Thứ Năm, 12 tháng 12, 2024

Ngũ nhân sông Đà

Ngũ nhân sông Đà

Thực ra trên công trường sông Đà hồi đó còn có nhiều người khác nữa cũng rất hăng hái viết văn làm thơ nhưng tôi lại muốn nhắc về “ngũ nhân” này bởi họ không chỉ sêm sêm về tuổi (sinh năm 1958, 1959) mà còn chơi với nhau đã lâu, rất thân và theo đuổi văn nghiệp dài dài chưa hề ngưng nghỉ.
Còn nhớ dạo cuối những năm tám mươi của thế kỷ hai mươi bỗng xuất hiện những bài thơ, những truyện ngắn với những phong cách sôi nổi và quyết liệt. Vào thời đó quả là “độc” bởi đâu như sau 1975 văn học Việt Nam dường như chưa vượt qua nổi ánh hào quang của “văn học chống Mỹ” có từ trước đó. Nhóm “Sông Đà” 5 người: nhà văn Tạ Duy Anh, nhà văn Vũ Hữu Sự, nhà thơ Dương Kiều Minh, nhà thơ Nguyễn Lương Ngọc và nhà thơ Giáng Vân, và cho dù bản thân họ không hề có ý định “làm thay đổi” cái đã có nhưng
Thực ra trên công trường sông Đà hồi đó còn có nhiều người khác nữa cũng rất hăng hái viết văn làm thơ nhưng tôi lại muốn nhắc về “ngũ nhân” này bởi họ không chỉ sêm sêm về tuổi (sinh năm 1958, 1959) mà còn chơi với nhau đã lâu, rất thân và theo đuổi văn nghiệp dài dài chưa hề ngưng nghỉ.
Đầu tiên phải nói tới Tạ Duy Anh với “Bước qua lời nguyền” như một “tuyên bố giã từ quá khứ” để tiến tới một cách nhìn, một cách nói khác trong văn học bạo dạn hơn và thực chất hơn. Rồi Dương Kiều Minh với “Củi lửa” bộc lộ rõ nhu cầu thức tỉnh cá nhân của cái tôi trữ tình. Rồi Nguyễn Lương Ngọc với “Từ nước” về một sự cách tân, một sự khát khao đổi khác trong sáng tạo thi ca. Rồi Vũ Hữu Sự với những trang viết ngay trên công trường ầm ào tiếng máy nhưng lại là những trang viết “thấm đẫm hồn quê” đầy mạnh mẽ, khá mạnh dạn và thẳng thắn chứ không phải kiểu “bình yên sau lũy tre làng”.
Và rồi là Giáng Vân, cô gái duy nhất trong nhóm với “Năm tháng lãng quên” lại là một tâm sự về thế sự “Em ru gì? Lời ru cho đá núi, đá núi tật nguyền, vết rạn thời gian/ Em ru gì? Lời ru cho biển khơi, biển khơi biết bao giờ ngừng lại/ Em ru gì? Lời ru cho ta, một đời đam mê, một đời giông tố/ Em ru gì cho ta, qua bao ngày phôi pha/ Câu hát ngân lên bỗng tắt nửa chừng/ Thôi đừng hát ru! Thôi đừng day dứt/ Lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu”.
Cái lạ đầu tiên của “ngũ nhân Sông Đà” là ở chỗ tuy văn chương thơ phú của họ “sinh ra trên sông Đà” nhưng hầu như các tác phẩm “đóng đinh” của họ lại chẳng có “dính dáng” gì đến công trường hay công trình. Cái lạ thứ hai của họ thì vui đáo để. Nói một cách thẳng thắn họ là lớp nhà văn nhà thơ hình thành văn nghiệp ngay trên công trường nhưng chắc chắn họ hoàn toàn không phải là những “nhà văn công nhân” hay là những “nhà văn trưởng thành từ phong trào công nhân”.
Tôi đã trộm nghĩ rằng “Phải chăng dòng sông Đà nổi tiếng như một con ngựa bất kham đã “tác động” vào “lối vào văn học của họ”? Cũng phải thôi bởi thuở đầu cầm bút họ có sự thôi thúc từ nội tâm chứ không phải sự thôi thúc từ “Nhịp đập công trình”. Những ngày tháng sống xa quê họ nhớ lại những câu chuyện từ chính làng quê của họ rồi mà chiêm nghiệm rồi mà nghĩ suy rồi mà biến thành trang viết. Tạ Duy Anh từng nói “Tôi chỉ lấy hiện thực từ chính cái làng của mình rồi âm thầm suy nghĩ ngày này sang ngày khác”. Hay Giáng Vân đấy, chị viết những câu thơ từ trái tim yêu da diết và từ những “trắc trở” trong đời mình. Hoặc Nguyễn Lương Ngọc chẳng hạn, anh viết thơ bởi “khát vọng” muốn làm thay đổi thi ca, muốn thơ phải “gập ghềnh” hơn, phải “mạnh mẽ” hơn hiện tại. Ngay Vũ Hữu Sự cũng thế, anh đã thấy sự thật đầy “nhức nhối” trong mỗi làng quê, thấy cần phải “chỉ mặt vạch tên” cho làng quê sớm trở lại bình yên như vốn thế. Và Dương Kiều Minh nữa, anh làm thơ như là một đòi hỏi, một thôi thúc mạnh mẽ trong lớp thơ trẻ xuất hiện từ sau 1975.
Có lẽ vậy chăng mà các tác phẩm của “ngũ nhân Sông Đà” đã “phóng tầm nhìn” của mình “vượt qua” đại công trường để tới những “vùng” mà con tim họ mách nước. Cũng còn một khả năng khác nữa. Công trường xây dựng Thủy điện Sông Đà những năm đó được sự quan tâm của cả nước, được sự đầu tư nhân tài vật lực của cả nước và cả của Liên Xô nhân hậu. Bởi thế trên “công trình” luôn “đầy ắp” các nhà văn, nhà thơ, nhà báo và các nhà văn nghệ khác. Sự đông đúc về người dĩ nhiên sẽ đông đúc về tác phẩm văn học nghệ thuật đồ sộ viết về “sông Đà”.
Và để tìm lời giải nghĩa cho hai “cái lạ” của “Ngũ nhân Sông Đà” tôi đã tìm đến người nữ duy nhất trong nhóm để dò hỏi. Thực ra hồi trên công trường thì nhà thơ Giáng Vân là biên tập viên của đài truyền thanh Sông Đà. Với vị trí công tác đó chị đã “góp phần phát hiện” ra nhiều “văn tài” bởi chỗ chị như là “điểm đến” của những người “thợ cầm bút” và nhiều lần chị phải “lách luật” để đưa các tác phẩm thuở ban đầu của các bạn viết của mình là những thành viên trong nhóm “lên sóng”. Cũng bởi thế nên ít hay nhiều chị rất thấu hiểu về những người bạn của mình, chị cho biết “Công trường thủy điện Sông Đà có rất nhiều người có tài, rất nhiều người có tri thức. Hồi đó công trường này được ví như “chiến trường chính” vậy nên ở đây có đủ mọi chuyện nhưng rất khí thế, sôi nổi điều đó phần nào tác động vào suy nghĩ và hành động của mọi người. Do vậy những ai đã sống và làm việc ở đây đều có những cách tư duy khác và mới trong đó có “nhóm sông Đà” của chúng tôi. Tôi cho rằng “ý thức quan sát” hơn là “ý niệm của người trong cuộc” đã làm tiền đề để những tác phẩm văn học ra đời ở sông Đà đã bước ra khỏi cái “khuôn” thường lệ, đó kiểu như là “đi chiến trường nhưng viết về hậu phương” vậy.
***
Sau khi xuất hiện đình đám, “Nhóm Sông Đà” rời công trường. Công trình thế kỷ này cuối cùng cũng đã hoàn thành nên dĩ nhiên họ cùng bao cán bộ công nhân khác “chuyển quân” đi những công trình khác. Và bởi sự nghiệp văn chương của họ và nền văn học nước nhà cần những bước tiếp theo của họ, bền vững và sâu sắc hơn. Đầu tiên là Dương Kiều Minh vào học khóa 3, tiếp theo là Tạ Duy Anh, Nguyễn Lương Ngoc, Vũ Hữu Sự theo học khóa 4 ở Trường viết văn Nguyễn Du. Ra trường thì người đi làm báo (Vũ Hữu Sự đầu quân cho báo Nông nghiệp Việt Nam), người làm biên tập sách (Tạ Duy Anh về NXB Hội Nhà văn), người thì phiêu bồng lãng du bởi tính cách vốn không ưa ràng buộc (Nguyễn Lương Ngọc lúc lên thị xã Sơn Tây viết lách, khi xuống Hà Nội làm cho báo nào đó). Dương Kiều Minh sang công tác ở Hội văn nghệ Hà Tây (sau này là Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội khi Thủ đô mở rộng và sáp nhập với tỉnh Hà Tây). Còn Giáng Vân chuyển cơ quan, chị làm phóng viên báo Phụ nữ Thủ Đô.
Đã ba mươi năm sau khi rời sông Đà, sự nghiệp cũng đã ai thành người nấy. Họ trở thành Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Duy chỉ Nguyễn Lương Ngọc là mệnh yểu, anh chưa kịp “vào hội” thì không may mất sớm. Lại Dương Kiều Minh nữa, anh về với “tiền nhân” sau cơn bạo bệnh cũng đã mấy năm, ông phó chủ tịch thường trực Hội liên hiệp văn học nghệ thuật Hà Nội ra đi bỏ lại “Một sớm vắng/ ùa lên khói bếp/ về đây củi lửa ngày xưa”.
Đã ba mươi năm, tôi vẫn thích nhắc lại điều đó, người mất người còn âu cũng là lẽ đời,  điều vui nhất và quan trọng nhất là những người còn lại vẫn viết và viết, cho đến tận giờ họ vẫn “trung thành” với những gì mà thuở ban đầu họ đã đặt chân. Vẫn đó Tạ Duy Anh “cho ta thấy một sự thật đầy ắp, trần trụi, buốt tim, rất khó phân tách đâu là do tưởng tượng, đâu là từ đời sống thật mà bước vào trang sách. Ta còn thấy ở đó sự đau đớn khổ nhục độc ác của người và thú vật cách nhau bằng ranh giới mỏng manh”. Vẫn đó Vũ Hữu Sự xông xáo viết báo về những điều nhức nhối ở làng quê, anh chưa từ bỏ ý định phanh phui những cường hào ác bá thời nay. Vẫn đó Giáng Vân “luôn bí mật khôn lường trong cảm giác được giải phóng, được tự do, bỏ lại tạp âm của cuộc sống, bồng bềnh trong cõi mơ và bừng tỉnh giữa một vùng trong sáng”.
8/7/2022
Nguyễn Trọng Văn
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Góc phố ba người và ai nữa

Góc phố ba người và ai nữa? “Tôi như thế nào thì truyện của tôi như thế. Văn là người mà. Chắc do tôi không biết sống và viết giả trá nên ...