Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Nắng muộn

Nắng muộn

Đã cuối thu đầu đông.
Chiều chưa muộn mà những vạt nắng đã lụi dần, chỉ còn đâu đó chút ánh sáng yếu ớt váng vất nơi ngọn tre, tán cau chót vót trước nhà. Bà Nguyệt vừa cho lợn ăn, vừa tranh thủ quét tước mảnh sân con vương vãi lá cây. Xong việc, bà vào bếp, lẩn thẩn lấy chiếc nồi còn lưng cơm nấu từ trưa vả chiếc niêu đất chuyên kho cá ra hâm lại. Chỉ cần nấu chút canh rau tập tàng, ở nhà có một mình, thế cũng là quá đủ. Bà thần người nghĩ, không biết giờ này, ông Chiến, chồng bà đã ăn cơm chưa nhỉ. Đã hơn tuần nay, chồng bà được con trai về đón lên chơi mãi trên trang trại của nó ở mạn ngược. Theo thói quen, cứ chiều xâm xẩm là bà lại ngóng ra cổng như chờ chồng về. Rõ là “lo bò trắng răng”, trên ấy cha con, ông cháu líu ríu, đông vui là thế, việc gì mình phải ngồi nhà lo chuyện cơm nước cơ chứ? Bao nhiêu năm đằng đẵng, bà lo thế quen rồi. Thôi, giờ cứ lo cái thân già mình đi đã. Dạo này, cái lưng nhâm nhẩm đau, hai đầu gối cũng khó chịu, đêm nằm, bắp chân buồn như trấu cắn. Mình đã là một bà già rồi. Ngày xưa, ở tuần tuổi ngoài sáu chục như mình thì hẳn là già, nhưng thời nay có khác, nhất là các bà, các mợ sống ngoài thành phố, áo quần son phấn cứ phây phây. Đấy, chẳng đâu xa, như cô vợ của người ấy, nghe nói tuổi cũng ngót sáu mươi rồi, nghĩa là chỉ kém mình có dăm tuổi, vậy mà nhìn béo tốt, mỡ màng, dáng vẻ sang trọng như vào tuổi trung niên...
Bà Nguyệt tự cười buồn. Ôi dào, mỗi khi ngắm cái khuôn mặt già héo của mình nơi thau nước lúc rửa mặt, bà chẳng dám tin ngày trẻ mình xinh đẹp có tiếng trong làng là thế. Mà tự dưng bà lại nghĩ ngợi, thầm so sánh cái bộ dạng già lão quê mùa của mình vời vợ người ấy làm gì nhỉ? Rõ vớ vẩn chưa. Phải chăng, lâu rồi bà mới ở vào tình trạng sống một mình như bây giờ, nên sinh nghĩ ngợi lung tung. Hay là, vài hôm nay, trông thấy người ấy, khi sóng đôi cùng với vợ, lúc đi một mình trên đường làng, mà sinh nghĩ ngợi này nọ chăng?
Chẳng buồn dọn cơm vào mâm bưng lên nhà ăn, bà Nguyệt cứ vậy, cơm canh, cá kho cứ nồi nào thức ấy, để xuống nền bếp, xới bát cơm, ngồi ăn. Nhìn ra sân, nắng chiều đã tắt, ngõ ngoài phảng phất khói sương. Bà Nguyệt ăn uể oải, miệng nhai, mắt nhìn, nhưng đầu óc nghĩ đâu đâu...
X
Ngày ấy, vào học cấp 2, chung lớp học với Nguyệt có đến chục đứa người cùng làng, xét chuyện họ hàng dây mơ dễ má, nội ngoại, đều có họ với nhau cả. Cùng tuổi với Nguyệt có vài ba đứa, do muộn đi học, hoặc do học kém bị đúp, số còn lại kém vài tuổi, có Đăng. Cậu ta quê ở làng, nhưng sinh ở Hà Nội, khi bắt đầu xảy ra chiến tranh chống Mỹ thì Đăng theo gia đình chuyển về quê sinh sống  Cậu ta người nhỏ nhắn, trắng trẻo, thư sinh, có vẻ nhút nhát, ít nói. Xét về họ hàng bắc cầu, Đăng là vai anh của Nguyệt. Cậu ta học giỏi, đều cả hai môn toán và văn, học lực luôn đứng đầu lớp, thậm chí đầu cả khối học toàn trường. Năm nào cậu ta cũng được nhận giấy khen về thành tích học tập. Chẳng bù cho Nguyệt, học hành khó khăn chật vật làm sao. Đặc biệt là môn Toán, Nguyệt học thế nào thì những con số nó cứ chuồi ra khỏi đầu. Có lần, Nguyệt đánh bạo nhờ Đăng giảng cho cách giải mấy bài toán khó. Thấy vậy, Đăng bảo là nếu Nguyệt không ngại, thì mỗi tuần, Đăng sẽ dến tận nhà Nguyệt giảng giải lại những kiến thức Toán cơ bản, đặng để Nguyệt hiểu và có thể tự làm những bài toán đơn giản. Nguyệt chỉ cố sao cho đạt điểm trung bình môn học này thôi, trong lòng muốn lắm, nhưng cứ ngại, nên từ chối khéo. Dẫu vậy. hai người cũng cảm thấy thân nhau hơn.
Bù lại, Nguyệt giúp Đặng một số việc thuộc về đồng áng nhà nông. Trẻ con ở quê, những năm chiến tranh, thường phải giúp cha một số công việc nhà nông đơn giản như chăn trâu, căt cỏ, vào những buổi không phải tới trường, Nguyệt lớn tuổi hơn, lại con nhà nông bẩm sinh nên khá thạo công việc đống áng. Khi gặp nhau ở ngoài đồng, để ý, Nguyệt thấy mỗi khi đi chăn trâu, Đăng thường mang theo sách học, hoặc truyện gì đó tranh thủ đọc. Nguyệt vưa thả trâu vừa cắt cỏ, đầy gánh cho mình rồi thì cắt thêm nữa, mang buộc thành bó để Đăng cho lên lung trâu cưỡi mang về. Ít trò chuyện, nhưng hai người ngầm giúp nhau vậy. Lớn tuổi hơn, Nguyệt sớm dậy thì, đã có những rung động đầu đời, tự lòng mình đã phảng phất hình ảnh của Đăng, dù biết cậu ta kém mình mấy tuổi.
Trong đám trẻ làng hay chăn trâu cắt cỏ và làm việc đồng áng, con gái lớn chút, còn có cái Hớn. Đúng với cái tên của mình,  Hớn phổng phao và lúc nào cũng nó cũng hơn hớn như bắt được của vậy. Nó tính khí tồ tề, nên hay làm mọi người bực mình vì những câu nói vớ vẩn, vô duyên. Xét về họ hàng, nó thuộc chi họ và là vai em của Đăng, nên khi xưng hô giữa đám đông, cái Hớn chẳng ngài gì, thản nhiên xưng em với Đăng. Việc này làm Đăng lúng túng đỏ mặt.  Cái Hớn cứ xưng xưng gọi Đăng, “anh ơi, anh à, bố em bảo thế này, thế nọ”… Nguyệt là người kín đáo, ít nói nên cảm giác khó chịu mỗi khi thấy vậy, bởi thâm tâm, Nguyệt quan tâm nhiều đến Đăng.
Làng Hạ nắm dọc theo một con sông nhỏ, chi lưu của sông Cái, nên mỗi mùa mưa lũ thượng nguồn, nước từ sông Cái đổ về sông làng đầy ăm ắp, ngầu đỏ phù sa. Đối với đám trẻ chăn trâu cắt cỏ đồng, vui thích nhất là mùa nước sông to. Khi ấy, lòng sông rộng ra, tha hồ vùng vẫy, bơi lội, tôm cá theo nước nguồn về cũng nhiều hơn, nên thoải mái đánh bắt. Song cũng có cái lo, ấy là mỗi khi trâu lội sông bơi qua bờ bên kia, phá lúa và hoa màu, thì lại phải bơi sang rong trở lại… Có lần, con trâu Ba Gông sứt mũi nhà Đăng nuôi, xuống sông đầm rồi lên bờ bên sà vào ruộng lúa của Hợp tác xã. Đăng sợ bị phạt, cuống lên, không biết xử trí ra sao,. Cậu ta mới tập bơi, nước cạn thì không sao, nhưng nước sông lớn lại chảy xiết, nên không dám liều bơi sang. Nguyệt muốn giúp nhưng cũng lúng túng chưa biết tính sao, thì cái Hớn bảo “Để tớ… Anh Đăng ơi, em bơi sang dắt trâu cho”. Nói rồi, cái Hớn cứ nguyên quần áo nhào xuống sông, phăm phăm bơi sang. Sau một hồi dằng co, hò hét, đánh vật với con trâu Ba Gông sứt mũi, nó cưỡi lưng trâu vượt sông trờ lại bờ bên này như một vị anh hùng chiến thắng trở về vậy. Cái Hớn dúi thừng trâu vào tay Đăng bảo “Đây nhé. Anh cố giữ đừng để nó lôi anh xuống sông nữa đấy. Rõ đàn ông đàn ang gì mà nhát thế!”. Đăng vửa mừng vừa bực vì bị nó tét tát, đỏ mặt, né người nhìn đi nơi khác, trong khi cái Hớn thì cứ hi hi ha ha. Nguyệt cũng bực thay cho Đăng, song để ý, thấy quần áo cái Hớn ướt bết vào người nó, khiên cơ thể nó, nhất là những chỗ mây mẩy con gái mới lớn nổi rõ như người không mặc gì. Nguyệt ngượng đỏ mặt ngoảnh đi, thấy ghét sự vô duyên của cái Hơn, lại như giận gì Đăng, trong khi cái Hớn cứ như tung tẩy… Phải chăng, Nguyệt cảm nhận được thứ tình cảm của mình dành cho Đăng?...
Những năm ấy, chân ruộng xa và trũng úng của làng, gặt xong vụ chiêm, nước đã ngập sâu, cứ bữa chùi, cấy chay thôi, được bao nhiêu cũng quý. Đến vụ mùa lúa chín, nước vẫn ngập đến ngọn, vì các cơn bão cuối mùa khiến trời đổ mưa như trút. Khi gặt, người ta dùng lưới hái quơ lấy ngọn, gánh về xếp đống, lúa ướt sũng chày thành nước nơi sân kho hợp tác xã. Đập đập, rũ rũ rồi mang chia cho các hộ gia đình, có trừ hao thì vẫn thiệt cho người lấy. Hình như lão đội trưởng ghét gì nhà Đăng, nên những hôm thóc ướt như vậy, nhiều nhà chê không lấy, lão ta cứ nhè những gia đình, trong đó có nhà Đăng mà chia thóc. Chứng kiến cảnh ấy, Nguyệt xót cho nhà Đăng lắm, nhưng biết làm sao?
Đã chiến tranh, gian khổ, thiếu thốn, lại hay thiên tai. Đáng sợ nhất là trận lụt xảy ra vào mùa mưa bão năm 1971. Mùa thu ấy, mưa đâu mà nhiều thế, liền cả tuần, đồng trũng chưa kịp thoát nước đi đâu thì bỗng nhiên nước lại đổ về ấm ầm, đồng làng trắng băng, sông cưồn cuộn nước, nhiều khúc lút cả bở, không phân biệt nổi đâu là đồng đâu là sông. Cả làng, chỉ mấy nhà quen nghề chài lưới là có thuyền, cũng là loại thuyền nan, thuyền gỗ nhỏ bé, là còn dám bơi loanh quanh. Vườn nhà Nguyệt bị ngập hết, còn nhà Đăng ở chỗ đất khá cao thì cũng ngập mấp mé cổng vào. Nghe nói, đê vỡ  tứ tung đâu mãi mạn sông Lô, sông Đà, sông Hồng, làm mấy tỉnh đống bằng ngập ráo, đồng ruộng hoa màu mất trắng và đau xót là có rất nhiều  người chết do lũ vở đê cuốn trôi. Người dân bảo nhau, chính phủ phải cho máy bay trực thăng đi cứu tế những vùng bị ngập sâu bằng cách đóng bao ni-lông bánh mì, bột mì và gạo thả xuống như rài truyền đơn ấy. Chừng nửa tháng, nước cũng rút dần. Đường làng, rồi các đường trục chính ngoài đồng ruộng cũng nhô lên. Nước rút đến đâu, cỏ mọc đến đấy. Lúc lụt lớn, trâu bò phải cho ăn rơm dự trữ, nhưng khi nước rút, thì cũng phải kiếm cỏ cho ăn chứ. Bà con dân làng sốt ruột, cũng chớp chới ra đồng kiếm cá tôm mà ăn…
Một chiều, Nguyệt thoáng thấy bóng Đăng dắt con trâu Ba Gông ngang ngoài cổng nhà mình. Cảm giác không yên tâm, Nguyệt bảo bố mẹ đi cắt ít cỏ tươi, rồi liềm gánh bám theo. Đồng vắng toe, lác đác người đây đó lội ngụp ngoài xa giăng lưới, đặt rọ đặt lờ cá. Đăng dắt trâu cho ăn cỏ nơi con đường trục chính giữa cánh đồng. Nước vẫn ngập khá sâu. Nguyệt cắt cỏ loanh quanh cách đó một quãng, chốc chốc lại đưa mắt theo dõi Đăng. Mải chút, Nguyệt cảm giác bất an, và khi nhìn ra, thấy Đăng đang loay hoay dưới nước, ngập đến nách, dằng co với con trâu đang cố chuồi ra xa nữa đắm cả mình. Nguyệt bỏ liềm cẩm chiếc đòn gánh, chạy vội về phía ấy, đến nơi thì cũng là lúc con trâu Ba Gông lôi tuột cả Đăng xuống vùng nước sâu ngập đầu người. Nguyệt ào xuống, gọi bảo Đăng hãy buông thừng trâu ra, bơi lại vào bở. Nguyệt nhoài người đưa chiếc đòn gánh ra để Đăng nắm lấy rồi kéo đòn gánh lôi Đăng vào. Đến chỗ nước nông, Đăng đứng được chân, cả hai tái mét mặt, thở hổn hển, rồi bì bõm lội vào lên lên bờ đường. Thực ra, bình tĩnh  thì Đăng cũng bơi vào chỗ nước nông được, nhưng do đồng nước ngập trắng băng nên khó biết chỗ nông sâu ra sao, Đăng mới hoảng vậy. Trong khi Đăng còn chưa hoàn hồn, thì Nguyệt lại ý tứ chuyện con gái, lánh người ra xa một chút, xây lưng lại, vừa vắt nước trên quần áo, vừa long ngóng tìm cách tránh để quần áo của mình bết vào người như cía Hớn dạo nào. Biết là Đăng lén nhìn mình, Nguyệt đỏ mặt, lí nhí bảo: “Cậu cứ chờ chút, vùng vẫy chán, con trâu nó tự lên thôi... Còn tớ... tớ phải đi cắt cỏ tiếp đây”. Nói rồi, Nguyệt bỏ đi, quên cả chiếc đòn gánh của mình... Đăng gọi “Ơ kìa, Nguyệt ơi, cậu quên đòn gánh à?”. Nguyệt quay lại,, bảo “ Ừ nhỉ... cứ để đấy, tý nữa tớ lấy”... Nguyệt cắt cỏ, đầu óc cứ để đâu đâu, suýt cắt vào tay. Chốc chốc, lén nhìn về phái Đăng, lần nào cũng bắt gặp cậu ta đang nhìn mình. Nguyệt nghĩ, cậu ta cũng thích mình, nếu không, sao cứ nhìn mình mãi thế, và ngợp đi trong niềm vui dâng lên. Cảm giác như có cái gì chạm vào người, Nguyệt giật bắn, ngoảnh lại, thì ra Đăng đứng ngay sau lung, đưa chiếc đòn gánh khẽ chạm vào người cô ”Con trâu tự lên rồi…Trả Nguyệt đòn gánh này”. Đăng chỉ nói được có vậy rồi đứng chết trân. Nguyệt cố nói to “Để đây cho tớ …Tờ nói rồi, khi nào cắt xong tớ qua lấy mà”. Quấn áo ướt, Nguyệt cứ ngồi, nhưng thấy vậy thật không tiện, bèn đứng dậy, lùi cách xa một chút, hai tay lúng túng che che sợ Đăng nhìn rõ thân thể mình trong quần áo ướt bết. Đăng biết ý nhìn ngang, bảo “Ban nãy, may có cậu… không thì tớ … không biết thế nào… Cảm ơn cậu nhé!...”. Hai cặp mắt đối nhau, Nguyệt cảm nhận mắt Đăng nhìn mình khác lạ, như có gì đó bùng cháy…Nguyệt né cái nhìn ấy, và cô thoát ra bằng cách xẻ một phần cỏ mình vừa cắt, để riêng ra, bảo “Cậu mang cho con Ba Gông ăn thêm, rồi về đi, kẻo người ngấm nước lâu cảm lạnh đấy… Tớ cùng về đây:”. Nguyệt xếp quang gánh cỏ, quảy lên vai, chào Đăng. rảo bước, không ngoành lại, nhưng linh cảm mách bảo, Đăng vẫn đứng đấy nhìn theo mình. Nguyệt tự nhủ lòng, cậu ấy thích mình thật rồi, và tự nhiên, cô đưa lén tay khẽ chạm vào phần ngực mẩy thiếu nữ của mình…
Những năm tháng ấy, cuộc chiến tranh chống Mỹ ngày càng ác liệt. Mỗi năm, vài lần tuyển quân, trai làng lác đác nhập ngũ, ở làng chỉ còn đám choai choai và đàn ông đứng tuổi. Anh trai của Nguyệt vừa tốt nghiệp cấp 2 là nhập ngũ ngay. Người đi ra chiến trường vẫn đi, không khí vẫn hào hùng lắm, Ngược chiều ấy, lâu lâu tin buồn về làng quê một âm thầm lặng lẽ, ấy là giấy báo tử các liệt sĩ đã hy sinh ở mặt trận và nó chỉ bùng ra trĩu nặng, uất hận, đau buồn trong lễ truy điệu ở đình làng. Ấn tượng và ám ảnh mãi về sau, còn là sự trừng phạt đối với một vài người đào ngũ, bằng cách cho dân quân áp giải họ trên đường làng, đeo biển trước ngực “Ai cũng hèn nhát như tôi thì mất nước”. Nguyệt thương và lo cho anh trai mình lắm, nhưng lại cầu mong anh ấy đừng có đào ngũ, để khỏi phải chịu nhục như vậy. Cái Hớn bày tỏ muốn đi bộ đội hay thanh niên xung phong để được cống hiến. Và nó được toại nguyện. Hôm mấy đứa gặp nhau ngoài đồng, nó bảo:”Chào các cậu, tớ sắp đi thanh niên xung phong rồi. Bố tớ bảo trai thời loạn mà. Tiếc cái, tờ là con gái, nếu vào bộ đội, tớ cũng có thể thành dũng sĩ diệt Mỹ, thành anh hùng…”. Nó hớn hở, nhơn nhơn chỉ tay vào mặt Đăng:”Con trai như anh, xung phong nhập ngũ đi chứ… Nghe bảo, mấy đứa ở làng bên còn cắt tay lấy máu viết đơn xin nhập ngũ đấy.”. Thấy mặt Đăng tĩn ra, Nguyệt thương, cãi hộ “Cậu ấy vẫn chưa lớn  mà… với lại có đi khám nghĩa vụ quân sự cũng không đủ sức khỏe đâu…”. Cái Hớn nhìn chăm chăm từ đầu đến chân Đăng bảo: “Ừ nhỉ… cái mã anh thì sao đeo nổi ba lô, còn gạo nước, súng đạn nữa chứ”. Bộ dạng, mặt mũi Đăng nhăn nhó trông thật tội nghiệp. Nguyệt cố đùa để lấy lại tinh thần cho Đăng “Với lại, ai cũng ra trận hết thì sau này chiến tranh kết thúc, thông nhất đất nước, lây đâu ra người để xây dựng lại đất nước… Đăng học giỏi, học tiếp thành kỹ sư, tiến sĩ, mai đây cống hiến vẫn kịp mà…”. Đăng nhìn Nguyệt, ánh mắt tỏ vẻ biết ơn, nói như tự nhủ “Mình cũng nghĩ thế!...”.
Cái Hớn đi. Bố nó đem thư nó khoe với hàng xóm, nên người làng ít nhiều biết được mặt trận trong ấy cũng đầy gian khổ hy sinh,.. Thế rồi, chuyện buồn đến với nhà Nguyệt. Giấy báo tử anh Trung, anh trai Nguyệt hy sinh ở chiến trường B.
Lễ truy điệu anh Trung ở sân đình, giữa đám dân làng, Nguyệt thấy thấp thoáng bóng Đăng, nhưng cậu ta e dè đứng xa lẫn vào đám đồng. Sau đấy, Nguyệt vẫn phải đầm ải việc đồng áng, vì bố mẹ dường như già yếu đi trông thấy sau khi anh Trung hy sinh. Chị gái Nguyệt lấy chồng ở xã bên, năng đi lại an ủi cha mẹ hơn, nhung việc chính trong nhà, Nguyệt phải đảm đương hết. Tuổi mới lớn, chưa kịp  niềm vui hoa niên thì đau buồn đã ập đến, làm Nguyệt vốn bản tính nhu thuận, lại thêm lặng lẽ hơn. Mỗi khi ra đồng, làm gì thì Nguyệt cũng có ý, đưa mắt quanh quất, bao quát xem có bóng dáng Đăng không. Hết cấp 2, Nguyệt ở nhà làm ruộng giúp gia đình, Đăng học lên cấp 3 nên phải đi trọ học xa. Cuối tuần nào, Đăng cũng về nhà, thi thoảng ra đồng giúp bố mẹ, nên hai người cũng khó giáp mặt nhau. Thiếu bóng dáng Đăng, Nguyệt thấy công việc đồng áng chẳng còn thú vị gì nữa, nhưng cô không thể không làm. Nguyệt váng vất trong lòng bởi không ngờ mình lại đem lòng yêu mến, quý trọng người anh họ xa kém mình vài tuổi, thư sinh nho nhã ấy. Thâm tâm, Nguyệt hiểu, Đăng cũng có tình cảm đặc biệt với mình, nếu không muốn nói là thích mình ra mặt,... Cô cũng ý thức được hình thức xinh đẹp của mình. Người như Nguyệt, nếu không phải vì chiến tranh, làng quê thiếu trai tráng, thì có mà đắt như tôm tươi, nhiều nhà tranh nhau đánh tiếng. Hoàn cảnh chung vậy, Nguyệt không dám nghĩ về chuyện chồng con của mình. Ngay như tình cảm thầm kín giữa Nguyệt và Đăng, hai người hiểu lòng nhau, nhưng không một ai dám thộ lộ. Với Nguyệt, lớn tuổi hơn, nếu như Đăng chủ động, cũng chưa chắc cô dám đón nhận, bởi chiến tranh vẫn còn đó, ngày thêm ác liệt, ái dám bảo không, ngày một ngày hai, Đăng cũng sẽ lên đường nhập ngũ, vào mặt trận và không bao giờ trở về như anh trai Nguyệt và bao trai tráng khác? Nếu không, học giỏi như cậu ấy, sẽ học lên cao nữa, thậm chí ra nước ngoài học tập, tương lai tiền đồ rạng mở, lúc ấy, Nguyệt và làng quê sao níu chân người đi? Và một cản trở nhãn tiền, ấy là cha mẹ hai bên, chắc gì họ đã đồng tình, ủng hộ, khi hai nhà có họ hàng xa với nhau, và Nguyệt lại hơn Đăng vài tuổi?... Nguyệt không dám nghĩ, lại càng chẳng dám mơ, hai người có hạnh phúc đôi lứa!... Còn Đăng, Nguyệt thầm phỏng đoán, cậu ấy thích mình bởi thứ cảm xúc nhất thời của chầng trai mới lớn, ít nhiều mang tính bản năng, khi mà Nguyệt đang độ tuổi xinh đẹp mỡ màng của thiếu nữ dậy thì, tính nết lại ngoan hiền, chăm chỉ, nhường nhịn...
Với ý nghĩ như vậy, Nguyệt cố dứt mình ra khỏi thứ tình cảm thuần khiết đầu đời dành cho Đăng, để quyết định việc lựa chọn người đàn ông của đời mình,,,
X
Số là, làng Hạ đang ảm đạm bởi những mất mát đau thương vì một số trai làng hy sinh nơi mặt trận, thì không khí bỗng thay đổi đột ngột, tưng bừng hẳn lên, khi có một người anh hùng từ chiến trường trở về. Người ấy là anh Dũng. Nói là anh hùng thì hơi quá, đúng ra, anh Dũng được phong danh hiệu dũng sĩ diệt Mỹ. Anh ấy hơn Nguyệt mấy tuổi, nhập ngũ trước anh trai cô một năm, Khi còn học cấp 3, anh ấy học giỏi văn và nói năng lưu loát, văn hoa. Nhập ngũ, huấn luyện rồi đi chiến trường B. biền biệt mấy năm không tin tức, nay bỗng trở về với danh hiệu dũng sĩ và là thương binh vì mất một bên chân. Việc anh Dũng trở về gây nên một sự kiện chưa từng có ở làng Hạ, thậm chí cả xã, Từ cán bộ xã, đến cán bộ các đoàn thể, thôn xóm đều đến tận nhà thăm anh. Họ hàng, làng xóm cũng ùn ùn kéo đến thăm. Đến nhà anh, không những để chia vui, và để hỏi thăm người nhà đang ở mặt trận, còn để nghe anh Dũng kể chuyện chiến đấu nơi chiến trường ác liệt ra sao... Đảng ủy xã gợi ý và tổ chức mời anh Dũng đứng ra nói chuyện với mọi người nhằm động viên tinh thần chiến đấu, sản xuất chung. Sau buổi tổ chức ở xã, anh Dũng nói chuyện ở làng. Mọi người càng xôn xao chuyện về anh Dũng bao nhiêu, thì nhà Nguyệt tủi thân bấy nhiêu, nỗi buồn vì anh Trung hy sinh. Nguyệt cứ ước, giá anh Trung mình cũng như anh Dũng thì hạnh phúc bao nhiêu. Buồn là thế, nhưng khi anh Dũng kể chuyện chiến trường ở sân đình, Nguyệt có đi nghe, nhưng chọn chỗ xa đứng. Công bằng, anh Dũng kể chuyện rất cuốn hút, dẫn dắt, lưu loát, truyền cảm, khiến mọi người khi lặng đi vì xúc động, lúc lại ồn lên vui vẻ vì sự hài hước. Nguyệt ngồi khá xa bàn diễn giả, và nghe cũng câu được câu mất, nhưng cô cảm thấy ánh mắt anh Dũng luôn dõi thẳng vào mình. Vì vậy, cô vờ như không biết, quanh quất nhìn đi đâu đó. Khi anh Dũng nhăc tên vài ba chiến sĩ người lầng đã hy sinh, có tên anh Trung, thì anh nhìn thẳng vào mắt Nguyệt, khiến cô trào nước mắt suýt bật khóc thành tiếng. Kết thúc buổi nói chuyện, anh Dũng hùng hồn nói những lời như hiệu triệu. Khi dân làng giải tán, ra về hoặc túm lại thành từng nhóm, chuyện trò này nọ, không ngớt lời khen ngợi, thì anh đi thẳng đến chỗ Nguyệt đứng. Nguyệt thắt tim không biết ứng xử ra sao thì anh ân cần: “Nguyệt phải không?... Anh đi mấy năm mà ở nhà em lớn vổng lên,… xinh quá... Anh suýt không nhận ra đấy... Anh lấy làm buồn tiếc khi biết tin anh Trung em hy sinh... Chiến trường mà, mũi tên hòn đạn nó tránh mình, chứ mình làm sao tránh nó... Lúc ấy chỉ còn biết tìm địch mà tiêu diệt... Anh may mắn hơn, chỉ mất một chân... Nhưng không sao, em à. Còn một chân với hai cánh tay này, không chiến đấu nơi chiến trường thì cống hiến nơi mặt trận sản xuất, xây dựng... Em ạ, anh tin mình đủ khả năng gánh vác việc gia đình...”. Câu cuối, anh trầm giọng nhỏ như chỉ đủ cho hai người nghe. Sau này, khi lấy nhau. Nguyệt mới hiểu, khi ấy, anh Dũng đã hàm ý việc sẽ hỏi mình làm vợ...
Và rồi, chì dăm tháng sau, bao ồn ã từ việc anh Dũng xuất ngũ về làng với các câu chuyện chiến trường của mình lắng đi, thì anh lại gây nên một xôn xao mới, ấy là việc đánh tiếng hỏi Nguyệt làm vợ. Làng nước, ai cũng khen là đẹp đôi vừa lứa, trai anh hùng, gái thuyền quyên. Gọi anh Dũng là trai anh hùng cũng là xứng đáng với những cồng hiến và mất mất của anh cho chiến tranh thống nhất đất nước, còn Nguyệt, nói gái thuyền quyên thì hơi quá, song ở tuổi mười tám đôi mươi, dẫu không giỏi giang xuất sắc nhưng xinh xắn và hiền thục. Bố mẹ Nguyệt mừng lắm, phân giải cho cô, tuy anh Dũng là thương binh đấy, nhưng như vậy là phúc rồi, lại nữa, anh đang là sự ngường mộ của mọi người, lấy nhau, vợ chồng yên phận mà sản xuất, sinh con đẻ cái. Nguyệt có vẻ thuận theo, nhưng trong lòng, vẫn ít nhiều vương vấn mối thiện cảm với Đăng. Song le, chuyện ấy chỉ hai người biết với nhau, có chăng, mẹ Nguyệt mơ hồ biết chuyện, tìm cách gạt ngay đi để Nguyệt không mơ tưởng gì, bảo “Con gái có thì, chiến tranh thì ngút trời như thế, biết đâu mà lường, con ạ... Với lại, nhà bên ấy dòng Nho gia nền nếp, chọn dâu con kỹ lắm, duyên số có thành thì làm dâu cũng mệt... Mà nhà người ta có hỡi hơi gì đâu,… chẳng nhẽ cọc đi tìm trâu à?”. Mẹ Nguyệt buông mấy câu như vậy khi có hai mẹ con với nhau, lửng lơ vậy thôi nhưng có sức lay chuyển, và Nguyệt sụp đỏ trước lý lẽ đó, chấp thuận việc đánh tiếng ngỏ lời của anh Dũng. Việc chọn ngày cũng phiên phiến  vì chiến tranh. Động viên thành tích của anh Dũng, xã bán phân phổi cho anh ít bánh kẹo, chè gói và thuốc lá để tổ chức đám cưới.
Trước lẽ cưới ít ngày, một chiều, Nguyệt tranh thủ làm đồng giúp bố mẹ. Xong việc, chiều đã muộn, Nguyệt ra bờ sông rửa chân tay, định về thì chạm trán Đăng. Cậu ta trọ học xa nhà, chiều ấy từ nơi trọ về nhà. Thấy Đăng, Nguyệt lúng túng như người mắc lỗi, lí nhí chào. Khác mọi khi, Đăng mạnh bạo, chủ động nói chuyện. Hai người đi sóng đôi nhưng Nguyệt lánh xa đủ để nói chuyện. Chuyện nhì nhằng một hồi, khi gần đến cây đa đầu làng, Đăng dặng hắng, hỏi“Nghe nói... Nguyệt săp lấy chồng?”. Nguyệt bước chậm như đứng lại “Ừ... Đăng biết rồi à?”. “Chủ nhật tuần trước về nhà,... mẹ tớ nói...Vậy là đúng...”. “Vài ngày nữa là chúng tớ tổ chức đám cưới...”. “Nghe nói... là anh Dũng... Anh ấy xứng đáng mà... Anh ấy thật may mắn... khi lấy được Nguyệt...”. “Tớ tưởng cậu nghĩ... tớ may mắn lấy được anh ấy cơ?”. Nguyệt thoát khỏi mặc cảm có lỗi, cố đùa. Hai người dừng hẳn, đối diện nhau, Đăng nói chậm, từng từ một “Nguyệt có yêu... À, có thích anh ấy không?’. Hai cặp mặt gặp nhau, Nguyệt nói lảng tránh “Bố mẹ tớ... cả tớ... đồng ý lời cầu hôn của anh ấy...”. Đăng nén tiếng thở dài “Đáng tiếc... tớ không phải là người may mắn... Chúc đắng ấy hạnh phúc!...”. Nguyệt nín thinh, cúi mặt “Đăng còn trẻ... Lại học giỏi... tương lai rạng ngời...chờ cậu mà...”. Đăng gặng “Cậu có vẻ buồn? Sắp cười rồi... thì phải vui chứ? Sao vây?”. Nguyệt như muốn khuỵu chân, lấy hết can đảm “Tớ xin lối... ấy nhé...”. Rồi như một kẻ trốn chạy, Nguyệt nén bật khóc, rảo bước thật nhanh  đi hút vào đường làng. Đến khúc ngoặt, Nguyệt mới dám ngoải nhìn lại, Đăng vẫn đấy, cái bóng mảnh khảnh thư sinh của cậu ta như một dấu chấm phảy trong bóng hoàng hôn...
 
X
Mới đó, mà đã hơn bốn mươi năm rồi...
Ánh chiều đã tắt. Sương phảng phất đâu đó nơi ngọn cây. Bà Nguyệt thở dài, đứng dậy dọn dẹp bát đũa, nôi niêu. Khép cửa bếp, lên nhà, đến trước gương. Lâu rồi, bà mới dám đứng trực diện soi gương. Đâu rồi gương mặt trái xoan vẻ buồn buồn, hàm răng trắng đều và mái tóc đen dày dài chấm thắt lưng tuổi mười tám đôi mươi của cô Nguyệt xinh có tiếng trong làng? Giờ chỉ còn gương mặt hao mòn dày nếp nhăn và mái tóc thưa mỏng bạc già nửa... Bật đèn sáng trưng, từ hôm chồng vắng nhà, bà Nguyệt thích để đèn sáng, bật ti vi cho đỡ cô quạnh. Ngó mặt ti vi mà bà chẳng rõ người ta nói gì ở đấy...
 Ngần ấy năm, vẫn tất bật sớm hôm việc đồng áng, nhà cửa. già đi là đương nhiên, song bà Nguyệt hiểu mình già hơn so tuổi. Lo việc nhà chồng, nhà mình, bà như đã quên Đăng từ lâu lắm rồi. Sau lần giáp mặt cuối cùng ấy, thi thoảng Nguyệt thấy bóng dáng Đăng đâu đó trong làng. Đăng có đi khám nghĩa vụ quân sự nhưng không đủ sức khỏe nhập ngũ, tốt nghiệp cấp 3 thì cũng là lúc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Đăng đậu đại học, ra trường nhận công tác mãi phương Nam. Bố mẹ Đăng người trước người sau mất cả, các chị gái lấy chồng nên nhà vườn ở làng Hạ bỏ không nhờ người quen trông hộ. Lâu lâu, người làng thấy Đăng đáo về thăm nom...
Còn Nguyệt, sau đám cưới, chỉ biết chuyên tâm, quán xuyến việc cả hai gia đình. Sống với nhau, Nguyệt hiểu, ngoài chuyện chiền trường, chồng mình cũng chỉ văn hoa vặt vãnh thôi, chứ kiến thức chẳng là bao. Thêm nữa, việc đồng áng cũng không mấy thạo, sức khỏe yếu vì thương tật nên bao việc nặng nhọc hai bên đều đổ hết vào đầu Nguyệt. Thực lòng, cô cũng không trách gì chồng, hiểu chồng mình đã hiến tuổi thanh xuân cho chiến tranh và bị thương tật đã là một thiệt thòi lớn. Sự buồn tủi của Nguyệt ấy là mãi không chửa đẻ. Vài ba năm, rồi dăm năm qua đi, Nguyệt không một lần mang thai. Làng xóm cũng xì xào này nọ, người chê cô đực, không biết chửa đẻ, kẻ lại bảo anh Dũng bị nhiễm gì đó ở chiến trường nên tịt dường con cái. Chẳng biết giải thích làm sao, Nguyệt thây kệ, nhưng thâm tâm, tự biết mình vẫn đầy đủ, đều đặn chức năng sinh lý đàn bà. Vậy thì chỉ có thể tại chồng thôi. Nghĩ vậy, song cũng không dám nói thẳng với chồng. Có vài ba lần Nguyệt tìm thầy, thuốc thang, đông tây y đủ cả nhưng vẫn chẳng được. Cực chẳng đã, Nguyệt đánh bạo nói với chồng, thì anh Dũng gạt phắt, bảo anh khỏe mạnh, ngoài cái chân cụt ra, không bệnh tật gì cả. Nói vậy thôi, anh Dũng có thể giấu người ngoài chứ làm sao giấu được Nguyệt. Vợ chồng đầu gối tay ấp hàng đêm, chuyện giường chiếu, chăn gối ra sao, Nguyệt hiểu chứ. Vốn bản tính hiếu thắng nên anh Dũng không bao giờ nhận lỗi về mình. Sự hiếu thắng của một người lính trận trở về bộc lộ cả trong chuyện tình ái với vợ ngay đêm tân hôn. Khi Nguyệt còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì anh Dũng đã làm xong nhiệm vụ con đực của mình với vẻ hoan hỉ. Nguyệt những tưởng có thể chồng háo hức kiểu của đàn ông lần đầu lâm trận. Nhưng rồi, sau vẫn vậy, nên Nguyệt chưa một lần có được cảm giác sung sướng đàn bà. Nói năng thì khéo léo là thế nhưng chuyện chăn gối anh Dũng lại vụng về, đơn điệu, vị kỷ…Và dần dần, mỗi lần chăn gối, Nguyệt chỉ còn cảm giác cam chịu cho xong chuyện. Song như thế còn là may mắn. Sinh lực đàn ông trong chuyện tình dục của anh Dũng như ngọn đèn hao dầu cạn bấc, chập chờn, le lói và lụi dần. Kể cả việc chồng trở thành bất lực đi chăng nữa, Nguyệt cũng cam chiụ nếu như trước có được mụn con. Mỗi đêm, vợ chồng nằm bên nhau, canh thâu đằng đẵng, nhiều lúc Nguyệt ứa nước mắt tủi thân, nhưng ngẫm nghĩ, chồng mình cũng đáng thương lắm chứ. Mươi năm vẫn không con cái, muốn níu giữ gia đình, Nguyệt hiểu mình phải có con bằng mọi giá. Người chị ruột nhỏ to, bàn với Nguyệt, tính toán nếu thuốc thang không được mà mình vẫn có thể sinh đẻ, thì liều một phen, chủ động xin giống của ông thầy thuốc nào đó, miễn sao có thai sinh con. Ai biết đấy là đâu. Chuyện này, Nguyệt nghe đâu đó đã từng, song bản tính nhu mì, không dám nghe theo. Thực lòng, những năm tháng không con cái, hằng đêm, vợ chồng nằm cạnh nhau như hai miếng gỗ ghép không khớp, Nguyệt cũng từng phiêu lưu trong ý nghĩ. Có nhiều lần, Nguyệt khát khao được ân ái thì chồng cũng chỉ ôm ấp, vuốt ve qua loa. Nguyệt đã nghĩ về người đàn ông thuở hoa niên của lòng mình, và tự hỏi, nếu hai người có duyên phận với nhau, biết đâu có vài ba đứa con cũng nên. Lại có lúc nghĩ quẩn, Nguyệt khát khao đàn bà ước được ôm ấp, được dâng hiến cho người ấy... Song mới chỉ nghĩ vậy thôi, Nguyệt đã cảm giác của người có lỗi với chồng... Chồng buồn một thì Nguyệt buồn mười, song cứ buồn phiền thì cuộc sống chỉ mòn mỏi thêm mà thôi. Cuối cùng, vợ chồng bàn bạc, nhờ cậy tận bệnh viện tỉnh, xin được một trẻ sơ sinh trai vô thừa nhận, về nuôi làm con. Khi nhà có tiếng trẻ khóc cười, niềm vui đến với vợ chồng Nguyệt như một sự đến bù của cuộc đời.
May là, cu Đạt, đứa con nuôi lớn lên khỏe mạnh. Dù không giỏi giang nhưng được cái lanh lợi, biết nghe lời cha mẹ. Đến tuổi, cu Đạt đi nghĩa vụ quân sự, đóng quân mấy năm ở miền Trung du. Ra quân, thấy miền đất ấy thuận lợi cho việc làm kinh tế, nó xin với bố mẹ thuê gom đất lập trang trại canh nông, rồi bén duyên với cô gái bản địa, nên vợ chồng. Giờ thì Nguyệt đã là bà nội của hai đứa cháu đủ nếp tẻ. Rốt cuộc, hạnh phúc cũng mỉm cười với vợ chồng Nguyệt, bù đắp cho những gì là thiệt thòi của mấy chục năm qua... Cu Đạt, dẫu chẳng phải giọt máu của vợ chồng Nguyệt, nhưng người xưa bảo “cha sinh không bằng mẹ dướng”, nó về làm người của nhà Nguyệt từ lúc lọt lòng, cũng đâu có khác con ruột. Thiên hạ đầy rấy nhà con cái hư hỏng, cha mẹ đau xót đã phải thốt lên rằng “biết khổ thế này, tao bóp chết mày từ lúc sơ sinh”…Được như vậy, với Nguyệt là may mắn rồi…
Thực ra, khi nhà có tiếng trẻ khóc cười, mọi quan tâm đổ dồn hết vào đứa con nuôi. Hạnh phúc đôi lứa của vợ chồng Nguyệt đâu cfn quan trọng việc chăn gối, mà niềm vui là ở đứa con kia.
Đã từng này tuổi đầu, chuyện cũ đã qua đi những bốn mưới năm, bà Nguyệt chẳng còn vui buồn với quá khứ xa xưa. Sở dĩ. bà nhớ lại, nghĩ ngợi chuyện cũ, là bởi vài năm gần đây, các anh chị em nhà Đăng về quê cho xây ngôi thờ tự trên nền đất vườn có ngôi nhà gianh vách đất cũ. Kể từ đó, Đăng và vợ con hay về quê hơn. Năm trước, sau bao nhiêu năm, Nguyệt mới giáp mặt Đăng. Chùa làng được trùng tu, Đăng về quê, đến chùa thắp hương công đức. Hai người chạm mặt nhau nơi cổng chùa, mặc dù bà Nguyệt cố tình né đi, giấu mặt dưới khăn choàng đầu, song Đăng vẫn nhận ra, chào trước “Bà Nguyệt đấy à? Có phải Nguyệt không?”. “Vâng, tôi … Ông về quê,… lên chùa lễ Phật ạ”. “Lâu lắm rồi… mới gặp lại…bà… Ông nhà và cháu khỏe chứ?...”. “Vâng,…Cảm ơn ông hỏi thăm … ông nhà tôi và các cháu vẫn thường…Bà nhà và các cháu có về cùng ông không ạ?… Cho tôi gửi lời thăm sức khỏe…”. Đại khái mấy câu xã giao vậy, bà chủ động cắt chuyện cáo lỗi đi trước. Tưởng chỉ vậy, nhưng sau đó bà cũng nghĩ ngợi ít nhiều. Mới hôm trước, bà đi làm đồng, nhác trông xa biết vợ chồng Đăng đang xây lại mộ cha mẹ. Bà chống lưng nhìn, thoáng chạnh lòng. Mà ngày trước cũng đâu vào đâu, ngoài chút tình cảm nam nữ của những kẻ mới lớn. Nghe đâu, mấy đứa con của Đăng học hành giỏi giang lắm, còn Đăng thành nhà văn nhà thơ gì đó. Bà Nguyệt từng nghe đám thanh niên ở làng kháo nhau rằng, chúng đọc trên mạng, thấy thơ văn của ông Đăng viết nhiều về chuyện làng mình, cả về Nàng Thơ ngãy xưa chi dó, không biết có thật không và là ai nhỉ? Bà có chút bâng khuâng trong lòng, chả nhẽ, ông ấy viết về mình?...
Chợt có tiếng chuông điện thoại. Chồng bà gọi về bảo, ông sẽ ở thêm mươi ngày nữa nơi trang trại của con. Cũng báo thêm, vợ chồng cu Đạt muốn năm nay đón bố mẹ lên ăn Tết trên ấy, thay vì như mọi năm, vợ chồng con cái chúng kéo nhau về quê ăn Tết với bố mẹ, và ông đang cân nhắc…
Bà Nguyệt chộn rộn, thắp một tuần hương trên bàn thờ gia tiên, thầm nghĩ, ừ có lẽ như thế cũng hay?!...
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...