Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Người quay tơ

Người quay tơ

Tử Nương là một người con gái thôn quê làm nghề chăn tằm, ươm tơ, ở làng Xuân Nghi huyện Hồng Lạc. Nhà nghèo, cha mẹ đã già, làm lụng để nuôi hai thân. Cô trông xinh xắn, người thanh thanh vừa tầm, hai con mắt êm đẹp, mỗi khi trời nắng, gió lạnh, cô ra sân hai tay ngọc xe sợi tơ vàng dệt lụa là cho người trong làng mặc. Một hôm, đương ngồi quay tơ ngoài sân thời có một người học trò đi qua, thấy nàng đẹp quá mê đứt đi, ngày nào cũng hai lần trèo qua cái đồi cao, sang để gặp mặt nàng như thế, được gần một năm. Về sau nàng biết mà cảm thương, đem lòng mến. Mùa đông gió trên đồi thổi mạnh, lắm hôm rét quá mà nàng cũng chịu khó ra ngồi quay tơ ngoài sân cho người học trò được trông thấy mặt..
Tin đi mối lại rồi hai người lấy nhau, lúc ấy nàng mới có mười sáu tuổi. Nhà chồng nghèo nàng vẫn giữ nghề cũ nuôi chồng đi học, năm sau đỗ tú tài. Hai vợ chồng hòa hợp yêu thương nhau lắm, lấy nhau được trên hai năm cũng chưa có con cái gì. Một hôm ông tú gọi nàng đến, khóc và dặn rằng:
- Tôi đi phen này chưa biết bao giờ về, mà tôi cũng không mong đâu trở về nữa, không biết có còn thấy được mặt nhau nữa không?
Nàng nói:
- Thôi tôi hiểu cả rồi, việc cửa nhà tôi xin thay, chàng cứ yên tâm mà đi. Việc gì phải khóc lóc thế. Làm tài trai trong nước mà không được như người con gái quê mùa này ư?
Nhưng nàng nói thế rồi nàng cũng khóc theo. Ông tú lên Hà Nội, rồi đi đâu mất, họ đồn là theo bọn văn thân. Mấy tháng sau có mật thám về bắt bà cụ chánh là bà mẹ ông tú và từ đường lên tra hỏi. Lúc mới đến, nàng biết ngay, mặt tái ngắt, song gượng lại ngay mà nói:
- Các bác cứ để yên tự khắc bà tôi và tôi sẽ lên, chúng tôi không việc gì mà phải trốn, không cần phải xích tay, xích chân gì cả.
Các bác kia thấy người con gái nhà quê mà ăn nói cứng cáp, khẳng khái, bằng lòng để cho hai mẹ con được tự do.
Ông tú phải đi đày Côn Lôn chung thân: Nàng lại đem bà Huấn về quê giữ cái guồng tơ khung cửi để lấy tiền phụng dưỡng thay chồng. Như thế được bốn năm trời: Từ mẹ chồng cho đến người trong họ ai cũng cho phép nàng cải giá, nàng nhất định không lấy ai cả, quyết giữ lời thề với người cũ. Ông tú ở Côn Lôn cũng mấy bận viết thư về khuyên nàng, bắt nàng lấy người khác, lời lẽ thảm thiết thương. Nàng xem thư chỉ khóc rồi có khi nào nhớ chồng, lên tít trên đỉnh đồi cao mà đứng trông, có khi về nhà bố mẹ đẻ ra ngồi quay tơ ngoài sân, tưởng tượng đến lúc gặp gỡ, người thư sinh từ mấy năm về trước; những lúc ấy thời nàng lại đẹp lên bội phần, ai cũng thương mà ai cũng yêu, trong làng nhiều người rắp ranh bắn sẻ: Một ông giáo có quen ông tú, góa vợ đã lâu cũng đem bụng yêu nàng, cho mối sang hỏi. Lúc mối sang, nàng biết ngay, than rằng:
- Ai ngờ bác giáo mà cũng đến như thế ư!
Nói xong mắng mối đuổi ra. Ai cũng giận mà ai cũng mến nàng hơn trước.
Bà cụ Huấn mất, nàng làm ma chay cho chu đáo, rồi lên tỉnh xin phép đi theo chồng. Xin mãi mới được phép, nhà nước lại cho cả tiền tàu nữa.
Nàng về quê thu xếp, rồi một thân một mình ra đi, đất lạ quê người. Nàng ở bên ấy với chồng khổ sở trong ba năm, sinh được một đứa con trai thời ông tú bảo nàng về:
- Như tôi chiếc thân đày đọa đã đành chứ vợ con tôi thời có tội tình gì, nay đã được đứa con trai để nối dõi thời mợ đem con về nước, cố mà nuôi cho nên người khí khái, chứ ở đây với tôi mãi, thời chỉ thêm phí hai đời người nữa mà thôi. Còn tôi... tôi cũng không định sống lâu đâu, xin đừng tơ tưởng đến tôi nữa!
Nói xong, nắm tay vợ khóc mà từ biệt.
Hôm nghe tin nàng đem con về, cả làng Xuân Nghi ai ai cũng rủ nhau ra quán đón mừng. Lúc nàng bế con ở trên xe xuống hai con mắt ngơ ngẩn đưa nhìn khắp hết người làng, trông nàng có vẻ thần tiên: Nàng có vẻ cảm động quá ứa nước mắt mà khóc, người làng cũng nhiều người khóc theo.
Nàng thấy ai cũng có bụng kính mến, nên vui lòng mà làm ăn, tậu được cái nhà con ở chân đồi ngày ngày đi buôn hàng tấm. Một hôm nàng đang ngồi chơi với con thời có giấy về báo tin rằng ông tú tự tử mất đã được hơn một tháng rồi. Nàng ôm con vào lòng rồi ngã xuống ngất người đi. Mấy ngày hôm sau mới nhận được bức thư ông tú gửi về từ biệt.
Nàng cũng khuây dần: Có lẽ nàng nghĩ mình đã có con cũng đủ, và một đằng sống một đằng chết, sống mà cũng như chết, thời thà chết còn hơn, linh hồn mới có thể về cùng vợ cùng con được.
Năm sau những người phải tội đi đày chung với ông tú đã được tha cả. Nàng cũng biết tin ấy, thế có ai oán không? Đứa con nàng tự nhiên phải bệnh chết, nàng hóa điên từ đấy; bây giờ cứ đi lang thang, hát nghêu ngao, nhưng thường thường nàng hay về nhà bố mẹ đẻ, lấy cái guồng năm xưa ra quay tơ, quay cả ngày mà không biết mỏi, thỉnh thoảng có hát lên mấy câu.
Mới đầu cũng thương hại, song nghĩ cho kỹ thời thế lại hay cho nàng đấy, có lẽ thế mà lại xong, thật đấy nàng là người sung sướng nhất đời còn chúng mình đây không được như nàng phải đày đọa chung thân.
Ừ, thử nghĩ xem sống mà đeo cái đau khổ suốt đời, cái đau khổ không bao giờ khuây được chỉ có một cách là tự diệt mình mới thoát ly, thời cái điên là chẳng nên ước lắm sao? Nàng không biết mình là khổ thời nàng là người tiên rồi. Ôi! Nhưng bây giờ Từ Nương còn biết gì nữa, nàng có nhớ đến chồng con nàng nữa đâu, ai đã yêu nàng, nàng có nhớ đâu mà nàng còn yêu ai nữa, nàng chỉ ngày ngày thơ thẩn một mình lên tít đỉnh đồi cao mà đứng trông... Nhưng nàng trông ai bây giờ?
Đường trần mới đến nửa chừng,
Mà guồng tơ cũ đã ngừng bánh xưa.
Nô Lệ
Một cái làng yên tĩnh ở vùng Thanh Sơn, đất ít núi nhiều, có con sông trong và mát xuôi dòng chảy ra trường giang. Chỗ thung lũng thời cấy lúa, mưa thuận gió hòa, đời đời con cháu an cư lạc nghiệp.
Có một người muốn mở đồn điền xin khai khẩn; nhà nước cho tạm khẩn từ mốc A đến mốc B, phu đồn cứ việc kéo dây thẳng để phân địa giới. Chính giữa trong đồn điền có ít ruộng của dân làng mà gần khắp là ruộng của một chàng nông phu kia.
Dân làng kêu ca, ông chủ đồn điền dỗ ngọt, cho các kỳ mục trong làng một bữa chén no say rồi phân giải rằng:
- Không, các ông không sợ, tôi đến đây các ông chỉ có lợi chứ không có hại, vì tôi trồng cà phê, các đàn em trong làng ai không việc làm tôi dùng cho cả, kiếm bát cơm mà ăn, còn ruộng của các ông trong đồn điền thời các ông cứ vào mà cày cấy chứ tôi lấy làm gì mà tôi lấy thế nào được!
Kỳ mục mỗi người được năm đồng, khoan khoái ca tụng rồi giải tán; Dân làng cũng không kêu ca kiện tụng gì; sống ở đời cơm no, áo mặc, ăn ở với nhau cho hòa hợp, thế là đủ chứ có biết đâu đến cái mánh khóe là thế nào; những dân ấy ta thường gọi là dân ngu.
Lệ nhà nước xin đồn điền, trong ba tháng không có ai kêu ca thời được khẩn, và trong ba năm thời một phần ba miếng đất mình xin phải có trồng cây cối rồi.
Trong lúc đó dân làng vẫn vào đồn điền cày cấy làm ăn như thường, chàng nông phu kia thấy lúa tốt thời mừng, thấy thóc nhiều thời hởi dạ, mà ruộng ở trong đồn không sợ cướp bóc gì lại càng vững tâm hơn nữa.
Ít lâu cà phê đã lên cao, một năm, một năm rưỡi. Ông chủ đồn điền ra lệnh cấm không cho ai qua lại vì trâu bò giẫm chết cà phê. Vì ông không nghĩ đến cái quyền mà dân làng được vào cày cấy nên ông làm thế cũng là có lý lẽ lắm. Những người khỏe không phải là nhẫn tâm mà làm hại kẻ dưới đâu, nhưng chỉ tại không thèm để ý đến mà vô cớ làm hại đấy thôi. Nhưng kẻ dưới thì dẫu cho ông nhẫn tâm hay là ông vô ý cũng không làm gì được, phận nhỏ thân hèn, phải cắn răng mà chịu vậy.
Dân làng sợ thanh thế nên không dám nói gì, chàng nông phu kia tâng hẩng.
Dần dần những ruộng cày cấy trước kia thành hoang điền, cỏ non tốt um, tưởng chừng chưa thấy lưỡi cày nhát cuốc bao giờ. Chàng nông phu ta ngày ngày nhớ ruộng xin phép vào đồn điền, đứng trên đồi cà phê xanh tốt mà nhìn xuống ruộng mình, thấy ngọn cỏ cao dần, lòng đau như cắt: Thỉnh thoảng thấy ông chủ đồn đứng xa xa, sai bảo mấy người phu, tiếng nói oai quyền dõng dạc như ông chúa tể một vùng ấy, chàng nông ta có ý sợ hãi, lại sực nghĩ tới mấy năm trước, ruộng mình mình cấy, đường mình mình đi, nghênh ngang ai nạt ai cấm.
Hồi ấy Hội đồng Ủy viên xét đồn điền đến khám. Ông chủ đồn điền bèn tiếp đãi cẩn trọng đưa đi xem cà phê: Xem đến khu ruộng ấy thời tuyệt nhiên là đất bỏ hoang rồi liền ghi vào biên bản là đất của đồn điền.
Nhà đồn làm trên đỉnh đồi cao rộng rãi mát mẻ, các hội viên đi từ sáng đã thấy mệt mỏi, ông chủ liền mời lên mở rượu giải khát, rồi làm việc: Trí nhận xét các hội viên cũng theo hơi cháo ám mà tiêu tán đi hết; đến khi sâm banh nổ, thời chẳng chút áy náy rằng đã làm một việc bất công.
Vài năm sau, chàng nông phu kia chỉ còn ít thửa ruộng ở ngoài làm không đủ ăn. Đâu là những lúc thóc lúa gánh về đầy vựa đầy sân, đâu là những lúc cơm trắng cá tươi, vợ con hớn hở? Dần dần còn ít thửa ruộng cũng bán nốt; năm sau vợ chết, mấy đứa con, bò nheo bò nhóc. Ở làng không tìm được việc làm phải đưa con lên chốn rừng xanh núi đỏ; hay lang thang ba bốn tháng trời rồi lại bỏ về chốn quê hương.
Nhân lúc ấy đồn điền đã có hoa lợi, cần nhiều người vào hái "cà", anh đã quẫn bách, nói với người cai xin vào làm phu trong đồn điền, coi ông chủ như thần như thánh, ca tụng, tâng bốc, hễ gặp đâu thời cúi rạp xuống tận đất. Ông chủ mắng một tiếng thời mặt cắt không được giọt máu, khen, cho một câu thời bay bổng lên tận trời xanh! Cứ ai vào làm thời ông chủ lại cho một thửa ruộng mà làm ăn, ruộng ấy là ruộng của làng trước. Ân huệ mưa móc xiết bao!
Chàng nông phu trước kia tự do, bây giờ đem thân nô lệ một người.
Buổi chiều đến, thấy ngọn đèn sáng trên đồi, tiếng chó tây cắn người inh ỏi, anh em ngồi quanh bếp nói với nhau: "Ấy, đèn ông chủ", "Ấy, chó ông chủ".
Chiến Tranh
Năm tôi mười hai tuổi đương học lớp ba trên Hà Nội, vì nhà buôn bán thua lỗ phải về quê học trường huyện. Vào lớp đưa thầy giáo xem một bài viết tập, thầy cho bảy điểm thế là được vào học...
Tính tôi nhu mì không hay đánh nhau trông thấy họ đấm đá cũng đã thấy sợ rồi, lại xưa nay chưa từng về nhà quê thành thử ở giữa đám quê mùa, áo cộc nâu, đầu để chỏm mà tôi là anh ngớ ngẩn nhất.
Tôi còn nhớ buổi học đầu, lúc giờ chơi, họ ra cả ngoài sân, thầy giáo vào nhà hậu vắng. Đứa em họ tôi tự nhiên nó kêu to lên rằng:
- Anh Kỳ tôi mới ở Hà Nội về, giỏi võ lắm, đố anh nào địch nổi?
Tôi bấm tay, kéo nó bảo thôi nó cũng không nghe. Bấy giờ anh em bạn đổ xô cả lại, khoa chân khoa tay, nhảy nhót mà nói:
- Nào có anh nào dám ra không? Thôi lại sợ cả rồi, đánh thế nào lại được cánh Hà Nội.
Xem chừng anh nào cũng sợ tôi cả, mà tôi lúc đó phập phồng chỉ mong cho thầy giáo gọi vào học ngay. Đứa em họ tôi nó cứ nói hùn vào:
- Ai ra, anh tôi chỉ cho một cái song phi là mất mạng.
Có một anh bằng trạc tôi, mặt hồng hào, dáng khỏe mạnh, anh em đưa đẩy vào lưng giục ra... mà khốn nạn tôi có biết cái song phi là cái gì đâu. Anh tự nhiên xắn tay áo nhảy ra đứng giữ miếng hăng hái lắm. Chúng lại kêu:
- À! Anh Trạch đánh miếng húc dưới cũng khá đấy, nào lăn vào đi.
Tôi bây giờ băn khoăn khó nói ra được, mặt đỏ bừng lên, hai tai nóng như lửa; đứa em họ tôi nó cứ lấy tay thúc vào lưng bảo ra, còn học trò thời nói:
- Ấy, anh ấy còn đương lấy gân, giữ miếng cao không, Trạch ta đánh thua mất.
Nào tôi có lấy gân lấy cốt gì đâu, song thấy họ nói thế không nghĩ gì nữa, sấn vào mà đánh, chẳng có miếng gì cả, cúi đầu xuống lấy hai tay khua. Trạch ta thấy tôi đánh hăng quá quên cả miếng húc dưới, luống cuống bị tôi đấm đến đốp một cái vào má, ngã quay xuống đất. Tôi trông thấy, chân tay run lẩy bẩy, còn anh kia mặt tái ngắt lấy tay ôm má mà khóc nức nở.
Đứa em họ tôi nó lại nói:
- Nào bây giờ còn anh nào dám ra nữa không? Sợ rồi...
Một anh cao lớn nhảy ra tôi chưa kịp giơ tay thời bị một cái song phi vào giữa ngực, nằm sóng soài ra đất.
Vừa lúc ấy thời thầy giáo gọi vào lớp học.
Tôi hãy còn bé, trí còn non nên không biết suy nghĩ gì cả, nhưng mỗi tuổi một lớn, biết tìm đến nguyên nhân đem lòng thương cho người đời vô hạn. Ừ, nào tôi có muốn đánh nhau đâu, có vì một việc gì đâu mà bị cái song phi tức ngực, còn anh Trạch cũng tự nhiên vô cớ mà sưng hàm. Tôi càng nghĩ đem lòng ghét sự chiến tranh, chẳng qua cũng chỉ như trận đánh nhau khi chúng tôi còn bé dại vậy, có khác gì đâu? Tự nhiên hai người chưa từng quen biết nhau bao giờ, giơ súng, giơ gươm nhẫn tâm mà giết nhau để cái khổ cho mẹ già, vợ dại, con thơ, mà có vì gì đâu? Suy đến nguyên nhân thật đáng thương cho đàn trẻ bé dại lắm vậy!
20. 04. 26
Giấc Mộng Từ Lâm
Tôi vừa ở Sở về, nghĩ đến thân mình lầm than mà buồn tình thế sự. Hai buổi đi về công việc càng làm càng thấy chán nản, đời mình thật là lạt lẽo vô cùng, lắm lúc muốn ẩn thân một nơi thôn dã, đối với đời không có tiếng tăm gì là đủ; nhà giàu, có công việc làm đây không chút gì bổ ích cho ai, ra luồn vào cúi mà vẫn không sao rút ra được.
Đương băn khoăn thời thấy một người đi vào trông hơi quen quen, đứng dậy nhìn kỹ thì hóa ra anh Trần Lưu trước cùng học với tôi trường luật. Năm nọ ăn mặc tây, bây giờ trông lạ hẳn đi: Mình mặc cái áo the thâm, đầu đội nón dứa, tay xách cái khăn gói to như người ở phương xa đến, thấy tôi thì tươi cười mà cúi chào, chứ không bắt tay như trước nữa.
Xưa nay tôi vẫn phục anh Trần Lưu là người trí: Anh Lưu học cùng với tôi trong trường luật, đến năm thứ hai thời bỏ vì hai thân anh qua đời cả. Hôm về quê, anh có than vãn với tôi, không biết cuộc đời anh sau này sẽ xoay ra làm sao:
- Tôi bây giờ một thân một bóng, về quê là để thăm chút phần mộ của hai thân tôi, rồi sau đây non nước bốn phương biết đâu là quê hương xứ sở, anh dẫu có nhớ đến tôi cũng không biết đâu mà tìm tôi nữa. Tôi định bây giờ đi khắp các vùng nhà quê, lẫn vào đám làm ăn, vừa để học vừa để dạy cho họ và xem xét dân tình, ăn mặc thời quần nâu áo nâu đi đất, đánh cái nón rách vừa đi vừa kiếm ăn, anh nghĩ sao?
Tôi khuyên anh cứ chịu khó, tuy đi như thế chưa chắc ăn thua gì song có ngày sẽ nảy ra một cái ý kiến hay, nói xong anh từ biệt. Thế là từ độ ấy tôi không thấy tin tức anh đâu cả. Năm sau tôi được bổ tham biện phủ thống sứ mà cũng không lần nào gặp anh nữa.
Hôm nay tình cờ anh đến, vui mừng quá, thấy anh ăn mặc thế cũng không lấy gì làm lạ, nhận ra ngay. Anh Trần vào, vừa cười vừa bảo tôi rằng:
- Anh còn nhớ tôi ư, tôi ăn mặc thế này, thật khác xưa lắm nhỉ?
Tôi bảo pha nước uống và hỏi chuyện:
- Tôi ở đây đi làm hai buổi buồn quá, thấy anh đến mà mừng, muốn hỏi anh trong hai năm nay anh ra làm sao và anh kể cho ít câu chuyện có cái hương vị nhà quê thời thích quá.
Bạn tôi nói đã lâu mới lên Hà Nội, muốn đi xem cảnh tượng và quan sát, mua sách vở, tối về thư thả sẽ nói.
Đêm ấy trăng cao và sáng, chúng tôi bắc cái chõng ra nằm ngoài sân. Bạn tôi nói:
- Trước khi tôi nói cho anh biết những công việc của tôi trong hai năm nay, tôi hãy xin anh đừng vội trách tôi, mà tôi cũng không có gì mà đáng trách. Anh cũng biết cái thảnh thơi trong lòng là ít người có, và nếu bao giờ cũng giữ được thảnh thơi, thời cứ như thế đời người ta sống cũng đã dễ chịu và chính đính lắm rồi. Anh đừng cho tôi là một người có tài cán làm những việc ích quốc lợi dân, tôi không dám mong thế, có khi tôi muốn làm mà không làm được, tôi chỉ như một người thường khác mà thôi. Thân tôi không phải chỉ có hiện tại thôi đâu, tôi chính là cái ý muốn của ông cha ta từ mấy đời trước mà trong óc tôi còn sót lại. Tôi cứ thật thà mà ngỏ lòng tôi cho anh biết, anh thương hay anh giận, anh trách hay anh khen tôi cũng thế, mà ai bình phẩm tôi thế nào cũng không cần.
Tôi bỏ học được mấy ngày thời thu xếp về quê thăm mộ thầy đẻ tôi, hôm sau ăn mặc quần nâu áo nâu, đi thẳng. Trong một năm trời đi được gần khắp trung châu, mới đầu về Hải Dương, xuống Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, vòng lên Hà Đông, có khi một mình khăn gói lang thang, có khi đi lẫn vào bọn thợ, cũng làm lụng như họ, vất vả khổ sở quá, nói ra không thể nào tin được.
Có khi ngủ ở giữa cánh đồng, có khi ốm mà không ai trông nom, song cái đó không làm tôi ngã chí. Tôi học cũng được nhiều và kiếm ăn cũng đủ tiêu dùng, tuy mồ hôi nước mắt mà thảnh thơi không lụy ai. Thỉnh thoảng thấy cảnh đẹp, trời chiều man mác, điếm cỏ cầu sương mà tự nhiên bật miệng ngâm lên câu thơ chữ tây, lại vội vàng nhìn quanh xem có ai nghe thấy không? Về sau phải tập luyện cho quen, bây giờ thật là An Nam rồi. Còn về phần dạy cho người khác thời tôi ngỡ không biết có bổ ích gì không, mà bổ ích thế nào được. Tôi cứ ngờ như thế mãi, thành ra ý tưởng tôi đổi khác đi mà tôi không biết, cái tính tình vẫn nặng hơn lẽ lý nhiều, vùng nào phong cảnh tiêu điều, thời tôi hay lánh đi, chỉ tìm những nơi nào có đồi có sông, dân phong thuần hậu thời hay luẩn quất ở lại lâu.
Bây giờ đã đến cái thời kỳ tôi hơi ra ngoài đời mà đến gần cảnh vật rồi đó, tôi mới biết rằng tôi chưa từng yêu gì hơn yêu cảnh thiên nhiên, lắm khi có thể lấy đấy làm cái vui ở đời, khuây khỏa được lắm nỗi đắng cay sầu thảm: Có khi tôi ngắm cảnh mà quên cả mọi nỗi gian truân, quên cả thế sự; tưởng có thể bỏ cả vinh hoa phú quý để được hưởng một cái thú cỏn con với cây cỏ. Ánh sáng hơi thu, gió lạnh, những lúc mùa nọ thay sang mùa kia thường đem cho tôi lắm cái cảm giác êm đềm man mác, tôi là người khách rồi, cái nguyên nhân ấy muốn tách bạch ra thì phải người nào giỏi về tâm lý học lắm mới làm nổi.
Tôi đương mang tấm lòng như thế, thời đến một nơi gọi là Từ Lâm: Xa xa toàn là núi, ngọn nọ, ngọn kia không dứt, sắc núi màu lam, buổi sáng chiều mây bay sương phủ. Từ Lâm là một cái làng nho nhỏ ở chân đồi, vẻ đặc sắc nhất là tỉnh, có con sông con, sắc nước trong xanh chảy từ từ trong lòng cát trắng: Mảnh đất đó, đối với tôi là khách qua chơi một ngày, sao có liên cảm sâu xa như thế? Tuy không phải là nơi danh thắng, non không cao, nước không sâu, nhưng có vẻ đậm đà, điều độ, ân ái, dễ xiêu người. Tôi không úy phục, tôi không say đắm, nhưng tôi dễ nhận dễ yêu như một nơi quê hương xứ sở vậy, lòng tôi lúc đó bâng khuâng, không nỡ rời đi nơi khác, định chỉ kiếm việc gì đấy để lưu liên lại ít lâu.
Tôi muốn vứt hết những ý nghĩ băn khoăn của đời quá ư văn minh này, cố giữ trong lòng được thảnh thơi mà yên thân ở đấy. Cái lòng tôi yêu cảnh thiên nhiên thật đã tới đến cực điểm.
Tôi để ý đến dân tình thời thấy phong tục rất hay, rất thanh thú, đúng với óc tôi mơ tưởng bấy lâu. Tôi có xem xét cho kỹ lưỡng thời thấy mình biết thêm được nhiều điều đáng cho vào quyển sách sau này. Nhưng tôi lại tự hỏi: Thời phong tục làng ấy hay, nhưng hay ở thời này để làm gì mới được chứ? Có phải là chỉ để so sánh và lấy tiếng khen của người đời sau đâu? Điều đó tôi chưa giải quyết, chỉ riêng phần tôi bấy lâu chịu nỗi phất phơ, đến chốn đó có cái khi vị thanh nhàn, đời người đáng sống, đáng tôn trọng lắm. Nhưng họ có biết không? Nếu họ không biết thời cái mục đích của tôi đỏ đen hết cả. Đến lúc tôi tìm thấy là lúc tôi lại muốn phá đi. Tôi thành ra hoài nghi, nhưng tự an ủi mình rằng: Đời ta đáng sống, ta vui lòng mà sống là nhờ có một cái tuyệt đích, là tu trường là hay, cố công đeo đuổi cho suốt đời. Sự run rủi đã đưa ta đến chốn này, thời ta cứ tĩnh tâm xem xét phong tục rồi làm thành sách mà giúp đời.
Ta cứ yên tâm mà theo cái đường ta muốn đi, thời đời ta mới có nghĩa lý đôi chút, ta tin ở đấy thời ta sống mới có phần đầy đặn hơn.
Một hôm tôi ở dưới làng lên đồi chơi, đường đi men sườn đồi, thấy có cái vườn dâu cành lơ thơ như bức mành hồng lấm tấm lá xanh. Giữa vườn có nóc nhà lá: Theo cái ngõ con đi vào thời thấy sáng sủa phong quang như nhà một người ẩn sĩ.
Hôm ấy về mùa đông mà trời nắng, gió thổi lá dâu phất phới, lòng tôi nhẹ nhàng, vui vẻ làm sao! Cái vui như chan chứa trong tâm can tưởng không bao giờ có thể hết vui được nữa.
Vừa vào đến sân thời tôi đứng ngẩn người ra: Một cô con gái trạc độ mười sáu, mười bảy, đương ngồi quay tơ ngoài hiên thấy tôi vào đưa mắt trông lên. Tôi chưa từng thấy người nào đẹp đến thế, bâng khuâng như mình lạc vào cảnh tiên.
Nàng thấy tôi vào, không biết tại sao đứng dậy, tấm áo dịu dàng, mắt hoa ngơ ngẩn mà nhìn tôi: Nàng nhìn tôi rồi lại nhìn quần áo, tôi mới sực nhớ ra mình ăn mặc như người thợ, cái tinh hoa ẩn vào trong sao lại cảm được nàng, làm sao nàng nhìn tôi mà lại hình như biết là tôi được. Tôi lấy làm ngượng, cái cử chỉ không được thật, như tỏ ra mình là người thế nào mà nàng đã biết hết. Nàng đột nhiên hỏi:
- Cậu vào đây muốn hỏi ai? Tôi làm ra bộ ngơ ngẩn mà nói:
- Thưa cô, tôi làm ở trên đồi, xuống nhờ cô bát nước mưa uống đỡ khát.
Nàng nhìn tôi một lúc lâu, hai con mắt trông như ngạc nhiên muốn hỏi, rồi nói:
- Trời này uống nước mưa thời lạnh chết, để tôi vào xem có nước chè nóng, thời tôi cho một bát.
Tôi uống xong ngần ngừ không muốn đi ra, thấy nàng lại sắp ngồi vào quay tơ, liền nói:
- Cô cứ quay tơ đi cho tôi đứng xem học lấy cách thức thế nào.

- Mỗi người một việc, cái bác này người lạ quá, uống nước xong thời lên đồi mà làm việc lại còn ngần ngừ đứng lại, quay tơ thời có gì lạ mà xem.
Nàng nói thế là có ý đuổi, tôi cứ mê mẩn không đi.
Nàng thấy tôi kỳ khôi lên tiếng gọi người nhà:
- Thầy ơi, có người thợ lôi thôi quá người ta muốn hỏi thầy đấy.
Nhà trên một ông cụ đi ra trạc ngoại năm mươi tuổi, râu đã lấm tấm bạc, vừa đi vừa nói:
- À, có phải bác phó Nghi đấy không? Sao lên chậm thế?
Nàng nhìn lại tôi, thấy tôi vẫn đứng ngậm ngùi, với cái guồng tơ lấy làm lạ, liền nói:
- Thưa thầy cái người nào ấy, không phải bác phó Nghi đâu.
Ông cụ đến thì tôi vái chào, ông cụ không trả lời, mắt đăm đăm vào tôi như nhìn một vật gì lạ, rồi bỗng như nhớ ra, giơ hai tay lên mà nói:
-... Ông giáo Lưu.
Lúc bấy giờ cô bé đến gần cũng giương hai con mắt mà nhìn tôi, rồi lại nhìn ông cụ, con tơ nàng cầm ở tay rời xa rơi xuống đất.
Tôi thốt nhiên nghĩ đến tứ cố vô thân, người trong nước như thờ ơ lạnh nhạt, bấy lâu gian truân khổ sở mà không có ích cho ai, nên không thiết gì nữa, muốn ghen với nghìn người khác được sung sướng hơn mình, liền ngả nón mà nói một câu, một câu ấy mà cuộc đời tôi xoay hẳn đi; bấy lâu vì xã hội, vì danh giá làm cho mình không phải là mình, nay đến trước cảnh thiên nhiên bao nhiêu cái phụ thuộc xưa kia tô tạo nên tôi không có nữa.
- Vâng, thưa cụ chính tôi đây.
Rồi kể lại từ lúc thôi dạy học, vào trường luật, cha mẹ qua đời, ý muốn làm những gì, tại sao lại ăn mặc thế này và tình cờ đến đây được. Cả nàng cũng ngồi nghe rồi cũng nói:
- Thảo nào mới đầu tôi trông quen quen, hơi quen thôi. Tôi cũng hơi mỉm cười thôi mà nói:
- Trước tôi đi dạy học ở trọ nhà cụ thời cô em còn bé. Về sau có một hôm tôi ghé vào thăm cụ, thời họ nói đã dọn cả về quê rồi.
Ông cụ nói:
- Nhà quê tôi đây, người dưới làng Từ Lâm gần hết là người trong họ tôi cả. Tôi cũng có nhà dưới làng, trên này chỉ là chỗ ở cho mát mà thôi. Bây giờ ông đã đến đây, đem lòng yêu thương phong cảnh đất này thời cứ ở đây với tôi mà làm sách. Vả ông không có ai là họ hàng nữa, thời ở đâu chả là quê hương. Dưới làng Từ Lâm có cái trường mới mở mà chưa có thầy giáo, để tôi nói cho họ biết ông là ai, rồi ông dạy học ở đấy, xem xét phong tục cho tiện.
Anh ạ, thế là từ hôm ấy, ngày ngày hai buổi xuống đồi dạy học; dân làng Từ Lâm thật là thuần hậu, càng ở lâu càng mến mà họ cũng có ý mến tôi, học trò cũng khá đông. Những lúc tan học về, trèo lên đồi, đi qua những vườn chè đất gồ ghề, tuy vất vả mà cái vui trong lòng thật là vô cùng. Tôi hình như lúc nào cũng háo hức muốn làm hay cho người khác, ở chỗ thiên nhiên này, cái lòng tôi mới có thể nảy nở ra được. Tự độ ấy mà tôi nghĩ ra một cái ý rất hay, chốc nữa sẽ nói anh nghe.
Tôi ở một gian đầu, nhà cũng khá rộng sạch sẽ mà sáng sủa, khi đi dạy học về lại ngồi vào bàn viết lách. Sách vở mới đầu chưa có gì, về sau tôi có tiền gửi về Hà Nội mua, bây giờ cái thư viện cũng kha khá. Cửa sổ, chỗ cái giường tôi nằm thời trông xuống dưới cánh đồng, xa xa dãy núi mấy chòm cao, cây xanh trùm đến ngọn, làn khói như sợi tơ lên nền khơi. Dòng sông uốn quanh chảy lại, sắc trong trong có mãi không cùng. Đồng lúa xanh kéo đến tận chân đồi, cô con gái áo nâu yếm đào lên núi lấy sơn, con ngựa rong ruổi xuống dòng uống nước. Nét bút các nhà cổ danh họa cũng tài tình mà phong phú thật; nếu muốn lấy cảnh trời đất làm vui ở đời thời cái buồng nhỏ ấy cũng là giang sơn cho mình được. Ông cụ ở nhà ngoài, có người con gái thời có khi lên trên này, có khi xuống dưới làng với bà cụ.
Những ngày chủ nhật thứ năm, khi nào viết nhiều quá mỏi tay, nghĩ quá nóng đầu, thời tôi thường lên đồi chơi vẽ cảnh. Có khi gặp nàng đương hái chè, lần đến nói chuyện làm ăn, chuyện thật thà mà ngây ngô. Gió đưa quần áo phấp phới, trông nàng đẹp quá, không sao không cảm được. Có khi tôi đứng vẽ cả nàng nữa. Nàng quay mặt lại thấy tôi, có ý ngượng, xong xem ý cũng muốn để tôi vẽ, thấy tôi đến thì chít lại khăn vuông cho ngay ngắn, buộc lại thắt lưng cho gọn gàng. Tôi vẽ xong, nàng táo bạo chạy lại nhìn vào tờ giấy rồi nói:
- Trông giống đấy nhưng sao lại thiếu mất một tay.
Tôi cười, nàng cũng cười, gió trên đồi thổi mạnh; Từ mảnh trời sắc núi, cho đến ngọn cỏ, dáng người như hòa hợp lại với nhau, điều độ, nhịp nhàng như khúc nhạc Quân thiên.
Dưới chân, bờ ruộng, kẻ ngang kẻ dọc trông như bàn cờ, mỗi chỗ mỗi khác, công việc đồng áng thong dong, tiếng gà gáy chó sủa văng vẳng gió đưa lên đồi làm cho chúng tôi quên bẵng mình là người thời buổi nay, ở lùi lại đời hồng hoang, thái cổ. Tôi giảng cho nàng nghe về cái vẻ đẹp của trời đất, bảo nàng chỗ tôi với nàng đứng đây là chỗ trung tâm của mọi sự hòa hợp trên đời, lấy cái vẻ đẹp bàng bạc trong non sông mà chung đúc nên.
Một hôm tôi đi dạy học về thấy nàng đứng trước tờ tranh tôi vẽ nàng hôm nọ, tôi vào mà nàng không biết. Tôi nói:
- Thôi đẹp lắm rồi, ngắm mãi!
Nàng quay lại lấy làm thẹn, má đỏ hồng. Thời kỳ này là thời kỳ mà nàng đã bảo tôi để ý đến nàng, mà nàng cũng muốn tôi rồi đấy: Lẽ ấy là lẽ thường, nàng là người con gái mới, gặp tôi còn mơ ước gì hơn nữa, mà tôi cũng định tâm lấy nàng thật.
Một buổi chiều tôi đi một mình lên rừng chơi, lắm chỗ cỏ mọc cao đầu, cây cối rậm rạp, tôi lạc lối cứ đi mãi, gặp suối thời kéo gỗ trên rừng xuống bắc cầu mà qua. Trời đã tối vẫn lẩn quẩn không thấy đường ra. Nửa đêm mới về đến nhà, thấy nàng vẫn còn chong đèn thức mà đợi tôi, như có vẻ lo sợ, tôi hỏi thì nói là ngồi khâu nốt cái áo cho xong. Nhưng tôi cũng hiểu lòng nàng thế nào rồi, mà lòng tôi cũng có khác chi đâu. Những lúc đi dạy học về, đợi nàng dưới làng lên, trời đông sao mà quạnh hiu như không có một ai nữa, đến lúc thấy nàng qua vườn dâu, thấy nàng đi vào mặt tươi như hoa và lạnh như sương, thời lòng tôi phấp phới như bướm trên hoa. Có khi tôi theo nàng lên đồi làm lắm việc trẻ con quá, không ai nghi ngờ gì cả, đồi cao cây phủ ai biết đó là đâu.
Một hôm tôi đột nhiên sắm sửa nói với ông cụ xin đi:
- Bấy lâu ở đây thật cảm ơn cụ quá không biết lấy gì mà đền ơn được. Bây giờ công việc tôi ở đây đã xong cả rồi, phải dời đi nơi khác. Vậy xin từ biệt cụ, mà đi phen này không biết có còn gặp được cụ nữa không.
Nàng cũng có đấy, tôi nói xong trông lên, thấy nàng đứng đằng sau ông cụ mà nhìn tôi, làn thu ba, đắm đuối như hỏi như han như oán trách vô ngần. Tôi nói chuyện với ông cụ một lúc lâu thời không thấy nàng đứng đấy nữa. Tôi nhìn ra cửa sổ chỗ con đường đi xuống dưới làng, cũng không thấy bóng ai, lên đồi chỗ chúng tôi vẫn thường nói chuyện với nhau thời thấy nàng có đấy đương cúi mặt mà khóc nức nở. Tôi đến gần mà bảo nàng rằng:
- Sao cô vội khóc thế, để tôi nói cho nghe đã, không thế thời bao giờ chúng ta có thể lấy nhau được, thế nào tôi cũng phải đi độ nửa năm cho ai cũng quên tôi đi, rồi sau mượn mối đến hỏi thời tránh được tiếng người ngoài. Trong nửa năm ấy tôi lại khăn gói lang thang hồ thỉ bốn phương, cô đừng tư tưởng đến tôi nữa, nên cầu cho tôi có thể xa cô càng lâu bao nhiêu càng hay bấy nhiêu.
Bấy giờ nàng mới hiểu, gạt nước mắt mà nhìn tôi như trách đã để nàng sa mấy giọt nước mắt không đâu. Trời đã lờ mờ tối, về phương xa trên mấy cái núi cao họ đốt rừng, trời đất bao la, chúng tôi cầm lấy tay nhau sung sướng quá, không thích sống gì nữa.
Hôm sau tôi từ giã ông cụ và Từ Nương vác khăn gói ra đi. Trong một năm trời nay đây mai đó, non nước lắm khi thấy lạnh lẽo, xa lạ mà buồn tênh quá. Còn nàng thời ở lại chốn vườn xưa, con bươm bướm cái hoa đậu, lần lần tháng trọn ngày quả xinh đẹp thêm ra, không lớn lên.
Tôi đi đến đâu cũng không thấy được như chốn cũ nữa, người đời sống nhỏ nhen, đê tiện quá, không cái gì có thể làm cho mình vui lòng đôi chút. Tôi trở về Từ Lâm thời lòng đã tê tái, lúc trông thấy cái yêu quý xa xa, bao nhiêu nỗi buồn như giũ sạch, lòng thấy nhẹ nhàng, hăng hái, rất tin về công việc mình làm, không có những cái ý nghĩ băn khoăn nó xô đẩy nữa. Tôi lại men sườn đồi như năm nọ, đến khi trông thấy nàng đứng trong sân mà nàng cũng trông thấy tôi thời dẫu cho long trời lở đất, chúng tôi cũng không nỡ rời nhau ra nữa.
Ông cụ bằng lòng cho chúng tôi lấy nhau và để riêng cái nhà ấy cho hai vợ chồng ở. Tôi đi dạy học, làm sách, nàng ở nhà dệt vải, ươm tơ, ngày tháng như thoi, thời gian bát ngát, chúng tôi cũng không mong mỏi gì nữa.
Hôm nọ cầm mấy quyển sách và lâu ngày cũng nhớ anh bạn cũ, nên mới dò lên đây đấy. Thôi bây giờ tôi đã giàu lắm rồi anh ạ, mà tôi còn muốn làm giàu nữa. Tôi làm sách mà nói thời chắc không ăn thua gì, chỉ có một cách thực hành ngay là hơn; anh chắc đã biết không còn mong gì ở quan rồi, cũng không thể mong ai được nữa, vậy bây giờ tôi định có nhiều tiền tậu một cái đồn điền độ mấy nghìn mẫu vừa đồi vừa ruộng; mở đồn điền không phải là cứ vụ gặt đến, nhảy ô tô lên thu thóc, thu tiền đâu, cũng không phải là chỉ nhìn cây cà phê ra quả đâu, cốt nhất là giáo hóa cho dân. Tuy không được lan rộng nhưng thấy kết quả hiển nhiên, làm cho mấy nghìn con người được sung sướng vì mình, thời chết đi tưởng cũng hả dạ lắm, đời mình không phải là không có cho ai. Tôi lại đi tìm những người nào đồng chí, phải đồng chí lắm mới được rồi thì mời về thực, hoặc ai bận bịu thời giúp cho họ thoát ly, về ở với nhau, lập thành cái làng con ở chân đồi. Nhà ở thời toàn là nhà gỗ, nhưng cao ráo mà sáng sủa, chung quanh có vườn rộng trồng cây có quả. Đồ đạc đơn sơ mà thật nhã, thiệt hợp với sự cần dùng, đồ mỹ thuật có ích nhưng rất quý; một vài bức cổ họa màu dịu, một vài lọ dành để cắm hoa, bao nhiêu cái xa hoa phiền phức thời bỏ đi hết. Chung quanh nhà nuôi chim, nuôi ong cho vui. Ngoài việc làm ruộng dựng một cái nhà tằm, trồng mươi mẫu dâu, dệt vài khung cửi, để đám phụ nữ săn sóc về việc tằm tang, canh cửi để lấy lụa trong nhà dùng. Làng có một cái nhà chung để bàn việc trong đồn điền, có một cái thư viện gồm cả sách tây, sách nho chọn lọc kỹ.
Người thời làm cho trong đồn điền có nhiều hoa lợi cho dân khỏi đói, người dạy về công nghệ, người thì dạy học, cốt làm cho họ biết ăn ở với nhau cho hoà hợp, biết yêu cảnh thiên nhiên, biết sống ở đời là vui, mà ở đời thường cũng chỉ có thế mà thôi, còn ngoài ra là hão cả.
Tôi tưởng tượng ra như một nơi mà người nào cũng ăn ở hòa hợp với nhau thương yêu nhau lắm, người nào cũng lấy sống ở đời làm vui, không có thiếu thốn cái gì để phải khổ sở, mà cũng không có cái gì nhiều quá để mê đắm lòng mình, cái gì cũng điều độ, nhịp nhàng như khúc âm nhạc để ca tụng ông trời kia đã cho lòng mình được trong sạch, giản dị, mà lúc nào cũng đầy những gió trăng hoa mộng. Cũng vì cái xã hội ngày nay không hợp với tôi, tôi không có thể nào theo người khác được nên mới có cái ý tưởng kỳ khôi ấy. Tôi chán tất cả. Tôi không có cái hăng hái như người khác mơ tưởng một cái văn minh mà ta vẫn thường cho là văn minh, tôi chỉ muốn trở lại thời cổ sơ, cố đạt được cái mộng các bực hiền triết ta ngày trước, có thế thôi. Tôi đã biết từ khi hãy còn trẻ rằng rồi sau thế nào tôi cũng thế này, nên từ bé cho đến khi hơn hai mươi tuổi đầu, bao nhiêu những việc tôi làm, những công gắng sức của tôi là theo thói người đời mà làm đấy thôi, chứ thật ra tôi không tiện ở đây, cho là tạm thời hết cả. Vì thế mà lúc nào tôi cũng buồn, buồn rằng cái óc như người khác mà không sao sống như người khác được.
Tôi tưởng thế mới là văn minh; chứ biết đo hết cả vũ trụ, biết thấu hết mọi cái huyền biến vạn vật, biết hết cả mà rút lại ăn ở với nhau không nên thân, lấy cái óc mà nghĩ cách giữ lẫn nhau, thời văn minh làm gì, đưa nhau đến đâu mới được chứ? Hoán cải cái văn minh lại mà thôi.
Bạn tôi nói xong, lặng yên mà nhìn lên trăng cao tít trên trời, nét mặt thanh thản như chan chứa cái vui, tôi nhìn anh Lưu mà tôi thương hại cho tôi. Tôi nói với bạn rằng:

- Anh là người sung sướng vì anh sớm biết theo cái chí hướng của anh, không cần thiên hạ, còn tôi ngày ngày hai buổi đi về, tôi có phải là tôi đâu, cái đời tôi thật là khốn nạn quá. Không biết sau đây, anh đạt được mục đích, có để cho tôi về nương thân ở đây không, hay cái lòng tôi còn tục quá, còn hám tiền của, danh lợi quá, vẫn ưa những cái phiền phức, xấu xa, chưa biết yêu cảnh thiên nhiên nên không đáng là người đồng chí với anh chăng. Nếu thế thời từ nay tôi xin luyện hồn trước đi, còn về đường vật chất chắc anh làm cho tôi thoát ly ra dễ lắm. Nhưng tôi giúp gì anh được, các công việc tôi học mấy năm trời vứt đi cả, lệ luật mà tôi nhồi vào óc bấy lâu dùng ở cái xã hội nhân công tổ tạo này thời nay còn được, chứ nó sống sượng lắm nên quẳng nó đi cho nhẹ óc, trước kia tôi cũng có cái ý nghĩ như anh, nhưng còn mập mờ chưa rõ, là vì sợ người khác, sợ người khác họ chê là tại mình dốt, mình yếu nên không chen được với họ nên mới đâm ra nghĩ như thế. Vả đời sống là sống thế này rồi, ai ai cũng công nhận như thế, nay trái hẳn lại, mấy người đã có cái gan ấy!
Sáng hôm sau, bạn tôi nói xin về, tôi cũng không giữ lại.
Tôi định tiễn tiền tàu thời bạn trả lại không lấy mà bảo rằng:
- Hôm nào thư thả mời anh lên chơi với tôi cho khuây khỏa nhưng chắc anh bận lắm thì phải, chỉ ngày lễ mới đi được thôi. Mẹ cháu ở nhà năm nay tơ tốt có dệt được mấy tấm lụa đẹp, hôm nào anh lên sẽ xin tặng gọi là một chút quà ở nơi sơn trại.
Bạn tôi về Từ Lâm, còn tôi lủi thủi vác ô vào sở. Nghĩ mà cũng phải: Ở đời sống là thế này rồi, ai cũng công nhận như thế, nay trái hẳn lại, mấy người đã có cái gan ấy.
23-10-26
Sư Bác Chma Kênh
Chùa Kênh ở trên đỉnh một cái đồi cao, quạnh hiu vô chừng. Đường lên uốn khúc, rải rác một vài hòn đá núi tim tím nằm trên sườn cỏ xanh, trơ trơ đã mấy nghìn đời như để chứng kiến những sự đổi thay của trời đất. Chùa cũng cổ lắm, chung quanh có một vài cây thông gió hắt hiu. Về buổi chiều lên đồi, thấy cái chùa đó, giá lòng người tê tái, thế sự thờ ơ, tưởng có thể đem tấm thân suy mòn mà nghìn năm gửi cùng cỏ cây chốn này được.
Tu hành trong chùa đó, có một ông sư cụ đã ngoài bảy mươi tuổi, một ông sư bác trạc độ tứ tuần và một vài chú tiểu ngây ngô ngày ngày quét lá cửa chùa.
Sư bác chùa Kênh đã nổi tiếng khắp vùng ấy, là một ông sư chân tu; ông học thâm lắm, bao nhiêu sách Phật, thiên kinh vạn quyển ông đều xem cả. Ông càng xem càng hiểu thấu lẽ Phật, càng biết đời là cõi hư vô, bể khổ mông mênh, không bờ không bến. Suốt ngày ông ngồi tụng kinh gõ mõ, nét mặt đăm đăm, không lúc nào nhãng, khi nào mệt thời lại nằm trong giường mà niệm Phật. Người ông xanh lướt như cây cỏ, hai con mắt ông sáng quắc như hai ngôi sao. Bao nhiêu các sư ở vùng quanh đây đều tôn trọng ông lắm, thường đến nghe ông giảng thuyết về sách Phật.
Chiều chiều ông lê gậy trúc quanh chùa đứng rũ tay mà nhìn xuống thế gian khổ sở điên cuồng; làng mạc luẩn quất xa gần, tiếng gà gáy chó sủa, người đời sao mà sống nhỏ nhen, nhỏ nhen thế? Ông nghĩ đến câu "nước mắt chúng sinh trong ba nghìn thế giới, đem chứa tích lại còn nhiều hơn là nước trong bốn bể" mà ông đem lòng thương chung cho muôn vạn con người dưới chân ông đương xâu xé, đâm giết nhau; ông thương nên ông muốn ra tay cứu vớt kẻ đắm chìm trong bể khổ.
Đêm đến ông ngồi tĩnh tọa, rồi lại niệm Phật đến gà gáy tỉnh quá nửa đêm mới đi nghỉ. Ông tập tĩnh tọa đã ngoài mười năm, đêm nào cũng không bỏ, thành ra trí sáng suốt thâu hút mọi lẽ ở đời. Ngày nào cũng như thế mà không bao giờ chán nản, trong lòng lúc nào cũng thảnh thơi, không buồn không vui như đã đến được cõi Nát Bàn rồi vậy.
Trước cửa chùa Kênh có một cái tượng đá cao hai thước, không biết ai tạc nên mà để vào đấy, chỉ thấy nói của một người Tàu đem cúng vào chùa từ đời hậu Lê. Một hôm sư bác thơ thẩn, chợt nhìn thấy trên chính giữa đỉnh đầu pho tượng có một lỗ thủng to bằng đồng hào, gõ vào tượng thời thấy kêu biết là tượng rỗng.
Ông nghĩ cũng kỳ cho bức tượng bằng đá mà cũng rỗng được nhưng cũng không để ý. Tối hôm ấy ông ngồi tĩnh tọa, thấy không được tĩnh tâm như mọi khi, phảng phất cái lỗ đen trước mặt, trước còn to bằng cái lỗ thủng trên đầu pho tượng rồi cứ to dần, to mãi, lâu lâu bằng cái miệng bát, bằng cái mâm, cái nong, cứ to mãi rồi thì chỉ thấy bóng tối như ban đêm mông mênh vô hạn, một lúc thấy lờ mờ như có ánh lửa lòe ra tắt đi, dần dần trông rõ một cái vạc dầu, tiếng người than khóc, có hai đứa quỷ sứ, tay cầm đinh ba đương đứng nhìn ông chòng chọc một lúc thì... biến mất... Ông hơi có ý sợ thành thử phải cố ý nghĩ xem tại sao pho tượng đá ấy lại rỗng và có cái lỗ thủng trên đầu; ông cứ tự hỏi tại làm sao cho đến sáng mới nghĩ ra. Ngày hôm ấy ông ra xem lại thời quả nhiên ở chỗ rốn pho tượng lại có một cái lỗ thủng nữa nhưng bé lắm, thật đúng như trong trí ông đoán cả. Cũng vì ông tĩnh tọa đã lâu, nghiền ngẫm câu "tự giác nhi giác tha" nên mới có cái trí sáng suốt nghĩ ngay ra được như thế. Tối đến ông lại tĩnh tọa một lần nữa thời trăm phần không còn phần nào sai được.
Tối hôm ấy là ngày mồng hai tháng chạp, trời rét như cắt, tối đen như mực, ông đợi cho sư cụ và các tiểu ngủ kỹ rồi, mới trở dậy cầm cây đèn, một cái thuổng và một vò nước lớn, mở cửa ra ngoài chùa, hơi thấy tiếng động thời lại đứng dừng ngay lại lắng tai nghe. Tiếng thạch thùng kêu, tiếng chuột chạy trên mái chùa, ngày thường những lúc ông tụng kinh ông vẫn nghe thấy luôn mà bây giờ như dọa ông, làm ông run sợ không khác gì kẻ gian nghe thấy tiếng động vậy. Khó nhọc lắm mới đến được chỗ pho tượng. Ông lấy vòi nước đổ vào cái lỗ thủng trên đầu tượng rồi soi đèn vào chỗ lỗ ở rốn xem thời quả nhiên có một tia nước phụt mạnh ra hai thước. Ông mừng quá, nhận xem tia nước ra xa đến đâu, đánh dấu lấy chỗ ấy, rồi cầm thuổng đào đất. Đào đã sâu mới gặp một viên gạch, bật lên thời thấy một cái chum có cái vung to đậy lên. Nhà sư chân tay run lẩy bẩy cúi xuống nhấc cái vung ra, giơ đèn nhìn vào thời quả nhiên thấy một chum đầy vàng cốm dưới ánh đèn chói lọi, nhà sư lúc bấy giờ mắt hoa lên cho hai tay vào chum mà quờ mà bốc!
Dưới chân đồi, làng mạc ngủ yên cả thỉnh thoảng thấy có ngọn đèn sáng, một vài tiếng chó sủa xa xa. Êm đềm thay! Suốt ngày khó nhọc, người nào người nấy cuốn chăn ngủ kỹ, nhưng trong cái nhà có đèn sáng kia biết đâu không có hai vợ chồng nhà ai, trai tài, gái sắc, dưới ánh đèn xanh, đương chung bóng cùng nhau câu chuyện ân tình... biết đâu.
Nhà sư cho vàng vào bao, đậy chum lại rồi lấp đất y nguyên như cũ.
Sáng hôm sau thấy mâm cơm mấy quả cà mà ngao ngán, trông đến các tượng ngồi mà tênh sự đời.
Được mấy ngày khắp suốt vùng ấy, ai ai cũng hỏi nhau ngơ ngác không biết sư bác chùa Kênh lên tiên hay đi đâu mà biệt vô âm tín.
Ba năm sau, ký giả thấy ông ra ứng cử nghị viên thành phố Hà Nội.
Làm Gì Mà Băn Khoăn Thế?
Nếu ai biết ở đời cái gì cũng là ảo mộng, là người ấy khổ mà mục đích ở đời là sự hạnh phúc thời chẳng là trái ngược lắm sao. Khốn nhưng nếu không nghĩ gì mà được sung sướng thời dễ chứ đã biết nghĩ rồi, biết nghĩ là cái nguồn khổ về tinh thần, muốn thoát ly ra thật là khổ lắm. Nhiều người lại cho cái đau đớn là cao thượng, là cái lẽ sống của mình, lấy đấy làm cái mục đích ở đời, nhưng thiết nghĩ cũng là ở tại cái bình phẩm của người khác mà gây nên đấy, chứ trong thâm tâm cũng tự biết ở đời không phải là chỉ để chịu cái đau khổ mà thôi. Không muốn đau khổ mà cũng không ù lì mộc thạch, chỉ là muốn có tư tưởng mà được thảnh thơi trong lòng, nhưng muốn cả hai như thế thật là khó khăn vô cùng. Không biết các bậc hiền triết ngày trước lánh người đời lên núi bạn với thông, với hạc có giữ lòng mình được yên ổn không hay là dẫu đi đâu đi nữa mà không đổi được lòng mình thời cái khổ kia vẫn liên miên vô tuyệt.
Phạm Đài lúc còn đi học cũng có tính điềm đạm, thâm trầm hay nghĩ sâu xa, mới ngoài hai mươi tuổi mà người đã già cỗi, trước khi làm việc gì thời đo đắn ngược xuôi rồi mới làm, có khi nên làm mà lại không làm nữa. Lúc đỗ tú tài tây xong, đưa đơn xin được bổ ngay tham biện ở một tỉnh nọ.
Mỗi buổi đi làm về, nhân có thì giờ rỗi nên xem được nhiều sách lắm, tư tưởng cổ kim đông tây đều thiệp liệp qua cả bắt óc mình phải suy nghĩ nhiều. Anh em bạn đến thường vẫn nói đùa rằng: "Anh hay xem nhiều sách tán óc quá, chỉ thêm được cái tính tự cao tự đại, bối rối ruột gan mà thôi. Chẳng qua cũng chỉ một bọn ngông cuồng không lấy con mắt như người khác, đem cuộc đời mà "tán óc” ra, kẻ nọ khen kẻ kia, chẳng qua cũng là để tán óc lẫn nhau".
Phạm Đài ngày ngày hai buổi ung dung lên xe nhà vào sở tưởng cũng khổ tâm lắm. Mỗi bận ở sở ra như là thoát khỏi nhà ngục tù vậy. Từ lúc đó trong lòng băn khoăn không lúc nào yên, cái băn khoăn vô cớ vô hình như nhấm gan đục óc, muốn giũ đi mà không tài nào được. Không còn vui về một cái gì nữa, ăn cơm cũng không thấy ngon, động làm cái gì thời khó chịu, mà cứ ngồi yên không làm gì thời khó chịu hơn. Nếu ngủ đi thời thôi, khi tỉnh dậy nghĩ đến tại sao mình lại băn khoăn để tìm cách đuổi nó đi thời cứ băn khoăn mãi.
Xưa kia, khi chưa có nỗi gì đau đớn, vẫn tưởng nếu mắc phải thời một chốc nó đến đột ngột như người bị sét đánh. Không, cái buồn ấy chỉ thoảng qua mà còn có nghĩa lý đôi chút. Cái băn khoăn này mới gớm ghê. Phạm Đài một hôm bực quá, tự than rằng:
- Cái buồn cái lo nhỏ mọn làm gì bứt rứt thế? Ôi! Con người ta sinh ra là mảnh bụi làm gì mà băn khoăn thế? Ta hãy quên đi, ta hãy nguôi đi.
Phạm Đài tự nghĩ mình hay suy xét về nghĩa lý ở đời mà công việc mình làm đây lại không có nghĩa lý gì mới nên thế chăng, nghĩ vậy viết đơn bỏ phăng. Ở nhà ai cũng tưởng một người như thế là sung sướng lắm, mà kể ra cũng là sung sướng lắm rồi thật.
Tự bấy giờ Phạm Đài về ở nhà, bắt buộc mình không được xem sách gì nữa; bây giờ muốn được yên tâm, yên tâm để hưởng cái vui để chịu cái khổ thời không nên nghĩ quá đến cứu cánh mọi sự ở đời. Không thế thời cái khổ đã vô nghĩa lý, đến cái vui cũng không còn nghĩa lý gì nữa. Ta không nên tự hỏi "tại sao" nhưng nên tự hỏi "làm thế nào", vẫn biết việc gì cũng là mộng ảo, nhưng đã để tâm đến việc gì thời phải cố đạt cho kỳ được.
Từ lúc đó xoay về kỹ nghệ, mở một cái nhà máy to, cố để tâm vào việc buôn bán mà quên đi cũng không tài nào quên được, nó cứ theo đuổi hoài.
Sau lúc đi ngoài đường thấy đám trẻ nô đùa, mấy cậu công tử quần áo tây nghênh ngang cười cợt mắt liếc mấy cô tiểu thư mặt hoa da phấn, thấy họ yên tâm mà sống như thế cũng ước ao được như họ, tuy thế thời nhỏ nhen đê tiện thật, song ở đời thế nào là to tát mà thế nào là nhỏ nhen?
Bao nhiêu tiền cổ phần rút ra hết, ăn chơi cho thật sung sướng, nhưng quần áo có khác, thức ăn chơi có thay đổi luôn mà lòng vẫn y nguyên như cũ.
Phạm Đài cho bọn ấy là những đồ khốn nạn đến nỗi muốn bắt chước những đồ khốn nạn ấy mà không xong, không tài nào hưởng cái vui gì cho toàn vẹn cả mà có vị gì đâu. Nhưng cho mình là gàn là điên đến thế nào cũng vẫn thế. Đến cái khổ của mình cũng không có nghĩa lý gì thời có bực tức không.
Phạm Đài tưởng tượng bây giờ đi làm nghề kéo xe thời có khác gì không, chắc vẫn thế mà thôi, chỉ đổi cái bề ngoài không ăn thua, cốt chính là ở mình, muốn thoát ly thời phải giữ lòng mình được thảnh thơi, giá lúc bấy giờ có cái suối tiên nào mà tắm được nhẹ nhàng tấm thân, làn nước nào làm trôi sạch cả cái bực tức ấy đi thời khoan khoái đến đâu. Bấy giờ đem những sách về đạo Lão ra mà xem xét suy nghĩ, khao khát muốn được như các cụ ẩn dật ngày xưa. Một hôm bỏ nhà, bỏ vợ con (tuy lòng thế mà vẫn lấy vợ, vẫn có con nghĩ cũng kỳ) lên rừng núi ở tưởng lên đấy là có thể giũ sạch được cả. Nhưng đem thân mình đến đâu là nó theo đuổi đến đấy, có khi tức quá lấy tay chỉ lên đầu mà than với mình rằng: "Nó ở đây, đi đâu mà không có nó được". Trong lòng không tĩnh thời dẫu thu mình vào hạt bụi, ẩn bóng trên cánh hoa, ruột gan vẫn nung nấu như thường. Hay là lấy giọt nước cành dương mà an ủi mình chăng, nhưng lòng ta không có tín ngưỡng nữa rồi đến cả vũ trụ này cũng không tin thời tin ai được nữa, mà tin ai bây giờ?
Phạm Đài lại tự hỏi: Nhưng cũng có nhiều người như mình mà vẫn được yên tâm, vẫn sống như người khác có làm sao đâu.
Phải biết rằng đối với những người hay ngẫm nghĩ về nghĩa lý ở đời như thế thì chỉ có hai cách sống mà thôi. Một là hành động, hành động cho đến kiệt lực cho mãn chiều xế bóng, lấy cái mộng tưởng mà mê sinh trong cái đời hư vô mộng tưởng này. Hai là không thiết gì nữa, cứ để ngày tháng đi qua như dòng suối chảy, không sợ chết mà cũng không mong cái chết, mình không sợ chết, mình cũng không mong cái chết mà vẫn không tĩnh tâm thời chỉ có cách trên họa may là có thể giải thoát cho mình chăng? Nhưng làm thế nào mà tìm cho mình được cái mộng tưởng đê mê mình bây giờ, tìm ở đâu cho thấy nữa. Vì chỉ tại rằng cái mộng tưởng nào mình cũng biết nó là mộng tưởng mình mới đến nỗi mang cái đau khổ băn khoăn trằn trọc trong bấy nhiêu lâu!
Giật Mình Tỉnh Dậy
Cái đầm tôi trồng rau cách trại độ nửa ngày đường. Đến mùa hoa nở tôi đem một chiếc thuyền với người con cả tôi ra ở để coi sen, vì đấy xưa nay vẫn có lắm đứa hay đến hái hoa trộm. Nhân tiện mang theo mấy cái cần câu và mấy cái lờ nan để bắt cá.
Cái nhà lều coi sen, tôi làm đã lâu, nay mục nát và hư hỏng nhiều chỗ. Nhưng mà có gì đâu? Chỉ có bốn cái cọc cắm xuống đáy nước, mấy tấm phản gỗ nằm ngang với một cái mái lá tùm hụp lên trên. Đằng trước có một cái cửa con trông ra dải sen, phía sau treo một cái mành mành rách.
Trong nhà nào chăn, nào chiếu, nào gối bừa bộn, một bên để chỗ nằm, còn một bên làm bếp nấu nướng. Trên mái treo mấy cái rế đựng đồ ăn, và củi để thổi.
Khi nào mưa to gió lớn, căn nhà lều cứ lung lay hình như muốn đổ ụp xuống nước. Tôi quấn cái chăn nằm trên chiếu, mặt quay ra phía dải sen để trông trộm. Tôi phải đắp chăn vì đêm ấy ở ngoài trời làm rét lắm.
Những đêm trời bình tĩnh, tôi không đi ngủ mấy khi, tôi ra ngồi phía sau lều, cuốn mành lên câu cá, có khi đến nửa đêm chưa thôi. Sát vào nhà lều có một cái bãi vào độ một mẫu đất, nổi lên trên mặt nước. Trên bãi có vài cái mả Khách đã lâu ngày lắm. Chen vào đám cỏ rậm, có một con chó đá ngồi yên lặng như để canh giữ lấy cổ lăng. Họ đồn rằng trước Tàu có phong thần để giữ của ở đây. Những hòn đá rải rác bên mộ, con chó đá ngồi trơ trơ, những hốc tối, những con rắn bò trong đám cỏ dưới bóng trăng lờ mờ, trông thấy dẫu người bạo đến đâu cũng kinh khiếp.
Một hôm chỉ có một mình tôi ở ngoài lều; đứa con cả tôi vì bận chút việc phải về nhà. Hôm ấy tôi ngồi câu đến khuya lắm, trời vẫn lặng lẽ như thường không có sự gì lạ cả. Vào độ nửa đêm bỗng nhiên trời tối sầm lại: Trông lên, mây kéo tối đen, không còn một ngôi sao nào. Được một lúc trời mưa xuống như trút nước. Tôi vội cuốn cần câu rồi buông mành vào trong lều, bỗng nghĩ thầm rằng đêm nay gió bão thế này chắc không đứa nào dám chèo thuyền hái trộm hoa. Nghĩ vậy liền đi ngủ, lấy chăn đắp kín. Vì gió lọt vào lạnh cả chân tay.
Ngủ một mình trong cái lều nhỏ giữa đầm nước mông mênh vào một hôm mưa to, gió lớn như đêm nay, cứ nghĩ đến cũng đủ sợ rồi. Ngay bên cạnh tôi nằm lại có mấy cái mả Khách. Không biết ma Khách đêm nay có đến trêu ghẹo mình không. Bụng nghĩ vậy, rồi thiu thiu ngủ lúc nào không biết. Nhưng trí tôi hay nghĩ đến cái mả Khách, nên lúc đi ngủ, chiêm bao thấy rất ghê rợn; ở trong lều như có một cái đuôi sam, động đậy được, bò ở phên rồi tự nhiên rớt ngay xuống trước mặt tôi. Tôi giật mình tỉnh dậy.
Ngoài lều vẫn mưa to, lắng tai nghe chỉ thấy gió ào như sóng bể vỗ vào bờ.
Tôi nhắm mắt sắp ngủ, sau thấy bụng lành lạnh và như bị cái gì đè lên, bèn lấy làm nghi, lặng yên, cố sức nghĩ xem vì cớ gì, rồi lần lần đưa tay lên bụng sờ thấy một vật tròn và nhờn nhờn. Tôi sợ quá run cả người nhưng phải nín hơi không dám cựa quậy. Tôi lấy tay sẽ lật chăn lên, thì vừa có một cái chớp sáng rực. Trên bụng, tôi trông thoáng một con rắn bằng cổ tay nằm vắt ngang. Tôi trông thấy không còn hồn vía nào nữa, muốn vùng trở dậy nhưng lại sợ nó cắn. Tôi đợi đến cái chớp thứ hai, rồi giơ tay thật nhanh nắm lấy cổ con rắn đứng ngay dậy. Con rắn giẫy lên mấy cái ngoi ngóp đầu rồi cong đuôi lên châm vào cổ tôi đau quá, nhảy lùi lại một bước may sao con rắn không nghĩ đến cắn, bò lần theo phên rồi nhân lỗ thủng chui xuống bãi.
Tôi đã thoát khỏi nạn, mà chân tay vẫn run lẩy bẩy, ngồi thu hình giữa chiếu không dám đắp chăn nữa.
Ngoài lều trời tối đen như mực, cơn mưa đã tạnh chỉ thỉnh thoảng còn vài cái chớp rớt lại. Trên bãi tôi trông thoáng có bóng người, không biết ai dám bạo gan, đến đấy trong lúc đêm tối tăm này? Tôi vội lấy tay vạch mành mành trông ra bãi. Một cái chớp nhoáng ở phương xa làm sáng rực cả góc tròi. Gần mả Khách, tôi trông rõ hai bóng người: Một người đứng còn một người ngồi xống như đào vật gì. Hai cái bóng người ghê gớm đương đào mà làm tôi khiếp đảm.
Một chốc có ánh sáng ngọn đèn bật ra giữa đêm tối, nhờ đấy nên tôi trông thấy hình hai đứa.
Đứa ngồi mặt hung tợn, người to lớn đẫy đà. Thằng đứng đưa hai mắt sáng quắc nhìn ra bốn phía, tay giơ đèn soi vào hốc tối, còn mồm thì lầm bầm nói gì tôi không nghe rõ, vì lúc bấy giờ gió thổi còn mạnh lắm.
Chúng thò tay móc ở trong mả ra mấy miếng gỗ nát rồi rút dao cậy săng, một lúc lâu, thằng cầm đèn thò tay kéo ra một cái hòm gỗ con quấn đai sắt chặt chẽ, rồi đưa cho thằng kia cầm. Trong mả dưới ánh sáng ngọn đèn, tôi không thấy một cái xương người nào. Chúng xếp gỗ săng vào rồi lấp lại như cũ, một thằng đưa mắt về phía lều, hai con mắt sáng quắc ghê gớm như hai mắt con ma. Ngọn đèn tắt; đêm lại tối đen như thường. Tôi sợ chúng nó đến giết nên không dám đánh tiếng, lặng yên để chúng nó đi khỏi rồi mới về chỗ cũ.
Bỗng tự nhiên tôi thấy rùng mình, sởn óc, tóc gáy dựng ngược lên, tôi nghĩ đến con rắn, đến con rắn lúc nãy nó nằm ngang trên bụng, con rắn ấy chính nó ở dưới mả nó bò lên, chính là thần giữ của cho hai thằng Khách ấy.
Sáng ngày hôm sau tôi ra ngoài mả thấy vết đào còn mới, ngay bên mả có một cái xác rắn to, vướng trên bụi cây.
Người Ca Kỹ Họ Nguyễn
(Dịch Ở Kiến Văn Lục)
Quan Thượng -Thư họ Vũ tên là Khâm-Lân, phong ông quận công, nguyên người làng NGọc-Lại, huyện Tứ-kỳ, cha ông đỗ cử -nhân. Ông sinh ra thông minh lắm, học sách làm văn, dạy khắc biết ngay. Mẹ ông có tội bị bỏ, người dì ghẻ dữ -dội, bắt ông thôi học về chăn trâu. Năm mười lăm, mười sáu tuổi bắt đi cầy bừa gánh phân, cuốc đất, mắng chửi cay nghiệt thậm tệ.
Quần áo đẹp, miếng quà ngon, chỉ phần riêng cho con mình, còn ông thì vận áo rách, ăn cơm đỏ ít khi no ấm, cha cũng không che chở nổi. Ông khổ quá không chịu được, phải bỏ nhà hành khất đi liều. Năm sáu hôm sau đến làng Dịch-Vọng, phủ Từ -Liêm, làng ấy có ông cử ngồi dạy học. Ông lần đến xin ăn và kể nông nỗi khổ sở. Ông cử hỏi:
‘‘ Anh có học và có biết làm thơ không?’’.
Ông thưa ‘‘có’’. Ông cử bấy giờ mời cho ngồi đưa bút giấy, bắt vịnh bài ‘‘Cốc kê sơn thủy’’, ông cầm bút viết xong ngay, câu luận rằng:
Tam Sinh vị phân Chư Cát -Lượng
Nhất không dĩ bốc Quản-di-Ngô.
Nghĩa nôm là:
Ba lần mời mọc Gia chưa dậy,
Một dịp đua quanh Quản trổ tài.
Viết xong đưa lên, ông cử khen ngợi mãi mới cấp cho đến đầu bút giấy, cùng với mọi người học. Được hơn hai năm học hành tấn tới lắm, trong trường không chịu kém ai. Năm ấy trong làng có đám, anh chị rủ nhau đi xem, thật là:
Dập -dìu tài-tử giai-nhân
Ngựa xe như nước, áo quần như nêm.

Mà ông thì rách rười, lôi thôi đứng tựa cột đình, chỉ sợ người ta trông thấy. Bấy giờ có một người ca kỹ ước mười bẩy mười tám tuổi, vẻ người tư lệ, giọng hát thanh tao, mỗi khi cất tiếng trên sân khấu làm cho người xem mê mẩn tâm thần. Tiền bạc lụa là ném thưởng cho nàng bề bộn. Nàng múa đèn liệng qua góc đình, nhác thấy ông, đưa cặp mắt thu ba mà nhìn ông một lúc, rồi ngẩn người ra, hát không lên giọng được nữa. Người xem tưởng nàng cảm, ai cũng chán nản trở về, ông cũng về. Sáng mai nàng hỏi thăm tới chỗ ông trọ, rồi vỗ -về ông rằng: ‘‘Anh hùng mà phải lưu-lạc đến thế này ư?’’ Mới cho mười quan tiền, vài bộ quần áo trân -trọng mấy lời rồi ra về ; cách sau vài ba tháng lại đến, có khi ngủ đêm ở đấy, vá may thổi nấu cho ông không khác gì là một người nội trợ vậy.
Ông gặp được nàng lấy làm cảm kích, và kính yêu lắm, thật là:
Từ phen đá biết tuổi vàng,
Tình càng thắm thía, dạ càng ngẩn ngơ.
Ông thấy nàng có bụng yêu mình, không khỏi lửa tình khôn đập, có lần chực ngủ chung.
Nàng chính- sắc mà cự lại rằng: ‘‘Thiếp nếu có phải là người trăng hoa, thời thiếu gì trai tơ trong thiên hạ, tự nghĩ phận mình hát xướng khó kiếm được tấm chồng danh giá, nên phải đem con mắt tinh đời mà kén chọn anh hùng từ khi rồng mây chưa gặp, để hòng sau nương gửi tấm thân. Nếu chàng coi thiếp như liễu ngõ hoa tường thời nay xin từ biệt.’’
Được hơn một năm, gần đến khoa thi, ông gói ghém về quê. Nàng đến hậu-tặng và đưa chân ông, lúc sắp biệt cầm tay nàng mà than rằng:
‘‘ Tôi chiếc thân lưu -lạc, tứ cố vô-thân, ngờ đâu lại gặp được nàng nấu cơm may áo cho tôi, ơn nghĩa ấy để đâu cho xiết.
‘‘ Lâu nay muốn hỏi lại đường-đột, vậy xin nàng cho biết phương danh, quí quán nơi nào để sau này biết chốn mà cùng nhau họp mặt’’.
Nàng nói:
-  Nếu chàng có lòng không phụ thời thiếp xin tự cầu. Không may mà có xẩy ra thế nào thời chỉ làm trò cười cho thiên hạ thôi, can chi phải hỏi han tường tận.
Khi ông bỏ nhà đi người mẹ ghẻ coi như nhổ được cái đinh trước mắt, mừng rỡ ra mặt, mừng rỡ ra mặt. Cha lại sợ vợ cũng không dám tìm tôi, chỉ nức nở mà thôi, tin tức một ngày một vắng cũng tưởng là chết chợ đâu rồi. Bỗng một hôm ông cưỡi ngựa về ; hỏi ra biết ông đi học, lại tấn tới, cha ông rất làm mừng rỡ.
Đến mùa thu năm ấy, khảo hạch ở huyện đỗ đầu xứ, thi hương và thi đình đều đỗ thủ khoa, cha định giạm vợ cho ông lấy con gái mộT nhà thế phiệt, ông cố từ, sau phải nói thật rằng, không dám phụ ơn nàng. Cha giận lắm, mắng chàng ngỗ nghịch không theo mệnh cha, ông bất đắc dĩ phải nghe.
Sang năm sau, cũng đi thi hội thấy nàng đem lễ vật đến kinh vào nhà tục tiếp kiến, ông thẹn thùng hối hận nói không nên lời. Nàng thưa:
-‘‘Thiếp đã biết cả rồi, chàg không phải nói, tiền trình của chàng còn dài chút thân hèn mọn này không dám nâng khăn sửa túi cho chàng là phận thiếp đó thôi’’.
Rồi từ đây không thấy đâu nữa. Sau ông đỗ vào làm tòa nội các, phụng mệnh sang sứ Tầu lịch duyệt, quan trong quan ngoài, hơn mười năm. Lúc bấy giờ vùng Hải-dương có giặc Hảo, triều đình thấy ông là người thuở trước hiểu biết tình hình quân giặc mới sai đem binh đi đánh. Giặc tan, có quân công được phong làm quận công, giữ chức đầu quan tỉnh. Ông làm tướng văn tướng võ trong mấy năm, tiếng tăm lừng lẫy, cùng người ta nói chuyện trước, cứ thở than, hối hận sai người tìm nàng mà cũng không thấy đâu cả.
Sau có một hôm, ông đi dự tiệc ở nhà một người bạn thân là Đặng-Hầu, thấy người đánh phách trông nhà nàng, hỏi ra quả thật, phong -trần dầy dạn màu da mà phong-vân vẫn ra chiều thanh nhã, hỏi chuyện, nàng nói mười năm trước đây đã lấy người đội tuần ở Thái-Nguyên, được ít lâu chồng mất, cũng chưa có con cái gì cả, có chút vốn liếng về làng, không may bị người em chơi bời cờ bạc hết cả, phải lưu lạc đem bà mẹ ra ở Hà -nội, lại giữ nghề hát cướng ở chốn quyền-môn để kiếm ăn. Ông lấy làm thương mời đón nàng và mẹ nàng về ở một nơi biệt quan, cấp lương cho tử tế. Mẹ nàng mất, ông làm ma chay cho chu đáo xong rồi nàng xin đi, ông giữ the-1 nào cũng không ở, cho nhiều tiền của cũng không nhận, bức mãi nàng thưa rằng:
_ ‘‘Thiếp tủi phận không được làm vợ tướng công, thời tiền của tướng-công thiếp còn phúc nào mà tiêu-thụ được nữa’’ (Nàng người huyện Chương -Đức tỉnh Sơn -Nam tức Hà-Đông bây giờ)
Lời ông Lan-tri Ngư phê-bình.
– Có lòng kiên tính, có khí nghĩa hiệp, có mắt tinh đời, nàng gồm cả ba điểm đó, không cứ trong bọn quần thoa, dẫu trong đám tu-mi cũng ít người sánh kịp, thế mà phải lưu -lạc giang hồ, cùng cực đến thế. Có lẽ những người tài nữ kiêm-bị thời dẫu cho nhi nữ, con tạo kia cũng ruồng -rẫy đi chăng?
Bạch Liên
(Truyện Nhật Bản)
Bạch -Liên từ thuở còn thơ vẫn nương tựa dưới gối song thân ; nhờ có gia đình giáo-dục tốt nên nàng trở nên một nàng con gái nết-na thah tú nhất trần đời ; lòng ngay dạ thẳng, câu nói mềm mỏng, thuận – thục mà có khí khái, ở nước Nhật bây giờ ít khi còn được thấy người như thế nữa. Gia đình giáo-dục như vậy tạo ra những nàng phụ nữ nhẫn nhục hoàn-toàn quá; Ở vào nước Nhật ngày xưa thời rất hay, chứ thật không thích hợp với cái thời buổi cạnh tranh cục -súc đời nay nữa. Lại dạy nàng khi về nhà chồng thời phải một niềm chiều chồng ; không được lúc nào giận -dữ, đau khổ hay ghen tuông mà lộ ra mặt, thấy chồng làm lỗi phải ngọt ngào khuyen- răn. Giá lấy được người chồng cùng một nền giáo -dục như mình mà lại có ý-tứ nhã -nhặn, hiểu biết tâm tình, thời họa may còn giữ được những nết tốt ấy.
Nhà nàng Bạch Liên thời cao quý hơn nhà chồng nàng nhiều, nàng rất tận tâm với chồng, mà chồng lại là người không hiểu thấu được lòng nàng. Hai người lấy nhau từ độ còn hàn -vi, may nhờ có người chồng buôn bán giỏi giang mới dần dần thịnh- vượng lên mãi. Nàng thấy chồng có bụng yêu đương mình lúc còn hàn-vi hơn là ngày nay nên có ý buồn. Nàng biết chắc nàng nghĩ thế là không lầm.   
Nàng muốn gì là chiều nấy, trong nhà trang hoàng rất đẹp đẽ, thanh nhã, quần áo chồng thời tự tay nàng may vá lấy, khi chồng đi ra hiệu hay ở ngoài hiệu về thời vui cười đón hỏi. Bạn của chồng đến thời tiếp đãi tử -tế, trong nhà lúc nào cũng ngăn nắp, sạch sẽ mà thân mình thời không cần săn sóc đến, chồng nàng thời muốn nàng ăn mặc lịch-sự, đưa đi xem hát và đến những nơi thắng -cảnh xem hạnh-đào nở hoa, mùa hạ đi xem đóm lượn, mùa thu xem lá ngô đồng. Ngoài những cuộc đi chơi giản dị ấy, nàng không mấy khi ra đến ngoài. Người trong họ thời ở tỉnh xa cả, nàng cũng ít bạn nên lấy chốn nhà cửa làm vui. Con cái chưa có nên lúc vui lúc buồn không biết chia sẻ cùng ai.
Năm năm đầu nàng cũng còn được sung-sướng vì chồng còn có bụng để ý săn-sóc đến. Có một ngày kia bỗng lạnh nhạt hẳn đi, nàng cũng hiểu rằng không phải là vì nàng không sinh đẻ mà nên thế, nàng không biết vì cớ làm sao nên vội xét mình có điều gì lầm lỗi chăng, tự hỏi mình rồi cố chiều – chuộng chồng hết cách. Nhưng chồng nàng cứ thờ -ơ như không. Nàng tuy không thấy chồng nói năng mình thậm tệ, nhưng nàng cũng biết ngầm cả rồi. Một người đàn ông có giáo- dục, hễ vợ có khuyên bảo thời nói lại không được gắt gỏng, làm như thế là tỏ ra con người tục -tằn thô -lỗ phải khoan thai, dịu dàng thời mới là người thi- thư lễ -phép xứng đáng với cái danh hiệu mình, mà có như thế mới là biết điều nhất. Một người đàn bà yếu ớt mong manh, hay động lòng không có thể chịu được những cách đối đãi cục -súc ấy, lỡ quá ra có thể hủy hoại cá nhân mình như không được. Vợ mà tự -tử như thế thời chồng phải đeo cái nhục suốt đời.
Nếu người chồng thờ ơ lạnh nhạt, thời người vợ thành ra ghen tương, tuy gia -đình giáo- dục, dạy không được thế, nhưng cái tính ấy có đã lâu, từ trước khi có gia -đình nhiều và cũng đi kèm với chữ tình, thiên niên bất dịch. Bề ngoài net mặt phải nghiêm trang, nhưng trong lòng ai không chua xót.
Nàng Bạch Liên ghen cũng là phải. Nhưng nàng chưa biết đích, và đầy tớ đứa nào cũng mến nàng nên giấu nàng cả.
Hai vợ chồng từ xưa đến nay, khi ở nhà, khi đi đâu cũng có nhau cả, bây giờ người chồng bỏ đi một mình. Lần đầu còn kiếm cớ nọ cớ kia, lần sau cứ đi tự nhiên, rồi cũng không nói trước rằng đi bao giờ về nữa.
Họ đồn là chồng nàng mê một con kỹ nữ, tuy không xinh đẹp bằng Bạch -Liên, nhưng có tài làm cho mê đắm lòng người, làm cho lăn lóc, ê – chề, đến khi tình- nhân yêu -quý rỗng túi thời bỏ mà cười là dại. Nàng không nghi ngờ gì cả, nhưng thấy chồng ăn ở như thế, dần dần nàng biết là tiền -tài của nàng truyền sang tay người khác hết cả.
Chồng nàng làm gì thời không thèm hỏi đến nàng, mà nàng cũng không dám hỏi han gì, sợ cho là ghen tuông, đối với chồng lại dịu -dàng âu -yếm lên bội -phần, giá được người chồng có ý – tứ thời hiểu ngay.
Chiều nào nàng cũng thấy chồng đi đâu mất, trước còn thỉnh thoảng, sau cứ đêm nào cũng vậy.
Bổn -phận một người đàn bà biết yêu chồng thời phải đợi cho đến khi chồng về mới được đi nghỉ. Hôm nào nàng cũng đợi, dần dần người yếu quá, đâm ra sốt ; thiếu ăn thiếu ngủ lại vừa buồn về nỗi phòng không vò-võ thời đến như thế thật.
Có một lần chồng nàng đi đến khuya quá nữa đêm mới về, vội bảo nàng rằng:
-Việc gì mà phải đợi tôi đến bây giờ, từ rầy đừng làm thế nữa.
Nàng sợ chồng phải buồn lòng vì mình nên trả lời rằng:
-Tôi không mệt mà tôi cũng không buồn ngủ, nên không ngủ được, cậu không phải lo đến tôi.
Chồng nàng lại lấy cớ ấy đi cả đêm, một hôm đi luôn hai ba tối chưa về. đến ngày thứ ba nàng đợi cả buổi sáng cũng không thấy về, lúc này là lúc nàng cần phải nói mới được… phải nói, cái bổn phận làm vợ bắt buộc như thế.
Nàng ngồi đợi chồng về ngày dài đằng đẵng, lo cho chồng, thương cho mình, biết mình là người bạc phận lại càng đau khổ trong tâm. Đầy tớ thỉnh thoảng thốt ra một hai câu, còn thì nàng đoán được, nàng đã biết hết cả rồi. Nàng ốm nặng mà không biết mình ốm, trong bụng chỉ đầy những tức tối, căm hờn. Trưa đến … nàng ngồi băn khoăn, nghĩ -ngợi không biết chốc nữa ra làm sao, những lời trách ấy để suốt đời bây giờ nàng mới phải nói đến.
Bỗng tự nhiên nàng thấy quả tim đập mạnh, mắt hoa lên, nhà cửa quay tít như chong chóng; ngoài cửa có tiếng thằng tớ nói:
-Ông chủ đã về.
Nàng cố đứng dậy đi ra, tấm thân mỏng-mảnh như cành liễu lúc thu sang, đi không được vững, trong lòng đau khổ vô-hạn, lại sợ không có sức để thố - lộ cái khổ ấy ra …tự nhiên người chồng đứng sững lại có ý lo sợ, không thấy miệng nàng tươi cười như mọi khi nữa, nàng giơ tay lên ngực nắm lấy áo chồng, hai con mắt nhìn thẳng vào mắt như muốn dò – xét trong thâm -tâm, muốn nói … mà không nói được, chỉ bật miệng ra một câu: ‘‘Cậu đấy ư …?’’
Rồi nàng bỏ tay ra, người chồng chưa kịp đỡ, nàng đã ngã lăn xuống đất, đến lúc nhấc lên thời chỉ còn cái xác không hồn. Nào kêu, nào gọi, nào cho đi mời thầy thuốc, còn nàng thì nằm ở trên chiếu, mặt hoa thanh thản, như không có gì là âu sầu đau -đớn nữa, vui tươi như hôm động phòng hoa chúc.
Hai ông thầy thuốc ở nhà thương gần đấy chạy lại nói không thế nào cứu chữa được nữa, rồi bỏ đi để hai vợ chồng trơ trơ đó.
Bây giờ người chồng vẫn buôn đồ tơ lụa, nét mặt bao giờ cũng đăm đăm, ít khi cười nói, những người làm công trong hiệu ai cũng đem lòng mến vì ông ta đối đãi với ai cũng từ -tốn, dịu -dàng. Ông ta không ở nhà cũ nữa, cho người thuê, mà cũng không đến thăm nữa, lại sợ trông thấy bóng hoa phảng phất, dáng liễu thướt tha. Nhưng dẫu cho ở đâu đi nữa cũng hình như thấy Bạch Liên quanh -quất bên mình, tưởng chừng như thấy nàng đương ngồi bên cửa sổ cúi khâu nốt một cái áo đẹp để mình mặc, mặc để đi mà phụ nàng.
Có khi công việc bừa -bộn, tự- nhiên thấy nàng hiện lên, làm át hết cả những tiếng động rộn khác đi ; chữ trong sổ thời như nhẩy múa, bên tai chỉ thấy một tiếng thỏ - thẻ, ngọt – ngào như ở trong tâm can đưa lên: ‘‘Cậu đấy ư?’’
Có phải tiếng nàng năm xưa đó không?.
Vuông Vải Trắng
Minh -Tử là một người học trò nhà nghèo rất hay chữ, cha mẹ qua đời cả, lấy được người vợ tên là Trần -Thị con nhà giàu có. Chàng ở gửi rể ở đấy, giang sơn chỉ có hai cặp sách, ngày ngày nấu sử sôi kinh. Trần -Thị vốn tính xấc láo mà ác nghiệt, lại cậy mình giầu có, hay chê chồng dài lưng tốn vải. Minh-Tử thế bách thường vẫn phải nhịn, đọc sách mà lơ đi.
Một hôm có hai người bạn thân ở Thái nguyên đến chơi; liền bảo vợ làm cơm thết đãi, rồi ra tiếp chuyện bạn, nói những việc Tam Hoàng Ngũ Đế, bình những thơ Lý- Bạch, Đỗ Công, nào luận về thuyết Dương – Minh, nào bàn về văn Trang- Tử, đã khám phá được nhiều điều trong rừng văn kim- cổ, xong xem ra nói chuyện cũng đã lâu. Liếc mắt trông xuống dưới bếp thời thấy khói lạnh tro tàn, lắng tai nghe không thấy tiếng mâm, tiếng bát, có ý chột dạ. Lén dò xuống, thời thấy trên bếp có một cái nồi đồng to đánh sáng choang, trong để một chồng sách, bên cạnh có để một cái thớt với con dao. Tinh thần Minh- Tử lúc bấy giờ bảng -lảng, đành phải gọi hai bạn thân xuống bếp chỉ vào mà nói:
-Tôi lấy phải vợ không ra gì, các bác đến chơi bảo nó dọn cơm thết đãi, thời nó làm ra thế này là có ý bảo chỉ có sách, thời đem luộc sách đi, thái ra mà thết bạn, thế có cực không. Để tôi xem có cái gì hai anh đem ra cầm rồi vào hàng cơm ăn vậy.  
Các bạn vội nói:
-Ấy chết, chúng tôi cũng có tiền cả đây chứ không đâu, tưởng là bạn thân thời vào nói chuyện ăn cơm, không có thời thôi, chứ có ngại gì.
Tối hôm nay Minh- Tử lấy sách cho vào cặp, bao nhiêu quần áo nhà vợ may cho trả lại cả, chỉ mặc có cái áo rách và một cái quần cũ của mình ngày trước, định chí trốn đi. Trần- Thị sang nhà bố mẹ ngủ không về. Sáng sớm tinh mơ, Minh- Tử gánh sách đi thẳng, không còn quay cổ lại nữa. Đi mãi, ai ngờ cái quần cũ quá, càng đi càng rách tứ tung, mà chỉ có cái áo cánh, không sao che đậy được, song cứ nhắm mắt đi liều. Đến gần một cái giếng thời gặp mấy cô con gái đi gánh nước, xấu hổ quá, phải ẩn xuống giếng. Họ kêu ầm lên:
-  Ô hay! Giếng nước cả làng người ta ăn, cái bác này hư quá.
-  Minh-Tử luống cuống nói rằng:
-   Thưa các cô, quả tôi không dám thế, tôi vốn là học trò nghèo, quần áo rách tứ tung cả, không có cái khố mà mặc, thấy các cô thẹn quá phải xuống ẩn ở đây, các cô không tin thời đã có hai cặp sách mà tôi để bờ kia.
Họ nhìn thấy cặp sách, không nói gì nữa gánh nước về, một lát lại ra. Có một cô xinh nhất đám ấy lần khân ở lại sau, đợi chị em xa rồi đi ghé qua chỗ Minh- Tử ngồi ném cho mấy vuông vải trắng cô vừa dệt xong, rồi cứ lặng yên gánh nước đi thẳng.
Minh- Tử đóng khố rồi gánh sách chạy theo hỏi:
-  Thưa cô tôi hỏi không phải, cô làm ơn cho biết tên cô là gì để sau này  đền ơn.
Cô kia không trả lời, Minh- Tử cứ lạch -cạch vác sách theo mà kêu, đến cổng làng hỏi đám trẻ thời mới biết tên cô ấy là Thảo, con ông Lý cựu trong làng.
Hỏi xong lại gánh sách đi, đi mãi mỏi chân và đói bụng quá, sẵn có bóng cây đa ở giữa đồng liền ngả lưng nằm ngẫm sự đời.
Ông chánh tồng ở làng gần đấy trưa nằm ngủ thấy có thần báo mộng rằng cánh đồng làng nhà ngươi có ông Trạng bây giờ đang đói nằm ở gốc đa. Ông Chánh giật mình thức dậy lấy tay dụi mắt mà lẩm bẩm nói khôi hài một mình rằng:
-Quái, ta tỉnh hay mê. Trạng nào lại nằm ở ngoài đồng mà Trạng nào lại đói bao giờ. Song Thần nhân báo mộng, thử ra xem sao.
Liền lấy nón ra chỗ cây đa thời chẳng thấy Trạng nào cả, chỉ thấy một anh đóng cái khố trắng đương nằm bắt chân chữ ngũ ở đấy, hỏi thời nói học trò nghèo, lỡ đường đói bụng nằm đợi chết. Ông Chánh liền mời ngay về nhà để dạy học cho con mình, may quần áo, cấp lương cho tử -tế.
Năm năm sau quả nhiên Minh-Tử đỗ Trạng làm quan tại triều. Một hôm nhớ người con gái gánh nước năm xưa, liền xin nghỉ đi tìm nàng, ăn mặc như người học trò kiết ; tìm đến cái làng ấy thời họ nói nàng đã lấy chồng, bây giờ chồng chết, ở vậy nuôi con. Một hôm đón nàng ở ngoài đường mà chào:
-  Cô còn nhớ người học trò ngồi ẩn dưới giếng không?
Nàng nhìn một lúc rồi nói:
-Phải tôi nhớ ra rồi, nhưng bây giờ ông muốn đến xin tôi gì nữa.
Minh- Tử nói rõ ngay rằng:
-  Tôi muốn cùng cô kết nghĩa trăm năm.
Nàng đỏ mặt lên mắng là sỗ sàng, rồi bỏ đi.
 Minh- Tử lên huyện xưng danh hiệu rồi bắt cho giấy về đòi nàng lên. Nàng chỉ khóc mà nói:
-  Tôi đã thề giữ trinh tiết với chồng, thời tôi xin giữ cho đến suốt đời. Quan Trạng ngài biết tới, thời cũng xin tạ lỗi mà thôi, sự đã quá rồi, không sao được nữa.
Minh- Tử cố khuyên thế nào cũng không nghe, cho nàng tiền bạc bao nhiêu nàng cũng từ chối cả.
Minh- Tử than rằng: cái danh phận, cái phú quí của ta không đủ cảm được nàng, mà mấy vuông vải trắng của nàng cảm ta sâu -xa đến thế!
Sự Thật Ở Miệng Trẻ
(Của Tolstoy Tiên Sinh)
I
Lễ Lên Thiên- Đình
Người mẹ nói với cậu con Liên 8 tuổi
Cậu bé: Mợ ơi, hôm nay đi đâu thế, mà con đỏ nó bảo con mặc áo mới vào?
Người mẹ: Hôm nay ngày lễ, sắp phải ra lễ ngoài nhà thờ.
Cậu bé: Lễ nào cơ mợ?
Người mẹ: Lễ lên thiên -đình.
Cậu bé: Lên thiên-đình, cái tên lễ buồn cười quá. Lên thiên đình là thế nào cơ?
Người mẹ : Nghĩa là hôm ấy Đức Chúa Giê-su lên trời.
Cậu bé: Đức Chúa Giê – su lên trời, lên trời thế nào được
Người mẹ : Đức Chúa Giê -su bay lên chứ thế nào nữa.
Cậu bé: Nhưng Đức Chúa làm thế nào mà bay lên được, à ra Đức Chúa có hai cánh.
Người mẹ: Không, Đức Chúa không cần có cánh, cứ tự nhiên mà lên trời thôi, vì Đức Chúa là Chúa tể cả muôn loài, muốn làm gì mà không được.
Cậu bé: Nhưng Đức Chúa bay lên, thời bay lên đâu mới được chứ, vì cậu con hôm nọ bảo con rằng không phải trời như thế đâu.
Trên trời không có gì cả, chỉ có những sao là sao, không bao giờ hết. Ấy cậu con bảo như thế, thế thì Đức Chúa Giê -su bay lên thế nào được.
Người mẹ mỉm cười: Người ta không sao hiểu hết cả được! Chỉ nên tin như thế mà thôi.
Cậu bé: Nhưng hôm nọ, đánh đổ muối trên bàn, con bảo là có điềm xấu, mợ lại bảo không được tin những cái nhảm ấy.
Người mẹ: Chính thế, những cái nhảm nhí thời không được tin.
Cậu bé: Như thế nào là tin nhảm nhí, thế nào là không?
Người mẹ: Không được tin những cái nhảm nhỉ, phải tin cái đạo chính mới được.
Cậu bé: Đạo nào là đạo chính cơ?
Người mẹ: Đạo chúng ta đi theo đây thời là đạo chính (nói một mình) không khéo lại mình nói nhảm nhí mất, (nói to) thôi ít chuyện chứ, và bảo cậu mầy rằng đến giờ đi rồi, vào lấy áo ra mặc.
Cậu bé: Mợ ơi, lễ nhà thờ xong mợ mua quà cho con nhé.
II
CHIẾN TRANH
Cậu Trình lên 7 tuổi đương ngồi đọc bài ở trong buồng học.
Bác Mạch người đầy tớ đi vào
Bác Mạch: Thôi tôi chúc cậu học hành tấn tới. Tôi đi bận này không biết có được thấy cậu nữa không?
Cậu Trình: Thì ra bác đi đấy thật à?
Bác Mạch: Vâng, tôi phải đi đây, có giấy gọi về đi đánh giặc.
Cậu Trình: Đánh giặc à, đánh giặc nào, ai đánh nhau với ai?
Bác Mạch: Cái đó chỉ có trời biết mà thôi. Tôi có được người ta đọc nhật -trình cho nghe nhưng tôi cũng chả hiểu được mấy tí.
Nghe đâu quân nước gì tức giận nước chúng ta lắm … Vì hình như bên ta có ai chọc một người nào bên ấy, tôi cũng chả biết …
Cậu Trình: Thế còn bác, bác đi làm gì? Nếu họ cãi cọ nhau thời tùy ý, họ muốn đánh nhau, thời cứ tha hồ mà đánh nhau việc gì đến bác?
Bác Mạch: Nhưng tôi phải đi vì trên có trời, có vua, phải giữ chữ trung với nước.
Cậu Trình: Nhưng bác không thích đi thì phải …
Bác Mạch: Tôi nào có thích đi. Tự - nhiên đương yên lành với vợ với con, đi như thế ai vui lòng nào mà đi bao giờ.
Cậu Trình: Thế bác đi làm gì nữa? Họ bảo thế nào cũng mặc kệ họ, không đi có được không? Họ làm cái gì được bác?

Bác Mạch: Sao họ lại không làm gì được, họ cứ kéo cổ tôi đi, bắt phải đi.
Cậu Trình: Ai kéo cổ?
Bác Mạch: Những người như tôi chứ ai nữa, hoặc bác Cai, bác Đội nào đấy.
Cậu Trình: Họ làm gì được bác vì họ cũng như bác mà thôi.
Bác Mạch: Lại còn các ông tướng kia, các ông ấy cho giấy về gọi là họ phải bắt tôi đi.
Cậu Trình: Thế ngộ những người cai đội ấy không nghe thời các ông tướng làm gì được?
Bác Mạch: Không sao thế được
Cậu Trình: Sao lại không thế được?
Bác Mạch: Vì còn …còn có luật nhà nước chứ?
Cậu Trình: Luật nào?
Bác Mạch: Cậu hỏi lẩn thẩn quá. Nói chuyện với cậu thành ra nhãng quên cả công việc mình phải làm.
III
RƯỢU LẬU
Một buổi chiều mùa thu. Cậu Ngọ lên 12 tuổi với cái Dần lên 6, đương đứng ở ngoài hiên, khóc sụt sùi. Trong nhà có tiếng người đánh nhau.
Cậu Ngọc ở bên cạnh chạy sang hỏi.
Cậu Ngọc: Đứng cả đây làm gì thế này?
Cậu Ngọ: Ấy, ông ấy lại say rượu đấy.
Cậu Ngọc: Ai, ông cả ấy à?
Cậu Ngọ: Chứ ai nữa.
Cái Dần vừa khóc vừa nói: Ấy, ông ấy đương đánh u tôi đấy.
Cậu Ngọ: Tôi không dám vào, ông ấy đánh cả tôi nữa.
Cậu Ngọc bảo cái Dần rằng: -Thôi đừng khóc nữa. Khóc thời ăn thua gì. Thôi nín đi .
Cái Dần nước mắt giàn -giụa: nếu tôi là nhà nước thì tôi sẽ dần xác những người nào bán rượu cho ông ấy uống. Tôi cấm không cho ai bán rượu nữa.
Cậu Ngọ: Thôi đi! Chính nhà nước bây giờ cũng bán rượu đấy, nhà nước lại cấm không cho ai bán rượu nữa để được nhiều tiền.
Cậu Ngọc:Chỉ nói bậy.
Cậu Ngọ: Nói bậy. Thử đi hỏi xem bác phó Năng tại sao phải bị tù không? Tại bác ấy bán rượu lậu làm thiệt cho nhà nước.
Cậu Ngọc: À, ra thế đấy. Tôi cứ tưởng bác ấy bảo điều gì trái luật nhà nước.
Cậu Ngọ: Chính thế. Luật nhà nước cấm không được ai bán rượu lậu.
Cậu Ngọc: Anh nói vô lý quá, để mai tôi hỏi thầy giáo xem, thầy chắc biết.
Cái Dần : Còn tôi cũng cấm bán rượu vì ai uống vào thời đánh nhau chí mạng không kể ai cả.
Ngày mai ông Cả lại đi uống rượu, cái Dần, mắt sưng bươu vào bếp vo gạo.
Cậu Ngọc đến trông thấy thầy giáo đương ngồi hút thuốc lá bèn đến chào.
Cậu Ngọc: Thưa thầy, có phải nhà nước bán rượu để lấy tiền không, còn bác Năng vì bán rượu mà phải bị bỏ tù không? Hôm qua họ bảo con như thế.
Thầy giáo: Mầy nói láo, ai bảo mầy thế là ngu không biết gì. Nhà nước cũng chẳng mua chẳng bán gì cả. Nhà nước là nhà nước. Bác phó Năng bỏ tù là vì bán rượu không có thuế làm thiệt đến nhà nước.
Cậu Ngọc: Thưa thầy tại sao thiệt?
Thầy giáo : Vì chỉ nhà nước là có người bán rượu thôi, mỗi thùng rượu đáng giá độ tám đồng thời bán được những hơn hai chục bạc. Tiền lãi ấy cho vào tiền nhà nước, mỗi năm được hơn bảy triệu bạc.
Cậu Ngọc: Thế ra dân uống nhiều rượu bao nhiêu, nhà nước càng được nhiều tiền bấy nhiêu sao?
Thầy giáo : Chính vậy. Nên không có cái tiền lãi ấy thời lấy đâu trả tiền quân lính, lấy đâu chi tiêu vào việc học, về những việc ta phải cần dùng đến.
Cậu Ngọc: Nhưng tại sao lại bán rượu mà lấy tiền, cứ lấy ngay tiền ở đâu có được không?
Thầy giáo: Luật nhà nước như thế. Thôi ít chuyện chứ: Vào lấy rượu đi.
IV
ĐÓNG THUẾ
Một cái nhà dân nghèo. Con Minh lên 10 tuổi đương chơi đình tại góc vườn. Ông Lý trong làng đến
Ông Lý: Không ai ở nhà à?
Con Minh: U tôi đi hái dâu vắng, thầy tôi bận việc trên đình.
Ông Lý: Mầy về nói với U mầy rằng ông Lý đến bận này đã ba lượt rồi mà không gặp. Nghe chưa.
Con Minh: Sao tôi lại không nghe, tôi có điếc đâu.
Ông Lý: Thế thì được … mầy lại bảo u mầy rằng nếu không đóng thuế thời tao sẽ bắt bò nhà mầy đi.
Con Minh: Bắt bò nhà tôi, ăn trộm à? Ai người ta để cho ông làm như vậy.
Ông Lý (tươi cười):Con bé này láu lỉnh quá. Tên mầy là gì?
Con Minh: Tôi tên là Minh.
Ông Lý: Này, Minh này, nghe rõ lấy rồi về bảo U mầy sáng hôm nay tao có đến mà tao không là ăn trộm, tao cũng cứ bắt bò nhà mầy đi
Con Minh: Bắt bò nhà người ta không là ăn trộm thời là gì?
Ông Lý: Bắt bò để đóng thuế.
Con Minh:  Thuế nào?
Ông Lý (cả cười): Cái con bé này hay quá. Thuế là thuế mà vua bắt dân phải đem nộp.
Con Minh: Nộp à? Để cho ai?
Ông Lý: Để cho vua chứ cho ai nữa.
Con Minh: Thế ra vua nghèo đến như thế à, nghèo đến nỗi phải đến lấy tiền của chúng tôi kia à. Không phải rồi, vua giàu lắm cơ, vua cần gì tiền của chúng tôi.
Ông Lý thấy con bé hay hay: Mầy ngu lắm, tiền ấy vua có giữ lấy một mình vua đâu, tiền thuế lại đem tiêu vào việc chung cho các tướng, các quan, trả lương cho lính tráng hay chi tiêu vào việc học. Ích lợi cho ta cả chứ ích lợi cho ai.
Con Minh: Nhưng cứ bắt bò nhà chúng tôi thời thế là ích lợi cho chúng tôi đấy à.
Ông Lý: Mầy lớn lên mầy sẽ hiểu. Nhưng bây giờ mầy hãy bảo u mầy phải đem nộp thuế ngay.
Con Minh: Tôi không nói với U tôi đâu. Ông với vua quan ông, ông muốn làm trò trống gì thời cứ làm, chúng tôi muốn làm gì thời mặc kệ thây chúng tôi có được không?
Ông Lý: Con Minh này ngày sau rồi khiếp lắm, khiếp lắm đấy.
(Ông Lý vừa cười vừa đi ra)
Nhất Linh
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...