Thứ Tư, 1 tháng 1, 2025

Đêm gặt lúa ma

Đêm gặt lúa ma

Mùi cơm thơm nức đánh thức tôi, ngó đồng hồ điện thoại mới hơn hai giờ rưỡi sáng. Dưới ánh sáng vàng mơ của bóng đèn tròn lấy điện từ bình ắc quy đã thấy mâm cơm vừa được cô Diễm dọn ra trước thềm. Hương thơm đặc trưng cơm lúa ma nồng lên ấm áp trong tiết trời khuya cuối năm se lạnh. Cường đã chuẩn bị xong đồ gặt đang ngồi ở ghế đá đợi tôi dùng điểm tâm đầu ngày.
Bữa ăn sáng trong ánh điện úa vàng. Cơm lúa ma nấu trong nồi đất, úp lá sen rồi đậy vung kín, nóng hổi, ăn với cá rô mề kho tộ vừa bưng cả cái nồi đất từ bếp lửa xuống đang sôi lèo xèo, cùng món rau tập tàng luộc chấm khô quẹt, ngon hết biết. Với tôi, dùng bữa sáng vào lúc này là trái bụng, nhưng vợ chồng chủ nhà đã quen nên ăn uống ngon lành. Anh bạn Cường của tôi thời là cán bộ thuộc sở nhà đất bữa sáng thường là tô hủ tiếu nhỏ hay cái bánh mì lưỡi heo kẹp lát giò nạc lưỡi mèo, vậy mà giờ đây chén liền hai tô cơm đầy có ngọn. Tôi hiểu làm đồng phải ăn thế mới đủ sức chứ không như người dài lưng ngồi bàn giấy như mình. Giờ đây, sau mấy năm về xứ Tràm Sếu này Cường đã là một người chắc khỏe, da bánh mật, móng tay móng chân viền vàng khè do phèn đóng vánh. Riêng đôi mắt Cường vẫn thế, nâu sáng nhưng buồn, nỗi buồn nhân thế mà cuộc đời anh lãnh phải.
Cường dạt về xứ cuối đất cùng trời này là để tránh bão người. Tốt nghiệp loại giỏi đại học xây dựng, Cường được ông Mười Tiếp, quê gốc Đồng Tháp, đang giữ chức giám đốc công ty nhà đất, tuyển thẳng vào sở nhà đất. Cậu cứ làm theo tôi thì đời không thiếu thứ gì. Ngày đầu nhận việc Cường đã nghe ông Mười bảo thế. Ông Mười Tiếp rất hách kiểu người tuổi trung niên, có quyền, có tiền. Ông sống không cần hôn thú với cô nhân viên kế toán, chính cô ta đã chỉ đạo giám đốc làm việc này việc kia. Công ty nhà đất này đang là ao ước của nhiều người muốn làm việc. Thu nhập cao, khoản thu không cần chữ ký, khỏi nộp thuế thu nhập, người tới đăng ký quyền sở hữu đất, tài sản có giá trị cao nên người ta sẵn sàng biếu cán bộ mỗi căn nhà vài ba cây vàng, mỗi khu đất giá hàng trăm tỷ người ta sẵn sàng chi lót tay mấy trăm triệu để có chủ quyền, chuyển từ đất nông nghiệp sang đất xây dựng nhà ở là chuyện thường. Cái thời nhộn nhạo ấy, làm ở ngành nhà đất rất dễ kiếm tiền. Nơi có tiền dễ diễn ra mưu mô ám hại nhau. Dáng người tầm thước, khuôn mặt sáng, đôi mắt nâu ngời lên, Cường là ao ước của nhiều cô gái muốn lấy làm chồng. Vào làm việc rồi Cường mới biết, ở đây người ta làm những việc bất chấp luật pháp, của công biến thành của tư trong chớp mắt, nhà cửa, đất đai không đủ giấy tờ nhưng họ vẫn cấp chủ quyền miễn là có tiền lót tay. Cường đã cảnh báo điều đó trong các cuộc họp, khiến người ta xem anh như kẻ thù, đặt cho anh hỗn danh là Cường gàn, Cường ngu, Cường cù lần. Cường bị cô lập ngay chính ở cơ quan mình. Cô vợ hờ của giám đốc Mười Tiếp ghét Cường ra mặt. Không hiểu cô ta tâu hót thế nào mà ông Mười Tiếp từ chỗ thân thiện đã lạnh lùng nói với Cường: “Coi chừng cậu phải lãnh đòn do cái tánh ngang ngược của mình đó”. Cường bỏ qua tất cả, anh có thú vui riêng là ngoài công việc hành chính, anh đam mê đọc sách. Cho tới lần thanh tra sở đến làm việc, Cường bị phát hiện ký sai giá thẩm định một khu đất khiến nhà nước thất thu hơn mười tỉ đồng. Mười tỉ tiền những năm chín mươi thế kỷ trước có giá trị rất lớn. Cường phát hoảng vì trước đó chính ông giám đốc đưa xấp giấy bảo anh ký vào chỗ nhân viên thẩm định giá thì anh ký. Cường bị khởi tố, ra tòa lãnh hai năm tù giam. Một bản án mà người bị gài bẫy không thể thanh minh nổi.
Mãn hạn tù, Cường thay đổi hẳn, sinh ra nghi ngờ, không tin vào mọi người, rất sợ mình phải ký vào văn bản nào đó. Cường xin được công việc công ty xuất nhập khẩu đồ gỗ. Được đâu dăm tháng, anh đến từ biệt tôi để về xứ Tràm Sếu. Tôi cố níu giữ anh ở lại thành phố nhưng anh lắc đầu chán nản. Mưu mô quỷ quyệt đẩy anh vào tù đã khiến niềm tin của anh vào con người sụp đổ. Đó là nơi đồng sâu hoang dã, có rừng tràm và loại sếu đầu đỏ, tôi sẽ làm vườn rồi tới mùa đi gặt lúa ma. Cường nói vậy. Biết anh là người quyết đoán, tính làm gì thì chớ ai ngăn nổi nên tôi im lặng. Im lặng nhưng tôi tiếc, một người thông minh, có kiến thức ngành xây dựng nhà ở dân dụng nay bỏ đi. Cường về Tháp Mười được đâu một năm, anh mời tôi xuống miệt vườn dự đám cưới. Người anh chọn làm vợ là cô Diễm, học lớp mười bỏ ngang về làm vườn và tới mùa cùng cha đi gặt lúa ma. Anh gây được một phòng sách nhỏ với nhiều cuốn sách quý. Buổi chiều rảnh rỗi anh ngả người trên chiếc ghế bố lần giở từng trang sách và tận hưởng mùi thơm hoa trái từ vườn phả vào, thỉnh thoảng nghe cả tiếng cá quẫy dưới con kênh sau nhà, có khi nhìn thấy chú rắn rồng hiền từ bò trên xà ngang xà dọc bắt chuột.
Bữa sáng kết thúc nhanh để ra đồng cho kịp thời gian hột lúa chín đang ở trên bông chớ hễ nắng lên là rụng liền. Cường xách đôi cây tầm vông đá nhỏ như cây trúc, dài hơn hai mét, Diễm xách cái giỏ cói đựng nước uống đồ ăn vặt, đi nhanh ra bến kênh trước nhà, lên chiếc xuồng ba ván, đã trang bị dụng cụ thu hoạch lúa ma. Tôi được ngồi ở phía sau để xem gặt lúa.Trời đêm còn đặc quánh nhưng vợ chồng nhà này quá thông thuộc đường nên lái chiếc xuồng lao nhanh trên dòng kênh cho dù không thấy dòng nước. Không gian im lặng đến rợn người, thỉnh thoảng lũ vạc ăn đêm thảy ra tiếng kêu thác thốt giữa không trung tráng màn đêm tối đến nhức mắt. Nghe đồn, những đêm mưa phất phất, người gặt lúa ma đêm thường thấy hai đốm sáng xanh, khi đến gần thấy hai bóng người, chập chờn di chuyển trên đồng. Tương truyền đó là linh hồn đôi vợ chồng nghèo chuyên đi mót lúa trời nuôi đàn con thơ dại. Một đêm khuya chẳng may bị con cá sấu hung dữ táp dải tóc dài người vợ lôi xuống ruộng sâu, người chồng liền nhảy xuống đánh lộn với sấu cứu vợ rồi cả hai bị con sấu hung dữ giết chết. Lại có chuyện một người đàn ông độc thân mải miết gặt lúa ma trong khuya nhiều lúc quay lại thấy người đàn bà mặc áo trắng ngồi phía đuôi thuyền. Đó là vong hồn một người phụ nữ góa chồng đi mót lúa ma nuôi con thơ, một lần chẳng may thuyền ba lá bị lật, chết đuối. Những câu chuyện nhuốm màu liêu trai ấy khiến tôi cảm được sự huyền bí của không gian cánh đồng hoang này. Từ đó mà hiểu thêm những số phận kiếm sống bằng nghề gặt mót lúa ma thời xưa.
Có phải lúa này mọc ở đồng hoang, chín vào đêm khuya, người gặt cũng phải thu hoạch trong đêm khuya nên gọi là lúa ma không? Cánh đồng lúa ma này ở trong khu Tràm Sếu. Đây chính là khu bảo tồn giống lúa trời cùng giống sếu đầu đỏ quý hiếm. Lúa ma mọc tự nhiên, vào mùa nước lên, nước dâng cao lúa cũng vươn cao hơn nước. Có khi cây lúa cao tới ba mét, sóng dồi bão dập cũng không gãy. Bông lúa ma to dài, khi hạt căng mẩy chuyển từ xanh sang vàng mơ, khi chín chuyển sang màu đen ánh lên màu than. Lá lúa ma dài khi lúa chắc hạt xoắn lại đen như tổ kiến tạo nên cánh đồng ma đen nhức, một bông mỗi đêm chỉ có vài ba hạt chín. Hạt lúa ma to dài, đuôi có râu dài nhọn sắc túa lên khiến chim chóc khó mổ. Mùa nước lên, cánh đồng hoang mênh mông này là một thế giới sống động. Tiếng cá đớp hạt lúa ngâm nước đã rụng râu rộ lên đây đó. Từng đàn chim chích, chim ri, chèo bẻo, sáo sậu, hàng ngàn con chao qua lại tìm mồi trên triền ngọn lúa trải tới mút tầm mắt. Tít trên cao những con diều hâu sải cánh lượn lừ đừ rồi đột ngột lao bổ xuống quắp con mồi đã lọt vào tầm ngắm của nó. Trên ngọn cây đước cây bần, mấy con chim bói cá xanh biếc, mỏ dài, đảo mắt tìm cá giữa mương nước đục. Trong đám cỏ, năn, chen lẫn những vạt lúa ma, mấy con rái cá thân bê bết bùn ngụp lặn sục đuổi bắt cá. Trên dòng kênh nhỏ, từng đàn cá nhao lên đớp những con kiến cánh ngắn, bụng căng tròn màu mật ong vừa bị gió lay rớt từ những cái tổ trên cây xuống. Cá ăn kiến vậy nhưng chỉ ít lâu nữa nước cạn khô kiến lại ăn cá. Quy luật tự nhiên cứ xoay vòng như vậy tưởng đã có tự ngàn năm.
Chiếc xuồng gặt lúa ma chúng tôi đi vào ruộng. Diễm chống xuồng, Cường ngồi trước điều khiển cần gạt. Gặt lúa ma khó hơn lúa thường bởi lúa ma mọc giữa ruộng lầy nước sâu xen lẫn cỏ, năn. Mỗi cây lúa ma trổ một bông và mỗi bông một đêm chỉ có vài ba hạt chín, nên không thể cắt cả bông mang về được. Người ta dùng hai thanh tre hoặc cây tầm vông loại nhỏ dài cỡ ba mét, phía sau neo vào thanh ngang, phía trước dòng bằng cái dây buộc vào cái giá treo cao để dễ dàng gạt qua gạt lại được, giữa xuồng dựng cái mê bồ đan bằng tre, người ngồi sau ra sức kéo dây, cũng có thể thiết kế bàn đạp bằng chân, để hai thanh tre, cây tầm vông ấy gạt ngọn lúa vào, hạt lúa chín bắn ra, được tấm mê bồ chặn xuống lòng xuồng. Mỗi đêm vợ chồng nhà này thu được chừng mười giạ, một tháng cỡ một tấn thóc. Hạt lúa ma có cái đuôi dài, sắc nhọn nên khi đưa về phải ngâm nước một vài ngày cho rụng cái gai rồi mới đem phơi cho khén. Hạt lúa ma cũng không thể xay xát bằng máy mà giã thủ công. Gạo lúa ma hạt dài mây mẩy, thơm lựng mùi sữa gạo, giá cao gấp ba bốn lần gạo tám thơm, nàng hương. Ngoài việc nấu thành cơm, gạo lúa ma còn là nguyên liệu đắt giá để chế biến bánh đúc, bánh xèo. Hễ nói tới gạo lúa ma là người ta nghĩ ngay, đó là loại gạo dành cho người lắm tiền, nhưng mua không phải dễ kiếm bởi quá hiếm. Cả đời ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng đâu phải ai cũng được thưởng thức bữa cơm lúa ma.
Khu vực này có khoảng vài trăm công lúa ma nên không thể thu hoạch hết. Chim chóc khó có thể ăn hạt lúa ma vì bông lúa dài dựng thẳng lên, mỗi hạt có cái đuôi dài sắc tựa cái chông nhỏ, nhiều hạt xếp bên nhau tua tủa khiến chim chóc nhìn đã sợ. Phải đến lúc gặp nắng, hạt lúa ma mau chóng rớt xuống nước, cái gai rụng đi mới là món mồi ngon cho vô số loài cá, trong đó nhiều nhất là rô. Ở đây có rô phi mình vằn, rô cỏ thân ánh vàng, rô cơm nhỏ như ngón tay, mình căng trứng, rô mề to cỡ bàn tay béo mẩy như phết mỡ, rô chuối cau mình dài, thân hơi tròn. Chúng sinh sôi nảy nở từng bầy nhờ vào hạt lúa ma. Mấy năm gần đây được tin đồn các loài cá ăn lúa ma chữa được bệnh cao huyết áp, tiểu đường, tránh được đột quỵ nên thương lái đổ về đây rất đông, nông dân đánh bắt được bao nhiêu họ mua bằng hết, không cần trả giá. Đồng lúa ma mênh mông, người ta chỉ thu hoạch được một phần nhỏ, số nhiều, những hạt chắc nhất, khi gặp ánh nắng rụng xuống, nhanh chóng vùi vào bùn non, tới khi nước cạn, hạn hán hạt lúa nằm im trong đất khô nẻ chờ tới năm sau khi tiếng sấm đầu mùa nổ vang trời mưa trút ào ào, nước bắt đầu dâng lên hạt lúa ma cũng nẩy mầm bật lẹ để vươn cao hơn nước rồi mùa gặt lúa ma lại đến. Sự sống ở đất này đã được sắp đặt từ thuở khai thiên lập địa cứ tuần hoàn như vậy.
Đi gặt lúa ma giữa cánh đồng hoang trong đêm tối tưởng như xắt ra được, chỉ nghe tiếng thanh tre đập bồm bộp vào tấm mê bồ. Chỉ một người trên thuyền thì khó chịu nổi cảnh hoang vắng cánh đồng hoang. Thông thường vợ chồng cùng gặt. Nhưng cũng không thể nói chuyện được trong đêm khuya khoắt. Đành im lặng mà gặt.
Ngồi phía sau xuồng trong đêm, tôi nhớ tới lời Cường kể, vùng đất này thời xa xưa là đất trú ngụ của những thân phận phiêu dạt, những kẻ tứ cố vô thân, người bất mãn với chính quyền và cả triều đình. Họ thường là người có học vấn, tính cách ngang tàng, có lòng tự trọng, không chịu ép vào khuôn khổ thứ luật pháp đã lỗi thời, những hương ước lạc hậu. Họ tới đây dựng căn nhà cao cẳng bên bờ kênh hàng ngày buông câu bắt cá, tới mùa đi gặp lúa ma.Thuở muông thú, cá sấu, rắn độc còn nhiều, biết bao kẻ đã bỏ xác trên cánh đồng này. Khi Cường kể, tôi nghĩ tới thân phận anh. Nhưng thời thế hôm nay đã khác, không thể sống và chết như thuở xa xưa.
Mải gặt lúa ma giữa cánh đồng rộng, tới khi trông thấy đống lúa vun cao giữa khoang thuyền, ngẩng lên mới biết trời đã sáng tự lúc nào, ánh nắng bừng lên khiến cánh đồng rộng mênh mông. Đây đó, có tiếng lóc bóc rất khẽ. Đó chính là hột lúa ma gặp nắng liền vội rụng.
Cường gác cây tầm vông dọc xuồng. Vậy là xong buổi gặt. Cường lái xuồng ra dòng kênh để về nhà. Dọc đường, anh cất những cái trúm, lờ bắt cá đặt từ hôm trước. Những con cá rô cá diếc tươi rói giãy đành đạch, những con cá lóc cá trê trơn nhẫy trườn qua lại trong lờ. Cô Diễm hái rau dại, ngắt bông súng, chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Gia đình này sống như người nông dân thuở xưa, gặt lúa ma, bắt cá đồng, hái rau tập tàng.
Trên đường về, Cường cho xuồng cập vào một bến kênh, phía trên bờ là một cái miếu, tường xây bằng gạch táp lô không tô trát, mái lợp ngói đất đã xỉn màu. Thấy chúng tôi, một ông già mặc áo nâu sồng dài, đầu đội lúp nâu, khuôn mặt bệu ra nhẫn nhục, từ trong miếu bước ra chào đón. Khi Cường giới thiệu tôi, ông cúi đầu hai bàn tay chắp lại vái vái, miệng dạ dạ không ngớt.
Ông xăng xái dẫn chúng tôi dâng hương lên bàn thờ gỗ tràm, có mấy bát nhang. Cường cho biết đây là miếu thờ thần đã gieo trồng lúa ma, như là thành hoàng vậy, cùng những người dân chết trong những đêm gặt lúa. Người đi gặt lúa ma về thường ghé qua thắp nhang để tưởng nhớ và cầu xin vong hồn họ phù hộ cho được bình an.
Tôi không đủ sức khỏe để đi gặt lúa ma như cậu nên tôi xin được hàng ngày nhang khói thờ ma. Tôi muốn dành thời gian cuối đời để nhang khói thờ vong hồn người chết trên cánh đồng ma này. Nói ma ác nhưng đó chỉ là đồn đại chớ thiệt tình ma rất hiền. Sống mấy năm ở đây tôi thấy yên tĩnh quá! Ông già nói vậy, hai tay vẫn chắp như vái lạy người nghe.
Khi lên xuồng về nhà, Cường cho tôi biết, ông già trông coi miếu chính là ông Mười Tiếp. Khi Cường dạt về xứ này được vài năm thì ông bị khởi tố vì làm thất thoát một khối tài sản lớn rồi bị lãnh mười tám năm tù giam. Người vợ hờ cũng đã ôm một mớ tiền cùng thằng tình nhân trốn đi mất hút. Những người được ông nâng đỡ cũng rời bỏ ông. Khi ra tù ông về xứ này tìm Cường. Tội tôi lớn lắm. Được một năm, ông đến ngôi miếu này cất ngôi nhà cao cẳng ở phía sau để hàng ngày quét dọn, hướng dẫn người đến dâng hương tưởng nhớ linh hồn người đã chết trên cánh đồng hoang Tràm Sếu.
Tháp Mười, 30/12/2020
Nguyễn Quốc Trung
Theo https://vanvn.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam

  Tính quy phạm và sư phá vỡ nó trong thể loại thơ đương luật văn học trung đại Việt Nam 1. Khái niệm 1.1. Thể loại Đường luật   Thơ Đ...