Bà chúa Cột Cờ
Nhà thơ, nhà văn Phạm Trọng Thanh còn có bút danh
Hoàng Tuấn Phương, sinh ngày 27.8.1942, quê quán thôn Ngọc Tỉnh, thị trấn Xuân
Trường, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định; hiện thường trú phố Ngô Quyền, thành
phố Nam Định. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam năm 1998.
Đầu năm 1975, ông nhập ngũ ở đơn vị phối thuộc H4, Đoàn 770,
miền Đông Nam Bộ. Cuối năm 1976, ông xuất ngũ, về nhận công tác tại Ban Vận động
thành lập Hội VHNT tỉnh Hà Nam Ninh, sau đó, công tác tại Văn phòng Hội, là ủy
viên Ban Chấp hành Hội VHNT tỉnh Hà Nam Ninh, Nam Hà, Nam Định các khóa
II, III, IV, V; Trưởng bộ môn Thơ, Thư ký Tòa soạn tạp chí Văn Nghệ Hà Nam
Ninh, Ủy viên Thường trực Hội VHNT tỉnh Nam Định và nghỉ công tác từ tháng
4.2006.
TÁC PHẨM CHÍNH ĐÃ XUẤT BẢN
Khúc hát tặng nhau (thơ, in chung, 1983); Mùa hạ đi tìm (thơ, 1990); Lá bay (thơ, 1993); Gió trầm (thơ, 1997); Thác trời (thơ, 2000); Tứ tuyệt đường trường (thơ, 2002); Thức cùng trang viết (bút ký, 2008); Thơ Phạm Trọng Thanh (thơ chọn, 2011); Chân sóng ngọn nguồn (thơ, 2015); Đêm gọi dậy sao trời (thơ, 2018); Những ngày bình lặng (thơ, 2020).
GIẢI THƯỞNG VĂN HỌC
– Giải Nhất thơ Nam Hà (1964-1965) bài Gặp em. Tặng thưởng
thơ hay tạp chí Văn Nghệ Quân Đội, 1976, bài Thác trời.
– Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến tỉnh Hà Nam Ninh (1986-1990)
loại B về thơ, tâp thơ Mùa hạ đi tìm.
– Giải Khuyến khích bài thơ Anh hề con gái, tạp chí Văn
Nghệ Quân Đội, 1992.
– Giải thưởng VHNT Nguyễn Khuyến tỉnh Nam Hà (1991-1995), loại
B về thơ, tập Lá bay.
– Giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1998,
loại C về thơ, tập Gió trầm.
– Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định (1996-2000)
loại A về thơ, tập Gió trầm.
– Giải thưởng cuộc thi sáng tác văn học Tầm nhìn thế kỷ, Báo
Tiền Phong (1999-2001), giải Ba về thơ các bài Hạ chí-Ngày dài, Vẽ. Giải
Nhất về thơ cuộc thi sáng tác văn học Ký ức Trường Sơn (2013-2014)
các bài Cảm nhận từ Đức Cơ, Bên kia đỉnh dốc, Cây bồ kết bên đường, Hội
truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh tổ chức.
– Giải Khuyến khích, bút ký Người trở về từ nghìn dặm
Trường sơn– Cuộc thi sáng tác văn học về đề tài Giao thông Vận tải do
Hội Nhà văn Việt Nam – Bộ Giao thông Vận tải tổ chức (4.2014- 4.2015).
– Giải A Giải thưởng VHNT Lương Thế Vinh tỉnh Nam Định (2016
– 2020) cho các tập thơ Đêm gọi dậy sao trời, Những ngày bình lặng.
_____________________________________
CHUYÊN ĐỀ VĂN HỌC NAM ĐỊNH:
>>
Nguyễn Bính – lạc chốn thị thành
>>
Thơ Phạm Trường Thi: Làm vua chết chẳng được chôn đúng mồ…
>> Lão
Bõm – Tiểu thuyết của Trần Quốc Tiến – Kỳ 2
>>
Lão Bõm – Tiểu thuyết của Trần Quốc Tiến – Kỳ 1
>>
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 3
>>
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 2
>>
Văn hiến đất Sơn Nam – hào sảng nhà văn Nam Định – Kỳ 1
Bà chúa Cột Cờ
I
Tiếng trống lệnh từ vọng lâu bốn mặt thành Nam Định nhất loạt
đổ hồi báo phiên đổi gác. Cửa Nam, tiếng ngựa hí dài. Người lính đưa tin trán đẫm
mồ hôi, ghìm cương, tay giơ cao lá cờ hiệu qua cửa Dương Mã vào thành. Chiều sậm
cửa. Rồi tiếng trống ngũ liên thúc từng chập bồn chồn, tiếng loa loan tin cấp
báo:” Giặc đã tới Độc Bộ !…”.Hiệu lệnh báo động thổi bùng lửa đuốc suốt các dãy
phố xá dọc bờ sông Vị Hoàng. Gió bấc se se. Khói sóng Hồng Hà bồng bềnh tràn về
Bến Ngự. Những cây đình liệu cháy đùng đùng. Bóng những người lính tuần phòng
cao vổng lên trên mặt thành như đèn kéo quân. Từ các điếm canh Tiền Môn, An Lạc,
Đông Thành, Vĩnh Lạc, Trung Quân…từng tốp vệ binh gươm giáo tuốt trần chờ lệnh.
Quan Phó lãnh binh cùng hai viên Suất đội lên ngựa phi về Đồn Thuỷ, tàn đuốc
loè bay, ánh lửa lém lên loang loáng màu mây chiến địa. Thành nội, các dinh thất
sáng đèn. Đường sang dinh Tổng đốc, đứng hai hàng lính giáo mác chỉnh tề. Trên
tầng lầu cao, sau mành trúc, ánh bạch lạp chập chờn soi một gương mặt phương
phi trong cỗ ghế bành bọc gấm. Quan Tổng đốc cả tháng nay bỗng dưng ươn người,
khó ở. Dòng dõi thế gia, là bậc đại khoa của quốc triều về trị nhậm tỉnh này,
tài “cầm kỳ thi tửu” của ngài vào hàng xuất chúng. “Khúc cuồng ca” viết
trên tờ hoa tiên cho đào nương và kép đàn khớp giọng hay là thế, ngài vừa xua
tay bảo họ “hãy về, sẽ cho gọi sau”. Việc quân cơ, ngay từ chiều, ngài đã giao
cho quan Hộ đốc chủ trì vẫn chưa xong. Đêm căng mặt trống chiến. Dưới sân dinh
tề tựu đủ mặt các vị quản lĩnh các vệ, các cơ, người nhấp nhổm trên ghế đá, người
đi lại ra vẻ nghiêm cẩn. Tất cả đợi chờ thời khắc bước lên nhận tấm lệnh
bài,vào trận chiến đối đầu với kẻ địch có tàu đồng đại bác, rắp tâm xâm chiếm đất
này.
Kể từ sự biến năm Mậu Ngọ, 1858, pháo thuyền Tây dương khai
hoả uy hiếp cửa biển Đà Nẵng đến giờ, bấm đốt ngón tay đã mười lăm năm.Toàn việc
động trời. Cái hoạ xâm lăng rõ như ban ngày mà triều đình còn lừng khừng “hoà”
hay “chiến”. Người Pháp được đằng chân lân đằng đầu. Ngông nghênh ngạo ngược
chiếm đóng sáu tỉnh Nam Kỳ, họ lại đòi cái quyền tự do đi lại từ cửa Ba Lạt Nam
Định đến Quảng Yên. Tàu buôn Giăng Đuypuy nghênh ngang thăm thú. Vụ việc rắc rối
tàu buôn mắc cạn ở cửa sông Hồng, quan Thương biện Hải phòng sứ Nam Định Phạm
Văn Nghị bị triều đình trách cứ vì “đã gây phiền hà cho người Pháp”. Sĩ phu Bắc
Hà còn ấm ức.Vua Tự Đức chưa thôi lập nghiêm với ông Hoàng giáp, nguyên Đốc học
tỉnh Nam Định, năm 1860, từng làm chủ tướng, chỉ huy đoàn quân nghĩa dũng 365
người tình nguyện vào Nam đánh giặc. Cả tháng hành quân leo đèo,vượt dốc đến
kinh thành Huế, rồi phải lui quân về Bắc theo chỉ dụ của đấng Kim thượng. Đối đầu
với người Tây,”cách chi” mà cứ khinh suất thế !
Lần này Soái phủ Nam Kỳ phái tàu binh ra Bắc Kỳ không phải để
chơi. Người Pháp mỉm cười. Cung cách tác chiến của quan quân nước An Nam, vũ
khí thì cổ lỗ, sức mấy mà chống đỡ những đòn sấm sét của đội quân viễn chinh từng
khống chế cả châu Âu thời hoàng đế Napôlêông đệ Nhất. Hành tiến dọc sông
Hồng, quân Pháp nổ súng hạ thành Hà Nội, đánh chiếm Hưng Yên, Phủ Lý…Xuôi sông
Đáy, đoạt thành Ninh Bình. Đánh đâu thắng đấy, quân Pháp tiến về Nam Định, các
quan binh ta đã có kế sách nào chưa? Giặc pha nhà cháy. Gương trung liệt của
quan Tổng đốc Hà Nội cùng các vị chiến tướng Hà thành. Một vị chưởng cơ cùng
100 người lính quyết tử giữ cửa ô Thanh Hà. Lại có kẻ manh tâm làm nội ứng. Có
kẻ giặc đến chưa đánh đã hàng, kẻ làm chỉ điểm. Những việc nhãn tiền ở trấn Bắc
Thành liệu có xảy ra ở đây…Có tiếng nói chuyện rì rầm, chừng như không ai để ý,
vầng trăng khuya vừa lên, khẽ xao động trong tiếng trống canh ba điểm nhịp
thùng thùng. Giờ này các bếp trung quân còn đỏ lửa. Mùi cơm gạo mới, mùi vừng
rang phảng phất trong gió bấc. Ở khu nhà kho, cổng lớn, hai bên hai cây đuốc nhựa
thi nhau bập bùng. Hai người lính nón dấu, áo nẹp, cầm giáo đứng bên ụ tác chiến
lù lụ các sọt tre lèn đất. Đội trưởng Trần Dũng đeo đoản kiếm, đi dọc hành lang
toà nhà mái rộng. Gương mặt chàng lộ vẻ phấn khích. Chàng mới được thăng chức,
lại được phiên về khu quân lương cai quản mấy viên ngũ trưởng cùng 50 người
lính bảo vệ kho tàng thành nội. Chàng về tại nhiệm dưới quyền điều hành của vị
nữ Giám thương, con gái quan Vệ uý Nguyễn Kế Hưng. Kiểm lại công việc, chàng
còn phải rẽ sang mấy bếp rèn quân khí, đôn đốc đám công binh làm cho xong 55
cây câu liêm và 60 cây giáo dài, sớm mai kịp giao cho đội tiền binh.
Sảnh đường quan Giám thương cửa mở, ánh sáng tràn ra nửa sân.
Vệ uý Nguyễn Kế Hưng hẹn với viên thư lại Đặng Thuỵ Trường rằng ông sẽ quay về
khi mãn cuộc nghị sự bên dinh quan Hộ đốc. Thế nên chốc chốc ông thư lại dong dỏng
cao lại bước ra hàng hiên đón đợi. Mối giao tình của ông với quan Vệ uý kể đã
hơn hai mươi năm. Xuất thân con nhà Nho nghèo ở huyện Giao Thuỷ, Đặng Thuỵ Trường
không thể dùi mài kinh sử theo nghiệp sĩ tử. Đăng lính, có ít vốn liếng chữ
nghĩa, sau ngày được thăng Ngũ trưởng, Đặng Thuỵ Trường được chuyển sang giúp
việc thư lại trong quân ngũ. Ở cơ Tả Cường, ông gặp Nguyễn Kế Hưng – một người
xuất thân võ sinh, đỗ Nhị trường, được bổ dụng chức Đội trưởng. Hai người kết
thân, xem như anh em. Ông hơn Nguyễn Kế Hưng gần một giáp. Cả hai là quân nhân
mẫn cán, trọng điều tín nghĩa, tư cách đàng hoàng. Rồi Nguyễn Kế Hưng được
thăng Vệ uý, về thành nội nhậm chức Giám thương, coi kho lương thảo, sau kiêm
nhiệm cả kho khí giới quân dụng thành Nam Định. Ông Vệ uý cũng được quan trên
chuẩn y cho thư lại Đặng Thuỵ Trường về giúp việc điển bạ. Sổ kho cập nhật rành
mạch, các mục quân lương, thuế khoá, các việc xuất nhập, bảo quản ở tổng kho
thành Nam không để xảy ra hư huỷ, thất thoát. Ấy là công việc thời bình đã qua.
Xảy đến việc gia tăng phòng thủ khắp trấn Bắc Thành.Vệ uý
Nguyễn Kế
Hưng nhận lệnh ra trấn giữ khu vực Cột Cờ. Ngày ngày trước điện
Kính Thiên, trên đỉnh tháp cao, lá cờ vóc Nam Định thành kéo
lên, hừng đông phấp phới. Cũng từ năm ngoái, tiểu thư Nguyễn Thị Trinh, con
quan Vệ uý được đặc cách giao việc coi kho thay cha. Chính quan Vệ uý khẩn khoản
giữ ông thư lại già ở lại giúp cho tiểu thư điều hành mọi việc.
Ngồi trước án thư, một người mặc áo chẽn, thắt đai lưng xanh,
chân mang hài nhung, đầu chít khăn nhiễu tím. Bên ngọn đèn sáp mềm mại, người ấy
chăm chú lật giở những cuốn sổ lớn bìa in ấn đỏ. Người ấy xem lại một lượt cả
chồng sổ kho rồi xếp vuông vức lên kệ gỗ. Người ấy ngẩng đầu: mày thanh mắt
sáng…tiểu thư Nguyễn Thị Trinh! Nàng cất tiếng gọi “bác Đặng”. Ông thư lại từ tốn
bước vào:
– Tiểu thư gọi lão?
Tiểu thư nhẹ nhàng chỉ chiếc ghế tựa:
– Mời bác ngồi đây. Tôi có việc này nhờ bác. Ngày mai, bọn giặc
kéo đến. Giặc cậy tàu to súng lớn. Quân ta, cứ 50 người được cấp 1 khẩu hoả mai
với 5 viên đạn. Còn là giáo, mác, kiếm, côn. Các khẩu thần công dàn trên mặt
thành trông đường bệ, nhưng súng đúc đã lâu, tầm hoả lực không đủ mạnh. Ngày
mai giáp chiến, phải kể đến cơ mưu và lòng quả cảm! Tôi mong được gặp cha tôi.
Bác sửa soạn giúp cho.
– Thưa… hồi chiều, quan Vệ uý hẹn với tôi, xong cuộc nghị sự,
ông sẽ quay về tư dinh. Tôi đang chờ đây…
Viên thư lại đứng lên, bước ra ngoài sảnh đứng chờ.
Vợ chồng quan Vệ uý sinh hạ một trai, một gái. Tiểu thư Nguyễn
Thị Trinh là trưởng nữ. Nàng đến tuổi trưởng thành.Các phu nhân, công tử thành
Nam mấy nơi cầu thân, cậy nhờ mai mối thưa với phu nhân. Bà mẹ mấy lần nói với
con. Tiểu thư chưa nhận lời ai khiến phu nhân lo nghĩ. Quan Vệ uý chiều con, chỉ
cười xoà. Ông hiểu con, lựa lời phân giải để phu nhân yên lòng. Được cha dạy chữ
nghĩa từ thuở bé, Nguyễn Thị Trinh rất sáng dạ.Ví thử theo nghiệp bút nghiên
đèn sách, tiểu thư hẳn sẽ thành tài. Thấy con yêu thích cả võ thuật, lúc rảnh
việc, ông dạy con bài quyền, đường đao để phòng thân. Không ngờ tiểu thư càng học
càng tiến, có bữa quên ăn. Góc phòng con gái, bên giá gương treo một cây cung
“Thượng huyền”, một ống tên tre ngà vàng óng. Một lần vào tiết trung thu trăng
tỏ như ban ngày. Mải theo các bạn xem múa sư tử ở cửa Đông thành, Nguyễn Thị
Trinh cùng cô bạn gái cháu quan Án ở quê lên chơi, vui chân bước sang dãy phố
nượp người. Hai cô thiếu nữ xinh tươi, chân đi hài thêu, cổ đeo vòng hạt, xiêm
áo gọn gàng, lọt vào mắt hai tên du thủ. Chúng lặng lẽ bám theo. Đến phố An Lạc,
đám rước quành lại, người chen lấn nhau, một tên sấn đến túm tóc cô bạn gái. Thằng
khốn giật phắt chuỗi hạt trên cổ làm cô bé hoảng sợ, cố sức vùng vẫy. Bất thần,
một cú đấm nảy đom đóm mắt, thằng du thủ rú lên. Tiếp theo, một đòn quét chân
làm nó ngã nhào, đầu huých vào gốc cây. Thằng còn lại xô tới, tung một cú đá
vào cô gái vừa ra tay cứu bạn. Chỉ một bước nhảy né đòn làm nó lỡ đà. Nó gầm
lên, giằng nghiến cây côn của người trong đội múa lân, nhằm đầu cô gái bổ xuống.
Lại một thế tránh đòn điệu nghệ và một đòn “độc cước” vào mặt kẻ đối đầu làm nó
xổ máu mũi. Cô gái mảnh mai hạ tên du côn trán gồ khiến cả một vòng người trầm
trồ kinh ngạc.Thằng kia vội ném trả chuỗi hạt. Chợt mấy người lính hộ thành rẽ
đám đông bước vào:
– Tiểu thư! Chúng tôi tìm mãi, phu nhân đang chờ…
Tiểu thư nhoẻn cười gật đầu, nàng cầm tay cô bạn theo tốp
lính quay về thành. Lại một chuyện nữa. Năm tiểu thư mười bảy tuổi, hội xuân
ngoại thành mở cả cuộc thi võ. Cải trang thành nam võ sinh, Nguyễn Thị Trinh
nài nỉ cha cho đi dự hội. Cô ghi tên em trai rồi điềm nhiên bước lên võ đài biểu
diễn đao, quyền và bắn cung. Đạt điểm ưu, cô nhận giải thưởng một đai lưng
xanh, một tấm khăn nhiễu tím và một bánh pháo mãn địa hồng mang về. Cả nhà cười
vui. Ít lâu sau, quan Lãnh binh gửi cho cây đoản đao cán nạm xà cừ, Vệ uý trao
cho con gái. Lúc này, chủ nhân dựng nó trên giá kê bên cửa sổ buông mành. Đảm
nhiệm chức Giám thương thay cha, tiểu thư dần dần quán xuyến mọi việc. Mới đây,
nàng đã kịp thu xếp đưa phu nhân và cậu em trai về Kẻ Dầy quê ngoại, phòng khi
chiến sự xảy ra dễ bề ứng phó. Hôm tiểu thư tiễn mẹ và em trai lên xe, bà mẹ
quyến luyến không nỡ rời con gái. Rồi bà ngả vào vai con oà khóc, dường như
trái tim người mẹ linh cảm điều gì. Tiểu thư bối rối nhưng nàng kịp trấn tĩnh,
thưa với phu nhân:
– Mẹ, xin mẹ đừng lo ! Giặc kia đến thì ta đánh nó. Giặc lui,
con đón mẹ với em về thành, mẹ nhé !- Nói thế, nhưng nàng cúi đầu giấu đi giọt
lệ. Nàng quay sang vỗ về cậu bé:
– Em đừng mải chơi, phải luôn ở bên mẹ và chớ có khóc nhè !
Cậu bé thấy chị gái mình ăn vận giống chàng kỵ sĩ thì toét miệng
cười.
Rồi cỗ xe ngựa lăn bánh lóc xóc qua cửa Tây, rẽ lối Năng
Tĩnh.Ai biết đây là lần cuối nàng nhìn mẹ và em qua làn sương hong hanh nắng sớm
thành Nam.
***
Vệ uý Nguyễn Kế Hưng quay về tư dinh lúc quá canh ba. Sương
mù bay đầy lối cây ùa qua mặt thành.Vai ông thấm lạnh, chân bước rảo mà lòng
còn ưu tư. Cuộc nghị sự do quan Hộ đốc Nguyễn Hiên chủ trì đã tường trình mọi
nhẽ, cố kết một việc đánh giặc, giữ thành. Ấy thế mà đám quan văn rồi cả vài vị
quan lớn nói năng e dè, lúng túng. Cái sự ấp úng như ngậm hột thị khi bàn việc
quân hẳn có nguyên do. Quân Pháp chiếm thành Hà Nội, triều đình chỉ lo việc
“chuộc lại”. Cử người thương lượng mà đóng quân ở Tam Điệp để người Tây thừa cơ
nhanh chân đánh chiếm các tỉnh Bắc Hà. Lạ thật!
Thốt nhiên,Vệ uý rút phắt đoản kiếm bước vào sân dinh làm ông
thư lại đứng đợi giật mình:
– Thưa…Vệ uý, ông đã về !
Nhận ra người đợi mình khi đã quá khuya, Vệ uý thấy tay mình ấm
lại. Hai người bước lên bậc tam cấp. Từ phòng bên, tiểu thư tươi cười bước ra
chào cha. Người lính bưng thau nước đặt lên giá. Nước nóng bốc hơi nghi ngút. Vệ
uý rửa mặt, nhìn quanh một lượt, ông tỏ vẻ hài lòng. Đêm thời chiến có gì
thiêng liêng quá. Bỗng nhiên, ông nhớ câu thơ cụ Nguyễn Tiên Điền trong
bài Vị Hoàng doanh viết hồi chạy loạn qua quân doanh Vị Hoàng Cổ
kim vị kiến thiên niên quốc…Xưa nay chưa thấy triều đại nào được nghìn năm. Đất
phát tích vương triều Trần sắp sửa đối đầu một cuộc xâm lăng nữa đây. Ừ, ngày
mai, ngày mai lại lưu danh đất này đánh giặc. Thằng giặc, ta đợi mày…đêm nay.Vệ
uý quay vào đã thấy một mâm cơm thịnh soạn bày sẵn trên bàn. Mùi cá nấu ám rau
cải đầu mùa, mùi xôi nếp mới thơm phức. Ông vẫy tay mời mọi người. Theo ý chủ
nhân, đội trưởng Trần Dũng cũng được mời lên. Chàng tươi cười ngồi xuống chiếc
đôn đối diện cùng tiểu thư. Vệ uý thấy mọi người đều mặc võ phục, ông mỉm cười
quay sang nói nhỏ với tiểu thư:
– Con mặc thế có lạnh không !
Tiểu thư về phòng, thoáng chốc quay lại với dáng vẻ thanh
quý. Nàng choàng chiếc áo dài thêu hoa, mái tóc lung linh cài trâm. Đội trưởng
Trần Dũng ngây nhìn. Vệ uý hào hứng, tự tay rót rượu mời. Mọi người nâng chén mời
ông. Mảnh trăng loé vàng trong chậu nước bên thềm hoa, hắt ánh sáng lên hàng
hiên. Trong vòm lá loáng ướt, mùi hương bạch hải đường dìu dịu bay quanh. Ông
thư lại già chòm râu sém bạc, phấn chấn sau chén rượu quê. Lão lặng ngắm mọi
người ngồi quanh bàn rượu. Quan Vệ uý tuổi ngũ tuần còn tráng kiện, khuôn mặt
chữ điền trung hậu, điềm tĩnh. Đội trưởng Trần Dũng, tiểu thư Nguyễn Thị Trinh
gương mặt tươi như sen. Ôi, giá như cuộc đời này không có giặc giã… Ông lão khẽ
thở dài.
Tranh của họa sĩ Hoàng A Sáng
Đội trưởng Trần Dũng hân hoan, lòng chàng đang vỗ cánh. Đã
bao giờ chàng có hạnh phúc này. Tự tay tiểu thư tiếp thức ăn vào bát với cả một
câu “xin mời” dành cho chàng. Người đẹp này, ân tình này một đời dễ mà quên!
Bỗng nhiên Vệ uý quay sang ông thư lại:
– Bác Đặng! Cây nguyệt có còn đấy không? Hay là…
Đặng Thuỵ Trường ngỡ ngàng:
– Vâng, thưa… còn? Hay thật, đến lúc sắp thúc trống trận
mà ông Vệ uý này còn nhắc nhở đàn với địch. Nghĩ thế nhưng ông vẫn đứng lên ra
ngoài sảnh, về căn phòng nhỏ cuối toà nhà công vụ. Đẩy cửa, khêu đèn, ông cẩn
thận đỡ cây đàn treo trên vách gỗ. Cây nguyệt lâu không so đây, ông nhẹ nhàng
xoay trục, chỉnh đàn. Xong xuôi, ông cầm đàn lững thững quay lại sảnh đường. Tự
nhiên, Đặng Thuỵ Trường nhớ nhà. Đã lâu ông chưa về thăm quê, nơi có ngôi nhà lợp
mái bổi, tường đất, có bờ tre ao cá, thửa vườn, mái hiên loà xoà tàu cau. Những
khi gió chạy bên hè, ngớt việc đồng điền, cầm đàn lựa khúc Hành vân, từ
đâu mây trắng bay về trời quê nổi sóng. Cha già, cụ đồ đỗ Nhị trường cũng rời kỷ
sách, chậm rãi đứng lên ngâm một câu cổ thi trong khúc Nam huân tình
điệu tiêu dao thật là cao diệu. Cha già khuất bóng, ngày ấy xa vời. Quê biển
nhiều gió bão, bọn hải phỉ hay vào quấy nhiễu. Vợ con ông quần quật tối ngày cuốc
bẫm cày sâu, mong được sống bình an mà có được đâu.
Người đương cuộc rượu chờ người đàn. Chiếc đôn gỗ đặt giữa
phòng,Vệ uý tươi cười chỉ tay khích lệ. Đặng Thuỵ Trường bước vào, thanh thản
ôm đàn ngồi xuống, lựa thế rồi bắc chênh chênh cần nguyệt lên trần. Sau mấy
tiếng dạo dây buông, tiếng đàn rộn ràng vào khúc Bài bông. Này đây làng
quê bên dòng Vĩnh Giang ngày hội mừng Thượng Hoàng về hành cung Thiên Trường
thăm hương Tức Mặc.Tám hàng, mỗi hàng tám cô thôn nữ xống áo rộn ràng, bàn tay
như hoa múa điệu Dâng hoa, nhã nhạc nhặt khoan và trống hội thì
thùng. Chiêu Văn Đại Vương soạn ra khúc nhạc này theo ý chỉ của Quan gia. Bao
phen binh lửa, khúc Bài bông còn lưu truyền trong dân gian. Tiểu thư
Nguyễn Thị Trinh, đội trưởng Trần Dũng thì thầm:
– Bác ấy tài thật!
Người đàn lâng lâng thần hứng. Ngón tay nắn phím, bàn tay đưa
ngón gảy như cùng múa trên hai dây tơ, tưởng như thóc vàng nhảy nhót, sóng ruổi
bên hồ, đầm sen mở lá. Rồi cây nguyệt đề huề chuyển sang điệu thức Cổ
phong, nguyên là khúc nhạc lễ Khai ấn đêm trước Nguyên tiêu. Các
quan văn võ tề chỉnh hai hàng về cung Trùng Quang, đợi giờ “Quốc ấn khai hạp”,
đệ lên Thượng Hoàng xin Người truyền chỉ. Một năm mới cho việc triều chính, việc
dân gian bắt đầu… Nguyễn Kế Hưng đứng lên trong khúc nhạc dập dìu, lòng xao xuyến
bâng khuâng khi tiếng đàn vừa dứt. Vệ uý bước tới đỡ ông thư lại già trong niềm
xúc động:
– Bác Đặng! Đa tạ hiền huynh đã vì ta mà có buổi này. Xin nhận
cho một lời tri âm! Rồi ông choàng áo khoác, đeo kiếm, đội mũ, quay lại nói với
con gái:
– Cha con ta được giao trọng trách.Việc quân không nói hết mọi
điều, chắc con đã hiểu. Hãy vững tâm, còn có mọi người. Đừng lo cho cha, cha đi
đây…
Tiểu thư tiễn cha đến điện Kính Thiên mới quay về.
Trời dần sáng.
II
Tàu Xcoócpiông cùng hai thuyền máy Dênét, Phơlơruýt do thiếu
tá Hải quân Phơrăngxi Gácniê chỉ huy, trên đường tiến đánh thành Nam Định còn
cách mục tiêu bảy dặm. Người ta nhận ra chiếc tàu kềnh càng bám theo tàu binh
Pháp là tàu buôn Giăng Đuypuy. Hắn ra vẻ phởn chí mặc măng-tô đỏ, ngồi ngất ngư
trên nóc tàu, thỉnh thoảng ngả mũ vẫy vẫy. Sau tiết lập đông, mặt sông buổi
sớm ùn ùn sương mù. Tất cả mờ mờ ảo ảo ở cái xứ Bắc Kỳ kỳ lạ này. Từ tàu chỉ
huy, lệnh tất cả dừng lại chuẩn bị đội hình. Phơrăngxi Gácniê cho hạ xuồng mời
Giăng Đuypuy lên tàu.Trong khoang lớn, sĩ quan tuỳ tùng Lơhôcua vừa treo lên tấm
bản đồ quân sự. Thành Nam Định vuông chằn chặn trên vách khoang tàu địch, đủ cả
bốn cửa Đông, Tây, Nam, Bắc. Sông Vị Hoàng chảy từ hướng tây bắc vòng qua hướng
đông, hướng nam vào Tiểu Cốc, Cố Bản rồi đổ xuống ngã ba Độc Bộ. Cột Cờ Nam Định
ở mặt Nam thành nội đã được khoanh tròn bằng chì đỏ. Nhìn toàn cảnh, thành Nam
Định như một khay bánh lớn bày sẵn trên bàn tiệc. Tên sĩ quan chỉ huy chú ý nhập
tâm vị trí các ụ thần công đánh dấu hoa thị, các đường hào, cổng chính cửa
Đông. Các dinh quan An Nam kẻ ô đỏ, các dãy nhà kho được biểu thị bằng màu vàng
– cái dạ dày của quan binh ở đây! Tấm bản đồ do lái buôn Giăng Đuypuy sai người
vẽ trộm thế mà được việc. Lần lượt bước vào khoang tàu có chuẩn uý Buxanh, y sĩ
quân y Hácmăng, kỹ sư thuỷ học Buiê và các tuỳ tùng. Giăng Đuypuy đến sau cùng,
khuôn mặt chảy xệ, đỏ gay. Mọi người rập gót, chú mục vào cây gậy bịt đồng
trong tay Phơrăngxi Gácniê. Y nói dõng dạc:
-Thưa các đồng sự, thưa ngài Giăng! Trận đánh hôm nay không dễ
dàng.
Nhưng Nam Định không thể không bị khuất phục! Chiều qua tại Độc
Bộ, họ
đã gây tổn thất cho ta…
Mắt sâu, mũi khoằm, vai rộng, lưng dài…Phơrăngxi Gácniê ra vẻ
một võ quan có hạng. Bản kế hoạch tác chiến chỉ một mặt tờ giấy cỡ hộp xì gà mà
chủ nhân của nó thuyết trình có đến ba phương án. Phơrăngxi Gácniê khá
sành sỏi, đo lường các tình huống có thể xảy ra. Đám sĩ quan tuỳ tùng chăm chú
lắng nghe như không bỏ sót một câu nào. Bỗng nhiên viên sĩ quan chỉ huy áp sát
tấm bản đồ thành Nam Định, bàn tay mang găng da nắm lại đấm “uỳnh” vào cửa Đông
toà thành. Rồi bàn tay ấy mở ra hệt một chiếc dĩa năm răng, cắm phầm phầm vào
các toà nhà thành nội, tựa hồ cắm vào những chiếc bánh ga tô thơm ngậy.Cử
chỉ ấy làm Giăng Đuypuy nhếch mép cười hề hề.
Phơrăngxi Gácniê quay sang phía tay chủ tàu buôn, dằn giọng:
– Xin cứ chờ xem! Rồi y bước sang ca-bin chỉ huy trong khi
các sĩ quan tuỳ tùng ngồi xuống ghế băng liền vách khoang tàu chờ lệnh. Họ thản
nhiên nói chuyện. Một mình Giăng Đuypuy choán một góc, y ngồi đăm đăm toan tính
điều gì, tay gõ nhẹ vào mặt ghế theo điệu chòng chành của con tàu sắp nhổ neo.
Là người quan sát trận đánh chiều qua tại Độc Bộ, Giăng Đuypuy chứng kiến cuộc
đọ sức giữa các khẩu đại bác trên tàu Xcoócpiông với các khẩu thần công từ hai
phía ngã ba sông suốt mấy tiếng đồng hồ. Thần công An Nam hai loạt đầu nã trúng
cột buồm, bay cả cột thu lôi tàu Pháp. Tàu Pháp mấy lần lùi lại rồi cấp tập phản
pháo. Đạn réo, khói đen mù mịt mặt sông, tiếng nổ vang trời. Các tấm thép chắn
tàu Xcoócpiông hứng loạt đạn ria chát chói. Ba lính Pháp dính đạn. Giăng Đuypuy
không hề biết người chỉ huy phòng tuyến Độc Bộ là Hoàng giáp Phạm Văn Nghị. Khi
Lãnh binh Nguyễn Văn Lợi bỏ đồn Phù Sa bên kia, bên này hai cha con Hoàng giáp
quyết chiến với địch. Áo ông khét lẹt thuốc súng. Bất ngờ đám cháy bùng lên.
Nhìn qua ống nhòm, Giăng Đuypuy thở phào, y cứ tưởng pháo hạm giáng trúng mục
tiêu. Nhưng sự thể vỡ trận là do kẻ nội ứng lẻn vào đồn phóng hoả đốt kho thuốc
súng từ phía sau. Ông Hoàng giáp vô cùng phẫn uất, đành cùng con trai là Tú tài
Phạm Đăng Hài rút quân về phía phủ thành Nghĩa Hưng.Tàu Pháp tung quân tràn lên
phá huỷ các ụ thần công, cắt xích, phá kè, chuẩn bị tiến đánh thành Nam Định.
Từ ca-bin chỉ huy, Phơrăngxi Gácniê bước ra, đầu bếp bưng lên
một bộ ly bạc, một chai rượu mạnh. Rượu rót, tất cả nâng ly ngửa cổ dốc cạn. Cuộc
hành binh bắt đầu. Hai thuyền máy Dênét và Phơlơruýt tiến lên giữ một cự ly gần
giữa hai bờ. Tàu chiến Xcoócpiông ùng ình xuất kích, lá cờ tam tài trên cột cao
bay phần phật. Chiếc tàu buôn lừ lừ đi theo. Nó có vẻ rửng mỡ, kéo một hồi còi
nghe như lợn bị chọc tiết. Phơrăngxi Gácniê cau mày, quay lại văng tục:
– Đồ con lợn!
Mặt sông sương tan dần, quang cảnh hai bên bờ đê cao dần hiện
rõ. Trên đài quan sát, qua ống nhòm, đã thấy xa xa thấp thoáng Cột Cờ thành Nam
Định. Viên hoa tiêu gọi xuống:
– Chú ý ! Mục tiêu: hướng… cự ly…
“Ùng! Ùng! Ùng!” – Ba khẩu “Quá sơn” đồn Tiểu Cốc phát hoả.
Mũi tàu Xcoócpiông hứng liền ba quả đạn. Loạt tiếp theo trúng cột đài cao, lá cờ
Pháp văng xuống sàn tàu. Bị đánh bất ngờ, tàu Pháp xoay nòng đại bác nhất loạt
phản công. Đạn pháo xả gãy một cành đa, đất cát tung toé. Quan binh đồn Tiểu Cốc
đốc suất các pháo thủ nạp đạn, châm ngòi cấp tập. Dưới sông, Phơrăngxi Gácniê đứng
chạng chân bên tấm lá chắn thép trên sàn tàu, tay giơ cao khẩu súng ngắn, quát
lớn:
– Tiến ! Tiến lên ! Hơn một giờ bị chặn lại, viên thiếu tá chỉ
huy nổi cơn thịnh nộ. Đạn pháo gầm lên từng chập bắn phá cửa luỹ.Tàu Xcoócpiông
-“Con Bọ Cạp“ vượt qua giang phận Tiểu Cốc. Các quan binh ta cho mở cổng
luỹ, tất cả theo triền đê rút về hợp sức với các đội dân binh ở ngoài thành chặn
giặc.
Đánh thành Nam Định, quân Pháp dùng hai thuyền máy vượt qua Đồn
Thuỷ đã bỏ trống. Toán thứ nhất do Buxanh chỉ huy kéo theo một khẩu đại bác. Đường
trục đã cắm chông, bọn chúng phải vượt qua một bãi lầy mới tới được chân thành
cửa Nam.Các khẩu thần công trên thành gầm vang. Bị đánh vỗ mặt giữa địa hình trống
trải, lũ giặc hoảng loạn. Hai tên đi đầu bị thương, ngã bên vũng bùn máu me bê
bết. Chúng dìu nhau lùi lại, tháo lui ra bờ sông rồi vòng sang phối hợp với
toán thứ hai cũng có 15 tên do Buiê cầm đầu đánh vào các khu phố buôn bán. Quân
Pháp không ngờ lực lượng chiến đấu vòng ngoài thành Nam Định mà chúng phải
giáp chiến có cả các đội dân binh. Ở đầu các dãy phố lá bàng đỏ như lửa, các ổ
để kháng cùng vật chướng ngại đã được dựng lên.Tiền binh Đặng Huy Trinh tay kiếm,
tay khiên đứng bên lá cờ đuôi nheo, trụ một góc chiến luỹ. Hào mục Nguyễn Văn Hộ
đầu chít khăn điều, sử dụng song kiếm đứng trên ụ đất. Kề bên là hai chàng Lang
và Tài, một người cắp giáo, một người câu liêm trợ chiến cho cha. Ba cỗ xe đẩy
tấm chắn đạn, mỗi xe ba người lính cầm chuỳ sắt đứng sau, trấn mặt Đông thành.
Bá hộ Trần Chí Thiện, một tay cầm cờ lệnh, một tay đoản kiếm bên hai người lính
cắp súng hoả mai. Quan quân thành Nam Định dàn trận từ các phía chặn giặc.
Tại khu quân lương, khi các hoả đầu quân vừa chụm bếp thì đạn
réo ù ù. Tiếng súng nhỏ, tiếng thần công và pháo giặc dội vào toà thành mỗi lúc
một rền vang. Tiểu thư Nguyễn Thị Trinh, đội trưởng Trần Dũng chia hai ngả truyền
cho các thuộc hạ cầm vũ khí chốt chặt các cửa ra vào nhà kho. Ông thư lại họ Đặng
cầm đoản côn đứng trước sảnh đường.
Thần công từ mặt thành cửa Đông, cửa Nam gầm vang. Lính Pháp
tràn ra bờ sông vòng sang phía đông đã gần một giờ súng nổ. Pháo giặc trợ chiến
cho bộ binh vẫn uy hiếp Cửa Nam. Vệ uý Nguyễn Kế Hưng cùng hai người lính trên
tầng chót Cột Cờ nhìn bao quát toàn bộ trận chiến. Một tốp lính Pháp ẩn hiện
sau đám khói tiếp cận bờ hào chông, chúng loay hoay tìm cách phá rào. Bên ta,
súng hoả mai, máy bắn đá, ống “Hoả chiến tuệ” phun lửa. Các tráng đinh dân binh
và lính hộ thành từ các góc phố anh dũng giao chiến với giặc. Tốp lính Pháp tạm
lùi rồi chúng vận động nhanh, hợp nhất với toán chủ công 20 tên do Phơrăngxi
Gácniê cầm đầu. Một khẩu đại bác nữa được kéo đến tăng viện. Giặc dồn lực lượng
đánh phá cửa Đông. Chúng nã đại bác đẩy lùi các ổ tác chiến. Ngói bay, tường đổ.
Một tiếng quát lớn, hào mục Nguyễn Văn Hộ từ công sự xông ra chém xả vào thằng
giặc râu xồm. Chợt ông đứng sững lại, đạn giặc quật ông ngã xuống. Hai anh
Lang, Tài kêu lớn “Cha ơi!” rồi nhảy qua ụ đất, chĩa câu liêm và phóng giáo. Bọn
giặc lùi lại nạp đạn, siết cò súng…
Phơrăngxi Gácniê cho đẩy hai khẩu đại bác nhằm thẳng vào cổng
thành
cửa Đông công phá. Đạn rú rít ầm ầm nhưng vô hiệu. Cửa thành
đã lèn chặt
đất đá từ bao giờ. Viên sĩ quan mũi khoằm nao núng. Hoả lực
áp đảo hơn một giờ, toà thành gạch vẫn đứng vững. Y đã tính đến phương án rút
lui để bảo toàn lực lượng cho trận đánh ngày mai. Bên ta, theo hiệu lệnh, bá hộ
Trần Chí Thiện, suất đội Ngô Lý Diên đã cho quân lên mặt thành trợ chiến. Từ
phía nhà kho, tiểu thư Nguyễn Thị Trinh, đội trưởng Trần Dũng chứng kiến cảnh
tượng lạ lùng: Một đám nhốn nháo lính lệ dìu đỡ mấy người áo thụng lên ngựa vội
vàng theo đường trục chạy ra cửa Bắc. Kìa kìa Tổng đốc, Án sát, Bố chính thành
Nam cùng đám quan văn, kẻ cải dạng làm thường dân, người mũ áo xốc xếch tháo chạy.
Các vị “phụ mẫu chi dân” lòng trung quân ái quốc để đâu? Giặc đến chỉ lo đào tẩu
thoát thân, bỏ mặc thành trì, nhiệm sở. Nhìn theo đám người hèn nhát, hai người
tuổi trẻ tim như sôi lên, uất muốn trào máu mắt. Tiếng cồng, tiếng thanh la, tiếng
súng tay ran một góc cửa Đông thành. Đội trưởng Trần Dũng quay về công sự. Giám
thương Nguyễn Thị Trinh hay tin giặc đã lên được mặt thành như có phép lạ.
Chính tên chỉ huy cáo già Phơrăngxi Gácniê đã dùng các cây gỗ cắm chông sắt của
quân ta vứt ở chân thành, sai lính áp vào tường thành làm thang. Quân Pháp leo
lên đánh vận động chiến, bắn hạ các pháo thủ, đẩy lùi các ổ để kháng.
Trung quân, Hộ đốc Nguyễn Hiên cầm quân đốc chiến. Ông cùng
các quan binh trong thành chỉ huy lính hộ thành cùng các đội võ sinh cầm khí giới
xông pha trận chiến. Suất đội Ngô Lý Diên chống giáo nhảy lên mặt thành thét gọi:
– Hỡi anh em ! Sát tặc! Sát tặc ! Ông trúng đạn ngã nhào.
Tiền binh Đặng Huy Trinh chém văng mũ, xả vai một thằng giặc
hói đầu. Chiếc khiên mây cũng rời tay ông. Ông khuỵu xuống trước sân dinh Hộ đốc
ngổn ngang những người lính tử trận. Quân Pháp tấn công, đạn bay chéo cánh sẻ đồn
đuổi quân ta. Lúc này tàu Xcoócpiông thôi nã pháo. Phơrăngxi Gácniê dẫn đầu
toán lính xông vào chiếm dinh Tổng đốc. Toán khác theo Buiê, Lơhôcua đánh chiếm
các dinh thất. Một toán theo Buxanh tiến đánh Cột Cờ. Quân Pháp tấn công từ hai
phía. Một tốp bám mặt tường thành, lợi dụng các lỗ châu mai bờ chắn, đánh vào
hướng chính diện. Tốp kia vượt qua sân điện Kính Thiên, vu hồi phía tây Cột Cờ.
Đạn nổ chát chói, khói lửa mịt mù. Vấp phải sức kháng cự mạnh, Buxanh ra lệnh
đánh lấn từng bước vây ráp Cột Cờ. Lính Pháp chĩa súng lên tầng cao xả đạn. Lá
cờ rách xể một góc. Vệ uý Nguyễn Kế Hưng trúng đạn, một bên vai máu xối đầm
đìa. Ông lảo đảo ngồi xuống. Bọn giặc từ hai phía uy hiếp quân ta. Từng người
lính bị bắn hạ khi xông ra giáp chiến. Các khẩu hoả mai dần hết đạn, những người
lính quyết tử tựa vào các bờ tường Cột Cờ cố thủ.
Người mang tin dữ về cho tiểu thư là đội trưởng Trần Dũng:
– Trình tiểu thư, quan Vệ uý bị vây, quân ta chỉ còn mươi người
quyết chiến. Xin cho tôi ra giải vây !
– Cho gọi 20 người đủ vũ khí! Tiểu thư nói nhanh. Một hồi mõ
lệnh, hai viên Ngũ trưởng, 18 người lính coi kho nhanh chóng xếp hàng đôi chờ lệnh.
Tiểu thư cầm đoản đao, đến trước hàng quân truyền lệnh:
– Đi giải vây Cột Cờ! Đội trưởng Trần Dũng thay ta chỉ huy,
giữ vững kho tàng thành nội. Bác Đặng trực ở đây! Hai mươi người theo ta!
Trần Dũng bước lên toan nói. Tiểu thư nghiêm sắc mặt khiến
chàng im lặng.
Theo đường tắt, tiểu thư dẫn đội quân chia thành hai mũi
nhanh chóng áp sát trận địa từ phía bắc vòng sang phía đông, phía tây. Nàng vẫy
tay, từ điện Kính Thiên, các khẩu hoả mai bất thần nhả đạn. Lính Pháp bò xoài rồi
quay súng bắn trả loạn xạ. Chớp thời cơ, tiểu thư cùng thuộc hạ mau lẹ tiếp cận
Cột Cờ, lợi dụng các bụi cây dọc tường hoa gần cửa Nghinh Húc, tìm cách cứu
cha. Vệ uý đã kiệt sức. Một người lính dìu ông xuống hết 54 bậc cầu thang. Cánh
cửa gỗ bật mở. Vệ uý và người lính dìu ông vừa bước ra ngoài thì đạn giặc
lại nổ rền. Ông ngã chúi xuống cùng người lính trẻ tử thương, bàn tay ròng ròng
máu nhỏ.
– Cha! Tiếng thét lanh lảnh từ phía sau.Tên lính Pháp giật
mình quay lại vừa lúc lưỡi đao sáng loáng nhằm đầu nó bổ xuống. Thằng giặc quay
ngang cây súng đỡ đòn. Nhát chém toé lửa, cây súng văng đi. Tiểu thư chuyển một
thế đao để hạ thằng giặc mắt lồi…Nhưng…đạn giặc…đã nhanh hơn…Trong mắt tiểu
thư, lá cờ trên cao bỗng xoay vòng, bay bay, chới với. Nàng ngã xuống bậc thềm
Cột Cờ ngổn ngang thi thể tử sĩ, bên người cha thân yêu, quan Vệ uý đã hy
sinh đáp đền nợ nước.
Đứng trên mặt thành, Buxanh vung tay.Lính Pháp hung hăng như
đám gà chọi xì xồ xông vào, cánh cửa mở toang. Chúng hò reo trên đỉnh Cột Cờ.
Lá cờ đại thành Nam bị dứt phăng, ném từ cột cao sà xuống lùm cây. Lá cờ tam
tài kéo lên cao, phô phang cái kỳ tích của người Pháp đã hạ được thành Nam Định!
Bên dinh Tổng đốc, Phơrăngxi Gácniê nhào ra ban công hô lớn:
– Nước Pháp muôn năm!
III
Thành Nam Định thất thủ giờ Mùi ngày 21 tháng Mười năm Quý Dậu
(11-
12-1873). Lực lượng quan quân cự địch rút qua cửa Tây. Cửa Bắc,
bá hộ Trần Chí Thiện cũng đưa dân binh về Bảo Long xây dựng căn cứ, rào làng
chiến đấu. Hoàng giáp Phạm Văn Nghị lui về Phong Doanh, hội quân ở núi An Hoà,
chỉ cách thành Nam nửa ngày đường bộ. Quân Pháp chia nhau lùng sục trong thành.
Hơn 100 người nghĩa dũng hy sinh trong trận chiến giữ thành Nam Định. Cửa Nam,
Cột Cờ thấm máu đào hơn 50 tử sĩ. Có người súng siết trong tay, người cầm ngang
kiếm thép còn nguyên tiếng thét căm thù, người tựa lưng vào bức tường cao, người
nằm trên thảm cỏ mắt dõi trời xa…Cảnh tượng bi hùng trời quê đổi sắc. Lá rơi
thê thiết, tiếng chim lợn cồn cào hoàng hôn. Thế nhưng thật kỳ lạ, bên các tử
thi trong sân Cột Cờ, một người bỗng nhiên cựa quậy. Bàn tay con gái bấu víu, cố
sức choài ra ngoài vũng máu. Cơn khát cháy cổ làm cho nàng mấy lần gục xuống. Vết
thương bên sườn quặn đau. Nàng dồn sức trườn đi, qua sân gạch, qua hết bậc tam
cấp đến với giậu cúc tần xùm xoà bên dãy tường hoa. Nàng nằm nghiêng trong miền
riêng của cõi tâm linh chập chờn sáng tối. Rồi nàng thấy mình bay lên nhẹ thênh
cùng đám mây hồng uốn lượn, thong thả lan vào thinh không trong suốt.
Đêm chiến địa u uất. Tiếng cú ghê ghê gại vào toà thành tù
mù. Quân Pháp hả hê kéo cả về sân dinh Tổng đốc, rượu và lửa bập bùng. Lính
Pháp sai người mổ lợn, thui bò, thả sức ăn nhậu. Phơrăngxi Gácniê ngay từ chiều
đã cho gọi tên Việt gian Lê Văn Ba từ Phủ Lý tức tốc xuống Nam Định, đem theo bọn
nguỵ binh vừa chiêu tập. Sẩm tối đến nơi, bọn chúng giúp quan Tây việc canh
phòng, sục sạo các dãy nhà kho, thu chiến lợi phẩm. Trên bảy vạn quan tiền mới
nguyên, trên hai vạn hộc thóc, các kho khí giới, muối, dầu, gạo…có thể chất lên
tận nóc cả trăm chuyến tàu Giăng Đuypuy! Trong bữa tiệc mừng thắng trận, Giăng
Đuypuy hỉ hả, tự tay rót một cốc rượu vang hảo hạng khệ nệ bước tới bàn tiệc
chúc mừng Phơrăngxi Gácniê cùng đám tuỳ tùng ngồi quanh. Viên thiếu tá chỉ huy
nhếch cười, tay vê vê bộ ria mép tỉa tót từ chiều.
Buổi sáng hôm sau diễn ra một cuộc thương thuyết. Người đại
diện triều đình Huế từ Tam Điệp tìm đến xin gặp. Phơrăngxi Gácniê thuận cho người
An Nam được vào thành thu gom tử thi. Xe xác dong hàng, khói hương thương cảm.
Tiếng khóc khắp các cửa thành ai oán.Từng chuyến xe lăn bánh chầm chậm ra phía
tây ngoại thành, đến tối mới vãn việc ở khu nghĩa trủng. Đội trưởng Trần Dũng,
ông thư lại Đặng Thuỵ Trường cải trang làm thường dân, ngơ ngác nhìn nhau. Họ
đã lần tìm qua các lần hạ huyệt, tuyệt nhiên không thấy thi thể tiểu thư. Lúc
vào trận, nàng ăn vận như một người lính chiến, nai nịt gọn gàng. Liệu
khi thu gom tử thi, người ta có chôn lẫn người con gái gương mặt như hoa
vào mộ chung với những người lính? Quan Vệ uý đã mồ yên mả đẹp. Không lẽ…Hai
người một già, một trẻ nhất quyết vào thành lần nữa. Họ chờ đêm xuống, lợi dụng
lúc bọn sĩ quan và lính tráng còn đang mải mê tiệc tùng trong các toà dinh thất
vừa đổi chủ. Họ men theo tường thành tìm được một ụ đất cao, đỡ nhau leo lên mặt
thành. Khu Cột Cờ tối om, cờ Pháp bay phần phật trên cột cao. Xuống được mặt đất,
cả hai căng mắt dò tìm quanh sân, lại leo lên hai tầng bệ Cột Cờ. Chỉ có mùi
máu tanh tưởi, mùi thuốc súng, khói đạn còn váng vất. Họ dò lần xuống dưới phía
tường bao, ngao ngán, tuyệt vọng. Cả hai dường như không còn muốn hé răng nói
ra cái điều vô vọng. Đặng Thuỵ Trường tìm đến góc khuất, ngồi nép vào một bụi
cây. Ông chưa hết bàng hoàng. Mọi việc xảy ra như ác mộng. Thành đây, hào kia,
Cột Cờ này, nghĩa dũng cơ mưu có cả. Thế mà vỡ trận, đau đớn quá! Thành mất,
người chết, cơ sự này rồi sẽ ra sao.”Quốc phá sơn hà tại”*…lòng đắng ngắt, ông
ngồi lặng đi.
Trần Dũng quay lại tầng bệ Cột Cờ tìm thêm lần nữa. Chàng thận
trọng lần bước theo từng bậc cầu thang đi lên rồi dừng lại ở một ô cửa tò vò, lặng
lẽ quan sát địch tình. Bọn giặc thắp đèn sáng các dinh thất. Mấy tên lính nguỵ
cầm binh khí đứng gác ở sân dinh Tổng đốc. Xa xa, các vọng lâu cửa Đông, cửa Bắc
cũng có ánh đèn. Một bọn đi tuần đêm trên mặt thành phía điếm Tiền Môn, chúng
huơ cao những cây đuốc tẩm dầu chừng như để thị uy với mấy dãy phố không người
hãy còn ngỏ cửa. Khu nhà bếp phía xa, vẳng lại tiếng bò rống, lợn kêu. Bọn đồ tể
đang chuẩn bị những bữa tiệc lớn cho các quan Tây. Lửa khói nhập nhoàng, mùi uế
khí gây gây khiến Trần Dũng buồn nôn. Mắt chàng rực cháy. Ngẩng lên, trời có vẻ
như gần sáng. Mảnh trăng mòn đỏ quạch rẽ mây bềnh lên. Chàng theo lối cũ đi xuống.
Thật bất ngờ, chàng nhìn thấy cây đoản đao cán nạm xà cừ trong luống tóc tiên.
Chàng vội đỡ lấy kỷ vật của vị nữ chủ nhân yêu quí, rồi đi về phía cửa Nghinh
Húc. Qua ánh trăng hé sáng, một vệt máu sậm màu kéo dài suốt từ
mặt sân qua bậc tam cấp, qua lối đi. Chàng chăm chú lần theo
và sững sờ kinh ngạc, không dám tin vào mắt mình nữa. Trong lùm cúc tần xùm xoà
chen chúc, một người nằm nghiêng nghiêng…Trần Dũng quay lại dìu “bác Đặng”
đến cùng chàng. Chàng ngồi xuống, rẽ khóm cây, chỉ tay. Ông thư lại già run rẩy:
– Tiểu thư ơi!
Nàng nằm đó, đôi mắt nhắm nghiền, đầu gối lên đám gốc cây dại,
mái tóc con gái chảy tràn như suối qua vai. Trần Dũng phủ phục, hai vai chàng
rung lên, tức tưởi:
– Tiểu thư, tiểu thư…
Chợt nhận ra thời khắc quý như vàng, ông thư lại nói nhỏ:
– Đây là tiền định chăng ? Hãy để tiểu thư an nghỉ nơi này!
Trần Dũng vái ông thư lại già một vái.
Nhìn quanh một lượt trong ánh trăng, chàng thấy lá cờ đại nằm
vắt thõng từ bụi cây tường vi buông xuống. Chàng bước tới cuộn lấy lá cờ. Ông
lão họ Đặng cũng tìm được một mũi búp đa gãy cán. Hai người đưa tiểu thư ra khỏi
lùm cây, đặt nàng nằm ngay ngắn trên lá cờ trải rộng. Họ khâm liệm quan nữ Giám
thương thành Nam bằng lá cờ “Nam Định thành – tử chiến”. Chừng một canh giờ,
mũi búp đa và cây đoản đao đào xong mộ huyệt. Hai người, một già một trẻ đứng
bên nhau xì xụp lạy vị nữ chủ nhân yêu quý. Họ cùng nghẹn lời :
-Tiểu thư ơi ! Xin bái biệt…
Ngôi mộ tiểu thư được lấp đầy đất, trồng cỏ nghi trang, sát
lùm cây phía đông Cột Cờ. Nàng đã trọn đạo hiếu trung, vừa hai mươi mốt tuổi
xuân đã thành người thiên cổ !
– Chúng tôi đi đây, tiểu thư ơi ! Trần Dũng cúi đầu thì thầm.
Rồi chàng bước tới đỡ ông già thương quý, biết đến bao giờ gặp lại.
Họ vượt qua tường thành theo lối cũ, xiết chặt tay nhau. Một
ngườì đeo chiếc tay nải trên vai, lẳng lặng tìm đường ra Bến Ngự. Ông phờ phạc,
bước cao bước thấp, mong mỏi ngày mai về đến ngôi nhà lợp mái bổi, ngồi nghe tiếng
sóng lao xao bờ bãi quê nhà.
Ngoài thành cửa Tây, một người trẻ tuổi vác đoản đao rẽ vào
ngõ vắng.
Chàng đi đến một làng xa, tới một gò đất tre pheo loà xoà, lặng
lẽ tháo dây
buộc ngựa. Con ngựa hí lên, khua vó. Chàng lên yên, cho ngựa
phi nước đại
qua vùng mù sương, nhằm phía An Hoà. Vẳng xa xa có tiếng gà
gáy sáng…
***
Hơn một thế kỷ qua kể từ ngày thành Nam Định rơi vào
tay quân Pháp lần thứ nhất. Trên lớp tro tàn của khói lửa chiến tranh, cỏ lại nảy
mầm xanh vô tư dọc lối đi về. Và ngọn gió lịch sử vẫn thổi vù vù qua miệng súng
thần công thành xưa Nam Định. Ngay sau ngày quân Pháp rút chạy khỏi Nam Định
(ngày 10-1-1874), vua Tự Đức xét công lao, phong tặng những người tiết nghĩa.
Nàng Nguyễn Thị Trinh được phong “Giám thương Công chúa” (Công chúa coi kho).
Nhân dân thành Nam xây miếu thờ người Liệt nữ bên cạnh Cột Cờ (Kỳ Đài), trên phần
mộ của Người. Miếu thờ “Bà Chúa Cột Cờ” có nhiều linh ứng. Nhân dân thành Nam
tôn làm Thành hoàng Đương cảnh – Bản xứ Thổ thần. Lại xây ngôi đền
phía bắc Vọng lâu thờ người tiết nghĩa, gọi là đền Bản Tỉnh. Đầu đời vua Thành
Thái (1889-1901), gia phong mỹ tự “Tiết liệt Anh phong”. Duệ hiệu của thần:Tiết
liệt Anh phong – Giám thương Công chúa.
Thành Nam Định thất thủ lần thứ hai (ngày 27-3-1883) khi thực
dân Pháp bội ước, quay lại xâm lược đất này. Đền và miếu thờ người nữ anh hùng
chống Pháp mấy lần bị phá huỷ, phải chuyển dời, phải đổi tên thành miếu thờ “Bạch
Hoa Công chúa”- một thị nữ của Thánh Mẫu Liễu Hạnh quê ở Phủ Dầy. Rồi “trời kia
xui khiến” sông Vị thành sông Lấp. Chỉ còn hồn sông vẳng tiếng gọi đò trong thơ
ông Tú Vị Xuyên những đêm chớp bể mưa nguồn. Thành Nam Định bị dỡ bỏ năm 1894
cho biệt thự và dinh Công sứ Pháp mọc lên, một thành phố “khai hoá thuộc
địa” ra đời. Rồi hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại sáng bừng ánh lửa thiêng
và màu cờ Tổ quốc trên đỉnh trời cao.Tháng 5- 1972, Cột Cờ bị tên lửa Mỹ
phá sập. Mùa thu năm 1997, Cột Cờ được xây dựng lại, phục nguyên tầm vóc uy
nghi lẫm liệt thuở nào.
Một ngày rằm như bao ngày tròn trăng. Từ sân điện Kính Thiên xưa, nay là chùa Vọng Cung xây lại sau chiến tranh, tôi theo chân các cụ, các bà, các cô, các chị thong thả bước lên tầng bệ Cột Cờ. Qua cửa Nghinh Húc (cửa đón nắng sớm), cửa Hướng Quang (cửa sáng ánh chiều), dòng người thành kính xếp hàng chờ đến lượt bước vào dâng lễ. Anh hồn người liệt nữ thành Nam năm xưa như vừa hiển hiện trong vầng sáng hồng lung linh ban thờ chính điện Bà Chúa Cột Cờ. Thẳng lối công viên rợp bóng cây xanh, người hành lễ sang đường Đông Kinh Nghĩa Thục, vào miếu Bản Tỉnh – đền Liệt sĩ Thành Nam. Ngọc phả ghi chép công trạng Giám thương Công chúa cùng thần hiệu “Bạch Hoa Công chúa” còn nguyên nét bút quan Thủ uý Nguyễn Trung Trực, niên hiệu Duy Tân năm thứ 2(1908). Tầng hai, tượng Giám thương Công chúa trong khám thờ gương mặt như hoa.Tinh anh người xưa còn hiển linh trong cõi bất tử hồn thiêng sông núi để những loài hoa trinh trắng bốn mùa nối nhau về đây thành kính dâng hương…
Chú thích:
* Nước bị tàn phá, nhưng sông núi vẫn còn… – Thơ Đỗ
Phủ, bài Xuân vọng.
13/7/2022
Phạm Trọng Thanh
Theo https://vanvn.vn/
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét