Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Đọc Lê Quốc Hán, nghĩ về toán, về thơ và người

Đọc Lê Quốc Hán, nghĩ về
toán, về thơ và người

Toán và Văn là hai thứ trừu tượng, “cao xa”, nhưng cả hai đều hướng tới cái đẹp và cái đẹp phải là cái có ích, là cái gắn với thực tiễn, gần gũi với mọi người, với đời sống… 
Đem toán học giải bài toán cuộc sống
Toán và Văn là hai thứ trừu tượng, “cao xa”, nhưng cả hai đều hướng tới cái đẹp và cái đẹp phải là cái có ích, là cái gắn với thực tiễn, gần gũi với mọi người, với đời sống. Cái cao xa, hay “xa rời” nếu có, chỉ là tương đối, đối với một trạng huống cụ thể. Đúng ra, nó “xa” nhưng không “rời”. Bởi thế, nó mới có tính dẫn đường, mới là Cái Đẹp. Và nó cũng nói lên cuộc đời của một nhà bác học Việt Nam mà tầm vĩ đại của ông, nhất là ở khía cạnh văn hóa, ở lòng yêu nước và tình thương yêu con người, thì càng nhìn càng thấy sáng. Đó là Lê Văn Thiêm.
Lê Văn Thiêm sinh năm 1918, là người Việt Nam đầu tiên có bằng Tiến sĩ Toán loại giỏi ở Đức ngày 4.4.1945 với đề tài: “Về việc xác định kiểu của một diện Riemann mở đơn liên” (Hồ sơ còn lưu tại ĐHTH Göttingen Math.Nat.Prom. 0728). Năm 1948, ông lại lấy bằng Tiến sĩ Toán ở Pháp, làm giáo sư tại ĐH Zurich (Thụy Sĩ), sau đó trở về nước theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh chuẩn bị cho cuộc kiến quốc tương lai. Ông được giao xây dựng và làm Hiệu trưởng của Trường Khoa học Cơ bản và Trường Sư phạm Cao cấp. Ông là người đặt nền móng xây dựng nền toán học hiện đại Việt Nam, Viện trưởng đầu tiên của Viện Toán (1970); người đi đầu trong việc đem toán học giải những bài toán của cuộc sống.
Hoàng Tụy nhận định: “Giá như GS. Lê Văn Thiêm cứ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu ở Pháp hay ở Mỹ thì chắc chắn, với tài năng xuất sắc của mình, ông đã có thể có nhiều cống hiến to lớn hơn cho toán học và tên tuổi quốc tế của ông lẫy lừng hơn. Song ông đã lựa chọn trở về quê nhà, cùng chia sẻ khó khăn gian khổ với đồng bào, và thật sự, tất cả những gì ông đã cống hiến cho Tổ quốc và cộng đồng toán học Việt Nam chỉ có thể khiến chúng tôi vô cùng biết ơn ông và tự hào về ông”.
Sự lẫy lừng của Lê Văn Thiêm không chỉ ở danh vị cá nhân. Chỉ nói việc góp phần xây dựng nền khoa học cơ bản cho Tổ quốc, việc đào tạo ra những học trò như Nguyễn Văn Hiệu, Phan Đình Diệu… hẳn là một sự nghiệp vĩ đại.
Thương người như thể thương thân
Lê Văn Thiêm không chỉ lo việc lớn mà còn quan tâm đến số phận con người. Học rất giỏi, đều cả hai môn Toán và Văn, đặc biệt là Toán, Lê Quốc Hán thi vào A0 (chuyên Toán) của ĐH Tổng hợp Hà Nội đạt 20,5/20 điểm nhưng địa phương không cho đi học vì thành phần gia đình “có vấn đề, không đáng tin cậy”. Thật ra, cố nội anh là Cử nhân, tham gia khởi nghĩa Phan Đình Phùng, cha anh là Thư ký Ủy ban Kháng chiến huyện Kỳ Anh. Nhà anh là nông dân nghèo đất Kỳ Châu, Kỳ Anh, nghèo đến mức nhiều ngày đứt bữa… Nếu bắt anh (hay ai đó) chịu trách nhiệm về toàn bộ lịch sử gia đình rõ ràng là không ai chịu nổi và đó là một bất công, một điều trái với duy vật biện chứng, duy vật lịch sử.
Không cho đi học, nhưng làm kế toán hợp tác xã thì được, vì anh tính toán giỏi. Sau tỉnh thiếu giáo viên, mới “chiếu cố” cho anh đi học 10 + 1 (loại hình Trường Sư phạm thời chiến: lớp 7 học thêm 3 năm gọi là 7+3, lớp 10 học thêm một năm, hai năm, ba năm gọi là 10+1, 10+2, 10+3 để về dạy cấp 1, cấp 2). Nhưng rồi, Lê Quốc Hán cũng đã có sự đổi đời. Sự đổi đời ấy là nhờ sự ân cần, liên tài của GS. Lê Văn Thiêm.
Lê Quốc Hán kể: “Tháng 12 năm 1974, tôi nhận được giấy mời ra dự lễ kỷ niệm 10 năm báo Toán học & Tuổi trẻ. Tôi chọn một chỗ ngồi ở hàng ghế cuối cùng. Đang say sưa quan sát, thì thấy một người ngồi xuống bên cạnh. Tôi ngước lên, một ông già đẹp như tiên với khuôn mặt phúc hậu, nhìn tôi âu yếm và tự giới thiệu: Mình là Thiêm, Lê Văn Thiêm, đồng hương của Hán đây… Được thầy cho phép, chiều hôm ấy tôi tới nhà thầy chơi… Bất ngờ thầy hỏi tôi có ước muốn gì cần trình bày không. Tôi nói rằng em chỉ có một mơ ước duy nhất được vào học đại học để biết trên ấy toán học như thế nào”.
Và với sự can thiệp của GS. Lê Văn Thiêm, sự tận tình của Phó Bí thư Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh Nguyễn Tiến Chương, Lê Quốc Hán được đặc cách vào Khoa Toán, ĐHSP Vinh. Ông Nguyễn Tiến Chương người miền Nam. Cán bộ Hà Tĩnh hồi trước như ông Nguyễn Tiến Chương, Trần Quang Đạt… xứng đáng là những anh hùng. Họ lặn lội trong bom đạn, lo cho dân và suốt đời thanh sạch. Đó là những người thật sự “trung với Đảng, hiếu với dân”, cống hiến đến hơi thở cuối cùng cho cách mạng, thương người như thể thương thân. Dưới sự lãnh đạo của các ông, Hà Tĩnh đã lập nên những kỳ tích để đời như Ngã ba Đồng Lộc, như hồ Kẻ Gỗ…
“May” là tập thơ thứ 5 của Tiến sĩ Toán học Lê Quốc Hán
Hành trình từ một con số đến một tập hợp
Trở lại với Lê Quốc Hán, nhà thơ mà khổ đau và hạnh phúc, bất hạnh và may mắn, dường như được nhân đôi so với bạn bè cùng trang lứa. Nhưng may mắn, ân nghĩa là điều lớn hơn, điều đọng lại trong hồn thơ anh. Nó là ánh xạ của một cuộc sống thật sự vĩ đại và tươi đẹp, một xã hội có lý tưởng.
Hành trình của Lê Quốc Hán là hành trình từ một con số đến một tập hợp, từ cá nhân đến vũ trụ, từ cái cụ thể đến cái thăm thẳm vô cùng. Và phải chăng, trong so sánh giữa vô cùng và hữu hạn, anh thấy con người thật nhỏ bé, thật cát bụi, chỉ là một zéro, nhưng cát bụi ấy không phải vì nhỏ bé, zéro mà không có giá trị, không trường tồn. Giáo sư người Mỹ R. S. Kaplan của ĐH Kinh doanh Havard từng nói rất hay: “Nếu bạn nhìn vào số 0, bạn sẽ chẳng thấy gì. Nhưng nếu bạn nhìn xuyên qua nó, bạn sẽ thấy cả thế giới mở ra trước mắt. Đó chính là đường chân trời”. Và thơ, khi đạt tới cái Đẹp, là một sự mở ra, một biểu thị trường tồn. Đó cũng là cảm thức chủ đạo trong tập thơ May, trong bài thơ May. Đứng trước Angkor Thom, Angkor Vat, trong tiếng chuông buông, sương vương, cảm hoài lịch sử, đối diện với bốn mặt khóc cười suy ngẫm xét soi của tượng Brahma… Lê Quốc Hán viết:
Tất cả đã vèo trôi tất cả sẽ vèo trôi
Giấc hồ điệp
May
Còn sót lại muôn đời
Cái đẹp!…
“May” (NXB Hội Nhà văn, 2019) là tập thơ thứ 5 của Tiến sĩ Toán học Lê Quốc Hán. Anh còn hai tập bình thơ “Thơ trong ký ức” (2012) và “Giao cảm thơ” (2013). Năm 1996, tôi được anh biếu tập thơ đầu tay “Lời khấn nguyện“. Chỉ mới xem tên sách, tôi đã thầm đoán: Anh đã hiểu được lẽ sâu kín và mầu nhiệm của thơ ca. Thi (thơ) chiết tự ra, là lời khấn nguyện trước đền thờ, hay có thể hiểu là lời phát ra từ đền thờ, từ một chốn linh thiêng. Cũng là “Mặc khải” (mở cõi huyền vi) như tên tập thơ thứ 3 của anh xuất bản vào năm 2004. Các tên tập thơ khác là “Bến vô cùng” (1999), “Bất biến” (2009), “May” (2019). Vào tuổi bảy mươi (tuổi ta), ông “Vua Đại số” (danh xưng Trường ĐH Vinh phong cho Lê Quốc Hán) đã hoàn thành cuốn sách tâm huyết gửi thế hệ mai sau: “Số học – từ A đến Z”. Về thơ có “Bài thơ thời gian” và tập biên khảo “Thơ lục bát Xứ Nghệ”. Các tên tập thơ thường không có liên hệ gì với nhau, nhưng thật ra, nó vẫn có liên hệ chặt chẽ từ bên trong của tâm hồn, của một hành trình thơ.
Thơ Lê Quốc Hán có nhiều nội dung, nhiều hình thức biểu hiện. Nhưng cốt lõi nhất, theo tôi là tiếng hát yêu thương, là những bổn kinh tạ ơn hay tin mừng về sự bất diệt của con người, về cái đẹp.
Sự tạ ơn ấy trước hết anh dành cho quê hương Hà Tĩnh, nơi anh có không ít kỷ niệm buồn đau, nhưng trên hết là trời xanh, là những mắt thương chảy dài sóng cuốn những dòng sông: Quê hương là dáng núi Hoành Sơn giương cánh cung lên trời xanh chờ giặc, là dòng nước sông La bốn mùa trong vắt, như tóc mẹ hiền, như mắt em thương…
Tạ ơn ấy, là cho tình yêu. Vì Xa em mới độ vài con nước/ Lòng đã dào lên sóng bạc đầu. Anh thấy dù Tiên, dù Phật cũng không hạnh phúc được bằng kiếp con người, kiếp người ấy lại có được ý trung nhân Một mai hóa Phật, thành Tiên/ Không em, xin chỉ nối thêm kiếp này.
Lê Quốc Hán làm thơ như làm toán. Phải tìm ra nghiệm cuối cùng. Và theo Luật sư Trần Hữu Huỳnh, “Để đến nghiệm ấy, Lê Quốc Hán bắt đầu từ chữ Khiêm. Khiêm với người, với đời, với Tạo hóa”. Trong bài Tiếng hót, Lê Quốc Hán đã thấy được sứ mệnh của mình:
Dẫu đôi lần dính mũi tên hòn đạn
Vẫn trong veo tiếng hót thuở ban đầu
Trong hữu hạn gắng tìm ra vô hạn
Để tình người chạm đến đáy thẳm sâu.
“Nghiệm” của anh là ở chữ Tình! Ô hay, thế là tìm tòi của nhà toán học, nhà thơ; của người xưa, người nay đều gặp nhau ở một. Cổ thi có câu: Thế gian vạn sự giai bào ảnh/ Thiên kiếp duy dư nhất điểm tình, tôi tạm dịch là: Thế gian vạn sự đều hư ảnh/ Muôn kiếp còn lưa một chữ tình.
Thỉnh thoảng, tôi lại ngâm nga câu thơ của Lê Quốc Hán không biết thuộc tự bao giờ: Ngu ngơ chạm phải ao làng/ Sen chưa kịp hái đã tàn trên tay/ Tóc xanh vừa lỗi lời thề/ Thoắt thành mây trắng cuối hè bay ngang… Thơ hay và sâu, nhưng nhiều khi tôi thấy anh hơi trầm, ám ảnh nhiều về nỗi buồn. Tôi muốn anh có thêm một giọng điệu mạnh mẽ hơn, hoành tráng hơn như anh đã viết: Xin hãy hát cho vỡ toang lồng ngực/ Cho mở toang địa ngục tự giam mình.
Phải, có thế thì thơ mới có thể là cái người ta có thể vịn vào mà đứng dậy trong những phút ngã lòng; có thể làm ngọn đuốc Đan-kô soi đường cho cả đoàn người…
Hà Tĩnh – sông Thơ núi Toán
Người ta nói Hà Tĩnh là đất của thi nhân. Tôi muốn nói rằng, Hà Tĩnh còn là đất của các nhà khoa học cơ bản. Trong thế kỷ XX, có những người khổng lồ về toán học và các ngành khoa học tự nhiên, tiêu biểu là Hoàng Xuân Hãn, người Việt Nam có bằng Thạc sĩ Toán đầu tiên ở Pháp năm 1936 tại ĐH Sorbone. Tiếp theo là Lê Văn Thiêm, Nguyễn Đình Tứ, Phan Đình Diệu, ba anh em GS. Hà Huy Khoái, Hà Huy Vui rồi Phùng Hồ Hải, Nguyễn Hữu Dư… (Hà Huy Khoái từng là Viện trưởng Viện Toán học, Phùng Hồ Hải là Viện trưởng Viện Toán đương nhiệm; Nguyễn Hữu Dư và Phùng Hồ Hải đang là Phó Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam nhiệm kỳ 2018 – 2023, thầy Dư là Chủ tịch khóa trước)… Nhiều người trong họ đồng thời là nhà văn hóa, nhà thơ… Hoàng Xuân Hãn như một người khổng lồ kỷ Phục hưng.
Phan Đình Diệu (1936 – 2018), cha đẻ của ngành tin học Việt Nam, đại biểu Quốc hội Khóa V, Khóa VI, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Việt Nam, là anh ruột của bạn học tôi, Phan Thị Bảy. Tuy vậy, chúng tôi không ai dám gọi ông là “anh”. Ngay cả sau này ở cùng phố Đội Cấn, đôi khi gặp ông trong các buổi sinh hoạt đồng hương huyện Can Lộc hay hoạt động báo chí và đến nhà hỏi chuyện này, chuyện khác, tôi vẫn một mực “kính nhi viễn chi”. Mặc dù ông rất thân tình, nhưng độ lớn về khoa học, về nhân cách khiến tôi thấy ông luôn là một quả núi lớn. “Quả núi” ấy ẩn chứa kho vàng kiến thức đồ sộ và được phủ xanh bằng một loài thông cứng cỏi tượng trưng cho nhân cách kẻ sĩ. Ông có những bài thơ nhiều người thuộc, tôi thích nhất bài ông viết tặng GS. Trần Đại Nghĩa: “Tình nặng ấy chưng tình đất nước/ Nghiệp đời há kể nghiệp vàng son”. Là Trần Đại Nghĩa mà cũng Phan Đình Diệu.
Tôi thích lối suy nghĩ thực tế, luôn mới mẻ, được bảo đảm bởi logic khoa học của ông: Khoa học nên có mục đích khiêm tốn hơn: Nên kiếm các cách giải quyết vấn đề, trả lời các câu hỏi mà con người gặp phải trong cuộc sống của mình (như là tìm vaccine phòng Covid-19 hiện nay); Giáo dục là cuộc đời. Cuộc đời vốn phức tạp. Vậy nên dạy người ta sống phải theo nhiều yêu cầu, nhiều mẫu hình, không chỉ một; Muốn có tiến bộ phải nhảy vào dòng cuộc sống đang cuộn chảy rồi từ đó trồi lên; Trong thế giới ngày nay, độc lập phải chăng là một trạng thái cân bằng giữa những mối phụ thuộc… phụ thuộc về mọi phía chứ không chỉ một phía; Trí thức là người phải có học để độc lập trong tư duy và luôn suy nghĩ về những vấn đề của xã hội…
Ông là người yêu người, yêu nước nhiệt thành. Năm 1980, ông có chuyến thuyết trình khoa học ở Mỹ, Canada… Ngồi bên bờ Đại Tây Dương, nghĩ về chiều dài nào cho đất nước, ông viết trong nhật ký: “Ôi, đất nước thân yêu! Tôi chỉ là một đứa con nhỏ bé của đất nước, nhưng trong chuyến đi này đã biết bao lần tôi gọi tên đất nước. Biết bao đêm thao thức, biết bao nỗi suy tư, và cả biết bao lần nhớ thương đến nhỏ thầm giọt lệ! Đất nước ơi, đất nước của biết bao sự tích anh hùng, đất nước của lắm tài năng, đất nước của những con người cần mẫn. Vậy mà ngày nay, đó vẫn là đất nước của sự nghèo khổ… Tôi sẽ làm gì cho đất nước thân yêu của tôi? Chao ôi, nghĩ đến sự bất lực của chính mình mà hổ thẹn”. Trong thư gửi cho Tổng Bí thư Đỗ Mười, ông mong muốn: “Trong nội bộ dân tộc ta, ước gì ta có thể xem tất cả mọi người đều là bà con, anh em, bạn bè, có thể cùng sống chung trên mảnh đất thân yêu này trong đoàn kết và hòa hợp”. Ông đề cao trí tuệ và tình người, phải coi trọng chúng hơn tiền bạc.
Nhà thơ cũng như nhà toán học là người luôn đi tìm chân lý, tiệm cận chân lý. Và là người tiên phong, “trên đồi gió hú”, không thể nào tránh được đôi lúc lạnh lẽo cô đơn. Nhưng được hóa thân làm ngọn đuốc soi đường, không ai hạnh phúc hơn nghệ sĩ – nghệ sĩ ấy là cả nhà thơ và nhà khoa học!
Tôi ấn tượng một bài trả lời phỏng vấn trên Vietnamnet ngày 21.4.2006 của GS. Hà Huy Vui. Ông cho rằng: “Nói cho cùng, Toán học là một sản phẩm của thực tiễn… Cái đẹp thì không bao giờ vô dụng”. Và ông nhắc lại câu nói của Newton: “Không có gì gần với thực tiễn hơn là một lý thuyết đẹp”. Rồi ông kết luận: “Toán lý thuyết, chắc chắn sẽ quay về thực tiễn, trừ phi đó là những lý thuyết vớ vẩn”.
8/7/2022
Nguyễn Sĩ Đại
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...