Thử nghĩ về quá trình dã nhân hóa hay khử nhân tính hóa?
Đe dọa, cưỡng đoạt, cướp bóc, hãm hiếp, tra tấn cho tới
nghèo đói, bệnh tật, vô gia cư, tị nạn, phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính,
bạo hành gia đình-nhà trường-xã hội, … những biểu hiện gần gũi dễ thấy của thực
trạng dã nhân hóa, vẫn hiện diện “sát nách” trong cuộc sống mỗi người.
Thế nhưng loài người vẫn ngó nhìn nỗi khổ niềm đau của đồng loại thể như mục rao vặt xuất hiện trên các trang thông tin, đem ra phiếm gẫu cà phê gặp gỡ, hoặc chỉ dừng lại đôi câu cảm thán! Nhận thức và hành vi đó cũng từng ngày “dã nhân hóa” tự thân, từng ngày tự tước đoạt/trừ khử/tiêu pha tính người trong hiện hữu chính mình!
Khai dẫn
Nhân tính liệu có phải khế ước hay nhãn hiệu? Những “cậu bé rừng
xanh” khiến bạn nghĩ: “Nhân chi sơ tính bản thiện” hay nhân tính thuộc về một
trong số phát minh của nhân loại?
Bạn thử nghĩ về mối quan hệ và tính quá trình của ba khái niệm:
nhân tính hóa (humanization), dã nhân hóa/ khử nhân tính hóa (dehumanization),
tái nhân tính hóa (rehumanization). Quá trình sản tạo nhân tính liệu có nghĩa
lý gì?
Sản tạo nhân tính-khử nhân tính-tái nhân tính hóa: quá trình
này liệu có phải vòng lặp vô tận của diễn biến nhân tính song hành quá trình vận
động xã hội người. Nếu không vượt thoát vòng lặp này, văn minh người có thể đi
đến chỗ triệt thoái, dần dà tự tiêu biến hoặc không tiến hóa mà chỉ phì đại đơn
thuần. Phì đại văn minh vẫn được nhắc tới bằng khái niệm kỷ nguyên toàn cầu.
Nguy hại của việc che đậy bản chất phì đại kỷ nguyên toàn cầu đã bộc lộ từ khi
Covid-19 nổ ra ở Wuhan (China). Đại dịch toàn cầu cảnh tỉnh nhân loại nhiều vấn
đề, trong đó có thực trạng dã nhân hóa và tái nhân tính hóa hay đúng hơn phải
hướng đến tiến hóa nhân tính (evolution of humanity/humanness).
Liệu tình trạng dã nhân hóa hiện nay có phải biểu hiện “hạ
ngươn” được nói đến trong nhiều mạt thế luận tôn giáo?
Tại sao có thể đặt vấn đề dã nhân hóa?
Chiến tranh, giết chóc, cưỡng bức, thóa mạ, chà đạp, đàn áp,…
vẫn diễn ra hằng ngày trên khắp đại địa. Nhân loại vẫn không ngừng đau khổ (dầu
những chỉ số phát triển xã hội có khả quan đến mức nào!). Dã nhân hóa hầu như
trở thành biểu hiện chủ yếu của xã hội người trong suốt quá trình lịch sử tồn tại
trên cõi thế (hiểu lịch sử theo quan niệm Hegel về chính thể và sử tính). Vấn đề
dã nhân hóa có thể được định vị cách thế khác nhau trong những hệ tư tưởng khác
nhau tùy theo thời đại, khu vực địa lý, tôn giáo, văn hóa, … Một số vấn đề dã
nhân hóa có thể được tìm thấy trong phạm vi “mạt thế luận” của nhiều tôn giáo
khác nhau. Nói vậy, để minh định ngay từ đầu, dã nhân hóa không phải vấn đề mới
mẻ và xa lạ. Vậy tại sao một vấn đề hầu như đã cũ kỹ và mặc nhiên hiện diện
trong tư tưởng lẫn đời sống xã hội suốt lịch sử nhân loại lại tiếp tục được
mang ra mổ xẻ trong đời sống chữ nghĩa đầu thiên niên kỷ thứ III sau Thiên
Chúa?
Thứ nhứt, vấn đề cũ cho đến nay vẫn tiếp diễn, cũng có nghĩa
vấn đề ấy nhân loại chưa giải quyết triệt để, thậm chí vẫn tiếp tục nảy sinh biến
tướng phức tạp hơn. Vấn đề mặc nhiên không có nghĩa vấn đề vô nghĩa, chẳng đáng
quan tâm. Hơn thế, vấn đề hầu như mặc nhiên ấy cần được mang ra quyết luận, ngõ
hòng giải quyết (chí ít thúc đẩy sự giải quyết). May ra, đời sống con người có
cơ hội tiến phát trên đường tồn tại.
Thứ hai, đây là vấn đề cơ yếu của tồn tại người trên cõi thế.
Nghĩa là vấn đề đáng quan tâm chứ không phải ý niệm trừu tượng, sản tạo bởi tư
biện thuần túy của “nhóm người” mạo xưng tinh hoa.
Nguyên nhân thứ ba khiến dã nhân hóa đáng vấn đề được mọi người
nghiêm túc nhìn nhận, suy ngẫm: thực trạng này ngày càng phổ biến với mức độ độc
hại ngày càng tăng. Vấn nạn dã nhân hóa trải rộng toàn cầu, không phải vấn đề
thuộc về riêng khu vực, quốc gia, giai tầng, hình thái chính thể, mô hình kinh
tế, tô chức liên hiệp đa quốc gia nào, … Dã nhân hóa biểu hiện trong chính góc
khuất u uẩn của đời sống cá nhân cho tới từng cấp độ xã hội người. Không lý
nào, con người lại có thể làm ngơ trước thực trạng dã nhân hóa hiện nay! Thờ ơ,
chối bỏ, phủ nhận, hoặc che đậy thực trạng này, cũng chính là tiếp tay khiến
cho dã nhân hóa ngày càng lây lan, trở thành đại dịch toàn cầu đe dọa nhân
tính.
Đe dọa, cưỡng đoạt, cướp bóc, hãm hiếp, tra tấn cho tới nghèo
đói, bệnh tật, vô gia cư, tị nạn, phân biệt chủng tộc, kỳ thị giới tính, bạo
hành gia đình-nhà trường-xã hội, … những biểu hiện gần gũi dễ thấy của thực trạng
dã nhân hóa, vẫn hiện diện “sát nách” trong cuộc sống mỗi người. Thế nhưng loài
người vẫn ngó nhìn nỗi khổ niềm đau của đồng loại thể như mục rao vặt xuất hiện
trên các trang thông tin, đem ra phiếm gẫu cà phê gặp gỡ, hoặc chỉ dừng lại đôi
câu cảm thán! Nhận thức và hành vi đó cũng từng ngày “dã nhân hóa” tự thân, từng
ngày tự tước đoạt/trừ khử/tiêu pha tính người trong hiện hữu chính mình!
Có thể hiểu dã nhân hóa như thế nào?
Nói ngay, dã nhân hóa: một vấn đề thuộc phạm vi nhân tính luận.
Từ thuở sơ khai, nhân loại vẫn không ngừng vật lộn với hỗn mang, kiến thiết
nhân tính cho sự tồn tại người. Nhân loại không hiện diện kiểu bầy đàn mà phát
minh ra khái niệm xã hội. Và khi không thể kiến thiết được nền nhân tính, nhân
loại không có quyền lẫn tư cách bàn đến hiện hữu trên cõi thế. Trong quá trình
đó, nhiều khái niệm nhân tính được sản tạo/phát minh hoặc được thừa nhận và tồn
tại như khế ước. Nhưng khế ước nhân tính lỏng lẻo không thể kiềm tỏa “dã tính”
trong nhân tâm. Rất nhiều người đã đến và rời bỏ cuộc thế, chỉ để mở đường tư
tưởng cho cuộc tiến hóa nhân tính; nhưng bao nhiêu nỗ lực ấy dường như muối bỏ
bể. Bằng tham lam, bịa tạc, ích kỷ, độc ác, … người càng ngày càng tinh vi
trong cuộc dã nhân hóa. Dã nhân hóa về phía đồng loại đồng thời tự dã nhân hóa,
dần biến mình và đồng loại trở thành cầm thú trong nền văn minh ngụy tưởng. Cơ
hồ, nhân tính chỉ hiện diện cách tạm bợ, phút chốc chớp lòe giữa hành trình đời
sống, chứ không phải biểu hiện đặc hữu của tồn tại người.
Cụ thể, dã nhân hóa có thể xem như thực trạng/quá trình đối
tượng này khởi phát thái độ-hành vi nhìn nhận và đối xử dưới mức con người/không
phải con người đối với đối tượng khác trong nhiều bối cảnh, mức độ khác nhau.
Đó là hành vi đối tượng này trừ khử/loại trừ/triệt hạ đối tượng khác ra khỏi phạm
vi “nhân tính bình đẳng”. Việc này kéo theo quy chuẩn nhân đạo cũng thay đổi.
Và người ta có quyền (hoặc tự cho mình quyền) đối xử với kẻ khác thua con người/chưa
phải con người, đối xử với kẻ khác như là vật. Dã nhân hóa: quá trình từ
“tác ý” đến “tác hành”, manh mún từ suy tư đến nhìn nhận người khác dưới mức
(hoặc không có) lượng tính người, dẫn đến thái độ biểu hiện và hành vi tác động
đến tha thể như là dã nhân/phi nhân. Tác ý hình thành dã nhân hóa có nhiều
nguyên nhân khác nhau (từ nguồn cơn chủ động hoặc bị động, từ nguyên nhân ở mức
độ cá thể đến mức động cộng đồng). Dã nhân hóa muôn hình vạn trạng trong mọi
ngóc ngách, mức độ, phạm vi đời sống: sỉ nhục, bóc lột, giết hại, tra tấn, săn
đuổi, nô lệ, phục dịch, cưỡng hiếp, cung bức, kỳ thị, … cho tới diệt chủng, thảm
sát quy mô, thủ tiêu văn hóa, đàn áp tôn giáo, độc tài chính trị, diệt chủng
sinh thái, …
Nói thêm, Dã nhân hóa (Dehumanization) và Hậu nhân luận
(Posthumanism): mối can hệ ra sao? Hậu nhân luận-hậu hiện đại chủ nghĩa thể như
phản ứng với nhân bản luận-hiện đại chủ nghĩa. Kỳ cùng, bản chất hậu nhân luận
vẫn thù thuộc vấn đề nhân bản- cách thế luận thuyết nhân bản. Tiền-hiện-hậu dường
chăng chỉ là những tiền tố mang bản chất thời tính và do đó mang tính võ đoán.
Phải chăng lập định luận thuyết nên khởi đi từ thể tính chứ không phải thời
tính. Và bạn có thể nhận ra: hậu nhân luận có lẽ chính là những luận thuyết lập
thành trên bản diện quá trình vận động: nhân tính hóa-dã nhân hóa-tái nhân tính
hóa.
Lịch trình nghiên cứu thực trạng Dã nhân hóa?
Đề khởi quan niệm (khoảng trước Đệ nhị Thế chiến)
Trong phạm vi xã hội Tây phương, quan niệm này xuất hiện từ đầu
thế kỷ XIX. Cụ thể trong thư tịch di cảo (1818, ấn hành 1853), “Memoirs,
Journal, and Correspondence of Thomas Moore (Vol II)”, Thomas Moore
(1779-1852) băn khoăn về căn cơ nhân tính dựa trên việc nhìn nhận tình trạng đối
xử vô luân giữa người với người, nhìn thấy nhiều góc khuất u tối trong bản chất
người. Đó là những đề khởi của thực trạng dã nhân hóa, để khái niệm này
được kiện toàn về sau. Trong “A narrative of a visit to the Mauritius and
South Africa” (1844), James Backhouse (1794–1869) cũng nói tới những điều mắt
thấy tai nghe về giới hạn mong manh của xã hội người bị chà đạp và thực trạng
dâm loạn tràn lan khắp mọi ngóc ngách đời sống trong chuyến tham thú.
Tuy nhiên, biểu hiện quá trình dã nhân hóa thực chất song
hành suốt lịch sử tồn tại người. Sản tạo nhân tính và khử nhân tính hầu như đồng
thời suốt lịch sử hình thành phát triển của xã hội. Theo Stuurman, khái niệm
này khởi đi từ thái độ và cách đối xử với nô lệ thời cổ đại và từ đó vấn đề này
nằm ở ranh giới dao động giữa humanity (nhân tính/nhân hữu) và humanness (nhân
hiện). Giới hạn này dao động không ngừng bởi tác động của nhiều yếu tố khác
nhau trong suốt chiều dài lịch sử.
Các vấn đề xoay quanh humanity và humanness cũng được
Heidegger bàn đến trong “Thư về nhân bản chủ nghĩa”. Theo ông, nhân tính trong
nhân tính luận đích thực có thể được xem như đã ra đời từ thời Cộng hòa La Mã.
Đó là sự kết hợp giữa La Mã tính (Romanitas) và “chủ nghĩa Hy Lạp hậu kỳ”. “Chính
vào thời Cộng Hòa La Mã mà lần đầu tiên, humanitas (nhân tính) mới được khảo
sát và theo đuổi một cách rõ rệt dưới tên đó. Homo humanus đối nghịch với homo
barbarous”. Thời kỳ đó homo humanus (kẻ nuôi dưỡng và trau dồi đức hạnh) đối
nghịch homo barbarus. Theo quan niệm Hy Lạp hậu thời, homo humanus được hình
thành trong hoạt động giáo dục (paideia). Tiếp thu, người La Mã xây dựng La Mã
tính (Romanitas) = Humanitas. Thế nên, Phi La Mã tính = Phi Nhân tính (dã man).
Cụ thể:
(*) Hy Lạp hậu thời: Humanitas-Paideia >< không đức hạnh,
thiếu giáo dục à bản chất nhân tính luận cũng có tính chất “-centrism”;
(*) Cộng hòa La Mã: Humanitas=Romanitas >< phi La Mã
tính à bản chất nhân tính luận cũng có tính chất “-centrism”;
(*) Thời Phục Hưng: Humanitas=reneascentia romanitatis hay
homo romanus >< homo barbarus à bản chất nhân tính luận cũng có tính chất
“-centrism”;
Rõ ràng giới hạn dao động của việc “sản tạo nhân tính” quả thực
chỉ là phạm trù lịch sử tạm bợ/thời tính thuần túy. Bởi, “dẫu những biến thái của
chủ nghĩa nhân bản vừa nói có khác biệt đến đâu về mục tiêu và nền tảng, thể
thái và những phương tiện thực hiện, hoặc hình thức của học thuyết, thì tất cả
chúng cũng đều cùng đồng ý về điểm nầy là: humanitas (nhân tính) của homo
humanus (nhân tính nhân) được quy định khởi từ một lối giải thích đã cố định về
nhiên tính hay bản tính, về lịch sử, về thế giới, về nền tảng của thế giới
(Weltgrund), nghĩa là về vật hiện thể trong toàn thể”. Nghĩa rằng lối giải
thích thụ động dựa trên hệ quy chiếu (mà hệ quy chiếu này chỉ là những phạm trù
lịch sử tạm bợ). Nhưng sự dao động/di dịch/phiên biệt trong quan niệm “như thế
nào nhân tính” và “như thế nào phi nhân tính” chỉ cho bạn thấy xu hướng/tính chất
“trung tâm luận”. Tức luôn phiến diện, thiên lệch; hay chỉ là nhân bản luận nửa
vời, ngụy tạo thể như sự thông đồng/cam kết/khế ước của các cá thể hữu quyền
trong cộng đồng, chứ không phải nhân tính luận đích thực. Rõ ràng, lịch sử nhân
tính luận Tây phương, suy cho cùng, cũng chỉ là nhãn hiệu nhân tính luận. Nhãn
hiệu này che đậy bản chất Dã nhân hóa/khử nhân tính hóa từ trong máu tủy. Chẳng
hạn lập trường “Âu tâm luận/Tây phương trung tâm luận” trong nghiên cứu Nhân học
thế kỷ XIX. Sang đầu thế kỷ XX, trường phái đặc thù lịch sử với thuyết tương đối
văn hóa (Cultural relativism) của Franz Boas có thể xem như sự phản ứng lập trường
thiên lệch của thuyết tiến hóa văn hóa và thuyết truyền bá văn hóa. Nói khác,
thuyết tương đối văn hóa phản ứng lại lập trường nghiên cứu “trung tâm luận”,
đi tới nghiên cứu đặc thù, hóa giải thành kiến kỳ thị (bộc lộ ở cách nhìn nhận
cấp độ tiến hóa và thái độ độc đoán lấy Tây phương làm hệ quy chiếu đánh giá). Ở
Đông Phương, Hán trung tâm luận / Sinocentrism/ 以華為中 / 中國中心主義 (hay đột biến của nó 習近平新時代中國特色社會主義思想) đã tồn tại hàng ngàn năm. Tất cả đều biểu hiện “ác tính” mạo danh nhân
tính để biến tướng ra nhiều hình thù khác nhau.
Định hình khái niệm (khoảng từ sau Đệ nhị Thế chiến)
Từ đầu thế kỷ XX, cho đến khoảng thời gian giữa hai cuộc thế
chiến, đặc biệt với họa thảm sát, nạn diệt chủng hồi Đệ nhị Thế chiến, con người
đã nghiêm túc quan tâm đến bản diện hung ác của nhân tâm và do đó vấn đề dã
nhân hóa có thể nói càng khởi dậy và nóng bỏng hơn trên các trang luận thuyết của
giới học giả khắp nơi. Nghiên cứu dã nhân hóa là sự kháng cự/phản ứng lại thực
trạng phi nhân của cuộc thế chiến. Ví dụ:
– Sự độc hại của chủ nghĩa toàn trị trong “The Origins of
Totalitarianism” (1951) mà Hannah Arendt gọi là gánh nặng thời đại;
– Sự thường tình ác niệm trong “Eichmann in Jerusalem: A
Report on the Banality of Evil” (1963) cùng với kết quả thí nghiệm Milgram và
thí nghiệm Stanford cho thấy ác niệm trong tâm thức người: vốn có và được kích
hoạt hoặc sản tạo dưới sức ép của các thiết chế/quy phạm/trật tự xã hội;
– Những truy vấn về phía đức lý trong “The Life of the Mind:
Thinking” (Vol. 1, 1971) có thể xem như cuộc “thám quật” vào căn nguyên ác niệm;
Đáng chú ý, từ việc phân tích tội ác chiến tranh của Đức quốc
xã, Arendt chỉ ra ba bước khử nhân tính: tước đoạt quyền có quyền, tước đoạt tư
cách luân lý, tước đoạt nhân vị.
Ngoài ra, Heinämaa và Jardine cũng xem: “Etre Et Le Neant:
Essai D’Ontologie Phenomenologique (Sartre, 1937); Le deuxième sexe I&II
(Beauvoir, 1949); Peau noire, masques blancs (Fanon, 1952); … là những công
trình tương giao với quan niệm dã nhân hóa/khử nhân tính hóa.
Mở rộng nghiên cứu (khoảng ba thập niên cuối thế kỷ XX)
Từ sau WWII, nhất là trong thời kỳ Cold War, dã nhân hóa mở rộng
biên giới khảo luận. Chiến tranh Việt Nam cũng khiến cho giới học giả đề vấn về
khả năng biến tướng của nhân tính cũng như mối âu lo về bùng phát chiến tranh hạt
nhân và đại dịch toàn cầu. Giai đoạn sau đó, dã nhân hóa không chỉ được bàn đến
trong hoàn cảnh chiến tranh và thế cuộc chính trị, mà đã mở rộng đến nhiều lĩnh
vực nghiên cứu nhân văn (bản chất tội ác, độc tài luân lý, …). Chẳng hạn nghiên
cứu dã nhân hóa trong tâm lý học xã hội (social psychology). Đáng chú ý, có vấn
đề “mô thức nhân tính mang tính cơ học và thú tính” (the
mechanistic-animalistic humanness model). Nếu như giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX,
dã nhân hóa được mô tả như là các biểu hiện trong xã hội người. Từ việc này, dã
nhân hóa được nhận thức và định danh. Đến nửa sau thế kỷ XX, có một khuynh hướng
đưa dã nhân hóa vào địa hạt tâm lý. Đây là nỗ lực lý giải căn nguyên thực trạng
dã nhân hóa trong địa hạt tinh thần. Qua đó, tâm lý học có thể khảo cứu Dã nhân
hóa và kiến giải hiện tượng này ở tầng sâu. Đặc biệt tội ác của Đế quốc Mỹ
trong chiến tranh Việt Nam, khiến con người ngày càng nghiêm túc suy nghĩ về dã
nhân hóa. Quá trình này là sự phản ứng lại nguy cơ chiến hạt nhân và những nguy
cơ đời sống khác nói chung. Dã nhân hóa dần được xem như cùng bản chất với bạo
lực. Những thập niên sau chiến tranh Việt Nam, dã nhân hóa được xem như một phần
trong việc nghiên cứu về tội ác, kỳ thị nhóm/giới/giai cấp, diệt chủng, … Dã
nhân hóa liên quan đến biểu hiện độc đoán luân lý. Nhìn chung, dã nhân hóa ngày
càng được quan tâm nghiên cứu. Nhất là ở lĩnh vực tâm lý học xã hội cho tới biểu
hiện phổ biến trong tồn tại người thời kỳ đương đại.
Dã nhân hóa-tái nhân tính hóa trong hậu nhân luận (từ đầu
thiên niên kỷ thứ III)
Giá trị người hay giới hạn giữa nhân hiện và nhân hữu đẩy tới
mức phổ quát trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh toàn cầu hóa, khởi đi từ mối
tương liên chồng chéo, đa chiều, phức tạp trong đời sống con người hiện nay.
Tác động một chiều cũng như ảnh hưởng qua lại giữa các yếu tố nội tại cá thể
cho tới ngoại hiện xã hội, khiến cho ranh giới giữa nhân hữu và nhân hiện không
ngừng dao động và được xét lại (đặc biệt cuộc chạy đua vũ trang đương đại do
các tranh chấp lãnh thổ gây ra, chiến tranh thương mại đa phương, đại dịch toàn
cầu Covid-19, …). Nhân hiện biến động dẫn tới định chuẩn nhân hữu cũng biến đổi.
Trên thực tế, cuộc biến động này đồng thời gồm ẩn hai quá trình: quá trình phổ
quát hoá và khu biệt hóa nhân hữu. Xem xét theo hướng phổ quát hay khu biệt
nhân hiện để lập định nhân hữu, từ đó phân tích các biểu hiện dã nhân hóa/khử
nhân tính hóa, truy tìm nguyên nhân của nó, luận giải để đề xuất hóa giải quá
trình này. Phải chăng, điều này phản ánh con người ngày càng nghiêm túc hơn
trong việc rà soát, tổng biện vấn đề nhân tính. Chí ít việc này cần thiết cho
việc thúc đẩy tiến hóa cái gọi là “sản tạo nhân tính” (invention of humanity).
Nhìn chung, đến đầu những năm 2000, nghiên cứu dã nhân hóa
ngày càng đi vào hướng đa ngành. Cùng với nghiên cứu đa ngành dựa trên nền tảng
tâm lý học xã hội, dã nhân hóa được khảo sát chi tiết hơn cả về định tính lẫn định
lượng. Một số vấn đề đáng chú ý: đe dọa an ninh, bảo mật cá nhân, vấn đề người
tỵ nạn, tra tấn tù nhân, chiến lược chính trị, bình đẳng giới, v.v.… Quả thực,
dã nhân hóa đồng thời hiện diện ở vi mô lẫn vĩ mô xã hội người!
Nói tới lịch trình nghiên cứu dã nhân hóa, không có nghĩa, vấn
đề này chỉ thuộc về tư niệm “giới tinh hoa” trong học thuật. Thực tế, nghiên cứu
dã nhân hóa dựa trên thực tiễn xã hội và quan niệm/nhận thức dã nhân hóa đã hiện
diện trong tư tưởng người lao động bình dân. Người nhà quê chẳng đã nói: “thú
diện nhân tâm”, và ngược lại …!
Dã nhân hóa: những biểu hiện trong đời sống xã hội?
Xét trên phương diện xã hội, hành vi dã nhân hóa đối với kẻ
khác có ba hình thức biểu hiện:
a- Trừ khử kẻ khác trong xã hội (exclusion within a society);
b- Trừ khử kẻ khác ra ngoài phạm vi xã hội (exclusion from a
society);
c- Trừ khử kẻ khác khỏi đời sống (exclusion from life).
Điều này dẫn tới:
+a: biến người thành phó người, vị người;
+b: biến người thành phi người;
+c: biến người từ hữu thành vô.
Opotow cũng phân chia thành ba biểu hiện/cấp độ/phạm vi dã
nhân hóa:
+ khử nhân trong xã hội người (hạn chế quyền công dân, quyền
lao động,…);
+ khử nhân ra khỏi xã hội người (trục xuất, giam giữ, …);
+ khử nhân khỏi đời sống (bao gồm các hình thức giết hại hoặc
tác động khác nhau dẫn đến cái chết).
Dưới góc nhìn của Maria Kronfeldner:
“The contexts, in which avantla-lettre reflections on
dehumanization occurred, certainly varied and did so not only in time but also
in topical orientation. They were part of discussions on diversity,
assimilation, exclusion, purity and danger, education, religious belief,
sexuality, misogyny, hatred, wars, savagery, barbarism, cannibalism, slavery,
racism, ethnocentrism, egocentrism, evolutionary thinking, anatomy,
perfectibility and civility, progress, the exotic, missionary or colonial
activities, public events, and so on”.
Từ đó, trong các mối quan hệ đa chiều, bạn có thể liệt kê một
số biểu hiện/thực trạng/quá trình dã nhân hóa/khử nhân tính hóa, chẳng hạn:
Giữa kẻ xâm lược và dân thuộc địa;
Giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển;
Giữa các liên hiệp chính thể và mỗi quốc gia;
Giữa các siêu cường, tiểu cường và nhược quốc;
Giữa các giai tầng xã hội;
Giữa chính thể và dân gian;
Giữa bác học/hàn lâm và bình dân;
Giữa đa số và thiểu số (gồm cả vấn đề giới tính), …
Câu chuyện nhiều người bị coi thường khi bước vào cửa hàng đồ
hiệu sang chảnh nào đó, … không có gì lạ! Đáng nói, bạn nên nghĩ như thế nào về
diện mạo hào nhoáng của “văn minh vật chất”. Liệu “nhãn hiệu” hào nhoáng này sẽ
đẩy con người đến chỗ suy thoái nhân tính như thế nào, bằng cách làm sụp đổ/biến
dạng giá trị sống. Trao cho vật chất giá trị, con người cơ hồ tự khiến mình sụt
giảm hoặc bị triệt tiêu giá trị. Quanh đi quẩn lại, vong thân/vong bản, rất
nhiều hiền nhân xưa nay đã nói và cảnh tỉnh nhân loại. Thế nhưng với sự nông cạn,
kiêu căng, ngạo mạn của tư duy khoa học thực chứng, con người càng sa lầy trong
nền văn minh “thặng dư” và những “đột biến thặng dư” đến mức xã hội người bây
giờ là một bãi đời “không thể lý giải nổi”. Người trong xã hội người đã trở
thành chất liệu.
[Thử nghĩ dưới góc nhìn Phật lý: phiên biệt, nhị nguyên đưa tới
vách ngăn/vực thẳm giữa chủ thể tính. Dã nhân hóa phải chăng vấn nạn căn bản giữa
người với người. Nhận thức sai lầm, vũng lầy khái niệm, … dã nhân hóa buộc người
phải trở lại vấn đề nhận thức đúng đắn tồn hữu toàn diện. “Chánh niệm” chăng!]
Mỗi ngày, bạn bị bao vây bởi tầng tầng lớp lớp sóng năng lượng
tiêu cực bức xạ từ lòng đố kỵ, tham lam, tàn độc, thù hằn, chia rẽ, ganh ghét,
dèm pha, ương chướng, … Nhân loại vẫn hằng mong và kêu gọi xây dựng đời sống
tích cực nhưng bản thân mỗi con người chưa thể (thậm chí lún càng sâu) vào những
tà ý/ác niệm độc hại, biến nhau thành nạn nhân giữa cuộc sinh hiện. Thực trạng
dã nhân hóa, như đã nói, hẳn là một vấn đề cũ kỹ và tiếp tục đeo bám cuộc sống
con người. Liệu nhân loại có thể chung sống “cân bằng” với tình trạng này? Từ
những dự báo về họa tận thế (mà nguyên do bắt nguồn từ hành vi sống của con người),
bạn phải thừa nhận: nhân loại không thể chung sống và xoa dịu thực trạng dã
nhân hóa. Căn bệnh dã nhân hóa đến hồi nguy kịch, không thể nuôi bệnh cầm chừng,
không thể dây dưa câu giờ. Đại dịch toàn cầu Covid-19 (từ China) chỉ là một
trong số nhiều biểu hiện cho thấy ác niệm trong thân tâm nhân loại đã ngày càng
khỏa lấp cõi thế. Đó là thực trạng mà Ashley Montagu và Floyd Matson gọi là “bệnh
truyền nhiễm tinh thần”, vốn lẩn lút âm thầm, độc hại, phổ biến, muôn hình vạn
trạng, khó trị dễ lây – Hội chứng dã nhân (the dehuman syndrome).
“Here is the authors view of the “one-dimensional human,” a
creature physically intact and mentally competent but psychologically disabled.
The authors guide us through this dehumanized creature’s environs—the wasteland
of modern culture, crowded with the walking dead, decorated by sullen art, and
continuously disrupted by mindless acts of viciousness and national
administrations of fear”.
Nhân loại dần hiện nguyên hình là giống loài toàn vẹn về thể
chất, năng lực tinh thần nhưng tật nguyền về tâm thức. Cõi thế đầy rẫy phi
nhân, tàn ác và sợ hãi. Bạn có nhìn thấy cõi bình địa hoang vu của nền văn minh
thui chột nhân tính?
Thử nghĩ về nguyên do thúc đẩy thực trạng dã nhân hóa hiện đại?
Đời sống kỹ nghệ, khi sinh hoạt cơ học thay thế nguyên lý hữu
cơ trong đời sống con người tại hiện: điều này dẫn đến, sinh hoạt cơ học “hấp
thụ” và dần tiêu biến sinh hoạt người. “Hữu tại” của người dần trở thành “hữu tại”
của kỹ nghệ! Đáng sợ, con người lầm tưởng đà tiến phát của văn minh đồng nhất
đà tiến phát kỹ nghệ! Khái niệm hiện đại hóa dần ẩn chứa nội hàm mở rộng kỹ nghệ
hóa. Dẫn tới: văn minh người trở thành văn minh kỹ nghệ. Hễ kẻ nào bứt mình ra
khỏi guồng máy đó, đều bị khép vào hạng dã man và lập tức bị khai trừ. Luật tắc
của văn minh kỹ nghệ buộc mỗi cá nhân cho tới mỗi chính thể-tổ chức không thể
vượt thoát khỏi khuynh hướng thịnh thế này. Ví như văn minh nhân loại đã rơi
vào chân trời sự kiện của hố đen, đang dần bị xé toạc và tiêu biến. Phải chăng
kỹ nghệ nên hỗ trợ thúc đẩy tiến hóa, chứ không phải thay thế đời sống nhân
tính-tâm linh! Ai cũng hiểu vậy, thế nhưng không ai vượt thoát khỏi mãnh lực
ngoạm nuốt cơ học của nền văn minh kỹ nghệ hậu công nghiệp hôm nay! Thử hỏi, vì
cơn cớ gì?
Nhìn kỹ hơn, chủ thể tính bị bào mòn, dần trở thành “tha thể”
trong tự thân. Người đã trở thành kẻ khác trong chính cuộc đời mình. Kỹ nghệ và
truyền thông cùng những chiến lược định hướng nhận thức vi mô lẫn vĩ mô, biến
cõi thế gian trở thành chốn bình địa hoang tàn không có bóng người, biến hiện hữu
người thành hiện hữu đại diện.
“Cả cảnh vật trần gian cùng mờ xoá
Trong màn đen huyền bí. Ta bảo lòng
“Ngày mai đây muôn loài đều tan rã
Vũ trụ kia rồi biến ra Hư Không!””
Thứ nữa, dã nhân hóa bào mòn khả lực cách mạng nội tại tinh
thần người. Đến khi khả lực cách mạng tê liệt (hoặc chìm vào tâm lý đám đông),
dã nhân hóa coi như hoàn toàn chiếm lĩnh chế ngự thân tâm. Bấy giờ, thân tâm
người chẳng khác xác sống (living dead) đi lại vô hồn trên cõi thế: Malevolent
Robot/Cheerful Robot.
“Chưa cần cầm lên nếm, anh đã biết là bánh vẽ
Thế nhưng anh vẫn ngồi vào bàn cùng bè bạn
Cầm lên nhấm nháp.
Chả là nếu anh từ chối
Chúng sẽ bảo anh phá rối
Ðêm vui
Bảo anh không còn có khả năng nhai
Và đưa anh từ nay ra khỏi tiệc…
Thế thì đâu còn dịp nhai thứ thiệt?
Rốt cuộc anh lại ngồi vào bàn
Như không có gì xảy ra hết
Và những người khác thấy anh ngồi,
Họ cũng ngồi thôi
Nhai ngồm ngoàm…”
Thế nhưng, bạn cũng không thể phủ nhận nhiều nỗ lực hôm nay,
hòng đẩy lùi thực trạng dã nhân! Việc truy nguyên dã nhân hóa không dẫn bạn đến
chỗ bi quan tiêu cực, ngược lại khiến bạn nhận thức rõ hơn bản diện dã nhân
trong thân mình. Bấy giờ bằng chính hành động cụ thể-thiết thực-gần gũi, bạn
hoàn toàn có khả năng góp phần đẩy lùi hỗn loạn dã man ra khỏi đời sống!
Như cây đời bám rễ đại địa, gắn lòng mình với truyền thống
văn hóa dân tộc trong “sinh cảnh” đương đại, hướng đến giá trị người phổ quát:
giữ lấy niềm tin tưởng ấy chí ít trước mắt có thể chế ngự hỗn mang!
Dã nhân hóa và văn học nghệ thuật?
Bạn còn nhớ hàng loạt phim về tội phạm giết người rùng rợn
như: Psycho (1960), Texas Chainsaw Massacare (1974), Halloween (1978),
Nightmare on Elm Street (1984), The Silence of the Lambs (1991), Scream (1996),
American Psycho (2000), Saw (2007), … hay không? Hay vở kịch Edmond (1982) của
David Mamet chẳng hạn, bạn có nhận thấy điểm chung của tội phạm khởi dựng từ đột
biến tâm lý người! Nhân tính chỉ còn vỏ bọc. Tâm hồn Edmond đầy rẫy phẫn nộ với
hư vô trống rỗng tâm linh. Động cơ tội ác trở thành vấn đề “bất khả luận giải”
cũng giống như lời khai của kẻ thủ ác với cảnh sát. “Tell the cop you don’t
know why you did it, you don’t know that you did it”. Chỉ đơn giản, kẻ thủ ác cảm
thấy thư thái an nhiên khi được tái sinh và hiện diện thể như quái vật. Điều
này khiến bạn nghĩ lại nhận định của Aristotle về khả lực cự phản dã nhân hóa của
văn học nghệ thuật nói chung, đặc biệt thi ca!
“The function of the poet is not to say what has happened,
but to say the kind of thing that would happen, i.e., what is possible in
accordance with probability or necessity. […] For this reason poetry is more
philosophical and more serious than history. Poetry tends to express
universals, and history particulars”.
Dẫu “lời quê chắp nhặt dông dài,/ mua vui cũng được một vài
trống canh”, văn chương vẫn là bản tường trình đời sống con người. Hơn thế,
văn nghệ nói chung có khả năng phơi bày thực trạng đời sống trong tận cốt tủy.
Kiểu như âm thanh vang thét thống thiết Trư điểu đề của Ngô Thế
Lân, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc của Đồ Chiểu, tuồng hát Hai Bà
Trưng của Nguyễn An Ninh, …. tựu trung phản ánh vấn nạn “người” trong cõi
người. Liệu bạn có nhận ra qua bản mệnh văn chương, nhân tính và dã nhân tính vẫn
song hành suốt chiều dài lịch sử tồn hoạt. Văn minh cơ hồ là cuộc giằng co vật
lộn của tâm linh người khỏi mê muội, hôn ám, dã man. Nói theo Phật lý, ấy là cuộc
giằng co vật lộn giữa tâm linh người và vô minh, ái dục bít bùng. Mức tiến phát
tâm linh cho thấy mức tiến phát của văn minh: nếu dựa trên luận điểm này, bạn
thấy rằng nỗ lực tiến vào đường văn minh của nhân loại hàng ngàn năm trước dường
như vẫn tiếp tục dẫm chân tại chỗ, dẫu cho bao hình thái ý thức, bao nhiêu hình
thái chính thể xã hội đã lần lượt thay phiên trì ngự cõi thế thì, văn minh nhân
loại kỳ thực vẫn chưa tiến bước vào chặng đường tiếp theo; mà hẳn còn tiếp tục
cuộc giằng co với ái dục vô minh trong tâm linh. Từ đây, chắc bạn nhận ra văn
minh người trên hai ngàn năm qua kỳ thực rất tạm bợ và tốc độ diễn tiến ngày
càng nhanh, trong khi cấp độ tiến phát không thay đổi.
Vì sao văn chương có thể tu sức cự phản dã nhân hóa? Qua thí
nghiệm Milgram và thí nghiệm Stanford, tà ý ác niệm có thể sản tạo và kích hoạt
dưới áp lực nhất định. Cho nên, khả năng phản cự dã nhân hóa của văn chương có
được bởi văn chương có thể duy trì “khoảng cách an toàn” cho người quan sát triển
khai tư duy phản biện. Đời sống tư niệm người có điều kiện thuận lợi để nghiền
ngẫm về tình trạng “dã nhân hóa” trong tác phẩm văn học (thơ, kịch, truyện, …).
Trong tình trạng bị chi phối/dưới áp lực của các hành vi dã nhân hóa, cá nhân
không thể biểu hiện đúng thực tư duy phản biện trong ý thức. Do đó, tiếp nhận
tác phẩm văn học đưa lại kết quả phản ứng hành vi dã nhân hóa đáng tin cậy (bởi
khoảng cách an toàn cho tư niệm triển hiện chân thực). Văn học nghệ thuật nói
chung, có thể xem như nỗ lực đáng kinh ngạc của nhân loại trong việc giãy thoát
khỏi hỗn mang, hôn ám, vô minh, dã man. Khó có thể xác định mức tiến phát, giá
trị, biểu hiện nhân tính trong từng tác phẩm, trong từng nền văn học quốc gia,
trong từng khu vực, trong từng thời đại văn học khác nhau, … nhưng rõ ràng mỗi
tác phẩm văn học điều bộc lộ ít nhiều nỗ lực kháng cự dã nhân hóa trong bối cảnh
nhất định. Nên chăng, văn nghệ và người làm văn nghệ cần ý thức sâu sắc và tiếp
tục trọng trách này, cùng những hình thái ý thức xã hội khác, thúc đẩy cuộc tiến
hóa tâm linh (nên hiểu, tâm linh không thuộc phạm vi huyền học, tâm linh căn bản
thuộc về tồn tại người rất chân thực và gần gũi).
Ngoài ra, truyền thống nhân đạo-nhân văn trong hầu hết nền
văn học là biểu hiện nỗ lực chống lại quá trình dã nhân hóa trong suốt lịch sử
phát triển của xã hội người. Văn chương khám phá, phơi bày, cũng là tiếng nói đồng
cảm cho nạn nhân dã nhân hóa. Do đó, văn chương có thể được xem xét như văn bản
nhân quyền (human rights). Nhưng có lẽ cũng nên thân trọng, bởi văn chương đôi
khi trở thành phương tiện cho ý thức quyền lực lợi dụng. Bởi những tiếng nói mạnh
mẽ dứt khoát nhất bảo vệ nhân quyền, nhân danh nhân quyền lại có khi chính là
“sài lang” hóa thân. Trong bộ sách “Đất và Người Nam bộ mến yêu”, Trần Bảo Định
cũng nói “không thể nhân danh quyền con người để tước đoạt quyền con người của
kẻ khác”.
Tựu trung, văn chương không chỉ khám phá, đồng cảm mà còn
thúc đẩy nhận thức “thanh tẩy” quá trình dã nhân hóa. “Ôn cố tri tân”, lấy chuyện
xưa nói chuyện nay, nhiều văn sĩ đã dùng cách ấy. Vừa phủi bụi dĩ vãng vừa lay
động nhận thức kẻ đương thời, văn chương không chuyên chở ý hướng này thì không
thể làm tròn trách nhiệm đương đại cũng không thể vươn mình đến mai hậu. Sức sống
văn chương bồi tụ và gắn liền với khả lực vận động của xã hội người.
Tạm kết
Cùng khai dẫn vấn đề dã nhân hóa, chắc bạn cũng không có ý đặt
mình vào vị trí cái thế anh hùng, ngõ hòng ra tay dời non lấp bể. Mấy lời nói
dong dài, có lẽ cũng chỉ là tiếng vạt sành giữa trời khuya, sao dám sánh bường
tiếng sấm rền của đấng trượng phu. Nhưng lòng vạt sành bụi bờ cũng thủ thỉ đôi
lời cho bóng tối đêm trường bớt phần dày đặc. Theo đó, mấy bụi cỏ quê kiễng, bằng
nhúm rễ mỏng manh, giữ từng hột đất nhỏ, mong cho đất đai nhân thế tránh phần sạt
lở. Manh lệ ví như cỏ dại, phủ trùm đại địa, dầu búi rễ yếu nhược nhưng cùng hiệp
sức có thể giữ phần nào cõi thế không không trở thành bình địa hoang vu! Cỏ dại
hoa hèn phải biết thân, biết phận! Nhưng chắc mọi người cũng thấy xưa nay, hoa
hèn cỏ dại phủ trùm không biết bao nhiêu nấm mồ anh hùng cái thế!
Kỳ thực, nói những lời này về nhân tính và hậu nhân luận, nói
về dã nhân hóa/khử nhân tính hóa, liệu có quá thừa thãi không? Xưa nay chẳng đã
có hằng hà người góp tiếng góp lời rồi đó sao! Cớ gì lại bồi thêm những lời đã
cũ đến mức nhãng nhàm. Quả đúng cũ kỹ nhưng mãi còn mới, thậm chí càng khẩn thiết,
cấp bách hơn. Vì đời “hạ ngươn” toàn cầu hóa, việc đảo cực xoay chiều trật tự
quyền lực, giằng co vật lộn giữa các “hung thú” đứng đầu “chuỗi thức ăn” đang
đe dọa trực tiếp cuộc sống con người. Chắc ai cũng thấy, loài người đang sống
trong một thế giới ngày càng xáo trộn, hỗn loạn. Bởi tốc độ vận động của đời sống
ngày càng nhanh, có phải điều này chỉ cho thấy xã hội người đang co giật, giãy
giụa và mỗi người buộc phải thích ứng liên tục với những biến tướng khôn lường.
Dã nhân hóa là một vấn đề cũ kỹ, nhưng là một vấn đề muôn đời, một vấn đề luôn
luôn ở thì hiện tại tiếp diễn. Nhân loại vẫn đang tiếp tục đối diện một cách khốc
liệt với quá trình dã nhân hóa trong nhiều chiều kích khác nhau.
“Vì vậy cho nên lịch sử có cái trách nhiệm khi nhửng việc
tương lai tưởng tượng bấy lâu nay đả bị phá tiêu tan, phải lập thành cái sự thật
cho đời nầy … Sự phê bình thiên đàng đỗi lại là phê bình trái đất nầy đây…”.
Liệu văn học nghệ thuật có thể đóng vai trò gì trong cuộc giằng
co tâm linh và hôn ám vô minh này? Từ dân tộc tính đến nhân tính, văn nghệ nói
chung hoàn toàn có khả năng, bởi văn chương thuộc về một trong số căn cơ hoạt động
ý thức xã hội. Văn nghệ phủ chối hoặc né trách bản chất này cũng tức là tự triệt
tiêu “căn tính văn nghệ”, tự gạt mình ra khỏi phạm vi hình thái ý thức xã hội
chân chính. Nói khác, ngụy văn nghệ!
Theo đó, văn nghệ khởi đi từ chủ thể tính đến dân tộc tính trở
về nhân tính phổ quát, lẽ nào bỏ rơi con người trong nỗi khổ niềm đau bao vây.
Văn nghệ cần giữ gìn niềm tin và tinh thần lạc quan tươi sáng; đồng thời không
sa vào lối “à ơi” lòng người trong nền văn minh dã nhân. Tin tưởng và lạc quan
góp phần thức tỉnh, không phải tu sức mê mị nhân tâm. Vấn đề người mãi còn trên
cuộc thế; dù ở góc độ nội tại tinh thần hay ngoại hiện thế giới; dù ở góc độ cá
nhân, giai tầng, dân tộc, quốc gia, thế giới, … Đời người vẫn tiếp tục trải ra
theo mỗi bước chân đi tới, văn nghệ cũng không ngừng đi tới theo mỗi bước chân
người. Chẳng có lẽ chỉ là văn nghệ thời trang, chẳng có lẽ chỉ là văn nghệ tình
cảm, chẳng có lẽ chỉ là văn nghệ phản ánh phê phán, nên chăng hướng tới: văn
nghệ tư tưởng!
“Hồng nhạn bi minh tán lâm tẩu
Sài lang hoành hành đương lộ khê
Triều dã thôn thanh bất cảm thuyết
Ô hô! Kỳ tai trư điểu đề”
Tiếng chim heo kêu thất thanh, có phải chim heo kinh hoảng thảng
thốt giữa cuộc thế. Giữa đô thị văn minh, bạn có nghe ra tiếng chim heo; bạn có
thấy ly loạn chiến chinh, bom đạn giết chóc vẫn hằng ngày ì đùng dưới vòm trời;
có thấy phận người nằm ngửa phản kháng; thấy những kẻ Hikikomori trốn tiệt
trong nhà; những khu rừng tự sát; và đói nghèo, bệnh tật, cưỡng bức, giả hoặc,
lừa bịp, tranh giật, nhiễu sự,…! Ấy vậy mà, xã hội người trên phạm vi toàn cầu,
ngày càng nhiều ý hệ, thiết chế, kết cấu quyền lực nhân danh văn minh tiến bộ
và hòa bình để tiếp tục gieo rắc “đại dịch dã nhân”, đẩy con người đến chỗ “phó
nhân/hậu nhân” trong xã hội hậu công nghiệp. “Đười ươi chê khỉ dã nhân, Thuồng
luồng chọc khoáy giao long dìm thuyền!” Cáo buộc, luận tội, mạo xưng, … chắc
gì ai thực sự đứng về phía nhân bản. Chỉ có con người may ra cứu lấy con người!
Nếu không nghe không thấy, bạn cũng đương tiếp tay cho quá trình dã nhân hóa
lan tràn lấp mộ đời sống.
Ngờ đâu:
“Lao xao cõi trần ai, trường hoan lạc gẫm không mấy lúc
Thấm thoát cơn mộng ảo, đoạn biệt ly há dễ bao lâu”.
Tài liệu tham khảo:
1. Arendt, H. (1951). The Origins of Totalitarianism.
New York: Harcourt, Brace and Co.
2. Arendt, H. (1963). Eichmann in Jerusalem: A Report on
the Banality of Evil. London: Faber and Faber.
3. Arendt, H. (1971). The Life of the Mind: Thinking
(Vol. 1). San Diego: Harcourt-Brace.
4. Aristotle (1987). Poetics ( R. Janko).
Indianapolis, Cambridge: Hackett.
5. Backhouse, J. (1844). A narrative of a visit to the
Mauritius and South Africa. London: Hamilton, Adams, and co. Paternoster Row
and New York: John L. Linney, Low Ousegate.
6. Barnard, A. (2008). History and Theory in
Anthropology (ninth printing). UK: Cambridge University Press.
7. Bernard, V. W., Ottenberg, P. and Redl. F. (1971).
“Dehumanization.” In Sanctions for Evil, edited by N. Sanford and C.
Comstock, 102–24. Boston, MA: Beacon Press.
8. Bleiker, R., Campbell, D., Hutchison, E. and Nicholson. X.
(2013). “The Visual Dehumanisation of Refugees.” Australian Journal of
Political Science 48 (4), 398–416.
9. Gray, H. M., Gray, K. and Wegner, D. M. (2007).
“Dimensions of Mind Perception.” Science 315 (5812), 619.
– Hagan, J. and Wenona R. R. (2008). “The Collective Dynamics
of Racial Dehumanization and Genocidal Victimization in Darfur.” American
Sociological Review 73 (6), 875–902.
– Haslam, N., Bain, P., Douge, L., Lee, M. and Bastian, B.
(2005). “More Human than You: Attributing Humanness to Self and Others.” Journal
of Personality and Social Psychology 89 (6), 937–50.
– Haslam, N. (2021). “The Social Psychology of
Dehumanization.” In The Routledge Handbook of Dehumanization, edited by M.
Kronfeldner. London and New York: Routledge, pp.127-144.
– Heidegger, M. (1974). Thư về nhân bản chủ nghĩa (Trần
Xuân Kiêm dịch, in lần nhất). Saigon: Tân An xuất bản.
– Heinämaa, S. and Jardine, J. (2021). Objectification,
inferiorization, and projection in phenomenological research on dehumanization.
In The Routledge Handbook of Dehumanization, edited by M. Kronfeldner.
London and New York: Routledge, pp. 309-325.
– Kronfeldner, M. (Edited by, 2021). The Routledge
handbook of dehumanization. Series: Routledge handbooks in philosophy.
London and New York: Routledge.
– Kuper, L. (1982). Genocide: Its Political Use in the
Twentieth Century. New Haven, CT: Yale University Press.
– Kuper, L. (1989). “The Prevention of Genocide: Cultural and
Structural Indicators of Genocidal Threat.” Ethnic and Racial Studies 12
(2), 157–74.
-Montagu, A. and Matson, F. (1983). The Dehumanization
of Man. New York: McGraw-Hill Book Company.
– Moore, T. (1853). Memoirs, Journal, and Correspondence
of Thomas Moore (Vol II) (edited by John Russell). London: Longmans,
Brown, Green and Longmans, p.38, 308.
– Nguyễn An Ninh (1932). Tôn giáo (in lần thứ nhứt).
Bộ “Sao mai” cuốn nhứt. Saigon: Nhà in Bảo Tồn.
– Opotow, S. (1990a). “Moral Exclusion and Injustice: An
Introduction.” Journal of Social Issues 46 (1), 1–20.
– Opotow, S. (1990b). “Deterring Moral Exclusion.” Journal
of Social Issues 46 (1), 173–82.
– Opotow, S. (2011). “How This Was Possible: Interpreting the
Holocaust.” Journal of Social Issues 67 (1), pp.205-224.
– Perry, R. J. (2003). Five key concepts in
anthropological thinking (1st ed.). USA: Pearson Education, Inc.
– Nguyễn Văn Sâm (1972). Văn học Nam hà (văn học Đường
Trong thời phân tranh). Saigon: Lửa Thiêng xuất bản.
– Stuurman, S. (2017). The Invention of Humanity:
Equality and Cultural Difference in World History. Cambridge, MA: Harvard
University Press.
– Vương Xuân Tình và Trần Hồng Hạnh (đồng chủ biên,2012). Phát triển bền vững văn hóa tộc người trong quá trình hội nhập ở vùng Đông Bắc. Hà Nội: Nxb. Khoa học Xã hội.
Rừng Dầu, 12/5/2022
Võ Quốc Việt
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét