Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Nhớ dáng người thăm lại nhà xưa

Nhớ dáng người thăm lại nhà xưa

Đạo diễn Xuân Phượng là tác giả cuốn hồi ký “Gánh gánh… Gồng gồng” đang được tìm đọc, trong đó bà là nhân chứng của nhiều sự kiện từ thời kháng chiến chống Pháp, sang chiến tranh chống Mỹ và thời đổi mới chuyển sang kinh tế thị trường.
Người đàn bà gốc Huế nói giọng Đà Lạt ấy đã trải qua rất nhiều nghề: y tá, kỹ thuật viên thuốc nổ, phóng viên bản tin kháng chiến, làm nương rẫy ở chiến khu Việt Bắc, từ năm 1954 hòa bình trở thành bác sĩ nhi khoa phòng y tế khu Ba Đình, Hà Nội, dịch và thuyết minh phim tiếng Pháp, phiên dịch cho phóng viên phương Tây vào chiến trường Việt Nam, rồi chính bà trở thành phóng viên chiến trường đi quay phim chiến dịch Hồ Chí Minh. Bà có mặt ở dinh Độc Lập vào đúng ngày 30.4.1975.
Một cuộc đời đầy ắp sự kiện nhưng chung quy, bà có hai việc nổi bật: – Đạo diễn phim tài liệu, đoạt nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế. – Làm bà bầu của nhiều họa sĩ trẻ thông qua việc điều hành Lotus Gallery. Bao trùm lên hết thảy, cuộc đời nhiều biến cố ấy đã tạo dựng lên duy nhất một con người: một nhà cách mạng theo tinh thần dân tộc chủ nghĩa.
Năm nay ở tuổi 94 nhưng “nhà văn trẻ” Xuân Phượng vẫn đang viết tiếp. Bút lực dồi dào, bà tiếp tục dòng hồi ký về những sự kiện đã trải, những cuộc đời đã gặp, có khi thoáng qua, có khi sâu đậm.
Đây là bài viết mới nhất của nhà văn Xuân Phượng.
Cơ quan tôi ngày ấy ở phố Lê Phụng Hiểu, Hà Nội, vốn là căn biệt thự từ thời Tây và chủ nhà là một người đặc biệt…
Một buổi chiều cuối tuần, năm 1965, tôi đóng cửa phòng khám bệnh của cơ quan, chuẩn bị ra về. Cái sân rộng rải đá cuội trắng sang trọng của cơ quan Ủy ban Liên lạc Văn hóa với Nước ngoài vắng lặng.
Bất chợt ở cổng chính có một người ngấp nghé nhìn vào. Một bác cao tuổi, dáng người thanh gọn, nho nhã, lên tiếng hỏi:
– Thưa chị, tôi xin phép ghé thăm ngôi nhà này một chốc có được không?
Tôi ngập ngừng chưa kịp trả lời, bác nói tiếp:
– Ngày trước, tôi từng ở trong căn nhà này chị ạ.
Ngạc nhiên quá, tôi nhìn gương mặt phúc hậu, mái tóc bạc, cái nhìn cương trực sau đôi kính gọng vàng. Khuôn mặt quen quen, không biết mình đã thấy ở đâu rồi. Bác lại nói trước kia từng ở trong ngôi nhà này. Thầm nghĩ: “Bác Phan Kế Toại chăng?”. Như đoán được ý tôi, bác nói tiếp:
– Tôi là Toại đây.
Tôi vội mở to cánh cổng, lễ phép mời bác vào. Bác khoan thai đi vào sân, đưa mắt nhìn tòa nhà hai tầng uy nghi, bề thế. Tôi mời bác lên bậc thềm, thưa với bác rằng ngôi nhà vẫn được giữ gìn rất cẩn thận và chu đáo. Bác xua tay:
– Không, tôi không lên làm gì. Bây giờ, tôi đã có nhà khác rồi.
Bên cạnh tòa nhà chính là một dãy nhà ngang có ba phòng nhỏ dành cho lái xe, bảo vệ… Lúc ấy, chỉ có anh Kỳ, người dân tộc Tày ở Cao Bằng, chuyên lái xe cho chủ nhiệm Vũ Quốc Uy của Ủy ban đang phơi quần áo trên sân. Thấy khách lạ, anh trố mắt nhìn và hỏi cộc lốc:
– Bác cần gì?
Tôi vội nói:
– Mấy chục năm trước, bác là chủ nhân của ngôi nhà này đấy. Nay bác muốn ghé thăm.
Phố Lê Phụng Hiểu ở Hà Nội ngày nay. Ảnh: Duy Thông
Bác Toại đang chăm chú nhìn một cây ổi, quay lại, lau đôi kính trắng và chậm rãi cắt lời tôi:
– Hầu như chiều nào tôi cũng đi dạo qua đây và ngắm hai cây ổi mà vợ tôi và tôi đã trồng ở góc sân này, ngắm từ lúc ra hoa đến khi có quả. Hôm nay tôi vào đây, muốn xin lại vài quả về đưa cho nhà tôi, gọi là chút kỷ niệm về ngôi nhà cũ.
Chú Kỳ người Tày bộc trực ngay thẳng nghe xong hăng hái:
– Để cháu trèo lên chọn quả thật ngon hái cho bác đưa về cho bác gái nhé.
Nói chưa hết câu, Kỳ thoăn thoắt trèo lên cây. Bác Toại chăm chú nhìn lên.
Tiếng Kỳ:
– Trên ngọn nhiều quả chín cây đẹp lắm bác ạ.
– Bác chỉ xin ba quả thôi.
– Ba quả thì ai ăn ai nhịn hả bác? Cây nhà lá vườn của bác mà.
– Vậy thì càng nhiều càng tốt.
Tiếng cười nói lao xao của hai bác cháu vang lên ở góc sân.
Người trồng cây và người hái quả đều rất khác nhau ở hoàn cảnh, gia đình, địa vị. Nhưng bác Phan Kế Toại nhân hậu bao dung, cũng như chú Kỳ chân tình mến khách đã làm cho tôi thực sự xúc động.
Kỳ nhanh nhẹn trèo xuống, cười rạng rỡ, tay giơ cao một túi ổi quả to tròn, những cuống lá xanh rờn, tươi nguyên.
Bác Toại nâng niu mấy quả ổi mà nói:
– Cảm ơn các cháu. Bác gái ở nhà nhìn những quả ổi đầu mùa chín cây này chắc sẽ thích lắm. Đây là giống ổi Bo, các bác lấy từ Thái Bình đấy.
Kỳ và tôi tiễn bác Phan Kế Toại ra ngoài phố Lê Phụng Hiểu. Bác ung dung nhẹ bước giữa hai rặng sấu trên con đường bình yên của Hà Nội.
Nhờ một sự tình cờ, tôi được gặp một con người đặc biệt: từng là khâm sai đại thần của chính phủ Trần Trọng Kim từ năm 1945 – 1946, mười sáu năm là Phó thủ tướng Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, mười sáu năm là Bộ trưởng Bộ Nội vụ, một vị quan liêm chính, thương dân, nên dân lập đền thờ.
Nay ở Hà Đông và ở thị xã Hương Trà, Thừa Thiên Huế, đã có những đường phố mang tên bác Phan Kế Toại. Nhất định lần sau ra thăm Huế, tôi sẽ tìm đến con đường ấy, sẽ mua một túi ổi và thì thầm nhắn rằng chúng con vẫn nhớ bác và cây ổi trong ngôi nhà xưa.
Sài Gòn, 11/7/2023
Xuân Phượng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung

Hoa Khích - Truyện ngắn của Nguyễn Khương Trung Thường thì những bài đồng dao khó hiểu, câu chữ nhiều đoạn như đánh đố, bí hiểm. Ấy nhưng ...