Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Ngõ bằng lăng - Truyện ngắn Trần Chinh Vũ

Ngõ bằng lăng
Truyện ngắn Trần Chinh Vũ

Như tin đã đưa, nhà văn Trần Chinh Vũ sinh năm 1934 đã qua đời ngày 21.6.2022 tại Hà Nội hưởng thọ 89 tuổi. Tưởng nhớ bậc lão thành làng văn, Vanvn.vn trân trọng giới thiệu lại truyện ngắn hay Ngõ bằng lăng của ông.
Những bước chân kéo lệt bệt qua cửa nhà chị để lên tầng năm, tầng áp chót của khu nhà chung cư – nghe chậm chạp, nặng nhọc – vì phải kéo theo nó cả một vật cản, sức nặng chừng ba mươi kilô của thân thể thằng bé bị bệnh đao, con trai độc nhất của vợ chồng Hải ở căn hộ tầng dưới. Đêm nào cũng vậy, khoảng chín giờ – chỉ nhanh chậm vài phút, cuộc chạy trốn của thằng bé bắt đầu. Chị quay lại nói với chồng:
– Nó vừa lên rồi đấy anh ạ.
Anh rời mắt khỏi trang sách, ngẩng lên nhìn vợ:
– Thực sự lại là một cuộc chạy trốn hay sao?
– Cũng chẳng còn từ nào thay thế được nữa. Mà sao anh lại hỏi như vậy.
Anh cười:
– Người ta chỉ chạy trốn khi gặp sự hiểm nguy, hoặc mối đe dọa có thể gây hại cho bản thân mình. Còn cái thằng bé hai mươi mốt tuổi này, lại chạy trốn sự đánh thức bản năng làm người đàn ông của nó. Đêm chạy trốn thứ mấy rồi em nhỉ?
– Đêm thứ mười hai.
Anh nói vui vẻ:
– Giá có được một hồi chuông nhà thờ nữa!
– Em chưa hiểu.
– Trong một chuyện cổ tích của phương Tây ấy, cô gái phải chạy trốn trước mười hai giờ đêm, tụt cả giày mà không dám ngoái lại nhặt. Thằng bé này chưa đến nỗi như vậy.
Chị cười. Cuộc chạy trốn của nó chẳng được lâu, chỉ trên dưới một giờ đồng hồ, chị lại nghe được tiếng chân lập bập của cô gái lên tìm nó xuống, thực ra là lôi nó xuống thì đúng hơn. Thằng bé có muốn cưỡng lại cũng không được. Sau đó cả hai đứa sẽ bị bà mẹ ấn cả vào buồng, cài cửa ngoài lại, để chúng nó trong đó với nhau đến sáng hôm sau.
– Liệu thằng bé có làm được gì không nhỉ?
Chị hiểu cái ý hóm hỉnh trong câu nói của chồng.
– Sao anh không hỏi ngay nó để biết.
Anh cười. Đôi lúc vợ chồng anh vẫn có những câu nói vui đùa như thời còn trẻ.
– Thực ra con bé đã thật thà kể lại với em – chỉ anh biết thôi nhé – chớ nói thêm với ai. Nó đã tìm đủ mọi cách, làm đủ mọi trò – kể cả những cái bà mẹ bày thêm cho – vẫn chẳng ăn thua gì cả; trò nào cũng chỉ được nửa vời, cho đến lúc hai đứa cùng mệt nhoài lăn quay ra ngủ.
– Thật là tội, con bé đang ở độ tuổi nước tràn ly.
Anh nói thêm như vậy.
– Em cũng nghĩ thế. Bà Hải cũng vội vàng quá đi, chẳng thèm hỏi ý kiến một ai, về quê vài ngày rồi tha lên một “cô con dâu”, ra tuyên bố với mọi người, đã cưới hỏi xong cho chúng nó ở quê.
– Kể tìm ra một cách khác tốt hơn. Anh Hải còn chưa tới tuổi sáu mươi.
– Em hiểu ý anh định nói, nhưng cũng khó đấy.
– Khó là khó thế nào. Ai chả thông cảm với hoàn cảnh của họ. Xã hội này đầy rẫy những kẻ còn làm liều hơn thế.
Chị nói trêu anh.
– Sao anh không làm trước cho anh ấy theo.
– Nếu anh còn sức chẳng đợi em phải bảo.
Anh cũng nói vui. Anh đã vào tuổi sáu mươi. Chị sang tuổi năm hai. Gần ba mươi năm chung sống với nhau, chị đã không thể sinh cho anh một đứa con, nhưng tình cảm giữa anh và chị vẫn không hề suy giảm. Chị hiểu được lòng độ lượng của chồng, tuy vậy nhiều đêm chợt thức, nhìn mặt giường song song hình hài đôi người;  chiếu không xô, tấm chăn không hề nhăn nhúm, trái tim chị se lại, chị đã có lỗi khi đem tới một sự bất hạnh cho người đàn ông mà mình yêu giấu.
– Đâu phải lỗi tại em.
Anh thường nói vậy. Anh là con của một người lính thời đánh Pháp, đã nhiều năm chiến đấu, công tác ở Tây Nguyên. Còn chị, sau lúc tốt nghiệp đại học, do yêu cầu của công việc, chị đã được cử vào công tác mấy năm liền ở miền tây Thừa Thiên, nơi mà mỗi ngọn cây, một nhánh suối, đều có thể còn đọng một lượng dioxin, mà bình thường con người không biết được.
Chị đã có thai lần đầu và cũng là lần chót. Cái thai – mà sau này chị mới được nghe nói lại – hình hài không đủ, đã chết ngay trong bụng mẹ. May mắn chị được cứu sống. Thầy thuốc đã khuyên chị, chớ để có thai lần nữa. Khi anh biết được điều ấy, vẻ thản nhiên hỏi lại chị:
– Đã sao nào?
– Anh là con trưởng, áp lực gia đình sẽ rất lớn.
– Các em trai anh đều đã có con rồi.  Chúng sẽ thay anh làm việc đó.
Dù vậy chị vẫn không yên lòng. Nhiều lần đang đêm chị thấy anh lẻn dậy trở ra bàn viết, vùi đầu vào trang sách. Chẳng biết anh có làm việc được hay không, hay chỉ ngồi như thế cho đến lúc thấy mệt, mới lên giường ngủ lại. Chị hiểu được khoảng trống trong con người anh ngày mỗi lớn dần thêm. Mặc dầu đã khẳng định các suy nghĩ của mình, không phải anh đã hoàn toàn thanh thản. Khi tuổi càng cao, nỗi sợ hãi sự cô đơn cuối đời, càng trở nên ám ảnh. Đâu phải hai vợ chồng già được chết cùng một lúc, phải người trước người sau. Đến lúc đó, người còn lại sẽ sống ra sao.
Chị bàn với anh xin một đứa trẻ về nuôi.  Anh nhất trí ngay, nhưng cả năm qua vẫn chưa làm được.
Gió lúc này đang chạy rào rào trên các vòm cây bằng lăng, mùa này hoa bằng lăng đang nở nhiều. Mỗi sáng xuống đường đi bộ, xác hoa rải đầy hè, chạm chân tới có cảm giác mát lạnh và ngợp lên trong mắt chị mầu tím ngát, thứ hoa thời còn là học sinh cấp ba, chị vẫn thích được ép nó trong cuốn sổ tay của mình, cho đến lúc gặp anh và chấm hết thời con gái.
– Sao em cứ đứng thần người ra thế?
Chị giật mình khi nghe tiếng anh hỏi, vội đáp cho qua:
– Em đang dõi xem.
– Thằng bé đã xuống chưa?
– Nó vẫn còn trên đó.
– Chẳng nhẽ nó chỉ như một pho tượng vậy sao?
– Thì đêm nào chả thế, ở một góc tối nhất, mặt cúi nhìn xuống đường. Hay nó cũng thích hàng cây bằng lăng hở anh.
– Nó biết gì mà thích.
Câu này anh nói rất nhỏ. Chị nói tiếp:
– Tối qua lúc con bé lên em có lên theo, khi nhìn thấy vợ, nó co rúm người lại, như con cua nhìn thấy con ếch.
– Như vậy sao.
– Con bé cố vuốt ve, dỗ dành, nhưng nó cứ đứng lỳ ra đấy, đến lúc con bé phải dùng sức, gần như phải bế bổng nó lên, nhấc xuống từng bậc thang một.
Thằng bé không kêu sao?
– Nó chỉ ú ớ trong miệng, còn con bé lại e sợ làm thằng bé đau.
– Một tấn bi kịch…!
Chị nghe được tiếng thở dài rất khẽ của anh. Gió vẫn chạy rào rào trên các vòm cây dọc ngõ. Hoa bằng lăng không có mùi thơm, nhưng chị lại đang có cảm nhận, sự dịu nhẹ của một làn hương đang tỏa lan quanh mình, chị nghĩ nó đã được toát ra từ những xác hoa bằng lăng rụng trải tím vỉa hè.
– Con bé lúc nào cũng khao khát có một đứa con…
Anh ngẩng lên đợi điều chị nói ra, anh vẫn thường làm như vậy, mỗi lúc nôn nóng muốn biết một điều hệ trọng.
– Vậy cháu phải làm thế nào hở cô, để có được điều cháu đang mong muốn ấy. Nó hỏi em.
– Em bảo nó thế nào?
Nói xong anh đi lại về phía bàn nước, với bao thuốc rút một điếu châm lửa. Chị nhìn anh dò xét.
– Em đã toan mắng nó.
– Một cô gái còn dại khờ, chưa hiểu biết, mắng nó làm gì, chỉ uốn nắn cho nó thôi.
– Em đã kịp thời nghĩ vậy nên thôi.
Cái tội muốn có một đứa con sớm, là cái tội mọi người đàn bà có nỗi sợ muộn con.
Anh mỉm cười:
– Ở em anh không thấy có điều ấy.
Gương mặt chị rầu rĩ:
– Em đâu còn khả năng, mà có được nỗi sợ.
Anh hiểu mình sơ ý đã chạm tới nỗi đau thầm kín của vợ.
– Anh xin lỗi, mà thôi đừng nói chuyện ấy nữa, để anh pha một ấm trà rồi chúng mình cùng uống.
Chị nhìn đồng hồ:
– Gần mười giờ đêm rồi anh, không sợ mất ngủ sao?
– Nhiều đêm đâu có uống mà cũng mất ngủ.
A painting of trees and water

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Chị nhớ, nhiều đêm anh đã dậy lén một mình, đi quanh quẩn ở phòng ngoài, hoặc đứng tựa cửa sổ hút hết vài điếu thuốc, rồi mới trở lại giường ngủ. Phải cố lắm chị mới nén được tiếng thở dài, để anh không nhận được tâm trạng của chị lúc này.
Hai chén trà đã được rót ra. Hương trà bốc lên thơm dịu, một nạm khói mỏng mảnh là là ôm trên miệng chén.
– Ngày ông bà nội anh còn sống, nhiều đêm lạnh, cụ ông đánh thức cụ bà dậy, hai cụ pha trà uống với nhau. Ngày ấy đâu đã sẵn phích nóng như bây giờ, uống một ấm trà cũng phải vất vả, phải đun nước trong cái siêu đồng nhỏ, đặt trên bếp hỏa lò.
Anh chậm rãi kéo nốt hơi thuốc nữa rồi vứt đầu mẩu đi.
– Vì là còn bé nên anh chẳng hiểu biết gì, chỉ nghĩ trong bụng “Người già thật dại, nằm trong chăn ấm chẳng thích hơn ngồi dậy chịu lạnh. Uống nước trà có gì là thích kia chứ”.
– Còn bây giờ?
Chị mỉm cười hỏi anh. Mất đến hàng phút sau anh mới trả lời:
– Nếu hai cụ còn sống đến ngày nay, hẳn cháu cụ cũng dậy theo, sẵn sàng chịu lạnh ngồi hầu trà các cụ. Mỗi chén trà của người già, không chỉ là hương vị thưởng thức mà còn là sự cộng hưởng, chia sẻ, mọi nỗi thăng trầm của cuộc sống họ đã đi qua. Nhưng chưa hết…
Anh dừng lại ở đấy. Chị lo lắng nhìn anh.
– Sao vậy?
– Còn một điều quan trọng hơn, đó là sự hiệp đồng để chống trả nỗi cô đơn, mà ở người già nào cũng đầy ắp.
Chị buồn rầu nghĩ “Mình và anh ấy cũng đã bắt đầu bước vào cuộc sống của người già”. Anh tiếp tục kể:
– Cụ bà mất trước. Những đêm lạnh cụ ông ít dậy hơn, thảng hoặc có dậy, chỉ khoác tấm chăn chiên ngồi so trên ghế. Họa hoằn lắm mới thấy cụ rót một chén nước, từ cái tích ủ trong giỏ. Thường cụ chỉ chạm môi rồi lại đặt xuống. Chén nước để lạnh cho đến lúc cụ lên giường nằm lại.
Chị thở ra nhè nhẹ:
– Cảnh buồn quá đi mất, anh có nghĩ rồi chúng ta sẽ như vậy không?
– Nó cũng đang bắt đầu như thế rồi.
Nhìn nét mặt buồn so, chị nói nhanh:
– Phải nghĩ ngay đến một đứa trẻ đi anh. Nó sẽ là niềm vui cho chúng ta lúc về già.
Anh gật đầu:
– Đợi đến cuối tháng anh xin nghỉ vài ngày, đứa em đi thăm thú vài nơi, kiếm một đứa trẻ nhân thể. Nó đang ở đâu. Có cái tâm thành rồi nó sẽ đến, em đừng lo.
Chị rót thêm nước vào chén cho anh, chẳng hiểu sao chị cũng xin anh một điếu thuốc để châm lửa.
– Dạo này anh Hải gầy đi trông thấy. Anh có nhận ra điều ấy không. Hôm qua anh ấy có hỏi em, có biết một liệu pháp đông y nào thích hợp, giúp anh ấy điều trị chứng liên miên mất ngủ và chứng đau đầu.
– Bệnh của anh ấy từ tâm mà ra.
– Em cũng nghĩ vậy.
Anh nhớ lại mấy bữa trước, ngồi uống trà ở nhà ông tổ trưởng dân phố, nhiều người đã bàn đến chuyện nhà Hải. Ai cũng cho là Hải đã làm một việc quá vội vàng, còn có cách làm khác hơn chứ.
Chị nghĩ trong bụng, khi vừa nghe anh nói. Cùng lắm đến bệnh viện xin thụ tinh nhân tạo.
– Anh cũng nghĩ vậy.
– Thời đánh Mỹ anh Hải có lúc nào là lính không?
– Có trong đoàn cán bộ đi B.
“Có khác chi là lính” – Chị nghĩ vậy.
– Con bé vẫn chưa lên hả em?
Chị nhìn đồng hồ:
– Phải vài phút nữa. Trả lời xong, chị đi lại gần cửa sổ. Trời se lạnh, những ngọn đèn đường về khuya nhìn sáng hơn, mầu vàng của hoa mướp tháng Năm, làm nhạt mầu những cánh hoa bằng lăng, bớt đi cái vẻ lấp lánh, tươi tắn thường có trong ngày. Đêm nay hoa rụng nhiều, mặt hè đường được nhuộm tím, chị thích được nhìn như vậy, nhưng chỉ trong đêm thôi, còn sang đến buổi mai, mấy chị quét đường đã lùa sắc hoa đi hết. Bao giờ chị cũng có cảm giác vừa đánh mất một vật gì, khi mỗi buổi sáng chị nhìn xuống mặt hè trống trơ, sạch bóng.
Em thích có đứa con gái, để được đặt tên nó là Bằng Lăng. Đó là câu chị thích nói với anh, trong những ngày đầu mới cưới nhau.
– Bằng Lăng là thứ hoa bứng ở rừng về, còn con chúng mình sẽ được sinh ra từ thành phố.
Anh cũng nói vui với chị như vậy. Đứa con cũng chẳng có, còn hai vợ  chồng chị đang sống những ngày về già, sự trẻ trung còn sót lại trong cuộc đời họ rất ít. Dòng thời gian chảy xiết, rồi tới lúc người chết trước, người chết sau, đâu có được cùng ngày cùng giờ để sự cô đơn không còn lại. Anh hoặc chị sẽ sống ra sao, kh chỉ còn một mình. Trái tim chị se lại, ngay từ lúc này chị đã hình dung được sự cô đơn sẽ tới trong ngày ấy. Những ngày tháng chậm chạp trong cái lồng, là căn hộ họ đang sống hôm nay.
– Con bé đã lên chưa em?
– Vừa lên.
Anh đi lại chỗ chị đang đứng, được cái kính lắp ở tấm cửa nhà anh, chị trong nhìn ra được, còn ngoài thì chịu. Cô gái đang lôi thằng bé xuống từng bậc thang, nó đang cố gắng chống trả, bằng cách trở thành một vật ỳ, nhưng cũng vô ích. Cô gái rất khỏe, nhiều lúc xốc lưng nó bằng cả hai tay. Thằng bé co dúm người lại, nhìn nó càng thêm nhỏ nhoi, xanh xám như con tôm vừa bị ném vào chảo luộc. Xuống đến chiếu nghỉ, hai đứa cùng ngồi bệt xuống bậc thang cuối. Cô gái kéo thằng bé ngồi sát lại với mình, cho đầu nó dựa vào vai nghỉ một lúc, nhưng thằng bé lại không chịu. Nhìn chúng ngồi cạnh nhau như cặp gà so le, con mái quá to, còn con trống lại nhỏ và yếu đuối. Anh thấy thương cô gái, đâu nó muốn sống trong cảnh ngộ này. Mấy bữa trước gặp ở ngay chân cầu thang, anh đã nói:
– Phải cố gắng cháu ạ, rồi sẽ đi được tới đích.
Giọng cô gái đầy mệt mỏi:
– Chẳng biết có tới đích được không. Còn ngày nào cũng là một ngày vật lộn.
Hai đứa vẫn còn ngồi, hình như thằng bé cũng muốn như vậy, nó đã để yên cho cô gái gãi đầu. Tóc nào có mấy cái, chỉ lơ thơ chẳng đủ che những mảng da nhẵn bóng, còn cặp mắt như một đường cong vồng lên, giống mắt cá vàng.
Chị nhìn đồng hồ:
– Gần mười giờ rồi mà chúng vẫn còn chưa chịu xuống, chẳng nhẽ đợi bà mẹ lên hay sao?
Anh cũng nói vui:
– Ít ra nhìn chúng nó còn thích hơn mấy cảnh âu yếm phường tuồng trên màn hình, hay mấy cô ca sĩ dậm chân vung tay như một lũ hóa dại.
Anh quay lại bàn nước để lấy một điếu thuốc hút, khi trở ra không nhìn thấy cô gái đâu nữa, chỉ còn thằng bé đang ngồi ngẩn mặt. Lại chuyện gì xảy ra đây. Anh định hỏi chị, vừa lúc thấy cô gái theo mẹ chồng lên. Thằng bé thấy mẹ lên vẫn ngồi im chẳng động đậy. Chị Hải định cầm tay nó, nó đã hất vội tay chị ra, mà tóm lấy tay vợ. Cô gái nói với mẹ chồng:
– Mẹ cứ xuống trước đi, con đưa anh ấy xuống sau.
Anh nói với chị:
– Đã có dấu hiệu thuyết phục được thằng bé rồi đấy.
– Chị gật đầu, sáng nay chị cũng vừa nói với cô gái.
– Dần dà tìm ra những điều nó thích cháu sẽ chế ngự được nó. Chừng như chỉ đợi một câu chi nói, cô gái đã xù ra hết nỗi bức xúc đang ẩn chứa trong lòng:
– Cháu cũng biết vậy. Lấy chồng ba bốn tháng rồi, cháu vẫn chỉ là con gái, nào đã chạm tới mùi vị hạnh phúc. Mẹ cháu cũng đã bầy thêm cho nhiều cách, mà anh ấy vẫn cứ trơ ra; còn cháu mỗi ngày như cái bánh có quá nhiều bột nở, cứ trương phềnh phềnh lên.
Giọng cô bé thêm phần tấm tức:
– Đêm nào cũng nằm cạnh đàn ông, mà đêm nào cũng chỉ là ôm một khúc gỗ.
Chị phải an ủi cô gái:
– Trước sau gì rồi điều đó cũng đến thôi.
Nói ra như vậy, nhưng chính chị cũng không tin vào điều mình nói. Lúc về, chị đem chuyện kể lại với anh. Anh chỉ cười:
– Hai vật thể khác giới tính, nằm liền kề mà chẳng chịu hút nhau.
Mấy đêm liền đêm nào cũng nhiều gió. Lại sắp trở trời đây. Những cánh lá va nhau rào rào, vòm hoa rung thưa hẳn đi, sắc hè nhuộm tím loang lổ. Chị bây giờ cũng như cánh hoa đã rụng, một sự nảy sinh chẳng có. Cái kết thúc trơ trọi chị đã nhìn thấy ở đời mình. Chị sẵn sàng đổi bất cứ bằng giá nào để có một kết cục khác hơn. Sẽ không như cô gái, chị sẽ không đổi sang bất cứ một cuộc đời nào khác; mà giữ lấy cuộc sống dù nghèo khó, để có được một điều giản dị, một người chồng và những đứa con. Nó là điều lớn lao nhất, ý nghĩa nhất trong cuộc sống của người đàn bà. Nhưng chị đã không dám nói ra những điều chị nghĩ cho cô gái nghe. Biết đâu – chị vẫn mong manh hy vọng cho cô gái – điều diệu kỳ sẽ đem tới cho cô, là sự khơi dậy được khả năng làm người đàn ông của thằng bé hai mươi mốt tuổi bị bệnh đao.
Bẵng đi mấy ngày bận việc, chị không để ý đến cuộc trốn chạy của thằng bé nữa và cũng không nhìn thấy nó đâu cả, cô gái đã không gặp mặt mấy ngày liền. Có điều gì xảy ra chăng. Chị xuống nhà chị Hải, thấy chị đang ngồi thu cả hai chân lên ghế, mặt buồn thiu. Nhìn vào buồng ngủ của thằng bé, thấy cửa đóng kín nhưng ở bên trong lúc lúc lại có tiếng đập phá thình thình.
– Có gì trong ấy thế?
– Thằng ôn đang quậy.
– Thế vợ nó đâu?
– Cho về quê từ hôm kia rồi.
– Sao phải làm vậy?
– Cho bớt cái mồm nói linh tinh đi.
Những điều chị đem nói ra đã làm chị Hải nổi điên thực sự.
– Chị làm vậy là không ổn rồi. Chị không thấy thằng bé đã bắt đầu quen với sự có mặt của nó rồi sao?
Chị Hải không đáp thẳng vào câu hỏi:
– Thật là tự mua dây buộc mình.
– Cũng tại bà vội vã chẳng chịu bàn bạc với một ai, giờ đã mở gói ra, thì chính tự tay bà phải gói lại. Thế mấy bữa nay thằng bé có chịu ăn uống gì không?
– Bỏ bữa từ chiều qua rồi.
– Càng để chậm là càng hỏng đấy. Phải nói với ông ấy, chiều nay về quê ngay, đón vợ nó ra.
Chiều hôm sau ăn cơm xong, hai vợ chồng chị như thường lệ lại đi tản bộ trên đường. Thành phố lên đèn lúc nào cũng chẳng rõ, đường mỗi lúc đông thêm người đi bộ, có cả những cô gái trẻ. Trên sắc mặt anh, chị nhận ra một niềm vui đang rõ dần.
– Anh đang có điều gì vậy?
– Về đứa trẻ ấy mà, nó đang ở đâu nhỉ…?
Chị bấm mạnh vào tay chồng, nhắc lại câu nói của anh bữa trước.
– Tìm rồi khắc có thôi.
Chợt chị níu anh dừng lại, chỉ cho anh thấy, đi trước hai người một quãng, có một cô gái đang dắt tay một em bé đi chơi.
– Chắc là hai chị em? Chị nói.
– Không, mẹ con đấy. Mẹ trẻ mà em.
Nhìn dáng cô gái tung tăng, còn chú bé lũn cũn đi ngang. Cô gái còn cúi xuống nhặt một cánh hoa dúi vào tay chú bé. Dù đứng ở xa hai người vẫn nghe được tiếng cười của chú bé đầy vẻ thích thú.
Lại một vệt gió lệt sết kéo qua cành cây, mấy cánh hoa lại lả tả rơi xuống. Nhìn sắc tím bằng lăng ấm nóng, chị lại nhớ ra, buổi đầu anh tỏ tình với chị, chân thành và vụng về; sau đó anh ôm hôn chị, thời gian kéo dài để chị nhận ra độ quánh, sắc của nụ hôn đầu và cùng với nó là cái mầu ấm nóng của đất đỏ ba dan, vùng đất nơi chị thường qua lại, để tìm kiếm các mẫu vật. Tình yêu cũng chỉ là một mẫu vật, suốt đời chị đã phải tìm kiếm. Chị không nói gì với anh cả, chỉ nắm thật chặt bàn tay anh. Hai người kéo vào quán cà-phê đầu ngõ, nơi hai người thường đến uống.
Đại Lải, 23/32005
Trần Chinh Vũ
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...