Thứ Năm, 14 tháng 11, 2024

"Boy Già", "Girl không còn trẻ" và những câu chuyện "Buồn cười"

"Boy Già", "Girl không còn trẻ"
và những câu chuyện "Buồn cười"

Song Hà – người được gọi là nhà văn nhưng thường được các cư dân mạng (netizens) biết đến với biệt danh (nickname) Boy Già – vừa mới cho ra mắt một tuyển tập những truyện trào phúng đặc sắc nhất với nhan đề “Biến tấu đời thường”. Cuốn sách dễ làm chùn lòng độc giả với độ dày gần 800 trang khổ lớn, NXB Thanh niên ấn hành với đối tác là Công ty TNHH Văn hóa và Truyền thông 1980 Books. Nhưng vừa ra mắt vào tháng 6.2023, cuốn sách tiếp tục trở thành một hiện tượng văn học mạng như những tác phẩm trước đó của tác giả Song Hà.
Từ sự phát triển của văn học mạng ở Việt Nam
Từ những năm đầu thế kỷ XXI, văn học mạng ở Việt Nam đã manh nha phát triển và cho đến nay đã hình thành một dòng văn học riêng biệt, có sức sống, có nhiều nhà văn và rất đông độc giả. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, cùng với dòng chảy của nhiều xu hướng văn hóa, văn học mạng ở Việt Nam càng ngày càng có nhiều cơ hội phát triển, đặc biệt từ khi Internet được triển khai và ngày càng phổ biến ở Việt Nam. Cộng đồng netizens Việt Nam cũng đang bắt nhịp để phát huy những ứng dụng tuyệt vời mà Internet mang lại. Ngày nay, người ta không chỉ  lên mạng để đọc tin tức, để tìm kiếm thông tin, để tra cứu, để giải trí v.v… mà còn lên mạng để viết nhật ký, tham gia mạng xã hội, bộc lộ cá tính, sở thích… của bản thân mình, trong đó có không ít nhà văn đã sử dụng Internet như là một công cụ để chuyển tải sáng tác của mình đến với công chúng và chủ yếu là những nhà văn trẻ rất tích cực hưởng ứng những ích lợi mà Internet mang lại. Nhà văn Trang Hạ, một người đi tiên phong trong dòng văn học mạng cho biết: “Tác phẩm được coi là văn học mạng khi được sáng tác từng phần trên mạng, quan trọng hơn là phải được độc giả tham gia vào quá trình sáng tác, thậm chí thay đổi cả kết cấu nội dung, văn phong của tác phẩm. Ở đó tác giả xây dựng được nhóm công chúng cho riêng mình, nhận những lời phẩm bình của độc giả để thay đổi tác phẩm của mình. Chính độc giả mới là người khai sinh tác phẩm văn học mạng chứ không phải nhà văn mạng. Sự đón nhận, truyền bá của bạn đọc mới biến một văn bản mạng thành một tác phẩm văn học mạng” (Ngọc Nữ, “Từ blog đến văn chương mạng… ra hiệu sách”, http://www.dilivn.com, truy cập ngày 26/06/2023).
Có thể nói, cùng với sự phát triển của Internet, những người cầm bút đã có cơ hội dễ dàng hơn bao giờ hết để chuyển tải tác phẩm của mình đến với người đọc, cũng như để lắng nghe ý kiến phản hồi của độc giả một cách thuận tiện, nhanh chóng hơn bao giờ hết. Công cụ duy nhất của người sáng tác cũng như độc giả là một máy tính có kết nối mạng Internet. Người viết chủ động công bố tác phẩm của mình, mà không cần biết đến sự thông qua của nhà xuất bản hay qua công lao biên tập của các biên tập viên. Cũng trên mạng Internet, do tính chất “động” của nó, sáng tác có thể được thay đổi, được gỡ đi, được sửa chữa, thêm thắt theo như ý kiến góp ý của các độc giả, cho nên các nhà văn có thể dễ dàng thử nghiệm những sáng tác mới, sáng tạo ra những tình tiết mới, câu thơ mới… để bổ sung cho tác phẩm của mình theo thời gian. Nhiều nhà văn trước khi xuất bản những tác phẩm thành sách đã cho lên trang cá nhân để tham dò ý kiến của người đọc và khi tác phẩm ra đời, thì đã được trau chuốt, gọt giũa hơn so với khi còn nằm trên mạng.
Không gian sáng tạo của các nhà văn được mở rộng có thể nói là không giới hạn. Không chỉ là không gian cụ thể trong tác phẩm, mà còn là không gian của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trên mạng là một cơ hội cho các nhà văn thể nghiệm và ngôn ngữ này có thể thay đổi rất nhanh nhạy theo thị hiếu của người đọc. Tuy nhiên, không gian rộng mở của Internet cũng giống như một con dao hai lưỡi. Trong một thế giới tưởng là ảo mà không ảo, khi mà mỗi ngày, mỗi giờ, lượng thông tin mới ập đến nhanh chóng như vũ bão, những sáng tác của các nhà văn cũng sẽ rất nhanh lướt qua mắt người đọc rồi trôi vào quên lãng. Con đường khác ở đây là nhắm đến yếu tố câu khách bằng những ngôn ngữ gây sốc, bằng cách viết chiều theo ý độc giả, bằng cách xây dựng những chi tiết, tình tiết vô lý, miễn làm hài lòng người đọc. Thật sự, với lượng thông tin hàng ngày trên mạng, để được nhớ đến, để được bạn đọc chờ mong đón nhận những sáng tác online, thì vẫn là một thách thức không nhỏ cho các nhà văn Việt Nam dấn thân vào nghiệp viết trên mạng.
Và khi đã thành danh trên mạng, mục đích hướng đến của các nhà văn Việt Nam vẫn là… in thành sách giấy. Cho nên không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà nghiên cứu và bản thân các nhà văn, khi so sánh với dòng văn học mạng ở các nước lại có quan niệm cho rằng ở Việt Nam chưa có văn học mạng thật sự. Trong khi ở Trung Quốc, theo ước tính, có khoảng hai triệu người cầm bút trên mạng và nhiều người trong số đó đã trở nên giàu có nhờ vào việc viết văn online, tức là để đọc tác phẩm của họ trên mạng, độc giả phải trả một số tiền. Theo báo cáo của Trung tâm thông tin mạng internet Trung Quốc (CNNIC), tổng số người dùng internet Trung Quốc đã đạt 513 triệu vào cuối năm 2011 đến nay đã là khoảng 1,3 tỷ người, trong đó, những người dùng có tài khoản phải trả tiền trên các trang web văn học mạng lên tới 262 triệu. Ở Việt Nam, tình hình ngược lại khi xu thế của các nhà văn Việt Nam vẫn là cho đọc tác phẩm miễn phí trên mạng và hy vọng vào hiệu ứng best seller khi tác phẩm được in thành sách. Đây cũng là điều mà văn học mạng Việt Nam chưa làm được. Ngoài ra trong khi Trung Quốc đã có các Hiệp hội như Hiệp hội Văn học mạng tiếng Hoa, Hiệp hội Văn học mạng Trung Quốc, Hội Biên tập Văn học mạng, Tuần lễ văn học mạng diễn ra thường niên, các giải thưởng về văn học mạng do các nhà văn và độc giả bình chọn… thì ở Việt Nam văn học mạng với những người cầm bút vẫn mang tính phát triển cá nhân và tự phát là chính.
Tiếng nói thú vị của dòng văn học Underground trên mạng
Như vậy, văn học mạng đang giúp nhiều người viết văn ở Việt Nam có nhiều cơ hội phát triển trí tuệ và phát huy ý thức cá nhân, vừa tạo cho nhà văn nâng cao khả năng sáng tạo, vừa mở cho nhà văn nhiều cơ hội giao lưu với độc giả. Thực tế, văn học mạng không phải là sản phẩm thứ cấp của văn học, mà nó có những đặc thù riêng mà văn học truyền thống không thể có được như đã nêu ở trên. Trước đây từng phổ biến khái niệm văn học “trung tâm – ngoại biên” với những cách hiểu như sau và mỗi giai đoạn có quan niệm khác nhau: Theo lịch sử văn học thì ở Việt Nam thời trung đại, văn học trung tâm là văn học gắn với quan phương, triều đình qua các thể loại chiếu, biểu, hịch… văn học ngoại biên là thứ văn chương thù tạc, mua vui như truyện thơ Nôm, tiểu thuyết chữ Hán… Thời hiện đại thì văn học gắn với chính trị, xã hội, phục vụ nghiêm túc cho thể chế là văn học trung tâm. Văn học ngoại biên là văn học không gắn với chính trị, biểu đạt ý thức cá nhân. Theo chức năng của văn học thì văn học trung tâm tập trung vào các yếu tố nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ cho độc giả, còn văn học ngoại biên tập trung vào giải trí. Theo nội dung của văn học thì văn học trung tâm là chủ lưu, tinh hoa, nghiêm túc, tao nhã, còn văn học ngoại biên thì mang tính trần tục, gắn với hơi thở bề bộn, ngổn ngang của cuộc đời. Theo tác giả và độc giả văn học thì văn học trung tâm tôn vinh tác giả và độc giả, còn văn học ngoại biên chỉ xem tác giả và độc giả là những người viết, người đọc bình thường với hàng hóa là chữ nghĩa mua bán v.v… Cũng từ những cách hiểu đó, khi mới manh nha phát triển ở Việt Nam, người ta đã xem văn học mạng là văn học ngoại biên.
Tập truyện trào phúng “Biến tấu đời thường” của Song Hà
Nhưng ở thời đại kỹ thuật số với sự phát triển không ngừng của Internet và các thiết bị công nghệ, khái niệm văn học trung tâm – ngoại biên không còn thích hợp cho văn học mạng nữa. Văn học mạng ở một chừng mực nào đó cũng trở nên trung tâm và chi phối đời sống văn chương. Đặc biệt văn học mạng, ngoài những sáng tác mang tính chính thống, còn có những sáng tác mà tôi tạm gọi là “Underground”, tương tự như khái niệm “Underground” trong âm nhạc. Văn học “Underground” trên mạng theo nhận định của tôi có những đặc trưng sau:
Tác giả của dòng văn học này là những người cầm bút sáng tác trên mạng, dùng Internet (thông qua blog, mạng xã hội, forum, website…) làm phương tiện để sáng tác và phổ biến đến với độc giả. Những sáng tác của họ lúc đầu công bố trên mạng, về sau thường được in thành sách và họ tiếp tục dùng Internet để quảng bá cho sách.
Nội dung những sáng tác của dòng văn học Underground thường xuất phát từ những status trên blog, mạng xã hội, topic trên forum… và thường viết về những trải nghiệm đời thường của chính cá nhân, hoặc nếu có viết về những vấn đề xã hội, thời sự… thì cũng dưới góc nhìn riêng, mang tính chủ kiến, kinh nghiệm của cá nhân, do vậy thường có tính độc đáo, không lẫn vào số đông. Giọng văn thường mang màu sắc hài hước, trào phúng, giễu cợt, nhưng ẩn ý những triết lý, những suy tư về cuộc đời, về thân phận con người, chủ yếu đặt trong bối cảnh đương đại. Đặc biệt, màu sắc “trần tục” của văn chương Underground thể hiện rõ qua câu chữ sử dụng với những lời chửi bậy, những câu văng tục, tiếng lóng, những ví von, so sánh với hàm nghĩa “đen tối”, “đố tục giảng thanh”, gai góc… dễ làm cho một số người đọc yếu bóng vía phải đỏ mặt, khó chịu. Nhân vật của văn chương Underground do vậy cũng phần nhiều là những người thuộc vào tầng lớp “dưới đáy xã hội” và không ít đề tài hết sức nhạy cảm được các tác giả Underground đề cập đến thẳng tưng, ví dụ như chuyện đời gái điếm, gái ế, đi chơi gái, ngoại tình, chuyện đề đóm, bán hàng đa cấp, nhiều mặt tiêu cực của xã hội… Đôi khi cách viết của một vài tác giả Underground làm liên tưởng đến những tên tuổi văn học hiện thực phê phán một thời trăm năm trước như Nguyễn Công Hoan, Bùi Hiển, Nguyên Hồng… ở miền Bắc hay Trần Quang Nghiệp, Hoàng Minh Tự… ở miền Nam.
Do đặc thù xuất phát từ những bài viết trên mạng (còn gọi là những entry, status) nên thể loại của những sáng tác này, ngay cả khi được in thành sách, thường mang dáng dấp những tạp văn, câu chuyện kể, hoặc những bài thơ ngắn, có khi riêng biệt, có khi có liên quan với nhau về mặt nội dung, tạo sự cuốn hút cho người đọc.
Nhưng cũng chính vì cách chọn đề tài và lối viết nên các tác giả văn chương Underground hiện nay nếu sử dụng mạng xã hội thì thường thu hút một lượng lớn độc giả theo dõi (follow) và tương tác thường xuyên với các độc giả thông qua các status và comment. Do vậy, nếu in thành sách, các độc giả ủng hộ rất nhiệt tình tác giả Underground mà mình yêu thích, hâm mộ và sách của họ thường bán rất chạy. Một số tên tuổi nổi bật trong giới văn chương Underground có cố họa sĩ Đinh Vũ Hoàng Nguyên, Bác Văn Vương, Đỗ Trí Hùng, Nam Nguyễn, Thái Bá Tân, Pín, Song Hà v.v… Trong đó tác giả Song Hà với khoảng 146 ngàn lượt follow được xem là người sống được với nghề viết, mua được nhà, xe ô tô nhờ những cuốn sách xuất phát từ những entry, status trên mạng.
Vậy nguyên nhân nào khiến cho văn học Underground được độc giả thích thú, cho dù chính họ gọi đây là những tác giả “bựa” và viết cũng “bựa”. Có lẽ vì độc giả luôn cần những sáng tác dù rất đỗi đời thường, thậm chí thô tục hay “bựa” theo cách nhìn của nhiều người, nhưng lại có khả năng chạm đến trái tim người đọc bởi sự gần gũi, sự chân thật, chạm đến những điều mà độc giả đã từng trải qua, từng hy vọng, mong ngóng, ước mơ, thành công, thất bại… của một thời đương đại đầy biến động mà độc giả đang sống. Đó là điều mà độc giả tìm thấy ở văn học Underground. Văn chương đôi khi không cần lãng mạn, bay bổng, không cần chữ nghĩa trau chuốt, không cần những dạy dỗ, triết lý cao xa, văn chương đôi khi chỉ cần là những lời kể chuyện đời giản dị, cay đắng và gây cười. Thị hiếu đọc của một bộ phận rất đông độc giả đang dịch chuyển trong thời đại kỹ thuật số, khi mà người ta cần đọc những câu chuyện ngắn, gọn, cần xem những chữ nghĩa đập ngay vào mắt, không có thời gian nhiều cho những suy tư, tìm hiểu những ẩn ý đằng sau con chữ, nhưng đồng thời người ta vẫn cần những câu văn thấm đượm tình đời, dù tình đời thì luôn buồn, luôn chán, luôn bất hạnh, luôn dở dang.
Tác giả Song Hà sinh năm 1974, từng tốt nghiệp Khoa Ngữ Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội. Khởi đầu hết sức thuận lợi với tặng thưởng chính thức “Tác phẩm Tuổi xanh” của báo Tiền Phong năm 1996, nhưng cuộc sống mưu sinh khó khăn của chàng trai xuất thân từ miền quê Hương Sơn, Hà Tĩnh đã trôi dạt qua các nghề từ chạy xe ôm đến trình dược viên, từ chạy quảng cáo cho báo đến mở cửa tiệm sửa điện thoại và bây giờ là một nhà văn đương đại ăn khách, sống được bằng chữ nghĩa, một Facebooker nổi tiếng. Tác giả Song Hà từng nửa thật nửa đùa trả lời phỏng vấn một tờ báo rằng: “Cũng may là sau này làm nghề sửa chữa điện thoại, do tay nghề kém, vắng khách nên tôi có nhiều thời gian để viết văn hơn, chứ khi ấy đi phụ hồ hay làm thợ mộc thì chắc không có Song Hà của ngày hôm nay rồi” (Thanh Ba. “Hiện tượng văn học Việt Nam đương đại: Song Hà”, afamily.vn, truy cập ngày 27.6.2023). Kết quả của quãng thời gian rảnh rỗi ngồi viết văn ấy là một loạt những tác phẩm ăn khách, xuất phát từ những entry, status trên mạng như: “Nghe Boy Già kể chuyện đời”, “Ngoại tình”, “Trúng số”, “Những chuyện bựa thời sinh viên”, “Ranh con tên Ly”…
Và bây giờ là cuốn tuyển tập những truyện trào phúng đặc sắc nhất của bản thân theo cách nhìn của chính tác giả Song Hà mang một cái tên “hiền lành”, không hề “bựa” như những tác phẩm trước đó của anh: “Biến tấu đời thường”. Cuốn sách vừa mới ra mắt trong tháng 6.2023 và hứa hẹn sẽ là một best seller tiếp theo của tác giả Song Hà. “Biến tấu đời thường” tập trung vào những chủ đề viết về thời sinh viên, về những mối tình và hôn nhân cùng với chuyện mưu sinh, kiếm sống, lập nghiệp của chính tác giả và những câu chuyện đời của nhiều kiểu người trong xã hội. Nhiều truyện đã ra mắt bạn đọc ở những cuốn sách trước đây, nhưng cũng có những sáng tác mới toanh. Có lẽ vì mang danh “tuyển tập” nên tác giả Song Hà đã có sự chọn lọc, trau chuốt và mang đến ra mắt độc giả những truyện tâm đắc và ưng ý nhất của bản thân.
Những chuyện “Buồn – Cười” của đời thường
Những câu chuyện kể của Boy Già tức là tác giả Song Hà đều là những câu chuyện đời thường. Đó là những chuyện kể về một cô người yêu cũ, với 10 câu chuyện kể trong một tạp văn dài mang tên “Ra mắt gia đình Ex”. Câu chuyện với những tình tiết hài hước của những lần ra mắt, gặp gỡ, và cả cuộc chia tay thăng trầm chỉ vì chê chàng trai Song Hà học văn nghèo hèn, không lo được cho gia đình. Có vẻ như cuộc tình ấy chỉ để lại toàn những kỷ niệm gây cười, với một giọng văn bất cần đời, bất cần người, nhưng chốt lại bằng một câu làm độc giả dễ rơi nước mắt theo cùng nhà văn: “Đó là một đêm không bao giờ quên được. Đó cũng là lần đầu tiên khóc vì một đứa con gái. Một đứa con gái xa lạ con nhà ai đó, đã quen, đã yêu và đã làm khổ đời mình… suốt nhiều năm sau…” (Song Hà, “Biến tấu đời thường”, NXB Thanh Niên, 2023, trang 407). Đó là những chuyện kể về người vợ cũ, về cuộc hôn nhân sớm ly dị nhưng tuy hết tình thì còn trách nhiệm với nghĩa vụ, không yêu nhau nữa thì coi nhau như đối tác dạy con. Dù nhân vật mang cái tên nào đi nữa, cũng là lấy cảm hứng từ những chuyện thật của chính tác giả. Cựu bố mẹ vợ luôn coi cựu con rể như đương kim. Người vợ cũ mang thấp thoáng dáng vẻ của những người đàn bà trong truyện ngắn của Nam Cao, từ cái mũi đỏ cà chua, hay dằn vặt, rẻ rung chồng vì tiền, gây nhiều tổn thương nhưng vẫn khiến nhân vật “hắn” vừa giận vừa thương, vì “cuộc đời ngắn lắm, chỉ có kẻ ngu dốt và cay nghiệt mới giữ trong lòng sự thù hận, oán trách và hằn học với những thứ không đáng. Hắn chỉ tiếc vì đã chọn nhầm người để đời mình đâm ra lỡ làng, để đứa con gái lớn lên không có bố bên cạnh, vậy thôi!” (Song Hà, “Biến tấu đời thường”, NXB Thanh Niên, 2023, trang 414).
Quãng thời gian học đại học ở Hà Nội và lăn lộn mưu sinh nơi này trước khi quyết định về quê là nguồn cảm hứng và tư liệu sống động cho nhiều tạp văn của tác giả Song Hà. “Những chuyện bựa thời sinh viên” là một minh chứng rõ cho tính chất Underground trong sáng tác của Song Hà. Cuộc sống ký túc xá, những bữa cơm bụi, chuyện đánh nhau, chuyện tán gái, yêu đương, chuyện được mời đi đóng phim rồi xuất hiện vỏn vẹn ba giây trên màn ảnh, sự túng thiếu, khốn khó, bẩn bựa của một thời sinh viên… khiến cho những độc giả cùng thế hệ với nhà văn như tìm thấy lại chính dáng hình của mình trong những tháng năm quá khứ. Có những nhân vật có thật đã đi ngang qua cuộc đời của tác giả, dừng chân dù chỉ một thoáng, nhưng được nhà văn nhắc đến với sự chân thực ngậm ngùi. Đó là kỷ niệm về anh bán bánh khúc tốt bụng cho tác giả ăn thiếu chịu không cần trả tiền của một thời đói kém, là anh bạn Long trọc từng có thời kỳ viết báo chung để kiếm sống, là những cô gái như Ly, Ốc, Huyền, Linh… là những người tình nửa hư nửa thực, có lẽ đã từng yêu, đã từng nhớ, đã từng mong đợi nhưng đều rồi đi đến một kết cục giống nhau là lặng lẽ rời xa.
Nickname hài hước Boy Già có từ thời Song Hà viết blog và dĩ nhiên trong đại đa số các câu chuyện kể, Song Hà mang chính mình ra làm nhân vật, kể lại câu chuyện của đời mình. Đó là một nhân vật Boy từ trẻ đến già bươn chải, lăn lộn trong cuộc sống khắc nghiệt, nhưng vẫn có những khoảng lặng yêu thương, có lời chửi mắng, nhưng cũng có những tình cảm ấm lòng, có vui nhộn hài hước, mà cũng có những trống rỗng cô độc. Đó là những câu chuyện đọc thì cười, mà đằng sau nụ cười mỉm hay tiếng cười sằng sặc, bỗng nhiên người đọc cảm thấy bản thân thì buồn mênh mang, và cảm thấy dường như nhà văn khi viết ra những câu chữ gây cười này cũng đang buồn hoang hoải, nên tôi gọi là những câu chuyện “buồn – cười”.
Đời thường được/bị biến tấu
Những câu chuyện đời thường của tác giả Song Hà nếu chỉ là đơn giản kể về đời thường thì hẳn sẽ dễ lẫn với muôn vàn tản văn của những nhà văn Underground khác. Điều khiến cho độc giả nhớ đến giọng văn của Song Hà là một chất giọng riêng, khó nhầm lẫn với những nhà văn khác cũng thành danh trên mạng. Tôi gọi đó là “sự biến tấu” khi viết của anh. Sự biến tấu này khiến cho những câu chuyện kể của Song Hà đôi khi “được” hay hơn, mà cũng đôi khi làm cho người đọc “bị” sốc. Ai thích cảm giác mạnh, thích một thứ văn chương như mới nhảy xổ ra từ đời sống, hoa chân múa tay với độc giả thì sẽ hài lòng, thú vị với những biến tấu gây sốc đó, còn ai yếu bóng vía hẳn sẽ nhăn mặt chê: “Sao lại viết bậy thế!” Lại cũng có người thích đọc những gì Song Hà viết bởi giọng văn triết lý ngược đời, một tư duy biến tấu thoát khỏi cách nghĩ thông thường của số đông.
Những câu chuyện kể về phận đời những cô gái điếm là những câu chuyện dễ gây sốc nhất với những ngôn từ tục, lóng. Nhưng đó là một phần đời của họ, những thân phận ngoài lề, không được xã hội thừa nhận, nhưng họ vẫn đi bên cạnh cuộc đời, bên cạnh mỗi chúng ta. Họ tồn tại phải chăng để cho chúng ta biết rằng đôi khi họ mới là “người”, còn những người đến để mua thân xác họ thì lại là “con”. Chuyện gái ế, gái già, chuyện ngoại tình, chuyện đề đóm, nhậu nhẹt, chuyện chơi Phây (Facebook), chuyện nhân viên và sếp, chuyện bán hàng đa cấp, chuyện cưới vợ già, chuyện đêm tân hôn, chuyện chợ búa v.v… qua những câu chữ của nhà văn Song Hà khiến cho người đọc có thể phá lên cười, rồi bỗng rớm nước mắt đắng lòng. Những nhân vật hiện lên xộc xệch, méo mó, rách nát, nhàu nhĩ… nếu không về thể xác thì cũng về tinh thần nhưng đặc biệt không ai trong số họ làm cho người đọc ghét, giận, căm hờn, mà chỉ thấy thương, thấy cười, thấy chua xót. Có lẽ không ít người trong số độc giả của nhà văn Song Hà cũng từng như một nhân vật gái ế của anh “khóc tu tu ba tiếng rồi về bật máy tính viết tút “Hôm nay em ổn”. (Song Hà, “Biến tấu đời thường”, NXB Thanh Niên, 2023, trang 317), hay tâm đắc gật gù với câu triết lý đầy tính gây hấn: “Anh cũng giản dị và tầm thường như rất nhiều thằng đàn ông khác, chỉ là em đứng quá xa và thấy anh qua lăng kính văn học lãng mạn mà thôi. Nên anh khuyên em tiếp tục chịu đựng. Trong hôn nhân, khi mà sự chịu đựng lên đến một tầm cao mới ta gọi nó bằng mỹ từ rất kêu, đó là “đức hy sinh” em ạ”. (Song Hà, “Biến tấu đời thường”, NXB Thanh Niên, 2023, trang 244). Không có nhân vật tốt, không có nhân vật lý tưởng, nhưng cũng không tìm ra được nhân vật xấu, nhân vật phản diện trong văn chương của Song Hà. Đó hẳn là nhờ vào sự biến tấu tài tình của nhà văn qua từng câu chữ.
Boy già và Girl không còn trẻ
Cách viết của tác giả Song Hà làm cho đàn ông, những Boy Già giống như anh, cảm thấy tìm được tri âm tri kỷ, còn phụ nữ thì cảm thấy tìm được một chỗ dựa, không phải là về vật chất, mà là về tinh thần, một chỗ dựa để họ đọc, cười, tạm quên đi những mối ưu phiền, bận tâm của cuộc đời phức tạp ngoài kia. Bởi lẽ không chỉ viết về bản thân mình, về những người đàn ông xung quanh mình, nhà văn Song Hà còn đặc biệt ưu ái viết về những người phụ nữ. Trừ việc kể lại những mối tình thời trẻ trung hoa niên với những thiếu nữ đang xuân, thì nhiều nhân vật nữ của Song Hà có thể tạm gọi là “Girl không còn trẻ”. Họ là đủ loại người, thuộc mọi tầng lớp: gái điếm, gái già, gái ế, gái đi buôn, gái làm sếp, gái bán hàng tạp hóa…, hoặc chỉ chung chung là gái chơi Phây. Một giọng văn đặc sệt chất “Underground” nhưng cũng là một giọng văn thu hút nhiều độc giả nữ, khác với nhiều tác giả văn chương Underground khác, phải chăng vì nhiều độc giả nữ thấy thấp thoáng đâu đó bóng dáng chính mình, bóng dáng người quen của mình ở trong những tản văn.
Thông qua những tương tác hài hước, dí dỏm trên Facebook cá nhân, nhiều độc giả nữ đã trở thành những fan bạn đọc trung thành, dõi theo những status trên Facebook nhà văn Song Hà và cũng sẵn sàng mua sách giấy, bởi vì họ biết rằng văn chương của Song Hà không chỉ làm cho họ cười vui, mà còn biết làm cho họ khóc. Vâng, ai đọc câu văn này mà chả rưng rưng nước mắt: “Chỉ khi mất nhau trong đời mới kịp nhận ra mình đã từng yêu nó đến nhường nào”. (Song Hà, “Biến tấu đời thường”, NXB Thanh Niên, 2023, trang 763).
Đã đọc văn Song Hà rồi, không ít Boy già và Girl không còn trẻ mới nhận ra rằng đã quen với giọng văn ấy, không đọc thấy bài mới trên Facebook thì lại thấy vắng vắng, buồn buồn như không có gì để hóng, để ngóng. Khi nhà văn Song Hà in sách, những Boy già và Girl không còn trẻ tiếp tục hưởng ứng nhiệt tình những tác phẩm của anh. Tôi luôn cho rằng với một nhà văn, khi viết tác phẩm, điều quan trọng nhất là sự tiếp nhận của công chúng. Thế nên Song Hà có quyền hài lòng với những gì mình đã viết, với công chúng của mình. Chỉ là những thành công trong quá khứ và hiện tại sẽ tạo thành thách thức không nhỏ trong tương lai đối với nhà văn Song Hà. Vì thế, tôi mong chờ những tác phẩm mới của Song Hà trong thời gian tới. Nhà văn Song Hà đã xây cho bản thân một con đường vững chắc rồi, bây giờ là chờ xem nhà văn sẽ đi xa được đến đâu trên con đường đó.
14/7/2023
Hà Thanh Vân
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao

Cảm thức mùa trong ca khúc Văn Cao Nhìn lại nền âm nhạc ca khúc Việt Nam thế kỷ XX, người ta thường nhắc đến ba tên tuổi được coi là nổi b...