Thứ Sáu, 21 tháng 6, 2024

Nỗi lo tiếng Việt bị mai một

Nỗi lo tiếng Việt bị mai một

Nhớ ngày còn đi dạy, mỗi lần nhận lớp mới tôi đều đặt câu hỏi: Người Việt cổ nói bằng thứ tiếng nào? Học sinh trả lời tiếng Anh, Pháp, Thái, Tàu… Đa số cho rằng người Việt cổ giao tiếp với nhau bằng tiếng Hoa. Tôi phải phân tích, lý giải để các em hiểu người Việt cổ nói bằng tiếng Việt. Tiếng Việt là cái gốc để khẳng định bản sắc riêng biệt không thể trộn lẫn của người Việt, là tinh hoa, niềm tự hào của người Việt.
Tiếng Việt bao gồm tiếng nói và chữ viết. Tiếng nói ra đời từ ngàn xưa, đồng hành với người Việt. Tiếng Việt ngày càng phát triển với sự du nhập của các ngôn ngữ khác như tiếng Hoa, Pháp, Nga, Anh… Theo sự phát triển của lịch sử, các từ vựng cổ dần mất đi, các từ vựng mới ngày càng nhiều thêm, làm giàu thêm cho kho từ vựng tiếng Việt. Còn chữ viết của người Việt ra đời muộn hơn, trải qua thăng trầm của lịch sử tiếng nói vẫn giữ vững và càng phát triển, còn chữ viết ngày càng hoàn thiện để có chữ Quốc ngữ chuẩn như ngày nay.
Hiện nay số lượng người Việt định cư ở nước ngoài khá đông, ở khắp các châu lục. Những người Việt được sinh ra và được đi học từ ở nhà rồi mới sang định cư nước ngoài thì tiếng Việt vẫn vẹn nguyên trong họ. Nhưng con cháu họ được sinh ra và lớn lên ở nước ngoài, từ bé các cháu học cùng với các bạn ở nước sở tại, các cháu  nói và viết ngôn ngữ của nước ấy thì tiếng Việt không phải là thứ tiếng được ưu tiên. Nếu bố mẹ ít bận rộn, tiếp xúc với con nhiều, ở nhà đều dùng tiếng Việt thì các cháu còn biết nói tiếng Việt. Song giọng nói vẫn lơ lớ như người nước ngoài học tiếng Việt và khi diễn đạt một điều gì đó các cháu gặp khó khăn phải chuyển sang tiếng nước ngoài vì kho từ vựng của các cháu không nhiều. Còn nếu bố mẹ bận kiếm sống, các cháu ít được tiếp xúc với tiếng Việt thì sẽ gặp khó khăn khi nói tiếng Việt. Tôi đã gặp những cháu người Việt ở nước ngoài đi chơi với nhau nhưng các cháu không dùng tiếng Việt và các cháu trong một gia đình nói chuyện với nhau cũng không dùng tiếng Việt.
Còn chữ viết thì không phải cháu nào cũng biết viết và biết đọc tiếng Việt vì các cháu không được học. Nhà nước ta rất quan tâm đến việc giữ gìn tiếng Việt ở cộng đồng Việt kiều nên đã mở trường học miễn phí ở các địa phương. Nhưng không phải người Việt nào cũng cho con đến học vì bố mẹ bận việc không thể đưa đón các con, vì lớp chỉ dạy một tuần một buổi mà các con trùng lịch ở trường. Có phụ huynh nghĩ sau này lớn lên các con học vẫn được, không muộn.
Không biết đã có thống kê nào về tỷ lệ người Việt sinh ra và lớn lên ở nước ngoài đọc thông viết thạo tiếng Việt? Còn những gì tôi được biết thì tôi thấy lo tiếng Việt có thể bị mai một trong các thế hệ con cháu người Việt ở nước ngoài. Khi không hiểu biết tiếng của nguồn gốc, Tổ tiên mình thì dù có yêu nước Việt các cháu cũng khó hòa nhập. Có thể với các cháu nước Việt cũng sẽ như bất cứ nước nào trên thế giới nên không gắn bó như nơi cháu sinh ra, lớn lên, học tập và sinh sống ở đó.
27/9/2023
Phạm Thị Hồng Thu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

XXXXXNgười đàn bà và những giấc mơ

Người đàn bà và những giấc mơ Giới thiệu Trong một đêm, nàng bỗng mơ thấy mình trở thành một người đàn ông. Một người đàn ông thực thụ đ...