Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

 

Bão tơ hồng và giấc xuân

Nhà văn Lê Hà Ngân sinh năm 1971, hiện dạy học ở Hải Hà, Hải Hậu, Nam Định; Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam và Hội VHNT Nam Định; đã xuất bản: Tập tản văn tùy bút “Giấc hoa”, tập truyện ngắn “Gieo hoa”, tập tùy bút “Nắng triền sông”, tập truyện ngắn “Triều dâng trong heo may”, “Truyện ngắn Lê Hà Ngân”.

Nhà văn Lê Hà Ngân đã được nhận các giải thưởng: Tập bút kí “Giấc hoa” đạt giải ba cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật về nông thôn và xây dựng nông thôn mới do Hội Nhà văn và Bộ Nông Nghiệp tổ chức; tập truyện ngắn “Gieo hoa” đạt giải khuyến khích - giải thưởng văn học nghệ thuật do Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam tặng; tập tùy bút “Rượu Son” đạt giải ba Cuộc vận động Sáng tác văn học kỷ niệm nhân 70 năm ngày thương binh liệt sĩ do Hội Nhà văn và Bộ Lao động thương binh xã hội tổ chức năm 2017; tập tùy bút “Nắng triền sông” đạt giải B giải thưởng văn học nghệ thuật  Lương Thế Vinh lần thứ VIII (2016-2020).


BÃO TƠ HỒNG

Người ta đồn rằng mẹ chồng Cúc là người cứng bóng vía nhất vùng. Đất nhà bà là đất dữ, bao người đến đấy ở đều phải bỏ đi, chỉ có bà là trụ được. Nhiều lời xì xầm đến tai nhưng bà chỉ cười. Khuôn mặt rỗ huê lại ngước lên như thách thức, rồi bà cúi xuống thở dài:

– Trần sao âm vậy! Cứ ăn ở tử tế thì có sao đâu. Sống với ma còn dễ hơn sống với người ấy chứ.

Bà chép miệng, nghĩ tới buồng chuối bị chặt trộm đêm qua mà tiếc đứt ruột. Buồng chuối tây mập mạp đều tắm tắp, đã vàng bà định sáng nay cắt về ra nải để ngày kia cúng rằm, thế mà kẻ gian đang đêm đã  trộm. Mà cũng lạ từ trước tới nay có ai dám tơ hào bén mảng gì tới mảnh đất nhà bà đâu. Biết thế bà nuôi chó dữ chắc chẳng mất trộm. Đất nhà bà rộng, có ao sâu gần năm sào. Chẳng hiểu sao ao ít được chăm bẵm nhưng thả cá vào thì cá lớn nhanh như thổi. Ngày trở trời bèo tây trong ao dạt bờ, mặt nước sôi như có tàu ngầm sùng sục bên dưới. Hồi cụ lang Thừa hay chữ nhất làng còn sống bảo:

– Cái ao ấy không bình thường đâu? Nó là rốn rồng đấy. Ai mà nhìn thấy ao xoáy nước thì nhớ nhắm mắt lại và niệm Nam Mô A Di Đà thì sẽ không gặp tai ương.

Thấy mặt nước ao sôi lên và bèo nghiêng ngả thì ít người gặp nhưng cái chuyện mẹ chồng Cúc nói chuyện với ma thì có thật.  Đó là ngày mưa cuối tháng giêng, trời rét cắt da cắt thịt, bên ngọn đèn hạt đỗ, bóng đèn bị vỡ thi thoảng gió lùa vào chập chờn, lúc đỏ quạnh, lóe xanh lét như con đom đóm. Ngày ấy chồng Cúc còn là đứa bé chưa đầy năm, được mẹ ủ trên võng, có người đàn bà hàng xóm sang chơi, mẹ chồng Cúc cứ vui chuyện:

– Chết thôi bà ạ! Ngày mai giỗ mẹ chồng tôi rồi mà nhà chẳng còn nắm gạo nào. Tôi chẳng biết tính sao cho không phải tội.

Hàng xóm chẳng nói gì. Mẹ chồng Cúc còn đặt con vào tay bà ta nhờ trông hộ rồi chạy xuống bếp thái bèo cho lợn. Khi lên tới nhà thì vấp phải đứa con nằm ngay dưới đất. Bà vừa sợ, vừa bực, sáng hôm sau chạy sang nhà kia định trách móc thì con dâu họ bảo:

– Thím hay nhỉ! Mẹ cháu đi Hà Nội chơi với anh cả. Ba hôm rồi có về đâu mà thím trách mẹ cháu không coi em giúp.

***

Mồ hôi túa như tắm, tay chân lẩy bẩy, bụng bảo dạ: không lẽ đêm qua mình gặp ma? Bà sợ hãi lật đật ra về ngọng miệng kinh hãi không dám kể với ai nửa lời. Trời lất phất mưa, lạnh cuối giêng ngấm vào da thịt, quần áo còn đang lấm lem bùn đất, vừa vào tới ngõ, mẹ chồng Cúc gặp người đàn bà lạ chỉ vào mặt:

Con bà  chết đuối dưới ao kia kìa…

Ánh mắt sương khói, bóng ảo chập chờn. Mẹ chồng Cúc chợt gai người như bị xui khiến vội nắm lấy tay người đàn bà lạ, bàn tay  người ấy lạnh như dọc khoai thối. Bà vội buông tay, thấy con mình nằm dưới ao, chạy xuống vớt  không thấy con mình đâu nữa… Rồi còn nhiều hiện tượng quái lạ, gặp nhiều rồi quen nhàm, coi là bình thường.

Nhà đông con một tay bà tảo tần, vượt qua bao nhiêu trang đói. Nhiều khi tới tuần tiết bà cũng chẳng hương khói cúng cấp gì. Thằng bé út lên cơn đau bụng, đi trạm xá, lại đem về, cô y tá bảo không tìm ra bệnh… Bực mình, cùng đường, bà rút dao chém phập vào cột lạt, gằn giọng:

– Muốn sống thì để con bà khỏi bệnh. Nó khỏi bà sẽ cúng tạ, còn nếu không bà cũng sẽ trừng phạt tới nơi tới chốn. Ma bắt cũng phải xem mặt từng người nhé!

Nói rồi bà giã nước tỏi phun khắp nhà. Tự nhiên thằng bé khỏi lại ăn lại chơi… Vài đêm sau lúc ngủ bà nằm mộng thấy người đàn bà ngồi ngay đầu giường mình, mặt buồn rười rượi trách rằng:

Nói lời mà không giữ lời, ăn ở thất tín.

Tỉnh dậy bà lạnh toát mồ hôi, giật mình nhớ tới lời hứa lễ tạ nếu con trai mình khỏe mạnh. Vội vàng chạy ra chuồng gà, bắt con gà mái duy nhất trong nhà đem giết thịt, lật đật chạy đi mua chịu vài bò gạo nếp về thổi nồi cơm nếp, xong ra vườn vặt mấy quả dưa chuột, bà hối hả đến nỗi gai chà rào trong vườn móc toạc manh áo cộc mà cũng không biết. Nhớ ra nhà còn năm hào cuối cùng, liền chạy ù ra chợ mua đáp giấy tiền. Bà thành kính, xếp hết lên mâm, đặt giữa trung thiên thắp hương thành tâm khấn vái. Lễ bạc tâm thành. Đêm chẳng mơ mộng gì nữa mà thằng cu con khỏe mạnh hay ăn chóng lớn như thường.

Cái đận ấy ông nhà bà còn đi thuyền lương thực, đoàn thuyền chở gạo bị bom nổ chết hết, duy chỉ có thuyền ông tự dưng bị hỏng bánh lái, neo thuyền lại sửa thì thoát chết. Hú hồn hú vía, đêm bà  nằm mộng thấy người đàn bà ấy hiện về cười mà rằng: “Không có ta cứu mạng thì chủ nam chết hôm nay rồi nhé!”. Tỉnh dậy nghe tin đoàn thuyền bị nạn, chồng mình may mắn thoát chết, mẹ chồng Cúc càng sợ và tin tưởng tâm linh thành kính hơn. Từ đấy trở đi tư rằm mùng một bà đều cúng bái một cách tử tế nồng hậu

Người ta bảo cái ao nhà chồng Cúc sâu lắm. Các cụ truyền lại, ngày xưa nơi đây các chú Khách sang buôn bán bên nước Nam bị đắm tàu. Nơi đây lại là vùng cửa biển, một miền chân sóng với quá trình lập ấp khai khẩn gần năm trăm năm. Dấu tích vẫn còn những vỏ sò vỏ ngao nằm trong đất khi người ta đào móng làm nhà.

Chuyện chạm bóng chạm vía khi đi qua ngõ nhà mẹ chồng Cúc cũng đầy những sự lạ. Chị Mít gái xóm Cầu, xinh, giòn, mắt đẹp, tóc dài, da trắng như sắn bóc, gặp ai cũng tươi tắn vồn vã. Đêm hội làng Mít thường làm trai làng ngơ ngẩn bởi những làn điệu chèo ngọt như mía lùi. Chồng chị là lính huyện đội, hay trốn về với vợ. Ông cả Đang bố chồng chị đức độ, nghiêm cẩn nhất dòng họ Đinh trong vùng. Người ta đồn rằng quan mãnh tổ họ Đinh là bóng thiêng cả vùng miền. Ngài đã từng theo nghĩa quân cụ Phan Bá Vành dẹp loạn. Ngài lập nên bao công trạng và bị tử nạn nơi cửa sông Sò. Nhưng danh tiết của ngài thì lừng lẫy vùng cửa sóng.

Âý thế mà không hiểu sao, sau cái chiều chị Mít về thăm nhà ngoại có qua ngõ nhà mẹ chồng Cúc, tới nhà tâm tính thay đổi hẳn. Chị nguýt ngao xì xồ thứ tiếng mà người ta nhận ngay ra không mang âm hưởng người Việt. Đêm Mít đuổi chồng khỏi giường, ngồi dậy búi tó suối tóc dài tha thướt, vừa cười vừa hát khúc hát của người Triều Châu. Thấy sự lạ ông Đang liền quát to:

– Đêm hôm khuya khoắt, con này bị dở hay sao mà lảm nhãm những điều vớ vẩn gì thế?

Mít trợn tròn hai con mắt và đáp lời cha chồng:

– Ngộ xa quê lâu rồi! Nhớ nhà quá…giờ gặp cô em xinh đẹp này đi qua muốn kết nghĩa phu thê…

Nói xong, cười hăng hắc như ma ám….Rồi lại ngúng nguẩy đôi tay giống những chú Khách sang quẩy bồ bán thuốc Bắc ở chợ huyện.

Ông Đang gai người, bấm đốt ngón tay, nhận ra dâu mình  trúng tà. Ông ra ngay bụi dâu đầu hồi chặt một cành, tuốt lá cuốn vó rách định vút vào con dâu, nhưng chồng Mít thấy lạ, xót vợ liền gạt tay bố ra:

– Thầy đừng đánh nhà con! Cô ấy đang có mang. Cơ sự thế nào để con tính. Con sẽ đưa cô ấy đi bệnh viện để chẩn đoán tâm thần xem sao.

Suốt đêm gã ma ra chiều thích thú. Không đừng được nữa, ông Đang liền hương hoa ra từ đường họ Đinh kêu xin quan Mãnh tổ.

Trăng thanh gió mát, hàng ngâu in bóng trước sân từ, ông Đang khăn xếp áo lương, nghiêm cẩn thắp hương kêu xin. Đài âm dương xoay tít. Đài thứ nhất cười. Tiền cười là tươi là tốt. Đài thứ hai quan Mãnh tổ nhận lời ngay. Hai đồng âm dương réo lên và nhập vào nhau. Ngài đã bằng lòng. Dưới ánh đuốc rực sáng ông Đang bị ốp đồng, vung roi dâu chỉ vào mặt kẻ đã nhập vào Mít:

– Đất có Thổ công, sông có Hà bá. Mày là bọn ma Khách đã từng kiếm cớ sang đất chúng tao kiếm ăn. Chết mất xác xứ người, không biết thân phận, hồn không thoát mà còn giở thói trêu hoa ghẹo nguyệt. Ông thì đánh cho tơi tả vong linh bỏ đi tà khí mà xéo về nhé!

Ông rút roi mây quật tới tấp vào lưng kẻ nhập vào Mít, rồi cầm bát nước tỏi giội thẳng vào đầu. Chú ma Khách quằn quại kêu xin liền bị đuổi ra khỏi ngõ lấy gạo muối tống tiễn. Trước khi cất bóng hắn còn đấm vào ngực, luyến tiếc thống khổ…Mít chạy ra đầu ngõ bật khóc, nằm vật xuống, chẳng biết gì nữa. Sáng mai mọi người tới hỏi thăm Mít chỉ lắc đầu, không nhớ gì cả. Nghe kể chuyện ai cũng  lắc đầu lè lưỡi cho là kì dị quái đản.

Đàn bà con gái có nhan sắc qua ngõ nhà mẹ Cúc đều bện vào vạt áo củ tỏi trừ tà.

Cứ u u linh qua lời kể, kẻ có duyên thêm thắt làm câu chuyện sống động. Cúc về làm dâu nghe lời đồn thổi dệt như huyền thoại quanh nhà mình.

***

Mùa ngâu qua, nhưng bão tháng tám vẫn làm sông và ao làng đục ngầu phù sa. Người lớn trẻ con đem vó vào tận sân nhà để bắt cá. Ngồi ngay trên thềm nhà cũng bắt được con trắm đen ngược nước, to ơi là to. Cá rô cù to như nửa bàn tay rạch nước chạy đầy sân thích ơi là thích. Trời vàng óng như tơ, giải mây hình rẻ quạt cuốn trong mỡ gà.

Không gian bừng sáng lạ lùng như cơn bão tơ hồng sắp buông xuống thế gian. Khốn khổ cho Cúc, bước chân vào nhà chồng, cô dâu phải xắn cao quần xi xụp lội qua khoảng sân mênh mông nước. Trời không mưa mà mặt ao cứ sôi lên lục bục, từng đám bèo tây bị lật úp lên. Vài cụ già tinh ý lẩm bẩm :

– Quái lạ! Không biết có chuyện gì nhỉ? Sao mặt ao lại sôi lên trong ngày đám cưới của vợ chồng nó nhỉ?

Nước cuốn tơ hồng, vướng vào váy áo của Cúc.

Bão tơ hồng đúng là quết một vệt tai ương. Mười năm chồng Nam vợ Bắc, Cúc tảo tần việc nhà chồng nuôi dạy con thơ cho chồng yên tâm xứ người. Thế mà tai ương ập đến, chồng Cúc đã  không về sau cơn bạo bệnh. Cúc chết ngất trong tay mẹ chồng. Đôi mắt bà đỏ mọng, nhìn như hút vào vạt bèo cái biếc xanh trên mặt ao. Bà lẩm bẩm điều gì chẳng ai biết được.

Trăng mùa đông gầy úa, sương muối héo những vạt hành đang xanh tốt, Cúc buồn rũ bên thềm nhà. Sương đầm tóc rối, sương làm nàng sởn lạnh. Tiếng cá hớp trăng bì bõm ao sâu càng làm Cúc tê tái. Bao đêm nàng ngồi bên thềm lạnh. Nàng muốn nhao mình xuống ao cho yên phận nhưng vì con mà Cúc phải gượng mà sống.

Mẹ chồng Cúc dạo này lẩn thẩn hay sao, mà từ sáng tới chiều bà luôn lẩm bẩm tính toán như có điều gì hệ trọng.

Anh giáo Hoạt hay vào nhà Cúc chơi. Nghĩ tình đồng nghiệp Cúc tiếp đón, nhưng chẳng vồn vã. Nàng thờ ơ trước ánh nhìn đắm đuối, câu nói vu vơ của giáo Hoạt. Kẻ ác miệng trong làng bảo anh giáo bị vợ bỏ. Gần mười năm gà trống nuôi con cho vợ tung tẩy phía Nam. Muốn đem ra tòa cũng không được vì anh ngoan đạo lại sợ rút phép thông công. Mà bà nhạc anh lại là người khôn lanh mưu lược ở giáo họ. Đố anh giáo thoát khỏi tay mẹ con bà, lúc nào bà cũng xoen xoét mồm là bù trì cho rể. Dù con gái bà có không về thì anh giáo Hoạt cũng suốt đời làm tù nhân cho gia đình bà.

Giáo Hoạt thường lên lớp muộn. Bìa đậu phụ, mớ rau úa vàng, vài lạng thịt mỏng teo, trong giỏ xe, khuôn mặt ngơ ngác bước vào trường học. Đồng nghiệp thở dài chép miệng. Cám cảnh. Chưa mồ côi vợ mà góa bụa. Giáo Hoạt cứ lặng thầm trong bạc bẽo, bên mưa nắng cuộc đời. Mọi người nhắc khéo, Hoạt làm ngơ, họ chủ động giúp Hoạt thoát khỏi tai ương thì anh mủi lòng. Bạn bè đồng nghiệp muốn anh và Cúc rổ rá cạp lại cho đỡ hiu quạnh. Mưa dầm thấm lâu, Hoạt xiêu lòng. Nhưng Cúc vẫn dửng dưng trước lời gán ghép của đồng nghiệp.

Chiều buông tự lúc nào, Cúc uể oải đạp xe về. Vừa tới ngõ Cúc đã nghe tiếng của người đàn bà xứ đạo:

– Bà dạy dâu khéo nhỉ? Chồng chết chưa yên mà nó đã léng phéng với rể tôi. Tôi báo cho bà biết nhé! Liệu mà biết cách rút lui sớm không có không yên với tôi đâu? Bà biết tiếng tôi rồi đấy…!

***

Cúc cúi gằm vào ngõ trong ánh nhìn tò mò và xa sót của mẹ chồng… Không một tiếng mắng nhiếc, coi như chẳng có gì xảy ra. Chỉ biết rằng sau buổi ấy mẹ chồng nhìn Cúc bằng ánh nhìn lạ lắm. Bà không ngồi cầu ao như mọi bận mà lại chậm chạp đi dọc quanh bờ ao, nhìn hút vào đó như đo đếm tìm kiếm một phận số như đã được an bài. Thế mà sáng hôm sau dân xóm Cầu sửng sốt khi hàng đoàn thuyền chở cát lũ lượt đậu kín bến sông nhà mẹ chồng Cúc. Rồi lũ lượt bao nhiêu xe công nông chở đất xếp hàng như một công trường lớn, lần lượt đổ xuống lấp cái ao năm sào. Cát ngấm nước, mặt ao sôi lên sục đỏ ngầu như màu máu… Mọi người đi qua tháy lấp ao lạ cũng đều đứng lại xem.

Mẹ chồng Cúc không nói lời nào, khuôn mặt nghiêm lạnh khiến dâu con trong nhà cũng phải sợ. Thế rồi ao lấp đầy được san phẳng thành khu đất rộng mênh mông. Con lợn nuôi trong chuồng được vật ra làm thịt tế cáo trời đất và Thổ thần, chỉ vàng cuối cùng trong ruột tượng cũng được lấy ra, kể cả đôi khuyên tai vật bất li thân từ khi mẹ chồng Cúc đi lấy chồng cũng được gỡ ra nốt.

Sau tuần hương khói tế cáo trời đất, mẹ chồng Cúc chậm rãi gọi các con lại bằng giọng khàn khàn:

– Cả đời mẹ làm lụng bòn nhặt chắt chiu, không tham lam dù chỉ là một đồng kẽm. Các con đã khôn lớn, có bát ăn bát để, chỉ khổ nhất cho con Cúc vì chồng nó vắn số. Con nó côi cút không nơi nương tựa, mẹ sợ một mai mình nằm xuống ai sẽ là người lo cho nó. Mẹ gắn bó trên mảnh đất này, bao nhập nhoạng âm dương.  Mẹ không sợ ma mà chỉ sợ những ma mãnh của người đời. Hôm qua mẹ vợ anh giáo Hoạt qua đây chửi bới. Mẹ mất ngủ suốt đêm và quyết định sẽ lấp cái ao nhà mình để biến thành vườn thổ cho cái Cúc đi bước nữa. Nó không còn là dâu mà sẽ thành con gái mẹ. – Cố gắng hết sức nói ra câu đó, bà mệt nhọc ngồi thở – Mẹ cũng đã dò hỏi kỹ về anh giáo Hoạt. Anh ta cũng tử tế, sau này con đi bước nữa với người ta thì cháu nội mẹ cũng không phải rơi vào cảnh cha ghẻ con vợ…

***

Con vện sủa nhặng  đầu ngõ.

Trời đẫm sương, tiếng gà uể oải trễ nải trong buốt giá, Cúc còn ôm con trong chăn đã nghe léo xéo ngoài cổng:

Mẹ con cô giáo đã dậy chưa đấy?

Cúc hốt hoảng buông con khi nhận ra giọng nói của mẹ vợ Hoạt

– Lạy Chúa tôi! Từ thuở cha sinh mẹ đẻ tới giờ tôi chưa bao giờ nằm mộng như đêm qua. – Vừa nói vừa làm dấu thánh, bà ta kể tiếp – Tôi thấy chồng cô hiện về. Chú ấy buồn lắm, mắng tôi té tát, sao lại cản trở tình duyên của cô với con rể tôi. Tôi tỉnh dậy, thấy áy náy vô cùng liền đến đây sớm. Thôi thì tùy cô và thằng Hoạt định thế nào thì định. Sao cho trong ấm ngoài yên …

Người đàn bà nanh nọc, khuôn mặt bè bè giờ nghệt ra đến tội nghiệp.

Mẹ Cúc ứa nước mắt nhìn dâu thương cảm.

Nước mắt rơi lã chã, Cúc chạy ra ngoài ngõ nhìn lên bầu trời từng vệt vàng sáng, trời như tơ khói buông rủ, Cúc nhìn xuống bụi tơ hồng vàng ươm đang bện chặt vào nhau… Gió cuốn, cát bay mù mịt trên chiếc ao vừa lấp. Còn bao nhiêu ao thông mạch nước ngầm ra cửa biển vẫn ngày đêm âm ỉ như ao nhà nàng. Lòng Cúc chợt dịu đi, những cơn bão tơ hồng và vệt xoáy ao từng làm nàng mất ngủ bao đêm.

Quá khứ đã được chôn vùi dưới ba tấc đất.

A painting of purple flowers

Description automatically generatedTranh của họa sĩ Nguyễn Anh Đào

GIẤC  XUÂN

 1.

Chợ xuân năm nay không đông vui nhộn nhịp như mùa xuân năm trước. Cây thế bày la liệt, hoa đỗ quyên đỏ thắm, trà phấn hồng chíu chít nụ đợi nắng lên là bung lụa. Những cánh mộc trắng ngà khẽ rùng mình, giá buốt mưa gió càng làm hương mộc ngát hơn. Các dãy hàng bày la liệt, rổ rá cày cuốc, đồ nông sản nhiều tới cơ man nhưng chợ vẫn thưa thớt khách du xuân. Vài ông đồ ngồi bán chữ thở dài nhìn giấy đỏ mưa hắt vào hoen  phẩm. Chữ Phúc, chữ Lộc, chữ Tâm bị mưa bụi làm vết mực loang dài như nước mắt của chúng sinh. Ông đồ già thở dài nhìn sang hàng bên  có cô đồ trẻ mắt đượm buồn hiu hắt bó gối nhìn mưa rơi. Ông bỗng thở dài rồi lẩm bẩm: Giời đất này chả biết sao nữa? Chợ xuân mà vắng hoe, cũng chỉ tại dịch cúm covid  mà thôi. Tiếng thở dài loang trong  giá buốt.

Kéo cao cổ áo khoác cho đỡ lạnh, người đàn ông đảo mắt nhìn khắp chợ, mặc gió mưa, ông sải bước tới  gian hàng bán đồ cổ bày la liệt. Lão chủ hàng đang ngủ gà ngủ gật thấy bước chân khách choàng tỉnh. Một giọng khàn khàn như người nghiện cất lên:

– Gớm trời mưa quá! Ông mua đồ mở hàng cho em đi. Ế ẩm quá! Chưa có năm nào như năm nay, từ sáng tới giờ chưa bán được gì cả.

Người khách ngần ngừ, toan bước đi, nhưng lão bán hàng như tỉnh hẳn :

– Nhờ vía bác cả năm. Bác mua mở hàng cho em đi, em bán rẻ lấy may bác ơi.

Tiếng mời chào nài nỉ, khiến khách chẳng đành lòng bước qua. Dõi mắt nhìn một lượt. Đĩa cổ Lý ngư vọng nguyệt, Hạc mai nguyên cặp, tiền đồng các triều đại hàng đống, đồ gốm sứ Lý Trần và cả chén ấm Minh Thanh đủ cả. Đôi hươu lộc bằng đồng đứng cạnh nhau mà vẫn toát lên vẻ bơ vơ. Người khách cầm chiếc nậm lên ngắm nghía. Lão chủ hàng nheo đôi mắt chuột tinh quái véo von:

– Ông quả là người có con mắt tinh tế. Chiếc nậm này có tên Tiêu Tượng, hàng thượng phủ đẹp và lụa không tì vết. Ông xem nét vẽ con voi đang cuộn tàu lá chuối tinh xảo không? Men của nó là men ngọc, đẹp như một bức tình thư ông nhé.

Nói rồi lão ngâm nga:

“Tình thư một bức phong còn kín

Gió nơi  đâu gượng mở xem”.

Lão đọc thơ Nguyễn Trãi rồi cười khà:

– Đúng là quí vật đi tìm quí nhân, không phải ai cũng nhận ra chiếc nậm này đâu, đại ca ạ!

Khách vẫn lặng im, khuôn mặt tươi hơn một chút, có lẽ khách cũng vui lây cái véo von của lão bán hàng bẻm mép. Qua vài lời mặc cả  phát giá, khách đồng ý mua chiếc nậm Tiêu Tượng. Tần ngần ánh mắt, khách dõi sang hàng đồ cổ bên cạnh, bắt gặp ánh mắt thiếu phụ thật đẹp mà đượm buồn. Nàng ngồi bán hàng mà xa vắng, lơ đãng như chìm vào thế giới huyền bí. Những đồ gốm sứ của nàng cũ kĩ không còn nguyên vẹn, chúng sứt mẻ lệch đôi, lũ đồ đồng hoen rỉ mốc xanh, vài cái cốc bằng đồng như từ các vương triều Trung Hoa cũ. Mươi đồng bạc trắng hoa xòe nằm tênh hênh trên manh chiếu cũ. Không một lời chào hàng thiếu phụ ngước đôi mắt nhung thăm thẳm nhìn khách. Nàng không đẹp rực rỡ kiêu sa như đóa hải đường e ấp trong gió sớm mà nét đẹp nuột nà đằm thắm của cặp môi đỏ tươi, đôi bàn tay trắng như ngó cần đan vào nhau. Nàng ngồi bên những đồ cổ xưa rất giống như vương phi thất thế. Ánh mắt như từ tiền kiếp hiện về ma mị  dẫn dụ. Nhìn lũ ấm đồng thiếp mệt trong gió lạnh, lũ ấm ngả màu vàng sỉn không bắt mắt, lão hàng đồ cổ ngồi bên quan sát thiếu phụ rồi cười khẩy. Khách toan bước đi chợt mắt ông sáng lên trước một vật lạ. Ông ngồi xuống bên lũ ấm cổ, nhẹ tay nâng một chiếc ấm hình con rùa lên. Màu đồng cổ nâu  sạm, nắp ấm là con rùa con, thân ấm là con rùa mẹ, được gò  đúc tinh xảo, có những cổ tự rất đẹp. Không cưỡng được cảm xúc ông cất tiếng hỏi thiếu phụ bán hàng:

– Bao nhiêu tiền chiếc ấm này hả cô ?

Thiếu phụ nhìn ông khách phong trần nhưng vẫn không giấu  được vẻ lịch lãm của đất thành kinh. Nàng liếc chiếc ấm cổ, một thoáng ngạc nhiên xuất hiện trong đầu. Chiếc ấm này đã nằm trong sạp hàng đồ cổ bao năm nay từ khi nàng còn bé tí, nó lăn lóc theo cha nàng khắp các lễ hội ngày xuân nhưng chẳng thấy ai hỏi gì cả? Rồi cha nàng về cõi bên kia, nàng theo nghiệp cha quen dần với gánh hàng đồ cổ  nhưng cái ấm vẫn nằm tẻ nhạt trên mẹt hàng của nàng. Sao bây giờ lại có người đàn ông này để ý tới chiếc ấm và cầm trên tay nâng niu thế này? Một thoáng bối rối, đôi mắt nhung huyền thắm thắm ngước lên, giọng nói nhẹ như gió thoảng:

– Tùy ông cho bao nhiêu cũng được. Em bán cho ông chiếc ấm lấy may.

Mắt  nhung gợn sóng thu ba. Nhìn vào đấy  khách như gặp cả bể oan cừu. Thật kì lạ chưa có người bán hàng nào lại thờ ơ với đồng tiền như vậy? Khách bối rồi rồi mỉm cười lấy một nắm tiền mới trong ví đặt vào tay thiếu phụ. Giọng trầm ấm cất lên:

– Bao nhiêu tiền này đủ chưa cô?

Thiếu phụ mỉm cười rồi nhẹ nhàng gật đầu:

– Thưa ông thừa rồi ạ! Cảm ơn ông đã có duyên với chiếc quần ấm mẫu tử này.

Người bán ấm nhoẻn cười, nụ cười  xinh đẹp  bừng sáng khuôn mặt. Khách lâng lâng bước đi trong ánh mắt huyền thăm thẳm vướng víu hương hoa mộc quyến ngọt loang xa, loang xa. Mưa mỗi lúc thêm nặng hạt. Khách đường xa rùng mình, gió đông mỗi ngày một bạo hơn.

Đại hồng chung chùa Đại Bi chợt ngân nga. Tiếng chuông đúng ngọ cất lên, như giục bước chân người mua ấm. Ông nhanh chân mua thẻ hương, bước vào tam quan. Khói trầm nghi ngút, thấp thoáng vài bóng người đang sì sụp khấn vái  trước Phật đài. Khách thành kính thắp ba nén nhang vào bát hương công đồng, rồi đặt chiếc ấm xuống bệ thờ khấn vái

– Con nam mô a di đà Phật. Con lạy chín phương trời mười phương chư Phật. Con kính lạy hoàng thiên hậu thổ chư vị tôn thần. Con là họa sỹ ở kinh thành, nay về lễ Phật cầu an, du xuân Viềng Tỉnh  cũng do lòng đam mê cổ vật yêu hồn cốt văn hóa xưa mà được gặp chiếc ấm lạ giữa hội xuân. Có lẽ cũng là một nhân duyên. Con cúi xin Phật Trời phù hộ cho con đem ấm về được bình an may mắn.

Lời khấn vừa dứt. Nén hương thắp vòng tít lại. Chiếc ấm đồng nâu sỉn chợt hồng rực lên như phép màu đã linh hiển. Họa sỹ cúi đầu khấn vái cảm tạ trước tam bảo, mở vuông lụa đỏ trong túi xách bọc lấy chiếc ấm thanh thản bước ra khỏi tam quan.

2.

Xe hơi dừng lại nơi biệt thự cổ trồng toàn hoa hồng trắng. Họa sỹ bước xuống. Người quản gia già vội vàng mở cổng:

– Thưa cậu đã về. Cậu vào nhanh kẻo trời đang mưa to ạ!

Cầm chiếc ô từ tay người quản gia, ông sải bước tới tiền sảnh. Biệt thự cổ được kiến trúc  theo lối Gothic vòm mái trang nhã. Tất cả các cánh cửa đều làm bằng đồng và được chạm trổ cầu kì, trong mưa bụi mùa xuân biệt thự đẹp như lâu đài của bá tước phương tây. Điều đặc biệt nhất là lối đi rải sỏi trắng, dọc hai bên trồng toàn hoa hồng trắng. Loài hoa hồng cổ tỏa hương thơm ngát, kẻ mơ mộng nhìn vào sẽ phải thốt lên: Ta đang lạc vào vương quốc bất tử của hoa hồng ư? Và cảm giác sẽ có một nàng công chúa ngủ quên dưới những bụi hồng ấy.

Giũ chiếc áo khoác bay đi mưa bụi đường xa, họa sỹ ngước ánh nhìn nhàn nhạt về phía quản gia rồi cất tiếng:

– Hôm nay tôi đi vắng ở nhà có chuyện gì không?

– Thưa cậu. Có ông Thành đồ cổ tới tìm ạ! Ông ấy còn hẹn là chiều tối sẽ tới để xem tranh và bàn với cậu về vài món đồ cổ ạ!

Họa sỹ  Vũ Thượng nhăn mặt khó chịu khi người quản gia nhắc tới Thành- gã buôn đồ cổ lõi đời và cũng là một kẻ sưu tầm tranh hợm hĩnh. Đã nhiều lần ông muốn tuyệt giao với kẻ trọc phú bần tiện đó nhưng gã cứ bám chằng lấy ông. Lúc gặp mặt, gã xoắn lấy véo von như người của kiếp trước không bằng. Gã mua tranh của Vũ Thượng  treo trong phòng khách nhà mình và luôn ngẩng đầu khoe với thiên hạ rằng họa sỹ với hắn là chỗ tâm giao. Gã luôn mượn danh tiếng của ông để làm sang. Bao lần gã  gọi điện tới ông tắt máy không muốn giao tiếp, nên gã đã rút ra kinh nghiệm xương máu là không việc gì lên tiếng mà cứ đến thẳng biệt thự nếu như muốn gặp chủ nhân. Chiếc áo khoác vừa được người quản gia đỡ lấy treo vào mắc thì cũng là lúc chuông cổng biệt thự reo lên. Họa sỹ nhăn mặt:

– Ta mệt mỏi không muốn tiếp khách lúc này. Lão hãy ra cổng từ chối cho ta.

Giới mỹ thuật đồn rằng họa sỹ Vũ Thượng là gã quí tộc gàn, cực tài nhưng tính cách thì lập dị không giống ai. Vũ Thượng đắm say với nghệ thuật, từng du học ở trường Mỹ thuật danh tiếng  nước ngoài trở về. Vũ Thượng giầu có vì được hưởng một gia sản kếch sù của cha ông để lại. Căn biệt thự này cũng chính  là tài sản của người cha để lại cho con. Nhưng trong con mắt của họa sỹ thì tài sản này chỉ là thứ phù hoa. Nỗi cô đơn luôn gặm nhấm ông. Có những người không bao giờ chịu yên phận  dừng chân ở một chỗ nào nhất định, họ luôn muốn lang thang hết sông dài biển rộng. Có những kẻ tư tưởng chẳng bao giờ bình lặng mà nó luôn lang thang tới tận cùng ngóc ngách của vũ trụ và nhân gian. Cái lang thang đó đã biến thành sự cô đơn đến tận cùng của tâm hồn. Hồn hoang leo ngược đó đã hội tụ cả trong con người của họa sỹ Vũ Thượng. Nhiều khi Vũ Thượng bỏ cả biệt thự khoác ba lô chinh chiến tận miền biên viễn nơi đèo mây, dốc núi để nghe tiếng thở của đại ngàn, ngắm một sắc hoa cải mèo nở rộ trên nương, hoặc ngẩn ngơ buồn bã trước bức tượng nhà mồ của Tây Nguyên. Những chuyến đi xa về, ông lao vào vẽ như điên dại, quên ăn quên ngủ thả hồn vào những bức tranh. Điều đặc biệt hơn trong biệt thự của Vũ Thượng là chẳng bao giờ thấy xuất hiện một bóng hồng. Bao kẻ giàu có gia thế đánh tiếng gả con gái cho họa sỹ, nhiều  cô gái xem tranh của Vũ Thượng cũng trở nên thương nhớ xa xôi. Nhưng tất cả véo von và dư âm đó không làm họa sỹ xuyến xao rung động. Sắp bước sang tuổi năm mươi Vũ Thượng vẫn là họa sỹ độc thân. Mặc dù đã từng du học trời Âu, phong cách đậm sắc thái phương tây nhưng ông vẫn mê cổ vật và mê ấm, có lẽ cũng là gien di truyền từ đời trước để lại.

3.

Chuông cổng lại đổ dồn liên tiếp, người quản gia chậm chạp nhìn chủ đoán ý rồi bước ra mở cổng. Cánh cổng  đồng hé một lối nhỏ chỉ vừa đủ cho mái tóc già nua bạc trắng đưa ra:

– Thưa ông! Cậu chủ mệt, khi khác ông quay lại.

Chưa kịp quay đầu lại khép cổng thì gã lùn đầu tóc bờm xờm, mắt ốc nhồi vằn đỏ, trán ngũ đoản, cất tiếng đầy hơi rượu:

– Sao lão cứ khó khăn với chúng tôi nhỉ? Cho tôi vào chỉ gặp chủ lão năm phút rồi ra luôn có sao đâu. Chủ tớ nhà lão phách lối quá đấy!

Người già yếu làm sao kháng cự được với kẻ đẫm hơi men đang đẩy mạnh cánh cửa bước vào sân  biệt thự. Cái dáng ngắn tủn, đôi bàn chân cập rập như của gã hề làm xiếc, gã buôn đồ cổ vừa đi vừa chạy vào biệt thự. Cứ như thế gã đã tới đại sảnh. Nhìn thấy cái ấm cổ  gói trong tấm lụa đỏ đặt trên bàn trà, chẳng kịp chào hỏi gã vồ lấy:

– Ui danh họa kiếm ở đâu ra vật quý này vậy? Bao nhiêu tiền đây? Cái ấm này lạ nhỉ? Để lại cho đệ nhé!

Thấy chủ nhân của chiếc ấm nhăn mặt không nói tiếng gì, gã  vẫn giả tảng như chả có chuyện gì sảy ra, liền lấy điện thoại chụp lấy chụp để. Gã vật ngửa thân ấm sang trái, lật ngửa những cái chân con rùa mà chụp, cả nắp ấm là con rùa con nữa, mắt gã  hoa lên vì những cổ tự trên thân ấm như phát quang. Ngắm nghía bằng con mắt nhà nghề, soi đồ cổ xong, gã  buông cái ấm vào lụa đỏ :

– Cái ấm này lạ và đẹp, nhưng không khéo đại ca mua phải hàng giả đấy.

Thấy thái độ thờ ơ của chủ nhân, gã  hơi chột dạ. Hình như Vũ Thượng đọc được kiểu dìm hàng của gã. Gã lại chép miệng véo von:

– Nhưng không sao. Cái ấm này vẫn lạ, đại ca cứ để cho đệ nhé. Nó về tay đệ thì sẽ lừa được thiên hạ.

Khuôn mặt đẹp của họa sỹ vẫn lạnh lùng, thờ ơ như không để ý gì đến lời tán tỉnh mánh lới của kẻ buôn đồ cổ. Cảm giác như hồn của họa sỹ đang lênh đênh trôi trên những cánh hoa hồng cổ ngan ngát trong gió xuân ngoài lối đi dẫn vào biệt thự.

– Đại ca làm sao thế? Em gửi đại ca ba ngàn đô gọi là chút lộc đầu năm. Anh để cho em nhé!

Gió vẫn thổi. Hương hồng cổ nồng nàn, hồn vẫn phiêu dạt tận đẩu đâu. Cuộc mà cả độc thoại của kẻ buôn đổ cổ mỗi lúc một ráo riết:

– Anh không nghe em nói gì sao? Cái ấm này em gửi anh bảy ngàn đô anh gật đi để thằng em còn ôm nàng  về dinh.

Tiếng nói của gã như hét lên. Họa sỹ Vũ Thượng như bừng tỉnh, cất tiếng lạnh lùng:

– Quản gia tiễn khách, tôi muốn nghỉ ngơi.

Gã buôn đồ cổ sượng sùng, tiếc rẻ đứng lên. Trước khi rời bước đôi bàn tay ngắn tũn chuối mắn của gã  còn mân mê vuốt ve cái ấm thêm một lần nữa. Bước chân ra tới cổng rồi gã vẫn còn ngoái cổ nhìn vào tiền sảnh.

4.

Đêm chìm sâu trong yên tĩnh. Ngoài hiên vẫn lắc thắc giọt mưa xuân. Họa sỹ thao thức mãi không thể nào ngủ được. Có gì đó bồi hồi thấp thỏm cứ dâng lên trong lòng ông như thủy triều cồn cào trong ngày bão.

Vũ Thượng tiến lại bộ tràng kỉ và ngồi xuống. Chẳng muốn làm phiền người quản gia già nua đã gắn bó với gia đình họa sỹ từ mấy đời trước. Ông lặng lẽ nhặt vài mảnh trầm bỏ vào lư hương. Hương trầm bén lửa tỏa hương ngan ngát, căn phòng thờ vốn tĩnh mịch giờ chập chờn trong ánh lửa và hương thơm. Đôi hồng lạp to như bắp tay cũng được thắp lên. Căn phòng chan hòa  ánh sáng nến. Chợt tiếng ho khẽ từ sau lưng khiến họa sỹ giật mình:

– Cậu muốn gì ạ?

Họa sỹ định thần nhận ra tiếng nói của quản gia. Ái ngại nhìn người hầu già, họa sỹ xua tay:

– Không có gì, mặc ta. Lão cứ đi nghỉ đi kẻo trời lạnh lại ốm..

Người quản gia già ngần ngừ một chút rồi lặng lẽ lui vào phòng sau đi nghỉ. Nhẹ nhàng, họa sỹ lấy chiếc thau đồng thường để bao sái đồ thờ, mở chum rượu Vò Di lâu năm. Khí rượu thơm tràn ngập cả căn phòng làm họa sỹ lâng lâng. Vò Di tửu nổi tiếng của miền Sơn Nam Hạ được một nữ văn sỹ tận tay chưng cất và gửi biếu, họa sỹ nâng niu thường làm đồ phù tửu kính cáo tiên linh giờ được dùng gáo ngà múc ra từ cái chum bịt vải đỏ. Đưa tay đỡ lấy chiếc ấm con rùa bằng đồng, họa sỹ nhẹ nhàng tưới rượu lên thân ấm cọ rửa. Như ma nhập, họa sỹ buột miệng:

– Qua bao tao loạn, nàng đã về với ta rồi ư? Nàng yên tâm ta sẽ yêu thương nàng và nâng niu như bảo bối.

Lời khấn nguyện vừa dứt, chiếc ấm chợt hồng rực lên như có hào quang tỏa sáng. Họa sỹ kinh hãi và mừng rỡ, liền lấy nước sôi dội vào lòng ấm để tráng đi hơi rượu. Một mùi hương trà ngào ngạt từ trong ấm tỏa ra. Đưa tay với lọ trà Long Tỉnh, một thứ trà quí  tận Chiết Giang người ta thường dùng nước suối bản địa mà pha. Nhưng họa sỹ Vũ Thượng là một kẻ sành trà thì lại  dùng những hạt sương trên lá sen, kì công hàng tuần liền khi mùa sen nở nơi đồng nội mà hứng lấy. Trà  Long Tỉnh không ưa nước sôi già mà chỉ sôi lăn tăn là có thể pha mới nhuận hương. Thứ trà một lá, duy nhất trên cây chỉ một búp nhỏ này khi nhấp trên môi tinh thần cực nhẹ nhõm như thức tỉnh lục giác, sảng khoái đến vô cùng. Vũ Thượng yêu trà Long Tỉnh vì nó có thể dẫn người ta vào cõi mơ. Sau biên thức của sảng khoái thì có thể đưa con người vào giấc mơ ngạt ngào đồi núi và bát ngát xanh như một giấc viễn du thần tiên.

Búp trà Long Tỉnh thả vào ấm. Nước trong hỏa lò than cũng reo vui, chiếc ấm đồng sôi lên sùng sục, hương trà thanh khiết tới dị thường. Họa sỹ nhấp chén hương thơm trên môi, chợt trong làn khói thơm mờ ảo của hương trà xuất hiện một người con gái đẹp.Y phục như quận chúa thuở xưa, nhẹ nhàng nở nụ cười tiến về phía mình:

– Chàng ơi! Đã bao năm nay chàng có an mạnh không? Có còn thương nhớ thiếp hay không? Chàng có nhớ bài thơ chàng làm được khắc vào đáy ấm lúc thiếp lên kiệu hoa, vâng lệnh cha gả về miền biên viễn phía Bắc để giữ yên bờ cõi hay không?Chàng còn nhớ bài thơ đẫm lệ đó hay không?

Họa sỹ ngơ ngác như đi trong sương mù, tiếng đọc thơ trong như ngọc cất lên:

Vạn lý xa xôi vạn lý tình

Đào hoa ôm mộng cõi ba sinh

Ta thương hương lửa chưa nồng đượm

Muôn kiếp  phu thê một bóng hình

Nước mắt của nàng trong tựa ngọc tuôn rơi trên gò má thắm. Vũ Thượng thấy lòng mình đau như cắt, cảm giác hàng ngàn mũi kim châm vào tim  tê buốt nhức nhối đến khôn cùng. Người con gái đẹp bất giác tiến về phía họa sỹ, như có một ma lực nào xui khiến Vũ Thượng liền ôm lấy người đẹp. Nước mắt nàng làm nỗi đau trong tim của họa sỹ như dịu hẳn đi. Giọng oanh vàng đẫm lệ vẫn thỏ thẻ bên tai:

– Chàng ơi! Thiếp là con gái tổng đốc miền Sơn Nam Hạ, còn chàng chính là một họa sư danh tiếng. Cha thiếp rất yêu chuộng đồ đồng tinh xảo lên đã mời chàng về vẽ mẫu cho những đồ vật trong dinh mỗi khi cần dùng. Người cũng rất thích được truyền thần lại chân dung của mình, lên hàng tháng trời chàng được cha thiếp lưu lại để họa.

Tiếng thỏ thẻ ngọt ngọt vẫn cất lên:

– Còn thiếp làm sao quên được vẻ anh tuấn của chàng, quên sao được buổi ấy trong vườn hoa khi hải đường e ấp trong gió sớm, chàng đã say đắm vẽ đôi chim uyên ương lên khăn lụa tặng thiếp. Chiếc khăn ấy giờ thiếp vẫn mang bên mình. Ai có ngờ đâu uyên ương nhỏ máu. Cầm chiếc khăn tặng thiếp biết mình đã thuộc về chàng muôn kiếp.  Ngày cưới của chúng ta cũng chính là ngày thiếp nhận định mệnh oan khiên. Phải từ biệt chàng ra đi vĩnh viễn. Phu quân ơi! Đường biên cương lắt lẻo thân gái dặm trường, xa xôi vạn lý thiếp sao đành lòng lỗi đạo phu thê cơ chứ? Hơn tháng trời rong ruổi, thiếp ôm chiếc ấm chàng tặng lúc ra đi chẳng phút nào rời. Chàng ôi! Sao chàng không đợi một ngày chúng ta đoàn tụ mà lại vội vã xông vào đội quân của triều đình mà bỏ mạng nơi chiến địa. Tin dữ từ quê nhà truyền tới làm sao thiếp có thể yên lòng làm phu nhân của tù trưởng miền biên viễn? Rồi cũng chính đêm động phòng hoa chúc, thiếp đã uống rượu độc giao bôi mà rời xa nhân thế vĩnh viễn. Trong cõi luân hồi, thiếp chẳng đành lòng vẫn đi tìm chàng. Nhân duyên cho chúng ta gặp lại nhau đây. Từ nay chỉ xin chàng đừng rời xa thiếp nữa. Thiếp không muốn mất chàng  thêm một lần nữa đâu họa sư của thiếp ơi.

Người con gái đẹp nghẹn ngào khóc òa lên làm Vũ Thượng xúc động thương cảm đưa tay ôm chặt nàng vào lòng. Một mùi hương ngào ngạt làm chàng xốn xang rực nóng toàn thân

Gió xuân mỗi lúc thêm lạnh, Vũ Thượng chợt giật mình khi tiếng gọi của quản gia:

– Cậu ơi! Cậu dậy vào chăn nằm đi, cậu gọi tên ai mà thảng thốt vậy? Có nàng nào đâu? Cậu ngồi đây cả đêm hay sao?

Vũ Thượng choàng tỉnh, người nóng ran, mồ hôi vẫn ướt trên trán. Hương thơm vẫn còn phảng phất trong không gian. Họa sỹ bàng hoàng vì mình vừa trải qua một giấc mơ. Có chút gì run rẩy thổn thức thật lạ dâng lên trong tim họa sỹ. Một câu hỏi mơ hồ chợt nhen lên trong hồn chàng: Không lẽ chàng họa sư của giấc mơ đêm qua chính là tiền thân của ta ư? Và  ta họa sỹ Vũ thượng chính là hậu kiếp nhân duyên của chàng? Họa sỹ chợt  bàng hoàng nhận ra một điều là thiếu phụ xinh đẹp bán ấm nơi Viềng Tỉnh rất giống người con gái trong giấc mơ đêm qua của minh? Ta phải làm sao bây giờ? Tự dưng họa sỹ  thấy nhớ khuôn mặt và bàn tay búp măng đẹp óng sáng của người bán ấm hội xuân quá!

5.

Năm sau, hoa đào nở, nắng xuân tơ lụa bừng sáng miền Sơn Nam Hạ, dịch covid đã bị đẩy lùi. Người ta nô nức đi chợ Viềng bán rủi cầu may. Hoa khoe sắc tươi hồng mời gọi người đi chợ xuân. Những ông đồ, cô đồ  đang hối hả thảo nét bút tươi thắm  cho người đến xin chữ đầu năm. Đại hổng chung chùa Đại Bi vẫn ngân nga thoát tục chứng giám lòng thành cho chúng sinh đi lễ. Mấy gian hàng đồ cổ tíu tít người mua và xem hàng. Người đàn ông lịch lãm, sang trọng dắt tay một thiếu phụ xinh đẹp, đài các tiến tới gian hàng đồ cổ. Đó là họa sỹ Vũ Thượng và người vợ mới cưới. Nhận ra khách quen năm ngoái gã bán đồ cổ véo von:

– May quá lại gặp bác. Chiếc nậm Tiêu Tượng em bán cho bác vẫn đẹp chứ ạ?

Họa sỹ mỉm cười cúi nhìn một vài món đồ cổ của gã rồi cầm lên. Gã bán hàng ngước mắt nhìn thiếu phụ đang nhoẻn cười cùng họa sỹ rồi buột miệng:

– Cô đây là…Tôi không nhầm chứ?

Thốt ra được câu nói đó, hắn im lặng, chăm chú nhìn người đàn bà. Họa sỹ mỉm cười âu yếm cầm tay vợ:

– Đây là nhà tôi, chủ nhân của chiếc ấm đồng mà tôi mua năm ngoái.

Thiếu phụ ngước đôi mắt nhung thăm thẳm nở nụ cười đằm thắm với chồng. Gã bán đồ cổ ngỡ ngàng lẩm bẩm thốt lên: Nhân duyên.

Người vào chợ mỗi lúc một đông, nắng xuân như ửng hồng trên gò má người thiếu phụ đang xoan.

14/7/2022

Lê Hà Ngân

Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...