Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Nguyễn Thị Thanh Xuân gởi theo chút duyên tình đọc

Nguyễn Thị Thanh Xuân
gởi theo chút duyên tình đọc

“Gửi đây chút duyên tình đọc” sẽ không là chút duyên tình đọc mà nhiều duyên tình đọc mang đến cho người đọc hôm nay những mạch ngầm rung động đầy thú vị và thú vị ấy, truyền cảm hứng khiến người đọc hăm hở nối tiếp chút duyên tình gởi theo…!
Đúng là cơ duyên! Cơ duyên bởi những chân dung văn học xuất hiện trong tập sách “Gửi đây chút duyên tình đọc” của Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thị Thanh Xuân, do Nhà xuất bản Đà Nẵng và Như Book ấn hành tháng 10 năm 2019, là cuộc hội ngộ “ngẫu nhiên, bất ngờ” giữa tâm hồn người nghệ sĩ và tâm tình bạn tri âm. Ngẫu nhiên đối với chính tác giả tập sách, bất ngờ dành riêng có cho bạn đọc. Tin rằng, “Gửi đây chút duyên tình đọc” sẽ không là chút duyên tình đọc mà nhiều duyên tình đọc mang đến cho người đọc hôm nay những mạch ngầm rung động đầy thú vị và thú vị ấy, truyền cảm hứng khiến người đọc hăm hở nối tiếp chút duyên tình gởi theo…!
1. Tương phùng và chia sẻ
Đồng hành cùng tác giả tập sách, bạn đọc hẳn có cơ hội du hành vào thời gian khoảng một thế kỷ: từ tiền bán thế kỷ XX đến những năm đầu thế kỷ XXI. Đây là chặng đường dài của văn học Việt Nam. PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân thông qua việc phác họa chân dung văn học đã sống cùng với những thăng trầm của nền văn học nước nhà. Qua đó, tác giả tập sách bộc lộ những ưu tư của bản thân về người, về tác phẩm và đời sống văn học. Những ưu tư đó, có lẽ, góp phần xác lập vị thế nhà nghiên cứu lý luận phê bình văn học, nhà giáo và cũng là “bạn đọc lý tưởng” cho văn nhân nhiều thời kỳ khác nhau trong một đất nước đầy biến động.
Bằng lối viết giản dị, tác giả “Gửi đây chút duyên tình đọc” hình như có xu hướng biến những khái niệm và hệ thống lý luận nặng nề trở nên đơn giản, minh xác. Dẫu rằng ngẫu nhĩ tương phùng, kỳ thực tác giả đã nỗ lực mang duyên tình đọc từ tâm thế của tác giả đến cùng bạn đọc trong cách thế dễ tiếp nhận hơn. Chẳng ngoa khi nói rằng, tác giả tập sách không ngần ngại mở toang cánh cửa dẫn bạn đọc vào địa hạt văn chương của nhiều văn nhân vừa quen vừa lạ. Có thể xem PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân là người “trợ duyên” giúp bao nhiêu văn sĩ xưa nay được cơ hội trở lại với bạn đọc đương thời. “Qua trang sách này, tiếng nói của họ sẽ xuyên qua thời gian, gửi gắm bao nhiêu là thông điệp, bằng một cách thế riêng” (tr.7). Quả thực, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân đã kích hoạt và làm bừng lên cảm hửng sẻ chia. Dầu viết theo lối “tùy bút đọc” hay thiên khảo luận chặt chẽ, mỗi bài viết luôn mang lại cho bạn đọc đương thời nhiều trắc diện khác nhau của từng chân dung văn học. Việc này cũng nói lên, tác giả tập sách không mang tâm thế “tĩnh” và hệ quy chiếu cố định để từ đó, phóng tầm nhìn đến đối tượng khắc họa chân dung. Trái lại, tác giả tập sách xuất phát từ đặc trưng phong cách, tư tưởng và thông điệp của mỗi văn sĩ để xác lập cách tiếp cận phù hợp. Phải là người nhuần nhuyễn điêu luyện về phương pháp mới có thể khiến “vạn pháp” thành “nhất pháp” và rồi “vô pháp”, nhưng kỳ thực ẩn chứa trong đó là sự kết hợp nhuần nhị và nhẹ nhàng những phương pháp nghiên cứu văn học. Rồi, bằng cách đó, tác giả tập sách đã thành công trong việc khắc họa chân dung văn học bằng cuộc tương phùng ngẫu nhĩ!
Nhìn người bằng đôi mắt của mình thì bóng người làm gương phản chiếu tư thế của mình. Cớ sao tác giả tập sách quan tâm đến vấn đề quốc học trong quan niệm Phan Khôi để nói tới sự học nước nhà. Rõ ràng từ những phân tích của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, người đọc không thể không nghĩ tới sự học của nước nhà hôm nay. Chuyện xưa đánh động chuyện nay.
“Đọc nhau vì duyên, trọng nhau vì tình, “duyên tình đọc” là sự hấp thụ nhau như lửa cháy lên sức nóng, làm sống lại ánh sáng từ những nơi mờ tối. […] Lửa của người viết, lửa của người đọc, lửa từ năng lượng tác phẩm, lửa của sự tương thông, lửa của tâm giao – nguồn sống ủ kín đó âm thầm nhảy múa và thao thức trong sâu kín của trí tuệ người đọc, khiến người ta có cảm giác cần đến sự đọc nhau, đọc cho nhau; vì sự đọc ấy mà nghĩ suy; nối dài những cách nghĩ suy để đọc thêm những “văn bản” sống động ngoài chữ nghĩa như những thông điệp vẫn đang từng giờ tìm lối hiển lộ nơi cảm xúc và tâm hồn con người”[1].
Từ ngọn lửa Phan Khôi, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân mở ra duyên tình đọc, nhắc nhở sự vượt thoát của Phan Khôi trong văn nghệ nói chung để nhắc nhở người đương thời, nhứt là người trí thức về bản mệnh của kẻ trí thức. Quả thực, tác giả tâp sách đâu khác gì người tri âm tri kỷ của những bóng hình đã lướt qua đời sống văn nghệ nước nhà, nhưng hãy còn những uẩn tình u uất chi đó. Duyên tình đọc: trước hết, chính là sự sẻ chia, thấu cảm. Xưa Phan Khôi “thân oan cho Võ Hậu”, hậu thế cũng không ít người thân oan cho Phan Khôi, âu cũng là duyên nghiệp xưa nay! Vì đâu mà có cơ duyên ấy? Phải chăng, người xưa kẻ nay đều cùng một chí hướng: bênh vực cho người yếu thế, lên tiếng thay cho những cái tiên phong bị trù dập, ngăn trở, che lấp.
“Tôi viết bài nầy, cái ý thân oan cho một người đàn bà còn là ý thứ hai; mà cái ý cốt cũa tôi là muốn cho chúng ta phê bình một người nào, phải xét rõ lịch sử, hoàn cảnh, tâm sự cũa người ấy rồi sẻ phê bình, chớ đừng có đụng đâu nói đó”[2].
Nối bước, tác giả tập sách thốt lên nỗi lòng Phan Khôi.
“Là con người như vậy, thì việc Phan Khôi tham gia kháng chiến chống Pháp và đồng thời viết cho Nhân văn giai phẩm, cũng là lẽ tất nhiên. Ông đã sống và hành động đúng với tâm niệm, đúng với cốt cách của mình. Những giá trị mà ông xác tín nằm trong hệ thống giá trị phổ quát mà nhân loại không thôi mong mỏi, hướng về. Nhưng Phan Khôi cũng mãi mãi là người cô đơn trong khí phách, trong hoài bão của mình, cả thời ông sống và cho đến hôm nay” (tr.28).
Mối đồng cảm – đồng điệu ấy, có lẽ, khiến cho tác giả tập sách cảm mến và thấy gần gũi với Phan Khôi –  Từ đó, người trở thành kẻ tri kỷ với tiền nhân. Trong mối giao tình này, PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân có lẽ cũng hướng đến tính tiên phong của người trí thức. Chí ít, bạn đọc có thể thấy thiện cảm của tác giả tập sách đối với những nhà trí thức tiên phong và do đó, bạn đọc cũng thấy tác giả tập sách đứng về phía cái mới, tiến bộ và phát triển.
2. Lập trường tiếp nhận
Tiên phong – Dân tộc – Cái đẹp, … có thể nói là những nền tảng mà tác giả tập sách đã dựa vào để phóng tầm nhìn phác họa chân dung văn học trong “Gửi đây chút duyên tình đọc”. Từ cách thế trí thức tiên phong của Phan Khôi, lập trường dân tộc của Phan Khôi và quan điểm duy mỹ của Hoài Thanh, bạn đọc có thể hình dung đời sống văn nghệ nước nhà nửa đầu thế kỷ XX. Những quan niệm này còn tiếp tục cuộn chảy trong sinh hoạt văn chương giai đoạn sau. Nhìn các chân dung văn học, bạn đọc cũng gián tiếp nhìn thấy tác giả tập sách. Nhìn thấy tinh thần dân tộc của Thiếu Sơn phải chăng nhìn thấy tinh thần dân tộc của PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân. Bên cạnh một Phan Khôi duy lý có một Hoài Thanh duy mỹ, đó là thế cân bằng của chính tác giả tập sách khi tiếp cận đối tượng nghiên cứu.
Bìa tập chân dung văn học “Gửi đây chút duyên tình đọc” của PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân
Từ lòng mình đến tâm người, sự cân bằng của tác giả tập sách biểu hiện ở những đánh giá khách quan từ nhiều góc độ khác nhau. Bên cạnh đóng góp, tác giả tập sách còn chỉ ra những hạn chế nhất định của mỗi đối tượng (tr.35). Dẫu vậy, bạn đọc vẫn nhận thấy, trên hết, là tinh thần “gạn đục khơi trong”, sự cầu thị – trân trọng những giá trị “phi – thời – không”, mà thế hệ đi trước đã để lại cho hậu thế. Trân quý cách thế làm văn học của thế hệ đi trước, bản thân tác giả tập sách cũng sẽ được thế hệ tiếp nối quan tâm và trân trọng!
Càng rơi vào thế bị thúc bách, người ta càng có khuynh hướng trở về với chính mình, nhận diện chính mình. Trong những tình thế đó, cảm quan năng lực dường như bộc phát mãnh liệt. Ngòi bút mềm mại, uyển chuyển hơn, đôi mắt nhìn đời cũng tự do lãng mạn hơn. PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân không ngại bày tỏ thành thật tâm thế của mình khi bắt gặp Túp lều nát của Nguyễn Trần Ai/Nguyễn Đổng Chi. Cuộc gặp gỡ ngẫu nhĩ tương phùng này khiến cho bài viết cơ hồ là sự kết hợp giữa tản văn, khảo cứu và lối viết chân dung văn học.
“Tôi gặp gỡ Túp lều nát vào những ngày sắp hết hạn nộp bài cho hội thảo và ngay tức thì, bị hút từ tên sách. Khởi đi từ một xúc động cá nhân, hoàn toàn cảm tính, nhưng tôi biết mình sẽ phải vượt qua trạng thái đó. Bởi tôi đang đối mặt với phóng sự, một thể loại của sự thực, trần trụi, gân guốc, và bởi tôi đang đi vào trang viết của Nguyễn Đổng Chi, một nhà văn làm khoa học. Cuộc gặp gỡ muộn màng này buộc tôi chỉ đủ thời gian chăm chú vào văn bản, và tôi thực hành Đọc kỹ (Close-reading), dõi theo mối quan hệ giữa thủ pháp và ý nghĩa. Túp lều nát được khởi thảo từ 1933 đến 1936, công bố năm 1937: thời gian ấy đến nay xê xích trong khoảng 80 năm. Phải mất 80 năm mới có cuộc gặp gỡ này, để tôi nhận ra từ đó một giá trị mà tôi gọi tên là Tiếng kêu, lời vọng, chữ khắc” (tr.140).
Nhìn một lượt 18 bức chân dung, bạn đọc có lẽ nhận ra lối viết của tác giả tập sách thường bắt đầu bằng việc trình bày rõ cớ sự tương phùng, tâm thế tiếp nhận và phương pháp tiếp cận đối tượng văn học. Dù bắt đầu bằng lối viết minh xác chặt chẽ đầy tính khoa học hay bắt đầu bằng lòng tương cảm đồng điệu thì mỗi bài viết đầu thể hiện sự thành thực của tác giả tập sách ngay từ đầu. Điều này, phải chăng cho thấy, tác giả tập sách cũng đã tự thành thực với chính lòng mình và những gì được trình bày trong tập sách; do đó, cũng chính là tiếng lòng thổn thức hết sức tự nhiên của người viết. Bằng sự khiêm nhường cố hữu, nữ tác giả họ Nguyễn thật bụng nói ra những gian khó, ngán trở và hạn chế khi phác họa mỗi bức chân dung văn học. Việc này, không làm giảm chất lượng bài viết mà ngược lại, còn tạo điều kiện thuận lợi cho người đọc tự xác lập tâm thế của mình khi cảm thông cùng tác giả tập sách qua mỗi bức chân dung. Đồng thời, việc này cũng khẳng định tác phong và đạo đức của nhà làm khoa học, nhà nghiên cứu chân chính. Nhứt là, những bạn trẻ bắt đầu tập tành nghiên cứu, lấy đó làm gương giữ mình, kiến thiết đời nghiên cứu lâu dài.
Đúng như tựa sách, nữ tác giả họ Nguyễn bắt đầu bằng tương phùng để nối dài thêm những ưu tư của người xưa-kẻ nay. Cô Thanh Xuân gọi đó là “những khoảnh khắc bừng lên cảm hứng sẻ chia” (tr.8). Cho nên, con người khí phách hoài bão Phan Khôi (tr.28) đã sống lại qua ngòi bút của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân, cũng như tiếng nói chính trực vì nhân dân đất nước của Thiếu Sơn (tr.54), niềm cám cảnh bất đắc dĩ trước thời cuộc của Hoài Thanh (tr.82), nỗi niềm trí thức yêu nước dấn thân trường hợp Hồ Hữu Tường (tr.117), cuộc giằng co giữa suy tư mơ mộng nghệ sĩ và thực tại khốc liệt trong tâm hồn Triều Sơn (tr.139), tiếng kêu tha thiết của Nguyễn Trần Ai trước tình cảnh “túp lều nát” lần hồi đổ sụp lên đầu dân đen (tr.142); v.v… Mượn chuyện xưa để bày tỏ nỗi lòng hôm nay. Người trí thức làm khoa học, nhứt là khoa học văn chương, không chỉ bó mình trong phạm vi “phòng thí nghiệm/văn bản”, kỳ thực, đôi mắt vẫn ngó nhìn đời sống. Thậm chí nhìn không chớp mắt bởi bản chất  “thức trí” không thể làm ngơ trước vấn nạn xã hội đương thời. Phải chăng, nữ tác giả họ Nguyễn đã ngó cũng như thấy nên trở về với người xưa, qua chữ nghĩa quá khứ, rồi đồng vọng và khuếch trương vài âm ba thống thiết năm cũ trước thực trạng bây giờ. “Thật, giả sẽ được phơi bày dưới ánh mặt trời” (tr.82). Nhưng, phải nhờ công tao ngộ làm thành tương phùng, nhờ bàn tay kẻ hậu sinh lật trở những trang viết bị màu thời gian biến sắc, thì ánh nắng trời mới soi rọi thấu suốt nỗi niềm người xưa. PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân bồi thêm niềm tin tưởng của Hoài Thanh về tình thế bất đắc dĩ phải “tạm gác lại”, mở ra để nắng trời soi thấy lòng trung trinh của Phan Khôi với đời sống con người, dắt lối đến túp lều nát hơn 80 năm trước để khẳng định giá trị xứng đáng của tác phẩm này.
Có lẽ, những băn khoăn của tác giả tập sách về Túp lều nát đáng cho người đọc hôm nay nghiền ngẫm:
“Đọc phóng sự Nguyễn Đổng Chi, câu hỏi hiện lên: Ta đã làm gì trong những năm tháng này và những năm tháng ấy? Ta lại thấy cần những trang phóng sự như những hòn lửa hồng bọc băng bên ngoài của Túp lều nát biết bao!” (tr.152).
Phải chăng, bản chất người trí thức chẳng bao giờ êm xuôi với chính mình và thời cuộc. Những ung nhọt nhức nhối xã hội chẳng khác gì viên sỏi luộm cuộm trong lòng, người trí thức đã “thức trí” chẳng thể né tránh “bản mệnh lương tâm” đời sống. Và, do đó, chẳng thế tránh nguy cơ “thí thân” cho sự vận động phát triển xã hội con người!
“Than ôi! Người ta thường nói: “Cứng quá thì gãy”. Kẻ sĩ chỉ lo không cứng cỏi được, còn gãy hay không là việc của trời. Sao lại đoán trước là sẽ gãy mà chịu đổi cứng ra mềm?” (Nguyễn Dữ).
3. Mô phạm và phá cách
Về cách viết tập sách, theo Phạm Phú Phong:
“Đối với những tác giả thời danh, đã có nhiều người nói đến, sức khám phá và sáng tạo của tác giả là đã tìm ra những chỗ còn bỏ ngõ, khám phá những yếu tố mới, bởi trên con đường đã chi chít những dấu chân, người viết cố tìm ra được những khoảng trống hiếm hoi để đặt bàn chân ấm nóng của mình, nắm được “cái thần” của mỗi người, tô thêm những nét chấm phá, để người đọc có thêm một góc nhìn mới có thể nhận diện rõ chân dung tinh thần của từng tác giả”[3].
Ngoài yếu tố mới, đi vào những con đường hẹp và lối chấm phá, bạn đọc hôm nay còn nhận thấy và học hỏi được gì ở lối viết của nữ tác giả họ Nguyễn “Gửi đây chút duyên tình đọc”?
Nữ tác giả họ Nguyễn thường có lối viết giản dị, bám theo chiều dài cuộc đời của mỗi nhân vật và thường khi rình bày từng chặng đường đời của nhân vật. Ở mỗi chặng đường, nữ tác giả họ Nguyễn điểm qua từng dấu ấn đáng kể, từng đóng góp làm nên thành tựu và tên tuổi của nhân vật ấy. Cách viết này, giúp bạn đọc – nhứt là bạn đọc trẻ, chưa biết hoặc ít biết về những nhân vật này, sẽ rất thuận tiện để tiếp cận. Không đánh đố và “thử thách” tri kiến của độc giả, lối viết và trình bày của nữ tác giả họ Nguyễn rất gần gũi, chân thành; đồng thời sành hiểu tâm lý từng đối tượng người đọc.
Hơn hết, bạn đọc nhận ra tấm chơn tình của nữ tác giả họ Nguyễn trải lòng cùng với từng nỗi thăng trầm biến cố của đối tượng được tập sách khắc họa. Do đó, trang viết của nữ tác giả họ Nguyễn vừa có giá trị khoa học, vừa giàu trữ lượng thông tin và đồng thời giàu cảm xúc; thừa sức lôi cuốn, dẫn dụ độc giả suy ngẫm từng trang viết bởi từng trang viết không sơ cứng khô khan; ngược lại rất mềm mại, đằm thắm. Viết về Bích Khê, Hồ Hữu Tường, Triều Sơn, … PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuận trình bày những nét châm phá ấn tượng, cốt lõi đời văn của từng đối tượng; đồng thời biểu lộ niềm say mê hăng hái trong quá trình nghiên cứu biểu hiện trong từng lời văn khắc họa chân dung. PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã chia sẻ cùng Bích Khê nỗi chênh vênh đời thơ (tr.92), hăng say với nhiệt huyết, năng động, tự tin, lạc quan hiếm thấy của Hồ Hữu Tường (tr.94), cùng xê dịch đắm đuối suy tư và mộng mơ với Triều Sơn (tr.139), … Có lẽ, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã cân bằng được cả hai tâm thế: nhà nghiên cứu và người tri kỷ với tao nhân văn sĩ trăm năm qua. Nói vậy, bạn đọc nên chú ý thêm, điểm nhìn của tác giả tập sách vừa là cái nhìn gần nhìn cận cảnh (để đồng cảm chia sẻ nỗi đời niềm chữ của đối tượng) vừa nhìn xa nhìn rộng nhìn bao quát (để phóng tầm mắt đánh giá thành tựu cả đời văn) trên nền hệ quy chiếu lịch sử văn học hiện đại.
Theo dõi tập sách cả 18 bức chân dung, bạn đọc cảm nhận nữ tác giả họ Nguyễn dành nhiều công phu khảo cứu và điều dễ thấy nhất, chính là lối trình bày rất tỉ mỉ của tác giả tập sách. Bất cứ chân dung văn học nào, nữ tác giả họ Nguyễn cũng bỏ công ra sức khảo sát nghiêm túc từng tác phẩm, chú trọng chi tiết, điểm qua những mấu chốt quan trọng trong đời văn của đối tượng. Có lẽ, do thiên tính cẩn trọng và cầu toàn nên tuy kiệm ngôn, nhưng những phán đoán của nữ tác giả họ Nguyễn thường là kết quả từ quá trình khảo sát tỉ mỉ chu toàn. Do đó, sự kiệm ngôn ấy luôn giữ cho những phán đoán cẩn ngôn có độ chính xác đáng tin cậy!
Cùng du hành với PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân từ câu chuyện của Phan Khôi đến đời văn Nguyễn Nhật Ánh, điểm chung: họ đều là những con người bình thường trở nên phi thường (hoặc ít ra nữ tác giả họ Nguyễn cũng đã chỉ ra sự phi thường của đối tượng được khắc hoạ). Điều này, có ý nghĩa gì? Nói rằng “ngẫu nhĩ tương phùng”, nhưng có vẻ không ngẫu nhĩ chút nào! Mà ngược lại, việc lựa chọn, sắp xếp các chân dung văn học trong tập sách này cơ hồ mong muốn mang lại cho bạn đọc cảm nghiệm từng khía cạnh đời sống văn học nước Việt ở nhiều trắc diện, địa hạt, thời kỳ, … khác nhau. Ngẫu nhĩ thế, âu cũng là trọn vẹn!
Qua lối viết chân dung, Phạm Phú Phong còn nhận xét về hình tượng tác giả tập sách:
“Không nhiều bài và thỉnh thoảng mới xuất hiện người xưng “tôi” trong trang viết, một cách có ý thức của tác giả. Hơn ai hết, người viết phê bình là người cố tình trốn lặn đằng sau câu chữ, nhưng tùy thuộc vào cảm xúc, tình cảm nặng đầy trên từng trang viết, vô tình làm hiện ra chân dung tự họa của người viết. Với Nguyễn Thị Thanh Xuân, đó là sự cảm thụ tinh tế, tình cảm đằm thắm và sự tự tin một cách xác tín. Qua mỗi trang viết nặng đầy cảm xúc của chị, có thể nhận ra một điều chắc chắn rằng, chị phải quý trọng các tác giả nhiều lắm và dành cho họ những tình cảm chân thành cũng như tình yêu chị dành cho văn học”[4].
Một đặc điểm nữa trong lối viết của PGS.TS, Nguyễn Thị Thanh Xuân đáng cho các bạn trẻ hôm nay nghiền ngẫm. Ấy là, cách viết với phần mở đầu khá mềm mỏng, khiêm tốn… Đặc biệt, cách đặt vấn đề rất nhẹ nhàng và đơn giản. Tuy nhiên, khi triển khai các luận điểm và luận cứ/luận chứng, bạn đọc liền nhận ra đôi mắt sắc sảo của người viết: bởi cái nhìn sâu, chi tiết (từ các khía cạnh cận văn bản, liên văn bản – tr.140-141). Thậm chí tác giả tập sách chú ý vào các chi tiết rất nhỏ mà bạn đọc thường ít ngờ tới. Qua những chi tiết nhỏ, theo lối quy nạp, tác giả tập sách lại phát hiện ra đặc điểm thú vị độc đáo của chân dung văn học. Sự chặt chẽ mô phạm trong lối viết của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân chính là ở chỗ ấy. Cho nên, nói “tùy bút đọc” nhưng không có nghĩa phóng túng mà ngược lại, mỗi bài viết đều mang tính mô phạm nhất định. Phải chăng, đó là sự kết hợp vị thế nhà giáo và nhà nghiên cứu – người làm khoa học cũng là người truyền cảm hứng!
Thiên tư nghệ sĩ của nữ tác giả họ Nguyễn, có lẽ, biểu thị qua niềm thích thú trước các chân dung văn học “kỳ quái” đến “kỳ tuyệt” trong cõi chữ nghĩa mênh mông. Nào Hồ Hữu Thường, nào Bích Khê, nào Bùi Giáng, … cuộc tương phùng đầy phóng khoáng của những “hiệp khách tiếu ngạo”. Cuộc hành trạng chữ nghĩa của họ ví như cân đẩu thống vượt khỏi mặt bằng đời sống chữ nghĩa cùng thời. Cuộc “Phi Lạc” náo động cõi trần của của Hồ tiên sinh, dòng tinh huyết vừa bỏng rát bên trong vừa băng khí bên ngoài của Bích Khê qua cái nhìn của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân hiện ra trong dáng hình dòng suối xanh lặng lẽ, cuộc ba đào giỡn hớt “Bùi Giàng Búi” với tác giả lại hiện ra như linh đan bản nhiên tư tưởng, … thực chất biểu thị sự đồng điệu giữa tâm hồn người phác họa chân dung và bản thân đối tượng được phác họa.
Ngẫm lại, quả thực nhà nghiên cứu, nhứt là nghiên cứu văn chương, lẩn khuất sâu kín trong thâm tâm vẫn luôn có cái cá tính “kiêu bạc”, phong thái hiệp khách, du hý mộng trường trong máu tủy. Tác giả tập sách chẳng đã thú thực, bao năm tháng thiếu thời mơ mộng, say mê đọc “dế mèn” cho tới “câu chuyện dòng sông” đó thôi! Rõ ràng, ngòi bút minh xác cẩn trọng của nhà khảo cứu luôn ẩn chứa bên trong tính phiêu bồng của người nghệ sĩ. Phải chăng, đó là, cá tính tinh quái, nghịch ngợm, rong chơi, giỡn hớt, ngã ngớn, bay bổng, hài hước, lanh trí đến mức ranh ma … do Mercury chiếu mạng (mà tác giả tập sách có nhắc tới, tr.154). Bởi cái tôi nghệ sĩ mãi mãi trẻ, mãi mãi “thanh xuân”, mãi mãi là một phần không tách rời trong chỉnh thể hồn người. Và, do đó, cái tôi nghệ sĩ trẻ trung của buổi thiếu thời vẫn còn và vẫn còn mãi song hành cùng vị thế nhà khảo cứu trên từng chặng đường chữ nghĩa.
4. Nữ tính và vượt giới
Viết về các đấng mày râu, nữ tác giả họ Nguyễn đứng ở góc độ quan sát, ghi nhận, thông cảm và sau đó, bày tỏ niềm trân trọng quý mến. Viết về các chân dung nữ, nữ tác giả họ Nguyễn ở một tâm thế khác – Tâm thế chung và cùng sẻ chia, đồng điệu, thương cảm, xót xa… nắm đôi bàn tay giữa các chị em gái thủ thỉ với nhau bao nỗi niềm kín đáo. Mỗi trang viết như thế đều cho thấy trái tim đồng điệu nữ tính của nữ tác giả họ Nguyễn với Nguyễn Thị Thụy Vũ, Phùng Khánh, Lê Giang, … Nguyễn Thị Thụy Vũ khiến PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân nhớ tới Hồ Xuân Hương. Góp phần lý giải/biện bạch chăng, nhưng trên hết, tác giả tập sách đã đồng cảm với niềm cay đắng thống khổ của Nguyễn Thị Thụy Vũ cả trong đời người lẫn đời văn. Cô nhìn thấy sự chân thành và can đảm của Nguyễn Thị Thụy Vũ.
“Chân thành vì đúng là nhà văn của chúng ta say mê dõi theo những nhân vật có cái nhìn thẳng, thậm chí xấc xược, với những quy ước xã hội, những quy tắc đạo đức phi tự nhiên. Can đảm, bởi ý nghĩa thông thường của tiếng Việt, cynique có nghĩa là vô liêm sỉ. Nguyễn Thị Thụy Vũ làm ta nhớ đến Hồ Xuân Hương ở cái cynique vượt ra ngoài ý nghĩa hẹp hòi, thông tục. Đó là khát vọng muốn đạt đến tự do, vượt qua những hệ lụy, những thứ bậc, những cấm kỵ sáo mòn, giả dối” (tr.183-184).
Cũng như, tác giả tập sách đã nhìn thấy và ghi nhận trí tuệ và tâm hồn nữ rất Việt Nam của Ni sư Trí Hải trong việc chuyển dịch tác phẩm của Hermann Hesse.
“Tuổi đôi mươi, Phùng Khánh đã sớm nhận ra những giá trị đích thực như vậy xuyên qua trùng trùng sách vở. Những gì Hermann Hesse tìm thấy được qua những năm tháng dài trải nghiệm kiến thức Tây-Đông, đã được Phùng Khánh tiếp nhận một cách tự nhiên, trẻ trung của một tâm hồn nữ Việt Nam. Khi chuyển ngữ tiểu thuyết Siddhartha, Phùng Khánh và Phùng Thăng đã tự nhiên phả vào bản dịch cái nhìn Phật tính mà gia đình của hai dịch giả đã thấm nhuần tự bao đời. Vì vậy thay vì giữ nguyên nhan đề là Siddhartha của nguyên tác (có thể dịch ra là Tất Đạt Đa) hai dịch giả đã lấy một cái tên mới: Câu chuyện dòng sông” (tr.188).
Ngay từ tiêu đề bản dịch, PGS.TS, Nguyễn Thị Thanh Xuân đã nhìn ra khía cạnh”cynique” trong phong cách dịch của Phùng Khánh, Phùng Thăng. Bởi Phùng Khánh, Phùng Thăng dịch Câu chuyện dòng sông cũng là điều dễ hiểu, nhưng dịch Bắt trẻ đồng xanh (tr.193) thì, … những nhân vật như Holden văng tục “không kéo da non”. Người dịch phải chăng đã tự vượt qua chính giới hạn của mình – công nữ hoàng tộc – vượt qua cấm kỵ sáo mòn! Bạn đọc nhìn thấy ở Phùng Khánh, Phùng Thăng, Nguyễn Thị Thụy Vũ một tâm hồn nữ tự do – rất tự do!
Có lẽ, ở nữ tác giả họ Nguyễn cũng tồn tại một khía cạnh tự do rất nữ tính như vậy!
5. Cuộc “Nam tiến” trong văn chương
Nữ tác giả họ Nguyễn, bản quán Quảng Nam với sông Thu Bồn mà dòng chảy thuận chiều ngang theo thế núi Trường Sơn đổ ra Biển Đông – Đất nghèo khó, người kiên cường, giàu lòng nhân ái và nặng hồn nghệ sĩ. Song, nữ tác giả họ Nguyễn đã gắn kết cuộc đời ngót ngét nửa thế kỷ ở Sài Gòn – vùng đất Gia Định xưa – Quãng thời gian đó, có lẽ, đủ dài để thấm ngấm niềm thương mến nảy nở giữa người và đất. Phải chăng vậy, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân có phần quý mến và nhạy bén với giá trị văn hóa (tạm gọi) Đàng Trong. Từ vùng đất Quảng quê hương đến vùng đất Sài Gòn – trời Nam đương thời, tính chất của văn chương “Nam hà” thấm nhuần từ văn phong, tư tưởng cho đến những cuộc tương phùng giữa người với người. Dẫu có hơi máy móc, nhưng nếu thử liệt kê, người đọc sẽ thấy, trong 18 bức chân dung: có 12 chân dung Đàng Trong, 6 chân dung Đàng Ngoài. Trong số 6 văn nhân sinh ra ở phía Bắc, người đọc cũng nhận ra có đôi người gắn bó mật thiết đời văn ở không gian văn học trời Nam. Như vậy, “Gửi đây chút duyên tình đọc” có phần nghiêng về vùng văn học phía Nam – đất Đàng Trong. Việc này, người đọc cảm thông và cũng dễ hiểu bởi tính tiên phong của khu vực văn học trời Nam đã thể hiện từ khi văn học quốc ngữ phôi thai, phổ biến, phát triển từ những thập niên cuối thế kỷ XIX-đầu thế kỷ XX cho đến nay. Chưa vội luận xét đến đóng góp và giá trị văn chương của mỗi khu vực văn học, nhưng người đọc hôm nay có thể nhìn thấy rõ ràng văn học “Đàng Trong” trải qua nhiều thời kỳ luôn là khu vực văn học sôi động với nhiều khía cạnh tiên phong, tiến bộ.
Người đọc có thể dùng khái niệm được PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân nhắc đến để nghĩ tiếp về cuộc tương phùng trên đất Đàng Trong trong địa hạt chữ nghĩa này: “Chủ âm” (tr.202). Cũng có nghĩa, nữ tác giả họ Nguyễn chú ý đến tác phẩm văn học như là tính văn học (la littérarité). Khởi đi từ quan niệm của Trường phái Hình thức Nga (đặc biệt quan niệm của R. Jakobson), PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã vận dụng để khai mở chủ âm phương Nam trong ngòi bút của một số tác giả. Chẳng hạn, trường hợp Lê Giang: “Chữ của Lê Giang lạ. Đó là chữ của lời không phải của từ. Lời níu nắm từng vốc một những từ, bay lượn trong không gian trò chuyện, nói năng. Bằng cách kết hợp từ vựng, ngữ âm, ngữ pháp, ngữ nghĩa theo cách riêng của bà, lời biến hóa. Bằng các liên tưởng rộng, bất ngờ, đôi khi phải dừng lại, đọc kỹ mới nắm bắt kịp, lời tung tóe như kính vạn hoa. Bằng cách hòa trộn giọng, trong đó chủ âm là đùa nghịch, lời cuộn chuyển” (tr.202). Phong khí trong văn miền Nam thường khiến cộng đồng tiếp nhận ít nhiều kinh ngạc. Phải chăng, chủ âm trong phong khí văn học miền Nam chính là xu hướng vượt qua giới hạn, khuôn khổ. Bởi vậy, chủ âm ấy có khả năng đánh động sự tham dự của độc giả trong cộng đồng tiếp nhận.
Không riêng tập sách này, khuynh hướng nghiên cứu văn học miền Nam cũng dàn trải trong sự nghiệp chữ nghĩa của PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân. “Sống đâu quen đó”, nghĩ cũng là lẽ thường! Trong quá trình cống hiến cho đời sống văn học hơn 40 năm qua, bên cạnh rất nhiều công trình, đề tài, bài báo, … trải rộng nhiều địa hạt khác nhau thì số lượng công trình nghiên cứu về văn học Nam Bộ chiếm số lượng đáng kể, chẳng hạn một số sách, đề tài: Điều tra cơ bản về kinh tế, văn hóa, xã hội đồng bằng sông Cửu Long (1986);  Địa chí Bến Tre (1991); Từ điển Sài Gòn- thành phố Hồ Chí Minh (2000, xuất bản 2008); 25 năm một vùng tiểu thuyết (2002); Điều tra, bảo tồn, nghiên cứu di sản văn học chữ quốc ngữ ở Nam Bộ đầu thế kỷ XX (2010); Điều tra, bảo tồn, nghiên cứu  di sản văn học Nam Bộ giai đoạn từ 1930 đến 1945 (2010);  Văn học Quốc ngữ Nam Bộ 1945-1954 (2010); Hoạt động Nghiên cứu, Lý luận, Phê bình Văn học Quốc ngữ ở Nam Bộ trước 1954 (Sưu tầm, tuyển chọn và nghiên cứu, 2017); Sự du nhập các lý thuyết văn học Phương Tây vào Miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 (2017);…   bài báo và tham luận: Chữ quốc ngữ, báo chí, công chúng và văn học Nam Bộ đầu thế kỷ XX (2010); Giao tiếp văn học ở Nam Bộ, qua trường hợp “Cuộc tiến hóa văn học Việt Nam” của Kiều Thanh Quế (2012); Phong cách đọc của công chúng Sài Gòn- Nam Bộ (2015); Nghĩ về việc nghiên cứu văn học ở Sài Gòn- Nam Bộ (2015); Phân tâm học trong đời sống văn học miền Nam Việt Nam giai đoạn 1954-1975 (2016); Nghiên cứu hiện tượng văn học Hồ Biểu Chánh (2016);  … Liệu bạn có nhận ra cuộc “Nam tiến” từ cổ điển đến hiện đại, từ trong nước đến ngoài nước, của tác giả tập sách này trong địa hạt văn chương. Liệu việc này có làm bạn nhớ đến quá trình Nam tiến của những lưu dân vùng “Thuận Quảng” vào Nam kỳ tìm cuộc sống mới. Bằng cuộc “Nam tiến” chữ nghĩa, ít nhiều, cô Thanh Xuân cũng như nhiều văn nhân Trung kỳ nhiều thời kỳ khác nhau, đã góp phần làm cho đời sống văn học phía Nam thêm sôi động, góp phần thúc đẩy sinh hoạt văn chương khu vực này cùng hòa nhịp vào sinh hoạt văn chương chung của cả nước.
Trên hết, người đọc có thể thấy tấm lòng của PGS. TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân với đời sống văn học miền Nam.
Tạm kết
“Gửi đây chút duyên tình đọc”, người đọc – nhứt là bạn đọc trẻ, sẽ thu nhận được nhiều điều đáng suy ngẫm. Trong đó, lối viết chân dung văn học vừa mô phạm, độc đáo; vừa đậm đà, truyền cảm và đồng thời cân bằng giữa tính chính xác khoa học lẫn tính xúc cảm của văn chương, mà ít người có thể làm được khi phác họa đời chữ nghĩa. Thứ nữa, thông qua mỗi bức chân dung, độc giả hôm nay có cơ hội cùng trở lại với biến cố thời đại từng trải qua trên dải đất quê hương đói nghèo song nặng tình với văn chương. Và, có lẽ vậy, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã mở cuộc đồng vọng, mở luồng cảm hứng sẻ chia để tiếng nói hôm qua trở lại giữa cuộc sống hôm nay, thì thầm nhắc nhở cùng con người đương thời những vấn đề đời sống và chữ nghĩa.
Từ mười tám bức chân dung, độc giả có thể chắp nối để phần nào hình dung bức tranh toàn cảnh đời sống văn học Việt Nam hiện đại. Hơn thế, độc giả cũng có thể nhìn thấy “chân dung tự họa” của nữ tác giả họ Nguyễn – người phụ nữ đất Quảng Nam. Ở đó, người đọc thấy tác phong của nhà nghiên cứu, dáng hình của nhà mô phạm và những bước phiêu bồng, lãng mạn, tình tứ rất nghệ sĩ của nữ tác giả họ Nguyễn. Ví như, bữa tiệc ẩm thực, phải nói “Gửi đây chút duyên tình đọc” tròn vị – Tròn vị, vì mỗi bài viết đưa người đọc trải qua từng hương vị màu sắc khác nhau mà trên hết, từng hương vị đã hòa quyện cũng như tự cân bằng, tạo thành cảm nhận chung về “cuộc du hành văn chương” xưa nay.
Miệt mài với văn chương, PGS.TS. Nguyễn Thị Thanh Xuân đã mở ra rất nhiều cuộc “ngẫu nhĩ tương phùng” giữa các văn nhân trong nước lẫn nước ngoài. Thế nhưng, tình quê hương trong ngòi bút của nữ Phó giáo sư – Tiến sĩ họ Nguyễn vẫn sâu nặng, nồng nàn hơn cả.
“Đất Quảng Nam chưa mưa đà thấm
Rượu Hồng Đào chưa nhấm đà say
Bạn về nằm nghĩ gác tay
Hỏi nơi mô ơn trượng nghĩa dày bằng ta?”
(Ca dao)
Mở đầu với Phan Khôi (Điện Bàn, Quảng Nam) kết thúc với Nguyễn Nhật Ánh (Thăng Bình, Quảng Nam), “Gửi đây chút duyên tình đọc”, đầm đầm nỗi nhớ cố hương, nặng nặng lòng nơi chôn nhau cắt rún của nữ tác giả họ Nguyễn. Tôi gọi PGS.TS Nguyễn Thị Thanh Xuân người trợ duyên tình yêu đất nước đến người đọc thông qua chữ nghĩa, người truyền cảm hứng văn chương trả ân tình xứ sở trong sự khiêm tốn Gửi đây chút duyên tình đọc!.
Tài liệu tham khảo:
[1] Lê Thị Thanh Tâm (12-10-2019). “Gửi đây chút duyên tình đọc”: Những ngọn lửa ủ kín…. Trích xuất từ https://nld.com.vn/.
[2] Phan Khôi (1930). Xóa một cái án trong lịch sử: Thân oan cho Võ Hậu. Tuần báo Phụ Nữ tân văn (Năm thứ hai số 55 ra ngày 5 Juin 1930). Saigon, tr.13 (11-13).
[3] Phạm Phú Phong (17/04/2020). 18 chân dung văn học – từ một cái nhìn phác thảo. Trích xuất từ: http://tapchisonghuong.com.vn/.
[4] Phạm Phú Phong (17/04/2020). 18 chân dung văn học – từ một cái nhìn phác thảo. Trích xuất từ: http://tapchisonghuong.com.vn/.
5/7/2022
Trần Bảo Định
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...