Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2024

"Nơi ngày đông gió thổi" - Niềm mơ tưởng nhân bản

"Nơi ngày đông gió thổi"
Niềm mơ tưởng nhân bản

Tôi có thói quen, khi xem tác phẩm văn hay thơ (nhất là thơ) của tác giả nào cũng bỏ qua “bước một” đọc các bài tựa, lời bạt, giới thiệu hoặc phụ bản (nếu có). Tuy nhiên với trường hợp “Nơi ngày đông gió thổi”, trường ca của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy thì ngược lại.
Tôi phải đọc lời bạt “Trong khu vườn của người đàn bà mang tên Thúy” của nhà thơ Nguyễn Quang Thiều xếp ở cuối tập thơ trước khi đọc thơ Thuý. Tôi tin rằng: nhà thơ Nguyễn Quang Thiều khi đã “đặt bút” viết về một tác phẩm nào đó đã xác tín “căn cước” của văn bản.
Về thơ, hẳn ai cũng biết, thơ có lịch sử lâu đời. Thế nhưng, với hành trình gần 2.000 năm nay, tìm một định nghĩa thể hiện hết đặc trưng bản chất của thơ thì thật không dễ. Mỗi nhà nghiên cứu hàn lâm có một cách định nghĩa khác nhau về thơ, nay cả các thành tố của thơ như ngôn ngữ thơ. Theo M.Goorky, ngôn ngữ là yếu tố thứ nhất của văn học. Lao động sáng tạo nên con người, lao động sáng tạo nên ngôn ngữ. Và, ngôn ngữ chính là sản phẩm tinh thần có ý nghĩa lớn nhất của lao động.
“Ở đâu có lao động thì ở đó có sáng tạo ra ngôn ngữ” (nhà văn Nguyễn Tuân). Với ngôn ngữ cuộc sống (còn gọi là ngôn ngữ tự nhiên) thì quá trình sáng tạo được định vị khi trở thành sản phẩm phổ thông; nhưng với văn học, nhất là thi ca, sáng tạo không có giới hạn.
“Nhà văn không chỉ học tập ngôn ngữ của nhân dân mà còn là người phát triển ra ngôn ngữ sáng tạo. Không nên ăn bám vào ngôn ngữ của người khác”, (nhà văn Nguyễn Tuân). Nếu “ngôn ngữ tự nhiên” thường mang tính ổn định, thì ngược lại ngôn ngữ văn học đặc biệt là ngôn ngữ thơ với tư cách là “mã” nghệ thuật lại luôn thay đổi. Tôi cố gắng để tìm hiểu “mã nghệ thuật” trong “Nơi ngày đông gió thổi”, hơn thế tiếp cận với sự quyến rũ trong thơ Đinh Thị Như Thúy. Hẳn nhiên, đây là công việc không dễ. Vì thế mà phải “vịn vai” nhà thơ Nguyễn Quang Thiều. Tôi sợ mình thất bại, lạc nhịp.
Thưa các bạn, tôi bắt đầu đọc vào một ngày mưa mùa hè, nhưng hãy còn se lạnh, không phải vì “đông thổi” mà đúng là dông gió thổi. Mùa năm báo hiệu thời tiết, với những mưa gió dị thường.
Tôi biết Đinh Thị Như Thúy sinh ra ở Thừa Thiên Huế, từng có thời gian dài dạy học ở Tây Nguyên, trước khi về định cư và sáng tạo văn chương ở Đà Nẵng. “Nơi ngày đông gió thổi” được chị hoàn thành hơn 12 năm trước, tại Krông Pắk, một huyện của tỉnh Đắk Lắk. Có thể đó là nơi chị từng dạy học, còn bời bời ký ức trong trái tim nữ thi sĩ. Thế nhưng “Nơi ngày đông gió thổi” mới được xuất bản quý I/ 2022. Nghĩa là, tác phẩm được hoài thai hơn một con giáp trước khi đến với bạn đọc yêu thơ chị.
“Nàng nẩng mặt lên cao. Đó là buổi sáng của một mùa đông đến sớm. Gió mang hơi lạnh chảy tràn trên nàng”; “gió” và “nàng” nhân vật trữ tình của thơ đều cảm nhận ra ở nhau “khát vọng tự do”. Vì thế mà tìm kiếm, “Tự do/ Ra đi/ Phiêu lưu/ Mê dại”. “Đó là cảm giác mùa đông ở xứ sở này”.
Xuyên suốt trường ca là cuộc đối thoại đến vật vã, mệt lả, ra đi… của “nàng” – “người đàn bà”. Tất cả có nguyên nhân, hoàn cảnh. Đó là một ngày thứ Sáu, mai là ngày Chúa nghỉ. “Buổi chiều không dưng đỏ rựng như đám mây. Gió cuồng nộ. Ngoài bờ rào, dã quỳ vàng một màu gắt gỏng. Người đàn bà chợt thèm ngoại ô với những đồi dã quỳ ngờm ngợp”, Đinh Thị Như Thúy dẫn người đọc đến một khu vườn tưởng tượng của chị. “…Lúc nào cũng thẫm tối rồi một lúc nào đó lóe sáng lên ánh sáng của vạt quỳ trổ hoa muộn ánh lên những vệt vàng. Những bông dã quỳ trong một hiện thực không mọc trong vườn của chị… trong những vệt vàng muộn và đầy mệt mỏi kia nhưng lại đang trỗi dậy sự sống mãnh liệt đến mức nức nở”, (Nguyễn Quang Thiều: Trong khu vườn của người đàn bà tên Thúy).
Đọc “Nơi ngày đông gió thổi” của nhà thơ Đinh Thị Như Thúy, từ hiện thực thứ nhất, tôi hình dung ra hiện thực thứ hai và nhớ Alejo Carpentier y Valmont (1904 – 1980), tiểu thuyết gia, nhà bình luận và nghiên cứu âm nhạc Cuba. Hiện thực thứ hai hay còn gọi “Chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” là trường phái văn học hình thành và phát triển trong khoảng những năm 40 đến những năm 50 của thế kỉ XX.
Với Alejo Carpentier y Valmont, khi viết lời tựa cho cuốn “Vương quốc của thế giới” ông không dùng từ “chủ nghĩa hiện thực huyền ảo” mà là “hiện thực thần kì”. Ông nói: “Thần kì là sự đột biến của hiện thực, là sự biểu hiện đặc thù đối với hiện thực, là sự thể hiện kì diệu khác biệt, phi thường đối với tính phong phú của hiện thực, là cường điệu quy mô và trạng thái của hiện thực. Có thể nói, sự phát hiện hiện thực thần kì này mang đến cho người đọc sự hưng phấn tinh thần đến cực điểm”.
Trong “Nơi ngày đông gió thổi” ngồn ngột những trường đoạn, khổ thơ làm người đọc liên tưởng đến hiện thực thứ nhất, ngoài cuộc đời, đã từng xảy ra. Đó có thể là sang chấn tâm lý giữa cuộc sống và hy vọng, lời hứa và lòng tin, tuyên truyền và tín ngưỡng, hòa nhập và bản sắc, nơi sống và cố thổ… Những xung đột hiện thực, dẫn đến: “Nơi đầy rẫy những mơ hồ và lẫn lộn… Nơi chỉ biết tranh đoạt mà không biết chinh phục. Nơi chỉ biết đòi hỏi mà không biết lao động nghiêm túc. Nơi đầy ắp những hèn hạ đố kỵ soi mói khó chịu với tất thảy những gì tốt đẹp xung quanh”, (trang 74).
Thế nhưng, nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, “Không ai thô thiển và ngốc nghếch đặt câu hỏi về phần hiện thực thứ nhất. Không ai truy vấn tôi rằng trong khu vườn ấy không hề có một khóm dã quỳ nào”. Và ông xác tín: “Một bài thơ được viết ra không phải để cho người đọc truy tìm ý nghĩa văn bản của bài thơ đó hay những bí ẩn nào đó liên quan đến tác giả của nó mà là tạo ra một thế giới hoàn toàn khác trong người đọc”. Trường ca “Nơi ngày đông gió thổi” đã tạo ra “một thế giới hoàn toàn khác”. Đây cũng là sự khác biệt của Đinh Thị Như Thúy, trong tác phẩm trường ca truyền thống, ký sinh vào hiện thực để “tự sự”. Chị đã tạo ra được “không gian tinh thần” cho tác phẩm.
Trong “Nơi ngày đông gió thổi”, Đinh Thị Như Thúy sử dụng nhiều động từ “ra đi”, có lúc như là mệnh lệnh từ tâm thức, có lúc là bước chân của “nàng”. Bước chân “nàng”, có thể chỉ bước trong mộng du nhưng đầy khao khát. “Nàng” là đại diện, dẫu nhiều khi mâu thuẫn. “Ra đi là khát khao rồ dại nhất. Cũng là khát khao mãnh liệt nhất. Của tất cả giống loài. Ở xứ sở này”.
“…
Đôi khi tràn ngập trong em những câu hỏi
Kết thúc đáng sợ hơn?
Hay con đường đi đến kết thúc đáng sợ hơn?
Đôi khi tràn ngập trong em những băn khoăn
Về những ngày đã cũ”.
Nhưng đi đâu, khi “Ngày của chúng ta đã hết… Thời gian đặt trước chúng ta những giới hạn chật hẹp”. “Nàng” chăm bẵm lại khu vườn vào cuối buổi chiều, khi mùa đông cuồng nộ đi qua, tự nhủ mình “Đừng ám ảnh nữa. Đừng nghe ngóng nữa”. Kỳ lạ thay, “Ngoài kia vạt quỳ trổ hoa muộn ánh lên những vệt vàng”. “Kỳ diệu thay cho màu hoa ấy. Xuyên qua giá lạnh để dâng lên. Không một quyền lực nào ngăn trở, ràng buộc được”.
Bao vất vả, mỏi mệt, chán chường… trong khu vườn của “nàng” không phải là cá biệt. Giấc mơ của “nàng” cũng đâu phải là cá biệt, nó vừa có ở đây, nơi này, nơi kia. “Không một quyền lực nào ngăn trở, ràng buộc được” giấc mơ về tình yêu, cuộc sống, về quy luật.
“Nơi ngày đông gió thổi”, gồm 21 chương, được đặt tên từ “Khúc một” đến “Khúc hai mươi mốt”. “Và bây giờ, xin mời xuống thuyền, lên boong của những kẻ điên, đuổi theo một miền mơ tưởng, kỳ thực không quá xa lạ với thế giới của chúng ta, dẫu có lúc trông chừng như đối nghịch…”, mở văn bản, tôi để ý và suy nghĩ đến việc chị lựa chọn câu nói này của Jaques Dournes làm đề từ. Ông là ai?
Jacques Dournes (1922 – 1993), bút danh là Dam Bo, là nhà truyền giáo, nhà nghiên cứu về nhân chủng học và ngôn ngữ học người Pháp. Ông nổi tiếng với những nghiên cứu về lịch sử, xã hội, phong tục của các dân tộc vùng Tây Nguyên. Ông sống ở Tây Nguyên gần ba mươi năm, nói thành thạo các ngôn ngữ dân tộc thiểu số và viết hàng chục các công trình được coi là cơ bản nhất về Tây Nguyên cho đến ngày nay. Nhà văn hóa Jacques Dournes từng xuất bản nhiều tác phẩm, câu được nhà thơ Đinh Thị Như Thúy chọn làm đề từ, trong tác phẩm “Rừng, đàn bà, điên loạn. Đi qua miền mơ tưởng Gia Rai”.
Tôi nhận ra sự liên hệ giữa Jacques Dournes và Đinh Thị Như Thúy trong tác phẩm “Nơi ngày đông gió thổi”. “Miền mơ tưởng” của “nàng”/ và mỗi người, rằng đâu xa lạ với hiện thực? Chính vì thế, tác phẩm đã gọi đúng tên vẻ đẹp của những giá trị nhân bản, gọi tên vẻ đẹp của thi ca.
Hà Nội, 25/5/2022
Sông Nghèn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...