Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

 

Sự thật về bức tranh & Bờ nhân gian

Đứng trước nấm mộ của người yêu, nước mắt Phạm Kiệm chan chứa. Anh muốn nói với Lệ nhiều điều. Nhưng không biết Lệ có nghe thấy không. Những việc sảy ra vừa rồi chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Đó là định mệnh. Anh tin một người tốt khi mất đi thì linh hồn rất linh thiêng.

SỰ THẬT VỀ BỨC TRANH

Đứng trên bục danh dự nhận giải thưởng đặc biệt do ban tổ chức trao cho bức tranh sơn dầu: “Ký ức Trường Sơn” của mình, hoạ sỹ Phạm Kiệm không giấu được cảm xúc. Nước mắt ông lăn dài trên má. Ở cái tuổi thất thập cổ lai hy mà thấy ông khóc thì ai chẳng mềm lòng. Vả đây cũng không phải là lần đầu tiên ông nhận được giải cao trong ngành hội họa. Phát biểu cảm tưởng, ông chỉ nói vài câu vắn tắt: “Để có được bức tranh đẹp này tôi đã được một bàn tay vô hình phù giúp. Sự thật là như vậy, tôi không dối các bạn.”

Khi trở về gặp gỡ các họa sĩ Thành Nam, Phạm Kiệm mới bộc bệch tâm sự của mình. Ông bảo lời ông phát biểu ở lễ trao giải hôm đó nhiều bạn đồng nghiệp mải nói chuyện riêng không nghe và cũng có thể nghe mà không tin. Họ cho rằng khi vẽ bức tranh được giải ông được một bàn tay vô hình phù giúp là tự tôn vinh mình, là thần bí hóa về tài năng của mình thôi. Phạm Kiệm lấy tuổi mình ra cam đoan sự thật là như thế. Lạ lắm khó mà lý giải được. Nhiều tác phẩm của ông phải đánh vật hàng tháng trời, hoặc năm, vài năm mới hoàn thành được. Vậy mà bức tranh: “Ký ức Trường Sơn” ông chỉ vẽ trong có một đêm. Sơn đấy, màu đấy, cọ đấy ông chỉ việc lia. Ông cảm thấy thụ động với cây cọ của mình vì nó không hoàn toàn tuân theo sự điều khiển của bàn tay ông. Nó làm theo ý nó. Đúng hơn là ý của ai đó.

Họa sỹ Phạm Kiệm miệt mài làm việc, đến khi vạt nắng đầu tiên dọi qua cửa sổ cũng là lúc ông hoàn thành bức tranh và ngỡ ngàng đến mức không nhận ra đó là tác phẩm của mình. Từ toàn cảnh, trung cảnh đến cận cảnh mọi đường nét chi tiết dù nhỏ nhất cũng được thể hiện một cách tinh sảo, màu sắc hợp lý hòa quyện nhuần nhuyễn, tạo cho cảnh vật có một chiều sâu, không chỉ là chiều sâu của không gian mà còn là chiều sâu của tâm hồn người nghệ sĩ.

Với diện tích hạn hẹp của khuôn tranh 0,90m x1,2m mà cả một vùng rừng núi phía tây Quảng Bình được tái hiện sống động. Đây là một vạt rừng già bị bom Mỹ thiêu trụi. Lẩn giữa hai dãy núi cao vút là con đường đất đỏ mỏng manh như sợi chỉ, thoáng hiện, thoáng mất dẫn ra một bãi đất trống chằng chịt những hố bom, hố pháo, nơi mà không quân Hoa Kỳ được thỏa sức oanh tạc  nhằm cắt đứt con đường huyết mạch mà miền Bắc vận chuyển người, vũ khí, lương thực chi viện cho miền Nam. Cách đó không xa là miệng một cái hang và dãy lán của đội nữ Thanh niên xung phong (TNXP). Trong tranh từng tốp, từng tốp các cô gái áo màu xanh lá cây, quần sắn quá gối, trên vai cuốc, xẻng, đang đi về chỗ ở sau khi vừa lấp đầy đất đá vào những cái miệng thần chết mà bọn giặc lái khoét xuống hồi chiều. Pháo sáng giặc thả theo chiều lượn của con đường kéo thành một dây đèn, cháy chập chờn, chập chờn như ma trơi, phủ lên núi rừng một màu đỏ quạch.

Mấy bạn đồng nghiệp hỏi ông vẽ bức tranh này là có được sự phù giúp, thì phù giúp ở chỗ nào? Phạm Kiệm cười hóm hỉnh, bộc bệch. Ông thú thật là ông chưa hề đi qua cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa chứ đừng  nói gì vào đến Hà Tĩnh, Quảng Bình vậy mà tranh ông vẽ vẫn phản ánh được thực tế ở một cánh rừng Trường Sơn nơi có  con đường huyết mạch, ngày đêm gồng mình gánh chịu bom đạn địch, nơi một đại đội nữ Thanh niên xung phong thề quyết tử không để con đường tắc mạch. Ông bảo làm sao có thể phịa ra được những chi tiết, những hình ảnh sống động như thế nếu không có một bàn tay vô hình trợ giúp, phù phép. Vậy người đó là ai? Phạm Kiệm cầm cây cọ chỉ vào cô TNXP đi thứ ba trong hàng. Cô có thân hình thon nhỏ, mái tóc ngắn, kẹp ngang lưng. Vừa đi, cô vừa nghiêng đầu nhìn lại phía con đường đất đỏ vừa mới đi qua. Chắc chắn là linh hồn cô ấy đã hiện về phù giúp cho tôi. Vậy cô gái TNXP ấy là ai? Đó là… Câu chuyện mà tôi kể sau đây và là sự thật, không hư cấu. Tôi chỉ thêm một vài chi tiết nhỏ cho bạn dễ đọc mà thôi.

Bố mẹ tôi sinh được ba anh em trai. Tôi là thứ hai. Người ta bảo: “Tam nam bất phú, tứ nữ bất bần” thế nhưng kinh tế nhà tôi cũng không đến nỗi nào. Lý do là tỉnh Hải Dương, quê tôi nằm sát ven sông Hồng, giữa trung tâm đồng bằng Bắc bộ, vựa lúa của miền Bắc, năm nào cũng được phù sa bồi đắp. Cắm cây lúa, cây khoai, cây sắn,  hoặc rắc hạt ngô, hạt đỗ xuống đất chả phải chăm bón, tưới tắm gì lắm cũng cứ lên xanh tốt bời bời. Vả làng tôi lại có nghề phụ, làm bánh đa nổi tiếng khắp vùng nên nhà nào cũng có thu nhập khá.  Ấy vậy mà cha tôi vẫn quyết định cho tôi sang ở với ông bác tận bên tỉnh Thái Bình. Nhiều người trong họ, ngoài làng cứ thắc mắc không hiểu vì sao cha tôi lại quyết định như thế. Nhưng cha tôi cũng đã tính toán hết nhẽ, có điều ông không nói ra thôi. Ông tính trong ba anh em trai chúng tôi thằng lớn thế nào cũng phải nhập ngũ trước, thông lệ là vậy, không trốn được. Nhập ngũ rồi vào chiến trường chiến đấu, nói dại: vào nhưng chắc gì đã ra. Rồi thằng hai, thằng ba tiếp bước thằng cả. Vậy ra nhà ông không còn ai nối dõi tông đường hay sao? Ông quyết định cho tôi sang Thái Bình ở với  bác ruột tôi là ông Điền làm con nuôi là hợp lý, hợp tình. Bác Điền năm đói 45 ở lại quê bên ấy với ông bà nội tôi để giữ hương hỏa tổ tiên, không tản cư sang Hải Dương như cha tôi, nhưng buồn nỗi hai bác đã đi hết đền này, phủ nọ cầu khấn, thuốc thang đông tây y đủ cả, chạy chữa mãi vẫn không tòi ra mụn con nào. Được nhận tôi làm con nuôi hai bác tôi mừng cuống quýt, hứa nuôi cho tôi ăn, học tử tế, lớn lên sau này dựng vợ gả chồng cho. Điều sâu xa mà cha tôi tính đến, là khi đã làm con nuôi của bác Điền thì nghĩa là tôi không phải đi bộ đội, vì chính sách nhà con một. Ông lường trước nếu không may hai thằng kia sơ sẩy thì đã có thằng tôi nối dõi. Thế là yên tâm rồi. Tôi hậm hực ôm quần áo, sách vở và sự tính toán sâu xa của cha tôi nhảy lên xe đạp để ông chở tôi sang Thái Bình ở với bác cả.

Nhà bác Điền chỉ có ba gian, nhưng lợp ngói, khá rộng rãi, lại ở ngay cạnh ngôi nhà thờ tổ trên trăm tuổi của dòng họ Phạm chúng tôi. Nhà hướng phía nam, nhìn ra cánh đồng rộng mênh mông, bốn mùa gió thổi lồng lộng. Thổ đất bác tôi ở có dễ đến gần hai sào.Trên vườn, bác tôi trồng mấy thứ cây ăn quả, dưới ao thả rau muống và nuôi cá. Chỉ có hai vợ chồng bác làm nuôi nhau, nên đời sống khấm khá hơn nhà tôi nhiều. Không hiểu sao bác Điền cứ gọi tôi bằng anh. Chắc bác đã xem tôi như người lớn, chững chạc rồi. Lúc thư nhàn Bác bảo: “ Anh sang đây ở với vợ chồng tôi là để rồi anh kế thừa cái cơ nghiệp này, cái nhà thờ tổ này. Anh sẽ là trưởng họ đấy? Nhưng bây giờ anh phải tập trung vào học cái đã. Các cụ bảo: “Nhân bất học, bất chi lý ”mà. Học rồi làm kỹ sư trồng lúa, nuôi bò, nuôi lợn, rạng danh cho dòng họ, cho làng xóm ta. Nhớ chưa! Vậy nên cái nghề của anh bây giờ là nghề học. Học! Chỉ có học thôi. Mọi thứ trên đời chúng tôi lo tất, không cần anh đụng chân, đụng tay vào việc gì sất. Bác tôi nói thế và thực hiện đúng như thế. Đi học về, chưa kịp ăn cơm thấy bác trai đang cởi trần quây bèo dưới ao tôi vội tụt quần áo nhảy xuống, bác gạt tay quát tôi lên bờ ngay. Bác bảo cái giống bèo cái này lợn ăn rất tốt nhưng ngứa lắm, không hợp với da dẻ của mấy cậu thư sinh đâu, bị ghẻ lở thì khốn. Vào bếp thấy bác gái đang một tay hai bếp còn chòi gạch cua, tôi xà xuống phụ giúp. Bác gái vụt đứng dậy đẩy lưng tôi ra ngoài cửa. Bác lẩm nhẩm: là cái anh đàn ông thì lo những công to việc lớn, đại sự quốc gia chứ cứ quẩn quanh, quanh quẩn xó bếp, thì thà, thì thụp nấu nấu, nướng nướng tanh tưởi thì không bao giờ ngẩng mặt lên được đâu. Chỉ duy nhất có vài lần hót thóc chạy mưa là hai bác chịu để tôi nhúng tay vào thôi.

Sự chăm lo chiều chuộng quá mức của hai bác khiến tôi ái ngại nên dồn hết tâm trí vào học tập để khỏi phụ lòng hai bác. Kết quả là năm nào tôi cũng đạt danh hiệu học sinh giỏi toàn trường, được cử đi thi học sinh giỏi của huyện và của tỉnh. Không chỉ học giỏi các môn cơ bản tôi còn có chút năng khiếu về môn hội họa, được cô chủ nhiệm phân công làm chủ bút tờ báo tường của lớp. Cuộc thi báo tường lần nào do trường tổ chức, tờ báo: “Tiến Lên” của lớp tôi cũng đoạt giải nhất. Phần thì do có nội dung phong phú, phần thì do trình bày đẹp. Tôi được thày, cô và các bạn học sinh toàn trường biết đến. Mọi người mến mộ tôi là lẽ đương nhiên không có gì phải bàn cãi. Chết nỗi trong số ấy có một người mến mộ tôi đến mức ám ảnh và rồi chi phối cả cuộc đời tôi sau này. Người đó không phải là ai xa lạ, chính là Lệ, cô hàng xóm, học cùng trường huyện nhưng sau tôi hai lớp. Thường ngày thỉnh  thoảng chúng tôi cũng có gặp nhau, nói vài câu loáng thoáng rồi ai đi đường nấy chứ không có mật thiết gì.

Chuyện bắt đầu từ chiều ấy. Khi Lệ lách rào bước sang hớt hải nói với hai bác tôi:

– Hai bác ạ! Anh Kiệm nhà hai bác giỏi lắm nhé… Mấy hôm nay trường cháu cứ xôn xao bàn tán về anh ấy. Trời ơi họ khen hết lời.Vinh dự lắm…

– Chuyện gì cháu cứ từ từ nói xem nào!

– Ơ! Thế hai bác chưa biết gì ạ… Tờ báo của lớp do anh ấy làm chủ bút được giải nhất toàn trường hai bác ạ .Sẽ được mang đi thi huyện, thi tỉnh đấy. Trong tờ báo, anh ấy vẽ tranh đẹp lắm . Ai cũng gọi anh ấy là nhân tài, là họa sỹ. Sướng thế chứ…

Đang lúc Lệ thao thao bất tuyệt chuyện với bác Điền thì bất chợt tôi xuất hiện. Đứng ngoài nghe tôi không nhịn được cười. Lệ phát hiện ra sự có mặt của tôi, luống cuống, gật đầu chào bác Điền rồi chạy vụt về nhà. Không ai ngăn kịp. Ông Điền trách tôi làm cho con bé xấu hổ. Tôi chỉ mủm mỉm cười  không nói gì.

Vì mắc cỡ, Lệ muốn tránh mặt tôi nhưng không được. Từ con đường làng vào nhà hai đứa chỉ có một lối đi duy nhất là cái bờ ao tách ra như một chữ y dài: một bên là ao nhà tôi và bên kia là ao nhà Lệ. Bên nào cũng có một chiếc cầu bắc bằng tre để ngồi tắm giặt và rửa ráy. Cầu ao nhà tôi được che bởi cây si lâu đời, thân to hơn chiếc cần cối giã gạo. Cầu ao nhà Lệ thì được phủ bởi tán  một cây sung cành lá sum xuê, quả sai chi chít. Hai đứa giáp mặt nhau, tôi chủ động phá đi sự bẽn lẽn của Lệ:

– Chiều nay khối Tám vẫn học à?

– Tập quân sự ạ…

– Thế thì lên xe mình chở đi.

– Em nhờ cái Tho rồi ạ.

– Khỏi! À mà chờ chút anh lắp cái đèo hàng đã…

Không để cho Lệ kịp phản ứng, loáng cái tôi đã dắt chiếc xe ra ngõ, vẫy tay bảo Lệ ngồi lên. Thời ấy cả huyện chỉ có một trường cấp ba cho nên học sinh các xã phải lên đấy học. Hầu hết học sinh ở xa không đi về được phải thuê nhà ở trọ. Những gia đình khá giả một chút mới mua được cho con mình chiếc xe đạp để đi về. Sang lắm là chiếc Phượng Hoàng, Thống Nhất, còn như có chiếc Pa- pô- rít như của tôi thì hầu như rất hiếm.  Kinh tế eo hẹp làm người ta sống chặt chẽ hơn. Chiếc xe đạp nào của học sinh cũng tháo bỏ cái đèo hàng vì làm thế để tránh bạn đi nhờ. Thời buổi bao cấp phụ tùng xe như săm lốp, đùi đĩa, xích líp đắt như vàng mà cũng chẳng dễ mua được. Từ ngày tôi cho đi nhờ, Lệ không phải ở trọ nữa. Nếu phải học ngày hai buổi thì khi bà Điền, khi bà Tú (mẹ của Lệ) nắm cơm cho cả hai đứa mang theo ăn trưa. Lệ là học sinh giỏi toàn diện thế nhưng lại luôn hỏi tôi khi gặp phải bài toán hóc búa, hoặc những áng văn hay. Có lẽ Lệ muốn tạo ra thế cho hai đứa gần gũi nhau hơn, chứ với khả năng của Lệ thì nhẹ tênh.

Tình yêu khế chua, sung chát kiểu học trò đã đến với chúng tôi lúc nào không hay. Cây si trở thành nơi lý tưởng để hai đứa hẹn hò, trò chuyện, bởi thân cây to lại nằm lả xuống mặt ao khiến cho ai đi qua ngõ cũng  khó phát hiện ra người ngồi bên trên. Những đêm trăng sáng thật tuyệt vời cho những cuộc chia sẻ tâm tình. Một lần vô tình chạm tay vào người Lệ khiến tôi như bị điện

giật suýt nữa ngã nhào xuống nước làm cho Lệ hốt hoảng phải nhoài người ra ôm chặt lấy tôi.Và nụ

hôn đầu đời chóng vánh sảy ra khiến cả hai đỏ mặt, ngỡ ngàng nhìn nhau. Nụ hôn tuy chóng vánh nhưng đã mở ra một chân trời mộng mơ cho cả hai người. Ngồi trên cây tôi và Lệ đã phát hiện ra một điều bí mật và đã xóa đi những lời đồn đoán của làng xóm lâu nay là cái ao nhà Lệ có ma. Chuyện là đêm  đã vào khuya dù chẳng có giông gió gì  mà chốc chốc mặt ao lại cứ rào rào như có mưa. Nghe ngóng quan sát kỹ  hai người mới biết là chẳng có ma mãnh gì cả mà là do bọn mèo chúng nó léo nhau. Cái giống vật quái quỷ, làm cái chuyện ấy lẽ ra phải nhỏ nhẹ, kín đáo thế mà chúng cứ gào toáng lên nghe thảm thiết như trẻ con khát sữa sợ rằng thiên hạ không biết hay sao ấy. Vì chúng đuổi nhau, quần nhau đạp rơi những chùm sung chín xuống mặt nước nên tạo nên thứ âm thanh ma quái ấy. Cả hai biết thế nhưng chỉ nhìn nhau cười không ai nói ra cái điều tế nhị ấy. Bên tôi Lệ bảo Lệ cảm thấy như mình có được cuốn sách quý. Lệ nhận biết hơn về bầu trời: nào là ông Thần Nông, nào là sao Bắc Đẩu, sao Tua Rua, sao Hôm, sao Mai, sao Đo nước… và mênh mông giải Ngân Hà với truyền thuyết cầu Ô Thước một năm Ngưu Lang, Chức Nữ chỉ được Giời cho gặp nhau một lần… Lệ mơ ước trở thành bác sỹ thật giỏi, cô sẽ chữa cho ông mặt trời khỏi hẳn căn bệnh huyết áp cao vào những ngày hè nóng bỏng, chữa cho chị Hằng Nga bệnh huyết áp thấp trong những ngày đông buốt giá. Còn  tôi thì thực tế hơn tôi hứa khi trở thành họa sỹ tôi sẽ dùng màu sắc để thu cả bầu trời mênh mông vào khuôn tranh, trong đó ghi lại được những ý tưởng táo bạo và cao siêu của Lệ.

Tôi học hết hai năm đầu của trường Đại học mỹ thuật thì Lệ cũng thi đỗ vào trường Đại học y khoa đúng như mơ ước từ lâu. Tình cờ như có sự sắp đặt trước: trường Đại học y khoa của Lệ cũng sơ tán về một vùng trung du ngay cạnh trường Đại học mỹ thuật của tôi. Hai trường chỉ cách nhau một quả đồi thấp với miên man là những bụi sim, mua, lá sả với một lối mòn vòng vèo nối sang nhau. Bên dưới con đường mòn là một dòng suối nhỏ nước trong vắt, chảy quanh năm, trông rất nên thơ. Tôi đã xin nghỉ học một buổi để về quê đưa Lệ lên trường. Mới nhập học Lệ còn bỡ ngỡ, tôi đã lo mua sắm cho Lệ đủ thứ để phục vụ cho sinh hoạt và học tập, khiến mọi người cứ ngỡ chúng tôi là anh em ruột.

Chúng tôi thường gặp nhau vào những ngày thứ bảy và chủ nhật. Cắt cơm tập thể để tổ chức bữa ăn tươi với bạn bè. Gọi là ăn tươi chứ thực ra chẳng gì khác với bữa cơm tập thể hàng ngày. Quanh đi quẩn lại cũng không thoát được mấy cái món truyền thống: măng luộc, bí nấu, đậu phụ kho, vài con cá khô ai đó nhận được từ quê gửi lên. Thi thoảng mới có tí tai, tí thủ lợn luộc. Bọn con trai hăng lên làm chén rượu Làng Vân. Loại rượu được xếp hạng ngon nổi tiếng khắp vùng, uống vào cháy cổ, khát nước.Thời bao cấp với sinh viên thế là sang lắm rồi. Tuy vật chất thiếu thốn nhưng được bù lại bằng món ăn tinh thần. Ai cũng được thả phanh trêu chọc nhau, nói cười hát hò đủ thứ . Ai cũng thấy tự hào vì mình có tấm thẻ sinh viên, niềm ước mơ  khao khát của tuổi trẻ mà trong làng ngoài xã không mấy người có được. Được ở một vùng trung du cảnh trí thơ mộng, xa xôi chút nhưng đỡ bị máy bay Mỹ bắn phá như ở những vùng đô thị lớn. Những chiều khi hoàng hôn dần buông xuống tôi và Lệ tay trong tay dắt nhau lách qua những bụi sim, mua trải dài trên những sườn đồi, trập trùng, hoa tím biếc. Ngồi bên nhau trong mùi hương lá sả gội đầu, thưởng ngoạn bức tranh thiên nhiên kỳ vỹ và khẽ khàng hát: “Màu tím hoa sim” của ông Hữu Loan, thì chẳng có gì hợp vị hơn. Những đêm thu se lạnh thả bước trên bờ con suối bạc nhìn mảnh trăng thượng tuần cong veo nhớ đến câu thơ: “Khen ai mắc cỡ bấm tay lên trời” mà kính phục sự quan sát và cảm nhận tinh tế của cụ Đồ Chiểu. Cụ là một nhà thơ không may bị mù mà lại tưởng tượng ra được thế mới nể chứ…

Nhưng rồi niềm vui ngắn chẳng tày gang. Chiều ấy Lệ hốt hoảng gặp tôi, với nét mặt thất thần. Lệ nói trong hơi thở gấp gáp:

– Anh Kiệm! Thế là từ mai em không được sống gần anh nữa rồi…

– Sao hả! Em có bạn trai khác rồi phải không? Tôi trố mắt kinh ngạc…

Hai hàng nước măt Lệ rơi lã chã. Cô lẳng lặng chìa ra trước mặt tôi một mảnh giấy – Anh đọc đi sẽ biết.

– Là giấy địa phương triệu em về xã tập trung tham gia lực lượng Thanh niên xung phong đi mở đường Trường Sơn ư ! Thế này là thế nào hả Lệ ! Em đang là sinh viên cơ mà…

– Bởi…Bởi nhà em chưa có ai đóng góp cho tiền tuyến nên…

Hai môi tôi mím chặt muốn bật máu…Tôi ôm Lệ vào lòng. Từng giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt trái soan thơ ngây của Lệ. Chẳng còn cách nào chống chế, tôi khẽ khàng nói:

– Đành vậy! Biết làm thế nào bây giờ… Mà ba năm cũng nhanh thôi Lệ à, rồi em lại trở về học tiếp. Lúc ấy anh đã ra trường rồi, có việc làm, có lương, anh sẽ hỗ trợ cho em. Anh sẽ chờ em…

– Kiệm… Chờ em nhé… Thật nhé…

–  Thật! Anh thề.

Năm tháng dần trôi qua. Thư của Kiệm và Lệ gửi đi và gửi về khá đều đặn. Có những lá thư của Lệ bị nhàu nát, nhuốm bụi đỏ. Kiệm biết người yêu đã viết những dòng tâm huyết này cho mình trong hoàn cảnh nào do vậy anh nâng niu, quý trọng hơn cả những hạt vàng. Càng thấy thương yêu Lệ hơn. Bên cạnh những lời tỏ tình, nhớ nhung, chung thủy, chờ đợi cả hai kể cho nhau nghe những công việc thường ngày của mỗi người. Ở tuyến lửa ngày đêm, từng giờ, từng phút chị em phải đối mặt trực tiếp với bom đạn Mỹ, chịu muôn vàn khó khăn gian khổ, hy sinh, nhưng trong thư anh biết Lệ né tránh không kể cho anh nghe nhiều về những chuyện đó sợ làm anh lo lắng. Lệ chỉ kể về những sinh hoạt của chị em sống cùng với nhau trong đại đội. Tuổi đời sàn sàn mười tám đôi mươi đến từ những vùng quê và hoàn cảnh khác nhau nhưng lại rất giống nhau là đều không sợ hy sinh gian khổ tình nguyện rời xa quê hương đến với  đại gia đình này, cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, chiến đấu và cùng chia sẻ những niềm vui, nỗi buồn với nhau. Vì biết người yêu là họa sỹ nên Lệ khéo léo dành thêm trang để nói về những cánh rừng Trường Sơn trùng điệp, với những con đường dọc ngang chằng chịt, đất đỏ như son thoắt ẩn, thoắt hiện. Về những đoàn xe ô tô trùm bạt, phủ lá ngụy trang, những cảnh máy bay Mỹ lao xuống, bom nổi, đất đá tung lên trời  làm lấm cả những đám mây bay thấp. Hình ảnh những chiến sĩ phá bom nổ chậm thân mảnh mai cầm cờ hiệu lao ra. Lệ kể những đêm cùng chị em nắm tay nhau làm tiêu đường cho xe đi buồn cười lắm, nhưng rất vui vì đường thông tuyến. Những hình ảnh mà Lệ kể đã dần dần chuyển hóa thành một thứ tình cảm sâu đậm trong tâm trí của Kiệm lúc nào không hay và nó đã hiện hình mặt những mảnh toan, mảnh giấy rô ki với những mảng màu sống động chân thực nhất.

Cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của Mỹ ngày càng mở rộng, khốc liệt hơn nhưng đường xe vào Nam ra Bắc vẫn thông suốt, thế nhưng đường thư giữa Lệ và Kiệm bỗng bị ách tắc. Có thư đi mà không có thư về. Kiệm linh cảm thấy một điều gì đó nghiêm trọng đã sảy ra. Ngày đêm anh đứng ngồi không yên, tính tình bỗng thay đổi, nóng giận bất thường, học hành lơi lỏng, khiến cho bạn bè đồng nghiệp khó hiểu.

Rồi điều mà Kiệm linh cảm và chờ đợi cũng đã đến. Chiều thử bảy hôm ấy anh nhận được thư của Lệ. Anh hấp tấp mở ra đọc ngấu nghiến. Nhưng rồi anh bỗng chững lại, tự hỏi: “Sao Lệ chỉ viết có mấy dòng ngắn ngủi thế này?” “Anh thân yêu, ngày mai đại đội em được lệnh chuyển vào sâu bên trong gần với vỹ tuyến 17, nơi có nhiều trọng điểm mà giặc Mỹ cho phép máy bay của chúng oanh tạc không hạn chế. Mức độ ác liệt thế nào thì chúng em chưa biết, nhưng cứ nghe cánh tài xế đổi tên những địa danh vốn rất thơ mộng như: phà Quán Hầu thì gọi là phà Cắt Hầu, phà Long Đại gọi là phà Long Đầu thì cũng đã chết khiếp. Nơi chúng em đến hình như là Khe Tang, Khe Tử gì đó. Anh nghe chắc là dựng tóc gáy phải không? Nhưng với chúng em thì thường thôi .Quen rồi. Là Thanh niên xung phong đã thề dưới cờ Tổ Quốc không sợ hy sinh gian khổ, cống hiến tuổi trẻ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kia mà…”

Bỏ một quãng trống dài mới đến những dòng kế tiếp, nhưng xem kỹ thì không phải là nét chữ của Lệ: “Anh Kiệm kính mến! Em là Nụ, đồng hương Nam Hà ở cùng đại đội TNXP với Lệ đây. Anh Kiệm! Anh phải hết sức bình tĩnh khi nghe em báo in này. Lệ nó “ đi” rồi anh ạ, vừa vào đến Khe Tang thì bị dính bom bi cùng với mấy bạn nữa. Thương quá… Lá thư nó viết cho anh chưa xong và cũng chưa kịp gửi, còn để dưới đáy ba lô… em lấy  viết thêm vào đây để báo tin cho anh. Xin anh tha thứ. Thời gian không có, nếu sau này còn sống trở về gặp anh em sẽ kể chi tiết anh nghe…

Kiệm không đọc hết mấy dòng cuối, đầu anh như muốn nổ tung , mắt hoa lên,  người đổ ập xuống mặt bàn bất tỉnh. Sau lần đi cấp cứu ấy Kiệm sống thầm lặng, cả ngày không nói lời nào. Anh như người mộng du quên quên, nhớ nhớ. Thế là bao hẹn hò, mơ ước, bao dự định bỗng chốc đã tan thành mây khói.

Khóa học cũng đã kết thúc Kiệm được phân công về công tác tại Trung tâm triển lãm thuộc Ty văn hóa thông tin tỉnh Nam Hà. Ngoài thời gian làm việc do trung tâm phân công, anh chỉ lao vào vẽ. Vẽ và vẽ. Anh đã gửi tranh tham gia trưng bày tại nhiều cuộc triển lãm ở địa phương cũng như trung ương và luôn dành được giải cao. Có những bức tranh được treo trong Bảo tàng mỹ thuật Việt Nam và cũng có những tranh được bán ra nước ngoài. Phạm Kiệm đã trở thành họa sỹ nổi tiếng. Có điều anh bị nhiều người mặc cảm, cho là anh đã mắc bệnh hâm. Hâm vì tuổi còn trẻ mà để tóc tai bù xù, râu ria lởm chởm, ít tắm. Hâm vì trước những bóng hồng, mặt hoa da phấn, lại như kẻ vô hồn không biểu hiện một chút gì gọi là cảm xúc. Chị em trong trung tâm đã từng đánh đố nhau nếu ai cưa đổ họa sỹ Phạm Kiệm thì sẽ… Nhưng tất cả đều thua. Phạm Kiệm không chia sẻ nỗi niềm riêng của mình với ai. Vả nói ra cũng chẳng ích gì nên cứ gói gọn nỗi đau trong lòng, âm thầm sống với tình yêu Lệ không lúc nào nguôi ngoai.

Thời gian chầm chậm trôi đi. Công việc thường ngày của Kiệm cũng cứ xuân thu,nhị kỳ như thế cho đến một sớm khi sự kiện lạ lùng đã sảy ra khiến Kiệm hết sức bàng hoàng không thể nào ngờ tới. Sớm ấy anh đi bộ đến cơ quan làm việc mà không đi xe đạp như mọi khi.Từ bưu điện tỉnh anh đi tắt lối mòn phía sau công viên Giàn Leo để vào trung tâm triển lãm. Công viên này là nơi thường xuyên tổ chức các hoạt động văn hóa, những đêm ca nhạc ngoài trời của thành phố. Phía trước công viên sạch sẽ với thảm cỏ phẳng phiu, xung quanh xếp ghế đá, nhưng phía sau lổn nhổn đủ thứ phế liệu dân phố đổ xuống đây cùng với cỏ dại mọc um tùm tạo nên một bãi đất hoang. Đang thả bộ Phạm Kiệm bỗng chững người khi nhìn thấy một chiếc va ly còn khá mới mà ai đó bỏ lại bên bụi cây cạnh lối mòn. Nhìn chiếc va ly anh đoán có thể là bọn trộm cắp đã cuỗm của khách đi tàu đem về đây lục soát lấy hết đồ đạc, tiền bạc rồi vứt chiếc va ly lại để tránh bị công an truy bắt. Nghĩ vậy nhưng Kiệm không cưỡng lại được tính tò mò của mình, anh cúi xuống nhẹ nhàng mở nắp chiếc va ly và hết sức kinh ngạc khi nhìn thấy bên trong là một bộ hài cốt được gói trong chiếc túi ni lon. Đã được học giải phẫu nhân thể ở trường Đại học mỹ thuật nên anh dễ dàng nhận ra đây là bộ hài cốt của một người phụ nữ. Có thể đây là bộ hài cốt của một liệt sỹ được người thân đưa từ khu bốn về quê nhà an táng …Nếu vậy thì… Bọn trộm cắp ác quá…

Nhận được tin Công an thành phố đã xuống tận nơi kiểm tra, lập biên bản và làm những thủ tục pháp lý, đồng thời cho phép Phạm Kiệm được chôn cất bộ hài cốt của người xấu số này theo ý nguyện của anh với một lý do rất chính đáng. Anh phải là người có căn duyên lắm mới gặp được người cõi âm này đầu tiên. Phạm Kiệm thuê người phụ giúp, mua sắm những thứ cần thiết để làm lễ mai táng chu đáo cho người xấu số tại nghĩa trang thành phố. Trên mộ Phạm Kiệm thuê thợ đá khắc rõ ngày tháng phát hiện và mai táng bộ hài cốt, với hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có người họ hàng thân thiết tìm ra.

Như có sự sắp đặt trước. Lo công việc chu tất xong, tự nhiên Phạm Kiệm thấy lòng dạ bất an, anh linh cảm tới một điều gì đó, rất mơ hồ, mông lung. Sớm hôm sau anh xin phép cơ quan nghỉ một ngày để về quê. Lâu nay anh không có xin nghỉ bất thường như thế. Đi hết đoạn bờ ao hình chữ Y, Kiệm không rẽ về nhà như mọi khi mà rẽ sang nhà Lệ. Ngay từ ngoài sân anh đã cảm nhận được

màn không khí u ám, tang tóc bao trùm bởi mùi khói hương nghi ngút. Cậu em trai lớn của Lệ kéo ghế cho Kiệm ngồi. Ông bố đẻ của Lệ mặt nhàu lại những nếp nhăn. Chừng như ông già thêm đến chục tuổi. Còn mẹ của Lệ hai mắt sưng húp tóc xõa bên thành giường khóc ấm ức. Kiệm hỏi bố Lệ:

– Nhà ta có chuyện gì không vui hả bác!

– Phải! Anh đã về đấy à. Hai thằng em đi với chú nó vào Quảng Bình đưa hài cốt của cái Lệ

về, nào ngờ  xuống ga Nam Định lúc một giờ đêm, sờ đến chiếc va ly đựng hài cốt thì không thấy đâu nữa. Oan nghiệt quá anh Kiệm ạ…

Nghe đến đây Phạm Kiệm bỗng lạnh toát cả người. May mà kìm lại được không thì anh đã kêu lên. Nhắp một ngụm trà để lấy lại bình tĩnh rồi anh mới thủng thẳng hỏi cặn kẽ hai cậu em của Lệ về ngày giờ xuống ga và những chi tiết cần thiết khác. Thật kỳ lạ tất cả đều trùng khớp với những gì anh biết. Hai cậu em nói trong bộ hài cốt của chị Lệ còn có một chiếc lược bằng duya ra trên đó khắc mấy chữ cái K H S mà chúng không luận ra nội dung chữ viết tắt đó là gì. Đến lúc này Phạm Kiệm mới thấy mình thật có lỗi đã sơ xuất không cho kiểm tra kỹ khi xếp bộ hài cốt vào trong tiểu. Nhưng ba chữ cái ấy thì anh đã luận ra: đó là Kiệm Họa Sĩ. Lá thư nào gửi cho anh, Lệ chẳng viết tắt tên anh như thế: “KHS thân yêu…” Ồ! Mà còn chiếc răng khểnh ở hàm răng trên của Lệ nữa, anh quen quá rồi, thế mà… Anh vô tâm quá. Vô tâm cả với giấc mơ đêm trước ngày anh gặp bộ hài cốt. Trong giấc mơ ấy anh đã gặp Lệ. Lệ thùng thình trong bộ quần áo TNXP, lưng khoác chiếc ba lô lép kẹp, chân đi thoăn thoắt. Miệng cười tươi tắn. Lệ bảo với anh là Lệ đang trên đường về quê. Anh nhớ ra ga đón em nhé. Nhớ đấy… Thì ra hồn thiêng của Lệ đã về báo trước cho anh mà anh không biết. Khờ quá. Vậy thì đây chắc chắn là bộ hài cốt của Lệ rồi, không còn nghi ngờ gì nữa. Kiệm chắp hai tay trước  ban thờ, thầm cám ơn trời  phật đã phù hộ, độ trì…Rồi anh  bỗng buông quay lại nhìn mọi người đang đứng xung quanh buông ra những tiếng trầm buồn đẫm nước mắt: “Em Lệ, em Lệ vẫn còn các ông, các bà ạ. Em Lệ chưa mất đâu…”. Mọi người trố mắt nhìn Kiệm, không tin vào tai mình.

Hài cốt của Lệ được đưa vào nghĩa trang xã trong nghi lễ rất trang trọng, uy nghiêm. Ai đó đã cho khắc thêm hai chữ Bác sĩ vào tấm bia liệt sĩ của Lệ. Đúng thế, nếu không có cuộc chiến tranh tàn khốc này thì Lệ đã thực hiện được ước mơ trở thành bác sĩ của mình rồi.

Đứng trước nấm mộ của người yêu, nước mắt Phạm Kiệm chan chứa. Anh muốn nói với Lệ nhiều điều. Nhưng không biết Lệ có nghe thấy không. Những việc sảy ra vừa rồi chắc chắn không phải là ngẫu nhiên. Đó là định mệnh. Anh tin một người tốt khi mất đi thì linh hồn rất linh thiêng.

BỜ NHÂN GIAN

Từ thành phố về làng Vực có hai đường chính. Đường bộ là mặt con đê rộng chừng bốn năm mét, rải đá răm, còn đường thủy thì xuôi theo sông Hồng, rộng bao nhiêu chưa biết. Dòng sông lượn thế nào thì con đường uốn theo thế ấy. Trông khá uyển chuyển và đồng điệu. Tuy đều mang chức năng là vận tải nhưng hai con đường lại có sự khác biệt nhau. Người đi đường bộ ngược xuôi, hối hả tìm kế mưu sinh,còn người đi đường thủy cũng thế, nhưng lâu lâu lại phải làm thêm cả chức năng đưa tiễn những người xấu số về cõi vô cùng. Ấy là những người chết đuối. Họ chết vì muôn vàn lý do khác nhau. Có thể là do bị lũ cuốn, do tự tử, do đánh ghen, hoặc là kết cục của cuộc chiến nhằm thanh trừng lẫn nhau nhằm chiếm đoạt tài sản, chức quyền…

Thời phong kiến, đế quốc năm đôi ba vụ. Thời nay cũng chẳng ít hơn.

Những vụ chết kiểu này thường tập trung nhiều vào mùa mưa lũ hàng năm.

Thông thường: người chết từ phía thượng nguồn sau ba ngày ba đêm nằm lơ lửng dưới đáy sông mới bị trương phình và nổi lên mặt nước rồi hòa vào dòng chảy. Cái xác cứ vòng vo Tam quốc mãi cuối cùng cũng bị tống về làng Vực và mắc lại ở đây không trôi đi nữa.

Mỗi vụ như thế, những người duy tâm trong làng Vực lại túm năm, tụm ba thì thào to nhỏ.Họ cho rằng tất cả là tại con tàu Ký Bưởi bị chìm ở quãng sông này từ ngày xưa đã làm thiệt mạng hàng trăm hành khách vô tội. Oan hồn của những người xấu số vì thế vẫn còn vảng vất đâu đây. Chính họ đã giữ lại những cái xác chết trôi để cùng bày tỏ, cảm thông, chia sẻ cảnh ngộ. Nói thì nói vậy chứ cũng chẳng có cơ sở khoa học gì cả. Nhưng nếu bảo lỗi tại con tàu Ký Bưởi xem ra cũng chẳng ngoa.

Người già trong làng kể lại. Trước năm đói “bốn lăm” cũng vào mùa mưa lũ tháng bảy, con tàu Ký Bưởi đang ngược dòng về thành phố khi sắp đến khu vực ngã ba sông Tam Phủ thì không may bị gẫy bánh lái và quay lơ giữa dòng nước xiết. Sau một hồi vật vã không định hướng, con tàu bị nước nhấn chìm và sóng đánh táp vào bờ phía đầu làng Vực. Thời ấy kỹ thuật trục vớt còn non kém nên đành bó tay, vả nó cũng đã đến tuổi nghỉ hưu. Con tàu cứ nằm chềnh ềnh ra đó, nghiêng một con mắt gỗ sơn đỏ lừ vô hồn, vô cảm nhìn ra phía dòng chảy, mặc cho năm tháng qua đi, mặc cho đất đá, cỏ cây đắp lên mình tầng tầng lớp lớp, lâu thành nấm mồ lớn, giống như một mũi đất nhô ra khỏi bờ đến gần chục mét. Vậy là dòng sông mùa lũ nước ngầu đục phù sa lồng lên như ngựa chiến đang phi nước đại về phía biển bỗng bị ngáng lại ở đây. Từng đợt sóng bạc đầu nối đuôi nhau dội ầm ầm vào nấm mồ vô chủ ấy. Bao nhiêu năm cần mẫn dòng nước muốn xóa đi mũi đất nghênh ngang cản đường, xong lại bị chính mũi đất ấy khuất phục. Thế là dòng nước hung hãn bị uốn cong sang phía bờ sông bên kia rồi mới vật trở lại, tạo thành một vùng nước xoáy rộng chừng non sào ruộng ngay sau mũi đất mà nó định chinh phục.

Mùa đông nước cạn,vùng xoáy sâu hoắm,nước xanh đen nhìn hun hút đến dợn người. Mùa hè, nước ngàu đục như từ trong lòng đất đùn lên, nổ bùng bục rồi xoay tròn như chong chóng trên miệng cái vùng xoáy ấy.

Công bằng mà nói cái vực xoáy tuy mang màu sắc huyền thoại hãi hùng nhưng đã đem đến cho dân làng Vực vô số nguồn lợi. Mùa lũ nước từ thượng nguồn tống về đây đủ thứ bà rằn. Lẫn với cỏ rác, cây chuối, bèo tây là tre nứa, củi rều. Những thứ này vớt lên phơi khô làm chất đốt, lửa cháy đượm, thơm sạch sẽ, miễn chê. Nhiều gia đình trong làng cả năm nấu nướng, sinh hoạt không cần đến rơm rạ. Cũng vào mùa nước lũ quanh bờ vực như mở hội. Cả làng người lớn, trẻ con, đàn ông, đàn bà tất tật đều đổ ra đây. Người dưới nước, kẻ trên bờ bơi lặn, khều vớt tất tật những thứ có thể dùng được. Tiếng nói cười huyên náo một vùng. Nhiều khi có đụng độ, tiếng cãi chửi nhau chí chóe chỉ vì tranh dành một đoạn củi,mấy cây bương dập.

Tiếng đồn, xưa ông Trương Văn Cứ vớt được từ cái vực này cả một chiếc hòm gỗ sơn son, thếp vàng bên trong chứa đầy quần áo, vải vóc toàn bằng tơ lụa thêu kim tuyến sặc sỡ và nghe đâu có cả vàng bạc nữa. Ông Cứ từ kẻ cùng đinh bỗng dưng trở thành người giầu có nhất làng Vực. Ông trích ra một chút lộc trời cho mua dăm mẫu ruộng, hai con trâu cày và cái chức lý trưởng. Ông Cứ trở thành Cụ Lý từ đó. Người ta nói: “Được bạc thì sang,được vàng thì lụi” quả không sai. Cải cách ruộng đất Cụ Lý Cứ bị quy là địa chủ cường hào gian ác và bị tử hình cũng ngay tại bãi cát trên bờ vực này.

Điều đáng nói là nước lũ đổ về cái vực cùng với rác rưởi, bèo bọt còn có cả xác các loài động vật.Bé thì như mèo, chuột, chó lợn, to thì như trâu bò, bê nghé. Đặc biệt có cả xác người chết trôi. Xác động vật vớt lên đào hố chôn, ủ với cỏ rác làm phân bón ruộng thì khỏi cần đến anh phân chuồng, phân hóa học, lúa vẫn cứ lên bời bời. Nhưng còn xác người chết có các vàng bố ai cũng chẳng giám làm thế vì nó phạm vào đạo đức, vào cõi tâm linh.

Từ thời xa xưa đến giờ vẫn lưu hành một điều luật không thành văn là tất cả những xác người chết trôi sông khi dạt vào bờ thuộc địa phận làng xã nào thì làng xã ấy phải có trách nhiệm vớt lên bờ lo liệu chôn cất,mai táng tử tế.

Cũng từ xa xưa dân làng Vực đã chấp hành nghiêm điều luật ấy.Họ cho rằng dù có luật,hay không có luật thì cũng thế thôi. Đó là nghĩa vụ của người sống với người chết. Với đạo lý của cha ông truyền lại: “Nghĩa tử là nghĩa tận”. Cứu giúp người xấu số âu cũng là sự vun đắp cho cái nhân, cái đức để lại cho con cháu muôn đời sau. Nhưng nếu chỉ là vớt người chết từ dưới nước lên bờ chôn thì quá đơn giản không cần bàn cãi. Nhưng trên thực tế để có thể chôn một người đã chết (dù là người chết trôi) là vô cùng phức tạp. Mà sự phức tạp ấy lại chính ở những người xấu số vì cái chết của họ là cái chết không bình thường. Người chết trôi nào cũng mang theo mình những bí mật với muôn vàn dấu hỏi. Họ là ai? Già hay trẻ? Là đàn ông hay đàn bà? Quê quán ở đâu? Vì sao bị đẩy vào hoàn cảnh thương tâm này. Những dấu hỏi bí ẩn ấy phải được giải mã trước khi cho hạ huyệt. Vậy ai giải mã và ra quyết định hạ huyệt nếu không phải là cơ quan thực thi pháp luật. Bằng phương pháp nghiệp vụ tinh thông, với sự hỗ trợ của các trang thiết bị khoa học kỹ thuật hiện đại để tiến hành điều tra nhưng không ít vụ việc khiến cơ quan pháp luật phải bó tay, đành khép lại bức màn bí mật ấy. Lý do bất khả kháng bởi người chết đuối được vớt từ dưới nước lên đều có chung một đặc điểm là hình hài của họ bị méo mó, biến dạng. Biến dạng đến mức mà chính người thân của họ cũng không thể nhận ra. Một phần do ngâm nước lâu ngày, bị sóng gió, nắng mưa làm rũa nát,một phần do tôm,cá rỉa rói… Những phần nhô ra khỏi cơ thể là những phần tiêu tan nhanh nhất. Ngay đến việc xác định được giới tính cũng không dễ dàng gì, chứ chưa nói đến những nội dung phức tạp khác.

Không còn cách nào khác là cơ quan thực thi pháp luật phải bảo đảm tính nghiêm minh của luật pháp, bảo vệ quyền sống của con người nên tiến trình điều tra phải tuân thủ theo một quy trình bắt buộc, bài bản. Không được phép làm ẩu, làm tắt, dù biết rằng có những thủ tục mang tính chất hành chính quá rườm rà, nhiêu khê đặt ra từ ngày xửa, ngày xưa. Nghĩa là ai phát hiện được người chết đuối trôi dạt vào bờ thì việc đầu tiên là phải kíp thời lên báo cáo xã. Xã báo cáo lên huyện. Huyện báo cáo lên tỉnh. Tỉnh và huyện phối hợp thành lập đoàn kiểm tra trực tiếp về xã để tiến hành điều tra, xác minh. Tiến trình vòng vo ấy lấy đi mất khá nhiều thời gian, tính kịp thời khiến cho công tác điều tra gặp khó khăn hơn. Đoàn kiểm tra bao gồm nhiều thành phần của các cơ quan hữu trách, trong đó không thể thiếu ba nhân viên pháp y, tất cả gói gọn trong chiếc xe mười lăm chỗ ngồi. Thời gian đoàn làm việc nhanh hay chậm phụ thuộc vào tính chất của vụ việc cũng như kết quả của công tác điều tra. Thông thường không thể kết thúc trước hai ngày vì một núi công việc. Có muốn cũng không thể kéo dài thêm vì để lâu cái xác thối rữa gây ô nhiễm môi trường. Với xã điều ấy không quan trọng lắm.Điều xã quan tâm hơn là vấn đề tài chính mà xã phải chi tiêu. Chẳng cần phải dùng đến máy tính, chỉ bấm đốt ngón tay cũng tính ra. Đoàn gồm mười lăm người chẳng hạn cộng với xã sáu bảy người nữa (kể cả người phục vụ) thế là hai mươi hai. Ăn sáng, ăn trưa, ăn chiều cộng với tiền chè thuốc sẻn ra chi cho mỗi thành viên trong đoàn ngày cũng phải mất một trăm năm mươi nghìn đồng, nhân với hai mươi hai người bằng ba triệu ba trăm nghìn đồng. Chi hai ngày là sáu triệu sáu. Ấy là chưa tính đến tiền mua hương hoa,vải liệm và cỗ quan tài cho người xấu số. Quan tài cho người chết đuối phải là quan tài ngoại cỡ mới nhét được, do vậy phải đặt xưởng gỗ trên phố huyện cách xã mười cây số đóng mới. Tiền xe đi về thử tính xem?

Rõ ràng mỗi vụ làm nghĩa tử, nghĩa tận như vậy xã phải chi ra trên chục triệu đồng là cái chắc.Nếu vụ nào may mắn có thân nhân người chết đến nhận, họ chi đỡ cho một phần thì tốt, bằng không xã phải lo hết.

Năm một vụ ngần ấy tiền. Năm vài ba vụ tiền xã phải chi sẽ là bao nhiêu? Chi rồi quyết toán ra sao? Tỉnh, huyện hứa sẽ cấp đầy đủ, nhưng hãy đợi đấy… Ngày còn bao cấp chủ nhiệm hợp tác xã xé tờ lịch ký một chữ lằng ngoằng, lệnh xúc thóc trong kho ra bán là xong, giờ giao ruộng, giao đất cho hộ gia đình rồi thì đến từng nhà mà thu hay sao. Chẳng còn cách nào khác là phải rút tiền từ hòm của thủ quỹ xã mà hòm của thủ quỹ xã lâu nay đã là nơi lý tưởng để các loài dán định cư. Thực ra thì xã cũng có mấy nguồn thu từ phúc lợi: bán đất, thuê đất, thuế chợ, thuế đò ngang, đò dọc, phạt người vi phạm giao thông,gây mất trật tự an ninh thôn xóm… Số tiền ấy có đáng là bao so với các khỏan xã phải chi,không thể không chi. Nào là chi cho đại hội Đảng các cấp, đại hội hợp tác xã,các đoàn thể, chi cho tổ chức các ngày lễ lớn trong năm,ngày khai giảng năm học mới, ngày thương binh liệt sỹ, thăm hỏi gia đình có công với cách mạng,gia đình neo đơn… Nếu ngân sách xã không bị thâm đã là phúc lắm chứ đừng nghĩ đến chuyện bóc tách từ đây. Nói vậy nhưng cái việc nghĩa tử,nghĩa tận xã vẫn phải làm. Không phủi tay được. Nhưng làm thì phải chi. Hết tiền chi thì phải vay ngân hàng.Vay ngân hàng thì phải trả lãi xuất. Đó là nguyên tắc… Trong lịch sử ngành ngân hàng chỉ thấy cho vay lãi xuất thấp đối với lĩnh vực đầu tư phát triển sản xuất của doanh nghiệp tập cũng như tư nhân chứ chưa bao giờ lại ưu tiên cho vay lãi xuất thấp để tổ chức điều tra vụ án, để chôn cất người chết đuối. Vậy thì phải lách luật để vay. Vụ này vay, vụ kia vay, lãi mẹ đẻ lãi con vài năm cộng lại khoản tiền xã vay cũng kha khá. Khó trả…

Để giải quyết khó khăn này, vài năm gần đây xã đã ngầm ra một chỉ thị, nhưng không viết thành văn bản. Nếu viết thành văn bản có đóng dấu đỏ chóe hẳn hoi tỉnh, huyện mà bắt được thì cốt cán xã có mà mất ghế hàng loạt, ngồi bóc lịch, ăn cơm cân cả nút. Chỉ thị là tất cả các xác chết trôi dạt vào địa phận của xã nhà, ai trông thấy thì phải nhanh chóng đẩy ra ngoài dòng nước cho trôi sang địa phận xã khác. Với cái lập luận rất vô trách nhiệm: “Hoa thơm để mỗi anh ngửi một tí cho nó biết mùi”.Chỉ thị là vậy nhưng chẳng có ai thi hành. Hỏi dân, dân bảo họ không làm cái việc vô lương tâm ấy dù có miễn thuế nông nghiệp cả đời cũng mặc. Việc này trước đây giao cho lực lượng TNXP. Nay lực lượng TNXP không còn nữa, đẩy xã vào thế bí. Xã phải cử cán bộ đích thân xuống làm việc với cánh thuyền chài cũng không xong.

Bực thế chứ! Tìm hiểu sâu mới biết. Cánh thuyền chài từ xa xưa thực hiện một điều cấm kỵ là không bao giờ cứu vớt người chết đuối vì cho rằng người chết đuối là do ông Hà Bá bắt ai cứu vớt thì bản thân hoặc người trong gia đình phải thế chân nên họ sợ không giám làm. Do vậy cánh thuyền chài không dám chìa tay ra nhận đồng tiền thuê khoán hậu hĩ ấy dù hũ gạo trong thuyền cạn trơ đáy đi nữa. Hoặc giả bị chính quyền đuổi ra khỏi khu vực sông nước do xã quản lý cũng cam lòng. Hết cửa, chủ chốt xã phải nhóm họp bất thường để phân công cán bộ phụ trách công việc cụ thể. Đồng chí A chỉ sang đồng chí B,đồng chí B chỉ sang đồng chí C.Đồng chí C quay mặt đi chỗ khác…Sự việc tưởng đi vào ngõ cụt,ai ngờ lại được một công dân hạng chót, một cử tri bất đắc dĩ khai thông .Đó là ông Hoán.Gọi là ông là theo tuổi tác chứ còn hơn bốn ngàn dân trong xã từ trẻ đến già ai cũng gọi ông Hoán với những cái tên ghép chẳng hay ho gì: “Hoán say”, “Hoán cá” “Hoán chôm”… Bởi nó gắn với những việc làm để lại tai tiếng mà ông Hoán đã gây ra.Cán bộ chủ chốt xã mừng đến sút đầu gối.Nhiều vị không giữ được mồm miệng đã vỗ đùi,thốt lên: “ Hừ!Tay Hoán này thế mà anh hùng.Phải đề nghị thưởng cho hắn cái huân chương mới xứng đáng…”Xã còn ngạc nhiên hơn khi hỏi giá đẩy một cái xác chết trôi ra khỏi địa bàn là bao nhiêu? Hồi hộp.Chờ đợi.Hoán ngửa cổ nhả khói thuốc lào xong,nhổ đánh toẹt bãi nước bọt vào lòng bàn tay xoa xoa mấy cái rồi tuyên bố xanh dờn: “Cút rượu, bìa đậu. Xong”. Dân xã biết chuyện nhiều người xâng xâng chửi Hoán từ làng trên, xóm dưới: “Cha đời cái thằng giời đánh,thánh vật không chết quách đi cho rồi.Chết thì bớt một miệng ăn chứ sống mà làm cái việc vô luân,thất đức ấy thì nhục nhã lắm…Xã mình đã hết vận rồi sao lại nảy nòi ra cái giống quái ấy chứ.” Đổi lại cũng có người cảm thông: “Nói gì thì nói chứ lão Hoán sống vật, sống vờ, ngày kiếm không đủ cái đút miệng thì nhận làm là phải thôi. Nghĩ cho cùng chẳng mất vốn mất lãi gì mà lại có tiền đút túi. Vả lão tứ cố vô thân không nhà, không cửa, không vợ con, có để họa cho ai đâu mà sợ. Mấy người lửng lơ: “Toàn một lũ đạo đức giả, phét lác! Thử hỏi xã này mà phi tay Hoán  thì có đứa nào dám làm. Nói đi…”

Đúng vậy, nếu không có tinh thần xung phong của ông Hoán thì mỗi hộ gia đình cứ chuẩn bị sẵn ra một khỏan tiền để đóng cho xã là vừa, gọi là tiền góp “Quỹ tâm linh” như là cách làm trước đây. Bản tính cố hữu của con người là bất cứ việc gì không làm ảnh hưởng đến quyền lợi, miếng cơm manh áo của mình thì cũng xem như không. Dân xã biết cái quyết định ngầm của chính quyền là sai trái nhưng không ai hé răng nói nửa lời. Ngay cả các phe nhóm đối nghịch trong xã thường dùng mọi thủ đoạn để dành từng lá phiếu của cử tri mỗi khi có bầu bán cũng không lấy cái quyết định sai trái này ra làm vũ khí chơi nhau.

Ông Hoán có nghe, có biết những lời to nhỏ ấy,nhưng bỏ ngoài tai. Việc Hoán, Hoán làm chả đụng đến cha con thằng nào mà sợ. Bình thản. Mỗi vụ: “Cút rượu, bìa đậu. Xong.” Công việc mà ông Hoán làm lâu lâu đã thành quen. Quen với cả dư luận. Mà rồi để sống ai cũng phải tất tưởi chạy ngược,chạy xuôi lo kiếm miếng cơm, manh áo chứ còn thì giờ đâu mà ngồi “buôn dưa lê”mà đàm tiếu. Mọi người xem đó là chuyện thường ngày ở xã.

Nhưng rồi đến một hôm cả làng trên, xóm dưới ngã ngửa người khi nghe một cái tin sét đánh: ông Hoán… đã bị công an huyện bắt vì tội có liên quan đến vấn đề vàng, bạc từ những cái xác chết trôi sông…

Người nhà quê có năng khiếu truyền tin, nhanh hơn cả các phương tiện thông tin hiện đại nhất. Cái tin động trời trên dù chưa qua kiểm định đã nhanh chóng được phủ sóng trên toàn bộ địa bàn xã. Các kênh dư luận đối chọi nhau chan chát. Người thì bảo Chẳng vô cớ  mà lão Hoán muối mặt nhận làm cái việc thất nhân, thất đức ấy nếu như không

Có “màu” không kiếm được kha khá đồng tiền, chứ lão dại gì… Thì ra lâu nay lão đóng kịch,giả nghèo,giả khổ. Trộm buồng cau, nải chuối con gà, con cá chẳng qua là để che mắt mọi người không chú ý đến mình chứ ngầm bên trong thì hắn chơi những quả đậm.Mấy người chết trôi mà không mang theo tiền, nhẫn vàng,đồng hồ kia chứ. Mỗi năm vài ba vụ hắn không giàu mới là chuyện lạ. Người bảo phải xem xét cho kỹ đã, chứ đừng vu oan giáo họa cho hắn. Đã là cái xác chết trôi thối rữa ra thì còn cái con mẹ gì mà màu với chả mè… Có chăng là màu mè của lũ tôm, cá đói ăn. Mấy người lâu nay xem thường, khinh miệt ông Hoán thì giờ đây bỗng ngả sang thương cảm.Nói gì thì nói chứ phải công nhận lão Hoán bề ngoài trông bất hảo vậy đấy, nhưng bên trong hắn hiền như cục đất. Cả đời chả to tiếng với ai bao giờ. Nhà nào có công việc, dù to, dù nhỏ gọi đến Hoán, Hoán giúp. Trả công Hoán bao nhiêu Hoán nhận, không tính toán,so đo bao giờ. Đời hắn gói lại mấy chữ: “Cút rượu, bìa đậu. Xong” thế thôi. Câu nói cửa miệng của Hoán đã được dân xã dùng trong nhiều trường hợp khi bàn bạc ký hợp đồng,làm ăn kinh tế, giao lưu… Con người ấy sao có thể dính vào cái việc động trời ấy… Đám thanh niên choai choai ngồi quán nói bằng giọng rượu bia, bằng lời qua, tiếng lại.Lời qua! Xã mình nếu lập kỷ lục thì ông Hoán phải là người có tên đầu tiên với những kỷ lục được xác lập.Người chọc tiết lợn nhanh, sạch nhất xã. Người đào xong cái ao rộng cỡ sào ruộng chỉ trong bẩy ngày với độc nhất một chiếc kéo dây. Người bốc xong một ngôi mộ chỉ trong vòng ba mươi phút,chưa bao giờ để sót dù một đốt xương tay, xương chân nhỏ nhất. Tiếng lại! Xã cũng còn khối hảo hán lập nên kỳ tích nữa, nhưng xét ra cũng làng nhàng, chưa là cái đinh gì. Vứt. Ghi vào Gi nét chỉ tốn giấy mực.

Xưa các cụ nói đời cha ăn mặn đời con khát nước, nhưng giờ ăn mặn là khát nước ngay. Người làm điều thất nhân, thất đức phải trả giá ngay không cần đợi đến đời con,đời cháu sau này. Chuyện ông Hoán bị bắt đi tù chính là ác giả, ác báo chứ chẳng còn oan trái gì. Công an họ phải điều tra cẩn thận thì mới ra lệnh bắt chứ, bắt bừa bãi sao được. Nghĩ thì thương lão Hoán đấy, nhưng suy cho cùng thì cũng có điều an ủi. Dù ở ngoài hay ở trong tù đối với lão cũng chẳng có gì khác. Khác chăng là ở ngoài lão được tự do, muốn đi đâu thì đi, muốn làm gì thì làm,giờ phải quanh quẩn trong bốn bức tường trát xi măng. Nhưng bù lại ở tù lão có nơi ăn chốn ở ổn định. Mưa nắng, muỗi rãn chẳng lo. Đến bữa có người bê cơm đến tận miệng. Chắc chắn bữa ăn dù nhiều, dù ít cũng phải có thịt, có cá,có canh riêu chứ kém gì. Chỉ phiền một nỗi là không có rượu. Đã là phạm nhân thì ai cho uống rượu. Thèm nhưng cũng chịu được. Đã chẳng phải đụng tay, đụng chân vào việc gì, thế là tốt lắm rồi.

Ba ngày đầu bị bắt ông Hoán phải ngồi sau chấn song sắt. Ngày thì nóng như trong lò gạch. Đêm thì muỗi bay như trấu. Cũng chẳng sao, hắn quen rồi. Nóng thì hắn cởi trần, lăn xuống gầm phản. Còn muỗi cũng dễ trị thôi. Cứ rít liền ba điếu thuốc lào nhả khói mù mịt là lũ muỗi cay mắt chuồn sạch, thế là yên tâm kéo gỗ đến sáng. Từ ngày thứ tư Hoán được ra ngoài phòng giam. Lý do: có thể là các chú công an thương hắn vì trời nóng quá và cũng có thể biết hắn không trốn chạy. Có nơi nào đâu mà hắn trốn chạy, nên cũng chẳng cần áp dụng biện pháp quản chặt.

Nói là vào trại ông Hoán không phải làm gì thì cũng chưa hẳn đúng bởi chiều nào cũng phải lên phòng thẩm vấn. Trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại, lần sau giống lần trước, lần trước giống lần trước nữa, xoay quanh chỉ là mấy vụ gây mất trật tự trị an thôn xóm sảy ra trước đây. Ông Hoán gần như thuộc lòng cả câu hỏi, cũng như câu trả lời. Có một thói quen cố tật dù người hỏi chuyện mình là ai, trẻ hay già, trai hay gái ông Hoán cũng xưng “em”… Xưng em ngọt sớt. Vâng! Buồng chuối của bà Tèo ở xóm Trại là do em chặt, nhưng mà suy cho cùng cũng là tại vì buồng chuối ngả ra đường chắn lối đi, đêm về qua mấy lần em bị va đầu vào đấy sưng vếu, em có đề nghị bà Tèo buộc giây thừng kéo cao lên nhưng bà Teò không nghe còn mắng em là thằng mù mới không nhìn thấy. Ức! Sẵn con dao trong tay em chặt phéng. Chặt rồi, vứt đi thì tiếc, em vác về dựng ở góc nhà đợi chín ăn dần. Ăn được mấy quả nhồi nhội chát quá, đành bỏ để mặc cho lũ chuột ngứa răng chúng nó xử lý. Khi hỏi về thủ đoạn nào để mò trộm được cá trong ao mà không bị chủ nhà phát hiện, tự nhiên ông phấn khích hẳn lên, cảm thấy như mình đã gặp được người tâm đắc, tri kỷ muốn biết,muốn hiểu về ngón nghề độc chiêu của mình mà từ xưa đến nay chưa ai hỏi và ông cũng chưa kể cho ai nghe bao giờ.

Hoán bật đứng dậy vớ lấy tờ báo Nhân Dân rồi trải ra mặt bàn, bắt đầu giọng sôi nổi,hồ hởi diễn giải từng chi tiết, quên mất cả thân phận mình hiện tại… Chính quyền ạ: em chỉ cần một mảnh lưới to bằng này thôi, rồi Hoán làm động tác hai chân kẹp hai mép lưới ấn sát xuống mặt đất, còn hai tay túm nhẹ hai mép lưới kia  vươn ra phía trước. Khe khẽ tụt xuống góc ao. Nhưng nhớ là phải nhẹ nhàng không để chó cắn. Mà bất đắc dĩ nó cắn  là việc của nó. Việc mình,mình cứ làm.Bọn chó tiếng là tinh mắt,thính tai vậy chứ cũng ngu lắm. Chúng chỉ cắn khi thấy bóng người thấp thoáng trên bờ ao,chứ khi mình đã tụt xuống nước rồi thì cu cậu cúp đuôi, lủi thẳng… Cứ vậy em rê mảnh lưới trên măt bùn, lũ trôi, chép đêm ăn chìm đụng vào là em chụp xuống. Xong. Em thú thật với chính quyền chứ dùng cái “chiêu”ấy chỉ vài tiếng em có thể bắt sạch cá trong ao,nhưng em không nỡ làm thế. Em nhất quyết chỉ bắt hai đến ba con, chứ không bắt đến con thứ tư. Mấy mụ hàng cá xúi “em”cứ phải bắt nhiều nhiều vào mà bán cho chúng tôi thì mới có nhiều tiền, mới giàu được chứ… Em bực quá mắng cho biết mặt. Giàu thì rồi cũng như ông vua Ngô thôi… để làm gì chứ… Các mẹ tham mà ngu lắm…Bắt cạn kiệt thì mai còn gì mà bắt. Em cũng đã nghĩ kỹ rồi với mấy chục cái trong làng lần lượt quay vòng cả năm em sống ngon, vạ gì. Các mẹ ấy chọc em đi đêm lắm rồi có ngày cũng gặp ma. Gặp ma thế nào được.Em phải có mẹo chứ. Thế này nhá: khi tụt xuống ao là em cởi trần,mặc độc có cái quần đùi lá tọa rộng thùng thình, bắt được con nào em cuộn vào cạp quần con ấy, đủ số, bò lên bờ vắt cái lưới qua vai, như là vắt cái áo cứ thủng thẳng bước, chả ai để ý. Vào chợ, đến hàng cá đã hẹn trước, khẽ cúi người xuống, lật cái cạp quần, rồi nghe hai tiếng toạch toạch… là xong. Chìa tay nhận túm gạo đủ ăn một ngày…. Còn cái vụ trộm chó em đã thú nhận rồi. Em trộm con chó kiến chỉ to cỡ cái phích lít rưỡi thôi nhưng khi dựng lại hiện trường xã bắt em phải ôm con chó lai Tây to tướng để chụp ảnh. Em phản đối. Xã quy cho em là chống lệnh. Em đâu dám chống lệnh. Sự thực là em bắt con chó bé nhưng lại bắt em chụp ảnh với con chó to là không đúng sự thật. Nể xã mà tặc lưỡi khác nào em tự đẩy mình vào chỗ chết. Em bị oan,em kêu oan là đúng chứ ạ… Thưa! Còn cái việc họ tố em lấy vàng bạc của người chết thì… Sao ở đời lại có người ác đến thế kia chứ. Em tiếng là hay trộm vặt,nhưng  đâu dám đụng vào những việc tày trời như thế… Ngày tư, ngày rằm em vẫn lên chùa đấy. Họ bảo em chôn dấu ở đâu thì xin chính quyền cứ cho đào lên là biết. Đúng,em xin chịu tội.

Với cái giọng tưng tửng hồn nhiên như đùa, như thật ấy thì chẳng ai có thể tin được ông Hoán, chứ đừng nói gì đến cơ quan pháp luật. Nhiều câu hỏi nghi vấn đã được đặt ra. Phải tổ chức một cuộc điều tra nghiêm túc tại hiện trường thì mới có kết luận chính xác được.

***

Chiều cuối hè, nắng có dịu đi nhưng cái nóng thì vẫn hầm hập. Không biết Facebook nào loan tin mà dân làng Vực và các vùng xung quanh, già trẻ, gái trai đã ô nón kéo đến ngồi kín sườn đê hướng ra bãi cát nối đến bờ vực. Một cái lán phủ bạt được xã dựng lên từ sáng, bên trong kê vài cái bàn và mươi cái ghế nhựa xanh đỏ. Cạnh bờ vực kê một cái bàn nhỏ trên bày nải quả,lọ hoa,mấy xếp giấy tiền âm phủ, khói hương tỏa nghi ngút khiến cho những người tò mò không khỏi hồi hộp, đoán già, đoán non. Sau tiếng loa ọ ẹ phát đi mấy lời thông báo cụt ngủn, phái đoàn điều tra liên ngành đi ra, theo sau là ba người đàn ông vai mang cuốc, xẻng. Bước chân họ ngả nghiêng trên cát như say rượu. Ông Hoán đến quỳ trước ban thờ chắp tay vái lạy mấy cái và lầm rầm khấn vái gì đó,cuộc khai quật “kho báu” bắt đầu. Giờ thì dân làng Vực đã tràn xuống bãi cát với lời qua, tiếng lại, chen lấn xô đẩy nhau. Dân quân xã phải mất hồi lâu mới lập lại được trật tự.

Ông Hoán và hai cộng sự làm việc dưới sự giám sát của thành viên đoàn điều tra đại diện cho huyện, xã. Công việc đòi hỏi tiến hành khẩn trương nhưng phải hết sức cẩn trọng Dân làng Vực chăm chú theo dõi từng động tác dù nhỏ nhất của ông Hoán và đã chứng kiến hết bất ngờ này đến bất ngờ khác. Họ không ngờ bên dưới rẻo đất pha cát cạnh bờ vực phẳng lì lơ phơ mấy bụi cỏ dại thường ngày bọn trẻ thả trâu bò, hoặc đùa chơi lại là nơi lưu giữ hài cốt của sáu con người không rõ giới tính, họ tên, quê quán.Từng quen với công việc này nên chẳng cần nhiều thời gian với bàn tay thuần thục, khéo léo của mình, ông Hoán đã tỉ mỉ “tắm rửa” sạch sẽ cho từng bộ hài cốt và đặt gọn ghẽ trên những tấm ni lon trải sẵn,rồi gói lại cẩn thận. Những giọt mồ hôi đẫm ướt trên khuôn mặt hốc hác của ông Hoán toát lên sự thành tâm hiếm thấy. Nhiều người đã rân rấn nước mắt. Sự thật đã được phơi ra trước thanh thiên, bạch nhật. Chỉ có hài cốt,hài cốt,chẳng thấy vàng bạc kim cương đâu cả. Những câu hỏi nghi ngờ đặt ra. Hay là ông Hoán dấu ở nhà? Lão đang ở trong cái kho cũ của hợp tác xã chứ có nhà đâu mà dấu.Chắc chắn là nhờ ai đó thân thiết giữ hộ? Lão tứ cố,vô thân có ai thân thiết đâu mà nhờ… Xét về chi tiêu hàng ngày của lão cũng chẳng thấy có gì bất thường. Ngày nào cũng chỉ: “Cút rượu bìa đậu. Xong.” Vậy rõ là lão bị oan rồi…

Đoàn điều tra gặp hết sự cố này đến sự cố khác phát sinh nằm ngoài dự kiến phải hội ý khẩn cấp bàn xử lý. Đó là việc phải khẩn cấp điều xe lên phố huyện mua sáu chiếc tiểu sành để đặt hài cốt cho người xấu số. Không thể chôn họ trong mấy cái túi ni lon được. “Kho báu”của ông Hoán chỉ duy nhất tìm được trong ngôi mộ thứ năm, đó là một chiếc răng bọc vàng mà không biết có phải là vàng thật hay không. Điều khiến mọi người không chỉ ngỡ ngàng mà còn vô cùng sửng sốt khi nghe tiếng khóc của ai đó từ đám đông ré lên, kể lể ai oán. Dân làng Vực nhận ra đó là thân nhân của người quá cố có chiếc răng vàng đã sứt một góc. Thì ra ông này người miền ngược bị lũ cuốn trôi cách nay đã bốn năm rồi. Không biết kênh nào đã loan tin mà từ tận đẩu đâu số người quan tâm đã biết và tìm được đến đây chiều nay. Lại một bất ngờ khác khi một người đàn bà tuổi trạc trên dưới bốn mươi người thấp,đậm đột ngột xuất hiện. Bà ta đứng trước dân làng Vực và đoàn điều tra tự thú tội đã vu cáo kẻ lấy trộm vàng của chồng bà là người chết trôi. Chuyện là chồng bà làm giám đốc của một công ty xây dựng ở một tỉnh nọ bị quy dính vào một vụ tham ô lớn nhưng thực tế là không có chuyện đó, bà đã xui chồng trốn đi thật xa để khỏi dính vào vòng lao lý làm mất thanh danh của gia đình, dòng họ. Rồi bà dựng chuyện chồng đã ra cầu tự tử và mang theo mấy lượng vàng nhằm tung hỏa mù che mắt cơ quan pháp luật và dư luận. Cuộc điều tra kết thúc, chồng bà được minh oan. Bà đã gọi chồng từ nơi lẩn trốn trở về và giờ ông đang  có mặt ở đây. Bà chỉ tay về phía  người đàn ông có dáng người cao dỏng, mặc áo véc tông màu xám đang đứng khoanh tay, cúi mặt trước ban thờ cạnh bờ vực. Bà cầu xin mọi người tha thứ và cho mình được chi trả toàn bộ kinh phí của cuộc điều tra, xem đó như là một sự sám hối.

Thấy công việc cũng đã hòm hòm, một vị cán bộ đại diện cho đoàn điều tra sốc lại quần áo bước ra trước máy phóng thanh nói  lời phi lộ. Giọng ông trầm, ấm nhưng buồn buồn. Ông thông báo vắn tắt diễn biến của sự việc và kết quả của cuộc khai quật. Thế là sự thật đã được làm sáng tỏ. Vậy là từ trước đến giờ ông Hoán đã không đẩy một cái xác chết trôi nào ra khỏi địa bàn xã. Ông biết dù có dùng cái sào dài đẩy cái xác ra thật xa chăng nữa thì rồi vòng xoáy của cái vực cũng cứ vòng vo một hồi lại cuộn cái xác vào bờ. Đợi đêm xuống dân làng Vực đã ngủ yên, ông lại lẳng lặng ra bờ vực vớt cái xác lên bãi cát chôn. Rồi theo cách riêng của mình ông cẩn thận đánh dấu từng ngôi mộ một, phòng sau này có người nhà người xấu số đến nhận.

Ông Hoán không những được đại diện chính quyền xã minh oan mà còn được ghi nhận là một công dân sống trong sạch, có nhân, có đức. Tóm lại ông là người tử tế. Nhân diễn đàn này, xã cấm từ nay mọi công dân không được gọi ông Hoán bằng những cái tên xách mé, thiếu tôn trọng.

Chẳng biết ông Hoán có nghe được những lời phát ra từ chiếc loa phóng thanh hay không, chỉ thấy ông ngồi khoanh chân trên cát trước ban thờ, cạnh bờ vực gió lộng, hai mắt vô hồn. Trước mặt ông là cút rượu, bìa đậu. Ông khẽ khàng đặt chiếc chén lên môi, nhấp nhấp. Chừng như ông muốn thời gian ngưng lại để được nhâm nhi chút nắng, chút gió cuối chiều của trời đất ở một làng quê nghèo.

Nam Định - Hòa Bình, 15/11/2015

Phạm Trường Thi

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...