôi chăng nữa, tôi tin là tôi cũng sẽ quên rằng công việc đã có kết quả mỹ mãn vì tôi sẽ không thể nào rời Pétersbourg với tâm trạng như hiện nay. Tôi lang thang đây đó như là mất hẳn mục tiêu và hầu như sung sướng vì sự mất mát đó; trong tâm trạng hiện nay của tôi...
— Trong tâm trạng nào, Veltchaninov nôn nóng ngắt lời...
Ông khách ngước mắt nhìn ông ta, tay cầm chiếc mũ và với một cử chỉ trang trọng, ông chỉ vào cái băng tang:
— Vâng, đây là tâm trạng của tôi.
Veltchaninov thẩn thờ hết nhìn mầu vải tang rồi lại nhìn người khách. Đột nhiên, mặt ửng hồng, ông hỏi:
— Sao? Natalia Vassilievna?
— Vâng, Natalia Vassilievna, tháng ba vừa qua... Bệnh lao, và rất chóng, trong khoảng hai, ba tháng thôi... và như anh đã thấy, tôi như thế này đây.
Thốt ra những câu ấy, người khách rất xúc động, ông dang rộng vòng tay, bàn tay trái cầm chiếc mũ tang, và cúi rất thấp chiếc đầu sói xuống như thế ít ra là cả chục giây.
Cảnh đó và dáng điệu đó như đột nhiên thức tỉnh Veltchaninov: một nụ cười nửa châm biếm, nửa khiêu khích thoáng hiện trên làn môi, nhưng chỉ trong chốc lát thôi: cái tin người đàn bà kia chết (người đàn bà mà ông quen đã lâu rồi và ông đã hoàn toàn quên) hiện giờ gây nên trong tâm hồn ông một sự dao động bất thần.
— Có thể như thế sao! Ông khẽ nói, nói những câu vừa đến trong trí. Nhưng tại sao anh không tìm gặp tôi ngay và kể tôi nghe chuyện ấy?
— Tôi xin cảm ơn tấm thịnh tình của anh; tôi cảm thấy là anh có cảm tình đối với tôi mặc dù...
— Mặc dù...?
— Mặc dù đã nhiều năm nay, chúng ta không gặp nhau mà anh vẫn còn để ý đến nỗi đau đớn của tôi, mà anh đã tỏ lòng ưu ái đối với tôi như thế thì thật tôi không biết nói gì hơn, làm gì khác hơn là hoàn toàn biết ơn anh. Đó là tất cả hhững gì tôi muốn nói với anh. Và không phải là tôi nghi ngờ gì những người bạn khác, vì tôi có thể tìm được ngay tức thì ở thành phố này những người bạn rất ư chân thành (như Stépane Mikhailovitch Bagaoutov chẳng hạn) nhưng sự giao thiệp giữa chúng ta, anh Aléxéi Ivanovitch ạ (tôi muốn nói là tình bạn của chúng ta, thứ tình bạn mà tôi nhớ đến với tất cả lòng cảm bội) đã mất liên lạc cả chín năm nay rồi ; anh không đến nhà tôi và chúng ta cũng chẳng thư từ thăm viếng gì nhau...
Người khách nói như đọc bài học, nhưng trong khi ông thao thao thì mắt lại nhìn chết xuống đất, dù chắc chắn là ông thấy tất cả những gì đang xảy ra chung quanh ông. Trong lúc ấy, Veltchaninov đã dần dần trấn tỉnh.
Ông nghe và quan sát Pavel Pavlovitch với một cảm giác kỳ lạ, và cảm giác này càng lúc càng trở nên mãnh liệt và khi người khách ngừng tiếng thì những tư tưởng vô cùng hỗn tạp, vô cùng bất ngờ bỗng dưng xâm chiếm trí não ông.
— Nhưng tại sao mãi đến bây giờ tôi mới nhận ra anh? Ông la lớn với phần nào giận dữ ; chúng ta chạm trán đến những năm lần kia mà!
— Phải, tôi cũng nhớ thế; anh có mặt thường xuyên trên đường tôi đi, hai lần, ba lần, có thể là...
— Không, trái lại thế, chính anh đã thường xuyên có mặt trên đường tôi đi!
Veltchaninov đứng dậy, và đột nhiên cười rộ. Pavel Pavlovitch sửng sờ trong giây lát, nhin chăm chú ông ta, nhưng rồi tiếp lời tức thì:
— Anh không nhận ra tôi là chuyện dĩ nhiên: anh có thể quên tôi và hơn nữa, từ hồi đó, bệnh đậu mùa đã để lại ít nhiều chấm rỗ trên mặt tôi.
— Bệnh đậu mùa? Đúng thế, anh lên đậu! Nhưng vì sao, trời đất quỷ thần...?
— Vì sao bệnh nó lại vớ phải tôi chứ gì? Rồi chuyện đó đến, Aléxéi Ivanovitch ạ! Ngoài ý muốn, tự dưng người ta bị bệnh vớ phải!
— Tuy nhiên, cũng kỳ cục thật ! À! Mà này ông bạn, cứ tiếp tục đi, anh hãy kể tiếp đi !
— Mặc dù tôi đã gặp anh...
— Khoan! Tại sao lúc nãy anh nói:  ‘‘Bệnh nó vớ phải anh?’’ Tôi muốn diễn tả lịch sự hơn kia. À thôi, anh hãy kể tiếp đi, kể tiếp đi.
Có Trời biết tại sao, ông ta càng lúc càng trở nên vui vẻ; sự xúc cảm lay chuyển tâm trí ông lúc này đã nhường chỗ cho một tình tự hoàn toàn khác biệt.
Ông đi qua, đi lại với nhịp bước vội vàng.
— Vậy thì, mặc dù tôi đã gặp anh và mặc dù khi đến đây, ở tỉnh Pétersbourg này, tôi đã có ý đến tìm anh nhưng, tôi xin lập lại một lần nữa, tôi ở trong một trạng thái tinh thần... từ tháng ba đến bây giờ, tôi bị khủng hoảng tinh thần đến nỗi...
— À phải! Anh bị khủng hoảng tinh thần từ tháng ba. Chờ chút, anh không hút thuốc à!
— Anh biết đó, từ ngày còn Natalia Vassilievna..
— Phải phải, tôi biết, nhưng từ tháng ba đến bây giờ...
— Cho tôi xin một điếu thuốc, có lẽ hay đấy.
— Thuốc đây; anh hút đi và kể tiếp tôi nghe! Anh kể tiếp đi, anh làm cho tôi hết sức...
Và sau khi đốt một điếu xì gà, Veltchaninov đột nhiên ngồi xuống giường. Pavel Pavlovitch dừng bước:
 — Nhưng chính anh, sao anh có vẻ bồn chồn thế? Anh có khỏe không?
— À ! Thây kệ sức khỏe của tôi! Veltchaninov la lớn, anh kể tiếp đi!
Về phía ông khách, dù chủ nhà có vẻ dao động ông vẫn càng lúc càng trở nên tự chủ và tự tin.

— Nói thế nào nhỉ? Anh Aléxéi Ivanovitch, trước hết anh hãy hình dung một người đã chết, chết hẳn đi, có thể cho là như thế. Một người mà sau hai chục năm hôn phối, đã thay đổi tận gốc rễ cuộc sống và giờ đây lang thang gần như là vô ý thức trên những con đường bụi bặm như là đi giữa cánh đồng hoang, không có chủ đích rõ rệt, và người đó đã tìm thấy trong chính sự vô ý thức kia một lạc thú nào đó. Lẽ tự nhiên là nếu trong những giây phút đó, tình cờ tôi thấy một người bạn quen hay một người bạn thân, tôi sẽ tránh ngay để khỏi phải gặp họ. Nhưng trong những khi khác, những kỷ niệm lại thôi thúc đến độ mình khao khát được gặp lại một nhân chứng nào đó, một trong những người đã tham dự vào cái quá khứ gần đây nhưng đã mất hẳn, và con tim khi nhớ lại những kỷ niệm ấy thúc giục mình đến đỗi phải chạy tìm ngay nhân chứng kia, người bạn kia, dù là ngày hay đêm, dù cho phải liều đánh thức ông ta lúc ba giờ sáng. Tôi chỉ lầm về ngày giờ, nhưng không lầm về cách đối xử của bạn, vì hiện giờ tôi đang được tưởng thưởng xứng đáng đây. Về giờ giấc thì thật ra tôi tưởng mới nửa đêm vì tôi không quen ngủ sớm. Người ta uống chính nỗi phiền muộn của mình và rồi người ta vì nó mà say túy lúy. Và thật ra cũng không phải là nỗi phiền muộn mà là cái gì mới lạ đang dày vò tôi.
— Anh diễn tả hơi cao kỳ đấy! Veltchaninov nhận xét với vẻ ủ ê và đột nhiên ông trở nên nghiêm trọng.
— Phải, tôi diễn tả hơi khúc mắc...
— Và... anh không đùa đấy chứ?
— Đùa à? Pavel Pavlovitch ngạc nhiên một cách đau đớn, la lên, đùa đúng lúc tôi muốn báo cho anh biết...
— À! Xin anh khoan nói đã...
Veltchaninov đứng dậy và lại bước dọc khắp phòng. Năm phút trôi qua như thế. Người khách nhớm người định đứng dậy theo, nhưng Veltchaninov kêu lên: ‘‘Cứ ngồi yên! Cứ ngồi yên!  và ông kia ngồi lại ngay trong chiếc ghế bành.
— Anh thay đổi nhiều! Veltchaninov tiếp tục nói và đột nhiên ngừng lại trước mặt người khách như là bị ý nghĩ kia bất thần đánh xuống. Thay đổi kinh khủng! Thay đổi tột độ! Có thể nói anh hoàn toàn là một con người khác!
— Điều đó không lạ ! Chín năm qua rồi còn gì !
— Không, không, không! Tuổi tác không thành vấn đề! Cũng không phải vóc dáng của anh thay đổi đến như thế; cái khác kia.
— Phải, chuyện đó cũng có thể; chín năm rồi!
— Chứ không phải là mới bắt đầu từ tháng ba sao?
— Hì hì! Pavel Pavlovitch cười một cách tinh quái! Anh có ý nghĩ khôi hài đó. Nhưng, nếu tôi có thể mạn phép... Cái gì cho thấy sự thay đổi đó?
— Ờ, ờ! Thành thật mà nói... thì... trước kia anh là một Pavel Pavlovitch đáng kính, đàng hoàng, một Pavel Pavlovitch biết điều và giờ đây là một Pavlovitch không ra gì cả.
Sự bực tức của ông đã lên đến độ mà người dè dặt nhất cũng phải thốt ra những lời không nên.
— Không ra gì? Anh nhận thấy như thế à? Và lại không biết điều nữa? Chẳng biết điều chút nào cả? Pavel Pavlovitch vừa nói vừa cười ra chiều thỏa thích.
— Chẳng biết điều chút nào cả? Bây giờ có lẽ anh quá thông minh là đằng khác.
 ‘‘Mình mất dạy thật. Veltchaninov thầm nghĩ và tên khốn kiếp này lại còn xấc xược hơn cả mình nữa... Nhưng... hắn ta nhằm mục đích gì đây?
— Ồ ! Ông bạn thân của tôi ơi! Anh Aléxéi Ivanovitch quý mến! Người khách, như bất ngờ xúc động, kêu lên và trăn trở trên ghế. Đối với chúng ta, việc đó ăn thua gì? Hiện giờ chúng ta không còn ở trong giới thượng lưu, trong xã hội thượng lưu hào hoa phong nhã nữa I Chúng ta là hai người bạn thân, rất thành thật và giờ đây cùng nhau họp mặt với tất cả tấm lòng chân thành, có thể nói như thế, để cùng nhau gợi lại mối liên lạc bền chặc mà người vợ quá vãng của tôi đã là một vòng xích đẹp nhất.
Và xem đó như là một lời tán dương, ông lại cúi đầu như lúc nãy và giấu mặt sau nón. Veltchaninov nhìn ông ta với sự chán ngấy và e ngại.
 ‘‘Biết đâu được! Hắn ta có lẽ chỉ là một thằng hề, ông tự nhủ thầm. Nhưng mà không, không phải thế! Mình tin là hắn ta không say. Có thể là hắn say ở chỗ khác: mặt hắn ta đỏ hồng. Và cho dù hắn ta say đi chăng nữa thì chuyện đó cũng thế thôi. Hắn mưu tính chuyện gì đây? Tên khốn kiếp này muốn cái gì đây?
— Anh nhớ không? Anh có nhớ không? Pavel Pavlovitch vừa kêu lên vừa xê dần dần chiếc nón ra và như bị những kỷ niệm lôi cuốn,— anh có còn nhớ đến những chuyến du ngoạn ở đồng quê, những dạ hội, những dạ vũ và những buổi chơi bài ở nhà Đức Ông rất mực hiếu khách là Ngài Sémione Sémionovitch? Và những tối họp mặt tay ba, và lần đầu chúng ta gặp nhau, vào một buổi sáng, khi anh đến nhà tôi để hỏi thăm về một công chuyện làm ăn ; và anh đã bắt đầu nổi giận nữa chứ. Nhưng Natalia Vassilivena đã xuất hiện đúng lúc, và mười phút, sau anh đã làm người bạn thân của gia đình tôi; và sự thân thiết đó đã kéo dài cả năm trời, giống đúc như tình tiết trong với kịch ‘‘Nàng thôn nữ’’ của Tourguénev.
 Veltchaninov thong thả bước, mắt nhìn xuống đất; ông lắng nghe với một sự nôn nóng, với một sự ngấy chán nhưng ông vẫn chú ý lắng tai nghe.
— Tôi chưa hề nghĩ đến với ‘‘Nàng thôn nữ’’, ông cắt ngang với đôi chút bối rối, và trước kia, tiếng anh nói cũng chưa hề gay gắt đến thế và anh cũng chưa hề nói với một giọng điệu... không phải là của anh. Tại sao vậy?
— Đúng thế, Pavel Pavlovitch nhanh nhẩu tiếp lời, trước kia thường thường là tôi ngậm miệng; tôi muốn nói tôi là người ít lời. Anh biết đó chứ, trước kia khi vợ tôi nói thì tôi thích nghe hơn là đối đáp. Anh cũng nhớ là tài nói chuyện của nàng như thế nào chứ? Còn về chuyện vở ‘‘Nàng thôn nữ’’ và đặc biệt là Stoupéndiev ; anh có lý đấy: chỉ về sau này, sau khi anh đã rời tỉnh khá lâu, khi nghĩ về anh, trong sự bình tĩnh, chúng tôi, nhà tôi và tôi, mới so sánh cái buổi gặp gỡ đầu tiên của chúng mình với với kịch của Tourguénev... Vả lại, về vấn đề Stoupéndiev...
— Stoupéndiev nào? Trời đất quỉ thần! Veltchaninov la lớn và ông dậm cả chân nữa kia, lòng bối rối vì cái chữ Stoupéndiev kia gọi cho ông một kỷ niệm nào đó đã xa rồi.
— Stoupéndiev? À, đó là một nhân vật của vở hài kịch, là  ‘‘người chồng’’ trong vở  ‘‘Nàng thôn nữ’’, Pavel Pavlovitch nói với giọng ngọt ngào và dịu dàng nhất. Nhưng việc này lại liên quan đến một chuỗi kỷ niệm đẹp đẽ và thân thiết khác; những kỷ niệm đã có sau ngày anh rời tỉnh, khi Stépane Mikhailovitch Bagaoutov, giống hệt như anh, đã cho chúng tôi cái vinh hạnh được làm bạn nhưng lại trong những năm năm dài...
— Bagaoutov? Sao? Bagaoutov nào? Veltchaninov ngừng ngang chết trân tại chỗ.
— Bagaoutov, Stépane Mikhailovitch, người đã cho chúng tôi cái vinh hạnh được làm bạn, sau anh đúng một năm... và cũng giống hệt như anh...
— À! Chúa tôi ! Tôi biết chuyện đó, Veltchaninov la lên sau khi đã hiểu: Bagaoutov ! Anh ta là một công chức trong tỉnh...
— Phải, phải! Anh ta là tùy viên của Ngài Thống Đốc. Đó là một người có tất cả những gì là lịch sự nhất của giới thượng lưu Pétersbourg, Pavel Pavlovitch nói tiếp với giọng đầy hứng khởi.
— Vâng, vâng! Tôi chỉ nghĩ ở đâu đâu! Anh ta cũng đã...
— Anh ta cũng đã như vậy, anh ta cũng đã như vậy, Pavel Pavlovitch lập lại với giọng đầy hứng khởi như lúc nãy sau khi bắt chợt câu nói hớ hênh của kẻ đối thoại. Anh ta cũng vậy! Và đó là lúc mà chúng tôi đang diễn vở ‘‘Nàng thôn nữ’’ trên một sân khấu tài tử ngay tại nhà Đức Ông rất mực hiếu khách là Ngài Sémione Sémionovitch; Stépane Mikhailovitch thủ vai bá tước, tôi vai ‘‘người chồng’’, và vợ tôi, vai ‘‘nàng thôn nữ’’; nhưng rồi theo lời yêu cầu của nàng, người ta không cho tôi đóng vai  ‘‘người chồng’’  nữa ; họ bảo là tôi không đủ khả năng diễn xuất...
— Nhưng tên quái quỷ nào gán cho anh vai Stoupéndiev? Trước hết anh là Pavel Pavlovitch Troussotzky và tuyệt nhiên không phải là Stoupéndiev; Veltchaninov cộc cằn la lớn không chút ngượng ngùng và gần muốn run lên vì bực tức. Ngoài ra, anh cho phép tôi nói: Anh Bagaoutov hiện có mặt ở đây, ở Pétersbourg này; hồi mùa xuân này, chính tôi đã thấy anh ta. Vậy, tại sao anh không đến gặp nốt anh ấy?
— Suốt trong ba tuần lễ, tôi đã đến nhà anh ta từng ngày một đó chứ, nhưng người ta không tiếp tôi. Anh ta đau nên không thể tiếp tôi được. Và, anh thử tưởng tượng xem, theo nguồn tin chắc chắn, anh ta đau nặng thật. Một người bạn thân thiết đến như thế! À! Anh Aléxéi Ivanovitch này, tôi đã nói và tôi xin lập lại một lần nữa với anh rằng: với tính khí hiện nay của tôi, đôi khi tôi muốn chui xuống tận đất đen cho mất tích hẳn. Nhưng có những khi khác, mình lại sẵn sàng tay bắt mặt mừng những nhân chứng cũ, nếu có thể nói như vậy, một trong những người đã dự phần vào cuộc sống không còn của mình nữa, và độc nhất là để cùng khóc với nhau, tôi nói thật đấy anh ạ, chỉ để cùng khóc với nhau mà thôi! — Thôi được rồi, hôm nay thế là tạm đủ rồi chứ? Veltchaninov hỏi một cách phũ phàng.
— Vâng quả đủ rồi, quá đủ rồi ! Và Pavlovitch đứng dậy tức thì. Đã bốn giờ rồi và nhất là tôi đã làm phiền anh một cách quá đáng.
— Này: chắc chắn tôi sẽ đến thăm anh; và lúc đó, tôi mong rằng... Anh hãy nói thật, trả lời không úp mở đi: có phải hôm nay anh say không?
— Say? Không hề bao giờ có !
— Trước khi đến đây hay trước hơn nữa, anh không uống rượu sao?
— Aléxéi Ivanovitch, anh biết đó chứ, đúng là anh lên cơn sốt rồi đấy.
— Ngay ngày mai, trước một giờ trưa, tôi sẽ đến anh.
— Nãy giờ tôi nhận thấy hình như anh gần nói sảng đó, Pavel Pavlovitch cắt ngang lời Veltchaninov với một niềm thích thú và cố ý nói riết về vấn đề này. Tôi thật lấy làm bối rối về sự vụng về của tôi. Tôi đi đây, tôi đi đây. Và anh, hãy đi nằm đi và ráng mà dỗ giấc ngủ.
Nhưng, Veltchaninov sực nhớ, vội kêu vói, anh chưa nói cho tôi biết anh ở đâu?
— Tôi chưa nói cho anh biết à? ở khách sạn Pokrovsky.
— Khách sạn đó là khách sạn nào vậy?
 — Nó nằm gần nhà thờ Pokrov, trong một ngõ hẻm, tôi quên mất tên đường cũng như số nhà, nhưng mà nó ở bên cạnh nhà thờ…
— Tôi sẽ tìm ra!
— Xin nghênh tiếp người khách quý!
Ông ta đã bước xuống cầu thang.
— Này anh ! Veltchaninov lại hét. Anh không ‘‘chuồn’’đó chứ ?  
— Sao gọi là ‘‘chuồn’’? Pavel Pavlovitch đã xuống được ba bực thang, quay lại với cặp mắt ngạc nhiên nhưng với nụ cười trên môi.
Để trả lời, Veltchaninov đóng mạnh cửa, rồi cẩn thận khóa lại và cài then. Khi quay lại phòng, ông khạc xuống đất với vẻ nhờm tởm như chính ông bị ô uế vậy.
Ông đứng im ngay giữa phòng khoảng năm phút, rồi thì không thèm thay cả áo quần, ông vật mình xuống giường và ngủ ngay tức thì. Trên bàn, ngọn nến ông quên tắt, cháy dần cho đến hết.
CHƯƠNG IV
Người Vợ, Người Chồng Và Người Tình

ÔNG ta ngủ một giấc dài và thức giấc đúng vào lúc chín giờ rưỡi ; ông choàng dậy, ngồi trên giường và bắt đầu nghĩ về cái chết của  người đàn bà đó. Sự  ‘‘sửng sốt’’ mà hôm qua ông cảm thấy khi’nghe tin nàng ta chết, đã khiến tâm hồn ông dao động và gieo trong lòng ông cả một nỗi đau khổ nữa ; sự  ‘‘sửng sốt’’ đó chỉ bị một ý nghĩ đặc biệt bắt nguồn từ sự có mặt của Pavel Pavlovitch, lấn át trong chốc lát mà thôi. Nhưng sáng nay, khi thức  dậy, tất cả những gì đã xảy ra cách đây chín năm lại lần lượt diễn ra với đầy đủ chi tiết trong trí ông.
Người đàn bà đó, nàng Natalia Vassilievna quá vãng, người vợ của ‘‘cái anh Trossotzky đó’’, đã được ông yêu và là người yêu của ông trong suốt một năm trời ông ở lại tỉnh T... vì công việc (cũng lại là một vụ kiện tụng về vấn đề thừa kế). Thật ra, vụ kiện tụng này không đòi hỏi một khoảng thời gian lâu đến thế; nguyên do chính là sự giao du kia.
Sự đi lại và mối tình của ông đối với Natalia Vassilievna đã ám ảnh tâm trí ông đến độ có thể nói là ông trở thành tên nô lệ của nàng ta ; ông sẽ làm không một chút do dự những điều gì quái gỡ nhất, điên cuồng nhất nếu đó là ý thích của người đàn bà kia. Cả về trước lẫn về sau này, chưa bao giờ có chuyện tương tự xảy đến cho ông như thế.
Vào khoảng cuối năm, biết chắc là không thể nào tránh được sự chia tay, Veltchaninov đã ở trong một tình trạng tuyệt vọng cực độ khi ngày ly biệt gần kề, dù ông biết rằng sự xa cách nầy tất nhiên là ngắn ngủi, dù ông đề nghị với  Natalia Vassilievna ãy bỏ chồng, bỏ tất cả để cùng với ông trốn hẳn ra nước ngoài. Chỉ vì những lời diễu cợt và sự cương quyết của người đàn bà đó (thoạt tiên, nàng ta hoàn toàn chấp thuận đề nghị của ông, những có lẽ là chỉ để đùa chơi hay để tiêu khiển thôi) mà ông đành phải gạt bỏ kế hoạch kia và đành phải ra đi một mình. Và rồi thì, gần hai tháng sau ngày xa nhau, khi đã ở  Pétersbourg, ông đã phải đặt một câu hỏi mà ông không bao giờ trả lời nổi : Có thật là ông yêu người đàn bà đó không hay đó chỉ là một thứ ‘‘say mê’’ nhất thời ? Và ông tự hỏi như thế, tuyệt nhiên không phải là vì nông nổi hay vì ông có một đam mê mới : trong hai tháng ở Pétersbourg, ông gần như phát điên và chắc chắn là ông không hề để ý đến một cô gái nào, mặc dù ông đã nối lại ngay những dây liên lạc cũ và ông cũng đã có rất nhiều dịp quen biết hằng trăm người đàn bà đẹp. Vả lại, dù cho những nghi ngờ đã dấy động trong lòng, ông vẫn thừa biết rằng nếu vừa trở lại T..., ông sẽ lại rơi ngay vòng khống chế duyên dáng của người đàn bà kia. Năm năm nữa về sau, ông vẫn còn tiếp tục tin tưởng như thế. Nhưng bây giờ, ông tự thú nhận điều trên với sự giận dữ và ông không thể nào không căm phẫn khi nghĩ đến người đàn bà đó. Ông rất hổ thẹn về thời gian mình sống ở T... Ông không thể nào hiểu nổi vì sao mình, Veltchaninov, lại có một sự đam mê ngu ngốc đến thế. Những kỷ niệm nào có liên quan đến sự đam mê này, đối với ông, đều có tính cách nhơ nhuốc; ông xấu hổ đến ê mặt và mang nặng những lời thầm trách nhức nhối mỗi khi nghĩ đến những kỷ niệm kia. Thật ra vài năm sau, ông đã cảm thấy bình tĩnh trở lại; ông đã cố quên tất cả và gần thành công. Nhưng rồi đó, chín năm sau, bỗng nhiên tất cả những chuyện kia đột ngột sống lại một cách kỳ lạ trong tâm hồn ông khi nghe tin Natalia Vassilievna đã qua đời.
Ngồi trên giường, bị những ý tưởng mơ hồ và hỗn độn bủa vây tâm trí, ông chỉ cảm thấy và hiểu rõ ràng có một điều: dù cho tin buồn kia khiến ông ‘‘sửng sốt’’, nhưng sự kiện nàng ta đã chết lại không mảy may xáo động tâm hồn ông. ‘‘Mình không còn tiếc thương gì nàng ta nữa sao?, ông tự hỏi. Thật thế, giờ đây không còn oán giận nữa, ông mới có thể xét đoán nàng môt cách công bằng hơn. Đã từ lâu, suốt trong chín năm trời xa cách, ông vẫn cho là Natalia Vassilevna thuộc vào số những bà rất tầm thường ở tỉnh lẻ, những ‘‘mệnh phụ’’ của giới ‘‘thượng lựu’’ tỉnh lỵ  ‘‘Biết đâu, có lẽ đúng như thế thật đấy, và chỉ có một mình, mình là thêu dệt nên những huyền thoại về nàng ta mà thôi’’.
Tuy nhiên, ông luôn luôn nghi ngờ là ý kiến của mình có thể sai phần nào ; và giờ đây ông vẫn còn cảm thấy như thế. Vả lại, nàng ta đã minh chứng bằng những sự kiện : Anh chàng Bagaoutov kia cũng đã giao du thân mật với cô nàng suốt mấy năm trời ; anh ta cũng đã bị nàng ta ‘‘mê hoặc’’. Thật thế, Bagaoutov là một phần tử của xã hội thượng lưu Péterbourg và vì là ‘‘một người vô tài bất tướng’’ (như lời Veltchaninov đã nói về gã) nên gã chỉ có thể làm nên sự nghiệp ở Pe1tersbourg mà thôi. Vậy mà, gã đã khinh miệt, đã từ bỏ cái thành phố Pe1tersbourg nhiều hứa hẹn cho tương lai đó để mất trọn năm năm ở T…, chỉ vì người đàn bà kia Hơn nữa, gã cũng chỉ trở về Pétersbourg sau khi đã bị hất hủi, bị phế thải như một ‘‘chiếc giấy cũ hết dùng’’. Vậy thì, người đàn bà đó quả thật đã được trời ban cho những năng khiếu lạ lùng : Hấp dẫn, chinh phục, ngự trị !
Tuy nhiên, hình như cô nàng lại không có vẻ gì là hấp dẫn và chinh phục cả: cô ta không đẹp đến độ làm được như thế; có thể là cô ta không đẹp một chút nào nữa là khác. Khi Veltchaninov làm quen, cô đã hai mươi tám tuổi rồi. Khuôn mặt, không đẹp lắm, có đôi chút duyên dáng khi cười nói. Nhưng cặp mắt thì thật là khó chịu: trong ánh mắt của nàng có một cái gì lạnh lùng quá đáng. Cô ta rất gầy. Trình độ trí thức thấp kém; nhưng óc suy xét lại sắc bén và đôi khi gần như cố chấp. Nàng cư xử theo cách một phụ nữ thời lưu tỉnh lẻ nhưng, quả thật là như thế, lịch thiệp và tế nhị hơn nhiều; nàng cũng có khiếu thẩm mỹ nữa, nhưng lại chỉ biểu hiện trong việc trưng diện mà thôi. Tính tình dứt khoát và độc đoán; với cô, không bao giờ có giải pháp lưng chừng, hoặc có tất cả, hoặc không có gì hết. Sự cương quyết và lòng kiên nhẫn của nàng đã giải quyết nhiều trường hợp khó khăn đáng làm cho chúng ta kinh ngạc. Một lòng khoan dung bao la với bên cạnh là một sự thiên vị quá đáng. Khó mà bàn cãi với cô nàng vì hai lần hai đối với nàng không có nghĩa gì cả. Không bao giờ nàng tự cho là mình làm một việc — dù là việc gì — có thể gọi là bất công hay quấy. Những cuộc ngoại tình liên tục và không kể xiết của cô không mảy may đè nặng trên lương tâm. Chính Veltchaninov đã so sánh cô ta với những ‘‘ Đức Mẹ Đồng Trinh’’ của một vài giáo phái ly khai đã chân thành tự xem là  ‘‘Mẹ Đức Chúa Trời’’. Cô ta rất trung thành với các ông nhân tình, nhưng chỉ khi nào còn chưa ngấy chán mà thôi. Cô ta rất thích làm khổ làm sở họ, nhưng lại đền bù ngay tức thì. Bản tính của nàng là đam mê, tàn nhẫn, đa tình. Cô ta ghét sự truy lạc, bài xích tận tình, nhưng chính cô lại là người hư đốn. Và không có gì có thể khiến nàng chấp nhận chính sự hư đốn của mình cả. Chắc có lẽ cô ta rất thành thực không biết đến sự hư hỏng của mình, Veltchaninov thường tự nhủ thầm như thế khi còn ở T... (và, tiện thể nói luôn, lúc đó ông đang dự phần vào những sự hư hỏng kia).  Đó là một trong số những người đàn bà, ông ta nghĩ mông lung, sinh ra để mà lừa dối chồng. Khi còn con gái, không bao giờ họ sa ngã. Theo luật tự nhiên, sự sa ngã chỉ xảy ra khi họ có chồng. Chồng họ là người tình đầu tiên, nhưng chỉ là người tình đầu sau khi cưới chứ không bao giờ trước khi cưới. Không có ai lấy chồng khéo léo và dễ dàng như họ. Luôn luôn người chồng chịu trách nhiệm về người tình đầu tiên. Và mọi sự xảy ra một cách rất thành thật; luôn luôn những cô vợ đó tự cho là mình nắm phần phải về mình và, lẽ dĩ nhiên, là hoàn toàn vô tội.
Veltchaninov nhất quyết là có loại đàn bà đó, nhưng ông cũng đoán chắc là trên cõi đời này lại còn có một loại đàn ông tương ứng với loại đàn bà nói trên, loại chồng mà lý do tồn tại độc nhất là để thích ứng với loại vợ kia. Theo ý ông, cốt tính của loại đàn ông đó là làm những ‘‘người chồng muôn thuở’’, nếu có thể nói như thế, hay để diễn tả cho rõ ràng hơn, họ sống ở đời chỉ để làm chồng mà thôi. ‘‘Loại người như thế, ra đời, trưởng thành chỉ để mà lấy vợ và để trở thành ngay tức thì ‘‘cái bóng mờ’’ của người vợ, dù cho y có cá tính chăng nữa. Loại chồng như vậy, nếu có điểm gì đặc biệt thì đó cũng chỉ là một sự trang sức xa xỉ mà thôi. Với họ, không thể nào không bị cắm sừng cũng như mặt trời không thể nào không chiếu sáng; và không những họ không biết mình bị cắm sừng mà theo lẽ tự nhiên, họ còn phải được biết như thế nữa kia.’’ Veltchaninov quả quyết tin là có hai loại người vừa nói như trên và Pavel Pavlovitch Troussotzky khi còn ở T... là đại diện cho một trong hai loại đó. Nhưng Pavel Pavlovitch của tối hôm qua thật quả không giống một chút nào với Pavel Pavlovitch mà ông đã từng quen biết ở T... Veltchaninov nhận thấy ông ấy đã hoàn toàn lột xác, và điều này không có gì đáng lấy làm lạ vì ông biết Pavel Pavlovitch không thể làm khác hơn: Troussotzky ngày nay không thể nào còn giống Troussotzky thuở sinh thời vợ ông ta và bây giờ ông chỉ có thể hiện một phần của cái toàn thể trước kia của ông, cái phần đã được buông thả trong đời sống như một sự vật kỳ lạ không hề giống bất cứ phần nào khác.
 Còn về Pavel Pavlovitch lúc còn ở T... thì sau đây là hình ảnh mà Veltchaninov đã ghi khắc trong tâm khảm và bây giờ ông nhớ lại.

Ở T..., Pavel Pavlovitch chỉ làm tròn nhiệm vụ một ông chồng mà thôi. Nếu như ông ta là một công chức, thí dụ như thế, thì cũng chỉ vì công việc đó nằm trong bổn phận của người làm chồng. Ông làm việc tại Bộ cũng chỉ cổt để cho bà vợ có một địa vị trong xã hội ở T... Tuy nhiên, ông cũng là một công chức gương mẫu và nhiệt thành. Lúc đó, ông vào khoảng ba mươi lăm tuổi và có một tài sản khá gọi là đồ sộ. Không có gì chứng tỏ ông là người có tài năng, nhưng ông cũng không cho người ta nhận thấy một cách rõ rệt ông là một người không có khả năng, ông giao thiệp rộng trong giới thượng lưu và sống một cách phong lưu và đế vương. Ở T..., thiên hạ rất quý trọng Natalia Vassilievna, nhưng nàng không quan tâm, xem đó như là bổn phận của mọi người đối với nàng; nàng tiếp đãi tân bằng quan khách rất ân cần, nồng hậu và huấn luyện PavelPavlovich khéo đến độ, nếu gặp dịp, ông cũng biết cách nghênh tiếp những ‘‘tai to mặt lớn’’  trong tỉnh. Có thể ông ta thông minh nữa (hình như thế, đối với Veltchaninov), nhưng Natalia Vassilievna không thích chồng mình nói nhiều, và do đó thiên hạ không tài nào biết đến trí thông minh của ông ta. Có thể ông có một số tính tốt cũng như là một số tính xấu, nhưng tính tốt thì bị khuất lấp, còn những bản năng xấu xa thì lại bị bóp chết. Veltchaninov hồi tưởng là có đôi khi, Troussotzky đã định mở miệng nói xiêng nói xỏ thiên hạ chơi nhưng lại thôi vì việc nầy đối với ông là một điều đại cấm kỵ. Thỉnh thoảng, ông cũng thích kể đôi câu chuyện khôi hài, tiếu lâm nhưng việc nầy cũng bị kiểm soát nốt: ‘‘người ta’’ chỉ cho phép ông kể những câu chuyện tầm thường, vô nghĩa mà thôi, ông thích góp mặt với anh em cùng sở, ngoài vòng gia đình, để cùng nhau chén chú chén bác, nhưng những toan tính đó đã bị bóp chết ngay trong trứng nước. Tuy nhiên, nếu chỉ xét đoán bề ngoài, không ai có thể ngờ ông thuộc loại ‘‘râu quặp’’ đặt dưới quyền xài xể của vợ. Natalia Vassilievna có vẻ là một người vợ nhu mì và có lẽ bà ta cũng thành thật tin như thế. Pavel Pavlovitch có lẽ yêu Natalia Vassilievna say đắm, nhưng không ai có thể nhận thấy điều nầy, khó mà nhận thấy điều nầy vì Natalia Vassilievna đã trù liệu bưng bít tất cả những gì liên quan đến chuyện đó. Lúc còn ở T..., đã nhiều lần, Veltchaninov tự hỏi là người chồng đó có nghi ngờ gì về sự gian díu giữa ông với cô vợ hay không. Rất nhiều lần, ông đã nghiêm trang hỏi Natalia Vassplievna về vấn đề này, và luôn luôn được cô ta vội vàng trả lời là chồng nàng không hay biết gì cả và không bao giờ biết được gì hết, vả lại ‘‘việc đó tuyệt nhiên không dính dấp gì đến anh ấy cả’’. Điểm kỳ lạ khác nữa: không bao giờ nàng chế nhạo Pavel Pavlovitch và cũng không bao giờ nhận thấy chồng mình, dù thế nào đi nữa, là một người lố lăng hay khó chịu. Và nàng sẽ chống đối đến kỳ cùng, nhiệt thành chống đối những ai có thái độ vô lễ với chồng nàng. Không con cái, đương nhiên nàng trở thành người đàn bà quảng giao độc nhất của xã hội tỉnh T...; nhưng nàng cũng vẫn chăm nom chu đáo việc nhà. Những thú vui ngoài đời không hoàn toàn thu hút nàng ta, và nàng rất thích săn sóc đến việc tề gia, nội trợ, việc kim chỉ, vá may. Ông nhớ lại những buổi tối đọc sách trong vòng gia đình của Pavel Pavlovitch ở T... vào thời đó. Đôi khi chính Veltchaninov cao giọng đọc, khi khác lại là Pavel Pavlovitch; và ông này, — ngạc nhiên cho Veltchaninov biết bao! — đọc rất hay và lớn tiếng. Về phần Natalia Vassilievna thì thường thường nàng vừa thêu thùa, vừa yên lặng và chăm chú theo dõi câu chuyện. Chuyện được đọc là những tiểu thuyết của Dickens, các tạp chí Nga và đôi khi cả những chuyện trang nghiêm nữa. Natalia Vassilievna rất mến mộ kiến thức văn hóa của Veltchanivov, nhưng cô ta không nói ra ; xem đó là một việc đương nhiên, đã được xác nhận rồi và không bao giờ được nhắc trở lại nữa. Tổng quát, cô ta dửng dưng với tất cả những gì là khoa học và thư tịch, xem như là những sự gì tuyệt nhiên không dính dáng đến mình, nhưng có thể những sự việc đó có ích dụng riêng của chúng. Về phần Pavel Pavlovitch thì ông lại rất ham mê những thứ đó.
Sự giao thiệp đột nhiên đứt đoạn đúng ngay lúc tình yêu của Veltchaninov đạt đến cao độ và gần như cuồng loạn. Người ta đã thẳng thắn và đột ngột xua đuổi ông, mặc dù mọi việc đã được sắp đặt làm sao cho khi ra đi, ông không thể nào biết được là mình đã bị vứt bỏ ‘‘như một chiếc giày cũ phế thải’’. Một tháng rưỡi trước ngày ông lên đường, có một viên sĩ quan Pháo binh trẻ tuổi vừa tốt nhiệp trường Võ Bị đổi đến T..., gã ta bắt đầu lui tới gia đình Troussotzky; và giờ đây thay vì bộ ba thì lại là bộ tứ. Natalia Vassilievna tiếp đón rất nồng hậu chàng trai trẻ này, nhưng lại coi như trẻ nít; Veltchaninov không nghi ngờ gì cả; còn nhiều chuyện khác hơn làm bận tâm ông vì ông đã được Natalia Vassilievna nhắn khéo là nên xa nhau. Trong số hơn trăm lý do mà nàng đưa ra để buộc Veltchaninov nên rời T... tức thì, nàng viện dẫn đến lý do mình mang thai: nàng tin là mình đã có mang; vậy thì ông ta phải bỏ đi lập tức ít ra là ba hay, bốn tháng, để trong thời gian chín tháng, người chồng không thể nào nghi ngờ được gì nếu thiên hạ có xầm xì chăng nữa. Lý lẽ đưa ra thật là yếu. Trong cơn say mê, Veltchaninov đề nghị với Natalia Vassilievna cùng trốn sang Paris hay Mỹ chăng, nhưng ông sẽ một mình đi Pétersbourg trước trong một ‘‘thời gian ngắn’’ nghĩa là vào khoảng trên ba hay bốn tháng. Nếu không thế, ông sẽ không bao giờ rời T... mặc cho bao nhiêu lý lẽ, bao nhiêu giải thích mà người ta có thể đưa ra. Đúng hai tháng sau, ở Pétersbourg, ông nhận được một lá thư của Natalia Vassilievna gởi đến yêu cầu ông đừng bao giờ trở lại T... nữa vì nàng đã yêu một người khác rồi ; còn về chuyện thai nghén thì, theo lời nàng, nàng đã lầm. Sự giải thích đó quả là vô ích ; bây giờ mọi chuyện đối với ông đã rõ trắng đen: ông nhớ lại viên sĩ quan trẻ tuổi. Từ đây, thế là chấm dứt. Về sau, những mấy năm sau, ông mới được biết thêm là Bagaoutov đã cư ngụ ở T... trong năm năm. Ông cho rằng sự gian díu đó sở dĩ kéo dài một cách bất thường như thế là vì Natalia Vassilievna đã khá lớn tuổi rồi nên dĩ nhiên phải cố bám lấy gã kia lâu hơn.
Veltchaninov ngồi yên trên giường gần một giờ; cuối cùng sực tỉnh, ông gọi Mavra đem cà phê lên. Ông uống nhanh cà phê, thay áo quần và đúng mười một giờ, ông rời nhà để đi tìm khách sạn Pokrovsky. Sáng nay, ông bỗng có một ý nghĩ mới lạ về vấn đề này. Hơn nữa, ông hơi thẹn về cách mình đối xử với Pavel Pavlovitch đêm qua; ông phải làm cho ra trắng đen chuyện này mới được.
Giờ đây, ông tự nhủ rằng tất cả câu chuyện huyền hoặc về cái ổ khóa chỉ là kết quả của sự tình cờ, của cơn say của Pavel Pavlovitch, và có thể của cả những sự việc khác nữa; nhưng ông không thể nào hiểu nỗi cái mục đích mà mình đang theo đuổi khi nối lại mối giao hảo với người chồng của người tình cũ trong khi mọi liên lạc giữa hai người đã đương nhiên chấm dứt. Có một cái gì đã dẫn dắt ông; có một ấn tượng gì rất đặc biệt đã ảnh hưởng đến ông, và chính ấn tượng đó là lý do của sự lôi cuốn kia.
CHƯƠNG V
Lisa
PAVEL Pavlovitch không nghĩ đến chuyện ‘‘chuồn’’, vả lại, có Trời mới biết tại sao tối qua, Veltchaninov lại hỏi ông ấy như thế; quả thật tâm trí Veltchaninov không yên ổn. Trong một cửa hàng gần công trường Pokrov, người ta chỉ cho ông khách sạn Pokrovsky, cách đó không xa, trong một con đường hẻm. Tại khách sạn, người ta nói cho ông rõ là ông Troussotzky hiện ở trọ tại nhà cô Maria Syssoievna nào đó trong một căn phòng có đầy đủ đồ đạc ở cuối sân, thuộc dãy nhà ngang. Trong khi ông đang lần bước theo những bực thang hẹp bằng đá, bẩn thỉu và rác rến để lên tầng lầu hai, nơi có dãy phòng có đầy đủ đồ đạc, bỗng nhiên ông nghe có tiếng ai khóc. Tiếng khóc đó hình như là tiếng khóc của một con bé khoảng bảy, tám tuổi; giọng khóc rất thống thiết; người ta nghe tiếng khóc đang nghẹn ngào bỗng nhiên òa lớn lên xen lẫn với tiếng la giận dữ, ầm ỉ và the thé, sau là tiếng chân dậm xuống sàn của một người đàn ông. Hình như ông ta đang cố gắng dỗ đứa bé nín và ông không muốn cho người ngoài nghe tiếng khóc, nhưng ông ta, dù cố dằn lòng, lại làm ồn hơn con bé. Tiếng la có vẻ tàn nhẫn và đứa bé hình như đang van xin thứ lỗi. Đi trong hành lang chật hẹp với hai cánh cửa mở rộng hai bên tường, Veltchaninov gặp một bà cao lớn, khỏe mạnh, áo quần lôi thôi; ông hỏi thăm bà này phòng của Pavel Pavlovitch. Bà ta chỉ căn phòng có tiếng khóc. Khuôn mặt dày dặn và hồng hào của bà ta, một người đàn bà trạc tứ tuần, biểu lộ một sự tức giận:
— Ông xem đấy, lão ta đùa vui đấy chứ! Bà vừa lầm bầm vừa bước xuống lầu.
Veltchaninov định gõ cửa nhưng lại thôi và ông đột ngột mở cửa ra. Đứng giữa căn phòng nhỏ bề bộn đồ đạc và sơn phết một cách thô kệch, Pavel Pavlovitch ăn mặc sơ sài — không áo ngoài và cũng không áo gi-lê-mặt đỏ gay và giận dữ; đang la hét, đang giơ tay múa ngón,và có lẽ đã dùng cả quả đấm nữa (Veltchaninov đoán thế) để cố làm câm miệng một đứa bé gái khoảng tám tuổi, ăn mặc tồi tệ, nó chỉ mặc có một cái áo nỉ đen ngắn mà thôi, nhưng cô bé có vẻ là một tiểu thư đài các. Hình như đứa bé đang ‘‘lên cơn’’; nó vừa giơ tay về hướng Pavel Pavlovitch, vừa khóc lóc như muốn ôm choàng, muốn hôn, muốn cầu khẩn ông này. Thoáng chốc, tất cả chuyện đó đều thay đổi: thấy người lạ, đứa bé vội la lên và phóng nhanh như bắn vào căn buồng nhỏ bên cạnh, còn Pavel Pavlovitch thì, sau giây phút ngỡ ngàng, ông ta tươi nét mặt lại bằng một nụ cười dịu dàng, đúng như nét mặt tối hôm qua, khi Veltchaninov đột ngột mở cửa và bắt chợt ông ta trước thang gác.
— Aléxéi Ivanovitch! Ông ta la lớn với vẻ kinh ngạc. Thật tình tôi không ngờ anh đến... Nhưng, mời anh ngồi đã... Đây nè, trên đi-văng hay trong ghế bành này nè, còn tôi...— Và ông ta vội vã mặc vét-tông vào nhưng lại quên áo gi-lê.
— Đừng khách sáo! Xin anh cứ tự nhiên! Veltchaninov ngồi vào ghế.
— Anh để tôi! Anh cho phép tôi tiếp rước đàng hoàng một chút chứ! À! bây giờ tôi chững chạc hơn lúc nãy rồi đây. Nhưng tại sao anh lại ngồi trong góc thế? Mời anh ngồi vào chiếc ghế bành gần bàn đi... Thú thật, tôi không ngờ anh đến...!
Ông ta ngồi ở góc một chiếc ghế bện bằng rơm; ông xoay ghế thế nào để cho gần như đối diện với Veltchaninov chứ, không phải ngồi cùng phía với người khách ‘‘bất ngờ’’  này.
— Tại sao anh không ngờ tôi đến? Hôm qua tôi đã nói là hôm nay, đúng giờ này, tôi sẽ đến kia mà.
— Tôi nghĩ rằng anh sẽ không đến, và sáng nay, khi thức dậy, lược lại những gì xảy ra qua, tôi chẳng hy vọng gì được gặp anh nữa cả.
Trong khi Pavel Pavlovitch nói, Veltchaninov quan sát căn phòng. Căn phòng thật là vô trật tự, giường chiếu lôi thôi, áo quần bừa bãi; trên bàn, người ta thấy ly tách còn cặn cà phê, một cái ly bên cạnh. Ông nhìn thoáng về phía căn phòng nhỏ bên cạnh, nhưng tất cả đều yên lặng, đứa bé nín thinh.
— Sao? Anh lại mời uống rượu nữa à? Vehchaninov vừa chỉ chai sâm-banh vừa hỏi.
— Đó là rượu thừa... Pavel Pavlovitch trả lời, hơi lúng túng.
— Anh thay đổi thật!
— Đó là những thói quen xấu: việc nầy bất ngờ đến với tôi. Tôi không nói dối anh đâu ; nó bắt đầu từ khi nhà tôi... Tôi không thể nào tự kềm chế nổi! Nhưng không có gì đáng ngại đâu, anh Aléxéi Ivanovitch ạ, không, hiện giờ tôi không say và tôi sẽ không nói điều gì bậy bạ như hôm qua ở đằng anh đâu. Song tôi cho anh rõ sự thật: tôi bắt đầu say sưa từ lúc đó. Và nếu cách đây khoảng sáu tháng, có ai nói với tôi là tôi sẽ cảm thấy suy nhược đến như thế nầy, có ai chỉ cho tôi xem trong gương bộ mặt của tôi hiện nay, tôi không tài nào tin được!
— Vậy thì, hôm qua anh say?
— Vâng, Pavel Pavlovitch khẽ thú nhận với giọng ngượng ngùng và mắt nhìn xuống đất. Anh thấy đó chứ, hôm qua tôi đâu có hoàn toàn say, nhưng trước đó vài giờ, quả thật tôi có nhậu lai rai. Tôi giải thích cho anh biết việc đó là vì ở nhà sau khi say xong, tôi còn tệ hơn nữa kia: sau khi hả rượu, tôi trở nên hung dữ, tàn nhẫn, gần như là điên vì lúc đó nỗi sầu của tôi trở nên mãnh liệt; có lẽ chính nỗi sầu muộn đó đã khiến tôi vùi đầu vào rượu. Lúc đó, tôi có thể làm điều gì bậy bạ nhất, và tôi tìm chuyện gây gỗ. Tối qua, đối với anh, tôi có vẻ quái gở lắm phải không?
— Anh không còn nhớ gì nữa à?
— Sao không ! Tôi nhớ lại tất cả mà...
— Anh thấy không, Pavel Pavlovitch, tôi đã suy nghĩ kỹ và đã giải thích mọi việc như thế rồi, Veltchaninov nói với một giọng đấu dịu. Hơn nữa, tối qua, chính tôi đối với anh cũng có phần nào phát cáu, và... mất bình tĩnh; tôi xin thú nhận điều đó. Thỉnh thoảng, tôi cảm thấy không được khỏe, và cuộc viếng thăm nửa khuya, bất ngờ của anh...
— Vâng, nửa khuya! Pavel Pavlovitch gục gặc đầu như lấy làm lạ và như tự trách mình. — Và cái gì đã xui khiến tôi như thế nhỉ? Không đời nào tôi vào phòng anh, nếu như không phải chính anh đã mở cửa... nếu không thể, tôi sẽ bỏ đi ngay. Cách đây trên dưới một tuần, tôi đã có đến nhà anh, anh Aléxéi Ivanovitch ạ, nhưng lại không gặp anh; và có thể là không bao giờ tôi trở lại nữa. Aléxéi Ivanovitch, tôi cũng có niềm kiêu hãnh riêng, dù rằng tôi ý thức được... tình trạng của tôi bây giờ. Chúng ta đã gặp nhau ngoài phố nhưng tôi tự bảo: ‘‘Nếu anh ta không nhận ra mình, nếu anh ta làm lơ: chín năm rồi, một khoảng thời gian đáng kể đấy chứ!’’ Và tôi không nhất quyết đến gặp anh. Hôm qua, tôi từ Xóm Cũ về và hoàn toàn quên mất giờ giấc. Lỗi tại cái này (Ông ta chỉ vào chai sâm-banh) và tại những tình cảm của tôi. Thật là bậy, quá bậy ! Và nếu việc này liên quan đến người khác, có lẽ tôi không còn chút hy vọng nào kết thân trở lại cả; nhưng anh, anh lại nhớ lại ngày qua, anh lại đến tìm tôi, dù hôm qua đã có chuyện xảy ra.
Veltchaninov chăm chú nghe. Pavel Pavlovitch có vẻ thành thật và trang nghiêm khi giải bày; nhưng Vetchaninov lại không tin lấy nửa lời, không tin ngay khi ông vừa bước chân vào phòng.
— Anh Pavel Pavlovitch nè, hình như không phải anh ở đây một mình? Đứa bé gái mà tôi thấy khi mới vào là con cái nhà ai đó?
Rất ngạc nhiên, Pavel Pavlovitch nhướng mày và nhìn Veltchaninov với một cái nhìn trong sáng và hòa nhã.
— Con ai à? Nhưng Lisa đó mà, ông đáp với một nụ cười dễ thương.
 — Lisa nào nhỉ? Veltchaninov lẩm bẩm, và có một sự gì dao động trong lòng ông. Cảm tưởng nầy thật quá đột ngột. Lúc nãy, khi mới thấy Lisa, ông đã kinh ngạc, nhưng ông chưa tiên cảm điều gì và cũng chẳng có ý kiến nào đặc biệt.
— Cháu Lisa, con gái của chúng tôi đấy! Pavel Pavlovitch vẫn luôn luôn tươi cười đáp lại.
 — Con gái anh! Nhưng có phải là Natalia.. Natalia Vassilievna lại có con à? Veltchaninov ngập ngừng và rụt rè hỏi lại với một giọng hơi trầm trầm.
— Nhưng chết nỗi ! Trời đất! Làm sao anh biết được đã chứ? Tôi chỉ nghĩ cái gì đâu ấy! Sau khi anh đi, Thượng Đế đã đoái thương đến chúng tôi.
Pavel Pavlovitch loay hoay trên ghế như bị xúc động, nhưng là một sự xúc động dễ chịu.
— Tôi có biết gì đâu, Veltchaninov trả lời, mặt tái đi.

— Vâng, đúng thế, đúng thế ! Người nào lại có thể cho anh hay tin đó được! Pavel Pavlovitch lập lại với một giọng cảm động và dịu dàng. Anh nhớ là chúng tôi, vợ tôi và tôi, đã tuyệt vọng và đó, Thượng Đế đã ban phúc cho chúng tôi. À ! Lúc đó, tôi cảm thấy sung sướng biết bao! Chỉ có Trời mới biết giùm tôi nỗi hân hoan đó! Đúng một năm sau, khi anh đi. À không, dưới một năm hay ít hơn nữa kia; nếu tôi nhớ không lầm thì anh rời chúng tôi vào khoảng tháng mười hay tháng mười một phải không?
— Tôi xa T... vào đầu tháng chín, ngày mười hai, tôi nhớ kỹ lắm...
— Vào tháng chín? Thật thế sao? Vậy mà tôi lại tưởng... Pavel Pavlovitch đáp lại, giọng ngạc nhiên. Nếu thế thì, ta thử tính xem nào: anh lên đường ngày mười hai tháng chín và Lisa ra đời ngày tám tháng năm; vậy là: tháng chín, tháng mười, tháng mười một, tháng chạp, tháng giêng, tháng hai, tháng ba, tháng tư... tám tháng và thêm ít hôm nữa. Và nếu anh biết là nhà tôi...
— Hãy đem cháu ra đây... Hãy cho tôi gặp cháu! Veltchaninov khẽ nói, giọng đứt quãng.
— Vâng, hẳn là thế ! Pavel Pavlovitch la lên, bỏ lửng câu nói xem như không quan trọng gì. Vâng, liền bây giờ đây, tôi sẽ giới thiệu anh với cháu liền bây giờ!
Và ông vội vã bước sang phòng của Lisa.
Ba hay bốn phút trôi qua; người ta nghe vọng ra từ căn phòng nhỏ tiếng thì thầm vội vàng và trầm giọng; giọng của Lisa chỉ nghe thoáng qua thôi. ‘‘Nó đang van xin cha nó đừng bắt nó ra’’, Veltchaninov nghĩ thế. Cuối cùng hai cha con cùng bước ra.
— Cháu đây, Pavel Pavlovitch nói, dáng điệu nó có vẻ ngượng ngùng. Cháu nó mắc cở, nó có niềm tự hào riêng của nó... Đúng là hình ảnh của nhà tôi!
 Lisa không còn khóc nữa ; mắt nhìn xuống đất, tay nắm lấy bàn tay của cha. Đó là một cô bé người cao dong dỏng, mảnh mai, rất xinh xắn. Lisa ngước đôi mắt xanh biếc nhìn thoáng Veltchaninov, cái nhìn với vẻ tò mò và ủ rũ, xong nó cụp mắt xuống ngay. Trong ánh nhìn của con bé có một sự trang trọng, cái trang trọng của những đứa bé ngồi một mình với người lạ, thu mình vào một góc và, ở đó, dáng quan trọng và nghi ngờ, chúng dò xét người khách mà chúng chưa hề gặp. Nhưng trong ánh nhìn của con bé còn có cái gì khác lạ hơn nữa, một ý tưởng không còn trẻ thơ; hình như thế đối với ông, khi cha nó dẫn nó đến gần ông.
— Đó! Bác này xưa kia đã từng quen với mẹ con ; bác là bạn của chúng ta. Đừng sợ con! Hãy chào bác đi.
Cô bé khẽ nghiêng mình và rụt rè đưa tay ra bắt.
— Natalia Vassilievna không muốn dạy cháu kiểu cách; theo mẹ cháu, cháu nó chỉ cần chào theo lối Anh nghĩa là khẽ nghiêng mình và đưa tay ra mà thôi, Pavel Pavlovitch vừa giải thích cho Veltchaninov, vừa chăm chú quan sát ông này.
Veltchaninov biết là mình bị dò xét nhưng ông không nghĩ đến chuyện giấu diếm sự xúc động. Ngồi im trên ghế, ông ta nắm bàn tay của Lisa và chăm chú nhìn nó. Nhưng Lisa hình như còn đang chú ý ở đâu đâu: để mặc bàn tay mình trong bàn tay người khách lạ, nó không rời mắt nhìn cha và sợ sệt nghe tất cả những gì cha nói. Veltchaninov nhận ra ngay đôi mắt xanh biếc đó ; nhưng điều làm cho ông để ý đến hơn cả là màu trắng kỳ lạ và sự thanh tú của làn da và màu của tóc; những đặc tính đó đã đủ nói lên rất nhiều. Trái lại, khuôn mặt trái soan và đường cong của đôi môi khiến người ta nhớ ngay đến Natalia Vassilievna. Trong khi đó, Pavel Pavlovich đã kể cả buổi một chuyện gì đó với tất cả nhiệt tâm; nhưng Veltchaninov không nghe gì hết, ông ta chỉ bắt chợt được câu chót:
—...Anh không tài nào tưởng tượng được nổi, Aléxéi Ivanovitch ạ, sự vui mừng của chúng tôi khi khi được Thượng Đế ban cho ân sủng đó; từ khi đứa bé ra đời, đối với tôi, nó là tất cả. Tôi thường nhủ thầm nếu, do ý muốn của ơn trên mà hạnh phúc của tôi phải tiêu tan, thì tôi cũng vẫn còn có Lisa. Ít ra, tôi chắc được việc này.
— Và Natalia Vassilievna? Veltchaninov hỏi lại.
— Natalia Vassilievna? Mặt Pavel Pavlovitch hơi cau lại. Anh biết rõ tánh nàng đó chứ? Anh cũng nhớ là nàng không thích biểu lộ tình cảm; nhưng trên giường bệnh, lời giã biệt con bé mới não nùng làm sao !... Nàng bầy tỏ tất cả, rồi thì... tôi vừa mới nói với anh:  ‘‘Trên giường bệnh của nàng’’. Nhưng một ngày trước khi từ trần, bỗng nhiên nàng trở nên lộn xộn, trở nên dễ giận; nàng buộc tội mọi người muốn giết nàng với tất cả các thứ thuốc đó, nàng cho rằng nàng chỉ cảm hàng mà thôi và hai vị y sĩ săn sóc nàng không hiểu gì về bệnh trạng cả; nàng nói rằng khi nào ông Koch trở về (Anh nhớ ông này chứ? Vị quân y sĩ của chúng ta, cái ông già nhỏ thó đó!) Có khoảng nửa tháng thôi, nàng lành bệnh ngay. Và chẳng nhiều chuyện nữa kia. Năm tiếng đồng hồ trước khi hấp hối, nàng còn nhớ là ba tuần nữa, nàng phải đến thăm bà dì, mẹ đỡ đầu của Lisa, để mừng sinh nhật...
Veltchaninov đột nhiên đứng dậy, tay vẫn không rời bàn tay Lisa. Hình như ông thoáng nhận thấy một sự trách móc trong ánh nhìn bồn chồn mà cô bé chăm chú hướng về phía cha.
— Cháu không ốm đấy chứ? Ông ta hỏi với một giọng sắc gọn và khác thường.
— Tôi không tin như thế... Nhưng rồi thì, công việc của tôi có vẻ như là..., Pavel Pavlovitch nói với vẻ sầu muộn và bận tâm. Cháu là một đứa bé kỳ cục và có phần nào bẵn gắt; sau cái chết của mẹ, cháu lâm bệnh suốt hai tuần... Bản tính của cháu là bản tính ưu uất. Lúc nãy, khi anh mới vào, anh có nghe giọng khóc đó chứ? Con nghe không Lisa, con có nghe không? Và vì cớ gì nó khóc. Vì tôi đã bỏ nó ở nhà một mình, như thế, theo nó có nghĩa là tôi đã bớt thương nó, đã không còn thương nó nhiều như lúc mẹ nó còn sống. Nó buộc tội tôi như thế đó. Nó nghĩ như thế với những ý nghĩ ngông cuồng trong đầu óc một con bé mà đáng lý chỉ nên nghĩ những con búp bê. Nhưng ở đây cháu chả có ai để mà chơi cả.
  — Nhưng anh làm như thế nào?... Chỉ có hai cha con ở đây thôi chứ?
— Vâng, đúng thế... Mỗi ngày, chị giúp việc chỉ đến một lần để lo việc bếp núc, dọn dẹp mà thôi.
— Thế thì mỗi khi anh đi đâu, anh bỏ cháu một mình a ?

 — Làm cách nào hơn? Hôm qua khi tôi đi, tôi đã nhốt nó vào căn buồng nhỏ nầy ; chính vì việc đó mà hôm nay chúng tôi đã cùng khóc với nhau.Nhưng làm sao hơn ? Anh thử nghĩ xem. Cách đây ba ngày, cháu nó xuống dưới sân một mình, và một thằng ranh con đã ném đá vào đầu. Một lần khác, cháu nó khóc lóc và năn nỉ mọi người chỉ cho nó biết tôi đi đâu. Anh thấy chứ, việc đó không ổn chút nào cả. Nhưng mà tôi, cũng quá thật! Tôi nói đi độ một tiếng và chỉ đến sáng hôm sau mới trở về như tối qua, tôi đã làm. Cũng may là chủ nhà đã kêu thợ ống khóa đem cháu ra khi tôi đi vắng mặt. Thật là nhục nhã ! Tôi đã tự biến mình thành một con quái vật. Và như thế là vì trí óc tôi bấn loạn…
 — Ba! Con bé sợ sệt và lo lắng kêu lên.
— Đó, lại lộn xộn nữa! Lúc nãy ba dặn sao?
— Con không làm như thế nữa đâu, con không làm như thế nữa đâu ! Lisa sợ sệt lập lại, đồng thời vội vàng với đôi tay về phía cha.
  — Không thể tiếp tục như thế này mãi được, Veltchaninov nóng nảy xen vào với giọng kẻ cả.
- Anh có của cải; tại sao anh lại có thể sống như vậy, trong căn phòng này, trong những điều kiện này?
— Trong căn phòng nầy? Nhưng có lẽ trong một tuần nữa, chúng tôi sẽ rời khỏi nơi đây, và chúng tôi đã tiêu khá nhiều tiền, và dù cho mình có của chăng nữa thì...
— Thôi, thôi! Veltchaninov cắt ngang lời và càng lúc càng bồn chồn như là ông đã để cho người đối thoại hiểu rõ ràng rằng: ‘‘Đừng nói nữa, vô ích, tôi biết tất cả những gì anh sắp nói và nói với mục đích gì rồi’’. Anh nghe đây, tôi đề nghị với anh một việc: anh vừa nói là còn ở lại đây khoảng một tuần, có thể là hai. Đã hai mươi năm rồi, ở đây, tôi có quen một gia đình mà họ xem tôi như người trong nhà vậy. Đó là gia đình ông Cố Vấn Pogoréltzev. Có thể ông ta giúp anh trong công việc bổ báo. Hiện giờ, ông ta và gia quyến đang ở nhà quê: ông ta có một biệt thự lộng lẫy ở đó. Với tôi, Clavdia Pétrovna Pogoréltzev là một bà mẹ, là một người chị. Họ có cả thảy tám người con. Hãy để tôi dẫn Lisa đến nhà họ. Để cho không mất thì giờ. Họ sẽ vui vẻ tiếp cháu và xem cháu như chính con họ, vâng, như con gái họ vậy.
Ông ta nôn nóng ra mặt, một sự nôn nóng tột độ.
— Không thể như thế được, Pavel Pavlovitch màu mè đáp lại và nhìn thẳng vào mắt ông ta với vẻ láu lĩnh, Veltchaninov nghĩ thế
— Tại sao? Tại sao lại không thể được?
— Còn tại sao nữa? Để cho cháu đi đột ngột như thế với một người bạn như anh thì dù sao, tôi cũng còn chấp nhận được, nhưng lại gởi nó vào một gia đình không quen biết, thuộc về giới thượng lưu thì tôi tự hỏi làm sao người ta lại có thể khứng chịu việc đó được.
 — Những như tôi đã nói với anh là đối với tôi, nhà đó như chính gia đình tôi kia mà ! Veltchaninov hầu như giận dữ la lên. Đó là một sự sung sướng cho Clavdia Pétrovna được tiếp cháu, qua lời gửi gấm của tôi, như tiếp chính con gái tôi vậy… Quỷ bất anh đi ! Anh chỉ bày vẽ ! Anh cũng biết là anh nói thế chỉ để là nói cho vui mà thôi …Rõ ràng như thế !
Ông ta dậm cả chân xuống đất nữa.
— Tôi nói như thế là vì tôi sợ rằng việc này có  vẻ kỳ lạ. Dù sao tôi cũng phải đến thăm cháu một hai lần; và người ta sẽ nghĩ sao khi không thấy cha nó đến …Hi…Hi…Nhất là đối với một gia đình quý phái ‘‘rỡm’’.
— Nhưng đó là một gia đình bình dị, chẳng ‘‘rỡm’’ chút nào cả ! Veltchninov la lên. Tôi sẽ nói với anh là họ nhiều con. Cháu sẽ được bình phục, đó là việc chính…Ngay ngày mai, tôi sẽ giới thiệu ơn với họ. Anh cũng nên đến thăm họ để cám ơn. Nếu anh muốn, chúng ta sẽ đến thăm họ hằng ngày...
— Nhưng...
— Vô lý I Vả lại, chính anh, anh cũng thừa biết. Nghe đây, tối nay, anh hãy đến ở lại đằng tôi, và ngày mai chúng ta sẽ xuất hành sớm để đến đó vào khoảng giữa trưa.
— Quý hóa thay ông ân nhân ! Ở lại đêm
đàng anh... Thật là một ân sủng... Ngôi biệt
thự đó ở đâu vậy? Pavel Pavlovitch hỏi với
một vẻ sầu muộn.
— Ở Lièssnoi.
— Và áo quần của cháu? Một gia đình quyền quý như thế... hơn nữa, lại ở thôn quê... Chính anh biết đó chứ... tấm lòng của kẻ làm cha.
— Cháu nó cần áo quần gì nữa? Nó đang chịu tang. Nó có thể ăn mặc áo quần nào khác không? Nó ăn mặc như vậy là thích hợp lắm rồi! Chỉ cần áo quần tươm tất hơn, thêm một cái khăn choàng, thế là chu rồi (khăn choàng và quần áo cháu hiện mặc quả là quá thời và dơ bẩn).
— Ngay tức thì! Cháu nó sẽ thay ngay, Pavel Pavlovitch vội vã đáp. Rồi tôi sẽ sửa soạn liền áo quần cho cháu. Hiện giờ quần áo đó đang là giặt ở đằng nhà Maria Syssoievna.
— Vậy cần phải cho người gọi xe đến, Veltchaninov cắt ngang. Và gọi gấp mới được.
Nhưng lại có một trở ngại khác. Lisa không chịu; cô bé đã theo dõi cuộc đối thoại với sự sợ hãi, và nếu Veltchaninov chịu khó nhìn kỹ nó trong khi thuyết phục Pavlovitch, ông sẽ thấy tất cả sự tuyệt vọng trên khuôn mặt bé nhỏ kia.
— Con không đi đâu, cô bé nói với một giọng yếu ớt nhưng cương quyết.
— Anh xem đó! Cháu giống đúc mẹ cháu !
— Không, con không có giống má, con không có giống má! Tuyệt vọng quá độ, Lisa đã vừa la lên vừa xoắn đôi bàn tay nhỏ như muốn phản đối cha đã gán cho mình một cái tội tầy đình là giống mẹ.— Ba, ba, nếu ba bỏ con...
Đột nhiên, con bé nhào về phía Veltchaninov đang kinh ngạc.
— Nếu ông dẫn tôi đi, tôi sẽ...
Nhưng chưa kịp nói hết câu, nó đã bị Pavel Pavlovitch, không dấu được sự tức giận, nắm tay và kéo phía căn buồng xép. Lại những lời thì thầm, những tiếng khóc nghẹn ngào. Veltchaninov định bước vào thì Pavel Pavlovitch từ buồng bước ra, và bảo cho ông ta biết, với một nụ cười gượng gạo, - con bé sẽ ra ngay bây giờ. Veltchaninov cố không nhìn Pavel Pavlovitch, ông nhìn đi chỗ khác.
 Vừa lúc đó, Maria Syssoievna, người đàn bà mà ông đã gặp lúc nẩy ngoài hành lang, bước vào ; Bà ta sắp áo quần của Lisa vừa giặt xong về vào một chiếc va-ly nho nhỏ, xinh xinh.
— Này ông ! Ông mang con bé đi đó à? Bà ta hỏi Veltchaninov. Ông có gia đình chứ? Ông làm như thế là phải đấy. Cháu nó là một đứa bé hiền lành, ông đã cứu vớt nó ra khỏi địa ngục.
— Bà nói gì đó, Maria Syssoievna? Pavel Pavlovitch ấp úng hỏi.
— Sao? Maria Syssoievna ! Tất cả mọi người đều biết tôi tên như thế kia mà ! Nhà ông không phải là địa ngục à? Có hợp cho một đứa bé đã đến tuổi hiểu biết chứng kiến tất cả những cảnh nhơ nhuốc như thế không? Họ đem xe đến rồi đó, thưa ông; đi đến Lièssnoi chứ?
— Vâng, vâng.
— Thượng lộ bình an nhé !
Lisa bước ra, mặt nhợt nhạt, đầu cúi gầm; nó xách chiếc va-ly nhỏ và không nhìn gì đến Veltchaninov cả. Nó dằn lòng và không vội vả chạy đến hôn cha như lúc nãy, cũng không cả một lời giã biệt; nó không muốn nhìn cha. Rất đúng mực, Pavel Pavlovitch hôn trán và khẽ vuốt tóc con; đôi môi con bé trể xuống và cằm nó khẽ run run vì cử chỉ trìu mến kia nhưng nó vẫn không chịu ngước mắt lên. Mặt Pavel Pavlovitch hơi nhíu và đôi tay run rẩy; Veltchaninov quan sát ông dù rằng đã cố gắng đừng nhìn, ông chỉ muốn có mỗi điều: rời khỏi nơi nầy gấp. ‘‘Mình không nói ra chuyện này, ông ta nghĩ thể. Chuyện gì phải đến, đã đến.’’
Mọi người xuống lầu; Maria Syssoievna và Lisa hôn từ biệt. Và chỉ lúc đã lên xe rồi, Lisa mới ngước mắt nhìn cha, đột nhiên, xoắn hai tay lại, nó thét lên; chậm một chút là nó đã nhào ra khỏi xe để chạy tới cha, nhưng ngựa đã cất vó.
CHƯƠNG VI
Cơn Bất Thường Mới
Của Một Người Nhàn Cư
— CHÁU cảm thấy mệt à? Veltchaninov hoảng sợ hỏi. Bác cho ngừng xe nhé, bác sẽ cho mang nước đến cho cháu...
Con bé ngước đôi mắt rực lửa đày trách móc nhìn Veltchaninov.
— Ông dẫn tôi đi đâu? Nó gằn giọng hỏi với ít nhiều chua chát.
— Đó là một gia đình dễ mến, Lisa ạ. Họ ở trong một ngôi biệt thự lộng lẫy; họ đông con cái; bọn chúng sẽ yêu thương cháu, bọn chúng tốt lắm... Lisa, đừng giận bác; bác chỉ muốn điều lành cho cháu...
Ngay trong lúc đó, ông bỗng trở thành kỳ lạ đối với những ai đã từng quen biết ông, nếu nhìn thấy ông !
— Ông... Ông... Ồ ! Ông ác độc lắm, Lisa vừa nói, vừa cố nén tiếng khóc và chầm chập nhìn ông ta với đôi mắt xinh xinh rực lửa giận hờn.
— Lisa, bác...
— Ông là một người ác độc, một người ác độc! Và nó xoắn chặc lấy đôi tay.
Veltchaninov không biết đâu mà tính.
— Lisa cưng, cháu làm bác buồn lòng lắm!
— Có thật ngày mai ba tôi sẽ đến không? Có thật không? Nó hỏi với một giọng trịch
— Thật, thật thế! Chính bác sẽ dẫn ba cháu đến. Bác sẽ tìm ba cháu và dẫn ông ta đến.
— Ông sẽ lừa chúng ta, Lisa thì thâm, mắt sụp xuống.
— Lisa, bộ ba cháu không thương cháu sao?
— Phải, ông không thương tôi.
— Ông có đối xử tệ với cháu không ? Có chứ ? Đối xử tệ chứ ?
Lisa nhìn ông với một vẻ ủ ê và im lặng. Nó lại nhìn đi chỗ khác và vẫn bình tĩnh nhìn xuống. Ông ta cố gắng thuyết phục; ông ta say sưa nói như bị nhiệt tình lôi cuốn. Lisa ngồi nghe với vẻ nghi ngờ, thù nghịch; những nó vẫn ngồi nghe. Sự chú ý đó đã làm cho ông vui thích, ông cũng giảng giải cho nó nghe cả việc người nghiện rượu như thế nào. Ông nói cho nó biết là ông thương nó và ông sẽ săn sóc đến cha nó. Cuối cùng, Lisa ngước mắt lên và chăm chú nhìn ông. Ông kể cho nó nghe vì đâu ông quen mẹ nó và ông nhận thấy những lời tâm sự này được nó để ý đến.  đến. Dần dần, nó bắt đầu trả lời những câu hỏi, nhưng trả lời nhát gừng với một sự e dè và bướng bĩnh. Đối với những cacu6 hỏi quan trọng, nó không nói lấy nửa câu : nó ngoan cố giữ im langf85 về tất cả những gì liên quan đến sự đối xử giữa cha nó với nó! Trong khi nói chuyện, như lúc nãy, Veltchaninov nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn và không buông ra nữa ; nó cũng không rút tay về. Tuy nhiên, không phải con bé im tiếng suốt trong thời gian đó; cuối cùng, bằng những lời không mấy minh bạch, nó cũng cho biết là trước kia nó yêu cha hơn mẹ vì ba nó đã yêu nó nhiều hơn má nó; nhưng mẹ nó, trong giờ hấp hối, khi tất cả mọi người đều ra khỏi phòng để hai mẹ con ở lại, đã vừa khóc, vừa nồng nàn hôn nó... và giờ đây, nó thương mẹ nó hơn tất cả những gì trên cõi đời này, và mỗi ngày, nó mỗi yêu mẹ hơn nữa. Nhưng quả thật nó rất kiêu hãnh: chợt nhận thấy mình nói quá nhiều, nó lại câm như hến. Nó còn oán hờn nhìn Veltchaninov, người đã gợi chuyện. Cuối cuộc hành trình, sự nóng nảy hầu như lắng dịu, nhưng nó trở nên trầm tư, ánh mắt man dại, nét mặt ủ rũ và bướng bĩnh. Ý nghĩ người ta dẫn mình đến một nhà lạ, một nhà mình chưa bao giờ quen hình như lúc này không làm nó bận tâm. Chuyện khác đã làm nó đau đớn. Veltchaninov biết điều này ; ông đoán nó hổ thẹn vì cha nó, nó cảm thấy nhục nhã vì cha nó đã để cho nó bị dẫn đi một cách dễ dàng như là ông ta muốn tống khứ nó đi vậy.
‘‘Nó bệnh, có thể là bệnh nặng, ông ta thầm nghĩ. Người ta hành hạ nó… Ồ ! Tên say rượu khốn kiếp, thằng hèn ! Bây giờ, mình mới hiểu !’’. Ông giục người đánh xe. ông hy vọng khí trời thôn dã, vườn tược, trẻ nít, cuộc sống mới sẽ ảnh hưởng đến con bé… và rồi thì …. Còn những gì sẽ xảy đến sau đó, ông không nghi ngờ chút nào cả ; một tương lai xán lạn, đầy hy vọng mở ra trước mặt ông. Dù thế nào đi nữa, ông chắc chắn được một điều: đó là không bao giờ ông còn cảm thấy sung sướng như ông đang cảm thấy hiện nay, và sự sung sướng này còn mãi suốt đời!  ‘‘Đó là mục đích! Đó là cuộc sống!’’  Ông thầm nghĩ với niềm phấn khởi.
 Ý tưởng ào ạt đến trong trí, nhưng ông không chú ý đến một ý tưởng nào cả và nhất quyết tránh đi sâu vào chi tiết ; không có những chi tiết đó, sự suy luận trở nên rõ ràng và vững chắc. Ông trù tính một kế hoạch sơ lược như sau: ‘‘Mình phải hết sức đối phó với tên đê tiện đó; lúc đầu ông để cho Lisa ở lại nhà ông bà Pogoréltzev trong một thời gian hạn định rồi nó sẽ chuồn êm: Lisa ở lại với mình, vậy đó. Còn gì hơn nữa ? Và … vả lại, chính nó, nó cũng muốn thế kia mà, thế thì nó còn hành hạ con bé làm gì ?’’
Cuối cùng, mọi người đến nơi. Ngôi biệ thự của nhà Pogoréltzev ở một chỗ rất tốt. Đám trẻ nít ồn ào đã túa ra trước thềm và vội vã chạy đến đón Veltchaninov. Đã lâu lắm rồi ; ông không đến đây, và sự vui mừng của lũ nhỏ thật là tột độ. Ông được mọi người ở đây yên mến. Ông chưa kịp bước xuống xe, mấy đứa lớn đã vội hét lớn:
— Còn vụ kiện? Vụ kiện đi đến đâu rồi?
Những đứa nhỏ chộp lấy câu hỏi ấy và lập lại với tiếng cười, tiếng hét. Ở đây, người ta hay lấy chuyện này ra ghẹo ông. Nhưng khi nhận thấy có Lisa, bọn chúng vây quanh lấy và quan sát con bé với một sự tò mò yên lặng và chăm chú, một đặc tính của trẻ nít. Rồi tiếp đến là Clavdia với chồng theo sau; cả họ nữa, ngay trong phút đầu cũng vừa cười vừa hỏi về cái vụ kiện cáo đất đai của ông.

Clavdia Pétrovna là một thiếu phụ khoảng ba mươi bảy tuổi, tóc nâu, khá khỏe mạnh và còn xuân sắc, mặt tươi tắn và hồng hào. Ông chồng khoảng năm mươi lăm tuổi; đó là một người thông minh, mưu lược, nhưng lại là một người tốt. Ở nhà họ, Veltchaninov cảm thấy như quay về ‘‘tổ ấm’’, chữ của chính ông. Sở dĩ có chuyện này là vì một lý do đặc biệt: Hai mươi năm về trước, Clavdia Pétrovna suýt chút nữa đã kết hôn với Veltchaninov, lúc đó còn là một thằng nhóc? một sinh viên. Đó là mối tình đầu của cả hai người, một mối tình nồng nhiệt, lẩm cẩm nhưng đẹp đẽ. Tuy nhiên, cuối cùng, nàng lại lấy Pogoréltzev. Năm năm sau, họ gặp lại nhau, và tình yêu đã trở thành tình bạn, một thứ tình bạn thuần khiết và êm ả. Tình yêu của họ còn sót lại một sự trìu mến nào đó, một thứ ánh sáng đặc biệt soi chiếu vào những bang giao bằng hữu của họ. Tất cả những kỷ niệm có liên quan đến cái quá khứ đó đều thanh khiết và không thể chê trách vào đâu được cả, ông càng cho rằng đó có lẽ là một trường hợp ngoại lệ trong đời ông. Ở đây, trong gia đình này, ông là một người bình dị, chơn chất và tốt; ông săn sóc bọn nhỏ và thái độ của ông luôn luôn thành thật và ngay thẳng. Đã hơn một lần, ông hứa với gia đình Pogoréltzev là chẳng chóng thì chầy, ông sẽ đến ở luôn với họ, và ông đã nghĩ đúng đắn về dự tính này.
Với những chi tiết vừa đủ, ông kể lại cho họ nghe những gì họ muốn biết về Lisa; vả lại, ông cũng tạm nói lên ý muốn của mình mà khỏi phải giải thích dài dòng. Clavdia Pétrovna hôn  con bé mồ côi  và hứa sẽ làm cho nó tất cả những gì bà có thể làm được. Lũ nhỏ ôm lấy Lisa và dẫn nó ra chơi đùa ngoài vườn, sau khoảng nửa tiếng hàn huyên náo nhiệt, Veltcbaninov đứng dậy xin phép ra về. Ông ta bồn chồn đến độ mọi người đều nhận thấy. Cả nhà kinh ngạc: ông vắng tới đến khoảng ba tuần và rồi thì ông từ giã ngay sau nửa giờ viếng thăm! Ông cười và hứa là hôm sau sẽ trở lại. Người ta nhận thấy hình như ông xúc động lắm. Thình lình, ông nắm đôi tay của Clavdia Pétrovna và, viện cớ có một việc hệ trọng ông quên nói với bà ta, ông kéo bà sang phòng bên cạnh.
— Chị có còn nhớ những gì tôi đã kể cho chị nghe, chỉ cho một mình chị mà thôi, ngay cả anh nhà cũng không hay biết, về thời gian một năm tôi sống ở T...?
— Tôi nhớ lắm chứ ; anh thường nhắc nhở đến hoài mà.
— Tôi không nhắc nhở; tôi thú tội với chị và chỉ với mình chị thôi. Tôi chưa bao giờ nói đến tên người đàn bà kia; đó là vợ của Troussotzky. Nàng đã chết, và Lisa là con gái của nàng, nó cũng là con của tôi!
— Anh có chắc không? Anh không lầm đó chứ? Clavdia Pétrovna hỏi lại, giọng khá xúc động.
— Không, không! Tôi không lầm đâu, Veltchaninov trả lời, đầy nhiệt thành.
Và ông ta kể lại tất cả, cố gắng càng gọn càng hay, với một sự hấp tấp nóng nảy. Clavdia Pétrovna đã biết rõ chuyện này, nhưng bà chị biết tên người đàn bà kia. Chỉ nghĩ có một người quen nào đó gặp bà Troussotzky và họ tự bảo ông, Veltchaninov, lại có thể yêu một người đàn bà như thế cũng đủ làm cho ông cảm thấy kinh hoảng ; do đó, ông không đám nêu danh  người đàn bà  ấy cho ai hay, ngay cả với Clavdia Pétrovna, người bạn gái thân thiết độc nhất của ông.
 —Và người chồng không biết gì cả sao ? bà ta hỏi thêm khi ông dứt lời.
— Ông ta biết chứ... Có điều làm cho tôi khó chịu là tôi hãy còn chưa biết hết sự việc, Veltchaninov hăng hái trả lời ; Hắn ta biết, tối qua và sáng hôm nay, tôi nhận thấy là hắn ta biết. Nhưng tôi cần phải biết rõ là hắn ta biết được những gì. Vì chuyện đó mà bây giờ tôi vội vàng đi đây. Chiều nay hắn ta sẽ đến nhà tôi. Vả lại, tôi không hiểu nhờ đâu mà hắn ta lại có thể biết được, mà lại biết tất cả. Hắn biết rõ tất cả những chuyện gì liên quan đến Bagaoutov; điều này không con nghi ngờ gì nữa; nhưng còn về phần tôi ? Chị cũng biết trong những trường hợp tương tự, các bà đã làm thế nào để thành công việc thuyết phục chồng. Nếu có một vị thiên thần từ trời cao xuống thì không phải là ông chồng tin mà chính là bà vợ tin vị ấy. Chị đừng lắc đầu và đừng kết tội tôi. Đã từ lâu, lâu lắm rồi, tôi đã tự xử và tự kết với tôi. Chị xem, mới đây tôi đã gần tin chắc là hắn biết tất cả, tôi đã tỏ ra bối rối ngay trước mặt hắn. Chị biết không, tôi cảm thấy hổ thẹn, tôi cảm thấy áy náy vì tối qua đã tiếp hắn ta một cách thô thiện (có dịp, tôi sẽ kể chị nghe chi tiết câu chuyện này !) Đêm qua, bị một sự thôi thúc hung dữ, vô tình, hắn đã đến nhà tôi trong ý định cho tôi hiểu là hắn biết cái nhục mà hắn phải mang và kẻ lăng nhục là ai vậy. Đó là lý do độc nhất, khiến hắn đến tôi lúc nửa khuya và ngà ngà say. Nhưng đối với hắn đó là chuyện tự nhiên! Hắn đến với ý định rõ rệt là làm cho tôi bẽ mặt. Thế mà hôm qua và cả hôm nay nữa, tôi đã quá nhiệt thành xen vào công chuyện đó. Tôi đã khinh suất, đã ngu dại ! Tôi đã tự tố cáo. Tại sao hắn lại đến lúc tôi đang nổi nóng? Tôi nói chị nghe: hắn hành hạ cả Lisa, dù sao cũng chỉ là một đứa bé; hắn vừa lăng nhục lại cũng vừa để trút lên đầu con nhỏ mối giận dữ điên cuồng của hắn. Phải, bây giờ hắn ta trở thành gay gắt; hắn là một tên vô tài bất tướng nhưng lại đầy sự độc ác, hiển nhiên hắn chỉ là một thằng hề, dù rằng xưa kia, tôi xin thề với chị, hắn có vẻ là một người lương thiện, lương thiện được chừng nào hay chừng đó; nhưng cũng không có gì lạ lùng khi hắn lăn mình vào vùng trụy lạc! Chị ạ, mình phải nhìn những chuyện đó bằng cặp mắt khoan dung của một tín đồ Thiên Chúa giáo mới được. Và chị cũng biết đó, chứ, tôi muốn thay đổi hoàn toàn thái độ đối với hắn: tôi muốn dịu dàng với hắn, và theo tôi, đó là một ‘‘việc thiện’’. Vì dù sao chăng nữa, đối với hắn, tôi cũng là kẻ tội phạm. Chị nghe đây, tôi còn một chuyện muốn thú thật cùng chị. Có lần, ở T..., tôi cần gấp bốn ngàn đồng rouble: rồi thì hắn ta trao ngay cho tôi số tiền đó mà không một mảnh giấy nợ, lại còn có vẻ sung sướng vì được cho tôi mượn tiền. Tôi đã nhận số tiền đó, nhận từ chính tay hắn, chị nghe rõ chứ ? Tôi đã nhân danh tình bạn để vay hắn món tiền đó.
— Những anh hãy cẩn thận, Clavdia Pétrovna nhận xét với đôi chút lo ngại. Anh sao có vẻ xốc nổi quá thế ? Tôi thật là lo cho anh đó. Bây giờ, lẽ dĩ nhiên, Lisa là con gái tôi, nhưng vẫn còn nhiều điều cần làm sáng tỏ ! Và cần nhất, anh hãy cẩn thận hơn nữa; khi nào anh cảm thấy sung sướng hay phấn khởi như lúc này, đó là lúc anh phải hành động thận trọng ; bà ta vừa cười vừa nói thêm: anh quá đại lượng.
 Tất cả mọi người đều ra tiễn đưa Veltchaninov; lũ nhỏ dẫn Lisa đang chơi đùa ngoài vườn đến. Mọi người hình như còn bối rối hơn lúc nãy nữa khi nhìn con bé. Lisa tỏ vẻ hoảng hốt khi Veltchaninov hôn tử giã nó trước mặt mọi người và hứa chắc với nó là ngày mai sẽ đến với cha nó. Đến phút cuối cùng, nó như kẻ bàng quan, vẫn không nói một lời nào ; nhưng, bỗng nhiên, nó nắm tay áo Veltchaninov và kéo riêng ông ta ra, mắt đầy vẻ cầu khẩn : nó muốn nói với ông điều gì. Ông dẫn nó sang phòng bên cạnh.
— Chuyện gì thế, Lisa? Ông hỏi với một giọng dịu dàng và dỗ dành. Nhưng, nhìn quanh với vẻ lo ngại, con bé kéo ông vào trong một góc thật xa ; hình như nó muốn tránh tất cả mọi người.
— Chuyện gì thế, Lisa, chuyện gì thế?
 Nó im tiếng và không có vẻ gì là muốn nói cả: nó nhìn chằm chặp ông ta với đôi mắt xanh biếc, và nét mặt thơ dại của nó chỉ biểu lộ một sự sợ hãi đến điên cuồng.
— Ổng... sẽ treo cổ..., nó thì thầm như nói sảng.
— Người nào treo cổ? Veltchaninov hỏi lại, giọng kinh sợ.
— Ông ta ! Ông ta! Đêm vừa rồi, ổng định chui đầu vào thòng lọng ! Con nhỏ nói với một giọng vội vàng, hổn hển. Chính mắt tôi thấy ! Mới đây, ổng đã nói với tôi ổng muốn tự tử, chính ổng đã nói với tôi như thế ! Đã từ lâu, ổng muốn làm thế, mãi mãi ông ta muốn làm thế!... Tôi đã thấy ban đêm, ông ta...
— Chuyện đó không thể có được, Veltchaninov thì thầm, hơi xao động.
Bỗng nhiên, con bé cầm lấy tay ông mà hôn; nó khóc, tiếng khóc làm nó nghẹn ngào; nó kêu van, nó nài xin ông ta, nhưng ông không làm sao hiểu được những lời nói đứt khoảng của nó.
Sau này, ông vẫn còn nhớ mãi đôi mắt kinh hoàng của con bé bị đày đọa đó; đôi mắt hoảng hốt vì khiếp sợ đã nhìn ông chăm chú trong một niềm hy vọng tột độ; đôi mắt đó theo dõi ông suốt đời.
 ‘‘Có lẽ nào nó thương cha nó đến thế? Ông thầm nghĩ với đôi chút ganh ghét khi tâm trí tỉnh táo lại. Đôi lúc nó lại bảo là nó yêu mẹ nó nhiều hơn !... Có thể đó là nỗi oán hận, chứ không phải là tình thương.
 ‘‘Còn cái câu chuyện ‘‘tự treo cổ’’ mà nó kể là chuyện gì nữa đây? Hắn ta, cái thằng ngốc đó lại tự tử à? Minh phải làm rõ trắng đen vụ này mới được. Mình phải tìm gấp một giải pháp, một giải pháp dứt khoát.’’
CHƯƠNG VII
Người Chồng Và Người Tình
Ôm Hôn Nhau
ÔNG ta háo hức muốn ‘‘biết’’. ‘‘Có lúc mình trở nên lúng túng, có lúc mình lại không đủ thì giờ để tự mình tìm hiểu, ông thầm nghĩ thế khi nhớ lại lần đầu tiên gặp gỡ Lisa, nhưng bây giờ thì mình phải biết tất cả. Muốn hiểu gấp mọi sự, ông quyết định một cách nóng nảy là đến ngay nhà Troussotzky liền bây giờ; nhưng ông lại đổi ý:  Không, tốt hơn là để hắn đến mình, và, trong khi chờ đợi, mình sẽ thanh toán càng nhanh càng hay những công việc ‘‘khốn nạn’’ này đã.
Ông bắt đầu hăng hái làm việc, nhưng ông phải nhận là lần này ông quá lơ đãng và không thể nào làm được việc gì trong ngày đó. Đến năm giờ, khi sửa soạn đi ăn, lần đầu tiên, một ý nghĩ có vẻ khôi hài đột nhiên nảy ra trong trí ông: có lẽ chính mình nên nhúng tay vào vụ kiện bằng cách chạy chọt ở Pháp đình, bằng cách tìm cho ra ông luật sư của mình mà rõ ràng là lão ta cố ý lẩn tránh để cho vụ kiện này kéo dài thêm ra. Ý nghĩ đó làm ông bật cười. ‘‘Nếu hôm qua mình có ý nghĩ đó thì chắc là phiền lắm’’. Ông ta tự nhủ với vẻ bằng lòng. Tuy nhiên, dù cho vui vẻ đến mấy, ông cũng càng lúc càng trở nên lơ đãng và nóng nảy, và cuối cùng ông rơi vào một trạng thái vẩn vơ; với mớ tư tưởng bất định, ông chỉ có thể bám víu đến những chuyện vặt vảnh mà không tài nào nghĩ đến chuyện gì gọi là quan trọng, đối với ông.
 ‘‘Mình cần đến chính hắn ta, đến cái tên đó! Ông tự bảo. Mình phải tìm hiểu hắn ta, rồi sẽ tính sau. Đúng là một cuộc thử sức.’’
Khi trở về nhà vào lúc bảy giờ, không thấy Pavel Pavlovitch đâu cả, đầu tiên ông ngạc nhiên rồi thì ông trở nên tức giận và cuối cùng, việc đó làm ông xúc động một cách khó chịu: ông sợ... ‘‘Chỉ có Trời, chỉ có Trời mới biết nổi việc này kết thúc ra làm sao’’, ông ta lẩm bẩm thế và dù đi ngang đi dọc trong phòng hay nằm dài trên đi-văng, ông vẫn không rời mắt khỏi chiếc đồng hồ treo. Gần chín giờ, Pavel Pavlovitch mới đến. ‘‘Nếu tên này mưu toan đều gì quái quỉ thì chẳng bao giờ hắn còn thể tìm thấy phương cách nào tốt hơn nữa để làm cho mình nổi tam bành; bây giờ mình đang hoang mang cực độ đây’’. Nhưng trong khi nghĩ đến những điều đó, ông bỗng cảm thấy hoàn toàn thoải mái vui vẻ.
Trả lời cho câu hỏi đầy vẻ thơ thới của ông:  ‘‘Tại sao anh đến chậm thế?’’, Pavel Pavlovitch gượng cười, rồi khác hẳn hôm qua, lão ta ngồi xuống với tư thái ít nhiều thung dung, và với một cử chỉ lơ là, lão ném xuống ghế chiếc nón có băng tang. Vetchaninov nhận thấy ngay thái độ đó và tự nhủ sẽ giữ thế.
Bình tĩnh, không một lời thừa thải, sự xúc động lúc nẩy đã tan biến, ông thuật lại cho Pavel Pavlovitch nghe cuộc hành trình với Lisa và người ta đã đón tiếp nó như thế nào; ông giải thích tiếp sự ích lợi cho sức khỏe con bé khi ở đó; và dần dần, như quên hẳn Lisa, ông chỉ nói về gia đình Pogoréltzev. Ông nói về lòng tốt của họ, về mối thâm tình giữa ông với họ, về địa vị quan trọng của Pogoréltzev hiện nay, về ảnh hưởng, về tánh tình nhã nhặn của ông này, và về rất nhiều chuyện tương tự. Pavel Palovitch nghe một cách lơ đãng, đôi khi điểm một nụ cười tinh quái và khinh miệt, và thỉnh thoảng lại ném về phía Veltchaninov những cái nhìn nham hiểm.
—- Anh là một người đầy nhiệt tình, ông nói với một nụ cười đểu cáng.
— Còn anh hôm nay, anh thật khó tính, Veltchaninov nhận xét với vẻ hơi cáu kỉnh.
— Và tại sao tôi lại không có quyền ác độc theo mọi người? Pavel Pavlovitch la um lên như một chiếc lò xò bị nén lâu ngày chỉ chờ dịp là bung ra.
— Tùy anh, Veltchaninov đáp lại với một nụ cười diễu cợt. Tôi tưởng là có lẽ có chuyện gì xảy đến cho anh.
— Phải, đã có chuyện xảy đến cho tôi, Pavel Pavlovitch hét lên như là muốn khoe điều đó.
— Chuyện gì thế?
Pavel Pavlovitch chưa vội trả lời ngay.
— Lại cái anh chàng Stépane Mikhailovitch... Bagaoutov ngông nghênh của chúng ta, cái con người trẻ tuổi hào hoa ở Pétersbourg, cái con người lịch sự của xã hội thượng lưu ấy mà!
— Anh ta lại không tiếp anh nữa hay sao?

— Có chứ... lần này, họ đón tiếp đàng hoàng. Lần đầu tiên, họ mời tôi vào nhà, và tôi đã diện kiến anh ta... Nhưng là để chiêm ngưỡng một cái xác chết!
— Sao ! Bagaoutov chết rồi à? Veltchaninov tỏ vẻ ngạc nhiên dù rằng trong thâm tâm việc đó không làm ông ngạc nhiên chút nào cả.
— Phải, ông bạn cố tri và chung thủy của chúng ta đã bỏ chúng ta! Anh ta chết vào khoảng trưa qua và tôi chẳng biết gì cả! Và có thể ngay trong giờ phút đó, tôi lại đến hỏi thăm tin tức anh ta! Ngày mai sẽ làm lễ an táng; và ảnh đã được liệm trong một chiếc quan tài lót nhung đỏ có nẹp vàng... Ảnh chết vì bị sốt nặng. Vâng, họ đã để cho tôi vào nhìn anh ấy lần cuối. Tôi đã nói với người nhà rằng tôi là bạn thân của anh ta và họ đã để cho tôi vào. Nhưng xin anh cũng hiểu cho!
Cái vụ anh ta, người bạn chí thiết và cố cựu của chúng ta đã chơi xỏ tôi! Có lẽ vì chỉ muốn gặp ảnh mà tôi đã đến Pétersbourgl
— Nhưng anh giận chuyện gì? Veltchaninov nói, ảnh có làm điều gì quá đáng đâu?
— Tôi nói thế là vì tôi thương tiếc anh ta, người bạn quý hóa đó... Anh có biết, ảnh đã như thế nào đối với tôi không?
Và thình lình, với một cử chỉ bất ngờ, Pavel Pavlovitch dựng hai ngón tay trên cái đầu sói như cặp sừng, và lặng lẽ cười. Với cặp sừng trên đầu, ông ngồi cười như thế khoảng nửa phút, mắt nhìn thẳng vào mắt Veltchaninov với một vẻ trâng tráo đắc thắng. Veltchaninov sửng sốt như nhìn thấy bóng ma; nhưng sự kinh ngạc chỉ kéo dài trong chốc lát rồi thì một nụ cười nhạo báng và trầm lặng, gần như là xấc xược, dần dần hiện lên trên môi.
— Như thế có nghĩa gì? Ông chậm rãi nói với một giọng thờ ơ.
— Đó là một cặp sừng, Pavel Pavlovitch trả lời cộc lốc và bỏ tay xuống.
— Cặp sừng của anh?
— Phải, cặp sừng của tôi và do tôi đã thu nhận được ! Và Pavel Pavlovitch lại cười nham nhở.
Cả hai cùng im lặng.
— Anh thật là can đảm, Veltchaninov thốt lên.
— Tại sao? Vì tôi đã cho anh thấy cặp sừng đó? Aléxéi Ivanovitch này, tốt hơn là anh mời tôi món gì đi. Suốt một năm trời ở T..., tôi đã khoản đãi anh rồi... Hãy cho mang một chai rượu, cổ tôi khô ráo rồi này.
— Rất hân hạnh. Đáng lý anh nên nói từ hồi nãy kia. Anh dùng gì nào?
— Tại sao lại nói anh? Nói chúng ta chứ? Chúng ta sẽ cùng nhậu, phải không anh? Pavel Pavlovitch nhìn chòng chọc vào mặt Veltchaninov với một vẻ thách thức nhưng cũng pha lẫn đôi chút lo sợ kỳ lạ.
— Sâm-banh nhé?
— Còn thứ gì khác hơn bây giờ? Chúng ta chưa đến nỗi phải uống Vodka mà!
Veltchaninov thong thả đứng dậy, gọi Mavra và bảo bà ta đem rượu lên.
— Để đánh dấu cuộc tương phùng vui vẻ của chúng ta sau chín năm xa cách! Pavel Pavlovitch cố gắng nói bông lông nhưng không kết quả. Anh, chỉ mình anh thôi, là người bạn chân thành của tôi. Stépane Mikhailovitch Bagaoutov không còn nữa. Và như một thi sĩ đã viết:
Vĩ nhân Patrocle không còn nữa,
Còn lại tên hèn Thersite thôi!
Và đọc đến chữ  ‘‘Thersite’’, ông trỏ vào mình.
‘‘Nào, đồ súc vật, hãy giải thích ngay đi ! Tao không ưa những lời bóng gió,’’ Veltchaninov nhủ thầm. Cơn giận dữ ngầm sôi trong huyết quản, nhưng nãy giờ ông đã cố hết sức nhịn nhục.
— Nhưng này anh, ông bắt đầu với ít nhiều bực dọc, nếu anh buộc tội Stépane Mikhailovitch như thế, (bây giờ ông không còn gọi thân mật là Bagaoutov nữa) thì đó là một điều hạnh phúc cho anh vì kẻ xúc phạm anh đã chết rồi; vậy thì ai làm phiền anh đây?
— Tại sao đó là một điều hạnh phúc? Hạnh phúc nào?
— Tôi căn cứ trên tâm tình của anh mà xét đoán.
— Hi... Hi... trong trường hợp này, anh lầm rồi; một nhà hiền triết đã nói: ‘‘Một kẻ thù còn sống lại là một chuyện hay hơn nữa. Hi... hi...
— Nhưng anh đã thấy anh ấy sống trong suốt năm năm trời, anh đã thấy hằng ngày, tôi nghĩ thế; anh đã có đủ thì giờ để nhìn ngắm hắn ta kia mà, Veltchaninov nhận xét một cách cay độc và xấc xược.
— Nhưng... tôi đã biết được gì về anh ấy? đột nhiên Pavel Pavlovitch lại la um lên như chiếc lò xo bung ra, xen lẫn một niềm vui nào đó vì ông được hỏi một câu mà ông đã chờ đợi từ lâu. Trong trường hợp này, anh cho tôi là thứ người nào, hở Aléxéi Ivanovitch?
Một vẻ gì mới lạ, bất ngờ rực sáng trong tia nhìn của ông và thay đổi hoàn toàn khuôn mặt cho đến lúc đó hãy còn méo mó vì những nét nhăn bần tiện và hung dữ.
— Sao? Có lẽ nào anh không biết gì cả sao? Veltchaninov thốt lên, giọng kinh ngạc cực độ.
— Tôi biết gì về ảnh? Tôi biết gì về chuyện đó? Ồ ! các anh, giòng giống của Thiên Đế! Đối với anh, con người bất quá chỉ là một con chó và xét đoán mọi người theo cái bản tánh ti tiện đó. Của anh đấy! Anh hãy ‘‘dộng’’ đi! — Và ông ta giận dữ đấm mạnh nắm tay xuống bàn; nhưng cử chỉ này bỗng làm ông ta hoảng sợ, và ông ném cái nhìn lo ngại về phía Veltchaninov.
Ông này chồm đậy.
— Nghe đây, Pavel Pavlovitch, anh hãy biết cho điều này là tôi hoàn toàn dửng dưng đối với chuyện anh biết hay không. Nếu anh không biết rõ anh ấy, việc đó là một vinh hạnh cho anh, dù rằng... Vả lại, tôi không hiểu nỗi vì sao anh lại chọn tôi mà giải bày tâm sự...
— Anh không phải là người tôi nhắm đến...
Anh đừng giận, không phải anh đâu, Pavel Pavlovitch thì thầm, mắt nhìn xuống đất.
Mavra bước vào với chai sâm banh.
— Đây rồi ! Pavel Pavlovitch la lên, sung sướng ra mặt vì có dịp khuây khỏa. — Cho mấy cái ly đi, má nhỏ! Tốt! Chúng tôi không cần thêm gì nữa đâu ! Rượu đã khui rồi à! Danh giá và vinh quang thay cho bà, hỡi con người khả ái kia ! Và bây giờ hãy cút đi.
Rồi trở lại đàng hoàng, ông lại nhìn Veltchaninov với vẻ xấc xược.
— Anh hãy công nhận đi, ông ta mia mai, anh thích thú câu chuyện đó chứ không phải ‘‘dửng dưng’’ như anh đã nói; anh thích thú đến cái độ anh ân hận nếu giờ đây tôi đứng dậy ra về mà không giải thích gì cho anh biết.
— Thú thật với anh là tôi chẳng có gì phải ân hận cả.
‘‘Đò nói dối!’’ Nụ cười của Pavel Pavlovitch đã nói lên ý nghĩ đó.
— Vậy thì, bắt đầu nào!—Ông rót rượu ra ly— Mời anh ! Ông vừa nói vừa nâng ly lên. Hãy uống mừng cho vong linh của người bạn Stépane Mikhailovitch khốn khổ của chúng ta đã trở về với Chúa.
Ông nâng ly lên và uống.
— Tôi không chấp nhận loại rượu mừng kiểu này và tôi không uống, Veltchaninov đặt ly xuống
— Sao vậy? Đây là một ly rượu mừng thú vị mà.
— Anh nghe đây! Khi vào đây, anh đã ngà ngà rồi chứ?
— Dĩ nhiên, tôi có nhậu lai rai. Tại sao anh hỏi tôi chuyện đó?
— Không có gì; nhưng hình như hôm qua và nhất là sáng nay anh thành thật thương tiếc Natalia Vassilievna.
— Và ai dám bảo với anh là giờ phút này, tôi hết tiếc thương nàng? Pavel Pavlovitch, chợt nhổm dậy như lúc nãy.
— Không phải vì việc gì đó, nhưng anh nên công nhận là anh có thể lầm về những gì có liên quan đến Stépane Mikhailovitch, và như thế là nguy hiểm lắm đấy.
Pavel Pavlovitch cười quỷ quyệt và nháy mắt ra dấu.
— À ! Anh muốn biết vì sao tôi biết được sự thật về Stépane Mikhailovitch hả!
Veltchaninov đỏ mặt.
— Tôi xin nhắc lại anh hay là chuyện đó không ‘‘ ăn nhằm’’  gì đến tôi cả. ‘‘ Nếu mình tống cổ nó ra khỏi nhà với chai rượu?’’  Ông tự hỏi với sự giận dữ trong lòng, và ông càng cảm thấy thẹn thùng hơn nữa.
— Không có gì đáng kể ! Pavel Pavlovitch nói như là muốn khích lệ Veltchaninov. Và ông lại rót thêm rượu vào ly... Tôi sẽ giải thích anh rõ vì sao tôi biết tất cả, và tôi sẽ thỏa mãn cả những ước muốn sôi nổi nhất của anh... Vì anh là một người nhiệt tình, anh Aléxéi Ivanovitch ạ, một người vô cùng nhiệt tình kia mà! Hi... hi... Nhưng hãy cho tôi một điếu thuốc đã, vì từ tháng ba đến giờ...
— Thuốc đây.
— Tôi đã trở nên hư hỏng từ tháng ba, Aléxéi Ivanovitch ạ, và đầu đuôi câu chuyện như thế này. Anh hãy nghe đây. Như anh biết—giọng ông càng lúc càng trở nên thân mật — bệnh lao phổi là một chứng bệnh kỳ quặc: người mắc bệnh không bao giờ ngờ rằng ngày mai mình không còn ở trên cõi đời này nữa. Tôi nói anh nghe: năm tiếng đồng hồ trước khi từ giã trần gian, Natalia Vassilievna hãy còn lo sửa soạn để hai tuần sau đến thăm bà cô ở cách chúng tôi khoảng bốn mươi dặm. Phần khác, chắc anh cũng rõ về thói quen, hay đúng hơn là cái tật của nhiều bà, nhiều ông muốn lưu lại tất cả những thư từ giấy má dù cổ lỗ sĩ đến đâu, có liên hệ đến mối tình của họ. Cách chắc chắn nhất là ném cả vào lửa, có phải vậy không anh? Nhưng mà không, họ giữ gìn cẩn thận từng mảnh giấy nhàu nát đó trong hộp, họ lại còn đánh số theo năm, theo ngày và sắp xếp thứ tự. Làm như thế, có lẽ họ được an ủi phần nào, tôi không biết có phải như vậy không; nhưng chắc là để nhắc nhở cho họ những kỷ niệm êm đềm. Vậy thì, năm giờ trước khi từ trần, Natalia Vassilievna vẫn còn chuẩn bị việc đi thăm bà cô và dĩ nhiên là không nghĩ gì đến cái chết dù cho giờ cuối cùng sắp đến, và nàng vẫn còn mãi chờ Bác sĩ Koch. Cuối cùng, Natalia Vassilievna đã qua đời và cái hộp con con bằng gỗ mun có cẩn bạc và xa cừ còn lại trên bàn giấy. Đó là một cái hộp nho nhỏ, xinh xinh, có khóa, đã có từ lâu trong gia đình và của bà nàng để lại. Và nhờ cái hộp nhỏ đó mà tôi biết hết mọi sự, không sót một việc gì trong suốt hai mươi năm nay kể từng ngày, từng năm. Và vì Stépane Mikhailovitch là một người say mê văn chương và anh ta có gởi cho tòa soạn một tạp chí nọ một truyện ngắn cảm động; do đó, trong chiếc hộp kia có đựng ngót trăm tác phẩm của ảnh. Chuyện này kéo dài cả năm năm trời. Một vài bài văn lại được chính tay Natalia Vassilievna ghi chú. Anh nghĩ sao? Thú vị cho ông chồng đấy chứ?
Veltchaninov vội vàng kiểm soát lại ký ức và nhớ lại là mình chưa hề viết cho Natalia một lá thư hay một mảnh giấy nhỏ nào. Thật ra, ông có gởi từ Pétersbourg đến hai lá thư nhưng lại gởi cho cả hai vợ chồng như Natalia Vassilievna và ông đã giao ước từ trườc. Lá thư cuối cùng của Natalia Vassilievna báo cho ông biết sự kết thúc dứt khoát mối liên lạc giữa hai người, đã không được ông trả lời.
Sau khi kể xong, Pavel Pavlovitch im lặng đúng một phút, cười nụ và hình như ông mong chờ một câu trả lời.
— Tại sao anh không trả lời câu tôi hỏi? Cuối cùng ông hỏi với một sự phiền muộn ra mặt.
— Câu hỏi nào?
— Câu hỏi về chuyện tình cảm của người chồng khi tìm ra được cái loại hộp mà tôi nói đó.
— À! Can cớ gì đến tôi! —Veltchaninov phác một cử chỉ bực tức, đứng dậy và bước ngang, bước dọc.
— Tôi cá là anh đang nghĩ thầm:  ‘‘Mầy đúng là một thằng vô luân khi chính mầy kể lại câu chuyện nhục nhã đó của mầy !’’  — Hì...hì...hì... Anh thật khó tính!
— Tôi không nghĩ điều gì giống như anh nói cả. Trái lại, chính anh quá tức giận vì cái chết của kẻ gieo nhục cho anh, và, hơn nữa, anh quá chén rồi đấy. Tôi không thấy có gì là đáng kỳ lạ cả; tôi không hiểu rõ vì sao anh muốn, anh cần Bagaoutov còn sống; tôi kính trọng sự tức giận của anh, nhưng...
— Nhưng theo anh, vì sao tôi lại cần đến Bagaoutov?
— Đó là chuyện của anh.
— Tôi cá là anh muốn thấy một cuộc thách đấu?
— Dẹp anh đi! Veltchaninov mỗi lúc mỗi khó dằn lòng, la lên. Theo tôi, thiết tưởng trong những trường hợp tương tự... người có đôi chút phẩm giá không thể nào cho phép mình có những lời nhảm nhí, những bộ tịch lố lăng, những câu bóng gió đê tiện, chỉ hạ tư cách mình xuống mà thôi. Trái lại, họ phải hành động cởi mở, bộc trực như là một người có danh giá.
 — Hi.., hi... hi... Và có lẽ tôi không phải là một người danh giá?
— Một lần nữa nhắc anh hay, đó là việc của anh... Nhưng cái quái quỷ gì xui khiến anh cần đến Bagaoutov như thế?
— Nhưng, chỉ để chiêm ngưỡng dung nhan anh bạn thân đó thôi. Và nếu có thể chúng tôi sẽ khui một chai rượu và vui vẻ nhậu chung với nhau.
— Anh ta sẽ không nâng ly với anh đâu.
— Vì sao? Noblesse oblige (Quý tộc bắt buộc) mà lại! Anh không uống chung với tôi đó sao? Và anh ấy nào có cao quí gì hơn anh đâu?
— Tôi đâu có uống.
— Lòng kiêu hãnh bất thần đó xuất phát từ đâu vậy?
Veltchanov bỗng cười rộ lên.
— Xéo đi ! Anh đúng là một  kẻ hung tợn. Tôi tưởng anh chỉ là một  người chồng muôn thuở  và không là gì nữa cả.
—  ‘‘Người chồng muôn thuở’’  là cái gì vậy?. Cái đó nghĩa ra làm sao? Pavel Pavlovitch hỏi lại liền và vểnh tai nghe.
— Đó là một loại chồng. Nói ra thì dài dòng lắm. Thôi, tốt hơn anh nên về đi! Vả lại đã đến giờ rồi, và anh làm phiền tôi nhiều lắm.
— Và ‘‘hung tợn’’ nữa chứ? Anh đã nói  ‘‘hung tợn’’ kia mà.
— Tôi nói anh là một ‘‘kẻ hung tợn’’. Đó chỉ là một cách nói đùa.

—  ‘‘Kẻ hung tợn’’ là như thế nào? Aléxéi Ivanovitch, nhờ ơn Thượng Đế, tôi van anh, anh hãy giải thích cho tôi rõ
— Thôi đủ rồi! Veltchaninov cắt ngang với một vẻ giận dữ. Đã đến giờ anh về rồi. Anh về đi!
— Không, chưa đủ đâu! Pavel Pavlovitch la lớn và nhổm dậy. Nếu tôi có quấy rầy anh chăng nữa, tôi thấy cũng chưa đi đến đâu, vì trước hết chúng ta phải cụng ly và uống chung với uhau đã chứ. Anh hãy uống đã và rồi tôi sẽ đi, còn bây giờ thì chưa có gì gọi là đủ cả, đối với tôi.
— Pavel Pavlovitch, anh có cút đi không, có hay là không?
— Tôi sẽ xéo tức thì, nhưng trước hết, hãy uống đã. Anh vừa nói rõ ràng là anh không muốn uống với tôi, nhưng tôi, tôi lại muốn anh uống chung với tôi.
Ông ta không làm bộ mà cũng không nói đùa. Có cái gì biến cải trong ông, và sắc mặt, và giọng điệu của ông đều thay đổi đến độ làm cho Veltchaninov phải sửng sốt.
— Ê! Aléxéi Ivanovitch, uống đi chứ ! Đừng từ chối đấy nhé! Pavel Pavlovitch vừa nói tiếp, vừa nắm chặc tay Veltchaninov và nhìn chòng chọc vào mặt ông này. Đối với ông ta, sự quan trọng, hiển nhiên không phải nơi ly rượu.
— Cũng được... vâng, tôi sẽ uống... Veltchaninov ấp úng. Nhưng... đây chỉ là dấm...
 — Còn đúng hai ly... Tồi thật đấy, nhưng chúng ta sẽ cụng và sẽ uống hết. Đây, ly rượu của anh đây.
Họ cụng ly và uống cạn.
— À ! Nếu được như vậy, nếu được như vậy!... Chà!
Pavel Pavlovitch bưng lấy trán và ngồi như thế trong giây lát. Veltchaninov tưởng rằng ông ta sắp nói một lời dứt khoát. Nhưng Pavel Pavlovitch không nói gì cả; ông chỉ nhìn Veltchaninov và lặng lẽ cười, nụ cười lúc nãy, nụ cười tinh quái và đầy ẩn ý.
— Muốn gì, tên say rượu khốn kiếp? Anh coi thường tôi quá!
Veltchaninov vừa dậm chân vừa la lớn, giọng tức giận.
— Đừng la, đừng la! Tại sao lại phải hét lớn? Ông kia vội vã nói và ra dấu can gián. Tôi không có ý khinh thường, nhạo báng anh. Không! Anh có biết hiện giờ anh là thế nào của tôi không?
Và đột nhiên, ông nắm bàn tay Veltchaninov và hôn. Ông này sửng sốt.
— Đó, đối với tôi hiện giờ, anh là thế đó! Và bây giờ, tôi  ‘‘dông’’  nghe.
— Khoan! Khoan đã! Veltchaninov kêu lên sau khi đã lấy lại bình tĩnh. Tôi quên nói với anh là...
Đã ra gần đến cửa, Pavel Pavlovitch quay lại.
— Anh... anh, Veltchaninov lẩm bẩm một cách vội vàng và thẹn thùng, ông không dám nhìn thẳng người khác, ngày mai thế nào anh cũng phải đến cho biết nhà ông bà Pogoréltzev và đề cám ơn họ... Thế nào anh cũng phải đến...
— Vâng, thế nào cũng phải đến? Tôi hiểu rõ mà, Pavel Pavlovitch đáp lại với một sự vội vã quá đáng và phác một cử chỉ gẫy gọn như muốn nói là không cần phải nhắc lại ông điều đó nữa.
— Và, hơn nữa, Lisa đang sốt ruột chờ anh. Tôi đã hứa...
— Lisa !— Pavel Pavlovitch lộn lại. Anh có biết trước kia và bây giờ, đối với tôi, Lisa là gì không? Phải, nó là gì trước kia và bây giờ không? ông chợt la lên như không thể dằn lòng nổi... Nhưng để sau đã, tất cả chuyện đó để sau hẵn hay... Còn bây giờ, anh biết không, anh Aléxéi Ivanovitch, uống rượu không thôi chưa đủ đâu, tôi còn muốn một chuyện khác nữa kia...
Ông đặt nón xuống bàn và nhìn Veltchaninov như lúc nãy, hơi thở hổn hển.
— Hôn tôi đi, Aléxéi Ivanovitch! Ông đột nhiên đề nghị.
— Anh say rồi ! Veltchaninov giật mình la lên.
— Phải, tôi say nhưng anh hãy hôn tôi cái đã. Aléxéi Ivanovitch, hôn tôi đi ! Hồi nãy tôi đã chẳng hôn tay anh đó sao?
Aléxéi Ivanovitch im lặng trong giây lát như là vừa lãnh một gậy trên đầu. Rồi bỗng nhiên, ông cúi xuống hôn môi Pavel Pavlovitch. Ông này chỉ cao ngang vai ông và miệng nồng nặc mùi rượu. Và ông cũng không hoàn toàn biết chắc là mình có hôn ông ấy hay không.
— Vậy thì, bây giờ... bây giờ..., Pavel Pavlovitch lại la lên, như bị cơn say lôi cuốn và mắt rực sáng. Đây là những gì tôi muốn nói với anh: Lúc nãy tôi đã nghĩ: ‘‘Sao! cả tên này nữa à ! Nếu có cả nó nữa thì biết tin ai bây giờ?’’
Đột nhiên, Pavel Pavlovitch khóc ròng.
— Bây giờ anh đã biết anh là người bạn như thế nào đối với tôi rồi chứ?
Và ông ta lủi nhanh, tay cầm nón. Veltchaninov đứng im giữa phòng trong mấy phút như kỳ Pavel Pavlovitch đến đầu tiên.
— ‘‘À ! Nó chỉ là một thằng hề say sưa, không hơn không kém’’, và ông phác một cử chỉ khinh miệt.

‘‘Phải, không hơn không kém’’, ông lập lại một cách quả quyết như ông đã thay áo quần và đi nằm.
CHƯƠNG VIII
Lisa Lâm Bệnh
SÁNG hôm sau, trong khi chờ đợi Pavel Pavlovitch đã hứa sẽ đến đúng giờ, để cùng đi đến nhà gia đình Pogoréltzev, Veltchaninov đã rão bước quanh phòng, uống cà phê từng ngụm và hút thuốc. Ông có cảm giác rất rõ rệt giống như một người sáng hôm sau thức giấc, không ngớt nhớ lại hôm qua mình đã bị hạ nhục.
 ‘‘Hừ !... nó biết quá rõ tình thế và nó sẽ dùng Lisa để trả thù mình!’’, ông nghĩ đến với sự kinh hãi.
Hình dáng dịu hiền và sầu thảm của con bé chợt hiện ra trước mắt. Tim ông đập mạnh hơn khi ông nghĩ đến trong hai giờ nữa, ông sẽ gặp Lisa, Lisa thân mến của ông. ‘‘ Không có gì đáng bàn cãi nữa cả! ông hăm hở kết luận, đó là lẽ sống và đích sống của mình. Có nghĩa lý gì những nhục nhã, những kỷ niệm kia? Cho đến bây giờ, mình đã làm gì cho cuộc đời mình? Chỉ có sự hổn độn và sự buồn thảm... Nhưng bây giờ, mọi sự sẽ khác, mọi sự sẽ khác hẳn !’’
Nhưng, dù trong lòng hân hoan, ông vẫn cảm thấy càng lúc càng lo ngại.
 ‘‘Hiển nhiên là nó sẽ dùng Lisa để làm cho mình đau khổ. Nó cũng sẽ đầy đọa Lisa nữa. Nó sẽ làm như thế để trả thù tất cả. Hừ! Nhất định mình không thể nào để cho nó diễn lại cái trò điên khùng hôm qua!’’ Và ông ta đỏ mặt.
‘‘Nhưng... nó vẫn chưa đến và đã gần trưa rồi’’.
Ông chờ rất lâu, cho mãi đến mười hai giờ rưỡi trưa và sự lo âu của ông tăng dần. Cuối cùng, cái ý nghĩ mới đây đã đến trong trí, cái ý nghĩ là lão ta sẽ không đến, cố ý không đến chỉ để áp dụng lại chiến thuật hôm qua, cái ý nghĩ đó làm ông phát cáu: ‘‘Nó biết là mình cần nó. Chuyện gì sẽ xảy đến cho Lisa bây giờ đây? Và làm sao mình đến thăm Lisa đây, khi không có thằng chả?’’
Cuối cùng, ông không thể chờ đợi hơn nữa, và đúng một giờ trưa, ông chạy đến Pokrov. Ở khách sạn, họ cho biết là hôm qua Pavel Pavlovitch không ngủ nhà. Đến chín giờ sáng, ông ấy mới về và mười lăm phút sau lại ra đi ngay. Đứng gần cửa phòng Pavel Pavlovitch, nghe bà giúp việc giải thích sự việc, Veltchaninov xoay tay nắm để thử mở cánh cửa một cách vô ý thức. Sực nhớ, ông tránh xa cánh cửa và nhờ người dẫn đến gặp Maria Syssoievna. Nhưng bà này, hay tin có ông ở đó, đã thân hành đến.
Đó là một người đàn bà phúc hậu, một người đàn bà ‘‘có những cảm tính cao thượng’’, như lời ông kể lại sau này với Clavdia Pétrovna. Ông vắn tắt hỏi bà ta về chuyện ăn ở của  con bé, và Maria Syssoievna bắt đầu kể cho ông nghe những điều bà biết được về Pavel Pavlovitch.
Bà kể rằng: ‘‘Nếu không vì đứa bé thì tôi đã tống cổ lão ta đi từ lâu rồi. Người ta cũng đã mời lão ra khỏi khách sạn vì những trò bậy bạ. Đang đêm dẫn gái về nhà, mà nhà lại có đứa bé đã đến tuổi hiểu biết, ông xem có phải là tội lỗi không? Đã thế lão ta còn hét:  ‘‘Nếu tao muốn, cô này sẽ là mẹ mày!’’  Rồi thì, tùy ông muốn tin hay không, dù chỉ là một đứa bé nhưng nó đã tỏ vẻ khinh bỉ. Lão ta lại hét lớn: ‘‘Mầy không phải là con tao! Mầy là đứa con hoang !’’
— Bà nói sao! Veltchaninov sửng sốt la lên.
— Chính tôi nghe nói như thế. Lão ta say, lão ta không kềm chế nổi; điều đó có thật, nhưng người ta không thể nào nói những điều như thế trước mặt một đứa bé; nó hãy còn nhỏ nhưng nó đã có trí khôn, và nó hiểu. Cách đây vài hôm, đã có chuyện không may xảy đến: một ông cò, người ta bảo thế, tối hôm trước thuê một căn buồng, và rồi sáng hôm sau, ông ta treo cổ ngoài sân. Nghe đâu ông ta thụt két. Mọi người đều chạy đến xem và không ai giữ đứa nhỏ cả. Và tôi đã thấy gì? Nó đang chen giữa đám đông và nhìn người tự tử với một vẻ lạ lùng. Tôi kéo nó đi ngay. Và ông biết sao không? Nó run, nó trở nên rũ rượi: và khi vừa dẫn nó về đến phòng, nó nhào xuống và làm kinh. Tôi phải vất vã lắm mới cứu nó tỉnh lại. Và từ đó nó lâm bệnh cho đến bây giờ. Còn cha nó, khi về đến nơi, hay tin lão ta véo, ngắt cùng người nó, vì thường thường lão không đánh mà chỉ véo thôi. Rồi thì lão lại nhậu say và bắt đầu làm cho con bé hoảng sợ. Lão nói: ‘‘Vì mày, tao cũng sẽ treo cổ với sợi dây đằng kia kìa, sợi dây treo màn đó.’’ và lão làm một cái nút thòng lọng trước mắt con bé. Như một con điên, nó ôm lấy cha với đôi cánh tay bé nhỏ, nó la: ‘‘Con sẽ không làm thế nữa, không bao giờ nữa, con sẽ không làm như thế nữa đâu!’’ Thấy nó thật là tội nghiệp!
Mặc dù Veltchaninov sẵn sàng nghe những chuyện ngoài ý muốn nhưng những chuyện bà ta kể lại đã khiến ông sửng sốt đến độ không dám tin là có thật. Maria Syssoievna còn kể thêm: Có lần, nếu không có bà ở đó thì con bé đã nhảy qua cửa sổ rồi!
Veltchaninov rời khỏi khách sạn, thất thểu như một thằng say. Ông lập đi lập lại: ‘‘Mình sẽ đập chết nó như đập chết một con chó.’’
Ông lên một chiếc xe ngựa và bảo chạy đến nhà gia đình Pogoréltzev. Vẫn còn chưa ra khỏi thành phố thì xe phải ngừng lại ở một ngã tư ven sông, gần cầu để cho một đám tang đi qua; xe cộ và khách bộ hành đều ngừng cả ở hai bên đầu cầu. Đó là một đám ma sang trọng và các xe đi đưa làm thành một hàng dài. Bỗng nhiên Veltchaninov thấy nhô ra nơi khung cửa một chiếc xe trong đám, bộ mặt Pavel Pavlovitch. Ông sẽ tưởng mình lầm, nếu Pavel Pavlovitch không thò đầu ra cửa xe và chào ông với nét mặt tươi cười. Pavel Pavlovitch có vẻ sung sướng khi nhận ra Veltchaninov và phác một cử chỉ thân hữu. Veltchaninov nhảy ra khỏi xe, và dù đường đông người và nhiều cảnh sát, dù xe của Pavel Pavolvitch đã lên cầu rồi, ông vẫn len lỏi đến tận cửa xe. Trong xe chỉ có một mình Pavel Pavlovitch.
— Chuyện gì xảy đến cho anh thế? Veltchaninov la lớn. Tại sao anh không đến? Tại sao anh lại ở đây?
— Tôi đang làm bổn phận cuối cùng! Đừng la lớn ! Đừng la lớn ! Tôi đang làm bổn phận cuối cùng, Pavel Pavlovitch trả lời, vừa cười một cách tinh quái và nheo mắt. Tôi tiễn đưa linh cửu của Stépane Mikhailovitch, người bạn quý của tôi đến nơi an nghỉ cuối cùng.
— Phi lý ! Đồ say ! Đồ điên! Veltchaninov la lớn hơn nữa sau phút giây bối rối. Anh xuống ngay, và đến đây với tôi ! Tức thì!
— Tôi không muốn thế. Bổn phận...
— Tôi sẽ dùng sức kéo anh xuống! Veltchaninov hét lên.
— Còn tôi, tôi sẽ kêu cứu ! Tôi sẽ kêu cứu ! — Pavel Pavlovitch tiếp tục cười một cách vui vẻ, coi đó như là một chuyện đùa, nhưng ông lại ngồi thụt vào trong xe.
— Coi chừng! Xe cán ông bây giờ! Viên cảnh sát báo động.
Thật thế, một chiếc xe không thuộc đám táng, vượt khỏi hàng và gây náo loạn trong đám đông Veltchaninov bắt buộc phải tránh sang một bên; vài chiếc xe khác đẩy ông ra xa hơn nữa. Ông giận tràn hông và quay về xe mình.
 ‘‘Dầu sao đi nữa, trong tình trạng hiện tại, mình không thể nào dẫn hắn đi được’’, ông nghĩ thầm với lo âu và kinh ngạc.
Khi ông kể cho Clavdia Pétrovna nghe những gì Maria Syssoievna đã thuật lại cũng như kể cho bà ta nghe cuộc gặp gỡ với Pavel Pavolvitch vừa rồi, bà trở nên tư lự:  ‘‘Tôi lo cho anh, bà nói, anh phải ngưng ngay mọi liên lạc với ông ấy càng sớm càng hay.’’

— Nhưng mà nó chỉ là một thằng hề say sưa, không hơn không kém! Veltchaninov giận dữ la lớn. Tôi, tôi mà phải sợ nó à! Và làm sao tôi có thể không liên lạc với nó khi còn có Lisa đó! Hãy nghĩ đến Lisa chứ! Và Lisa lúc đó đang nằm trên giường bệnh. Chiều hôm qua, nó lên cơn sốt và cả nhà đang chờ một y sĩ danh tiếng mà sáng nay họ đã cho người đến tận tỉnh mời ông ta. Việc này khiến cho Veltchaninov hoàn toàn thảng thốt. Clavdia Pétrovna dẫn ông đến gặp con bệnh.
— Chiều qua tôi đã quan sát cháu nó kỹ lưỡng, bà ta nói khi ngừng trước cửa phòng Lisa. Đó là một đứa bé tự hào, và kín đáo. Theo ý tôi, nó hổ thẹn vì ở nhà chúng tôi và nó cảm thấy bị cha bỏ rồi; đó là căn bệnh của nó.
— Tại sao ‘‘bỏ rơi’’? Tại sao chị lại nghĩ là cha nó bỏ rơi nó?
— Chỉ cái việc để cho nó đến nhà những người xa lạ và đi cùng một người cũng hầu như... xa lạ nốt, hay với một người mà sự giao thiệp...
— Nhưng tôi đã ép buộc nó đi kia mà... Tôi không nhận thấy có gì là...
— Trời! Thế mà Lisa, một đứa bé, lại nhận thấy điều đó. Theo ý tôi, chuyện giản dị nhất là cha nó không bao giờ đến đây nữa đâu.
Khi thấy Veltchaninov có một mình, Lisa không tỏ vẻ gì là ngạc nhiên cả; nó cười buồn và quay mặt vào tường, một khuôn mặt nóng bừng vì cơn sốt. Nó lặng im trước những lời an ủi dè dặt và những lời hứa nồng nhiệt của ông là ngày mai sẽ dẫn cha nó đến. Khi bước ra khỏi phòng, ông khóc òa.
Đến chiều, viên y sĩ mới đến. Sau khi khám xong con bé, ông đã làm mọi người hoảng sợ với nhận xét của ông: ông bảo là mọi người đã lầm khi không gọi ông đến sớm hơn. Khi được mọi người cho biết là bệnh chỉ mới phát tối qua, lúc đầu ông chưa chịu tin. Cuối cùng, ông nói: ‘‘Tất cả đều tùy thuộc vào tình trạng đêm nay của con bé’’. Sau khi đã dặn dò những lời cần thiết, ông ra về và hứa ngày mai sẽ cố trở lại sớm, Veltchaninov rất muốn ở lại gia đình Pogoréltzev tối đó, nhưng chính Clavdia Pétrovna lại khuyên ông ta nên một lần nữa thử ‘‘xeo tên ác ôn đó lại’’.
 ‘‘Thêm một lần nữa à? Veltchaninov giận dữ nói; nhưng mà chính tay tôi sẽ trói cổ nó lại và xách cổ nó đến đây’’!
Cái ý nghĩ trói cổ tên Pavel Pavlovitch lại và dùng sức đem gã đến đã ám ảnh ông đến độ khiến ông trở nên nôn nóng. Khi từ giã Clavdia Pétrovna, ông nói: ‘‘Tôi không hề cảm thấy có một chút lỗi nào đối với hắn ta cả.’’ Rồi ông tiếp với giọng giận dữ:  ‘‘Tôi phủ nhận tất cả những lời đầy thương cảm và hèn nhát mà tôi đã từng thốt ra ngay tại đây.’’
Lisa đã nằm nghỉ, mắt nhắm nghiền và hình như đang ngủ; coi mòi nó khá hơn trước. Khi Veltchaninov cúi xuống một cách e dè để hôn phớt lên viền áo, nó chợt mở mắt như là đang chờ đợi ông, và nó thì thầm: ‘‘Hãy đem cháu đi!’’
Đó là lời cầu khẩn dịu dàng và buôn bã, không đượm một chút nào bực tức như tối qua; nhưng người ta hiểu rõ là chính nó, nó cũng biết rằng lời cầu xin đó sẽ không được chấp nhận. Khi nghe Veltchaninov, với sự tuyệt vọng cùng độ, cố thuyết phục là chuyện đó không thể nào thực hiện được, nó im lặng nhắm nghiền mắt lại và không nói thêm lời nào; như là nó không nghe và không thấy ông ta.
Về đến tỉnh, ông tới thẳng khách sạn Pokrovsky. Đã chín giờ rồi. Pavel Pavlovitch không có ở nhà. Veltchaninov đợi ông ấy trọn nửa tiếng, đi đi lại lại dọc hành lang với vẻ nóng nảy một cách khố sở. Cuối cùng, Maria Syssoievna nói cho ông hay là chắc chắn đến sớm mai, Pavel Pavlovitch mới về.  ‘‘Được! Veltchaninov trả lời dứt khoát, sáng mai tôi sẽ đến sớm’’. Rồi ông quay về nhà, lòng đầy bực bội.
Nhưng ngạc nhiên làm sao, khi bước lên lầu ông được Mavra cho biết là ông khách tối qua đã đến chờ ông từ hồi mười giờ rồi.
— Ông ấy đã dùng trà và lại sai tôi đi mua thêm rượu, thứ rượu tối hôm qua đó: ông ấy cho tôi tấm giấy năm đồng rouble. A
CHƯƠNG IX
Bóng Ma
PAVEL Pavlovitch đang ngồi chững chạc trên ghế, chiếc ghế ông đã ngồi tối qua. ông đang hút thuốc và vừa rót đến ly thứ tư và cũng là ly chót của chai sâm-banh. Một bình trà và một cốc trà đã cạn hết nửa đặt trên bàn, cạnh ông ta. Bộ mặt đỏ nhừ của ông rạng rỡ niềm mãn nguyện.
Ông cũng bỏ cả áo ngoài và chỉ mặc có gi-lê.
— Xin anh thứ lỗi cho! Ông la lên khi vừa
thấy Veltchaninov và vội vã khoác áo vào. Tôi vừa cởi áo ra cho thoải mải trong chốc lát.
Veltchaninov bước lại gần với một vẻ dữ dằn:
— Anh không say túy lúy đó chứ? Có thể nói chuyện với anh được không?
Pavel Pavlovitch hơi bối rối.
— Vâng, có say nhưng mà không túy lúy đâu... Tôi uống để nhớ lại người quá cố, nhưng mà... không túy lúy đâu.
— Anh hiểu tôi muốn nói gì chứ?
— Vì lẽ đó mà tôi đến đây, đến để hiểu rõ anh.
— Vậy thì trước hết, tôi nói cho anh hiểu anh là một người đáng khinh! Veltchaninov la lớn với một giọng nghẹn tắt.
— Nếu anh bắt đầu như thế, anh sẽ kết thúc bằng lời gì? Pavel Pavlovitch phản đối yếu ớt và có vẻ kinh hãi lắm; nhưng Veltchaninov vẫn tiếp tục hét như không nghe thấy:
— Con gái anh sắp chết; nó ốm. Anh đã bỏ rơi nó? Có hay không?
— Có lẽ nào nó sắp chết?
— Nó ốm, ốm nặng, ốm thập tử nhất sinh!
— Có lẽ chỉ là vài cơn động kinh xoàng xỉnh...
— Anh đừng có nói nhảm. Nó đang lâm nguy. Anh phải đến đó, dù là chỉ để...
— Để cảm ơn họ đã tiếp rước cháu ! Tôi hiểu rõ lắm, anh Aléxéi Ivanovitch, ông bạn thân, ông bạn hoàn hảo của tôi! Đột nhiên, ông nắm lấy bàn tay của Veltchaninov trong đôi tay mình và nói với một giọng đầy thương cảm, nghẹn ngào như là ông cầu xin một sự tha thứ:  ‘‘Anh đừng la lớn nữa, Aléxéi Ivanovitch, anh đừng la lớn nữa! Nếu tôi chết, nếu tôi chìm lỉm tức thì, say quắc, trong giòng Néva thì việc đó có gì là quan trọng đối với tình trạng hiện giờ đâu? Và về phần ông Pégoréltzev, chúng ta hãy còn dư dã thời giờ để thăm viếng kia mà...’’
Veltchaninov lấy lại bình tĩnh và tự kềm chế đôi chút.

— Anh say rồi, và tôi không hiểu anh muốn nói gì, ông xẵng giọng trả lời. Tôi luôn luôn sẵn sàng giải thích anh rõ; hơn nữa, tôi cũng lấy làm sung sướng kết thúc việc đó... Tôi lại còn... Nhưng trước hết, anh nên nhớ là tôi có biện pháp của riêng tôi: đêm nay, anh ngủ lại đây. Sáng mai, tôi sẽ dẫn anh đi. Tôi sẽ không rời anh nửa bước! Ông ta lại thét lớn, tôi sẽ trói cổ anh lại và mang anh đi !... Anh sẽ ngủ ngon trên chiếc đi-văng này chứ?— Và, vừa thở, ông chỉ cho ông kia chiếc đi - văng rộng rãi và chắc chắn, đối diện với chiếc đi-văng của ông, gần bức tường trước mặt.
— Nhưng sao vậy ! Tôi nằm đâu cũng được chứ...
— Không nằm đâu cả, trên chiếc đi-văng này nè. ‘‘Ra’’ (Drap= vải trải giường), mền và gối đây. (Veltchaninov lấy từ trong tủ ra những thứ đó và ném vội cho Pavel Pavlovitch; ông này dang tay đón bắt với vẻ phục tùng). Trải giường chiếu ngay tức thì đi; làm liền đi !
Pavel Pavlovitch đứng sững giữa phòng trong giây lát, tay nặng chĩu mền gối; ông ta có vẻ ngần ngừ, nụ cười của kẻ say kéo dài trên môi, nhưng khi Veltchaninov nhắc lại lệnh trên với một giọng giận dữ, ông ‘‘ba chân bốn cẳng’’ thi hành ngay; ông đẩy chiếc bàn, và, thở hổn hên, trải và vuốt cho phẳng tấm ‘‘ra’’. Veltchaninov đến gần để đỡ tay ; sự phục tùng và sự sợ hãi của người bạn làm ông bằng lòng phần nào.
— Anh cạn cốc rồi đi ngủ đi, ông lại nói với giọng chỉ huy ; ông cảm thấy không thể nào nói khác hơn được. Chính anh sai người đi mua rượu đó hả?
— Phải, chính tôi... rượu... Aléxéi Ivanovitch ạ, tôi biết rõ là anh sẽ không bao giờ mua cả.
- Anh biết được vậy là tốt đấy. Nhưng anh còn cần phải biết thêm những điều khác nữa. Tôi báo cho anh rõ thêm một lần nữa là tôi đã lo tính xong mọi việc. Tôi sẽ không chấp nhận những trò hề của anh nữa đâu ! Tôi sẽ không khứng chịu những cái hôn nồng nặc của anh nữa đâu !
— Aléxéi Ivanovitch à, chính tôi, tôi tự biết là chuyện đó chỉ có thể xảy ra một lần, và chỉ một lần mà thôi. Pavel Pavlovitch cười một cách ranh mãnh.
Khi nghe xong câu trả lời, đang dạo quanh, Veltchaninov dừng phắc lại trước mặt Pavel Pavlovitch và nói với một giọng gần như trịnh trọng:
- Pavel Pavlovitch, anh hãy nói thật đi! Tôi xin xác nhận một lần nữa anh là một người thông minh, nhưng tôi cũng đóan chắc với anh là anh đã lầm rồi đó! Anh hãy nói thật đi, hãy hành động thẳng thắn đi, và tôi xin hứa danh dự với anh là tôi sẽ trả lời tất cả những câu nào anh thắc mắc.
Pavel Pavlovitch lại cười, cái nụ cười tinh quái khiến Veltcbaninov nổi sùng.
- Khoan đã, lại một lần nữa ông nầy la lớn, anh đừng có đóng kịch nữa; tôi biết anh rõ quá mà. Tôi nhắc lại: tôi sẵn sàng trả lời tất cả những câu hỏi của anh, tôi hứa chắc với anh như thế và tôi cũng sẵn sàng làm anh toại ý, ngay cả trong những câu khó mà toại ý nổi. Tôi mong muốn, hừ! mong biết mấy là làm sao cho anh hiểu được tôi.
- Vì anh tốt đến thế, Pavel Palovitch vừa nói vừa e dè xích lại gần, nên tôi xin thưa với anh là tôi rất chú ý những gì liên quan đến cái  kẻ hung tợn  mà anh kể trong câu chuyện hôm qua.
Veltchaninov phác một cử chỉ cáu kỉnh và lại bước nhanh hơn lúc nãy.
- Đừng, anh Aléxéi Ivanovitch, anh đừng có nóng, tôi rất quan tâm đến vấn đề đó và chủ-ý tôi đến đây cũng chỉ để kiểm chứng. Giọng tôi hơi lè nhè, mong anh thứ lỗi cho... Chính tôi, tôi có đọc một cái gì đó trên một tạp chí, một bài bình luận về ‘‘kẻ hung tợn’’ và về ‘‘người hiền’’, sáng nay tôi mới nhớ lại... nhưng tôi lại quên mất bài đó nói chuyện gì, và thật ra ngay lúc đọc, tôi cũng không hiểu bài đó viết gì nữa. Và bây giờ tôi muốn biết rõ một chuyện: theo anh, anh bạn quá cố Stépane Mikhailovitch Bagaoutov thuộc về thứ nào: ‘‘dữ’’  hay  ‘‘hiền’’?
Veltchaninov vẫn im lặng và tiếp tục bước.
- Kẻ hung tợn, ông la lớn trong một cơn giận khó nén và chợt ngừng lại, là cái người có lẽ vừa bỏ thuốc độc vào cốc sâm-banh của Bagaoutov vừa uống cùng hắn ta một ly để ‘‘mừng buổi trùng phùng vui vẻ’’ như hôm qua anh đã uống với tôi vậy, nhưng cái người đó sẽ không đi đưa đám bạn như anh đã làm, anh, người mà tôi không biết lý do bí mật và hèn hạ nào thúc đẩy, đã trở thành một thằng hề để chỉ thỏa ý thích của mình mà thôi.
- Đúng, cái người đó sẽ không đưa đám bạn đến nghĩa trang, Pavel Pavlovitch công nhận, nhưng anh đã đối xử với tôi một cách...
Nhưng Veltchaninov, không nén nổi giận nữa, tiếp tục hét lớn và không nghe hẳn ta.
- Kẻ hung tợn cũng không phải là người bịa đặt ra những chuyện bố láo, những chuyện có Trời mới biết nổi; cũng không phải là người ghim trong lòng chuyện ân oán, gặm nhấm nỗi nhục nhã, nhỏ những giọt nước mắt cá sấu, làm trò khỉ, làm trò hề, ôm đại mọi người, và, cuối cùng nhận thấy mình đã mất quá nhiều thời giờ để làm những chuyện dại dột... Có thật là anh đã định tự treo cổ? Có thật thế không?
- Khi tôi say, có thể như thế lắm; một ý nghĩ đã chợt đến với tôi... Tôi không còn nhớ nữa. Nhưng mà pha thuốc độc, Aléxéi Ivanovitch ạ, chuyện đó không hợp với chúng tôi, cho riêng phần chúng tôi, tôi là một công chức rất gương mẫu và hơn nữa, tôi có một gia sản đáng kể; ngoài ra có thể tôi còn muốn tục huyền nữa kia mà.
- Vả lại còn những năm khổ sai nữa chứ.
- Vâng, đúng thế, cái điều khó chịu đó. cũng có thể xảy đến dù rằng bây giờ các ông tòa thường nhận thấy có những trường hợp giảm khinh. Vả lại, Aléxéi Ivanovitch ạ, tôi muốn kể anh nghe một câu chuyện khá thú vị; tôi vừa nhớ lại lúc nãy khi còn ở trên xe. Anh vừa mới nói: ‘‘ôm đại mọi người...’’ ; có lẽ anh còn nhớ Sémione Pétrovitch Livtzov? Ông ta đến ở T... lúc anh còn ở đó. Em của ông ta được xem như là một thanh niên hào hoa của giới thượng lưu Pétersbourg, lúc đó là tùy viên của Vị Thống Đốc ở V..., và có những đức tính rất ư ưu tú. Một tối kia, trước mặt các bà mà trong số đó có người ông yêu, một cuộc cãi vã đã xảy ra giữa ông ta với Đại Tá Goloubenko; ông xem đó là một chuyện nhục nhã, nhưng ông nuốt hận và làm thinh. Sau đó ít lâu, Goloubenko lại phổng mất người đẹp của ông và hỏi cưới cô nàng. Vậy mà, anh thử tưởng tượng xem, cái anh chàng Livtzov đó lại trở nên bạn thân của Goloubenko; không những anh ta làm lành với ông Đại Tá nọ mà còn nài nỉ để được làm phù rễ và nâng vòng cua – ron (couronne) trên đầu ông ấy trong suốt buổi lễ. Khi lễ xong, ông phù rễ này đến gần Goloubenko để chúc và hôn mừng; và rồi thì, lễ phục thẳng nếp, tóc tai mượt mà, trước mặt Ngài Thống Đốc và cả giới thượng lưu tại tỉnh, Livtzov giáng một dao sấm sét vào ngay bụng Goloubenko, và ông này ngã gục! Bị chính người phù rễ ! Thật là nhục nhã ! Nhưng không phải chỉ có thế thôi! Cái điều tệ hại hơn là vừa khi đâm xong nhát dao đó, Livtzov nhào tới mọi người đang vây quanh và la: ‘‘Tôi đã làm gì vậy! Tôi đã làm gì vậy!  Hắn ta khóc lóc, run rẩy và ôm đại mọi người, cả những bà nữa... ‘‘Tôi đã làm gì vậy! Tôi đã vừa làm gì vậy!’’ Hi hi... Thật là buồn cười đến chết được. Chỉ có Goloubenko là đáng thương mà thôi; tuy rằng sau đó ông ta cũng được bình phục.
- Tôi không hiểu vì sao anh lại kể cho tôi nghe câu chuyện đó, Veltchaninov xẵng giọng, mày cau lại.
- Nhưng mà chính vi nhát dao đó, Pavel Pavlovitch vừa trả lời vừa cười lặng lẽ. Rõ ràng đó không phải là một kẻ hung tợn mà chỉ là một tên hèn hạ, khốn kiếp, vì sự sợ hãi đã làm cho gã ta quên mất cả phẩm cách, và gã đã ôm đại các bà trước mặt Ngài Thống Đốc; dù rằng gã đã đạt mục đích, đã cắm sâu mũi dao vào bụng tình địch! Độc nhất vì chuyện đó mà tôi để ý đến...
- Thôi, anh cút đi! đột nhiên Veltchaninov hét lên, giọng đổi khác như có chuyện gì tan nát trong lòng ông. Anh hãy xéo đi, xéo đi với tâm lý rẻ tiền, nhơ nhuốc, với mớ ý tưởng hiểm độc của anh! Anh tưởng là anh làm cho tôi sợ à!... anh chỉ đủ sức hành hạ một đứa con nít mà thôi!... Hèn, đồ hèn, đồ hèn, ông vừa hổn hển, vừa hét tướng lên, hoàn toàn không kềm chế nổi mình.
Pavel Pavlovitch giật thót người; cơn say vụt biến, đôi môi ông run run...
- Aléxéi Ivanovitch, chính anh vừa gọi tôi là ‘‘đồ hèn’’! Anh, anh gọi tôi là ‘‘đồ hèn’’, tôi?
Nhưng Veltchaninov đã trấn tỉnh:
— Tôi sẵn sàng xin lỗi anh, ông ta trả lời sau giây lát im lặng, vẻ buồn rầu và ủ ê, nhưng với điều kiện là chính anh, anh phải cư xử một cách thẳng thắng hơn.
- Còn tôi, Aléxéi Ivanovitch ạ, ở địa vị anh, tôi sẽ xin lỗi ngay mà không đòi hỏi một điều kiện nào cả.
- Thôi, được rồi! Veltchaninov đáp lại sau một giây im lặng khác. Tôi xin anh thứ lỗi: nhưng anh, Pavel Pavlovitch, anh nên nhận điều này: sau những sự việc đã xảy ra, tôi không còn là kẻ mang nợ anh nữa, không phải chỉ đối với những điều tôi vừa nói mà là đối với tất cả.
- Không có chi, ăn thua gì cái thứ nợ nần đó?... Pavel Pavlovitch mỉm cười, mắt nhìn xuống đất.
- Nếu được như thế thì càng hay, càng hay chứ sao! Anh cạn ly đi rồi đi ngủ, vì tôi sẽ không mời anh nữa đâu...
- Vâng, rượu... Pavel Pavlovitch hơi bối rối, tuy nhiên ông vẫn đến sát bàn và nốc cạn ly rượu đã đầy sẵn. Có lẽ ông đã uống nhiều rồi vì tay ông run và ông làm rượu đỗ dơ cả sàn, cả áo sơ-mi và áo gi-lê. Song ông vẫn uống đến giọt rượu cuối cùng như là ông không thể nào để sót cặn, rồi trịnh trọng đặt ly xuống bàn, ông đến gần giường để thay áo quần với một vẻ phục tùng.
- Đừng ngủ lại nhà anh có phải tốt hơn không? Bỗng nhiên ông hỏi, không biết vì sao lại hỏi thế, tay đang cầm một chiếc giày vừa mới cởi.
- Không, chuyện đó không hay chút nào cả, Veltchaninov trả lời với vẻ bực tức và không nhìn gì đến ông kia, đồng thời lại dạo quanh.
Pavel Pavlovitch thay áo quần xong và đi nằm. Mười lăm phút sau, đến phiên Veltchaninov, và ông thổi tắt ngọn nến.
Ông trằn trọc mãi mà vẫn chưa ngủ. Có điều gì mới lạ vừa ló ra làm cho ‘‘cái chuyện’’ của ông càng thêm rối nùi; ông lo lắng và cảm thấy hổ thẹn, ông bắt đầu mơ mơ màng màng thì một tiếng động nhẹ chợt đánh thức ông dậy. Ông nhìn nhanh về phía giường Pavel Pavlovitch; phòng tối hẳn (các bức màn đều hoàn toàn buông xuống), nhưng theo ông thì hình như Pavel Pavlovitch chưa nằm và đang ngồi trên giường.
-- Chuyện gì thế? Veltcbaninov hỏi.
- Một cái bóng, Pavel Pavlovitch trả lời sau một phút chờ đợi với một giọng vừa đủ nghe.
- Bóng gì?
— Ở đằng kia kìa, trong phòng này; tôi thấy hình như có một bóng người thoáng qua trước cửa.
- Bóng người nào? Veltchaninov hỏi tiếp sau vài giây im lặng.
- Bóng của Natalia Vassilievna.
Veltchaninov đặt chân xuống thảm và nhìn về phía cửa phòng bên cạnh đang mở rộng. Căn phòng đó không có màn mà chỉ có những bức mành mành trắng mà thôi; do đó ít tối hơn.
- Ở đàng kia chẳng có gì cả và anh say rồi đó. Đi ngủ đi! Veltchaninov nói. - Ông ta lại nằm xuống và quynh người trong mền. Pavel Pavlovitch không nói gì nữa và cũng nằm xuống theo.
- Anh đã thấy cái bóng đó lần nào chưa?
Veltchanũiov chợt hỏi vào khoảng mười phút sau.
- Rồi, hình như tôi có thấy nó một lần, vài giây sau, Pavel Pavlovitch trả lời với giọng yếu ớt. Rồi thì, lại một lần nữa, sự im lặng bao trùm căn phòng.
Veltchaninov không thể nói một cách chắc chắn là mình đã ngủ hay chưa nhưng một giờ vừa trôi qua, bỗng nhiên ông lại trở mình. Một tiếng động đã đánh thức ông? Ông không biết được nhưng hình như có cái gì đang đứng gần ông, một cái gì trăng trắng, một màu trắng nhờ nhờ nổi trong bóng đêm, và ‘‘nó’’ đã đến giữa phòng. Ông ngồi nhổm dậy, chú mục mong nhìn xuyên màn đêm đang vây quanh.
- Anh đó hả, anh Pavel Pavlovitch? Ông hỏi với một giọng yếu ớt; và giọng ông vang lên giữa bầu không khí im lặng với bóng đêm dày đặc, khiến chính ông cũng cảm thấy lạ lùng.
Không một lời nào đáp lại, nhưng ông không thể nào lầm được; có ai đó dang đứng giữa phòng.
- Anh đó hả... anh Pavel Pavlovitch? Ông cao tiếng lập lại, giọng lớn đến độ nếu như Pavel Pavlovitch đã ngủ rồi, chắc chắn cùng phải thức dậy mà trả lời.
Không ai trả lời cả, nhưng hình như cái bóng trắng đó, bây giờ trông đã rõ hơn, đang xáp lại gần. Chợt có cái gì thay đổi, cái gì rạn nứt trong ông như lúc nãy, và ông la hết sức mình với một giọng đứt quãng vì tức giận:
- Đồ say! Đồ hề! Nếu anh tưởng anh có thể làm cho tôi sợ, tôi sẽ quay mặt vào tường, trùm kín đầu lại và nằm yên như thế suốt đêm để cho anh biết là tôi khinh anh đến mức nào... cho dẫu anh đứng như thế cho đến sáng mai... như một thằng hề... Tôi phi nhổ vào anh!
Và, thật thế, ông nhổ một cách giận dữ về phía cái bóng trắng mà ông cho là Pavel Pavovitch, rồi ông quay mặt vào tường, kéo mền lên trùm đầu và nằm yên hoàn toàn trong tư thế đó. Một sự yên lặng đè chĩu nặng nề. Cái bóng ma đang đến gần ông hay là vẫn đứng nguyên chỗ cũ? Veltchaninov không thể nào biết được, nhưng tim ông thì đập loạn xạ... Gần năm phút trôi qua như thế, và bỗng nhiên; cách ông vài bước, vang lên giọng nói yếu ớt và rên rĩ của Pavel Pavlovitch.
- Aléxéi Ivanovitch ạ, tôi vừa mới dậy để đi tìm.., (và ông ta nói tên cái thứ đồ dùng cần thiết đó). Tôi không tìm thấy ở gần gường tôi và tôi định xem thử có ở phía anh không, mà không muốn gây tiếng động...
- Vậy tại sao anh không trả lời... khi tôi hỏi? Veltchaninov hỏi lại bằng một giọng nhát gừng, sau nửa phút im lặng.
- Tôi sợ... anh la lớn quá! Anh làm tôi hoảng...
- Đằng kia kia, ở bên trái, trong góc ấy, gần cánh cửa, trong tủ nhỏ đó. Anh thắp nến lên đi.
- Thôi, khỏi cần đèn, Pavel Pavlovitch trả lời với một giọng nhỏ nhẹ. Aléxéi Ivanovitch, anh thứ lỗi cho nhé, tôi làm phiền anh quá... Bỗng nhiên, tôi cảm thấy say nhừ...
Nhưng Veltchaninov không trả lời nữa. Ông đã nằm dài, mặt nhìn vào tường và ông nằm như thế suốt đêm không trở mình một lần nào cả. Phải chăng ông muốn giữ lời và biểu lộ sự khinh bỉ? Chính ông, ông cũng không biết nổi; thần kinh ông căng thẳng đến độ ông gần phát khùng và không thể nào ngủ ngay đựợc. Sáng hôm sau, ông thức giấc vào lúc mười giờ; ông choàng dậy như bị ai đánh thức. Pavel Pavlovitch không còn ở trong phòng nữa ; mền gối bừa bãi trên chiếc giường trống; ông ấy đã chuồn từ lúc sáng sớm.
‘‘Mình biết trước mà’’, Veltchaninov tự nhủ, tay vỗ vào trán.
Fyodor Dostoevsky
Dịch giả: Đỗ Kim Bàng
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Đi tìm một vì sao: Quê nhà, đất nước, tình người! – Kỳ 1 Suốt hành trình tham gia kháng chiến, mỗi nơi từng sống và chiến đấu đều lưu lạ...