Thứ Sáu, 28 tháng 6, 2024

Ngày ấy dâu xanh

Ngày ấy dâu xanh

Bác bảo vệ cơ quan điện thoại lên phòng nói rằng tôi xuống ngay cổng thường trực có khách đang đợi. Vốn nhiều khách và đã quen với việc này rồi, tôi nấn ná gõ mấy chữ thêm mấy dòng cho hết mạch suy nghĩ rồi mới buông máy xuống cổng thường trực. Thấy tôi bước vào, hai khách - một nam, một nữ đứng dậy nhìn tôi chằm chằm. Tôi cũng nhìn họ vì đoán đó là khách cần gặp mình. Cả hai, tôi không quen mặt. Cô khách tuổi trạc ba mươi, người gầy gò, thấy tôi, mắt ánh lên, cố nén để không reo lên: “Kìa… Anh Huân! Ôi anh chả già tý nào cả…”. Tôi vẫn chưa nhận ra người đàn bà vừa gọi tên mình và còn khen mình trẻ là ai, nên đành cứ ầm à trong miệng. Người đàn bà dường như bắt gặp vẻ dò hỏi trong mắt tôi, mặt ỉu xịu: “Thế ra, anh vẫn chưa nhận ra em là ai à?”. Tôi hết đường bèn thú thật: “Qủa là tôi vẫn chưa nhận ra… chị… anh… là”. Lấy lại vẻ bình thản, cô ta bảo: “Em là Lụa, em gái anh Lĩnh. Hẳn bây giờ thì anh nhớ rồi chứ?”. Tôi reo lên: “Lụa đấy à! Sao bây giờ trông em khác thế. Gầy đi bao nhiêu…”. Lụa cười: “Và già nữa phải không anh. Em giới thiệu với anh, đây là Trí, chồng em… Còn đây là anh Huân, như em đã có lần kể với anh”. Lụa quờ tay, nắm tay chồng kéo lại gần tôi.
 
Mười lăm năm trước, tôi và Lĩnh anh trai của Lụa cùng tốt nghiệp đại học một khóa với nhau. Cả hai đều được phân công vào Nam công tác. Hôm lên trường nhận quyết định, Lĩnh rủ tôi: “Về nhà tao chơi đi. Vùng quê tao đẹp lắm. Người có máu thi sĩ như mày chắc mê ngay”. Nghe Lĩnh rủ bùi tai, và vốn sẵn máu phiêu lưu, vả lại trước khi vào đồng bằng Nam Bộ cũng cần chút nhàn tản để khắc sâu hình ảnh đồng quê châu thổ sông Hồng vào tâm khảm, tôi đồng ý ngay. Thế là hai đứa hai chiếc Phượng Hoàng, đạp như bay về quê Lĩnh. Đấy là một làng quê nằm ven bờ sông Đáy, chuyên nghề tằm tang từ cổ xưa. Mẹ Lĩnh là công nhân trại tằm, nên cả gia đình sống ngay tại căn hộ tập thể của trại liền giáp với bờ sông. Về đến nhà thì trời đã tối. Cả nhà đã ăn cơm xong. Lĩnh phụng phịu kêu đói. Bà mẹ cuống quýt lo việc cơm nước cho hai đứa, còn ông bố ngồi lên bàn nước, thủng thẳng đôi câu giọng Huế và hút thuốc lào vặt, mỗi lần hút lại sặc sụa ho từng hồi dài đến là sốt ruột. Lĩnh cứ đi ra đi vào, luôn miệng khi thì nũng nịu mẹ, lúc thì cằn nhằn bố. Lĩnh hỏi: “Thế cái Lụa đâu?”. Mẹ Lĩnh: “Cơm xong là nó lấy xe đi luôn, nói là vào làng ngủ với bà”. Bố Lĩnh ca thán: “Chẳng biết có đậu đại học không. Trượt rồi ở nhà làm gì?”. Mẹ Lĩnh: “Ôi dào, ông thì chỉ… Trượt thì sang năm thi nữa. Cùng lắm thì ở nhà chăn tằm”. Lĩnh tỉnh bơ: “Lấy chồng, đẻ con là xong”. Mẹ Lĩnh mắng: “Bậy nào”.
Vì đạp xe mệt, hai đứa chúng tôi ngủ như chết. Ngủ sâu nên tỉnh sớm. Trời tờ mờ sáng. Nằm im nghe không gian. Tiếng gà gáy, tiếng chó sủa rấm rẳng từ trong làng vọng ra. Lĩnh vẫn ngủ say. Mẹ Lĩnh đã trở dậy từ bao giờ, lúi húi bên bếp chuẩn bị bữa sáng cho cả nhà. Chợt tôi nghe tiếng hát, giọng con gái còn non: “Dòng sông Đáy quê em, sông trăng hay sông lụa. Nong kén vàng như lúa…”. Mẹ Lĩnh: “Lụa ơi, vô ý thế con. Mới sớm ra mà ông ổng”. Cô bé Lụa dựng xe đạp, nói to: “Con hát để đánh thức anh Lĩnh dậy. Anh Lĩnh về tối qua phải không mẹ?”. Mẹ Lĩnh thì thào: “Ừ… có cả bạn anh ấy nữa”. Cô bé: “Chết thật!... Con vô ý quá”. Rồi hai mẹ con thì thầm với nhau. Tôi vờ ngủ say, không dám cựa quậy gì. Hình như Lụa nhóm chân ra sân.
Lát sau đã lại nghe tiếng cô hát ở phía nhà tắm: “Dòng sông quê anh, dòng sông quê em. Sóng xanh như mắt trẻ. Sao giống nhau đến thế…”. Bữa ăn sáng, tôi giáp mặt Lụa. Tuổi già mười sáu là cùng. Da trắng bụ, mặt không xinh nhưng ưa nhìn và có vẻ thông minh. Mắt to đen ánh lên vẻ tinh nghịch. Lụa ngồi đầu nồi, xới đưa tôi bát cơm nếp sắn đầy ú ụ. Thấy thế, bà mẹ kêu lên: “Xới vơi vơi thôi chứ con… Sợ người ta đòi nồi à?”. Lụa cười hồn nhiên: “Con biết… Nhưng mà con sợ anh Huân làm khách ăn có một bát rồi lại đói”. Bà mẹ nói như thanh minh hộ con gái rượu: “Em nó có lớn nhưng không có khôn. Hãy còn vô ý vô tứ lắm. Có gì không phải anh bỏ quá cho nghe”. Tôi lúng túng đỏ mặt chẳng biết nói gì. Lĩnh bảo em: “Lụa thạo việc chăn tằm, giới thiệu cho anh Huân nhé”. Lụa cười: “Chỉ sợ anh Huân không thích”.
Lụa đưa tôi vào nhà tằm, líu ríu giới thiệu cho tôi nhưng nào tôi có tâm trí đâu mà nghe. Tôi mải nhìn bàn tay em rắc dâu cho tằm ăn. Đám công nhân nữ cùng đội với mẹ Lụa, tuổi ngoài đôi mươi thôi, nhí nhéo trêu: “Lụa ơi, người yêu đấy à”. “Trông đẹp trai đấy”. Có cô táo bạo hơn: “Lụa ơi, nhường cho chị đi. Em còn trẻ, khối đứa theo, chị già rồi, đang sợ ế đây. Chị lạy em đấy!”. Trêu đùa Lụa rồi các cô cười rúc rich. Tôi ngay như trời trồng. Còn Lụa, lúc đầu có lung túng nhưng rồi cô bé xoay chuyển tình thế: “Ai lại nhường người yêu bao giờ. Mới lại, anh Lĩnh em, đẹp trai đấy chứ. Có chị nào chấm không, để em về bảo với mẹ em cho”.
Ra khỏi nhà tằm, tôi bảo: “Các chị ấy miệng lưỡi mới khiếp chứ! Mà em cũng đáo để”. Lụa cười, nghiêng nghiêng mặt: “Em không làm thế anh có mà chết với các chị ấy” - Lụa đỏ mặt, cúi đầu: “Em xin lỗi anh… vì đã vơ vào”. Thấy Lụa như vậy, tự nhiên tôi mạnh dạn bạo hẳn lên và tung ra một câu lửng lơ: “Biết đâu đấy…”.
Buổi chiều, hai bố con Lĩnh lôi cưa đục ra chữa lại mấy cái ghế và chiếc bàn long chân. Lụa gọi tôi ra một góc thì thào: “Anh vào làng với em đi”. Đang loanh quanh không biết làm gì, được Lụa rủ tôi hân hoan đồng ý ngay. Tôi đèo Lụa và trên đường đi, cô bé nói là vào làng thăm bà: “Bà ngoại em dạo này yếu lắm. Cậu em đón ra thành phố bà không chịu. Mẹ em bảo về ở với nhà em cũng không nghe. Bà em nói là bà sống chết ở mảnh đất nhà để hàng ngày hương khói cho ông ngoại em”. Chúng tôi phải dắt xe ngoằn ngoèo qua mấy cái ngõ nhỏ lát gạch nghiêng long lở. Căn nhà bà ngoại Lụa lấp dưới lũy tre và lút đi bởi vườn dong giềng trổ đầy hoa đỏ. Chiếc sân gạch Bát Tràng tãi đầy lá tre khô. Lụa lên tiếng gọi mấy lần mới nghe thấy bà cụ trả lời đâu dưới bếp. Lụa giải thích: “Bà em nặng tai. Anh có nói gì thì nói to nhé”. Chúng tôi vào bếp, thấy bà cụ lưng còng gập đang đun gì trong chiếc nồi đồng điếu nhỏ. Lụa mở vung: “Sao bà luộc khoai? Bà còn chưa khỏi ốm cơ mà. Thôi khoai để chúng cháu ăn cho. Giờ bà để cháu nấu cho bà nồi cháo”. Lụa mở túi xách lấy gói đỗ xanh cà sẵn bắc nồi nấu cháo. Bà cụ mời tôi lên nhà, run run rót ấm nước vối ủ ra mời tôi. Tôi ngồi nói chuyện cùng bà cụ. Câu được câu mất song tôi cũng hiểu thêm về gia cảnh nhà Lụa. Bố Lụa người gốc Huế, tập kết ra Bắc rồi lấy mẹ Lụa người làng tằm đây. Thống nhất rồi, về thăm quê và muốn đưa cả gia đình vào trong ấy, nhưng bà vợ thì dùng dằng chưa quyết bởi không đành để bà cụ lại một mình trong khi bà cụ nhất định không chịu ra thành phố với con trai. Dường như bà cụ mất rồi mọi chuyện mới tiếp nối, mà người già thì như trái chín cây, biết ngày giờ, tháng năm nào rụng. Lát sau Lụa bưng cháo lên. Bà cụ ăn cháo và chợt nhớ ra hỏi: “Thế anh gì đây là… gì với cháu?”. Lụa cười hồn nhiên: “Bà ơi, anh ấy là bạn học với anh Lĩnh cháu”.
Trời ngả chiều, tôi và Lụa chào bà cụ ra về. Lụa còn nấn ná căn dặn bà cụ mãi. Lụa thở dài: “Em lo cho bà em lắm. Em muốn được theo học ngành y nhưng năm nay có lẽ trượt mất”. Trên đường bờ sông, mấy đứa trẻ chăn trâu chơi dưới bãi dâu ven sông trêu: “Ê kìa… đôi một xe… ê ê”. Tôi loạng choạng suýt đâm xe xuống vệ sông, may mà Lụa nhảy xuống kịp thời nắm pooc-ba-ga kéo lại.
Tôi rủ Lĩnh ra sông tắm, nhưng công việc còn chưa xong, Lĩnh bảo: “Mày dân phố, thấy sông thì thích, chứ tao ở quê chỉ thấy nước sông đục và bẩn bỏ sừ ấy. Mày tắm một mình đi, nhưng mà có biết bơi không đấy? Nhớ đừng làm mồi cho cá nhé”. Tôi ra sông một mình. Bỏ quần áo dài dưới gốc đa trên cầu gạch bên sông. Mùa này nước sông không to, tôi mạnh bạo bơi ra giữa dòng lặn ngụp, rồi nằm ngửa trên nước mà nhìn trời. Dâu đôi bờ lá vàng, lá xanh. Đôi con diều giấy chấp chới trên không. Khói chiều từ những nếp nhà kề bên sông lên thơm nồng. Trời chạng vạng. Sớm mai tôi sẽ rời nơi này về thành phố và chuẩn bị cho một chuyến đi xa… Chợt nghe có tiếng khoát nước nơi cầu sông, tôi đánh mắt nhìn vào. Thì ra Lụa với đôi thùng gánh nước, chắc là tưới cây. Tôi nghĩ, cô bé siêng năng thật. Rồi tôi lại lan man, hay là cô bé biết mình tắm nên kiếm cớ ra vậy. Nhớ đến những câu trêu đùa, hoặc câu hỏi vô tình của mọi người về mối quan hệ của tôi với Lụa, tôi cười thầm và thấy khoai khoái. Cô bé còn trẻ con mà. Tôi thì có gì già đâu, nhưng tôi lại thèm sự trẻ trung, tham vọng nhưng đầy lo âu của cô bé. Lụa vẫn gánh nước, một chuyến, rồi hai chuyến, ba chuyến… Vừa lan man tôi vừa nhẩm đếm. Đột nhiên có tiếng đập nước mạnh. Tôi lật người nhìn vào cầu sông. Thì ra Lụa bị ngã, không hiểu do trượt chân hay tuột thùng. Tôi hốt hoảng bơi vào. Đến nơi thì Lụa đã nhoai lên được, ngồi xuống bậc cầu. “Em làm sao thế? Có việc gì không?” - Tôi dồn hỏi. Lụa còn chưa trấn tĩnh lại: “Không việc gì đâu. Cầu trơn quá”. Tôi khuyên: “Em đừng gánh nữa Lụa à”. Nhưng bất chấp, Lụa vẫn múc đầy hai thùng nước và móc vào quang gánh. Tôi nổi máu anh hùng: “Hay để anh gánh về cho”. Lụa cười: “Anh không gánh được đâu. Em lạ gì…Cũng như anh Lĩnh em vậy. Trông kìa, cái bả vai lưỡi hái của anh thì chỉ đặt thanh củi lên cũng đau rồi”. Lụa quả quyết cất gánh lên vai và bước từng bước cẩn thận lên từng bậc gạch. Tôi đứng nửa người dưới nước nhìn lên. Lúc bình thường, nhìn Lụa trong bộ quần áo rộng tưởng cô bé còn trẻ con lắm. Bây giờ, quần áo ướt bết vào người, cơ thể Lụa hiện lên mồn một những đường cong mềm mại, cho tôi cái cảm giác Lụa đã là một thiếu nữ thực sự đầy sức sống. Tôi nhìn theo đăm đắm và chợt thấy người mình nóng dần lên…
Tối ấy, nhà thịt gà làm bữa tươi. Tôi cũng nhấp chút rượu cùng hai bố con Lĩnh. Sau bữa cơm, cả nhà quay quần quanh bàn nước. Có tý men lên Lĩnh hưng phấn. Bình thường cậu ta ít nói nhưng lúc ấy lại nổi hứng tìm cây ghi ta cũ kỹ vừa đàn vừa hát. Lúc đầu, Lụa chỉ ngồi nghe và rúc rích với mẹ, sau hát theo. Vui nữa, Lụa còn bảo Lĩnh đàn hết bài này đến bài khác cho Lụa hát. Giọng Lụa không hay nhưng được cái không phô nhạc. Tôi không thuộc bài hát nào song cũng võ vẽ đôi câu nên bị không khí vui tươi cuốn hút và lẩm nhẩm theo. Đang vui thì nhà có khách. Đúng ra là một cậu bé trạc tuổi Lụa, cùng vừa tốt nghiệp phổ thông với Lụa. Cậu ta gầy gò, khuôn mặt trắng xanh dài dài và bị choán hết bởi cặp kính dày như đít chai. Cậu ta rụt rè ngồi xuống ghế, lóng ngóng đón chén nước từ tay bố Lụa nhưng lại làm rớt, nước đổ lênh láng ra bàn, may mà không vỡ chén. Cậu ta lắp bắp xin lỗi mãi. Khi Lụa thôi hát để tiếp cận cậu thì cậu ta lại đưa hai tay lên xua xua: “Kệ mình… Lụa cứ hát với các anh cho vui”. Lụa đắn đo rồi mặc cậu bạn lại giục Lĩnh đàn hát tiếp. Để ý quan sát, tôi thấy cậu bé cứ ngọ nguậy như ngồi phải gai. Hai tay cậy đan vào nhau, xoắc xó sốt ruột. Tôi chủ động nhắc Lụa: “Thôi em ạ, xem bạn cần gì không”. Lụa hỏi: “Ấy sang chơi hay còn có việc gì nữa. À chút quên không giới thiệu. Đây là anh Huân, bạn học với nhà Lĩnh mình. Các anh ấy sắp vào tận miền Nam. Còn đây là Trọng, bạn học phổ thông với em. Học toán giỏi lắm và có ước mơ trở thành nhà phát minh”. Cậu bạn được giới thiệu lấy làm hãnh diện, mặt hân hoan bảo: “Mình kém lắm. Lụa nói thế các anh ấy cười cho”. Trước khi chào ra về, cậu ta rủ: “Mai mình với Lụa lên huyện xem điểm thi đại học đi. Mình nghe nói có kết quả rồi đấy. Nghe đâu khối người đỗ”. Lụa cười buồn: “Chắc là có cậu. Tớ chẳng đi đâu. Tớ tự biết trượt rồi”.
Câu nói của Lụa nhắc mọi người trở về với thực tế. Lụa tiễn chân bạn ra ngoài. Cả nhà im lặng không ai nói gì. Mẹ Lụa thở than: “Học tài thi phận”. Lụa quay trở vào, kêu to: “Mẹ ơi, trời mưa. Lúc chiều con quên không nhắc bà hễ trời mưa đừng có ra ngoài đi tiểu mà ngã chết. Đêm hôm thế này, sân lại trơn. Hôm nào con phải nạo hết rêu đi mới được. Đến là khổ”. Lĩnh thủng thẳng: “Mới tí tuổi đầu mà việc gì cũng lo, lúc nào cũng kêu khổ, rồi sau nó vận vào thân đấy, nghe chưa em”. Lụa vênh mặt: “Kệ em”.
Đêm ấy, hình như cả nhà mất ngủ. Và chắc chắn, mỗi người đều có lý do riêng để mà mất ngủ. Trời vẫn mưa. Tôi lo ngày mai đi sớm đường trơn. Được xem tằm ăn lá dâu rồi nên lúc ấy tôi nghe tiếng mưa, hiểu vì sao người nhạc sĩ họ viết “tiếng mưa như tiếng tằm ăn”. Và tôi thiếp đi…
Hôm sau, tôi và Lĩnh đi sớm. Mẹ Lĩnh lục đục chuẩn bị các thứ. Lĩnh cằn nhằn: “Con lên trường giải quyết giấy tờ mấy hôm rồi về, chứ có đi ngay đâu mà mẹ chuẩn bị lắm thứ thế”. Lụa cũng trở dậy, lặng lẽ chẳng nói gì. Lụa cầm đèn soi đưa tôi và Lĩnh ra tận bờ sông. Đến chỗ cây đa đầu sông, cô dừng lại, đưa bàn tay về phía tôi: “Chắc anh Huân ít có dịp trở lại đây. Thôi chúc anh đi chân cứng, đá mềm!”. Lụa không còn là trẻ con nữa rồi. Đúng thế, và cũng chỉ từ chiều qua thôi. Tôi nhìn Lụa, cảm động, nắm bàn tay cô và từ từ siết chặt…Hai thằng đạp xe đi. Trời vẫn tối đen còn chưa rõ đường. Hết bờ sông gập ghềnh, chúng tôi xuyên qua những làng những xóm. Đi đến đâu, để lại sau lưng tiếng chó sủa dây truyền…
*
Vào Nam, tôi và Lĩnh, mỗi người sống ở một vùng. Gần hai năm sau chúng tôi mới gặp lại nhau. Lĩnh cho biết, năm ấy Lụa trượt đại học nhưng năm sau lại đỗ thủ khoa. Bà ngoại Lĩnh đã mất và cả nhà chuyển về sống ở quê nội. Lụa học đại học ở Huế. Lại bẵng đi, cho đến khi chuyển hẳn về Hà Nội. Trước khi ra, tôi thăm khắp lượt bạn bè để chào tạm biệt và tôi gặp lại Lĩnh. Lĩnh già đi nhiều, đã lấy vợ, có con, uống rươu khá và thêm tật hút thuốc nặng. Tôi hỏi về Lụa thì Lĩnh bảo là sắp tốt nghiệp đại học. Lĩnh gợi ý: “Nếu cậu cần gặp nó, tớ cho địa chỉ, lên Sài Gòn, trước khi lên tàu cậu điện cho nó. Nó sẽ ra ga Huế đón gặp ở đó”. Tôi thấy hay và đã làm theo. Quả là tôi muốn biết Lụa thay đổi ra sao. Tàu đến Huế, đỗ nửa tiếng. Tôi xuống sân ga tìm, nhưng mãi chẳng thấy đâu. Hay là tôi không nhận ra Lụa nữa. Gần hết giờ, nhà ga thông báo tàu sắp chạy, tôi nhìn quanh một lượt và thất vọng bước lên bậc tàu. Vừa lúc ấy, tôi nghe tiếng gọi: “Anh Huân ơi!”. Quay lại, thôi đúng là Lụa rồi. Cô lớn vổng lên, chững chạc và cũng xinh ra nhiều. Tàu chuyển bánh. Tôi đứng ở bậc lên xuống nói chuyện với, còn Lụa thì bước gằn theo nhịp tàu nhanh dần. Lụa bảo: “Ôi tiếc quá, em đi thực tập về, nhận được điện muộn quá, vội nhờ người chở xe máy ra đây… Từ ngày vào đây, em chưa ra thăm quê ngoại. Nếu có dịp ra ngoài ấy, anh em mình cùng về đó nhé”. Tôi chỉ nghe mà chẳng nói được gì.
Từ đó đến nay gần chục năm trời. Lụa lấy chồng, có con và chắc cũng thành đạt trong công việc, bởi thế bây giờ cả hai vợ chồng dắt nhau ra Thủ đô học thêm để lấy cái bằng thạc sĩ. Cũng như tôi, đâu ngờ mình lại chuyển sang làm báo chuyên nghiệp. Cuộc đời nhào luyện và làm cho con người ta cứng cỏi hơn lên. Nhưng Ông Xanh quái ác chẳng cho không ai cái gì bao giờ.
Cho sự từng trải, thành đạt thì lại lấy đi tuổi trẻ, sự hồn nhiên vô tư. Cuộc gặp mặt sau từng ấy năm lại bình thường làm sao. Bao nhiêu là đổi thay mà ai nấy cũng chỉ nói đôi câu là hết chuyện. Người lớn chỉ làm ăn, toan tính thôi chứ cần gì chuyện. Trong câu chuyện với hai vợ chồng Lụa, tôi sơ ý buột ra một câu khi thấy chồng Lụa to béo, còn Lụa thì gầy quắt đi: “Anh bạn, ăn hết của vợ hay sao mà để vợ gầy thế!”. Dù là nói đùa thì vẫn là nhỡ lời. Chồng Lụa cười mà miệng méo đi. Tôi biết chàng ta phật ý. Tôi dặn hai vợ chồng Lụa quay lại vào buổi khác để mời xuống thăm nhà tôi. Nhưng chờ mãi, hết thời gian vợ chồng Lụa học ở Hà Nội mà không thấy họ quay lại. Có lẽ chồng Lụa bực mình với tôi về câu nói đùa nhỡ lời, còn Lụa thì giận vì lúc gặp lại, tôi đã không còn nhớ Lụa là ai. Mà cũng có thể Lụa chẳng còn chuyện gì để mà nói.
Lúc đó thì tôi quên. Còn bây giờ, tôi biết chắc là mình sẽ không quên, rằng ngày xưa ấy bên dòng sông Đáy, ở một làng tằm, dâu xanh…
Tháng 10/1995
Nguyễn Chu Nhạc
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều

Người chạy xe ôm bến Ninh Kiều Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời ha...