Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2024

Vũ Hạnh chim cút hoạt đầu văn nghệ

Vũ Hạnh chim cút hoạt đầu văn nghệ

Nguyễn Đức Dũng sinh ngày 15 tháng 7 năm 1926 tại Kế Xuyên, xã Bình Nguyên, quận Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Học tiểu học ở quê và trung học ở Huế. Hoạt động Việt Minh từ tháng 3 năm 1945 ở Liên Khu 5, phụ trách ban kịch tuyên truyền kháng chiến. Năm 1953, ông dạy ở trường trung học Thăng Bình.
Năm 1954, ông được tổ chức phân công ở lại để hoạt động nằm vùng. Chẳng may, người bạn đồng hương, đồng lớp là Vũ Đình, thay ông Phan Vỹ làm quận trưởng Thăng Bình, chân tướng của Vũ Hạnh bị bại lộ, ông bị bắt giam ở đề lao Hội An. Tại đề lao có tên cán bộ Cộng sản là Vũ Hạnh, đồng hương, đồng chí, bạn thân của Nguyễn Đức Dũng, trưởng toán đơn vị hoạt động bí mật đã từng thủ tiêu thành phần chống cộng và Việt Nam Quốc Dân Đảng... Vũ Hạnh bị giam cầm và chết trong đề lao nên khi ra khỏi nơi này, Nguyễn Đức Dũng lấy bút hiệu Vũ Hạnh để “tưởng nhớ người bạn cố tri”. Năm 1987, ông viết bài ca tụng tên cán bộ này trên báo Công An và Tuổi Trẻ.
Năm 1956, ông vào Sài Gòn lập nghiệp, dạy học ở trường Khai Trí, Chợ Lớn và vài trường trung học tư thục, hoạt động bí mật. Trước năm 1954, ông sở trường về viết kịch và diễn kịch, nhận thấy bộ môn này phải xuất đầu lộ diện nên ông chuyển sang lãnh vực sáng tác. Thời gian đầu ông gặp Lưu Nghi, người Hội An, Quảng Nam, theo học trung học Khải Định và đại học văn khoa, năm 1957 chủ trương nhà xuất bản Trùng Dương, cùng dạy học với nhau, nhờ Lưu Nghi giới thiệu nên Vũ Hạnh được quen biết với một số văn nghệ sĩ ở Sài Gòn.
Tạp chí Tin Văn
Trong quyển Việt Nam Ba Mươi Năm Máu Lửa của Cao Thế Dung đề cập đến sự xâm nhập của Cộng sản trên mặt trận văn nghệ:
“Hàng trăm điệp viên hữu hạng của Cộng sản từ Bắc vào Nam sau Hiệp Định Genève. Số điệp viên này thuộc Phòng Đông Á Vụ và Phản Gián, hầu hết đã có kinh nghiệm hoạt động nội thành, chia nhau xâm nhập nhiều đường dây thuộc nhiều lãnh vực. Phan Nghị thì hành nghề ký giả sau len lỏi vào tờ Ngôn Luận và Chính Luận (sau năm 1963). Vũ Ngọc Nhạ len lỏi vào Công giáo phía Linh mục Hoàng Quỳnh; Nguyễn Ngọc Lương, một giáo viên tư thục ở Nam Định là kẻ đã móc nối Vũ Hạnh (1964 cùng Vũ Hạnh xuất bản tạp chí Tin Văn và sau bí mật cộng tác với Thế Nguyên, tạp chí Trình Bày)...”
Trong quyển Văn Học Miền Nam Tổng Quan của Võ Phiến, nhà xuất bản Văn Nghệ, Cali, ấn hành năm 1986, trang 216 ghi nhận thời điểm của tờ Tin Văn:
“Lữ Phương cùng với Vũ Hạnh cho ra tờ Tin Văn vào tháng 6 năm 1966 dưới sự lãnh đạo của cán bộ Cộng sản Nguyễn văn Bổng...”.
Thật ra, lúc đó Lữ Phương chưa nằm trong tổ chức bí mật này. Năm 1960, Vũ Hạnh gia nhập Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng và ở trong tổ chức nhà báo yêu nước với bí danh Hoàng Thanh Kỳ. Tháng 8 năm 1966, Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc thành lập, bí mật tổ chức cơ sở ngôn luận với tờ báo Tin Văn, Nguyễn Ngọc Lương làm Chủ bút và Vũ Hạnh giữ vai trò Tổng thư ký, dưới sự chỉ đạo của Nguyễn văn Bổng.
Nguyễn văn Bổng cũng người Quảng Nam, lớn hơn Vũ Hạnh 5 tuổi, bước chân vào con đường văn nghệ vào thập niên 40. Năm 1955 công tác ở Hội Văn Nghệ Việt Nam đến năm 1962 vào Nam giữ vai trò Phó chủ tịch trong Hội Văn Nghệ Giải Phóng. Ngoài việc “chỉ đạo” tờ Tin Văn, Nguyễn văn Bổng với bí danh Tám Nhàn, còn lãnh đạo tờ Người Việt bí mật dưới bút hiệu Lê Nguyên Trung, Vương Quế Lâm. Cuối năm 1968, bị lộ, trở ra Bắc, làm chủ nhiệm báo Văn Nghệ.
Trong tờ Tin Văn với những bài viết nòng cốt về lý luận phê bình của Lữ Phương nên nhiều người cho rằng Lữ Phương ở trong tổ chức bí mật tờ báo này. Thời gian từ 1964 đến tháng 4 năm 1968, Lữ Phương dạy tại trường Thoại Ngọc Hầu ở Long Xuyên, chỉ có Nguyễn Ngọc Lương, Vũ Hạnh, Nguyễn Nguyên và Hà Kiều đảm trách tờ báo mà thôi. Trong bài viết Những Chuyến Ra Đi của Lữ Phương viết vào năm 1999 nhưng mãi đến năm 2008 mới được phổ biến. Lữ Phương đã đề cập đến giai đoạn này:
“... Lúc bấy giờ tôi đang học năm thứ hai ở đại học sư phạm Sài Gòn, ghi danh học thêm hai chứng chỉ ở Văn Khoa, tiếp tục đọc thêm về triết học hiện sinh và Mácxít, sau đó định tập trung chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp thì chẳng may bị tai nạn gẫy chân phải nằm liệt giường suốt tám tháng ròng rã. Trong khi đó, phong trào Phật Giáo và học sinh sinh viên đã lên tới đỉnh cao, đưa đến cuộc đảo chính của Dương văn Minh năm 1963 lật độ được chế độ Ngô Đình Diệm. Khi trường mở lại sau một thời gian tạm ngừng hoạt động vì biến cố nói trên, tôi đã có thể chống nạng đi học lại được. Cũng vào năm đó tôi lập gia đình để sau khi tốt nghiệp, nhận sự vụ lệnh xuống Long Xuyên dạy học...
... Về sau này dần dà tôi đã đoán biết được Tin Văn do Nguyễn Ngọc Lương làm chủ bút, Vũ Hạnh và Hà Kiều điều hành chính là một trong những tờ báo do Khu ủy Sài Gòn - Gia Định chỉ đạo trực tiếp về đường lối, bài vở và cả tài chính nữa.
... Vào thời gian hợp tác với tờ Tin Văn, tôi đã gặp một vài người mà qua cung cách ăn nói, ứng xử tôi nghi là cán bộ từ ngoài vào để chỉ đạo trực tiếp phong trào, trong số những người này có Hai Vũ (sau này tôi biết tên thật là Tài, không rõ họ gì) là gần gũi nhất và kế đó là một người khác mà mãi sau này tôi biết được là Nguyễn văn Bổng.
... Phong trào lên rất cao vào những năm 1966-1967 thì bị bể bạc: hầu hết các cán bộ chỉ đạo bí mật như Hai Vũ, Hoàng Hà cùng với các nồng cốt của những hoạt động công khai trong Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc như Vũ Hạnh, Lê văn Giáp, Nguyễn Ngọc Lương, Thái Bạch... đều lần lượt bị bắt. Tờ Tin Văn bị đình bản. Tên tôi đã bị báo Sống của Chu Tử liên tục lôi ra chửi bới thậm tệ. Nhưng bấy giờ do không trực tiếp đến tổ chức và bị khai báo nên tôi vẫn tiếp tục được công việc của mình bằng cách hợp tác với nhóm “Công giáo cấp tiến” của Thế Nguyên. Nhóm này có những cơ sở hoạt động rộng lớn với một nhà xuất bản và một loạt các tạp chí như Trình BàyĐất Nước, Nghiên Cứu Văn Học cùng với nhật báo Làm Dân có quan điểm chính trị khá rõ rệt: chống độc tài, chống sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam, chấm dứt chiến tranh. Sau khi đăng cho tôi một số bài trên Đất Nước, Nghiên Cứu Văn Học, năm 1967, chính Thế Nguyên đã đề nghị tôi gom lại một số bài đã viết để nhà Trình Bày xuất bản, và đó là tập Mấy Vấn Đề Văn Nghệ. Sau này, tôi biết Thế Nguyên đã trở thành cơ sở của cách mạng, có ra bưng họp. Anh chết cách đây mấy năm hết sức vô lý: Dùng dao lam cắt một mụn cóc và bị nhiễm phong đòn gánh...”
Sau Tết Mậu Thân, tháng 4 năm 1968 Lữ Phương vào bưng, ghi lại những nhân vật đã gặp:
“... Ở đây tôi gặp lại tất cả những người tôi đã quen biết từ Hoài Hương, Nguyễn Khắc Vỹ, Lê Hiếu Đằng, Thiên Giang, Vân Trang (vợ Thiên Giang), Nguyễn Đăng Trừng, ông bà Phú Hữu Nguyễn Thạnh Cường, Nguyễn văn Kiết (thầy dạy tôi ở Đại Học Sư Phạm), Lê văn Giáp (chủ tịch Lực lượng Bảo vệ Văn hóa Dân tộc ở Sài Gòn và chủ tịch Liên minh Sài Gòn sau khi ra khu) cho đến những người tôi từng nghe tên nhưng chưa gặp mặt như Trịnh Đình Thảo, Liên Hoa Ngô thị Phú (vợ Trịnh Đình Thảo), Lâm văn Tết, Dương Quỳnh Hoa, Huỳnh văn Nghị (mới kết hôn với Dương Quỳnh Hoa khi vào khu), Trương Như Tảng, Thanh Nghị, Dương Kỵ, Thanh Lan Võ Ngọc Thành, Nguyễn văn Bửu, Hồ văn Bửu, Cao văn Bổn, Nguyễn Hữu Khương, Lucien Phạm Ngọc Hùng, Trần Thiện Tứ, Lê Quang Lộc... tất cả những nhân vật trên đây đều ở chung với nhau trong một khu vực biệt lập do Huỳnh Tấn Phát trực tiếp quản lý. Lúc tôi tới đây thì căn cứ này đang đóng ở trên đất K, ở một khu vực gần biên giới Việt Nam gọi là Sáu Cầu...”.
Những khuôn mặt được Lữ Phương nêu trên, sau 1975 chỉ thời gian ngắn đều bị thất sủng.
Bản chất láu cá
Nói đến Vũ Hạnh, trước năm 1975, mọi người đều nhớ đến trò lường gạt, mánh mung trong vụ “chim cút” để giàu có nhưng vấn đề làm ăn bất chính, giới cầm bút không bận tâm đề cập nhưng với Vũ Hạnh cũng là “thành tích” dù bất hảo!
Tháng Tư năm 1976, tháng Tư Đen với văn nghệ sĩ ở Sài Gòn, hàng trăm văn nghệ sĩ bị liệt kê vào sổ đen rồi lần lượt nhốt vào trại giam Phan Đăng Lưu, khám Chí Hòa. Trong khi đó, Vũ Hạnh đã đạt được thời cơ, chân tướng lộ diện, vênh váo với “thành tích” hoạt động của mình:
“Hồi trước, ở Sài Gòn, sống len lỏi với địch nhưng tôi vẫn cố tìm cách ra bưng, gặp các đồng chí lãnh đạo Thành ủy”.
Với Trần Bạch Đằng, Vũ Hạnh nhắc lại quá khứ hầu “thấy sang bắt quàng làm họ” để lòe và hù thiên hạ. Trần Bạch Đằng, bí danh Tư Ánh, cùng tuổi với Vũ Hạnh, trước năm 1975 đã từng đảm trách Bí thư Thành ủy Sài Gòn, phụ trách Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vũ Hạnh viết:
“Có một lần, đồng chí Trần Bạch Đằng gặp riêng tôi dặn dò... đồng chí cố tìm cách khích động tinh thần dân tộc của đồng bào, đặc biệt ở vùng thành thị, để dấy lên một phong trào bài Mỹ, may ra làm suy yếu bớt sức mạnh của quần chúng”.
Thế nhưng, trong thời điểm tranh tối tranh sáng sau ngày 30 tháng Tư, Vũ Hạnh được làm Tổng thư ký của Hội Văn Nghệ ở thành phố Sài Gòn, với tham vọng của Vũ Hạnh chưa xứng đáng mà còn thiếu thực quyền. Làm thủ quân đội bóng tròn để giải khuây.
Năm 1976, Trần Bạch Đằng chỉ là hội viên Hội Nhà Văn Việt Nam, đến năm 1978, làm phó Ban Dân vận Trung ương, giữ vai trò lý thuyết gia nhưng chẳng có thực quyền gì để nâng đỡ Vũ Hạnh. Và, chức vụ quá xoàng đối với Vũ Hạnh cũng không còn nữa, không có sáng tác nào ra hồn, chỉ có khả năng đánh phá, bôi bẩn giới cầm bút!
Với những người cùng quê và sinh hoạt văn nghệ ở Liên khu V có Nguyễn văn Báu với bút hiệu Nguyên Ngọc, Nguyễn Trung Thành, Nguyễn Kim, năm 1954 tập kết ra Bắc, năm 1962 vào Tây Nguyên hoạt động, sau năm 1975 trở ra Bắc, giữ nhiều chức vụ quan trọng, sau đó bị thất sủng và nhận chân được sự thật để lên tiếng chống đối.
Lê Khâm (1930-1995), bút hiệu Phan Tứ, con của cụ Lê Ấm (1897-1976), từng làm Đốc Học ở trường Quốc Học Huế. Thân mẫu là bà Phan thị Châu Liên, trưởng nữ của nhà cách mạng Phan Châu Trinh. Năm 1961 trở vào Nam hoạt động trong Ban Tuyên huấn Liên khu V cho đến năm 1966 trở ra Bắc làm việc ở Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật.
Vì vậy khi Vũ Hạnh hoạt động bí mật ở Sài Gòn, nắm được tin tức giới cầm bút để báo cáo.
Với tác phẩm Người Việt Cao Quý ký tên A. Pazzi, Vũ Hạnh vênh váo: “Tôi phải phịa ra tên tác giả là một người ngoại quốc, một người Ý để người ta khó truy tìm tông tích thật hư... Thế thôi! Khi quyển sách tung ra, bán rất chạy, đến năm 1975 tái bản cả thảy 10 lần, nhưng không ai biết là mình bị lừa cả”. Với mấy chữ “không ai biết là mình bị lừa cả”, tư cách của nhà giáo, nhà văn mà nghĩ như vậy thì thật đểu cáng, lố bịch.
Thật ra, độc giả thích đọc vì quyển đó viết đề cao con người Việt Nam trong biến thiên của lịch sử. Chẳng ai quan tâm tác giả là Ý, Áo... Trong quyển Tự Điển Danh Ngôn Đông Tây của Thanh Vân Nguyễn Duy Nhường, xuất bản ở Sài Gòn vào giữa thập niên 60, trang 50 có đề cập: “Biết bao anh hùng đã tạo nên lịch sử của dân tộc. Ông Pazzi, người Ý, mấy chục năm ở Việt Nam, trong cuốn “Percomprendre it Vietnam e Việtmita” (1) có viết: “Cái giá trị của người Việt là ý chí tự cường, bất khuất của họ... Đó là hình ảnh của một dân tộc không chịu nhục nhã, một dân tộc kiêu hãnh về giá trị mình... Người Việt Nam là một dân tộc duy nhất trên địa cầu đã từng chiến đấu và chiến thắng những kẻ xâm lược có khuôn mặt lớn lao nhất trong lịch sử loài người...” (2). Và, phần chú thích ghi như sau: (1): Tác phẩm của A. Pazzi viết năm 1965, do Hồng Cúc dịch là Người Việt Cao Quý, có nhiều nhận xét tinh vi. Thú thật khi đọc tác phẩm này, tôi cảm thấy sung sướng vì được người ngoại quốc biết đến dòng máu Việt, nhưng rồi cảm giác tôi đi đến nghẹn ngào quằn quại trong đau thương của một dân tộc có nhiều chiến công oanh liệt nhất là dân tộc chịu qua nhiều đau thương, để luôn luôn phải làm lịch sử, không biết bao giờ được yên hưởng thái bình. (2) Trích theo bản dịch của Hồng Cúc.
Trong thời điểm này, trước hiểm họa của Trung Cộng xâm lăng Việt Nam, Vũ Hạnh nên để tên của mình và ấn hành tác phẩm này có lẽ thích hợp nhất. Vì thời điểm khi viết quyển đó thì trang sử Việt Nam ghi lại hình ảnh “đương đầu kẻ xâm lược có khuôn mặt lớn lao nhất” là bọn bành trướng Bắc Phương mà thôi, lúc đó chưa có bóng dáng “Đế quốc Mỹ”. Thật là lú lẫn, đánh lừa cả thời gian, “đem râu ông nọ cắm cầm bà kia”.
Trong quyển Văn Học Miền Nam Tổng Quan của Võ Phiến, trang 238-239 ghi nhận: “... Lý Chánh Trung có cả cuốn sách Tìm Về Dân Tộc (1967), Bình Nguyên Lộc, một tiểu thuyết gia, bỗng dưng đeo đuổi một công tình nghiên cứu quy mô về nguồn gốc dân tộc; Sơn Nam đặt vấn đề Người Việt Có Dân Tộc Tính Không (1969); Doãn Quốc Sỹ ca ngợi Người Việt Đáng Yêu (1965), Vũ Hạnh (dưới bút hiệu Hồng Cúc) viết Người Việt Cao Quý, cuốn sách bán rất rộng rãi...”. Như vậy quyển Người Việt Cao Quý chẳng có gì độc đáo để gọi là “mình bị lừa cả” mà thể hiện tính nhân bản, tinh thần yêu nước của người dân trong xã hội tự do vì vậy mới được độc giả đón nhận. Sau hiệp định Paris 1973, đổi tên là Người Việt Kỳ Dị.
Như đã đề cập ở trên về Lữ Phương và tờ Tin Văn, Vũ Hạnh cho mình là người móc nối với Lữ Phương mà Lữ Phương đã giữ chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa trong chính phủ Cách mạng Lâm thời... được cung cấp biệt thự (sau này trở thành chủ nhân ông) thì với cương vị Tổng thư ký của Hội Văn Nghệ của thành phố quá chênh lệch, làm sao không bất mãn nhưng “méo mó có hơn không” đối với bản chất của Vũ Hạnh! Sau này Lữ Phương bị thất sủng và nhìn vào thực tế cũng gióng lên tiếng nói, còn “thức tỉnh” phần nào.
Đánh phá hạ cấp
Năm 1963, tác phẩm đầu tay Yêu của Chu Tử ấn hành, in 5.000 ấn bản, bán hết trong 25 ngày, đây là tác phẩm bán nhanh nhất và nhiều nhất như là hiện tượng trong ngành phát hành. Vũ Hạnh ganh tị, tức tối và Vũ Hạnh là người gây ra cuộc “xung trận” sóng gió để rồi lãnh hậu quả “gậy ông đập lưng ông”.
Trong mục Sổ Tay của Nguyên Sa trên tờ Dân Chúng, số ra ngày 13 tháng 7 năm 1996 ghi vào giai đoạn năm 1966
“... Thời điểm Vũ Hạnh tấn công ào ạt nhắm vào là tiểu thuyết Yêu, Chu Tử ngồi trong gian phòng khách của nhà tôi, số 322 đường Phan Thanh Giản. Anh tới để tiễn tôi đi trình diện nhập ngũ Thủ Đức, chúng tôi nói chuyện về người ẩn danh viết bài gọi là “phê bình” quyển Yêu, mà mục tiêu là xóa bỏ, đạp đổ. Trong mọi trường hợp, câu chuyện giữa chúng tôi, và mấy anh em đi cùng với Chu Tử, mau chóng bỏ qua những đục bỏ của Bộ Thông tin, vấn đề ông Thiệu, ông Kỳ, hướng đến vấn đề phê bình của Vũ Hạnh. Tôi đọc bài văn, ký tên lạ hoắc, từ trước rồi, biết người viết là ai rồi, khi Chu Tử đưa cho tôi coi, tôi nói tôi đọc rồi, tôi nói Vũ Hạnh. Tôi đọc văn tôi biết là Vũ Hạnh. Thế Nguyên cho tôi biết người viết những bài văn loại này là Vũ Hạnh...
Tình yêu là đồi trụy, là tiểu tư sản, là phản động, tôn giáo là thuốc phiện. Vũ Hạnh liệt kê tác phẩm của Lê Tất Điều là tiểu tư sản, là phản động. Xóa bỏ quyển sách, xóa bỏ người viết nó. Lê Tất Điều là đối tượng đánh phá đầu tiên của Vũ Hạnh. Phê bình gì mà kỳ cục, tôi nói với Thế Nguyên, phê bình hiện thực xã hội của L’ Humanité là Cộng sản ở tả ngạn sông Seine, mà không có thơ, không còn tình tự, chỉ có mùi khói xưởng thợ ở Saint Denis, phê bình hiện thực xã hội kiểu Vũ Hạnh là Cộng sản trong hình thức thô bạo và bán khai nhất...
Đọc tới bài đánh phá tiểu thuyết Yêu của Chu Tử bởi tay phê bình quản giáo tôi quyết định không bao giờ đọc phê bình của Vũ Hạnh nữa...”
“... Tôi nói với Chu Tử về mặt lý thuyết, phê bình của Vũ Hạnh không có trọng lượng nào, không đáng cho chúng mình quan tâm, về mặt con người, Vũ Hạnh chỉ làm công việc mà anh ta phải làm, là một cán bộ Cộng sản hoạt động trong ngành giáo dục và văn nghệ, nhiệm vụ của anh ta là đánh phá, là bôi đen những tác phẩm không đi theo đường lối văn chương hiện thực như một con đường cho cái gọi là “cách mạng”. Những chi tiết về Vũ Hạnh vừa bật ra làm Chu Tử đưa tay ngăn tôi lại.
Tác giả tiểu thuyết Yêu hỏi tôi:
- Anh nói Vũ Hạnh đã bị bắt về tình nghi là cán bộ Cộng sản?
Tôi trả lời bạn tôi hồ sơ cũa Vũ Hạnh nói như thế. Những cơ quan an ninh bắt giữ giáo viên tên Dũng, một cán bộ Cộng sản, muốn tha sau một thời gian giam giữ, cần đến một Hội đoàn trong ngành giáo dục đứng ra đóng vai trò bảo lãnh. Bạn tôi, giáo sư Nguyễn Hữu Chỉnh, giáo sư Nguyễn văn Khánh phụ trách công việc này, đưa hồ sơ cho tôi coi và tham khảo ý kiến. Những thầy giáo hiền hòa chọn lựa từ trước khi đọc hồ sơ... Tổng hội Giáo giới đã đề nghị tha, và nhận bảo lãnh giáo viên tên Dũng có bút hiệu là Vũ Hạnh...
Sáng hôm sau, tôi lên đường đi trình diện nhập ngũ... Tôi được chở tới Thủ Đức... Chúng tôi ngồi xuống trên một bực thềm, anh bạn đưa tôi tờ báo Sống, tôi nhìn tờ báo không cầm lấy, tôi cười, anh bạn cười gượng gạo, anh mở lớn tớ báo, chỉ tay vào mục Ao Thả Vịt...
Tôi đọc. Bài Ao Thả Vịt của Chu Tử nổ thật. Quả bom cỡ nặng. Ngòi nổ của quả bom là chính tôi. Ao Thả Vịt nói Vũ Hạnh chính là cán bộ Cộng sản đang phung phá văn học nghệ thuật miền Nam Việt Nam. Nhân chứng được viện dẫn là Nguyên Sa, người đã biết rõ hồ sơ Cộng sản của Vũ Hạnh, Nguyên Sa khẳng định Vũ Hạnh tên thật là Dũng, cán bộ Dũng đã bị an ninh của Đệ nhất Cộng hòa bắt giữ, tình hình chính trị đổi thay, Dũng vớ tên Vũ Hạnh cùng nhiều bút hiệu khác vùng lên tung ra những tác phẩm hiện thực xã hội, căn bản là chủ nghĩa Mác xít Lê nin lít, với chiếc xe chuyên chở duy vật biện chứng, đánh phá những nhà văn không thực hiện tác phẩm theo đường lối hiện thực của xã hội.
Tôi cảm thấy ngất ngư, thấy người nóng ran, thấy có nhiều mồ hôi trên đầu tóc mới cắt và trên trán, trên cổ, mồ hôi lẫn với những sợi tóc con...”
Thế rồi Nguyên Sa đề cập đến mẩu đối thoại với người bạn là nói riêng với Chu Tử nhưng nhưng lại viết ra, đó là Định Mệnh.
“Tôi nói với người bạn đồng ngũ có lòng tốt với Chu Tử viết ra như thế là đúng, ném ra một mồi nổ xem bên phần kia sân khấu Định Mệnh đánh ra những tiếng bạc nào... Tôi không nói cho người bạn mới biết giữa tôi và Chu Tử có một mật ước”.
Và, từ đó, mục Ao Thả Vịt trên nhật báo Sống, ngón đòn của Chu Tử làm cho Vũ Hạnh thất điên bát đảo!
Vũ Hạnh được che chở trong sự nghiệp cầm bút nhờ Văn Bút Việt Nam (1957-1975) qua thời kỳ chủ tịch Vũ Hoàng Chương và Linh mục Thanh Lãng (thời kỳ tiền nhiệm với Đỗ Đức Thu, Nhất Linh). Trong danh sách Văn Bút Việt Nam có 160 hội viên và Vũ Hạnh ở số thứ tự 28, nhờ uy tín của Văn Bút Việt Nam và đảm trách biên tập trong tờ Tin Sách nên khi có chuyện “bất an với nghi can” thì được che chở.
Chuyện đánh phá trước năm 1975 như đã đơn cử, tạm cho là “công tác của Vũ Hạnh” nhưng với bản chất, sau này với “đồng chí” cũng bị vu oan. Năm 1988, bài thơ của Trần Vàng Sao đăng trên tạp chí Sông Hương đã dùng từ “chí sĩ”, Vũ Hạnh viết bài đả kích, chụp mũ nhà thơ trên báo Tuổi Trẻ và Công An, từ chí sĩ ám chỉ hình ảnh Ngô Đình Diệm. Tác giả và ban biên tập tờ Sông Hương bị kiểm điểm, đính chính!. Lẽ nào ông không đọc Hoàng Lê Nhất Thống Chí và hình ảnh Ngô Thời Nhậm.
Bẩn thỉu nhất là vụ đánh hôi với Mai Quốc Liên về Dương Nghiễm Mậu
Sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, Dương Nghiễm Mậu vào trại giam Lê văn Duyệt như một số văn nghệ sĩ khác. Với bản chất hiền lành, thật thà, Dương Nghiễm Mậu làm sơn mài, không màng đến chuyện viết lách gì cả.
Theo bài viết của Hồ Nam trong tháng 11-2007: “Thế rồi không biết Nguyễn Quốc Thái đại diện Công ty Văn Hóa Phương Nam “tán tỉnh” thế nào Dương Nghiễm Mâu đã cho Công ty Văn Hóa Phương Nam in lại một loạt tác phẩm viết trước năm 1975 của Dương Nghiễm Mậu phát hành cùng lúc với truyện dài Nguyệt Đồng Xoài của Lê Xuyên. Những tác phẩm của Dương Nghiễm Mậu do Công ty Văn Hóa Phương Nam tái bản phát hành chưa được một tuần lễ thì trên tờ Sài Gòn Giải Phóng có bài “đấu tố” Lê Xuyên và Dương Nghiễm Mậu, tiếp theo là tờ Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh Mai Quốc Liên và Vũ Hạnh mang Dương Nghiễm Mậu ra đấu trường “chơi” sát ván với đủ thứ tội danh văn chương đồi trụy, văn chương phản động.
Gặp lại Dương Nghiễm Mậu, tôi hỏi nhà văn chỉ cười nhất định không chịu nói một câu nào dù một câu ngắn cũng không nói”.
Càng ngày chân tướng của Vũ Hạnh bị phơi bày, và “gậy ông lại đập lưng ông” lần nữa, năm 2008, tác phẩm Lạc Đường, tự truyện của Đào Hiếu đề cập đến Vũ Hạnh:
“Phong trào sinh viên vẫn án binh bất động. Anh Nguyễn Ngọc Lương giới thiệu tôi với nữ nghệ sĩ Hột Xoàn và nhà văn Vô Hạnh (tôi không muốn nêu tên thật của ông vì ông đã gần đất xa trời, vì thế tôi mượn tạm cái tên mà nhà văn Ngụy Ngữ đã đặt cho ông).
Ông là nhà văn nổi tiếng và đã từng bị vài tờ báo của chính quyền Sài Gòn nêu đích danh là “Cộng sản nằm vùng”. Tuy nhiên chúng tôi không thường gặp nhau vì tờ Tin Văn đã bị đóng cửa, không có môi trường để sinh hoạt.
Có một nhà văn thường xuyên quan hệ với ông Vô Hạnh, đó là Lữ Phương. Hồi đó anh là giáo viên cấp 3 dạy văn. Anh nổi tiếng qua những bài chính luận sắc bén đăng trên tờ Tin Văn. Càng nổi tiếng anh càng bị chính quyền Sài Gòn để ý và tôi cũng không hiểu tình hình đun đẩy thế nào mà anh lại vào chiến khu, tham gia vào chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với chức vụ Thứ trưởng Bộ Văn hóa. Đến thời điểm đó tôi vẫn chưa được gặp mặt anh dù đã đọc anh khá nhiều.
Những ngày đầu giải phóng tôi có dịp làm việc chung với Lữ Phương trong Hội Đồng Đánh Giá Văn Học Miền Nam tại Thư Viện Quốc Gia.
Anh khá nổi bật trong số các thành viên của Hội đồng vì cách ăn mặc.
Trong khi các cán bộ miền Bắc và cán bộ ở rừng ăn mặc luộm thuộm, đi dép râu, còn những người tại chỗ như Vô Hạnh và tôi cũng xuềnh xoàng, thì Lữ Phương ăn mặc chỉnh tề, đẹp. Có lẽ đó là những bộ quần áo của thời anh đi dạy học trước giải phóng. Quần Gabardine màu xám nhạt, sơ mi màu sậm, cài măng sét, giày da màu nâu bóng loáng.
Anh ăn nói lưu loát nhưng hòa nhã, lịch thiệp. Cái nhìn của anh về văn học ở các đô thị miền Nam trước giải phóng cũng khá thoáng.
Nhưng điều làm tôi bất ngờ nhất là anh luôn luôn bị ông Vô Hạnh ngắt lời. Ông lớn tiếng, khoa tay múa chân khi nói, và thường dùng những lời lẽ đao to búa lớn để phủ nhận những ý kiến của Lữ Phương. Thái độ đó làm mọi người khó chịu. Lữ Phương thì im lặng theo cái cách của một người cha nhìn cơn bốc đồng của đứa con mình và chờ cho nó hạ xuống. Sau đó anh lại tiếp tục nói.
Trong giờ nghỉ giải lao, Vô Hạnh nói oang oang ngoài hành lang của thư viện:
- Đầu óc tiểu tư sản của anh ta vẫn còn. Anh ta là Thứ trưởng hả? Chỉ đáng là học trò của tôi.
Lúc ấy nhiều người cho rằng ông muốn tranh cái chức Thứ trưởng Bộ Văn hóa của Lữ Phương, riêng Lữ Phương có lẽ anh đang cười thầm vì từ lâu anh đã hiểu cái chức ấy chẳng qua cũng chỉ là một vai diễn trên sân khấu chính trị mà thôi.
Tôi thì ngỡ ngàng. Lúc đó tôi nghĩ chắc trước đây ông và Lữ Phương có lục đục với nhau, nhưng về sau khi ông Vô Hạnh về làm việc ở Hội Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh thì tôi mới biết ông là một tên chỉ điểm văn nghệ.
... Thực ra, nhận xét về ông Vô Hạnh như thế chỉ đúng có một phần.
Phải định nghĩa về nhà văn Vô Hạnh như thế này: Một cá thể phức tạp bị dồn nén và đầy mặc cảm.
Ông hoạt động cách mạng trong nội thành nhưng khi ở tù ông cộng tác với địch lộ liễu đến nỗi bạn tù đặt cho ông cái tên là “Vô Hạnh chui lỗ chó” vì thế giải phóng xong ông không được tin dùng nên ông “hận” những anh em văn nghệ sĩ ở rừng về. Nỗi căm hận biến thành cao ngạo, chửi bới vung vít. Chửi cách mạng không tiếc lời.
Mặt khác, đối với anh em văn nghệ tại chỗ (nhất là những người không biết lý lịch của ông) thì ông lại tỏ ra mình là một ngự sử văn đàn, một nhà văn cách mạng chánh hiệu con nai vàng, vì thế ông phê phán người này, lên lớp người kia, lúc nào cũng đưa quan điểm lập trường chuyên chính vô sản, giai cấp công nhân... ra làm thước đo, hù dọa mấy anh em nhà văn trẻ, nhà văn chế độ cũ đang được “lưu dụng”. Còn đối với các nhà văn nổi tiếng tài năng khác như Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Lê Tất Điều, Dương Nghiễm Mậu... thì ông mạt sát họ bằng ngôn ngữ dao phay, mã tấu...
Sau này, khi đã ngoài bảy mươi tuổi, ông vẫn chứng nào tật nấy, vẫn giở giọng chuyên chính ra truy đuổi những nhà văn tài năng đã được đưa vào Từ Điển Văn Học như Dương Nghiễm Mậu.
Ông làm như vậy để làm gì?
Trước đây thì có thể động cơ của ông là tâng công với Đảng. Nhưng nịnh bợ mấy mươi năm có được gì đâu. Thế thì ở cái năm 2007 này ông còn lên giọng làm gì?
Ôi thôi, đó là chuyện có liên quan tới cái mà khoa tâm phân học gọi là refoulement, gọi là transfer du complex, gọi là loi de compensation...
Cho đến khi nằm ngáp ngáp chờ chết, có lẽ ông cũng còn bị những quy luật tâm lý phức tạp ấy dẫn dắt như một thằng khùng.
... Ngược hẳn với Vô Hạnh 180 độ là anh Nguyễn Ngọc Lương. Hiền lành, nhẫn nhục mà sống, mà làm việc. Trước giải phóng thành ủy giao cho anh làm Chủ bút một tờ báo công khai của Đảng tại thành phố Sài Gòn, nói nôm na là làm ông Tổng biên tập một tờ báo “Việt cộng nằm vùng” ngay trong lòng địch. Chuyện đó đâu có dễ. Nếu là bạn, chưa chắc bạn đã dám nhận, phải không? Nhất là làm việc mà không có lãnh lương!
Sau “giải phóng” người ta cho anh làm một nhân viên sửa morasse tại tòa soạn báo Văn Nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Vậy mà anh cũng làm. Cứ cho là trong thời gian công tác anh có mắc phải một vài sai lầm nho nhỏ nào đó đi (tôi biết chắc chắn là không có gì lớn). Cái thứ sai lầm vặt ấy, truy lý lịch ra ai mà chẳng có. Vậy thì nỡ lòng nào đày đọa đồng chí mình như vậy!
Anh Nguyễn Ngọc Lương đã qua đời trong một tâm trạng buồn như thế...”.
Là người trong cuộc, một thời “đồng chí” với nhau còn tỏ thái độ như vậy, thấy rõ bản thất thấp hèn con người cầm bút như Vũ Hạnh.
Kết
Trong gần hai thập niên, tại Sài Gòn, Vũ Hạnh đã cho ra đời nhiều tác phẩm: Lửa Rừng trên tuần báo Mai (1960), Vượt Thác (1963), Mùa Xuân Trên Đỉnh Non Cao (1964), Chất Ngọc (1964), Ngôi Trường Đi Xuống (1966), Đọc Lại Truyện Kiều (1966), Tìm Hiểu Văn Nghệ (1971), Bút Máu (1971), Người Chồng Thời Đại (1971), Con Chó Hào Hùng (1973), Cô Gái Xà Riêng (1973), Những Người Còn Lại (1974)...
Nguyễn Đức Dũng, ngoài bút hiệu Vũ Hạnh, còn có những bút hiệu khác như Nguyên Phi, Minh Hiếu, Cô Phương Thảo (Tin Sách và Bách Khoa)... còn các bút hiệu của kẻ “đồ tể đánh lận con đen”.
Trong chế độ mà ông thù địch đã tạo dựng sự nghiệp văn chương và được đón nhận những tác phẩm, xếp loại vào khuynh hướng xã hội.
Sau tháng Tư 1975, tiểu sử Vũ Hạnh được đề cập trong Từ Điển Văn Học, nhà xuất bản Văn Học Xã Hội, 1984.
Hơn ba thập niên, sống trong vùng đất dụng võ của ông nhưng không có tác phẩm nào, chỉ có những bài viết vớ vẩn, vờ vịt và đâm thọc cho thỏa mãn thú tính và đố kỵ tài năng.
Ông tự bôi tro trát trấu vào bút danh đã một thời nổi tiếng của ông và nói như Ngụy Ngữ, Đào Hiếu, thay chữ Vũ bằng Vô. Thật vậy, gọi như vậy nặng lắm nhưng nghĩ cho cùng, không có chữ nào ngắn, gọn hơn để thay thế chữ “Vô”. Ông biết viết tác phẩm Con Chó Hào Hùng nhưng con người lại hèn đến thế!.
Tên tuổi Vũ Hạnh đã bị đào thải rồi, quyển Tự Điển Tác Giả Văn Hóa Việt Nam của Nguyễn Q. Thắng, dày gần 1.800 trang, ấn hành năm 1999. Tác giả là người đồng hương, đề cập đến nhiều khuôn mặt trong nước nhưng cũng không có Vũ Hạnh.
Năm 1990, trước khi rời Sài Gòn đi Mỹ, tôi ghé lại thăm anh Vũ Đình, tôi không hỏi Vũ Hạnh có biết anh ở Sài Gòn không, bởi ngại bản chất thù vặt của Vũ Hạnh, vì lúc đó đông người?... Khi định cư tại Cali, bài viết này tôi viết trên tuần báo Saigon Times, Los Angeles, số ra ngày 27 tháng 12 năm 1991. Lý do tôi viết bài này vì tờ Les Nouvelles số 13 ra ngày 31 tháng 3 năm 1991 phổ biến bức thư của Vũ Hạnh qua tựa đề Họ Cô Đơn Trước Nhân Dân. Trong bức thư Vũ Hạnh đã viết: “Dân chúng nghèo đói đi nhiều lắm, xã hội trở nên hỗn loạn” và “Như vậy, người ta mới thấy rõ ràng biết bao hy sinh lớn lao và cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn do cái ý thức hệ gọi là Cộng sản gây ra ấy đã tỏ như là vô ích...
... Sự đề cao trường học Xã Hội Chủ nghĩa rập khuôn trong đầu óc sự tôn sùng lá cờ đỏ thiêng liêng và những lãnh tụ Cộng sản vĩ đại đã xen vào đời sống để biến mọi người thành những dụng cụ ngoan ngoãn nằm trong tay gần như vô học mà lại tiếm quyền, những kẻ lũng đoạn quyền hành để thử nghiệm một cách tàn bạo, nên cả nước bị khủng bố và bị cấm đoán phải câm miệng...
... Những lãnh đạo của chế độ nay ghi nhận với sự sợ hãi... Họ cô đơn đối diện với nhân dân, để rồi trong những ngày tới đây phải trả về những sự khốn khổ, đói khát mà họ đã bắt nhân dân phải chịu đựng từ mấy chục năm qua...”.
Lý do Vũ Hạnh viết bức thư như vậy vì trước đó, năm 1986 Nguyễn văn Linh phát pháo chính sách “cởi trói” và “đổi mới” như năm 1985 ở Liên Xô, Gorbachev cải cách với chính sách perestroika và glasnost... Bước vào giai đoạn đầu thập niên 90, cùng với thời điểm Liên Xô và bức màn sắt Đông Âu sụp đổ. Vũ Hạnh sợ tình thế trong nước thay đổi, muốn lập cơ hội thoát thân, cho con cái du học Liên Xô chẳng thấy vinh quang gì nên tìm cách “dọn đường” cho tương lai... nhưng “kẻ cắp lại gặp bà già” chán thật. Hơn nữa, trò lừa bịp của Vũ Hạnh rất nguy hiểm, biết đâu dựng ra lá bài như “trăm hoa đua nở” để ai nhẹ dạ, cả tin rơi vào bẫy!
Khi tôi viết bài này, tôi rất áy náy, đắn đo. Thú thật, tôi có đầu óc cục bộ, bảo thủ địa phương với quê hương, không muốn đem hình ảnh xấu nào của quê mình trên mặt báo. Dù sống bất cứ nơi nào, bóng dáng quê hương như hình ảnh người mẹ. Qua vài ý kiến bạn bè đồng hương, tôi viết. Gần hai thập niên qua, mỗi năm hội đồng hương Quảng Nam ra đặc san, nhờ tôi đóng góp bài vở; nếu có viết, tôi viết về những bậc tiền nhân của quê hương, tuy đã đề cập nhiều nhưng mỗi người có phong cách diễn đạt khác nhau. Với tôi, nên tô điểm những bông hoa cho thế hệ tương lai biết và hãnh diện mảnh đất “cày lên sỏi đá” đó ở quê hương có những bông hoa tươi đẹp, tấm gương sáng, còn loài sâu bọ sẽ bị đào thải theo thời gian.
Tháng 11 năm 2007, tôi viết bài Cung Tích Biền, Giữa Hai Lằn Đạn. Qua những điều thăm hỏi bằng hữu, đọc được những bài viết của anh, tôi cảm nhận được nỗi uẩn khúc, cả lời thị phi và bất hạnh, tôi viết. Và, từ đó, tôi đọc được những bài viết của anh được phổ biến trên trang web, bước vào tuổi thất thập, bị tiểu đường đã hai thập niên, đau tim và ung thư đại tràng nhưng trở lại với ngòi bút rất tuyệt. Với lương tâm của người cầm bút trước thực trạng xã hội, bằng lối ẩn dụ tài tình, nói lên cách nhìn sắc bén qua ngòi bút, tôi rất trân trọng. Nhắc đến Vũ Hạnh và Cung Tích Biền vì hai người cùng “bà con lối xóm” với nhau ở quê nhà và từ khi “cái vụ chiếc xe Honda” xảy ra, coi như xa lạ, nhưng đó là chuyện đời tư, còn nhân cách và lương tri thì hoàn toàn khác xa.
Trong sinh hoạt văn nghệ, khi ngồi trước máy điện toán để viết, tôi muốn phác họa hình ảnh tốt, đẹp bồng bềnh trong khói thuốc mới gây cảm hứng ghi lại, ít ra cũng học hỏi được nhân cách, tài năng, sự lương thiện ở đối tượng mình đề cập.
Bài này viết lại cũng vào dịp tháng Tư, thời điểm hoạn nạn và Vũ Hạnh còn sống, nếu ông đã ra đi thì “nghĩa tử là nghĩa tận” bới đống tro tàn chỉ bẩn tay!.
4/2009
Vương Trùng Dương
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân

Người ẩn mình dưới tên gọi giai nhân Ông xuất hiện trên thi đàn cùng với ba người bạn khác trong nhóm “Tứ hữu Bàn Thành” Nhóm ấy còn có tê...