Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

 

“Cho tôi ly nữa”… Một mảnh chân dung tinh thần tự họa của Nguyễn Bính

Nếu như “Chân quê” được xem như là một tuyên ngôn nghệ thuật của Nguyễn Bính, thì trên một ý nghĩa nào đó, cũng có thể xem “Cho tôi ly nữa” như một mảnh chân dung tinh thần tự họa của ông. Dù chỉ một mảnh, nó cũng giúp ta phần nào nhận biết tính cách cùng lý tưởng sống, lý tưởng thẩm mỹ của tác giả “Tâm hồn tôi”. Vậy hãy xem cái chân dung tinh thần ấy được Nguyễn Bính khắc họa trong thơ ra sao? Cũng rất thú vị nếu ta thử so thơ ông và cuộc đời ông sau này với cái mảnh chân dung tinh thần tự họa ở tuổi mười tám đôi mươi ấy.

 

Cho tôi ly nữa

 

Chả biết là yêu hay chả yêu
Tình cô bán rượu sớm, trưa, chiều
Tôi ưa say lắm, nhưng nghèo lắm
Có được bao nhiêu mua bấy nhiêu

Cô bán cho tôi ly rượu nhỏ
Của người ẩn sĩ trốn giàu sang
Tôi say mơ thấy trăm vườn cúc
Một sáng mùa xuân mở cánh vàng

Hãy chuốc cho tôi ly rượu nữa
Của người cuồng sĩ ghét công danh
Tôi say mơ thấy đời đen trắng
Bụi đỏ… Ai người đôi mắt xanh

Hãy chuốc cho tôi ly nhỏ nữa
Của người thi sĩ trọ Tràng Yên
Tôi say mơ thấy vì tiên trích
Vua gọi mà không chịu xuống thuyền

Cho tôi ly nữa, thêm ly nữa
Uống thực say rồi nhớ cố nhân
Rồi nếu tiền tôi không đủ trả
Lo gì, tôi có áo mùa xuân

Đừng lo, cô nhé, tôi giàu lắm
Này áo khinh cừu, ngựa ngũ hoa
Mất hết ngàn vàng tôi lại có
Cho tôi ly nữa để tôi ca.

Bài thơ “Cho tôi ly nữa” được đăng trên báo “Tiểu thuyết thứ Năm”, sau in trong tập “Tâm hồn tôi” (nhà in Lê Cường -1940) – tập thơ được Tự Lực văn đoàn trao giải khuyến khích năm 1937. Không biết rõ bài thơ ra đời trong trường hợp nào, ở đâu, song có lẽ được viết vào năm Nguyễn Bính khoảng dưới hai mươi tuổi. Bài thơ này đã hé mở ra một mạch thơ mới – mạch bi tráng xen bi phẫn, bên cạnh mạch chủ đạo đồng quê, tình quê trong sáng song có phảng phất ít nhiều bi lụy. Mạch này sẽ ngày một mở rộng, nhấn đậm thêm, kể từ ngày ông hành phương Nam, và nhất là khi lăn lóc đã dư mười mấy tỉnh.

Nhà thơ Nguyễn Bính (1918-1966) qua nét vẽ của họa sĩ Tạ Tỵ

“Cho tôi ly nữa”, như tên của bài thơ, đã tự nói lên rằng tác giả uống rượu và… say rượu. Thơ về rượu cổ kim, đông tây, có đến cả rừng. Biết bao thi sĩ đã say rượu, nát rượu, thân bại danh hoại vì rượu, song số bất tử nhờ rượu cũng không ít. Lý Bạch, vị chủ soái của Đường thi, trong cơn chếnh choáng đã bất chấp tất cả khi tuyên ngôn rằng “Cổ lai thánh hiền giai tịch mịch/ Duy hữu ẩm giả lưu kỳ danh”. Nguyễn Bính không phải là Lý Bạch, song trong trên bước giang hồ rượu đã giúp ông giải sầu, và hơn thế đã là “bà đỡ” để ông cho ra những vần thơ cảm hoài, bi thống. Trong số thơ rượu hoặc có mùi rượu, thì “Cho tôi ly nữa”, là bài thơ rất đáng lưu ý, vì nó thuộc lọai “thi ngôn chí”, tức là thơ để bày tỏ chí hướng, hoài bão, lý tưởng của nhà thơ. Đồng thời, bài thơ này cũng cho thấy con nhà Nho cũ Nguyễn Bính đã thông thuộc và vận dụng “điển tích Tàu” nhuần nhuyễn và đặc sắc như thế nào.

Bài thơ bắt đầu bằng: “Chẳng biết là yêu hay chẳng yêu/ Tình cô bán rượu sáng trưa chiều”. Tác giả như lúng túng, không gọi rõ ra được tình cảm của mình với  “cô bán rượu” nên mới nói là “yêu hay chẳng yêu”. Người đọc băn khoăn không rõ là “sáng trưa chiều” có quan hệ như thế nào với “tình cô bán rượu”. Hay là ông hay ra quán, la cà nơi quán, cả người uống cũng như người bán đã nhẵn mặt nhau rồi, nên cũng chả cần nói rõ ra nữa? Hay là ông “cắm” quán nhiều nay khó nói, nên cứ phải bâng quơ thế? Hoặc là ông và cô bán rượu có tình ý với nhau nhưng rồi men tình nay đã nhạt? Theo người viết hiểu, thì cô hàng rượu chỉ là một cô “ước lệ”, đại diện cho rất nhiều cô hàng rượu mà ông đã gặp, đã uống trên bước giang hồ. Nguyễn Bính mượn hình ảnh cô để giãi bày tâm trạng mình, giống như ông đã từng trải lòng với các cô lái đò nơi bến sông quê, hay cô hái mơ chùa Hương, cô hàng xóm cạnh nhà… Nhưng rồi đến hai câu tiếp “Tôi ưa say lắm song nghèo lắm” thì rõ là ông trần tình hoàn cảnh mình: ưa say, thích uống, song tiền ít. Vậy thì ông sẽ uống theo kiểu của ông “Có được bao nhiêu mua bấy nhiêu”. Uống không chỉ để say, để quên đời mà là đủ để mình ở giữa khoảng say và tỉnh, là lơ tơ…  “mơ”, nói một cách văn vẻ là để thăng hoa. Do vậy, ly rượu ở bài thơ này không phải là ly rượu mừng, cũng không phải là ly rượu tiễn, mà là ly rượu… mơ.

Cuộc “độc ẩm” mở ra bằng “Cô bán cho tôi ly rượu nhỏ”, và cuộc “độc thoại” bằng thơ cũng bắt đầu khi ông nâng ly lên.

Ly đầu tiên là “của người ẩn sĩ trốn giầu sang”

… để “Tôi say mơ thấy trăm vườn cúc/ Một sáng mùa xuân mở cánh vàng”. Hai từ “ẩn sĩ”, cùng “vườn cúc”, mà trăm vườn cúc, gợi cho ta điều gì đây? Ở nước Tàu xưa, thì cúc là biểu tượng cho khí tiết thanh cao, lánh mùi giầu sang, danh vọng của người quân tử, giống như tùng, trúc, mai vậy. Cúc “lá không rụng khỏi cành, hoa không lìa khỏi thân” (diệp bất ly chi, hoa vô lạc địa) và nhất là chịu được sương gió (cúc ngạo hàn sương). Luận về hoa cúc, người ta thường nhắc nhớ đến Đào Tiềm, nhà thơ đời Tấn, tự Uyên Minh. Ông tính tình phóng khoáng, không cầu cạnh lợi danh. Khi ông đang đảm nhậm chức tri huyện ở Bành Trạch (người đương thời thường gọi ông là Đào Bành Trạch) vào dịp cuối năm, có quan đốc bưu về kiểm tra công việc, bọn tiểu lại ở đó khuyên ông nên ăn mặc chỉnh tề, buộc dây đai để ra tiếp. Ông bèn than rằng: “Ta há vì năm đấu gạo mà cong lưng vòng tay thờ bọn tiểu nhân nơi ngõ xóm sao?”. Nói rồi, nội trong ngày đó ông trả ấn từ quan hướng về làng cũ. Trên đường về ông hoàn thành bài thơ nổi tiếng ‘‘Quy khứ lai từ’’ (Hãy về đi thôi), trong đó có hai câu: “Tam kính tựu hoang/ Tùng cúc do tồn” (Đường ra lối nhỏ vườn hoang/ Chen nhau tùng cúc xếp hàng đợi đây).

Đào Tiềm mê cúc, thích trồng cúc. Cứ đến ngày Trùng Dương (ngày lễ hoa cúc 9-9), ông cùng bạn bè uống rượu, thưởng hoa, ngâm vịnh “hái cúc dưới giậu đông, thơ thới nhìn núi Nam” (Thái cúc đông ly hạ, du nhiên kiến Nam sơn). Có rượu mới có thơ. Lần đó, nhằm ngày Trùng Dương, ông dạo ngắm hoa mà vì nhà nghèo không có rượu, nên ông vặt tạm hoa cúc cho lên mồm nhai nhưng chỉ thấy vị đắng, không ra thơ, song thấy tâm hồn bỗng nhiên trở lên thơ thới. Đang lúc buồn thì có người đem đến một bình rượu, bảo là thứ sử Giang Châu là Vương Hoằng gửi tặng. Mừng rỡ, Đào Tiềm mở bình uống cho đến say mềm và thơ theo rượu hòa vị cúc tuôn ra. Bắt chước ông, người ta cho thêm hoa cúc vào trong rượu vừa để trị liệu, vừa để hưởng cái thú thanh tao của “Thu ẩm hoàng hoa tửu”. Sau Đào Tiềm, nhiều nhà thơ Đường-Tống cũng tụng ca vẻ đẹp hoa cúc. Vi Ứng Vật có hẳn một bài thơ “Hiệu ứng Đào Bành Trạch” (Bắt chước Đào Bành Trạch), trong đó có những câu: “Tận túy mao thiềm hạ/ Nhất sinh khởi tại đa” (Thềm tranh cụng chén mà say/ Sá chi thế sự đời nay chẳng màng).

 “Nghĩ ra lại thẹn với ông Đào” là  câu thơ của Nguyễn Khuyến trong bài “Thu vịnh” viết tại vườn Bùi, làng Yên Đổ, quê ông. Ông “thẹn” vì đã “quy khứ” muộn hơn Uyên Minh (Đào Tiềm từ quan ở tuổi 41, khi ông mới nhậm chức được tám tháng), còn mình thì cáo quan về vườn Bùi chốn cũ khi đã lụ khụ. Vậy nên, nhân hứng đến khi chợt nhìn thấy mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái, ông đã toan cất bút nhưng rồi lại thôi. Nguyễn Bính không có tâm trạng “thẹn” của Nguyễn Khuyến, bởi ông chẳng những chưa từng làm quan, mà còn mơ làm quan (dẫu chỉ là làm quan trong thơ), ấy là … quan Trạng: “Quan trạng đi chín lọng vàng/ Cờ thêu tám chữ qua làng Trang Nghiêm”. Nhưng rồi ông sớm vỡ mộng “Chua xót lòng tôi mơ ước mãi/ Áo bào nguyệt bạch, ngựa kim ô”. Điều thú vị là trong bài thơ “Con nhà nho cũ” viết sau bài “Cho tôi ly nữa ít lâu”, Nguyễn Bính trách khéo Bùi Hạnh Cẩn “Cẩn giờ không lập công danh/ Cẩn giờ lại giống Uyên Minh họ Bùi”. Chả là Bùi Hạnh Cẩn anh họ Nguyễn Bính đã hẹn ước cùng tác giả con nhà Nho cũ làm một chuyến hành phương Nam, nhưng mới đến xứ Thanh, thì chẳng hiểu vì lý do gì, đã “cài số lùi” “Cắm sào sông Mã xứ Thanh/ Tôi buồn khi biết đò anh quay về”.

Cũng ở bài thơ này, Nguyễn Binh đã bộc lộ rõ quan điểm của mình về cái gọi là “giầu sang”: “Nhà ta quý chữ như vàng/ Coi tài hơn cả giàu sang ở đời”. Giàu sang, tức là có nhiều của cải, tiền bạc, lên xe, xuống ngựa, thì dễ làm con người tha hóa, vì theo quan điểm của nhà Nho thì có “thanh bần” mới “lạc đạo”. Chỉ có người giầu “chữ” của Thánh hiền, nói lời “nhân”, làm điều “nghĩa” mới thực sự được coi là giầu sang. Văn hào H. Balzac, sống ở thời “tư bản tiền văn minh” còn cực đoan hơn, khi viết rằng: ”Đằng sau mọi gia sản kếch sù là một tội ác”. Nguyễn Bính, do nỗi lo cơm áo “ghì sát đất” (ý văn Nam Cao), nên ông rất nhậy cảm với cái sự giầu nghèo. Hơn một lần, ông đã bóng gió, cạnh khóe cái tính thực dụng của người đời: “Người ta đi lấy cái giầu sang/ Quên cả keo sơn cả đá vàng”; “Người ta đi kiếm giầu sang cả/ Mình chỉ mơ hoài chuyện viển vông”; “ Người giam chí lớn vòng cơm áo/ Ta trí thân vào nợ nước mây”. Có lúc phẫn chí, không dằn lòng được, ông đã cao giọng  “mắng” thế gian phàm tục rằng “Đã coi đồng bạc như non Thái/ Lại học đòi theo thói Mạnh thường”; “Trói vo hồn lại ba đồng bạc/ Bán rẻ đời đi nửa đấu lương”.

Nguyễn Bính “trốn giàu sang” hay “mơ giàu sang” mà không được? Chắc sẽ có người đặt vấn đề thế. Thật khó nói. Song, cái chua xót xen cái ngạo nghễ với đời, coi thường (chứ không dám coi khinh) đồng tiền ở Nguyễn Bính thì đã rõ “Làm thơ mang bán cho thiên hạ/ Thiên hạ đem thơ đọ với tiền”. Chua xót vì “Tắm trong một cái biển tiền người ta”, song ông vẫn thầm mừng cho mình may mà “Biển tiền ôi biển bao la/ Mình không bẩn được vẫn là tay không”. Ông còn tự ý thức rằng một khi mình đã không phụng sự cái giầu sang, quỵ lụy đồng tiền, mà phụng sự cái “viển vông” (cái không thể quy ra tiền), thì:“Em biết giàu sang đâu đến lượt/ Nợ đời nặng quá gỡ sao xong?”. Có một lần, thông qua lời giối giăng với đứa con gái mới chào đời chưa từng biết mặt, Nguyễn Bính còn tự đay nghiến cho cái kiếp thi sĩ “oan nghiệt” của mình “Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm ư con, bạc lắm con”.

 Vâng, thưa nhà thơ, đúng là “Châu ngọc làm sao hái được nhiều/ Tôi là thi sĩ của thương yêu”. Muốn mình không “bẩn” được thì phải chịu kiếp nghèo khổ. Nói như ai đó “đời phải cùng thì thơ mới hay”. Vậy đời Nguyễn Bính có cùng không? “Hỡi ơi! Trời đất vô cùng rộng/ Nào biết tìm đâu một mái nhà?/ Có như mắt Tịch xanh mà uổng/ Đất khách cùng đường ta khóc ta”. Nguyễn Bính hay khóc, có lúc “không đau mà khóc”, nhất là trong chuyện tình ái, song giọt nước mắt trong một “Đêm mưa đất khách” nơi tận cùng đất phương Nam này, thì không phải như vậy.

Như vậy, mơ trăm vườn cúc của Nguyễn Bính là mơ được thấy mình là một ẩn sĩ, sống thanh cao, lánh đời phàm tục như Đào Uyên Minh. Thì cứ để ông mơ, có ai đánh thuế giấc mơ đâu!

Ly rượu thứ hai là “của người cuồng sĩ gét công danh”

Ly rượu này dành để “Tôi say mơ thấy đời đen trắng/ Bụi đỏ ai người đôi mắt xanh”. “Mắt xanh” gợi nhớ đến Nguyễn Tịch, tự Tự Tông, ở đầu đời Tấn, người rất hay uống rượu và giỏi đàn, thơ. Ông là loại người sống ngạo nghễ, hào sảng, cuồng phóng. Giai thoại kể rằng, biết một nơi nọ có người cất rượu rất ngon, trữ tới 300 hũ, ông liền xin vào làm một chức quan nhỏ ở nơi ấy để được “nếm” chúng. Nguyễn Tịch hay say, có lần say liền hai tháng liền, đến nỗi vua Tấn muốn nói chuyện với ông mà không được. Người đương thời cho ông là “cuồng túy”, hay người bị bệnh “si”. Song, cũng chính nhờ rượu, và cả mượn rượu, mà ông tránh được nhiều tai họa bảo toàn được tính mạng của mình ở cái thời nhiễu nhương, loạn lạc.

Chán chốn quan trường, sau một thời gian ngắn chấp chính, Nguyễn Tịch cáo quan rồi đi ngao sơn du thủy, kết bạn với những người cùng sở thích, đồng chí hướng, làm nên nhóm “Trúc lâm thất hiền” (bảy người hiền ở rừng trúc).  Nhóm này chủ trương sống ẩn dật, tiêu dao, thả hồn vào rượu trà, đàn hát, ngâm vịnh, lánh xa những ồn ào, lao xao nơi nhân gian, cũng như những gian trá, lươn lẹo chốn cung đình. Thơ Nguyễn Tịch, cũng như con người ông, tự nhiên, ít gia công mài dũa, nhưng rất phóng khoáng và thâm hậu. Sách Tấn thư chép “Tịch giỏi văn chương, làm Vịnh hoài thi hơn 80 bài, thế gian rất trọng vọng”.

Nguyễn Tịch hay rượu, song lưu danh với đời không phải vì rượu (về khoản này ông thua xa Lưu Linh, bạn ông, tác giả của “Tửu đức tụng”), mà ở cách ứng xử không giống ai. Tương truyền, ông có con mắt nhìn người rất khác thường. Khi tiếp chuyện, nếu khách là hạng quân tử, hoặc là người mình ưa, ông nhìn bằng con mắt có tròng xanh (thanh nhãn). Khách là kẻ tiểu nhân tầm thường, hoặc là người mình ghét, thì nhìn bằng con mắt có tròng trắng (bạch nhãn). Người đời sau dùng chữ “mắt xanh” như là một điển tích để chỉ sự tinh tường trong nhìn người, đánh giá người và tùy người mà biểu lộ sự thiện cảm.

“Tôi say mơ thấy đời đen trắng/ Bụi đỏ ai người con mắt xanh” là Nguyễn Bính nhắc đến điển tích này với ý xiển dương sự yêu gét rạch ròi của Nguyễn Tịch, chê trách sự “vô minh”, à uôm của người đời. Giữa sòng đời bát nháo, trắng đen, vàng thau lẫn lộn nhà thơ đang sống, thì tìm đâu cho thấy một người có đôi mắt xanh như Nguyễn Tịch. Một biến thái khác của “mắt xanh” là “mắt Tịch”,  còn được Nguyễn Bính tái hiện không chỉ một lần trong thơ “Hỡi ơi mắt Tịch xanh mà uổng”; “Tri kỷ không ai, mắt Tịch cuồng”.

Nguyễn Tịch coi thường công danh, thích sống ngoài vòng cương tỏa thì đã hẳn. Còn Nguyễn Bính ở tuổi mười tám đôi mươi “tay trắng” thì đã có gì đâu để mà “gét công danh”. Cứ “lấy trong ý tứ mà suy” thì ông bỏ quê lên tỉnh, ngoài chuyện “kiếm ăn” độ nhật thì cũng mong tìm kiếm chút danh, chút lợi, chút tình. Ít nhiều ông có tơ tưởng đến việc gây dựng một “cơ đồ” nào đó, thì đấy “Con dan díu nợ giang hồ/ Một mai cứ tưởng cơ đồ làm nên”. Thậm chí ông còn có lần gần xa, bóng gió đến một sự nghiệp nữa, khi tự hỏi mình “Xuân sang xao xuyến lòng tôi quá/ Tôi đã xây tròn sự nghiệp chưa?”. Vậy đó là “sự nghiệp” gì? Nếu để ý thì cái sự nghiệp mà Nguyễn Bính mơ “xây tròn” ấy không phải là danh lợi như người thường, mà như có lần ông đã manh nha tiết lộ, đó là “thi nghiệp”: “Sao chẳng về đây lục tứ thơ/ Hỡi ơi, hồn biển rộng không bờ/ Chùm hoa sự nghiệp thơm muôn thuở/ Thiên hạ bao nhiêu kẻ đợi chờ?” (Sao chẳng về đây).

Nói về “công danh”, nếu nhìn với đôi mắt của người thường, thì với cuộc đời 49 năm của mình (ông sinh năm 1917), Nguyễn Bính là người thất bại toàn tập: mộng ước không thành, công danh lỡ dở, tình duyên lỡ làng. Trong thơ, ông cũng đã từng thú nhận “sòng đời thua nhẵn cả thơ ngây”, “Sòng đời thua đến trắng hai tay”, thậm chí còn bi đát nữa “Tay trắng bạn bè đều tránh mặt/ Sa cơ thân thích cũng khinh thường”; “Chỉ tổ tài cao, trời đất ghét/ Một thân oan khổ có trăm đường” (Xuân vẫn tha hương). Cái cơ đồ mà ông cứ tưởng một mai làm nên, cái sự nghiệp mà ông muốn xây tròn ấy, xem ra chẳng đâu vào đâu, chẳng cái gì ra cái gì. Song, nếu lấy đôi mắt xanh kiểu Nguyễn Tịch mà nhìn, thì cái chùm hoa sự nghiệp… thơ, mà ông may mắn hái được, cái hương thơm đặc biệt tỏa ra từ nó dù không muôn thuở, thiết tưởng cũng sẽ còn lan tỏa lâu dài với đời.

… Của người thi sĩ trọ Tràng Yên là ly rượu thứ ba

Với ly rượu này “Tôi say mơ thấy vì tiên trích/ Vua gọi mà không chạy xuống thuyền”. Vì “tiên trích” ở đây đich thị là Lý Bạch, vì “Trích Tiên nhân”, hay “Lý Trích tiên” (ông Tiên bị giáng, bị đày xuống trần gian) là những danh xưng mà người đời dành cho Lý Bạch. Nói “thi sĩ trọ Tràng Yên” là ám chỉ Lý Bạch chỉ tạt qua Tràng An, kinh đô của nhà Đường một thời gian rồi đi. Cũng có thể liên tưởng đến việc chính tác giả hiện đang tá túc trên gác trọ nào đó ở Hà thành, cái vùng đất được giới sính chữ nghĩa, sùng bái nước Tàu cổ xưa, xem như một Tràng An của Việt Nam!

“Vua gọi mà không chịu xuống thuyền” là câu trích trong bài thơ “Ẩm trung bát tiên ca” (bài ca 8 vị Tiên đang uống rượu) của Đỗ Phủ. Nguyên văn bốn câu dành cho Lý Bạch là “Tuý trung vãng vãng ái đào thiền/ Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên/ Trường An thị thượng tửu gia miên/ Thiên tử hô lai bất thướng thuyền” (Lý Bạch một chén, thơ trăm thiên/ Ngủ lỳ quán rượu chợ Trường Yên/ Vua cho gọi tới, chẳng lên thuyền/ Còn nói: “Làng say, ta là tiên”). Ngoài Lý Bạch, bảy “vị tiên” khác, được Đỗ Phủ đưa vào bài tụng ca của mình, là Hạ Tri Chương, Thôi Tông Chi, Vương Tiến, Tô Tấn, Trương Húc, Tiêu Toại, Lý Thích Chi, đều là những tên tuổi đang lừng danh ở Trường An, mà Lý Bạch đã từng kết bạn.

Xuất xứ của câu thơ “Vua gọi mà không chạy xuống thuyền”, không nằm trong bối cảnh của “giai nhân – thi sĩ” đơn thuần, mà là câu chuyện về thi sĩ – giai nhân trong mối tương quan với quyền lực ở chốn cung đình: Đường Minh Hoàng ngồi trên thuyền cùng với người đẹp Dương Quý Phi, một trong “tứ đại mỹ nhân”, mà vẻ đẹp được ví như hoa mẫu đơn – quốc hoa của nước Tàu. Quý Phi muốn Lý Bạch đến làm thơ ca ngợi mình, nên để chiều lòng người đẹp, Đường Minh Hoàng cho gọi Lý Bạch đến thuyền. Nhưng Lý Bạch lúc đó đang say rượu và không chịu lên thuyền… Lý Bạch say thật hay ông giả say, không rõ. Song, dù sao, Lý Bạch sau đó cũng có ba bài “Thanh bình điệu” ca tụng sắc đẹp Dương Quý Phi, trong đó có câu “Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung/ Xuân phong phất hạm, lộ hoa nùng” (Mây hay xiêm áo, hoa hay mặt/ Sương điểm hoa, lất phất gió xuân”. Nhưng cũng vì ba bài thơ này, đúng hơn là hai câu ở Thanh Bình điệu 2 “Tá vấn Hán cung thuỳ đắc tự/ Khả liên Phi Yến ỷ tân trang” (Hỏi ai Cung Hán mà hơn, được!/ Phi Yến e còn cậy tuổi xuân) mà Lý Bạch sau đó bị “thất sủng”. Số là, Cao Lực Sĩ, một hoạn quan đang được vua Huyền Tông đặc biệt tin dùng, trước đó ông này bị Lý Bạch làm nhục bằng tích “tháo giầy, mài mực” đã lợi dụng hai câu thơ nói trên mà dèm rằng, Lý Bạch có ý so sánh Dương Quý Phi với nàng Phi Yến – một phi tần nổi tiếng dâm loạn và bị thất sủng thời nhà Hán. Từ đó, Lý Bạch bị Dương Quý Phi thù, mà người đẹp thù, thì “trẫm” cũng không thể không… ghét. Không được nhà vua cất nhắc, ông bỏ kinh đô đi ngao du sơn thuỷ. Cũng nhờ sự thất sủng này, mà Lý Bạch bảo toàn được khí tiết, và người đời mới được được thấy một loạt những bài thơ  với sắc thái tiêu dao, ngạo nghễ, phóng dật, sau khi ông rời Trường An.

Mơ thấy vì tiên trích, là Nguyễn Bính đâu dám mơ thành một Lý Bạch thứ hai, mà mơ mình cũng là một thi sĩ có cái tiết tháo kiểu Lý Bạch. Có giai thoại, do bạn bè ông kể lại, rằng: Nguyễn Bính không nhận 12  cây vàng (tương đương 1.000 đồng Đông Dương), là số tiền treo giải cho nhà thơ “chân quê”, hoặc nếu ai thuyết phục được nhà thơ bỏ Việt Minh về với Chính phủ “Nam kỳ tự trị” do Trần Văn Thinh làm Thủ tướng. Nguyễn Bính đã đáp lại lời chiêu mời bằng hai câu thơ “Mình không bỏ sở Sang Tề/ Mình không là kẻ lỗi thề thì thôi”. Nghĩa là ông cương quyết đi với Cách mạng, chứ không “dinh tê” để có số tiền cực lớn vào thời điểm ấy, dù ông rất nghèo, và cuộc sống nơi bưng biền “nằm bờ, ngủ nóp” cũng chẳng dễ dàng gì.

Sau này, khi làm báo tư nhân “Trăm hoa” ở Hà Nội, trong bối cảnh phức tạp bấy giờ, Nguyễn Bính vẫn bản lĩnh, can đảm, dám tỏ rõ quan điểm văn nghệ của mình, viết và đăng những gì mình muốn. Khi người trong tổ chức muốn lái tờ báo theo ý họ thì “Tờ Trăm Hoa có một vẻ khác. Không về bè với Nhân văn giai phẩm, nhưng chẳng đi với ai”. Nguyễn Bính còn bảo với Tô Hoài, sau này là tác giả “Cát bụi chân ai”: “Trăm Hoa thế mới là báo của Nguyễn Bính chứ. Nếu không thì mày làm quách cho xong”. Báo Trăm hoa chết yểu, Nguyễn Bính về Ty văn hóa  Nam Hà, chấp nhận thân phận trước sau chỉ là một “nhân viên ngoài biên chế”, dưới sự “chăm sóc” của Trưởng ty Chu Văn. Theo Tô Hoài trong hồi ký “Chiều chiều” thì: “ Những ai đã công tác cùng Nguyễn Bính ở Ty văn hóa Nam Định có thể biết Chu Văn đã quần Nguyễn Bính như thế nào”!

Giá Nguyễn Bính “thức thời”, với cái trích ngang của một thi sĩ nổi tiếng thời “tiền chiến” lại đã từng tham gia kháng chiến, thì số phận của ông đã khác. Chí ít thì ông cũng không quá nghèo khổ với đồng lương bèo bọt của một nhân viên ngoài biên chế. Khốn nỗi cái khí tiết của những Đào Tiềm, Nguyễn Tịch, Lý Bạch đã tự lâu ngấm vào căn cốt của con nhà Nho cũ Nguyễn Bính mất rồi, biết sao!

Lý Bạch trong bài “Nguyệt hạ độc chước 2” bảo: “Tam bôi thông đại đạo/ Nhất đẩu hợp tự nhiên” (Một ly hợp lẽ tự nhiên/  Ba ly đạo lớn thông lên tận trời). Thì với ba ly rượu vừa nói, trong tơ lơ mơ Nguyễn Bính đã thông thiên để thỉnh mời cả ba vị “sĩ”, là ““ẩn sĩ”, “cuồng sĩ” và “thi sĩ”, những biểu tượng tinh thần mà Nguyễn Bính tôn thờ cùng về để ông giãi bày cái hoài bão của mình, tỏ rõ cái chí khí của mình. Trong ba vị đó, Đào Tiềm – lánh đời, Nguyễn Tịch – trốn đời và Lý Bạch – ngạo đời. Nói cho đúng, thì cả ba vị này đều yêu đời, muốn mang đức tài của mình cống hiến cho đời, song gặp phải thời buổi đời “đục” quá, nhiễu nhương quá, nên để bảo toàn khí tiết, nhân cách, các ông đành tìm chốn ẩn dật và mượn chén rượu để ngâm vịnh khuây khỏa sự đời. Cả ba vị đều hay rượu, say rượu. Nhưng nếu rượu say mà không ra thơ, mà thơ hay, thơ “để đời”, thì chỉ là những kẻ nát rượu, đáng khinh, chứ không thể là những bậc “tiên tửu” đáng kính. Cái “ẩm giả lưu kỳ danh” mà Lý Bạch nói, là loại ẩm giả như thế, chứ đâu phải là loại “ẩm giả” nói chung, xin chớ lầm tưởng.

Đến đây, sau ba ly rượu thì Nguyễn Bính đã say rồi, đã hơi líu cả lưỡi rồi, song vẫn muốn “Cho tôi ly nữa thêm ly nữa/ Uống thật say rồi nhớ cố nhân”… Thì ra, rượu ngấm, ẩn sĩ, cuồng sĩ, thi sĩ, cùng với ước vọng, cao vọng, cuồng vọng, đã theo nhau lên mây cả, chỉ còn trơ lại thân phận thi sĩ nghèo nơi quán trọ. Lúc này “cố nhân” (người yêu cũ) lại lờ mờ sống dậy, hành hạ, làm khổ thi sĩ. Còn cố nhân ở đây là ai (nàng Oanh Hà Đông,  nàng Tú Uyên Bạch Mai, hay nàng Mai Thơ Kinh Bắc) thì không rõ. Có thể cố nhân ở đây cũng như bóng “em” thoáng hiện về trong cốc rượu đầy vào một chiều quan tái nơi biên ải chênh chênh bóng ngả sầu lau lách, để rồi “Tôi uống cả em và uống cả/ Một trời quan tái, mấy cho say!”.

Song, dù cố nhân là ai thì cũng đâu quan trọng. Cái quan tâm bây giờ là đã đến lúc phải tính tiền, thứ “tiền tươi, thóc thật”. Nếu ta còn nhớ thì ở đầu bài, tác giả đã bảo rằng: “Có được bao nhiêu mua bấy nhiêu”, ấy vậy mà ông cứ “hãy chuốc cho tôi” hết ly này đến ly khác. Trong khi say, ông vẫn đủ tỉnh để đoan quyết rằng “Còn nếu tiền tôi không trả đủ/ Lo gì tôi có áo mùa xuân”. “Có áo” hay “cố áo”? Người viết bài này thích cố áo hơn. Vì cố áo mới là ngôn ngữ thực thụ của dân “cắm quán”. “Cố” cũng dân dã, “quê mùa” như các từ “van”, “lào”, “tao”, “tuyết”.. theo cái nghĩa nguyên thủy của nó, mà Nguyễn Bính đã từng sử dụng khá đắc địa. Song, có điều thú vị là, cái được Nguyễn Bính mang ra cầm cố ở đây lại là “áo mùa xuân” – một thứ tài sản của đất trời, tạo hóa.

Thì ra, khi đã bí tiền, thì thi sĩ cũng liều xem mùa xuân như một thứ “bất động sản” thuộc sở hữu của riêng mình, sẵn sàng mang gán nợ cho cô hàng rượu. Không chỉ ở đây, nếu như ta nhớ rằng có lần Nguyễn Bính đã xem mùa xuân như một người tình của minh khi ông viết thư cho chị Trúc “chị ơi em cưới mùa xuân nhé”. Rồi, để “khảo giá” mùa xuân, Nguyễn Bính, đã bày ra cảnh hai chị “Bướm đi chợ”. Trên đường tới chợ, chi áo hồ lơ hỏi chị áo điều “Mùa xuân mày biết giá bao nhiêu?”. Chị áo điều cười ngặt ngẽo bảo “mùa xuân đắt lắm cô mình ơi” và bảo bạn rằng “Trăm quan hồ dễ mà mua được!/ Cố áo mà mua, tớ chịu thôi!”. Giá của mùa xuân, của tuổi xuân đắt đến như thế, trăm quan cũng không mua được, thì xem ra cô hàng rượu trong vụ cầm cố này cũng được một món hời rồi. Như vậy, Nguyễn Bính, với quyền năng của một nhà thơ lãng mạn, đã bắt cả thiên nhiên, trời đất cũng phải “chung chi” với ông khoản tốn kém ở cuộc rượu rất nhiều ly của mình.

Đã thế, như sợ cô hàng rượu không tin, ông còn mạo muội đóng vai Lý-trích-tiên mà trấn an cô rằng “Đừng lo, cô nhé, tôi giàu lắm/ Này áo khinh cừu, ngựa ngũ hoa/ Mất hết ngàn vàng tôi lại có”. “Áo khinh cừu”, “ngựa ngũ hoa” là những thứ mà Lý Bạch trong “Tương tiến tửu” đã sai lũ trẻ mang đi đổi lấy rượu về cùng nhau say tiếp để “Dữ nhĩ đồng tiêu vạn cổ sầu” (Ta hãy cùng nhau phá cho tan nỗi buồn muôn thuở). Nếu như “Lý Bạch nhất đấu thi bách thiên” thì Nguyễn Bính “Cho tôi ly nữa để tôi ca”. Lý Bạch:”Thiên sinh ngã tài tất hữu dụng”, thì Nguyễn Bính cũng ăn theo mà rằng “Có tài kẻ chuốc người mua”. Lý Bạch ôm “vạn cổ sấu”, thì Nguyễn Bính: “Sầu lên mái quán mưa tong tả/ Chén ứa men lành lạnh ngón tay”; “Một thân quán trọ sầu phong toả/ Đốt ngọn đèn lên, bóng rợn tường”.

Đỗ Phủ hơn nghìn năm trước bảo rằng: “Tửu trái tầm thường hành xứ hữu/ Nhân sinh thất thập cổ lai hy” (Dân nợ rượu tầm tầm thì có khắp hàng xứ/ Người đạt đẳng thánh hiền thì xưa nay vắng vẻ). Nguyễn Bính đâu có là thánh hiền, mà chỉ hạng dân uống rượu, nợ rượu tầm tầm thôi. Ông qua đời ở tuổi 49, trong cảnh nghèo khổ cô đơn vào một sáng 29 (lấy làm 30) tết Bính Ngọ,1966, còn lâu mới tới được tuổi “cổ lai hy”. Chẳng có gì đáng nói, đáng bàn, cũng như các bậc “tiên tửu” khác, nếu ông uống rượu, say rượu mà không để lại những “Tâm hồn tôi”, ‘Lỡ bước sang ngang”, “Hương cố nhân”, “Mười hai bến nước”… “Cho tôi ly nữa”, không phải là bài thơ hay nhất viết về rượu, càng không phải là bài thơ hay nhất trong gia tài thơ Nguyễn Bính, song là một bài thơ đặc sắc, độc đáo của ông, một thứ “thi ngôn chí”.

Trong lúc say, ông đã hé lộ phần nào tính cách cùng thế giới tinh thần, lý tưởng sống, lý tưởng thẩm mỹ của mình. Đời người và đời thơ Nguyễn Bính, về cơ bản, cũng nhất quán với lý tưởng, hoài bão của ông. Bài thơ này cũng cho ta thấy cái tài vận dụng các điển tích, điển cố của một “Con nhà Nho cũ”, sinh bất phùng thời họ Nguyễn tên Bính, người xứ Sơn-Nam-Hạ xưa. Những điển tích, điển cố không chỉ tạo không khí cổ kính, trang trọng cho bài thơ, mà còn giúp ta sống lại cái thời của những vị “tiên tửu” mang hồn vía của những thi sĩ-ẩn sĩ-cuồng sĩ Đông phương xưa.

Nguyễn Bính có nhiều bài thơ hay khác về rượu hoặc có mùi rượu, như ”Hoa và rượu”, “Một chiều quan tái”, “Xuân tha hương”, “Xuân vẫn tha hương”, “Giời mưa ở Huế”, “Một con sông lạnh”, “Một chiều say”, “Hành phương Nam”… Còn như chuyện Nguyễn Bính biết uống rượu từ bao giờ, đã trải qua những cuộc say nào, ở đâu, với ai, thì người viết xin hẹn lạm bàn vào một bài khác, nếu có dịp.

Hải Hậu,15/72022

Phạm Công Trứ

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...