Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

 

Bến quê buộc mảnh trăng vàng chơi vơi

“Chòng chành câu hát sang sông/ Chơ vơ ta đứng phải lòng chầu văn/ Trông vời nước chảy mênh mang/ Bến quê buộc mảnh trăng vàng chơi vơi…”

Nhà thơ Trần Văn Lợi sinh năm 1976 tại Nông trường Rạng Đông, nay là thị trấn Rạng Đông, huyện Nghĩa Hưng, tỉnh Nam Định; Cử nhân Sư phạm Ngữ văn; Hội viên Hội VHNT Nam Định và Hội Nhà văn Việt Nam.

Tác phẩm của Trần Văn Lợi đã xuất bản: Miền gió cát (thơ -2000) Lật mùa (thơ – 2005), Bàn tay châu thổ (thơ – 2010), Qua những mùa trăng (nghiên cứu, phê bình – 2015), Mùa hoa xoan tím (tản văn – 2016), Đã như là hóa thạch những mồ hôi (thơ – 2019).

Nhà thơ Trần Văn Lợi đã được trao các giải thưởng văn học như: Giải nhì thơ của Hội VHNT Nam Định, 2000; Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh lần thứ IV, lần VI,  lần VII, lần VIII của UBND tỉnh Nam Định; Giải thưởng Cuộc vận động sáng tác về nông nghiệp và nông thôn mới của Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ NN & PTNT, 2016; Giải thưởng Liên hiệp Các hội VHNT Việt Nam, 2019…

____________________________

CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC NAM ĐỊNH:

>> Nhà thơ Đoàn Văn Cừ: Từ chợ quê đến… vợ quê

>> Truyện ngắn Lê Hà Ngân: Bão tơ hồng & Giấc xuân

>> Nhà văn Y Ban bàn về chuyện nói bậy của quê mình

>> Bà chúa Cột Cờ – Truyện ký của Phạm Trọng Thanh

>> Nguyễn Bính – lạc chốn thị thành

>> Thơ Phạm Trường Thi: Làm vua chết chẳng được chôn đúng mồ…

>> Lão Bõm – Tiểu thuyết của Trần Quốc Tiến – Kỳ 3

>> Lão Bõm – Tiểu thuyết của Trần Quốc Tiến – Kỳ 2

>> Lão Bõm – Tiểu thuyết của Trần Quốc Tiến – Kỳ 1

>> Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 3

>> Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 2

>> Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 1

Lời hạt muối

 

Tôi là con của biển khơi

Kết tinh tình nước và trời mà nên

Phận đành bé nhỏ, lặng yên

Vẫn mang một dáng vẻ riêng trên đời

 

Trái tim soi bóng mặt trời

Gừng cay muối mặn.. thành lời sớm trưa

Yêu nhiều nắng, chẳng cần mưa

Không quen lạnh nhạt,  chẳng ưa ồn ào

 

Dẫu từng nóng bỏng khát khao

Dẫu từng vỡ vụn xót đau lòng mình

Vẹn nguyên màu sắc trắng tinh

Giữ gìn vị mặn nghĩa tình cho nhau

 

Tôi lên phố lạ, rừng sâu

Kể chi nghèo khó, sang giàu người ơi

Thế gian mía ngọt, khoai bùi

Riêng tôi chút mặn một đời hiến dâng

 

Người đi về biển

 

Những người đi về phía biển

Hơi thở nồng vị đất đai

Bước chân đặt niềm hi vọng

Gánh gồng mùa xuân tương lai

 

Ý nghĩ mạnh như nhát móng

Cắm ngang con sóng bạc đầu

Đắp lên tên làng, tên xóm

Phì nhiêu ruộng lúa, nương dâu

 

Cánh tay trần săn dây chão

Buộc mây níu bão dựng nhà

Sức vóc đê quai vạm vỡ

Đẩy lùi biển đứng ngoài xa…

 

Trai làng mình trần đá tảng

Ngực căng phồng cánh buồm nâu

Quen đời ăn gió nói bão

Thuộc từng luồng lạch nông sâu.

 

Những con người hiền như cát

Thương nhau chẳng thích nói vòng

Tình trao mặn nồng câu hát

Đủ chèo chống vượt bão giông.

 

Mồ hôi nuôi trồng hạnh phúc

Đào, đắp khát vọng truyền đời

Niềm vui hiện dần trong mắt

Thương người, thương biển quê tôi

 

Làng

 

Làng nằm kề cửa bão dông

Chênh vênh chừng tuột vào lòng biển khơi

Sóng xô mây dạt mép trời

Rì rầm bãi vọng muôn lời trùng dương

 

Tôi là con của yêu thương

Từ trong gió cát tìm đường đi ra

Khát thèm những mảnh trời xa

Nông sơ chưa biết phù hoa xứ người

 

Tôi mang vị muối mặn mòi

Chút nồng nã của đất trời khát khô

Tiếng cười ngọng líu ngọng lô

Sóng hằn khuôn mặt sạm thô dãi dầm

 

Với quê ân nghĩa sâu đằm

Giữ làm vốn liếng cho năm tháng dài

Tôi đem phung phí thời trai

Tiêu pha còn lại mấy bài ca dao

 

Sau này mới hiểu vì sao

Xa quê tôi chẳng lẫn vào thế gian

Tháng ngày tấp tểnh lo toan

Xưa tôi nào biết bạc vàng gì đâu!

 

Đi qua hạnh phúc thì mau

Tôi đi qua chuyện buồn đau lại dài

Tâm hồn xanh vía  đất đai

Cơn mê thấp thoáng hình hài tuổi thơ

 

Mái đầu chan nắng chan mưa

Dần vơi tiếng hát, dần thưa nụ cười

Dù không tính lãi với tôi

Nhưng tôi mắc nợ suốt đời với quê

 

Phải lòng chầu văn

 

Con thuyền khoả bóng dân ca

Bâng khuâng bờ bãi, nõn nà mây trôi

Chầu văn như thể gọi mời

Mái chèo khoan nhặt, buông lời thiết tha

 

Có mình lại có thêm ta

Bồng bềnh tiếng hát, lân la bóng chiều

Chạm vào ánh mắt trong veo

Nón nghiêng để lỗi nhịp chèo, mình ơi!

 

Nương dâu thấp thoáng dáng người

Ngỡ như nắm được tiếng cười gái quê

Vòng vèo đi hết dải đê

Dọc, ngang lối rẽ cũng về bến sông

 

Chòng chành câu hát sang sông

Chơ vơ ta đứng phải lòng chầu văn

Trông vời nước chảy mênh mang

Bến quê buộc mảnh trăng vàng chơi vơi…

A painting of trees and water

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Hoàng A Sáng

 Lật mùa

 

Tôi trở về canh tác ca dao

Bước chân thời gian giẫm vẹt mòn gốc rạ

Ánh mắt cày trên bình minh ngày hạ

Cần mẫn vụ chiêm lật xuống vụ mùa

 

Cánh đồng làng đã quen như nắng mưa

Đất mở ra đón thêm nhiều dự định

Những luống phù sa thịt da căng mịn

Như sợi dây buộc tôi với cánh đồng

 

Tôi cày mãi, cày mãi…chưa ra khỏi cánh đồng

Vẫn giấc mơ giọt bùn trổ bông thành hạt thóc

Sau những đường cày nổi chìm khó nhọc

Mới thấy đất đai trải ra khát vọng rất nhiều

 

Nắng mấp mô, nhễ nhại cánh đồng chiều

Tôi như luống cày nằm chờ ngày gieo hạt

Điếu thuốc lào vê tròn hương vị đất

Con trâu già nhai ngọn khói non tươi

 

Khi đã lặn trong nhau những mặt ruộng, mặt người

Tôi buộc mảnh trăng sừng trâu vào giấc ngủ

Nghe cánh đồng dào lên cơn gió chở đầy hương cỏ

Một niềm vui mát rượi nhú mầm non…

 

Chị thôi kín nước

 

Những người đàn bà quẩy đôi thùng ra mùa xuân kín nước

Rồi gánh dòng sông  đi vào trong ký ức của làng

Từ buổi chị tôi giẫm lên vết nhọc nhằn truyền kiếp

Dòng sông sóng sánh đa mang

 

Dòng sông dâng tặng chị cơ man nào con sóng

Vầng trăng mười sáu tuổi tròn đầy

Câu hát trong veo “ bắc cầu dải yếm”

Và chị thả xuống bến sông này thời con gái mê say

 

Cho đến ngày cái chum nước bên gốc cau làm vỡ vầng trăng

Vỡ trăm ngàn con sóng

Vỡ khoảng trời pha- lê mơ mộng

Sau câu nói nặng như nỗi đau từ phía nhà chồng

 

Chị tức tưởi đi tìm… úp mặt xuống mênh mông

Mới biết bờ vai không mềm như sóng

Mới biết dòng sông không hẹp một gang

Và vầng trăng sâu thẳm kia không hằn nếp lo toan

 

Hai hàng nước rơi chị mang về từ bến sông ngày nọ

Giờ vẫn vơi đầy những bước chân

Chị tròng trành giữa quên quên… nhớ nhớ

Trăm năm không múc cạn lòng mình.

 

Tự sự mưa

 

Bầy chim sẻ bay về tạm trú trong nỗi nhớ của tôi

Khi cơn mưa từ ký ức xa xôi tìm gõ cửa

Ơi những giọt mưa bóc trần như viên bi nhỏ

Những giọt mưa không ướt mắt chuồn chuồn

 

Thuở cơn mưa chưa biết tạt xuống lo buồn

Chỉ thấy gieo vào chúng tôi tràn đầy thoả thích

Chưa con gái con trai, đất trời cùng tinh nghịch

Chưa biết dại hay khôn, tuổi thơ không ranh giới tiếng cười

 

Tiếng ếch trôi nổi chìm rồi mắc cạn trong tôi

Mưa giăng màn quây xóm làng mờ tỏ

Phải cơn mưa đi ra từ ca dao, tục ngữ

Mà tất cả hiền lành và thân ái, mát trong

 

Mưa vô tư gieo hạt trên bờ bãi, ruộng đồng

Trao cho người sự hồn nhiên, đất nở nang sinh lực

Những trận cười của lũ trẻ làng như chưa hề tạnh dứt

Kỷ niệm còn lắng đọng và soi bóng vào nhau

 

Chúng tôi như những giọt mưa nhảy trên đường làng đầy vết chân trâu

Rồi hoà mình vào dòng sông đi biền biệt chân trời góc bể

Những cơn mưa đồng hành dọc đời tôi như thể

Chẳng thấy nơi đâu tuổi thơ trong mát đến nhường này!

 

Đã như là hóa thạch những mồ hôi…

 

Nhồi trong mình bao nhiêu đất thịt

rồi nện cho thật khít

găm vào trăm ngàn đinh tre nhọn sắc

những vòng dây mây thít chặt

thành cối xay

sinh ra những vòng quay mỏi mệt.

 

Đời cối xay chồn chân bên chái bếp

quen ánh đèn leo lét sớm khuya

giần sàng, thúng mẹt, nong nia

âm thanh rì rì thóc vỡ

dáng khó nhọc dập dồn hơi thở

cái không gian bụi bặm cũ nhàu

từ đời trước nhòa bóng xuống đời sau

bao thế hệ làm dâu má thắm

đánh đu cùng cối xay

mòn thanh xuân

buồn bã những vòng quay …

 

Cối xay tre quên lãng bấy lâu nay

thành kỷ vật lúc tuổi mẹ chùn tay mỏi gối

nhưng trong ấy cũng đã thành tổ mối

lại kềnh càng vướng hết lối đi

nên xin mẹ, tiếc giữ làm gì

hãy cho con ngày mai đem dỡ bỏ

dù biết rằng trong tơi tả đó

đã như là hóa thạch những mồ hôi…

 

Những ngôi mộ bên bờ sóng

 

Doi cát bên cửa Lạch Giang nhẫn nại vươn dài ra biển

đón mùa cá tôm theo nhịp chân triều kém, triều cường

đón vô số mảnh tàu thuyền dập dềnh cùng bao nhiêu xác bão

khi sớm nào, mặt trời mặc niệm những vành trăng.

 

Các cụ già bảo rằng: từ xưa lắm, hằng năm

người xấu số từ góc biển chân trời dạt về vỗ thành đêm biển động

dân chài gác lưới, đặt họ gối đầu lên tiếng sóng

gối đầu lên doi cát này – cánh tay dang rộng của làng tôi.

 

Bao câu chuyện thực hư mà biển đã đắp bồi

lời kể lan truyền như tấm lưới vẫn được đan rộng dài thêm mãi

lưu trú trong mỗi ngôi nhà là huyền tích về những người nằm ngoài bãi

như tài sản của làng gìn giữ đến đời sau…

 

Tứ xứ hồng nhan, ngư phủ, quân binh…. quây quần bên nhau

có thể một ngày, người thân cũng sẽ lãng quên tuổi tên của họ

thì còn dân làng chài vẫn hằng nhắc nhớ

ngày tống chung cơn giông, rồi an táng nỗi đau vào sâu thẳm lòng mình.

 

Thương bờ xói lở nên sóng bồi dài chân bãi

gió vun từng làn cát mỏng đắp ngôi mộ đầy thêm

dây hoa muống biển bò toả ra khắp mùa hè hoang dại

phủ mát lành lên cơn khát những đời cát không tên…

 

Mỗi dân chài đều xây cất riêng trong lòng một doi cát linh thiêng

cùng một doi cát sớm chiều cá tôm lam lũ

những người nằm đây dù mãi vô danh nhưng không còn xấu số

bởi tự bao giờ họ đã nhập hộ khẩu trong vĩnh hằng ký ức quê tôi…

 

Những ngôi mộ bên bờ sóng ngày một cao hơn

làng biển dần rộng ra, ôm nghĩa trang vào phía lòng mình…

14/7/2022

Trần Văn Lợi

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...