Văn hiến đất Sơn Nam - Hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 1
“Cả nước biết đến Nam Định nhiều nhất có lẽ ở Đền Trần
thờ Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Phủ Dày Vụ Bản – nơi
sinh ra tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng đặc biệt của đất nước Việt
Nam. Và đặc biệt hơn ở Nam Định số đồng bào Thiên Chúa rất đông, ở bất cứ nơi
nào trên đất Nam Định nhìn sang bốn phía Đông Tây Nam Bắc đều thấp thoáng tháp
chuông nhà thờ cao vút chọc lên trời xanh”.
Khởi đầu Chuyên đề Văn học Nam Định do nhà văn Nguyễn Tham Thiện Kế – Ủy viên Ban Biên tập Vanvn.vn tổ chức, xin trân trọng giới thiệu bài viết tổng quan nhiều kỳ của nhà văn Mai Tiến Nghị.
1- Ngày xưa bọn trẻ “xứ bùn bãi quê mùa” chúng tôi chả được
đi đâu, đi học về thì bèo cám lợn gà, chăn trâu cắt cỏ. Vậy nên chỉ quanh quẩn
với luỹ tre làng. Trong đầu lũ trẻ quần đùi áo vá đi học ngày ấy đoán chừng Nam
Định quê mình rộng… gấp mươi lần cánh đồng làng là cùng. Đến cấp hai cũng chỉ
biết Nam Định là tỉnh đồng bằng ven biển, chỉ có vài quả núi thấp. Rồi tưởng tượng
ra núi non Nam Định chỉ như mấy cái gò đống ở ngay đám ruộng sau nhà. Thỉnh thoảng
ra ngã ba quốc lộ 21 nhìn chiếc xe khách ậm ạch vừa chạy vừa hổn hển phụt lên
trời làn khói xanh lơ, đều đặn ngày một chuyến đi từ tinh mơ đến tối mịt mới về
đậu lưng chừng dốc. Thấy người ta chen chúc mua vé rồi công kênh nhau chui vào
xe bằng lối… cửa sổ thì đoán thành phố Nam Định xa tít mù tắp. Cái thời phương
tiện đi lại khó khăn khó khăn nó thế chứ thực ra chưa đầy bốn mươi cây số đường
bộ.
Thế rồi lớn lên mở rộng tầm mắt, đọc sách báo nghe đài thì biết
phía bắc Nam Định giáp Hà Nam, kẹp giữa hai con sông tự nhiên là sông Hồng phía
đông và sông Đáy phía tây. Còn phía nam là biển. Biển lùi do phù sa hai con
sông bồi đắp nên có Nam Định bây giờ. Lại nghe ngày xưa từ thời Lý Trần được đặt
là Lộ Thiên Trường, sang thời Hồng Đức là Sơn Nam Thừa tuyên. Thời vua Cảnh
Hưng thì được gọi là Sơn Nam Hạ lộ và thời Tây Sơn thành trấn Sơn Nam. Mãi tới
khi Nhà Nguyễn thống nhất đất nước thì trấn Sơn Nam thành trấn Nam Định và sang
thời Minh Mạng năm 1832 trấn thành tỉnh. Và cái tên tỉnh Nam Định có từ bấy đến
giờ dù rằng có lúc kết hôn với Hà Nam để thành Nam Hà có núi… với câu “tỉnh ta
từ núi Đọi đến sông Ninh”, đa đoan cơi nới thêm với Ninh Binh để thành Hà Nam
Ninh với những dãy núi đá vôi trùng điệp. Sau đó vật vã ly hôn để trở lại độc
thân Nam Định bằng phẳng như thời Minh Mạng. Dân số bây giờ đã gần hai triệu
người. Nhẽ dân số sẽ nhiều gấp đôi nếu năm Ất Dậu (1945) Nam Định, Thái Bình
không bị hàng triệu người chết đói. Chết đói nhiều đến mức cứ tháng ba âm lịch,
ở quê tôi nhà nào cũng có giỗ. Phố thị Nam Định vốn xưa là một trung tâm của đồng
bằng sông Hồng, là một trong ba thành phố lớn sánh vai cùng Hà Nội, Hải Phòng với
cái tên rất đỗi tự hào “Thành phố Dệt”. Ấy vậy mà sang thời kỳ mở cửa thì Nam Định
bỗng trở nên nhạt nhoà, hàng năm phải trông chờ vào ngân sách Nhà nước tới gần
một nửa.
Cái tên “Thành phố Dệt” bỗng biến mất như chưa từng có.
Có đi thì mới thấy tự hào về truyền thống của người Nam Định
đời nối đời quai đê lấn biển. Đi trên quốc lộ 37 ngay trước nhà, mà tôi cũng chỉ
mới biết đó là con đê Hồng Đức. Để rồi lý giải ngày còn bé tý, vào những đêm
mưa thâm tối trời thỉnh thoảng lại thấy trong lập loè đom đóm thấp thoáng người
xưa lam lũ chân ngập bùn đầu đội tay bê từng hòn đất ngăn sóng biển mở đất mở
làng. Nhẽ vậy nên người Nam Định ăn sóng nói gió, nói ngọng, nói tục hồn
nhiên thành đặc điểm riêng khác biệt với Tràng An Hà Nội dịu dàng thanh lịch dù
chỉ cách nhau chưa đầy trăm cây số. Cũng như các vùng đất khác trên khắp đất nước
ở làng nào Nam Định cũng có đền chùa miếu mạo thờ những người mở đất, thờ phụng
những bậc tiền nhân có công giữ làng giữ nước từ thuở Hùng Vương cho đến hôm
nay. Đó là các ngài Tam Lang, Minh Gia, Minh Tân ở Vụ Bản; ngài Linh Lang ở Mỹ
Lộc thời Hùng Duệ Vương. Thời Lý Nam Đế có ngài tướng quân Hoàng Tề
ở làng Tân Lập, Vụ Bản. Rực rỡ nhất là khi nhà Trần khởi nghiệp thì Thiên Trường
vừa là quê hương vừa là hậu phương vững chắc để Hưng Đạo Đại Vương và các vua
Trần ba lần đánh tan quân xâm lươc Nguyên Mông làm nên Đại Việt “thái bình thịnh
trị” “non sông muôn thuở vững âu vàng”. Khi Lê Lợi tụ nghĩa Lam Sơn thì các
dũng tướng xứ Nam là Ngô Quý Dật, Ngô Ái Thường ở Ý Yên, bà Đào Thị ở Mai Xá…
đã tham gia nghĩa quân lập lên công lớn. Vào những năm quân Pháp xâm lược nước
ta nhân dân Nam Định dưới sự chỉ huy của Đốc học Phạm Văn Nghị, Vũ Hữu Lợi… chặn
đánh quân xâm lược bảo vệ thành Nam. Cũng với mục đích ấy, lần thứ hai là Đề đốc
Lê Văn Điềm, Án Sát Hồ Bá Ôn chỉ huy quân triều đình phối hợp với dân binh của
ông Nguyễn Hữu Bảo. Khi triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước với Pháp, Bắc Kỳ bảo hộ
thì ông Đinh Công Tráng vẫn lập căn cứ chống giặc và chiến thắng nhiều trận khiến
cho thực dân Pháp lo sợ đến mất ăn mất ngủ.
Nhà văn Mai Tiến Nghị
Cả nước biết đến Nam Định nhiều nhất có lẽ ở Đền Trần thờ Đức
Thánh Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và Phủ Dày Vụ Bản – nơi sinh ra tín ngưỡng
thờ Mẫu đã trở thành một tín ngưỡng đặc biệt của đất nước Việt Nam.
Và đặc biệt hơn ở Nam Định số đồng bào Thiên Chúa rất đông, ở
bất cứ nơi nào trên đất Nam Định nhìn sang bốn phía Đông Tây Nam Bắc đều thấp
thoáng tháp chuông nhà thờ cao vút chọc lên trời xanh. Tiếng chuông Nhà thờ như
một biểu tượng âm thanh đặc trưng gợi hồn cốt của vùng đất này. Chắc chắn mỗi lần
nghe câu hát “làng tôi xanh bóng tre, từng tiếng chuông ban chiều… tiếng chuông
nhà thờ rung” trong ca khúc “Làng tôi” của Văn Cao thì dù đang đứng ở bất cứ
nơi nào trên trái đất, người Nam Định lại nhớ về quê hương thân thương của mình
với những hoài niệm chất chứa thương yêu.
Chỉ một huyện Hải Hậu, chúng tôi đếm được 62 nóc tháp chuông
nhà thờ Ki tô giáo trong khi chỉ có hơn ba chục ngôi chùa thờ Phật. Giờ một điểm
du lịch khá hot ở Nam Định là Nhà thờ đổ. (Thực ra trước đấy khoảng những năm
70 ngoài xa cách bờ khoảng cây số, một cái nhà thờ giờ đã nằm trong lòng biển).
Một cái tháp chuông lở lói trơ gạch đỏ, trơ mạch vữa… nằm ngay mép nước thách
thức sóng gió bão dông. Người ta đến đây để chứng kiến biểu tượng kiên cường của
đức tin trước vùi dập của thiên nhiên và ai cũng ngẫm nghĩ tự hỏi liệu nó còn tồn
tại được một năm, hai năm hay dăm năm nữa… thì hãy đến một lần cho biết.
Quần thể đền Trần ở thành phố Nam Định là một di tích tiêu biểu
của Nam Định. Nơi đây trước là nền nhà của Thượng hoàng Trần Thừa (Cố Trạch)
sau mở rộng thành hành cung Thiên Trường nơi các vị vua Trần khi chớm tuổi già
nhường ngôi cho con rồi về ngồi đây làm Thái thượng hoàng chỉ đạo tầm xa cho
các ông vua con ở Thăng Long coi sóc việc đất nước.
Xem ra Thiên Trường mới là đầu não thực sự của đời nhà Trần,
là căn cốt của hào khí Đông A lừng danh sử sách. Rồi thêm cung Trùng Hoa như là
Thế miếu thờ mười bốn vua Trần. Vào những năm đầu thiên niên kỷ thứ hai người
ta đặt vào đây mười bốn pho tượng đồng giống hệt nhau từ mặt mũi, mũ áo cân đai
đến cả dáng ngồi và cái ghế (ngai vàng)… chỉ khác nhau ở bộ râu để phân biệt
ông vua chết già với ông vua chết trẻ.
Ngay bộ môn Văn chúng tôi ở Hội VHNT có ông gánh vác một cái
chức nho nhỏ trong Ban Quản lý đền Trần. Họp bộ môn ông luôn có mặt đúng giờ.
Nhưng lần nào cũng vậy: chưa khai mạc thì ông bảo cho tôi phát biểu trước để
tôi còn về Đền. Hôm nay có anh nọ chị kia trên Trung ương về lễ. Thành thử bộ
môn tôi chỉ được nghe ông chỉ thị dạy dỗ chứ ông chẳng bao giờ nghe các công việc
của bộ môn. Oai thế. Hàng năm, Rằm tháng Giêng tổ chức Lế Khai ấn đền Trần thu
hút hàng chục vạn người từ quan chức Trung ương đến bà con dân quê khắp mọi miền.
Tôi biết được điều này vì cứ ngày Mười bốn tháng Giêng trong bản tin Thời sự của
Đài phát thanh truyền hình Nam Định và VTV năm nào cũng có tin đồng chí… về làm
việc với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định. Người ta chen chúc trèo lên đầu lên cổ
nhau đến mức xảy ra tai nạn để giành cho được vuông vải có đóng dấu triện “Trần
Miếu Tự Điển” với tâm thành người làm quan thì cầu được thăng chức to hơn, người
làm dân mong được đổi đời…
Nhưng người ta đến nhiều hơn cả là đền Bảo Lộc (xã Mỹ Phúc- Mỹ
Lộc) thờ Đức Thánh Trần: Quốc Công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn,
nơi đây vốn là đất thang mộc của An Sinh vương Trần Liễu, thân phụ của Người.
Có lẽ đây là một trong những nơi linh thiêng nhất trên toàn cõi Việt. Về đây
dâng hương lên Đức thánh để cảm thấy được che chở, được khai sáng bởi những bài
học đạo lý, nhân văn sâu sắc từ cuộc đời sự nghiệp của vị Thánh trong lòng dân
Việt.
“Tháng Tám giỗ Cha- Tháng Ba giỗ Mẹ” là câu thành ngữ chỉ
ngày 20/8 là ngày giỗ Đức Thánh Trần- Người mà dân Việt tôn làm Cha. Còn ngày mồng
Ba tháng Ba là ngày giỗ Mẹ tức Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Dầy (Vụ Bản- Nam Định).
Tín ngưỡng thờ Mẫu là đặc sản văn hoá của người Việt xuất
phát từ sự biết ơn đối với người phụ nữ, người mẹ trong nhận thức thuở sơ
khai của con người. Ba vị nữ thần tồn tại trong truyền thuyết là ba chị em con
của Ngọc Hoàng giáng trần được phân công về ba miền đó là Mẫu Liễu Hạnh ở miền
Bắc (Phủ Dầy), Thiên Y A Na ở miền Trung (mẹ xứ sở dân tộc Chăm, Ponaga) và miền
Nam là Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen).
Trong đạo Mẫu, Bà Chúa Liễu Hạnh được suy tôn là Thánh Mẫu tối
cao, hoá thân của Đệ Nhất Thánh mẫu Thượng Thiên, là một trong Tứ bất tử của
dân tộc Việt. Với tư tưởng Âm dương- Tam tài- Ngũ hành: nhất sinh nhị, nhị sinh
tam, tam sinh vạn vật thì Mẫu là nhất. Từ Mẫu Thiên ắt có đối ứng là Mẫu Địa (Mẫu
Thượng Ngàn) là thứ hai, rồi lại hoá thành Mẫu Thuỷ (Mẫu Thoải) nên thành Tam
Toà Thánh Mẫu. Và từ đó sinh ra hàng loạt ông Hoàng, bà Chúa, các Cô các Cậu mà
nghe chừng số lượng mỗi ngày một nhiều lên. Vì dân gian cho rằng Thánh Mẫu vẫn
tồn tại thì việc sinh thêm con cháu là nhẽ đương nhiên.
Điều đặc biệt trong nghi thức thờ mẫu là hầu đồng- một nghi
thức mang đậm nét văn hoá của người Việt với hình thức diễn xướng âm nhạc và
múa rất đặc sắc mà UNESCO đã vinh danh là Di sản văn hoá của nhân loại. Âm nhạc
của nghi lễ này có thể nói hay đến mê hoặc lòng người từ đứa trẻ mới dăm tháng
tuổi đến người già cập kề miệng lỗ. Nói điều này không phải là nói quá. Ta mở một
đoạn diễn xướng giá hầu Mẫu Tiên, Cô Đôi Thượng Ngàn, Cô Ba Thoải hoặc Cô Bé
Sơn Lâm… cho đứa trẻ dăm tháng tuổi nghe, thì chắc chắn mắt nó sáng lên, thân
hình nhún nhảy, tay chân nhịp nhịp theo nhip đàn câu hát. Lạ thế. Với người lớn
thì tác dụng còn lớn hơn rất nhiều. Từ xửa từ xưa những mệnh phụ phu nhân thì
suốt tháng Ba tháng Tư chăm chăm đi hết phủ nọ đến miếu kia, ôm hàng hòm tiền mệnh
giá cao cúng Mẫu và tán tài ban phát cho người xem nhằm giải toả bớt tội tham
nhũng của các quan ông. Với người làm ăn buôn bán thì tự nguyện chia sẻ bớt tiền
lãi với niềm tin vào nguyên tắc “Lộc bất tận hưởng”. Nhưng trên hết nhẽ là cái
máu văn nghệ. Họ hầu đồng thành nghiện. Nghiện đến mức không thể bỏ được. Người
ta bao biện đó là căn là nghiệp.
Còn với người nông dân quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho
trời, bòn gio đãi sạn một năm cũng cố dành vài ba triệu bạc để được hầu một
canh đồng. Bà chị dâu tôi vất vả đẻ và nuôi bảy đứa con. Giờ chúng đã ở riêng,
nhưng thành lệ cứ tháng ba hàng năm thì mỗi đứa có nghĩa vụ góp cho mẹ năm trăm
nghìn. Cộng với việc bà ky cóp bòn vỏ lon sắt vụn… hòm hòm năm triệu, được hầu
một canh cỡ chừng mươi mười hai giá. Xong sạch túi ra về hỉ hả. Hỏi bà chị thấy
sướng không? Sướng lắm chú ạ. Nhẹ cả người. Nghe xong, ngồi ngẫm thấy sướng thật.
Ở đấy người ta được hiện diện phấn son trước mọi người với
vai trò của ông Hoàng bà Chúa thay cho cái thân phận thấp hèn lam lũ.
Ở đấy người được mặc khăn chầu áo ngự đủ màu thêu rồng phượng
trên gấm hoa thay cho những mảnh áo rách ngày thường.
Ở đấy người ta khoan thai và oai nghiêm sải bước theo nhịp nhạc
Lưu thuỷ Hành vân thay cho bước thấp bước cao chạy ăn từng bữa toát mồ hôi.
Ở đấy người ta được ngợi ca bằng tiếng sênh tiếng đàn tiếng
hát ngọt ngào réo rắt thay cho những tiếng rủa sả của chủ nợ, tiếng ỉ eo của lũ
con khát đói.
Ở đấy người ta được ban phát lời vàng ý ngọc của bề trên đến
mọi người thay cho những lời van xin của chính họ khi van vỉ vay nợ lãi thường
nhật.
Còn gì sướng bằng mình được lột xác thành các bậc thánh thần
ngự trên sập rộng, mắt lim dim nghe lời ngợi ca, bàn tay nhấp nhấp theo nhịp
đàn, thỉnh thoảng vỗ tay ban khen cung văn, ban lộc cho người xem bằng từng nắm
tiền mệnh giá thấp tung lên… Tiền bay lả tả, cô đồng khuôn mặt rạng rỡ mãn nguyện
nhìn thiên hạ bổ nháo bổ nhào tranh nhau chụp giật từng đống bạc lẻ.
Lạ hơn nữa trong các bài cung văn ngợi ca các ông Hoàng bà
Chúa, bên cạnh những hào sảng tôn vinh sự nghiệp vì dân vì nước lại là những
nét sinh hoạt dân dã đời thường. Thánh say thuốc lào, Thánh hút thuốc lá, có
Thánh còn chơi cả thuốc phiện. Thánh tỳ tỳ rượu uống đủ mười tuần, mỗi tuần một
chung, “Zô” trăm phần trăm mà chả say. Bà Chúa với các Cô thì ngày ngày đeo gùi
lên nương hoặc đi chợ. Cũng mò cua bắt ốc, cũng thích nem thính, măng chua,
bánh đa bánh đúc “Tính Cô hay măng trúc măng mai”. Cá biệt có Cậu còn máu mê
gái xinh em đẹp “Mười hai cô rót rượu hầu dâng” rồi “Cô Ba, cô Bốn, cô Năm, Cô
Sáu, Cô Bảy, cô Tám, cô Chín… cô nào cũng xinh, kìa đoá huê thơm dâng lên Cậu…”.
Thánh Cô thì tình tứ khoé mắt long lanh. Có nghĩa là người đời anh hùng đạo đức
hoặc ăn chơi sa đoạ… như thế nào thì các Thánh Cô thánh Cậu cũng thế. Phải
chăng đó là sản phẩm vừa mang ý thức tôn vinh lại vừa mang tính cười cợt giễu
nhại có trong ca dao dân ca Việt.
Hát văn có nhiều làn điệu như vỉa, phú, dọc, cờn, xá thượng,
xá, chèo đò… Ca từ thường là thể thơ bảy chữ, lục bát, lục bát biến thể, song
thất lục bát. Điều đặc biệt là đa số các bài cung văn đều khuyết danh và được
truyền khẩu từ đời này sang đời khác cho đến tận hôm nay. Từ hiện tượng này ta
có thể khẳng định tín ngưỡng thờ Mẫu là một cái nôi nuôi dưỡng của văn học truyền
khẩu. Và như thế Nam Định là một địa chỉ sáng giá của văn học truyền khẩu. Ở đó
người ta nhận thấy vẻ đẹp lung linh của văn chương được thể hiện bằng hệ thống
ngôn ngữ dễ gần, dễ hiểu, dễ thuộc, có nhịp điệu phù hợp với diễn xướng thờ phụng
tâm linh nhưng không kém phần triết lý sâu xa về luật trời luật đời, về tiền kiếp,
quá khứ, về hiện tại và tương lai đến cả những kiếp sau.
2– Khi còn học phổ thông, đôi lúc tôi thường tự hỏi đất Nam Định
là Địa linh nhẽ phải sinh Nhân kiệt. Nhưng Nam Định võ tướng chẳng nhiều mà văn
nhân thì thưa thớt. Vì sao lại vậy?
Sở dĩ tự đặt ra câu hỏi ấy vì mười năm trên ghế nhà trường phổ
thông (hệ 10 năm) chúng tôi chỉ biết và nhớ trong nền văn học Việt Nam có hai
tác giả bao trùm. Đó là hai người có bút danh chữ đầu Tố: cụ Tố Như Nguyễn Du
và ông Tố Hữu. Ngoài ra mấy tác giả nữa chỉ chạy thoáng qua, như Trần Tế Xương,
Nguyễn Khuyến, Á nam Trần Tuấn Khải… Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu. Thi cử
cũng xoáy vào tác phẩm hai ông Tố Như, Tố Hữu. Thuộc hai ông coi như đã qua môn
Văn. Cụ Tố Như thì nổi tiếng bởi Truyện Kiều được học ở lớp Bảy và lớp Chín,
còn ông Tố Hữu thì từ lớp Ba đến lớp Mười năm nào cũng phải học. Thành thử đến
bây giờ bạn học cùng lứa mỗi khi nói chuyện với nhau vẫn kết luận rằng nước Nam
mình nhất thơ ông Tố Hữu.
Cũng từ câu hỏi ấy mới đi tìm hiểu. Thì ra từ khi có văn học
viết từ thế kỷ thứ XI đến giờ đâu có ít văn nhân Nam Định.
Ngay từ thời nhà Lý khi mà đạo Phật trở thành Quốc Đạo
thì các tác giả văn học thường là các nhà sư. Nam Định đã nổi tiếng với hai nhà
sư Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải. Sự nổi tiếng của các ông không chỉ về
phương diện tu hành mà còn nổi tiếng trong lĩnh vực văn chương thời ấy. Văn
chương của các ông tiêu biểu cho thơ ca thời Lý với tư tưởng triết lý của đạo
Phật và cuộc sống con người đậm chất thơ. Cảm quan về vũ trụ mênh mông,
nhà sư Dương Không Lộ đã viết “Ngôn hoài”:
Trạch đắc long xà địa khả cư
Dã tình chung nhật lạc vô dư
Hữu thời trực thượng cô phong đính
Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư
Dịch thơ:
Kiểu đất long xà chọn được nơi
Thú quê lai láng chẳng hề vơi
Có khi xông thẳng lên đầu nũi
Một tiếng quạ kêu vang lạnh cả người.
(Kiều
Thu Hoạch dịch)
Sư
Nguyễn Giác Hải bàn về nhẽ sắc không của đạo Phật thông qua bài “Hoa Điệp”:
Xuân lai hoa điệp thiện tri thì
Hoa điệp ưng tu cộng ứng kỳ
Hoa điệp bản lai giai thị huyễn
Mặc tu hoa điệp hướng tâm tri
Dịch thơ:
Xuân sang hoa bướm khéo quen thì
Bướm liệng hoa cười vẫn đúng kỳ
Nên biết bướm hoa đều huyền ảo
Thấy hoa, mặt bước để lòng chi.
(Ngô Tất Tố dịch)
Như trên đã nói văn học viết bắt đầu phát triển từ thời Lý
vào thế kỷ thứ XI. Vậy thì rõ ràng hai ngài Dương Không Lộ và Nguyễn Giác Hải
chính là những người đã đặt nền móng đầu tiên cho văn học viết của đất Sơn Nam
hạ xưa đến Nam định ngày nay.
Khi họ Trần phát tích từ Cố Trạch thì Tức Mặc Thiên Trường được
coi là quê hương của các vua Trần đã biến Thiên Trường thành một trung tâm
chính trị văn hoá phía Nam Thăng Long, tạo thế phát triển cho cả nước. Vì vậy
cùng với sự phát triển của văn học ở Thăng Long, các vua quan nhà Trần đã
tạo nên sự phát triển văn học Thiên Trường với nhiều nhà thơ nổi tiếng với những
áng văn chương bất hủ. Các vua Trần đều có thi tập riêng của mình. Đặc biệt vua
Trần Nhân Tông được gọi là ông vua thi sĩ giữ vị trí quan trọng trong lịch sử
thi ca dân tộc. Có lẽ từ việc chăm làm thơ, thích thi ca của các vua đã kích
thích các quan mỗi khi về thăm, làm việc, nghỉ ngơi tại Thiên Trường đều có
sáng tác thơ văn.
Trần Quốc Tuấn với “Hịch tướng sĩ” mà bây giờ chúng ta mỗi lần
đọc lên còn thấy rạo rực tâm can.
Trần Quang Khải với “Phò giá về Kinh” thiết tha hào sảng.
Cho đến giờ tôi vẫn không hiểu sao khi nhà Lê lấy lại đất nước
từ tay giặc Minh thì văn chương Nam Định chững lại trong khi văn học Thăng Long
và cả nước phát triển mạnh mẽ. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII, 300 năm mà Nam Định
chỉ có khoảng 20 tác giả. Nổi bật là Lương Thế Vinh, Phạm Đạo Phú, Đặng Phi Hiển,
Tống Hân, Trần Kỳ, Vũ Vĩnh Trinh, Nguyễn Địch, Vũ Huy Trác, Phạm Ngộ Hiên.
Phải có một nguyên nhân nào đó? Liệu có thể có sự tự ti bất
mãn của văn nhân Thiên Trường khi đất Thiên Trường không còn là đất thang mộc của
triều đình mới hay Triều đình nhà Lê không còn ưu ái văn nhân Thiên Trường?
Cũng có thể lắm. Và cũng có thể do tiết tháo của văn nhân Thiên Trường vốn mạnh
mẽ… khi nghe các công thần Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn là những hậu duệ của
vua quan nhà Trần chết oan uổng tức tưởi, rồi sang thời Lê mạt xã hội vua chúa
rối ren, đất nước chia cắt cát cứ bởi Trịnh Nguyễn, rồi nhà Tây Sơn nổi lên vốn
chẳng được lòng sĩ phu… Thời loạn lạc thì đâu có gì vui vẻ để mà ngâm ngợi. Mọi
hy vọng về một xã hội thái bình thịnh trị ở các văn nhân Thiên Trường đều nguội
tắt chẳng còn động lực để sáng tác văn chương. Tôi nghiêng về giả thiết này
hơn.
Nhân đây cũng xin giải đáp một sự việc khá đặc biệt. Đó là tỉnh
Nam Định năm năm một lần xét giải thưởng văn học nghệ thuật. Giải này mang tên
Lương Thế Vinh. Người ta băn khoăn vì Trạng nguyên Lương Thế Vinh nổi tiếng với
“Đại thành toán pháp” đã được cả nước tôn vinh là Trạng Lường. Chả có lý gì lại
lấy tên một ông Trạng nổi tiếng về tính toán gán cho giải thưởng về văn học nghệ
thuật.
Xin thưa rằng Lương Thế Vinh đỗ Trạng vào thời hoàng kim của
nhà Lê, ông vua hay chữ Lê Thánh Tông lên ngôi, các án oan đã được xem lại. Các
bậc công thần bị chết oan uổng được trả lại công bằng, tên tuổi của họ được
chiêu tuyết. Vua lập ra hội thơ Tao Đàn và giữ chức Tao Đàn Nguyên suý. Trong Hội
này Vua cử Lương Thế Vinh giữ chức Tao Đàn Sái phu chuyên về đánh giá, phê
bình, biên tập thơ ca trong hộ Tao Đàn. Xem ra vua Lê Thánh Tông hay chữ nổi tiếng
như vậy mà còn phải trọng dụng Lương Thế Vinh làm người cầm cân nảy mực thì chắc
chắn ngài Trạng Lường phải là người văn chương trác việt bậc nhất đương thời. Vậy
thì giải thưởng văn học nghệ thuật của Nam Định được mang tên Lương Thế Vinh là
quá vinh dự, là quá phù hợp.
Và trường hợp Lương Thế Vinh được trọng dụng khẳng định vua
sáng thì ắt tôi hiền. Văn nhân chỉ có thể phát tiết tinh hoa dưới một chính thể
khoẻ khoắn.
Có lẽ giả thiết tôi nêu trên là đúng vì sang thế kỷ XIX văn học
Nam Định lại phát triển nở rộ sau gần ba thế kỷ chững lại. Hơn 40 tác giả với
hàng nghìn tác phẩm xuất hiện với các thể loại phong phú gồm thơ (Đường luật)
văn xuôi (dưới dạng thực lục) đã khiến cho Nam Định trở thành một trung tâm văn
chương lớn của nước nhà.
Ngoài những người xuất thân khoa bảng (dạng này có khá đông
vì Thành Nam có hẳn một trường thi) còn xuất hiện những tác giả nổi tiếng dù
không đỗ đạt cao. Ý Yên, Xuân Trường nổi lên trở thành những vùng đất có đông đảo
văn nhân tài danh. Trong đó phải kể đến làng Hành Thiện (Xuân Trường) với nhiều
nhà thơ nhà văn nổi tiếng như Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng và dòng họ Đặng. Con trai
của Tiến sĩ Đặng Xuân Bảng là Đặng Xuân Viện không đi theo con đường khoa cử mà
tập trung khảo cứu lịch sử văn hoá để lại cho hôm nay một số lượng sáng tác và
biên khảo đồ sộ trong kho tàng văn hoá Nam Định và cả nước. Các địa phương khác
cũng đều có tác giả nổi tiếng: Nam Trực có Ngô Thế Vinh, Vũ Hữu Lợi; Ý Yên có
Phạm Văn Nghị, Lã Xuân Oai, thành phố Nam Định có Trần Bích San, Trần Tế Xương.
Đó là những danh nhân của Nam Định và cả nước vì vai trò của họ trong lịch
sử dân tộc và đóng góp của họ cho nền văn học nước nhà.
Tại sao ở thế kỷ XIX đất Nam Định lại nở rộ Văn nhân. Theo
tôi nghĩ có lẽ do thời cuộc. Khi vua Gia Long lên ngôi thống nhất đất nước, dưới
thời ba ông vua đầu tiên Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị (1802- 1847) đất nước
thống nhất thái bình thịnh trị là đề tài ngợi ca gây hưng phấn cho các văn
nhân. Sau đó triều Tự Đức ươn hèn lúng túng trong chống Pháp thì văn nhân bày tỏ
ý chí phản kháng chống lại thực dân xâm lược, chống lại triều đình nhu nhược
ươn hèn. Các sĩ phu đã đứng lên không chỉ bằng hành động quân sự mà dùng cả văn
chương để khơi dậy tinh thần yêu nước chống giặc. Điều này một lần nữa khẳng định
tiết tháo của người Nam Định, văn nhân Nam Định.
Xin được minh chứng trường hợp hy hữu trong lịch sử dân tộc
Việt: Ba thầy trò, ba nhà thơ cùng hy sinh vì nước. Đó là Hoàng giáp Phạm Văn
Nghị với các trò của ông là Vũ Hữu Lợi, Trần Bích San.
Hoàng giáp Phạm Văn Nghị đỗ Hoàng Giáp năm 33 tuổi dưới thời
vua Minh Mạng. (Quê ông ở Tam Đăng Ý Yên nên được gọi là Hoàng Giáp Tam Đăng).
Ông được bổ tri phủ Lý Nhân rồi sau đó trở về Biên tu Quốc sử quán. 1845 ông
cáo quan về dạy học, làm thơ, chiêu tập khai khẩn vùng đất Sĩ Lâm (Nghĩa Lâm,
Nghĩa Hưng ngày nay)1858 ông lại được vua Tự Đức triệu ra giữ chức Đốc học Nam
Định và nhiều chức khác thăng tới Hàn lâm Học sĩ. Cùng năm ấy khi Pháp đánh Đà
Nẵng, ông dâng lên vua Tự Đức “Trà Sơn kháng sớ” (sớ kháng nghị việc Sơn Trà) rồi
chiêu binh gần 400 người lập đội quân xin vua cho vào Đà Nẵng rồi Gia Định đánh
quân Pháp. Dù không được Vua chuẩn y, ông tiếp tục duy trì dân binh tổ chức
đánh quân Pháp ở ngã ba Độc Bộ trên đường chúng tiến quân đánh thành phố Nam Định.
Do quân ít, chống không nổi ông đành rút quân về Ý Yên. Vua ký hoà ước với
Pháp, ông buồn bực bỏ quan đi ở ẩn rồi mất. Chí của ông chống Pháp tới cùng với
tuyên ngôn: “Giặc Tây sao dám phạm bờ cõi/ chẳng mấy gươm trời quét sạch bay.”
Ông để lại gần 600 bài viết trong đó riêng thơ có 250 bài tập hợp trong “Tùng
Viên văn tập”. Ông được đánh giá là một tác giả yêu nước tiêu biểu cuối thế kỷ
XIX.
Tiến sĩ Vũ Hữu Lợi (ông nghè Dao Cù) là học trò Tiến sĩ Phạm
Văn Nghị (đồng môn với Nguyễn Khuyến) đỗ Tiến sĩ dưới thời Tự Đức. Được bổ làm
quan Đốc học Nam Định rồi Tá lý bộ Binh. Sau khi Pháp đánh chiếm Nam Định thì
ông bỏ quan về quê dạy học nhưng ngầm chiêu mộ binh sĩ chuẩn bị khởi nghĩa nhằm
chiếm lại thành Nam. Bị bạn học là Vũ Văn Báo – tổng đốc Nam Định- Hưng Yên
phát giác với quân Pháp, ông bị giặc bắt. Kẻ thù dụ hàng không được nên đã đem
ông ra xử chém vào đêm ba mươi tết tại chợ Nam Định. Trước khi bị chém ông đã
ngẩng cao đầu đọc câu đối:
Vạn tử quyền nhi sinh, sinh tại tặc sào sinh bất ngẫu
Nhất sinh đãi nhi tử, tử ư quốc sự tử vi sinh
Tạm dịch:
Trong muôn chết gượng sống chờ, sống ở hang thù sao sống đặng.
Dù một sống bên chết đợi, chết vì việc nước chết là vinh.
Một người học trò nữa của Hoàng Giáp Phạm Văn Nghị là Trần
Bích San xã Vị Xuyên, Mỹ Lộc. Dưới sự dạy bảo của thầy, Trần Bích San ứng thí
và đỗ đầu liền ba kỳ thi hương, thi hội, thi đình. Người đương thời trầm trồ gọi
ông là Tam Nguyên Vị Xuyên. Hơn mười năm năm làm quan đã qua các chức vụ Tu soạn
Hàn lâm viện, Án sát Bình Định, Tuần phủ Hà Nội ông luôn nêu cao tấm gương đạo
đức trung với vua yêu nước thương dân. Khi vua Tự Đức cử Phan Thanh Giản đi
Pháp ký hoà ước dâng 6 tỉnh miền Nam bộ, ông đã phản đối. Rồi tiếp sau đó ông
được vua cử đi sứ sang Pháp nghị hoà… Biết nghị hoà thực chất là chấp nhận đầu
hàng giặc nên nhận lệnh hôm trước thì hôm sau ông đã tự tử để giữ trọn khí tiết.
Tam nguyên Trần Bích San là tấm gương nghĩa khí của người Nam
Định, là biểu tượng tiết tháo của kẻ sĩ Nam Định. Ông để lại cho đời 5 tập thơ
đồ sộ. Sinh thời ông đã viết:
Văn vô sơn thuỷ phi kỳ khí
Nhân bất phong sương vị lão tài
(tạm dịch:Văn không sông núi không cao diệu, người chẳng
phong sương chửa rạng tài)
Và ông đã dặn con:
Có kiến thức không khó, khó là phải biết đến nơi. Không danh
vọng không đáng lo, chỉ lo tiếng tăm phù phiếm.
Tôi nghĩ câu nói ấy là lời nhắn nhủ của ông dành lại cho văn
nhân đến vạn đời sau.
Cuối thế kỷ XIX khi giặc Pháp đã thiết lập ách đô hộ nước ta
thì xuất hiện Nhà thơ Trần Tế Xương. Về đường khoa cử thì Trần Tế Xương trầy trật
mới chỉ đỗ tú tài nhưng tài thơ của ông thì Nam Định chả ai sánh bằng. Dưới con
mắt của ông thì cái xã hội nhố nhăng nửa thực dân nửa phong kiến như là một trò
hề. Thơ của ông mang đậm sắc thái thị thành Nam Định với nét giễu cợt không
kiêng nể với mọi đối tượng từ vua quan, thánh thần đến đám thị dân hợm hĩnh.
Ông xót xa trước cảnh đời, thương cảm với những số phận lầm than nhưng đả kích
không kiêng dè với đám thực dân phong kiến. Ông vượt lên tư tưởng Nho giáo, dám
đối mặt với hiện thực, đối mặt với chính mình, dám phản kháng trực diện xã hội,
điều mà từ trước đến thời của ông chưa ai dám. Liệu có phải là “ngông” khi một
nhà thơ dám ví lọng quan sứ với váy mụ đầm:
Nhà nước ba năm mở một khoa
Trường Nam thi lẫn với trường Hà
Lôi thôi sĩ tử vai đeo lọ
Ậm oẹ quan trường miệng thét loa
Lọng cắm rợp trời quan sứ đến
Váy lê quét đất mụ đầm ra
Nhân tài đất bắc nào ai đó
Ngoảnh cổ mà trông cảnh nước nhà
(Lễ xướng danh khoa thi
Đinh Dậu)
Trần Tế Xương là ngôi sao sáng chói trong thơ ca hiện thực
trào phúng Việt Nam. Cùng với Lương Thế Vinh, Phạm Văn Nghị, Vũ Hữu Lợi, Trần
Bích San và rất nhiều văn nhân khác, các ông đã trở thành biểu tượng chung cho
khí phách Nhà văn Nam Định, là danh nhân của Nam Định trong lĩnh vực Văn học từ
thế kỷ thứ XI đến đầu thế kỷ XX.
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 2
Cập nhật ngày: 11 Tháng bảy, 2022 lúc 07:27
Vanvn- Văn nhân Nam Định cũng vậy, họ buộc phải lựa chọn trước
những ngã ba ngã tư để rồi dấn thân bước tiếp… Những năm đầu thế kỷ có lẽ tất cả
các nhà văn nhà thơ Nam Định đều đau đáu nỗi nhục mất nước nên mục tiêu giành độc
lập dân tộc là cao nhất.
Lễ hội Phủ Dầy ở Nam Định
>>
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 1
>>
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 3
3– Thời gian đang làm công việc mà nó buộc phải làm: đó là
minh định mọi giá trị trong lịch sử mà không phụ thuộc vào bất cứ một sự áp đặt
thiên kiến nào. Cho đến giờ người ta đã nhận thức một cách khá rõ diện mạo lịch
sử cùng những thăng trầm của văn học đến cuối thế kỷ XIX. Vậy còn từ đầu thế kỷ
XX đến hôm nay, chặng đường chúng ta vừa đi qua sẽ được đánh giá như thế nào.
Tôi đoán chắc rằng có lẽ phải cuối thế kỷ XXI này và sang cả thế kỷ sau người
ta mới có thể chọn ra những hạt ngọc thực sự trong lổn nhổn đá macma mà ngọn
núi lửa vừa phun trào vì nó bây giờ còn đang quá nóng. Tuy nhiên nếu công tâm
mà nhìn thì ít nhất ta cũng thấy nơi này nơi kia đang loé lên ánh sáng của ngọc
quý trong bộn bề khói bụi… Đánh giá Văn học Văn nhân Nam Định nói riêng
và cả nước nói chung cũng vậy. Cho nên ở đây chỉ nói những gì thật nhất bằng cảm
quan cá nhân với kiến văn hạn hẹp mà mình có.
Không biết có phải vì nó gần ta quá không mà tôi cảm giác thế
kỷ XX và những năm vừa trải qua như một ngọn núi lửa hừng hực phun trào với quá
nhiều sự kiện ảnh hưởng trực tiếp đến vận mệnh đất nước và dân tộc trong cuộc đấu
tranh giành độc lập và xây dựng cuộc sống mới theo kịp những giá trị văn minh
nhân loại. Để giành độc lập có nhiều xu hướng, nhiều hệ tư tưởng được đưa vào
Việt Nam, những xu hướng, những hệ tư tưởng ấy thậm chí đối lập với nhau. Để
xây dựng cuộc sống mới cũng nhiều giai đoạn thử nghiệm với các phương thức khác
nhau và thường phủ nhận nhau không thương tiếc. Có những việc tưởng như thắng lợi
nhưng đang bộc lộ những khuyết tật gây khó khăn trên bước đường đi tới. Có lúc
nhìn lại quá khứ ta ngờ ngợ hình như mình đã mất đi cơ hội rất quyết định cho
cuộc đời… Thế kỷ bị cắt nhỏ, bị phân khúc ở những mốc thời gian dày đặc 1930,
1945, 1954, 1975, 1979, 1990; nó làm cho con người ta phân tâm trước sự phải lựa
chọn.
Văn nhân Nam Định cũng vậy, họ buộc phải lựa chọn trước những
ngã ba ngã tư để rồi dấn thân bước tiếp… Những năm đầu thế kỷ có lẽ tất cả các
nhà văn nhà thơ Nam Định đều đau đáu nỗi nhục mất nước nên mục tiêu giành độc lập
dân tộc là cao nhất. Tuy nhiên trước nhiều trào lưu cách mạng như đấu tranh bằng
cải cách xã hội Duy Tân của Phan Châu Trinh, phong trào Đông Du của Phan Bội
Châu, tổ chức bạo động của Quốc dân đảng, đấu tranh kết hợp chính trị võ trang
của Đảng Cộng sản Đông dương… thì vấn đề đặt ra đối với văn nhân: Theo ai? Theo
như thế nào? là cả một chọn lựa khó khăn. Chính vì vậy dù muốn hay không muốn,
dù vẫn trọng đức trọng tài nhau thì đội ngũ văn nhân bắt đầu bị chia rẽ. Và số
phận các nhà văn cũng rất khác nhau.
Á Nam Trần Tuấn Khải (1895 – 1983)
Người đầu tiên phải kể đến là Á Nam Trần Tuấn Khải. Ông sinh
năm 1895, mười hai tuổi đã biết làm thơ. Năm 1921 ông cho ra đời tập thơ Duyên
nợ phù sinh. Trước cảnh nước nhà mất độc lập, ông đã mấy lần xuất dương nhưng
không thành. Với bài thơ “Chơi Xuân năm Nhâm Thân” năm 1932 ông bị thực dân
Pháp ghép tội “Phá rối trị an, xúi dân nổi loạn” và bị bắt giam tại Hoả Lò. Năm
1954 ông di cư vào Nam, làm thơ làm báo viết văn và là chủ tịch danh dự “lực lượng
bảo vệ văn hoá dân tộc” dưới chính thể Việt Nam Cộng Hoà. Với 9 tập thơ, 3 tiểu
thuyết và một vở kịch, ông đã để lại một di sản có giá trị nhân văn cao cả cho
nền văn học Việt Nam. Đặc biệt vào những năm đầu thế kỷ hai mươi khi sân khấu
Việt chỉ biết sáng tác theo tuồng tích Tàu thì ông đã sáng tác vở kịch mang cốt
truyện hiện thực Việt Nam đương thời mang tên “Mảnh gương đời”. Tác phẩm của Á
Nam Trần Tuấn Khải khi đọc lên “đó đây gieo vào lòng người một ý chí bất
khuất, một hùng khí ngùn ngụt, một nghĩa vụ thiết yếu của con người đúng với
nghĩa làm người” (Hoài Thanh, Hoài Chân). Nhà văn lặng lẽ ra đi vào năm
1983.
Tôi thực sự khâm phục tài năng và tiết tháo của nhà thơ Vũ
Hoàng Chương (1916-1976). Cả đời ông kiên quyết không tham gia chính trị. Ông
viết thơ làm văn giải toả nỗi niềm và tôn vinh cái đẹp. Với 15 tập thơ và 3 kịch
thơ, ông lấy cái đẹp của ngôn từ để diễn tả giá trị nhân văn. Ông say đủ thứ:
say rượu, say đàn, say ca, say tình đong đưa… say thuốc phiện, say nhảy đầm và
lớn hơn cả là say thơ. Nỗi say của ông mang theo niềm ngao ngán có vị chua
chát, hằn học và bi đát.
Lũ chúng ta lạc loài dăm bảy đứa
Bị quê hương ruồng bỏ, giống nòi khinh
….
Lũ chúng ta đầu thai lầm thế kỷ
Một đôi người u uất nỗi chơ vơ
Đời kiêu bạc không dung hồn giản dị
Thuyền ơi thuyền xin ghé bến hoang sơ.
(Phương xa)
Và:
Rượu chẳng ấm mưa hoài chăn chiếu lạnh
Chút hơi tàn leo lét ngọn đèn khuya
Giấc cô miên rùng rợn nẻo hôn mê
Gió âm tưởng bay về quanh nệm gối.
(Lá thư ngày trước)
Nhà thơ Vũ Hoàng Chương (1916-1976)
Vũ Hoàng Chương thành thật với mình, thành thật với tất cả mọi
người, ông không a dua chính trị, không nhún mình trước quyền lực. Tháng 4
/1976 các nhà thơ Huy Cận, Xuân Diệu và nhiều nhà thơ khác vì trân trọng tài
thơ của Vũ Hoàng Chương nên muốn vận động ông tham gia HNV. Tuy nhiên trong một
cuộc toạ đàm, người ta yêu cầu Vũ Hoàng Chương cho cảm nhận về một bài thơ của
Tố Hữu (Có thể là phép thử thái độ của người được vận động). Vũ Hoàng Chương đã
phát biểu thẳng thừng với lời lẽ hết sức thuyết phục rằng đó là một bài thơ dở.
Ngày 13-4-1976 ông bị bắt và bị giam tại khám Chí Hoà gần 5 tháng. Ngày 01-9-
1976 ông được trả về nhà do bị bệnh nặng. 5 ngày sau nhà thơ Vũ Hoàng Chương đã
ra đi lặng lẽ.
Như trên đã nói sự lựa chọn trước ngả rẽ của đường đời là rất
quan trọng. Những người dấn thân theo Đảng Cộng Sản giành độc lập thống nhất đất
nước thì có người lên tột đỉnh vinh quang. Đó là nhà thơ Sóng Hồng (Trường
Chinh), Lê Đức Thọ, Trần Huy Liệu. Không những vậy văn thơ của các ông còn lay
động trái tim hàng triệu người dân, cảnh tỉnh các nhà văn nhà thơ khác:
Là thi sĩ nghĩa là cao khúc hoạ
Cuộc đấu tranh vĩ đại của toàn cầu
Chống hung tàn xâm lược khắp năm châu
Trên trái đất dựng cao cờ dân chủ
Dùng cán bút làm đòn xoay chế độ
Mỗi vần thơ bom đạn phá cường quyền
Và lúc cần quẳng bút lấy long tuyền
Hỡi thi sĩ! Hãy vươn mình đứng dậy!
( Là thi sĩ- Sóng Hồng)
Chỉ tính từ năm 1930 đến nay số văn nhân được ghi danh trong
danh sách “Nhà văn hiện đại” của Hội Nhà văn Việt Nam (2020) là gần 1600 người.
Trong đó người Nam Định có tên là 94, chiếm tỷ lệ 6% của cả nước. Một con số biết
nói khẳng định đất Nam Định là đất văn hiến, kế thừa được những tinh hoa văn học
có từ thời Lý Trần. (Chắc chắn bài này không thể thống kê đầy đủ danh sách. Thực
lòng người viết nghĩ cũng không nên làm việc ấy). Những tên tuổi Nhà văn Nam Định:
Nguyễn Bính, Văn Cao, Nguyên Hồng, Nguyễn Thi, Nguyễn Khải, Vũ Cao, Đoàn Văn Cừ,
Trần Dần, Hồng Diệu, Vũ Tú Nam, Vũ Quần Phương, Bế Kiến Quốc, Trần Lê Văn, Trúc
Đường (Nguyễn Mạnh Phác), Chu Văn, Nguyễn Khắc Phục, Sao Mai… đã ghi đậm dấu ấn
văn chương, dành được sự mến mộ trong lòng độc giả cả nước.
Trong những buổi trưa hè lộng gió, những đêm trăng nhạt tôi
thường nằm võng đung đưa. Rất lạ lần nào cũng vậy, cứ thiu thiu ngủ lại chợt
nghe văng vẳng từ tiềm thức câu hát ru: “Em ơi em ở lại nhà, vườn dâu em đốn mẹ
già em thương. Mẹ già một nắng hai sương, chị đi một bước trăm đường xót xa…”.
Ngày xưa khi nghe câu hát ấy cứ tưởng đấy là ca dao. Đến khi học lên mới biết
đó là thơ Nguyễn Bính. Sao nó vào lòng người nhẹ nhàng mà ám ảnh đến thế. Càng
đọc càng mê, thứ thơ lục bát nhuần nhị mộc mạc nhưng hình ảnh thơ hiện ra trong
mắt mình rõ mồn một. Từ “Tâm hồn tôi”, “Lỡ bước sang ngang” (1940) đến “Mười
hai bến nước”, “Mây Tần” (1942) vẫn nguyên sự thật thà mà thấy không kém phần
cao sang. Chắc rằng có tới 90% dân số độ tuổi từ 50 trở lên không ai là không
thuộc ít nhất một câu thơ của Nguyễn Bính.
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nguyễn Bính (1918-2018) Hội
Nhà văn Việt Nam và Hội VHNT Nam Định đã tổ chức hội thảo về Nguyễn Bính. Người
ta vẫn loay hoay trả lời câu hỏi đặt ra từ mấy chục năm nay: Tại sao thơ Nguyễn
Bính được nhiều người thuộc, được nhiều người thích? Rất rất nhiều ý kiến lý giải:
Do mang tính dân tộc cao, do lối nói giản dị mộc mạc, do lục bát nhuần nhị, do
phù hợp với tâm lý suy nghĩ của người Việt… Đúng cả. Riêng tôi tôi còn cho rằng
tính tự sự của thơ Nguyễn Bính rất cao. Có thể nói mỗi bài thơ là một câu chuyện.
Dân Việt ta từ xưa đến nay rất nhiều người thuộc lòng Tống Trân – Cúc Hoa,
Phạm Tải – Ngọc Hoa, Lục Vân Tiên, Truyện Kiều và nhiều truyện nôm bằng
thơ khuyết danh khác. Nguyễn Bính kể chuyện bằng thơ, thơ ấy có tình, thơ ấy có
duyên, ngôn từ mộc mạc… thì người ta dễ nhớ dễ thuộc. Liệu có phải vậy?
Nhưng nói gì thì nói Nguyễn Bính vẫn sừng sững như một bậc thầy
về thơ lục bát, về lối nói, lối kể rất nhẹ nhàng dễ thấm dễ ngấm vào người đọc.
Đôi lúc tôi còn nghĩ ông sánh ngang với Nguyễn Du. Thật. Vì thơ Nguyễn Bính
chưa bao giờ phải dùng đến điển cố. Chả như Truyện Kiều phải dùng đến
cả một cuốn từ điển dày hơn cả tác phẩm truyện Kiều.
Nhưng cuộc đời khắc nghiệt không ưu đãi một tài thơ. Ông dám
lên tiếng “Trăm hoa” và bị kết tội cùng nhóm Nhân văn giai phẩm, bị đày đoạ và
chết trong cảnh khốn khó khi chỉ một ngày nữa sang tuổi 49. Ngày nay tên tuổi
ông đã được chiêu tuyết bằng Giải thưởng Hồ Chí Minh, giải thưởng danh giá nhất
cho VHNT ở Việt Nam. Có lẽ không cần kể số lượng tác phẩm của Nguyễn Bính vì
giá trị văn học mà ông để lại cho dân tộc chắc chắn sẽ còn mãi mãi trường tồn với
thời gian.
Cùng tuổi với Nguyễn Bính còn có Nguyên Hồng – nhà văn của những
người cùng khổ. Sinh ra ở Vụ Bản, mồ côi cha từ năm 12 tuổi, mẹ đi lấy chồng
ông phải sống nhờ bà nội cùng cô ruột và phải chịu sự khinh miệt rẻ rúng của
bà. Cố học hết tiểu học, vì đói, ông phải bỏ học đi theo bọn trẻ đường phố nhặt
nhạnh từng xu để kiếm sống. Rồi lân la đến tận Hải Phòng và trở thành giáo viên
dạy cho con em người dân lao động nơi đây. Bằng sự nhạy cảm và sự thấu hiểu nỗi
khổ của người nghèo đồng thời khi dạy học được tiếp xúc với tri thức tiến bộ
nên ông nhìn ra được sự tha hoá của con người, nguyên nhân của sự tăm tối trong
xã hội. Ông bắt đầu viết văn từ đấy. Ngay từ truyện ngắn đầu tay là “Linh hồn”
trên Tiểu thuyết thứ 7 đã dần tạo nên tên tuổi cho Nguyên Hồng. Rồi tiểu thuyết
“Bỉ vỏ” của ông được giải thưởng của Tự Lực Văn Đoàn đã xác lập danh tiếng Nhà
Văn thật sự. Ông tham gia phong trào Mặt trận dân chủ và bị thực dân Pháp bắt
giam tại Trại Bắc Mê. Ra tù ông tiếp tục hoạt động và viết. Có thể nói cuộc đời
Nguyên Hồng chỉ có làm việc. Ông viết liên tục từ năm 1937 cho đến ngày từ giã
cõi đời, từ giã trang tiểu thuyết “Núi rừng Yên Thế” còn dang dở vào năm 1982.
Hơn mười tiểu thuyết và nhiều tập truyện ngắn, kịch, thơ đều thể hiện một cách
chân thực cuộc sống của những người cùng khổ trong xã hội. Có lẽ ông hay khóc
vì bản thân ông đã từng sống khổ, cùng chịu khổ nên ông thấu hiểu và xót xa nỗi
vất vả cực nhục của lớp người lao động. Đọc Nguyên Hồng ta cảm thấy nặng nề vì
nhà văn cố ý dồn lên nhân vật của mình đủ những tai hoạ ở đời. Tuy nhiên ông lại
cho nhân vật của mình dù cực khổ đến bao nhiêu cũng không bao giờ gục ngã về
tinh thần vì ông tin vào bản chất thiện lương của người lao động. Văn của ông
bám vào cuộc sống, chi tiết chân thực nhưng sôi nổi đầy chất thơ, nhưng không
phải là thứ thơ lấy cảm hứng từ trăng trời mây nước mà là thứ “thơ luyện từ bùn
đất sỏi đá, từ khói bụi bến tàu trộn mồ hôi của người lao động” vì vậy nó đưa đến
với trái tim người đọc sự cảm thông xót xa nhưng tràn ngập hy vọng vào cuộc sống.
Người ta thường quen thấy Nguyên Hồng với chiếc xe đạp thiếu
nhi Liên Xô, trên poocbaga buộc cái cặp da to tướng. Ấy là toàn bộ bản thảo-
tài sản của nhà văn. Ông luôn mang bên người vì sợ cháy nhà thì cháy luôn bản
thảo. Chả là nhà ông đã một lần bị cháy nên cứ phải đề phòng cho chắc. Nguyên Hồng
rất nhạy cảm và hay khóc nhưng bên trong là bản lĩnh quật cường. Trước những điều
trái tai gai mắt xảy đến với những người cầm bút, dù đang làm Chủ tịch Hội Văn
Nghệ Hải Phòng, đang ở nơi đô thị phồn hoa… ông đã dứt khoát đưa vợ con về nơi
rừng xanh núi thẳm Yên Thế Bắc Giang để sinh sống và viết văn. Ông và gia đình
chấp nhận đói khổ vất vả luôn giữ cho mình trong sạch lương thiện. Với bản lĩnh
ấy, với nhân cách ấy cùng với những trang văn đầy nhân ái thì Nguyên Hồng mãi
mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho những người cầm bút quê hương
Nam Định và cả nước.
Đa tài trong mọi lĩnh vực, Văn Cao vừa là nhà văn, nhà thơ vừa
là hoạ sĩ, nhạc sĩ tài danh. Sự nghiệp văn chương của ông không nhiều chỉ với
ba tác phẩm chính là “Những người trên cửa biển” (Trường ca); “Cái hầm sông” (kịch
1948) và tập thơ “Lá” (1988) nhưng ông đã nổi tiếng trong lĩnh vực âm nhạc từ
Thiên Thai, Suối mơ… đến Tiến Quân ca- tác phẩm âm nhạc được chọn làm Quốc ca từ
khi nước nhà giành độc lập… rồi đến “Mùa xuân đầu tiên” cho hy vọng vào tình
yêu giữa những con người “Từ nay người biết yêu người”. Dù bị khốn khổ sau vụ
Nhân văn Giai phẩm nhưng ông vẫn ngẩng cao đầu để sống một cách cao thượng. Những
bức tranh minh hoạ của hoạ sĩ Văn Cao không bao giờ có chữ ký phía dưới
mà chỉ ký chữ Văn ở góc trên. Như một biểu tượng thế đứng của ông trong văn học
nghệ thuật. Như là sự tôn vinh văn chương và tôn vinh chính mình. Văn Cao. Văn
phải trên Cao.
Khác với Văn Cao, Trần Dần quyết liệt với quan điểm của mình
trong vụ Nhân văn Giai phẩm, khi phê bình về tập thơ “Việt Bắc” của Tố Hữu (Trần
Dần đã nhận định tập thơ này của Tố Hữu là nhỏ bé, nhạt nhẽo trước cuộc sống vĩ
đại và mắc sai lầm nghiêm trọng là sùng bái cá nhân, thần thánh hoá lãnh tụ)
nhưng ông cũng kiên trì cách tân thơ Việt cả về hình thức và nội dung tư tưởng
coi như đó là nhiệm vụ của cuộc đời của văn chương đặt ra cho mình từ những năm
1956. Thơ bậc thang xuất hiện từ ấy và có lẽ tính đa diện triết lý trong nội
dung tư tưởng đã được phát huy cũng từ thời kỳ ấy. Tuy bị hạn chế in ấn sau vụ
Nhân văn giai phẩm ông vẫn miệt mài sáng tác cho đến cuối đời. Trong tổng số 21
tác phẩm của ông, cho đến nay vẫn còn một số chưa được in. Thơ của ông khó hiểu
nhưng ông quan niệm “Tất cả mọi giá trị Chân, Thiện, Mỹ đều là khó hiểu.”
Một hiện tượng đặc biệt nữa là Liệt sĩ nhà văn Nguyễn Thi. Được
sinh ra ở Hải Hậu, Nam Định, học hành ở quê, sau đó ông vào Sài Gòn kiếm sống.
Kháng chiến chống Pháp ông vào bộ đội làm công tác tuyên huấn rồi biên tập văn
xuôi ở Tạp chí VNQĐ. Năm 1962 ông vào Nam chiến đấu. Các tác phẩm có giá trị của
ông tập trung phản ánh cuộc chiến đấu của nhân dân miền Nam như “Hương đồng nội”,
“Người mẹ cầm súng”. Đọc những tác phẩm của Nguyễn Thi ta thấy chi tiết sống động,
hào sảng, rất gần gũi với phong tục tập quán của vùng sông nước Cửu Long. Tuy
nhiên văn chương thời kỳ chống Mỹ còn có thêm chức năng tuyên truyền nên việc
khắc hoạ sự ác liệt của chiến tranh, những hy sinh mất mát… còn mờ nhạt. Trong
cuộc tổng tấn công năm 1968 nhà văn Nguyễn Thi đã đi theo một mũi tấn công vào
Sài Gòn và hy sinh. Ông được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh.
Cũng trưởng thành từ lính chiến nhưng Trần Mạnh Hảo (sinh tại
Nghĩa Hưng) lại dữ dội và gân guốc trong văn chương. Trường ca “Đất nước hình
tia chớp” của ông là khúc ca bi tráng gửi gắm lòng yêu nước chân thành, đem đến
cho người đọc cả niềm tự hào lẫn xót xa khi những người con dũng cảm hy sinh vì
đất nước. Với tác phẩm này ông đã được giải thưởng văn học. Nhưng với tiểu thuyết
“Ly thân” viết về cuộc cải cách ruộng đất ông lại bị khai trừ khỏi Đảng. Tuy
nhiên với tri thức, năng lực cùng với bản tính thẳng thắn cương trực ông vẫn tiếp
tục sáng tạo văn chương và phê bình văn học. Các bài phê bình văn học, các tác
phẩm văn xuôi của ông rất thuyết phục và ám ảnh.
“Tên Quần Phương thân tha phương
Tôi lấy tên quê làm độ đường…”
Đó là hai câu đầu bài thơ của nhà thơ Vũ Quần Phương viết để
tự giới thiệu mình với mọi người. Thơ ông nhẹ nhàng đằm sâu nhiều tầng nghĩa.
Người ta rất ám ảnh khi đọc thơ ông bởi vì mỗi lần đọc lại thấy thêm ý nghĩa mới.
Ta có thể lấy một ví dụ: Đằng sau bài “Đợi” là cả một câu chuyện dài, nếu viết
có thể thành tiểu thuyết. Đọc bài “Áo đỏ” và ngẫm nghĩ ta sẽ thấy nhiều thứ lớn
lao. Tôi và mọi người cứ băn khoăn: Mấy chục năm làm thơ trong chiến tranh
nhưng hình như ông chả được nhận giải thưởng nào về thơ chiến tranh? Và được
nghe ông tâm sự: Ông vốn là bác sĩ, nếu có đi đánh nhau thì cũng chỉ ở tuyến
sau. Vậy cho nên nếu có viết về chiến tranh thì không thể bằng những người trực
diện như ông Duật, ông Mậu. Mà ông cũng không thích viết trực diện, ông muốn
tìm về trạng thái tĩnh sau cái động. Như sau phiên trực chiến, người mẹ về nhà
treo khẩu súng lên vách rồi ngồi xuống ru con… chắc chắn cho cảm giác bình yên
hạnh phúc. “Tôi thích như vậy hơn. May mắn là qua thời gian mấy chục năm… những
bài thơ ấy vẫn trụ lại được và người ta vẫn tìm đọc.”
Dù hơn tám mươi tuổi, Nhà thơ vẫn đi lại như thanh niên, vẫn
viết phê bình, vẫn đi nói chuyện thơ với phong cách nhỏ nhẹ dí dỏm mà sâu săc.
Ông đã được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.
Sẽ là thiếu sót nếu không chạm đến nữ nhà văn Y Ban (quê
Nghĩa Hưng). Vốn giáo viên trường Y, cô giáo Phạm Thị Xuân Ban nhảy sang viết
văn. Truyện ngắn đầu tay gửi BBT người ta chê, đổi tên người viết thành Y Ban
thì bài được hoan nghênh nhiệt liệt. Lạ thế! Mà không biết liệu có phải nhờ cái
bút danh ấy không mà Y Ban lại rất “sát giải thưởng”. Nếu đã đem tác phẩm đi dự
thi thì chắc chắn có giải thưởng đem về. Nhiều giải thưởng nhưng lắm hệ luỵ. Y
Ban viết khoẻ, viết sắc sảo, logic và xử lý tình huống bất ngờ. Lối viết chân
thật nhưng đầy trí tuệ, giọng văn tưng tửng, dí dỏm nhưng vẫn nữ tính, các tác
phẩm của Y Ban thường làm người đọc phải xót xa, cười ra nước mắt. Chỉ có người
viết thông minh, tài hoa mới gây được hiệu ứng như thế. Ai không tin xin đọc “I
am đàn bà”, “Này hỏi thật… thấy gì chưa đấy?”, “Biệt đội hoa”…
Lạ nữa, Y Ban không kiêng viết tình dục, chị viết rất thật
nhưng không gợi dục, gọi đúng tên sự vật nhưng không dung tục. Sự vật diễn ra
như nó vốn phải như vậy. Tâm thanh thì nói tục vẫn thanh- tôi nghĩ thế. Vì Y
Ban sống trong sạch, sống thật, sống chân tình, tình cảm nhưng rõ ràng phải
trái, đúng sai, tốt xấu chứ chả bao giờ mập mờ nhờ nhờ nước hến nên khiến bạn
bè người đọc từ chỗ ngạc nhiên đến thán phục. Có thể khẳng định Y Ban là cây
bút nữ hàng đầu trên văn đàn hôm nay.
Thực ra người viết bài này như đã nói ở trên tự đặt ra cho
mình việc nhận ra những tác giả Nam Định có tác phẩm sẽ vượt được thử thách của
thời gian dù cho hôm nay họ chưa có những giải thưởng lớn. Người viết cũng
không câu nệ thái độ chính trị của những người mình trân trọng, vì Nhà văn cũng
như mọi người đều có quyền lựa chọn thái độ xu hướng chính trị như đã nói ở đầu
mục này). Lại nữa sẽ vẫn còn rất rất nhiều tác giả… mà người viết bài chưa nhận
ra hoặc đã nhận ra mà không đưa lên vì bài đã quá dài. Đặc biệt xin lỗi những
tác giả nhà văn người Nam Định đã từng sống từng viết dưới thời Việt Nam Cộng
hoà (trước 1975) hoặc các tác giả hiện đang ở hải ngoại như các nhà văn Thành
Nam ( Mỹ Trọng, Mỹ Lộc), Mai Thảo (quê Hải Hậu), Đỗ Trường (quê Nghĩa Hưng)… do
điều kiện chưa được đọc nhiều tác phẩm của các ông nên chưa dám lạm bàn.
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 3
Cập nhật ngày: 11 Tháng bảy, 2022 lúc 14:38
Vanvn- Văn chương Nam Định tạo thành 4 cặp rất thú vị. Trần
Quốc Tiến giỏi viết về nông nghiệp nông thôn thì Trần Hồng Giang mạnh về những
trang viết về thanh niên với cuộc sống hiện đai. Lê Hà Ngân mượt mà với những
ngôn ngữ đẹp như tranh lụa nhưng truyện còn thiếu những đột phá về tình huống
thì Mai Tiến Nghị có cấu tứ chắc chắn tình huống hấp dẫn nhưng văn phong ngôn từ
thô ráp khô như đất ải. Bên cạnh Phạm Trọng Thanh lành hiền chỉn chu trong cấu
tứ nhưng chấp nhận lối xưa thì Nguyễn Thế Kiên dám làm mới cách thể hiện một
cách bạo liệt. Trần Văn Lợi đằm thắm với suy tư về thân phận của người quê đất
quê thì Phạm Trường Thi cười cợt bao đồng từ chuyện vi mô xung quanh mình đến
vĩ mô của đất nước có khi còn vươn ra thế giới…
>>
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 1
>>
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 2
4– Bây giờ mới tính toán một tý. Nhà văn người Nam Định có 94
người, hơn chục cụ đã khuất núi, giờ hiện diện còn 80. 80 nhà văn ngự trên mảnh
đất diện tích già 1600 ki lô mét vuông với khoảng hai triệu người sinh sống thì
bình quân mỗi người viết về 20 cây số vuông và hai mươi nghìn người. Chắc chỉ
hai năm thì không còn gì để mà viết. Ấy là tính cơ học như thế chứ thực ra đời
còn nhiều thứ để mà viết. Nhưng có lẽ các anh các chị sợ cái nạn “văn
nhân mãn” như thế giới khiếp “nhân mãn” nên bỏ đất mà ra đi đến nơi khác để làm
ăn và viết lách. Ở nhà giờ còn nhõn 8 người. Ít quá… nên trầy trật hai chục năm
xin với Ban Chấp hành Hội được thành lập Chi hội Nhà văn Việt nam tại Nam Định
mà không được. Mãi đến ngày kỷ niệm 100 năm ngày sinh cụ Nguyễn Bính mới được
bác Hữu Thỉnh mới đồng ý.
Nhà văn Mai Tiến Nghị
Ít người nên cũng dễ, già trẻ cũng là anh em, thôi thì bảo
ban nhau mà viết. Cái nghề văn chương có cái hay là nước sông chẳng lẫn nước
ao, mỗi người viết đều có cái tạng riêng của mình, chả ai giống ai, nên nếu cần
thì góp ý cho nhau chứ chả có gì để mà bực bõ, thành thử lúc nào cũng đoàn kết.
Người đầu tiên phải kể đến là nhà văn Trần Quốc Tiến vừa được
mừng thọ tuổi 80 hồi đầu xuân năm nay. Được cái ông vẫn mạnh khoẻ, trang phục
chỉn chu… chỉ khổ một nỗi đi họp hành thì nghe bằng… mắt. Cũng không hẳn là do
tuổi già mà do ngày xửa ngày xưa lúc còn là thanh niên chưa vợ, hăng hái đi làm
thuỷ lợi. Giai trinh mà lại cao lớn đẹp lồng lộng… nên các cô (cô ngày ấy chứ
giờ lên cụ hết rồi) cô nào cũng thích trêu chọc. Các cô thi nhau tỏ tình bằng
cách ném bùn vào anh chàng. Không may một nắm bùn chui tọt vào tai ông nhà văn
tương lai. Ngày ấy y tế sơ khai, thuốc men hiếm hoi nên chàng thanh niên Trần
Quốc Tiến bị hỏng một bên tai. (Bên tai lành do tuổi già giờ cũng giở chứng nên
nghe rất khó khăn). Nhưng trong cái rủi lại có may vì trong thời gian chữa bệnh
trên Hà Nội lại là thời gian mua được nhiều sách và đọc được nhiều nhất. Rồi
thành nghiện đọc… Mấy năm sau mạnh dạn viết truyện ngắn đầu tay: “Mỹ nhân làng
Trọng Nghĩa”. Đưa dự thi, truyện ẵm luôn giải cao. Vậy là bắt đầu nghiệp viết.
Ngày đi làm ruộng, đêm về viết. Đến năm 1993 đã in hai cuốn tiểu thuyết dày dặn
cùng vài chục truyện ngắn in trên báo. Ngày ông được kết nạp Hội Nhà Văn vào
năm 1996, cả làng cùng vui. Họ mạc tổ chức lễ đón quyết định kết nạp của Hội
Nhà Văn Việt Nam như thể đón danh hiệu anh hùng. Long trọng lắm.
Cho đến nay ông đã xuất bản bảy tập sách gồm 6 tiểu thuyết và
1 tập truyện ngắn. Hôm vừa rồi ông băn khoăn: còn 3 bản thảo tiểu thuyết nữa mà
chưa in được vì chưa có giấy phép xuất bản.
Trần Quốc Tiến chủ yếu viết về nông nghiệp nông thôn. Là người
trực tiếp làm nông nghiệp ở nông thôn nên trong tác phẩm các vấn đề ông đưa ra
được mổ xẻ phân tích thấu đáo. Chính vì vậy đã có lần ông được mời lên Trung
ương để trình bày thực trạng nông nghiệp nông thôn để cấp trên tham khảo và có
quyết sách phù hợp. Am hiểu nông thôn, với văn phong sáng sủa chỉn chu, cách viết
tuyến tính theo thời gian, chi tiết chân thật nên độc giả dễ tiếp nhận nội dung
và cách giải quyết vấn đề của tác giả.
Cùng tuổi, cùng được mừng thọ một lần với nhà văn Trần Quốc
Tiến là nhà thơ Phạm Trọng Thanh. Ông trưởng thành từ công nhân rồi đi bộ đội
và công tác ở Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Nam Định từ những năm đầu thành lập
năm 1977. Liên tục từ 1977 đến 2006, là Ủy viên BCH, Trưởng bộ môn Thơ của Hội
VHNT Nam Định. Cho đến nay ông đã xuất bản 12 tập thơ cùng rất nhiều bài bút
ký, nghiên cứu phê bình được in trên các báo và tạp chí. Nhà thơ Phạm Trọng
Thanh đã vinh dự được trao 8 giải thưởng về thơ, bút ký của Liên hiệp các Hội
VHNT VN, tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, báo Tiền Phong và giải thưởng VHNT của Tỉnh.
Năm 2020 ông đạt giải A giải thưởng VHNT mang tên Lương Thế Vinh của Nam Định.
Nhà thơ Phạm Trọng Thanh được kết nạp Hội viên Hội Nhà văn Việt
Nam năm 1998.
Với trình độ Hán học tương đối rộng, cùng với trí nhớ tốt lại
chịu khó nghiên cứu nên thơ Phạm Trọng Thanh nền nã nghiêm cẩn theo truyền thống
từ tư duy lập tứ đến cách thể hiện. Ông rất cẩn thận trong việc trích dẫn tầm
chương trích cú, tổ chức ngôn từ chặt chẽ. Giọng điệu thơ nhẹ nhàng thanh thoát
như cách nói cách giao tiếp của ông. Phạm Trọng Thanh là nhà thơ được đồng nghiệp
yêu mến, người đọc tin tưởng về sự lịch lãm và chỉn chu cả trong thơ và trong
cuộc sống.
Chi hội trưởng Hội Nhà văn VN tại Nam Định đồng thời Chi hội
trưởng Chi hội Nhà báo tạp chí Văn Nhân là nhà thơ Phạm Trường Thi. Ông đã kinh
qua thời gian làm lính chiến quân đội tham gia chiến đấu tại Quảng Trị năm
1972, rồi sau này phục vụ bên ngành Công an. Nguyên là Phó Chủ tịch Hội VHNT tỉnh,
Tổng biên tập tạp chí Văn Nhân. Ông sáng tác văn chương từ khá sớm ngay từ khi
còn làm lính và duy trì niềm đam mê sáng tác cho đến hôm nay. Ông sáng tác ở cả
ba lĩnh vực thơ, văn xuôi và sân khấu. Đã xuất bản 12 tác phẩm gồm 8 tập thơ, 3
tập truyện ngắn và ký, 1 kịch dài và một số vở kịch ngắn.
Phạm Trường Thi mạnh về thơ lục bát. Với cách nói hóm hỉnh, sử
dụng ngôn từ linh hoạt, thơ mang nhiều tính tự sự nên tạo được sức hút với người
đọc bằng những chi tiết độc đáo. Người ta bất ngờ khi đọc đến câu kết vì ở đó
chủ đề tư tưởng, thông điệp mà tác giả gửi gắm mới phát lộ. Người đọc thích sự
bất ngờ đó vì nó thể hiện tư duy của người viết từ khi lập tứ rất thông minh.
Trong lĩnh vực văn xuôi, Phạm Trường Thi cũng có nhiều thành
công đáng nể. Truyện ngắn “Vết sẹo hình con rết” gây tiếng vang trong dư luận
năm 1995- 1996. Đặc biệt những năm gần đây ông đã có 2 truyện ngắn được
chọn vào top 10 truyện ngắn hay của năm Tuần báo văn Nghệ. Có thể nói với lợi
thế là nhà thơ nên truyện ngắn của ông văn phong mượt mà nhưng không kém phần
gai góc. Cách giải quyết tình huống truyện bất ngờ với giọng văn pha chút hài
hước làm người đọc thoạt đầu thấy nhẹ nhàng thoả đáng nhưng thoáng sau lại rưng
rưng.
Nhà thơ Phạm Trường Thi được kết nạp vào Hội Nhà văn VN năm
2005. Ông được tặng nhiều giải thưởng cao về VHNT của tỉnh mang tên Lương Thế
Vinh. Đặc biệt đã đạt Huy chương Bạc trong Liên hoan Phát thanh và truyền hình
toàn quốc.
Nam Định có ba nhà thơ khá thành công về thể loại lục bát. Đó
là Nguyễn Bính và hai hậu duệ là Phạm Công Trứ, Nguyễn Thế Kiên. Cùng hoàn cảnh
từ quê lên phố, nếu Nguyễn Bính đằm thắm mượt mà chân quê, lục bát gắn với tự sự
để người ta chóng thuộc nhớ lâu “Hôm qua em đi tỉnh về/ hương đồng gió nội bay
đi ít nhiều”, thì hậu duệ là Phạm Công Trứ hùng hổ thách thức thành phố “Nhà
quê khí huyết tràn trề/ tớ đi rung cả vỉa hè Đồng Xuân” còn Nguyễn Thế Kiên lại
nhẹ nhàng hơn “Ngược xuôi đi giữa tảo tần/ Hồn rơm vía rạ hóa thân mà thành” Chỉ
một câu ấy thôi mà ra cả cuộc đời.
Nguyễn Thế Kiên sinh năm 1971 ở Ý Yên, Nam Định – một vùng
quê yên lành. Học xong phổ thông thì yên tâm ở nhà theo mấy sào ruộng Hợp tác
xã. Rồi lấy vợ sinh con như bao trai làng khác. Nhưng cái tính ham đọc và nguy
hiểm nhất là biết làm thơ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường đã làm khổ
ông. Cho đến một ngày bật dậy suy nghĩ “Bến quê buộc phận con đò/Văn chương rụng
giữa tàu mo trái mùa” Nguyễn Thế Kiên quyết lòng dứt áo xa quê nhằm Thủ đô trực
chỉ.
Thơ của ông là dấu ấn hành trình của một con người nặng lòng
với quê nghèo và đầy trách nhiệm công dân. Ngay từ những bài thơ đầu tiên trình
làng trên văn đàn là những câu thơ đau đáu nhớ cha mẹ, nhớ họ hàng làng xóm,
thương từ cây đa bến nước sân đình, đồng cảm với cỏ cây và mọi kiếp người. Năm
2014 bài thơ “Lời mẹ Âu Cơ gửi đảo” đã được đánh giá rất cao trong dư luận.
Cái tên Kiên Lục bát giờ như một thương hiệu. Đằm thắm nhuần
nhị theo truyền thống và giản dị trong câu chữ, nhưng mỗi câu thơ của Kiên khiến
người ta phải nghĩ phải suy bởi có có nhiều sáng tạo trong việc tạo dựng ra
hình ảnh, tứ thơ lạ. Sự kết hợp khéo léo giữa tinh hoa của thơ dân tộc với những
sáng tạo mới, hiện đại đã tạo cho lục bát Nguyễn Thế Kiên một phong cách riêng
khó lẫn với mọi người.
Nhà thơ Nguyễn Thế Kiên đã xuất bản 12 tập thơ, phê bình và
tiểu luận. Ông đã được hai lần nhận giải thưởng về VHNT mang tên Lương Thế Vinh
của tỉnh và được kết nạp vào Hội Nhà văn VN năm 2016 Điều đó khẳng định năng lực
và sức sáng tạo văn chương toàn diện của một tài thơ Nam Định trong nền văn học
của cả nước.
Trong tám nhà văn quê chỉ có một nữ sĩ, đó là nhà văn Lê Hà
Ngân. Là giáo viên văn trung học cơ sở, dạy học là nghề chính nhưng thành công
của Lê Hà Ngân lại là nghiệp viết… Điều khởi đầu may mắn nhất là nữ sĩ được
sinh ra từ một gia đình có truyền thống văn hoá văn nghệ. Bà nội của Lê Hà Ngân
thuộc lòng “Truyện Kiều”, thuộc lòng các truyện nôm khuyết danh như “Tống Trân
Cúc Hoa”, “Pham Tải Ngọc Hoa”… Ngày xưa thỉnh thoảng còn được nghe cụ ngâm nga
thơ Chu Mạnh Trinh, thơ Tản Đà. Bố mẹ của Lê Hà Ngân cực kỳ yêu văn học nghệ
thuật, yêu đến đam mê. Trong nhà lúc nào cũng đầy ắp tiếng thơ tiếng nhạc… Có lẽ
được sống trong môi trường thấm đẫm văn chương như thế đã gieo mầm và nuôi dưỡng
trong tâm hồn Lê Hà Ngân sự nhạy cảm với xung quanh và yêu thích cái đẹp của
ngôn từ. Rồi như một phản xạ tự nhiên, tản văn “Hoa thì là” được ra đời bởi cái
đẹp bình dị đã thôi thúc cô giáo phải viết ra. Tản văn đầu tiên ấy được in trên
nhiều báo và đánh giá cao. Một loạt tản văn về hoa về rượu của Lê Hà Ngân đã ra
đời như thế.
Được các bậc đàn anh khuyến khích, Lê Hà Ngân chuyển thế mạnh
viết tản văn của mình sang viết truyện ngắn. Thành công luôn. Đọc truyện ngắn của
Lê Hà Ngân thấy đẹp: cảnh đẹp, người đẹp, hoa lá biết nói chuyện với nhau, hoa
nói với người, người nói với hoa, người với người cũng nói và ứng xử rất đẹp với
nhau. Lấy xưa để chuyển tải ý tưởng của hôm nay nên truyện ngắn của Lê Hà Ngân
là tập hợp của lối nói, lối ứng xử, lối viết, lối kể gần như vẹn nguyên lề lối
ngày xưa đã cho độc giả được đằm mình vào không gian truyện để tiếp nhận thông
điệp một cách tự giác. Những giấc hoa, bánh trôi hoa, hoa tửu, rượu son… gắn với
những câu chuyện tình giai nhân tài tử với các cung bậc cảm xúc yêu thương hờn
ghen tiếc nuối thường cho người đọc cảm giác vừa được thưởng thức bữa tiệc của
ngôn từ.
Trong truyện ngắn với cốt truyện hiện đại thì Lê Hà Ngân vẫn
duy trì phong cách như thế. Đọc tác phẩm của Lê Hà Ngân có cảm tưởng như đang
được xem tranh lụa. Ở đây ta thấy đường nét mềm mại thướt tha, những sự mơ màng
rất nữ tính nhưng cũng rất sinh động và cuốn hút.
Lê Hà Ngân viết rất khoẻ, số lượng tác phẩm tản văn, tuỳ bút,
truyện ngắn… mỗi năm có đến ngót trăm bài in trên các báo. Đặc biệt hơn, năm
nào nữ nhà văn cũng có không dưới chục bài in trên báo tết. Đã xuất bản 5 tập
ký, tản văn, truyện ngắn. Giành 4 giải thưởng cho các tác phẩm, trong đó có 2
giải trong cuộc thi của Hội Nhà văn VN phối hợp với các bộ ngành tổ chức, 1 giải
của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam và 1 Giải nhì VHNT của tỉnh mang tên Lương
Thế Vinh. Năm 2017 được kết nạp vào Hội Nhà văn VN.
Nhà văn Nam Định có hai người rất đặc biệt bởi bản thân gặp
hoàn cảnh hy hữu. Đó là Nguyễn Ngọc Ký và Trần Hồng Giang. Nguyễn Ngọc Ký bị bại
liệt từ nhỏ kiên trì tập luyện viết bằng “Đôi chân kỳ diệu” (tên một tác phẩm
viết về ông) rồi học Đại học Tổng hợp Văn về dạy học và trở thành nhà văn.
So với Nguyễn Ngọc Ký thì Trần Hồng Giang khó khăn hơn rất
nhiều. Nguyễn Ngọc Ký liệt hai tay nhưng các bộ phận còn ngon lành cả. Trần Hồng
Giang sau một tai nạn khủng khiếp (khi mới lên 5 tuổi, còn chưa được đi học),
may mà còn sống, nhưng cơ quan duy nhất còn hoạt động bình thường là cái đầu và
trái tim. Trái tim của cậu bé chưa từng được cắp sách đến trường ấy vẫn đập để
tiếp tục sống nhân ái, cái đầu nuôi ước mơ hoài bão và nghị lực để làm tất cả mọi
việc và trưởng thành. Bằng ý chí quyết tâm, Trần Hồng Giang đã tự học mọi thứ từ
cách đọc, cách viết đến mọi kiến thức của đời sống ở ngay trên giường bệnh của
mình. Trần Hồng Giang viết bằng cách kẹp bút vào má và vai, nhưng ông viết ra
những con chữ đẹp và nhanh hơn hẳn những người lành lặn.
Lại nữa, Trần Hồng Giang còn là một chuyên gia IT cực giỏi.
Và chỉ bằng cách tự học mà bây giờ ông đọc, viết và dịch tiếng Anh một cách chuẩn
chỉ. Bằng chứng hiện nay Trần Hồng Giang đang làm biên tập cho một nhà sách
chuyên về mảng dịch thuật, nhiệm vụ của ông là đối chiếu bản gốc với bản dịch để
chỉnh sửa. Ông tự học để có kiến văn rộng và sâu. Ông đang lao động để nuôi sống
mình và đóng góp cho xã hội không thua bất cứ một người lành lặn nào nếu không
nói là hơn. Khi VTV đưa chàng trai Nick Vujicic người Mỹ về thuyết giảng làm
gương về nghị lực sống vượt qua khó khăn cho người Việt, thì tôi nghĩ họ chỉ biết
tôn vinh người ngoài. Tấm gương Trần Hồng Giang sờ sờ đấy mà không biết. So với
Trần Hồng Giang thì anh chàng Nick kia đúng chỉ là một kẻ gặp may vì được sinh
ra ở một xã hội phát triển, và anh ta cũng chỉ có được mỗi cái khả năng thuyết
giảng, chứ không trực tiếp tạo ra được sản phẩm phục vụ xã hội. Thật!
Trần Hồng Giang viết văn viết báo và dịch thuật ngay từ khoảng
đầu những năm 90 của thế kỷ trước, khi còn đang ở tuổi thiếu niên. Cho đến nay
ông đã có 11 đầu sách được xuất bản chưa kể hàng trăm bài báo in trên các báo
trong và ngoài nước. Trong số đó có 5 tập thơ và trường ca, 1 tập thơ dịch, 3
tiểu thuyết và 2 tập truyện ngắn. Thơ của Trần Hồng Giang rất đằm thắm mang
tính triết lý. Với tập trường ca “Thương lắm quê mình” kể về quê hương Nam Định,
về đất Thiên Trường và con người Nam Định với hào khí Đông A vẫn còn mạnh mẽ
cho đến hôm nay. Có tự hào có xót xa, có niềm vui thành công nhưng có nỗi buồn
của mất mát. Thơ của Trần Hồng Giang là như thế, nó không thuận một chiều ngợi
ca, mà đọc lên từng chữ từng câu buộc ta phải ngẫm nghĩ.
Với văn xuôi thì Trần Hồng Giang thành công hơn. Ông vào Hội
Nhà văn VN với tư cách là một tác giả văn xuôi. Tác phẩm văn xuôi của ông khá
đa dạng: Có chủ đề phản ánh cuộc sống của lớp trẻ ở thị thành (tiểu thuyết “Những
con vịt cánh sẻ”, “Mẹ ơi, con nhớ nhà”); có chủ đề về nông nghiệp nông thôn (tập
truyện “Đàn ông ở làng”…), có chủ đề về an ninh (tiểu thuyết “Đường về xứ đạo”)…
Ở các tác phẩm này Trần Hồng Giang tỏ ra rất thấu hiểu đời sống xã hội. Ông mạnh
dạn đưa hiện tượng tình dục đồng giới trong lớp trẻ vào các chi tiết của mình.
Nhiều chi tiết lạ mà chỉ người sống ở nông thôn gắn bó với nông thôn mới có thể
biết. Văn phong của Trần Hồng Giang chỉn chu mực thước nhưng có lúc cũng rất
gai góc dữ dội, lúc thì hóm hỉnh, thậm chí nhiều lúc đáo để chát chua… Quan trọng
là những điều ấy luôn được đúng chỗ đúng hoàn cảnh tạo nên sức hút cho người đọc.
Trong sự nghiệp sáng tác của mình, Trần Hồng Giang đã được
nhiều giải thưởng về văn học và báo chí do các Bộ, ngành cũng như các địa
phương tổ chức.
Với người viết bài này thì Trần Hồng Giang là nhà văn có thực
tài, có nghị lực, có bản lĩnh tiêu biểu của Nhà văn Nam Định.
Cùng quê Nghĩa Hưng với Trần Hồng Giang là Nhà thơ Trần Văn Lợi.
Ông xuất thân trong một gia đình công nhân nông nghiệp ở Nông trường Rạng Đông,
nay là Thị trấn Rạng Đông, Nghĩa Hưng, Nam Định. Ông làm thơ từ khi đang là học
sinh lớp Bảy và có thơ đăng trên báo năm 15 tuổi (học lớp 9) Nhà thơ tâm sự về
cái sự khởi đầu của nghiệp làm thơ: “Tôi yêu văn chương qua các tác phẩm dân
gian trong lời kể của mẹ và các tác phẩm học trong nhà trường. Mùa hè 1989 tôi
bắt đầu làm thơ ghi lại những điều quan sát thấy và cảm xúc của mình. Viết rồi
để… cất đi vì hồi đó ở quê tôi chưa có sách báo như sau này”.
Đam mê làm thơ theo đuổi Trần Văn Lợi suốt từ tuổi mười ba
qua quá trình học xong Đại học để trở thành Giáo viên dạy Văn như bây giờ. Ông
viết chậm nhưng chắc. Chỉ khi có cảm xúc sâu đậm và thấu hiểu đối tượng khá đầy
đủ rồi mới viết chứ không như một số nhà thơ khác gặp cảm xúc là ra thơ luôn.
“Tôi làm thơ như công việc của nông phu trên cánh đồng người” theo lời của nhà
thơ. Chính vì vậy mà chủ đề tập trung để nhà thơ Trần Văn Lợi thể hiện là nông
thôn nông dân, đối tượng viết là làng quê, người nông dân trong ký ức và hôm
nay trong quá trình đô thị hoá. Trần Văn Lợi viết về chủ đề ấy, đối tượng ấy
nhưng khác mọi người viết là để ngợi ca thì ông viết về những số phận những con
người mà ông bị ám ảnh. Ông tìm thấy ở họ những suy nghĩ sâu kín, những day dứt
trong sự thay đổi đến chóng mặt cả về tinh thần, vật chất của xã hội sau mỗi
ngày mỗi tháng…
Trần Văn Lợi đã xuất bản 6 tác phẩm gồm 4 tác phẩm thơ, 1 tập
tản văn và 1 tập nghiên cứu phê bình văn học. Tập thơ “Đã như là hoá thạch những
mồ hôi” xuất bản năm 2019 (Giải thưởng Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam; Giải
thưởng VHNT Lương Thế Vinh của UBND tỉnh Nam Định) được dư luận đánh giá khá tốt,
có thể coi là một bước tiến mới trong sự nghiệp văn chương của Trần Văn Lợi. Ở
đó, ông thể hiện những trăn trở chiêm nghiệm về cuộc đời về làng quê của mình
hàm chứa nhiều triết lý sâu sắc.
Cho đến nay Trần Văn Lợi đã nhận hơn ba chục giải thưởng, bằng
khen của các Bộ Ban ngành cho các tác phẩm của mình. Đặc biệt ông được nhận giải
thưởng trong cuộc vận động viết về Nông nghiệp nông thôn của Hội Nhà văn VN và
Bộ NN& PT NT tổ chức, tặng thưởng thơ của Tạp chí Văn nghệ Quân đội năm
2017 và 4 giải Lương Thế Vinh của UBND tỉnh Nam Định từ năm 2000 đến nay. Ông
được kết nạp vào Hội Nhà Văn Việt Nam năm 2021.
Người cuối cùng trong số các nhà văn thuộc chi hội Nam Định
là Mai Tiến Nghị. Khác hẳn với các Nhà văn kể trên ở hai đặc điểm: Mai Tiến Nghị
là giáo viên Toán vốn dân ngoại đạo văn chương và đến với văn chương muộn mằn
hơn cả. Mãi năm 2006 khi 52 tuổi mới có truyện ngắn đầu tay như một sự tình cờ
ghép duyên muộn với văn chương. Ấy là ngồi học Nghị quyết thấy nhạt quá bèn lấy
giấy bút ngồi viết chơi đặt tên cho là “Vô duyên”. Viết xong thì để đấy. Một
hôm có vài ông bạn đang là nhà văn Tỉnh đến chơi. Tiện thể đem khoe… bạn động
viên gửi dự thi truyện ngắn báo Văn nghệ. Báo đăng ngay chỉ thay đổi tên thành
“Mặt trời chói loá” vì NV Dạ Ngân bảo để cái tên cũ nó sái nghiệp văn. Rồi ẵm
luôn cái giải Tư của cuộc thi. Được đà viết tiếp “Mùa cua rận”, lần này được
Văn nghệ Quân đội nồng nhiệt đón nhận (Truyện ngắn này được Đại học Montana
bang Califocnia Mỹ chọn dịch sang tiếng Anh cùng 17 tác giả khác in thành sách
phát hành ở Mỹ). Thế rồi tiếp tục viết, viết đến đâu gửi luôn báo đến đấy và được
đăng luôn. Thành ra nghiệp văn từ đấy.
Mai Tiến Nghị viết không nhiều. Ông tập trung viết về hai chủ
đề mà ông trải qua và am hiểu nhất đó là người lính và chiến tranh (ông đi bộ đội
trực tiếp đánh nhau từ 1972-1975 ở chiến trường miền Nam); chủ đề thứ hai là viết
về Giáo dục (vì ông là giáo viên) Cho đến nay mới xuất bản 8 tác phẩm. Trong đó
có 2 Tiểu thuyết và 6 tập truyện ngắn. Các giải thưởng đến với ông cũng đều là
tình cờ. Giải Ba truyện ngắn tạp chí xứ Thanh là do gửi truyện vào Thanh in cho
vui chứ không biết là có cuộc thi. Giải Ba của cuộc thi tác phẩm viết về nông
thôn do Hội Nhà Văn kết hợp với Bộ NN & PTNT là do in sách trên Đất Việt.
Giám đốc Công ty thấy sách hay thì đưa sang dự thi. Được giải thì người ta báo
lên nhận chứ tác giả không biết có cuộc thi. Cuốn Tiểu thuyết “Đông trùng hạ thảo”
thì đầu năm 2019 khi được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam thì trong lễ kết nạp
nghe thấy có cuộc thi tiểu thuyết 5 năm 2016-2019. thế là mang bản thảo lên nộp.
Năm 2020 nghe thông báo mời lên nhận giải. Giải thưởng Lương Thế Vinh cho văn học
nghệ thuật tỉnh Nam Định thì hai lần dự thi đều đạt giải cao nhất về văn xuôi.
Các cuộc thi truyện ngắn sau của Báo Văn Nghệ, Tạp chí Văn
Nghệ Quân Đội, Mai Tiến Nghị đều tham dự. Lần nào tác phẩm cũng lọt vào chung
khảo, in vào tuyển tập truyện ngắn hay của cuộc thi… Nhưng không được giải! Các
Nhà văn Quân đội thường gọi đùa Mai Tiến Nghị là “ngôi sao chung khảo”. Ông đã
có 6 lần được báo Văn nghệ chọn in trong tôp 10 truyện ngăn hay của năm…
Nguyên nhân là do Mai Tiến Nghị xây dựng cốt truyện tốt, tình
huống truyện khá hấp dẫn, diễn biến logic, nhiều chi tiết hay và thuyết phục,
giọng điệu hóm hỉnh, giải quyết vấn đề hợp lý, thông điệp mang triết lý sâu sắc
nhưng văn phong chưa chỉn chu mẫu mực, vốn từ nghèo nàn… Ông biết điều đó
nhưng ngẫm ra rồi tặc lưỡi: cũng phải thôi, mình chỉ là dân Toán. Chính vì vậy
khi sang viết tiểu thuyết thì ông đã thành công. Hai cuốn tiểu thuyết “Lính
trơn” và “Đông trùng hạ thảo” đều được đánh giá cao, đều được giải cao của Hội
Nhà văn VN và của tỉnh Nam Định.
***
Một điểm chung của 8 Nhà văn trong Chi hội HNV ở Nam Định là
đều từ thực tế lao động công tác tại đơn vị của mình, đam mê sáng tác, bằng
năng lực tự thân mà trưởng thành trở thành Nhà Văn. Cả 8 người đều không được học
tập ở trường viết văn Nguyễn Du hoặc những lớp bồi dưỡng sáng tác văn chương
nào. Do đó khó có nền móng vững chắc để có những tác phẩm đỉnh cao.
Tuy nhiên từ khái quát tính cách của các nhà văn đã bàn ở
trên, ta thấy tạo thành 4 cặp rất thú vị. Trần Quốc Tiến giỏi viết về nông nghiệp
nông thôn thì Trần Hồng Giang mạnh về những trang viết về thanh niên với cuộc sống
hiện đai. Lê Hà Ngân mượt mà với những ngôn ngữ đẹp như tranh lụa nhưng truyện
còn thiếu những đột phá về tình huống thì Mai Tiến Nghị có cấu tứ chắc chắn
tình huống hấp dẫn nhưng văn phong ngôn từ thô ráp khô như đất ải. Bên cạnh Phạm
Trọng Thanh lành hiền chỉn chu trong cấu tứ nhưng chấp nhận lối xưa thì Nguyễn
Thế Kiên dám làm mới cách thể hiện một cách bạo liệt. Trần Văn Lợi đằm thắm với
suy tư về thân phận của người quê đất quê thì Phạm Trường Thi cười cợt bao đồng
từ chuyện vi mô xung quanh mình đến vĩ mô của đất nước có khi còn vươn ra thế
giới… Nhiệm vụ của mỗi người trong chi hội là phấn đấu trau dồi năng lực, tăng
cường sự giúp đỡ chân thành góp ý bổ sung cho nhau để các tác phẩm ngày càng
hoàn thiện. Làm được điều đó không phải dễ dàng nhưng với tinh thần đoàn kết,
tình thương yêu chân tình giữa những người cầm bút chắc chắn sẽ có những tác phẩm
xứng đáng với đất Nam Định hào sảng văn hiến, xứng đáng tiếp bước sự tài hoa,
dũng cảm những nhà văn tiền bối của quê hương.
10/7/2022
Mai Tiến Nghị
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét