Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

Thy Lan với "Những cánh đồng mang gương mặt người"

Thy Lan với "Những cánh đồng
mang gương mặt người"

Tập tiểu luận, phê bình với tựa đề “Những cánh đồng mang gương mặt người” của nhà lý luận phê bình văn học Thy Lan không “làm khó” độc giả, ngay cả với một người vốn hoàn toàn “ngoại đạo”.
Bởi lẽ, trong các bài viết, chị không cố gắng thể hiện mình với những “ma trận” ngôn từ, học thuật cao siêu. Chị cứ mặc “để cảm xúc dẫn đường cho ngôn ngữ khai phóng”. Với chị, một khi đã nâng bút cũng là lúc mình đang cùng chia sẻ và đồng cảm cùng sự thăng hoa trong mạch nguồn cảm xúc của người viết.
20 bài viết phê bình, tiểu luận được tập hợp trong cuốn sách “Những cánh đồng mang gương mặt người” chính là 20 lát cắt, điểm nhìn chân thực, tinh tế dưới “con mắt thơ” của nhà lý luận, phê bình văn học Thy Lan.
Từ những điểm nhìn ấy, chị Thy Lan tỉ mỉ gạn lọc, từng bước khắc họa nên “gương mặt người” vốn đã được chị khéo léo ẩn giấu trong từng con chữ. Đa phần các bài tiểu luận, phê bình của chị trước hết đều đi từ cách nhìn tổng quát về hình thức thơ sau đó mới dần dà len lỏi khai thác đến cảm xúc nhằm lẩy lên cho được “những hạt bụi vàng” lấp lánh đã được tác giả dụng công gieo vào lòng tác phẩm. Là một người đặc biệt đề cao vai trò của sự sáng tạo, luôn cất công đi tìm những điều mới mẻ cả trong hoạt động sáng tác và lý luận, phê bình. Bởi vậy nên đọc các bài viết lý luận, phê bình của Thy Lan khá thú vị, linh hoạt trong cách tiếp cận và triển khai vấn đề.
Trải lòng mình cùng “Những cánh đồng mang gương mặt người”, tác giả Thy Lan khi thì say sưa khắc họa “Hình tượng Hồ Quý Ly trong “Trường ca thành Tây Đô” của Văn Đắc”; giải mã “tiếng cười trong vắt” của Nguyễn Văn Túy; “bắc nhịp lòng tỏ một tri âm” cùng “cá tính thơ” Phạm Thị Kim Khánh… Có lúc, chị tỉ mỉ, đầm mình trong suy tưởng cùng “Cấu trúc thơ Lê Thành Nghị”; “Yếu tố thời gian và tư duy cảm thức trong bài “Tiếc” của Lê Bá Thự”; “Một tác phẩm văn học có giá trị “dẫu ăn miếng ngon cũng không sướng bằng”. Đôi lúc bắt gặp chị đằm ấm trong cảm xúc với những trang viết biến ảo về tâm hồn người phụ nữ khi bàn: “Về bài thơ Ngón của Lữ Thị Mai”; “Chín bài thơ với một người đàn bà” của Nguyễn Thị Ánh Huỳnh; “mắt của mùa hay một ánh nhìn” của Trương Thị Mỹ Nhân…
Phong cách viết của tác giả Thy Lan tựa hồ như “những nét vẽ mộc cho một hình hài thật rõ nét” Người ta vẫn thường nói với nhau rằng: Văn chương là nết người. Đọc các bài viết của chị cảm nhận mối liên hệ ấy càng trở nên khăng khít, bền chặt. Thy Lan vốn là con người ngay thẳng, thật thà, chị mang đặc tính quý báu ấy vào những trang viết phê bình chẳng cần dài dòng dẫn luận, hoa mỹ câu từ. Viết về “Rau má” xứ Thanh của Trịnh Anh Đạt”, chị rất rành mạch, rõ ràng trong lập luận, trình bày ý tưởng: “Có lẽ đây là một bài thơ lục bát viết thành công nhất của Trịnh Anh Đạt cả ở góc độ “thơ” lẫn góc độ “đời”.
Bàn về vai trò của sự khác lạ, mới mẻ trong những sáng tác, chị thẳng thắn nhận định: “Thường thì mới mẻ, khác lạ cũng mang đến sự thích thú, tò mò. Thơ ca cũng thế! Ngày càng nhiều xu hướng cố gắng làm mới, tìm sự khác lạ… đó là điều tốt. Song đích đến còn rất xa, thậm chí có cái vì cố làm mới mà trở nên màu mè, rườm rà, lạ hóa đến mức làm ngơ ngác người đọc”. Thy Lan cởi mở bởi sự gần gũi trong chính tâm thế chị dành để “đối thoại” với chủ thể sáng tạo của mình.
Không vì sự gần gũi, tự nhiên mà làm chị xuề xòa, dễ dãi, nhất là trong hoạt động lý luận, phê bình. “Lấy văn bản tác phẩm làm gốc cho mọi sự đánh giá” đó là cách mà chị là bạn bè với người viết và đi vào lòng công chúng.
Cao hơn sự đọc thuần túy là những suy ngẫm, tìm tòi, khám phá và kết tinh tất cả lao động nhọc nhằn ấy vào từng con chữ. Vì lẽ đó nhiều khi Thy Lan có những đánh giá sắc bén, những khái quát đột phá, những hình dung, tưởng tượng về “gương mặt người” ẩn hiện qua từng tác phẩm. Đó là: Thơ Nguyễn Việt Bắc “đậm đà chất hội họa”, thơ Vũ Duy Hòa Minh Trang bình dị, nhiệt huyết, thơ Trần Ninh Hồ đằm sâu, ắp đầy tính triết luận, là ngòi bút “sắc lạnh giác quan” của Lê Thành Nghị…
Với tư cách là một cuốn phê bình, tiểu luận thì dường như “Những cánh đồng mang gương mặt người” thiếu một chút hài hòa trong bố cục. Nếu như cuốn “Mạch ngầm con chữ” (Nxb Hội nhà văn, 2015) của chị dành nhiều cho phần tiểu luận, thì trong cuốn sách này, dung lượng dành cho các bài viết tiểu luận có phần “lép vế” hơn so với các bài viết thuộc mảng phê bình. Có thể, đó cũng là sự lựa chọn linh hoạt trong tuyển sách để thay đổi “cách” tiếp cận cho một “món quen”. Nhưng có lẽ, chỉ ngần ấy, ở một khía cạnh nào đó cũng đủ cung cấp cho độc giả hiểu biết thêm nhiều điều phản ánh quan điểm lao động nghệ thuật của chị. Đó là sự đề cao cá tính sáng tạo, dấu ấn cá nhân trong mỗi sáng tác văn học: “Bản thân hoạt động nghệ thuật là hoạt động của sự sáng tạo mang tính cá thể, không lặp lại người khác và không lặp lại ngay cả chính mình”. Sau tất cả, “một điều quan trọng nhất quyết định sức sống, sức nặng, sức bền của tác phẩm văn học, nghệ thuật đó là giá trị tư tưởng, sức mạnh của ý tưởng. Tư tưởng lại phải được gắn kết và thổi hồn bởi chính tình cảm của tác giả” (một tác phẩm văn học có giá trị “dẫu ăn miếng ngon cũng không sướng bằng”).
Khi quyết định dấn thân trên “cánh đồng chữ”, Thy Lan bao giờ cũng cho người đọc cảm giác về một sự cẩn trọng, tỉ mỉ – một trong những phẩm chất đáng quý của những người làm công tác nghiên cứu, lý luận, phê bình. Cẩn trọng, tỉ mỉ nhưng không cứng nhắc, giáo điều, khiên cưỡng. Cảm xúc vẫn luôn là nhịp cầu mở lối cho sự đồng cảm, chia sẻ. Đọc những bài vết tiểu luận, phê bình của Thy Lan để yêu hơn công việc lao động sáng tạo nghệ thuật và hiểu hơn về “những gương mặt người” ẩn mình sau câu chữ.
14/6/2022
Bùi Hương Thảo
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...