Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Về thăm đất Mũi Cà Mau

Về thăm đất Mũi Cà Mau

Thật may mắn, đến nay tôi được về với vùng Đất Mũi ba lần, được về với mảnh đất linh thiêng cực Nam của Tổ quốc. Lần nào cũng háo hức mong được đến thật mau, để được tận hưởng cái màu xanh ngút ngàn của đước, tận hưởng những cơn gió lồng lộng mát tận tâm can, được hít sâu vào lồng ngực cái không khí trong lành, để được đứng ngắm cái doi đất nhỏ nhoi trên bản đồ mà vô cùng quý giá này.
Lần đầu tiên tôi ra Đất Mũi năm 2000, thời ấy du lịch chưa phát triển, Đất Mũi còn hoang sơ. Chúng tôi đi thuyền từ sông Cửa Lớn ở thị trấn huyện Ngọc Hiển để ra Đất Mũi, dòng sông rộng mênh mông, nước đầy ăm ắp làm cho sông càng rộng hơn, sâu hơn trông như đang đi trên vịnh, trên biển. Dòng sông lộng gió, hình như tất cả gió của biển đều đổ về đây. Sông Cửa Lớn thật độc đáo, tiếng là dòng sông nhưng không có thượng nguồn và hạ nguồn, hai đầu sông là hai cửa biển. Đây là con sông duy nhất của Việt Nam lấy nước từ biển và đổ ra biển. Sông lấy nước ở cửa biển Bồ Đề (Biển Đông), đổ ra cửa biển Ông Trang (Biển Tây). Dòng sông không dài nhưng rộng và sâu nhất ở Cà Mau.
Thuyền chúng tôi không ra biển mà rẽ theo các dòng kênh để ra Đất Mũi. Trong tác phẩm Đất rừng phương Nam của nhà văn Đoàn Giỏi có đoạn viết về nơi đây thật hay, thật thích, đọc mà mê mẩn. Nhưng khi trực tiếp được mắt thấy tai nghe, tôi thật sự ngỡ ngàng, choáng ngợp trước dòng sông và hệ thống kênh rạch chi chít, trước rừng đước ngút ngàn màu xanh tươi tốt. Đước – kênh, kênh – đước sóng đôi hút mắt người, thật ấn tượng.
Một điểm đặc biệt mà đến giờ mỗi lần nghĩ lại tôi vẫn rưng rưng xúc động đó là dọc các dòng kênh ra Đất Mũi có nhà dân sống, tuy thưa nhưng nhà nào cũng treo cờ Tổ quốc. Nhìn thấy lá cờ Tổ quốc phần thật tung bay trong gió mắt tôi cay cay, tim tôi tràn ngập niềm tự hào. Tôi không hình dung được nơi xa xôi này người dân lại biểu hiện lòng yêu nước rõ rệt đến thế. Trong khi ở thành phố, đến ngày lễ tổ dân phố nhắc nhở mãi mà có nhà vẫn không treo cờ. Có lẽ tình yêu đất nước của họ đã ngấm vào đất, vào nước, vào lá cờ đỏ nhuộm màu gió, nước, nắng phương Nam, để có được ngày hôm nay cho ta chiêm ngưỡng.
Ở đây, họ còn làm giàn trên rìa kênh để phơi tôm, tép, cá, mực. Mùi thơm quyện vào gió, quyện với mùi tanh của nước và vị mặn mòi của biển như dấp dính vào da thịt. Cái hương vị đặc trưng ấy cứ theo tôi mãi mãi. Ở nơi đầu sóng, ba mặt giáp biển, gió lồng lộng, gió ầm ào mà đước vẫn lớn, vẫn xanh, vẫn trụ vững. Phải chăng nắng, gió và sóng đã quyện vào thân đước rắn chắc, đã truyền xuống chùm rễ như chiếc nơm úp cắm sâu vào lòng đất, bám đất, giữ đất. Đước hay chính là người dân Cà Mau đã giữ gìn mảnh đất thiêng liêng này.
Năm 2018, sau 18 năm tôi trở lại Đất Mũi, lần này đi bằng ca nô cao tốc.  Hình ảnh rừng đước bạt ngàn lại hiển hiện trước mắt thật thích thú. Ca nô vun vút trên dòng sông Cửa Lớn lấp loáng, lấp loáng nước. Ca nô chạy vào các dòng kênh, hai bên rừng đước cao vút, sâu hun hút, cảm giác như vào lạc vào miền cổ tích thật thú vị. Chỉ tiếc dân ra ở nhiều hơn nên rác cũng theo về nhiều hơn, rác bám vào rễ cây mà thấy thương cho cây quá. Đất Mũi đã thực sự đổi thay, có nhiều công trình mọc lên: Kè chắn sóng thật chắc chắn, không sợ sóng ăn mất đất, đất được giữ, đước lại dày thêm, xanh mát hơn. Hình ảnh cột mốc tọa độ Quốc gia GPS 0001, biểu tượng đường Hồ Chí Minh điểm cuối Cà Mau km 2436. Đặc biệt hình ảnh con tàu màu xanh, cột buồm màu trắng có ghi dòng chữ Mũi Cà Mau, ghi rõ vĩ độ, kinh độ, có lá cờ Tổ quốc tung bay trong gió thật ấn tượng, chợt nhớ câu thơ hay của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ Quốc tôi như một con tàu/Mũi thuyền ta đó – mũi Cà Mau”. Tất cả là những điểm check in rất đẹp, rất hấp dẫn cho du khách. Ra đến Đất Mũi ai cũng muốn lưu lại những tấm hình thật đẹp để đời.
Tháng 9 này tôi lại về Đất Mũi, lần này đi bằng ô tô. Một trải nghiệm mới, hai bên đường cũng có kênh, có đước nhưng không có cái cảm giác đước – nước, nước – đước lấp loáng, hút hút lạ kì khi đi bằng ca nô. Đất Mũi bây giờ đã có thêm nhiều công trình mới như Cột cờ Hà Nội, Đền thờ Lạc Long Quân, Tượng đài Mẹ, Biểu tượng cua Cà Mau, những công trình thật đẹp, thật giá trị và có ý nghĩa sâu sắc. Người dân các nơi về đây cũng được thể hiện tấm lòng mình với Tổ tiên. Được ngồi xe điện đến các điểm tham quan trên con đường quanh quanh thơ mộng, gió mát rượi mơn man, đến điểm dừng bác tài mời xuống mà khách cứ muốn nán lại trên xe.
Nghe tiếng cua Cà Mau từ lâu, lần này chúng tôi mới được thưởng thức, mỗi con khoảng 0,5 kg gạch nhiều đỏ au, thịt dày trắng thơm, quá ngon. Mỗi người ăn nửa con mà đã no, mâm cơm hầu như còn nguyên. Chắc chắn cua Cà Mau chính hiệu sẽ khẳng định được thương hiệu trên thị trường thế giới. Và tôm đất khô chính hiệu Cà mau cũng ngon tuyệt. Tôm loại vừa, màu hồng đỏ tự nhiên như màu men gạch và phần thịt bên trong có màu vàng ươm, ăn ngọt lịm, mềm và dai. Mua tôm khô cũng phải sành, nếu không sẽ nhầm với các loại tôm nuôi khác, to hơn, cứng đơ, ít ngọt ngon. Lần này về, hơi tiếc một chút là đường bộ từ thành phố Cà Mau đến Đất Mũi có chỗ đã rạn, ổ chó ổ gà, gập ghềnh lắc lư. Bến xe điện đưa khách từ điểm gửi xe ra tham quan ở các biểu tượng chỉ có vài chiếc, những lúc đông du khách phải chờ đợi.
Đất nước ta nơi nào cũng đẹp, cũng có những đặc sản riêng. Cực Nam Tổ quốc đã đẹp lại còn rất thiêng liêng. Tôi mong còn được nhiều lần về với Đất Mũi Cà Mau, mong được làm một chuyến xuyên Vườn Quốc gia Cà Mau và tham quan rừng U Minh để khám phá vẻ đẹp tuyệt vời của Cà Mau. Nếu mỗi vùng đất trên đất nước ta đều biết khai thác hợp lí, biết giữ gìn, bảo tồn, phát huy và người dân đều biết thưởng thức thì du lịch nước ta sẽ phát triển hơn rất nhiều.
Cà Mau, 13/9/2023
Phạm Thị Hồng Thu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông

Tiếng chuông tìm lên tháp chuông Con nhện gầy, thói quen cũ/ Giăng một sợi, nghe chừng là tơ,/ Sáng nay sáng, sáng không thấy điểm chạm/ P...