Đi tìm màu cây giữa phẳng
lặng cát trắng
Đứng trước ruộng dưa
xanh lấm chấm những trái non vươn mình trong gió sớm, gợi lên mùi đất cát trong
trẻo xa xưa, tôi ngập trong rừng kí ức của khoảng trời mênh mông thơ ấu nơi đất
Trằm.
Điều này đồng dạng nào
đó khi nhắc đến Marcel Proust: “...một hương thơm, một mùi vị tìm thấy lại
trong những trường hợp khác lại thức dậy trong ta, và ngoài ý muốn của ta, một
cái quá khứ... thật khác biệt với cái quá khứ do ta cố tình vẽ ra, giống như những
hoạ sĩ bất tài, với những màu sắc thiếu sự thật...”. Tôi chắc rằng mình không
phải là một họa sĩ bất tài, với những màu sắc thiếu sự thật, mà đích thị là kẻ
nuối tiếc những kí ức ấu thơ nằm lại đây đó trên đất Trằm. Tất cả đã sống lại
lưng chừng trong cái hình hài quá khứ. Tôi nhớ mùi hương của đất, những trái
dưa ngọt, màu xanh của khoai, vị cay của ớt, sự nhọc nhằn của rẫy sắn và cả màu
xanh ngút mắt của nương bãi xa xa nhấp nhô giữa màu cát trắng đầy ân huệ.
Thỉnh thoảng trong những
giấc mơ, tôi thấy mình chạy cùng cánh diều trên vùng đất mênh mông của tuổi
thơ. Vùng đất ấy xanh một màu cây giữa phẳng lặng cát trắng ngập tràn nắng gió.
Dân quê tôi gọi đó là vùng Trằm, nơi lưu giữ những tháng năm của bầu trời xanh,
của đồng dưa thơm lành.
Trằm là một dạng địa
hình sinh thái thường thấy ở những miền quê Huế hay Quảng Trị. Xen giữa những
núi đồi xanh thẳm, đồng bằng màu mỡ là vùng đất cát sâu trong nội đồng, có nơi
như một sa mạc trắng bát ngát, tưởng không có sự sống nào nảy mầm lại xuất hiện
điểm trũng như cái hồ nước rộng, đất đai trù mật, dân gian quen gọi là vùng Trằm.
Một người bạn địa chất của tôi cho rằng đây là dấu vết của một dòng sông cổ ở
những đoạn không bị cát vùi lấp. Chất đất ở đây có sự pha trộn giữa cát trắng
và đất thịt, gọi là đất cát pha, nên tơi xốp và khá màu mỡ. Vùng Trằm quê tôi
cách dòng sông Tả Trạch, một trong hai nguồn chính của dòng sông Hương, một khoảng
núi đồi. Vô vàn khe suối vẫn còn len lỏi trong những cánh rừng để chảy vào
sông, làm màu mỡ cho các vùng đất bán sơn địa ở vùng trung du Hương Thủy. Dấu
tích dòng sông cổ có thể là những chia cắt đứt đoạn dòng chảy của nó, ngày nay
đã hình thành rải rác những hồ, những vùng đất trũng len xen giữa các núi đồi
trước khi nó bị biến mất. Hồ Động Lực, hồ Châu Sơn, hồ Ba Cửa, và vô số những
vùng đất thấp, sũng nước quanh quẩn giữa rừng núi và đồng bằng Hương Thủy cho
ta thấy cái dấu vết ấy. Nếu trải dài ra nữa thì địa vực của cát trắng rất rộng
lớn, phủ từ Thủy Phù, Phú Bài tới Thủy Châu, Thủy Phương... Nhưng duy đất Thủy
Châu quê tôi, mới có vùng Trằm tươi tốt, xanh mát quanh năm.
Vùng Trằm có những đặc
tính của một thung lũng. Ba mặt Tây, Nam, Bắc là núi đồi bao phủ. Phía Tây, cồn
Giăng và cồn Sứ nhô lên với bạt ngàn lăng mộ bao đời của người làng, nhuốm lên
cái vẻ u buồn vĩnh hằng. Núi Châu Sơn ở phía Bắc luôn xanh mát với những rừng
cây, đứng ở đó sẽ thu trọn Trằm vào tầm mắt, thấy được nhịp sống không ngừng nảy
nở nơi đây. Hướng Đông, ga tàu Hương Thủy ngày đêm inh ỏi những tiếng còi đi -
đến. Tiếng còi là âm thanh duy nhất phá vỡ bầu không khí yên tĩnh của Trằm mỗi
sớm mai. Nó làm cuộc chia ly thêm nghẹn ngào và sự tưởng tượng sân ga vắng bóng
người khi ta ngồi trên đất Trằm khiến cho cái không khí ấy thêm phần ảm đạm. Tiếng
còi ấy đi vào lòng Trằm, vào tôi, vào nỗi xa vắng đầy khắc khoải. Nhưng Trằm lại
có một thứ tinh thần, ở đây tôi mượn tạm thứ “Tinh thần thung lũng” của
Taitetsu Unno để nói rằng: “Trong thung lũng, sự trù phú được nuôi dưỡng và
sáng tạo năng động được sinh ra”. Đúng với Trằm, với những người nông dân chân
chất quê tôi, cần mẫn gieo màu xanh lên vùng đất người ta bỏ quên vì chiến
tranh. Taitetsu Unno lại nói: “Thung lũng cuối cùng là nơi an nghỉ cho mọi sự bị
trôi từ đỉnh núi, thu gom mọi loại bị từ chối và rác rưởi của xã hội và chào
đón cái không cần đến, cái thừa, cái gây thất vọng, cái tan nát”. Trằm chứa đựng
sự bao dung, cố vun vén cho sự mưu sinh đầy lao khổ của những con người cần cù.
Trong sự tĩnh tại, một ngọn gió Trằm khởi sinh một niệm an lành, cộng hưởng
cùng tiếng chuông chùa Thần Phù ngân vọng giữa đêm sâu.
Giữa đất Trằm, nhà tôi
được phân ra ba khu ruộng trồng, cộng lại cũng gần một mẫu. Chúng nằm cách xa
nhau giữa những đất của người khác. Nhà tôi trồng dưa, trồng khoai sắn, lạc và
xen canh bắp, đậu xanh, tùy mùa, tùy tháng, nhưng nhiều nhất vẫn là dưa. Đất Trằm
là đất cát pha, rất thích hợp với dưa, nhất là dưa gang và dưa quả. Những cây
dưa gang thân dài, nhiều lông tơ cứng, lá như lá bí đao non. Trồng độ hai
tháng, dưa bắt đầu trổ bông. Những bông dưa màu vàng bé xíu, có vẻ đài các giữa
màu cát trắng và nổi bật trên màu xanh của lá. Sớm sớm, vô số ong, bướm thi
nhau bay lượn khắp ruộng dưa. Ong ruồi, ong than, ong đất, ong bọ ngựa và ti tỉ
loài bướm tôi không biết hết tên. Ong ở Trằm nhiều vô kể, mỗi lần hoa nở là
chúng kéo về từng đoàn dập dìu quanh những ruộng dưa. Tuổi thơ của tôi có vô số
lần bị ong chích vì những trò nghịch dại. Những lần ấy, mẹ rầy la suốt buổi và
nỗi âu lo hiện rõ trên đôi mắt mẹ.
Nhờ ong bướm, ruộng
dưa nhà tôi ngập những trái non. Dưa gang trông như dưa chuột nhưng màu nhạt
hơn và có phần cong queo. Trái to nhất phải bằng bắp chân người lớn, có hai màu
nửa trắng ngà, nửa xanh với những đường vân dọc. Những trái to như thế nhà tôi
thường đem bán cho thương lái. Tôi thích những quả còi cọc nhưng rất thơm, mát
ngọt. Mỗi lần ăn, chẳng cần đến dao, chỉ cần đưa quả dưa gang lên đầu gối và đập
một phát, dưa vỡ đôi, vị ngọt tự nhiên.
Để những hoa màu luôn
xanh tốt, phân bón và nước là hai yếu tố cần thiết và quan trọng nhất trên vùng
đất Trằm. Nhưng đem được phân và lấy được nước từ Trằm là công việc rất vất vả.
Phân chủ yếu là phân chuồng, có trộn thêm rơm, lấy từ các chuồng trại trong
xóm. Mỗi lần lấy phân là những lần cơ nhọc. Cả ba, mẹ và bà tôi đều còng lưng
xúc chở lên xe công nông. Xe chở vào Trằm rồi lại còn gánh về từng ruộng dưa.
Công việc đó kéo dài đến hằng tuần. Mười năm với công việc ấy trên đất Trằm, bà
tôi sau này bị vẹo cột sống, hai đầu gối luôn nhức buốt khi trở trời, đi lại
khó khăn. Mỗi lần như thế bà lại nhớ về Trằm, không một lời thở than, trách
móc.
Những mùa khô hạn, nhất
là khi gió Lào về, nước mới quý nhường nào. Bà con các ruộng dưa gần nhau cùng
chung sức đào giếng. Đất Trằm cát nhiều dễ đào nhưng lại dễ sụp. Đào độ ba, bốn
mét là có mạch nước chảy ra mát rượi cả một cuộc đất. Nước ngầm của Trằm trong,
có mùi oai oải của rễ mục, uống không được nhưng tưới tắm rất mát. Giếng dùng
được vài ba mùa lại bị cạn nguồn, phải đào giếng khác. Những lần ấy vui như hội,
người đào kẻ cuốc, đám trẻ con tha hồ nghịch đất chờ mạch nước phun lên trong
tiếng reo hò tưởng vỡ cả đất Trằm.
Mùa dưa chín, cả Trằm
bận rộn từ mơ trời đến tối mịt. Cuộc chống chọi với những kẻ trộm dưa cũng lắm
chuyện bi hài. Trằm tuy ở xa dân cư nhưng vẫn là nơi để mắt của đám trẻ hoang
nghịch, nhưng hãi hơn cả là lứa thanh niên manh động trộm dưa, có khi vác cả
bao tải chỉ để đổi một chầu nhậu. Việc giữ dưa được đặt lên hàng đầu. Cả nhà
tôi thay nhau vào Trằm, bà giữ cả ngày, riêng buổi tối thì ba và tôi vào ngủ
canh.
Những đêm tối canh
dưa, vùng Trằm tối đen mù mịt và tĩnh lặng. Cả bầu trời đầy ánh sao giăng, dường
như là phủ lên tất cả khoảng trống của thung lũng. Khi nằm ngủ, ngó nghiêng qua
dưới mái thấy sao chi chít trên đầu. Nhiều đêm, tôi đi vào giấc ngủ bằng những
ánh sao sà xuống êm đềm bên kia bờ mộng. Trằm mênh mông quá nên bầu trời sao rộng
và dài, như thể nằm giữa đất ấy là có cả thiên hà trong mắt. Những ánh sao toát
lên vẻ kì vĩ xa vời. Trong ánh hiền dịu của sao, tôi gối đầu lên tay ba để ngủ.
Đến bây giờ tôi vẫn nhớ mùi mồ hôi của ba, giàu hương đất, hương cỏ cây và mằn
mặn một chút muối lành. Tôi đi vào giấc ngủ chiêm bao đồng xanh với cánh diều mải
miết bay và những bàn chân nhỏ quấy tung cát trắng.
Vào những mùa trăng,
vùng Trằm vui nhộn hơn bao giờ hết. Tất cả gió núi đua nhau chạy xuống thung
lũng, mang cái hơi mát của những rừng cây đương ngủ trong sương đêm. Trăng lừng
lững nhô lên ở phía đông, trên những hàng cây che khuất ga tàu xa xa. Ánh trăng
bạc phủ xuống ruộng dưa khoai, xuống cả gương mặt trẻ thơ chúng tôi đương hát
bài đồng dao gọi trăng lên.
Mặt trăng đã mọt (mọc)
Ông cọt (cọp) đã ra
Ông cha đi rú
Ông chú ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt chặt đuôi
Bắt ruồi chặt cạnh
Mụ Hạnh nấu cơm
Mụ đơm cơm cháy
Mụ quấy bà tra
Mụ la con nít...
Ông cọt (cọp) đã ra
Ông cha đi rú
Ông chú ở nhà
Bắt gà làm thịt
Bắt vịt chặt đuôi
Bắt ruồi chặt cạnh
Mụ Hạnh nấu cơm
Mụ đơm cơm cháy
Mụ quấy bà tra
Mụ la con nít...
Chúng tôi nối đuôi
nhau đi lòng vòng trên những mô đất, vừa đi vừa hát, xô nhau ngã nhoài giữa
sóng trăng nhấp nhô bờ cỏ. Hơi trăng quấn quýt từ những cây tràm cao, lan xuống
ruộng dưa, khoai sắn, phả ra cái màu thủy mặc trên những lối mòn bờ bụi. Cỏ nghểnh
cao đầu chờ những giọt sương trăng rơi giữa đêm mát lành. Trong ánh trăng, những
quả dưa non bóng láng, lấp lánh như những viên ngọc xanh.
Khoảng giữa mùa dưa,
vào những ngày trăng như thế này lũ trẻ nít chúng tôi có một trò chơi rất thú,
đó là đi bắt những con mè mè. Con mè mè có hình dạng giông giống con bọ hung,
nhưng khác là nó không có sừng và rất xinh xắn. Có hai loại là mè mè nếp và mè
mè lòn, mè mè nếp màu trắng, rất hiếm, còn mè mè lòn màu nâu thì nhiều vô kể.
Mè mè là một loại côn trùng rất sạch, chúng sống trong đất cát Trằm, đợi đến
đêm bay lượn khắp nơi để tìm bạn đời. Chúng bay hàng đàn với những tiếng vỗ
cánh rất khỏe, vù vù xuyên đêm. Trong ánh trăng sáng, chúng bay ù qua tai và chỉ
cần cởi áo tụm lại như một cái bao là có thể bắt chúng được. Những bụi chứa
gai, những cành tràm hoa vàng cũng là nơi chúng hay đậu bám. Bắt được mè mè rồi,
thì cột một sợi chỉ vào chân và bỏ trong túi áo, lâu lâu đem ra khoe với chúng
bạn bằng cái màn quay tít như vòng xe của con vật tội nghiệp. Chúng rất dễ
thương, nuôi ở nhà phải để ngoài trời cho nó ăn sương. Ấy vậy mà nhiều chú không
thích nghi được đã chết, chú khác may mắn hơn cắn chỉ bay về lại đất Trằm.
Những mùa trăng lung
linh là cơ hội thấy hết những kẻ bí ẩn sinh sống trên đất Trằm. Tôi sợ nhất là
giáp mặt với mấy chú rắn roi. Đây là loài rắn nhỏ luôn ở trên cây, ở những cành
bụi rậm rạp và hầu như có mặt suốt đêm trăng. Gọi là rắn roi vì dài như một cây
roi chăn trâu màu xám, người ta đồn rằng nếu đụng phải thì nó cong đuôi quất
vào người, chỗ đó sau sẽ sưng tấy lên, tê liệt và dẫn đến hoại tử. Tôi chưa chứng
kiến ai bị như vậy cả nhưng vẫn cứ tin là rắn roi có thể làm được như thế. Có
đêm trăng đi chơi, tôi gặp phải nó đang vắt vẻo trên một cành dứa dại. Đôi mắt
sáng quắc, thao láo nhìn vào đêm, thỉnh thoảng nó thè lưỡi ra bắt ruồi muỗi.
Trông rắn roi hiền lành, vô hại nhưng khi cái đuôi của nó quất lên để chuyền
cành, tôi ù té chạy.
Có đôi lần, những loài
thú hoang từ rừng xa ghé qua đất Trằm. Các vị khách lạ ấy là câu chuyện thú vị
được kể trên những ruộng dưa, khoai. Những nai, mang, dê núi, thỏ rừng... nhiều
lần mon men đến đất ruộng. Sáng ra, những dấu chân của chúng còn trên cát, dăm
ba đọt dưa bị dẫm nát. Tôi cảm nhận được mùi rừng còn đâu đó trên cỏ, trên lá
cây ven con đường mòn, một thứ mùi hăng hắc và cô liêu.
Mỗi độ tháng năm,
tháng sáu, gió Lào bắt đầu tràn về Trằm. Cái lưỡi bỏng rực của nó liếm lên núi
đồi, lên cả vùng đất cát cày sâu cuốc bẫm. Gió Lào hừng hực táp lên những cây
tràm hoa vàng già cỗi, những bụi sim và đau đớn nhất là những ruộng dưa khoai
đang mùa thu hoạch. Nó hung hăng quật những bóng mát ngả nghiêng, làm nhiều luống
dưa khô lại trên những vồng cát. Mặt trời tháng ấy như cộng hưởng cùng gió Lào,
mặc sức buông nắng xuống Trằm, như thể ban phát một ân huệ mà không ai muốn nhận.
Giữa nắng trưa cháy rát, gió Lào hùa theo nắng làm khô cát, cuốn chúng nhảy múa
vô hồi giữa nương rẫy. Những đợt gió tràn về mỗi lúc mỗi lớn, cày xới từng hạt
cát, vồng dưa, bụi cỏ khiến quang cảnh mịt mù như trước một cơn giông. Tôi hãy
còn nhỏ lắm, ngồi trong trại canh nhìn ra ngoài với sự bất lực và sợ hãi. Bà
tôi ngồi cạnh đấy nhai trầu như thể thách thức với gió Lào, với nắng. Bà quen rồi,
quen cái nắng gió bỏng, hách dịch ấy và cách duy nhất là chịu đựng. Da bà tôi
đã nhăn như một tàu lá chuối khô, dần sạm đen trong những ngày gió Lào khốc liệt.
Tôi thương bà quá, thương xách cơm trắng với dăm miếng cá kho, dưa vại, đưa lên
miệng đã rộn rạo cát khô.
Độ bốn, năm giờ chiều,
gió Lào yếu dần, mệt mỏi thổi những hơi nóng còn lại lên vùng đất bị dằn xé sau
một ngày dài. Đến khi sức lực của gió không đủ xô nghiêng một ngọn cỏ, nó âm thầm
chìm vào núi đồi ngủ nghỉ, để rồi trưa mai, một trận gió Lào hung hăng khác lại
điên cuồng xung trận, gieo khô hanh, nóng rẩy xuống vùng đất tội nghiệp.
Ngày nắng cháy là thế
nhưng khi chiều xuống, cả vùng Trằm dịu đi một cách lạ thường. Tôi nhỏ bé đứng
trên cồn đất dựng trại nhìn Trằm yên ả một màu xanh. Những làn gió núi thổi ra
nhè nhẹ, làm bay bay những cọng tranh vàng trên mái. Một vài con ong đất cần mẫn
chích mật những bông cỏ trai cuối ngày. Nắng bắt đầu nhạt đi, thay vào đó là
màu vàng của tơ non rải rác buông xuống những ruộng dưa hãy còn khô khát. Giờ
này nhìn về cồn Giăng, nơi yên giấc nghìn thu bao đời của người làng, một màu
buồn dại phủ lên. Nắng chiếu thấp qua những lăng mộ, để lại bức hậu cảnh xám xịt,
nhấp nhô những trụ biểu đâm lên trời mây thấp. Mỗi lần nhìn về hướng ấy, lòng
tôi thắt lại trước bao cuộc vĩnh hằng chia phôi. Ông nội tôi ở nơi ấy, bà bảo
thế mỗi lần tôi nhìn về Giăng. Tôi đã đến thăm mộ ông mấy lần, một mộ đất đầy cỏ
dại với một bia xi-măng mòn tên mòn tuổi.
Những kí ức về Trằm bị
xé mảnh, vỡ vụn đi khi đám mây kéo đen bầu trời Huế, một ánh chớp lóe lên, tiếng
sấm ầm ầm giận dữ trên hàng cây đương hoa mùa hạ. Trong cơn mưa vồ vập của phố,
tôi sống lại thời bé thơ, trong cơn giông dữ dội đổ xuống trên đất Trằm năm
xưa. Đó là một ngày đầy u ám của những ruộng dưa cuối mùa, phơi trong cái nắng
gay gắt mùa hè. Tôi cùng em trai mang giỏ vào mót những quả dưa còn lại để về bỏ
muối. Chúng tôi chạy tung tăng trên những ruộng dưa suốt buổi trưa. Dưa cuối
mùa quắt queo tội nghiệp, nhiều trái vàng hoai đi, rữa ra. Cái giỏ mang theo
bòn mót vất vả lắm chỉ được dăm trái. Giữa chiều, nắng nhạt đột ngột, một bóng
mây đen u ám kéo về che khuất mặt trời. Bầu trời bỗng dưng tối đi như thể có ai
đó choàng lên một tấm áo đen ngột ngạt. Những con chim rừng dáo dác bay bay
trên cao, màu trắng của chúng in đậm trên cái phông nền đen kịt. Bốn bề im lặng
và núi đồi tự nhiên xa thăm thẳm. Mây mỗi lúc mỗi dày hơn, có cảm giác như trời
sắp sụp xuống Trằm. Phía cồn Giăng, một vài ánh chớp lóe lên dài nhằng như sợi
dây điện. Ầm... ầm... ầm, sét đánh kinh thiên bằng thứ âm thanh khô khốc, nhói
buốt. Những tiếng í ới gọi nhau khắp Trằm, người ta dừng việc, vác cuốc về nhà.
Hai anh em tôi ngơ ngác trước sự đổi thay nhanh chóng đó, không biết đi đâu vì
phải còn chờ ba vào đón. Một vài giọt mưa nặng hạt rơi xuống Trằm, nhỏ vào mặt
tôi lời cảnh báo. Những giọt nước mưa đầu cơn giông to như viên cuội ném lên
người tôi. Những tia chớp bây giờ chạy từ cồn Giăng lên đồi Châu Sơn, lại kéo
nhau chạy về phía ga, khiến cho cả đất Trằm ngập tràn ánh chớp giằng xé. Mưa bắt
đầu ào ạt trút xuống. Chúng tôi chạy nhanh đến trại lá đã tả tơi sau một mùa
dưa. Hai ba đứa trẻ khác cũng chạy đến trú, mặt đứa nào đứa nấy tím tái vì sợ.
Sấm nổ như trái phá, đùng đoàng khắp nơi. Sự sống bấy giờ rất mỏng manh nếu chỉ
một tia sét giáng xuống trại, chúng tôi tựa vào nhau bó gối nhìn ra ngoài. Mưa
mỗi lúc mỗi lớn, rào rạt phủ lên mặt đất. Gió thổi như bão, thốc từng dây dưa
khô héo, cuốn những hạt cát chưa thấm nước mưa chạy sàn sạt dưới chân. Mưa gió
thốc lên mái tranh, chỉ phút chốc chúng tôi đã sũng nước, lạnh run người.
Ngoài kia, sét đánh
gãy những thân cây tràm hoa vàng. Sét ngày ấy dạy cho tôi bài học về sự chịu đựng,
lắng nghe tiếng thiên nhiên thét gào, thấy được những trạng tính tự nhiên đang
bị dìm sâu. Một tiếng sét hằn lên thung lũng hay ý niệm về sự thức tỉnh, là
linh ảnh ta nắm giữ, khai mở một khoảng ngộ trong một thời khắc giao hòa giữa
bình yên và cuồng nộ. Những tiếng sét vô tri phút chốc bỗng trở thành thứ ngôn
ngữ ám gợi, siêu năng. Giờ đây, tôi có thể hiểu tiếng sét là một trong những
cái duy nhất có thể biến chuyển sự mặc định. Nó làm biến đổi những thứ vốn dĩ bằng
lòng với thực tại, sự yên bình hay đau khổ. Sét cắt xẻ và chia những tính phận
của tôi, chúng ta, nhân loại hay tự nhiên này.
Trong cái trại nhỏ,
mưa thốc bốn bề và những tia sét cày trên mặt đất, tôi bé thơ không đủ can đảm
để chạy đi nơi khác, mà chạy đi đâu giữa mênh mông Trằm, xối xả mưa và đầy sấm
sét. Tôi nghĩ là sét thở than, sét quát tháo, sét điên cuồng... vì một ẩn ức
nào đó. Sau này cơn giông qua, nhiều cây cối bị mưa gió quật gốc, sét đánh gãy,
một vài trâu bò chết tức tưởi bởi những tia điện trời. Sự sống thật khốc liệt
và không lường được. Chưa bao giờ tôi lạnh, sợ và bất lực như thế. Mưa lạnh ngấm
vào tận xương, người run bắn như một kẻ sốt rét. Chúng tôi dựa vào nhau để chống
chọi, nhưng rồi những cơ thể nhỏ bé chỉ làm cho màn cộng hưởng run, sợ kia dữ dội
lên thôi. Mưa trắng xóa đất trời, và đó là nỗi thê lương gieo lên Trằm chất buồn
bã hiếm khi. Gần hai tiếng đồng hồ chịu đựng cơn giông, chú Phùng, một người bạn
của ba băng mưa gió vượt đến trại bế em tôi và dắt tôi cùng mấy đứa khác đi ra
xóm. Những bóng người xiêu vẹo trong mưa, chân đi như muốn xô ngã, chéo lệch
trên mặt đất đã bì bõm nước. Tôi ngoái nhìn đằng sau, màu xanh của Trằm biến mất,
chỉ còn một khoảng bao la mưa phủ và nước bao vây trắng màu nương bãi.
Cơn giông ấy đã qua
đi, để lại một niềm mãnh liệt trong tâm hồn tôi, nuôi dưỡng những cảm thức
không bao giờ quên lãng về Trằm. Nơi cả nhà tôi, bà con, chòm xóm tôi bao ngày
tháng chăm chút cành xanh, trái ngọt. Tôi nhớ ba những sáng chở bao dưa to tướng
bằng chiếc xe đạp còi cọc để lên tận chợ An Cựu. Nhớ những ngày ba vác cuốc xới
từng thớ đất trồng dưa, vun vồng trồng khoai, mồ hôi ba chảy xuống đất Trằm,
làm mặn đi giây phút đất lành. Giờ ba đã về cõi vĩnh hằng, chọn đất cồn Sứ xa
xa, ngoảnh đầu thấy Trằm mỗi sáng chiều, thấy hồ Châu Sơn nước đong đầy bến
mát. Sống ở Trằm và chết về Trằm, ba ơi, cát bụi chân ai còn bay mãi giữa đất
Trằm mênh mông. “Những ngày và những tháng đều là kẻ lữ hành của thiên thu”,
tôi xin ký thác tất cả vào Trằm, vớt vát những gì của ấu thơ còn lại, của mùi mồ
hôi ba ấm nồng trong đêm ngủ giữa ruộng dưa ngập ánh trăng hiền.
Giờ tôi đứng giữa đất
Trằm, hẫng hụt một mình giữa hoàng hôn. Trằm không còn nguyên vẹn như xưa, người
ta đã quy hoạch nó thành đô thị. Một con đường nhựa cắt ngang Trằm như một con
đỉa lớn thô kệch. Những cọc, mốc cắm lên chia xẻ đất Trằm ra từng vạt đất khô
khốc. Nhà cửa mọc dần lên, át đi cái màu xanh núi đồi, cây dại và cả ánh chiều
cũng kệch cỡm đi qua cồn Giăng. Dăm ba ruộng dưa lạc lõng giữa tất cả những thứ
xống xếnh và thô kệch đó. Tôi đứng giữa mênh mông, lòng xốn như xát muối. Trằm
giờ thành kí ức.
Kí ức đó hằn lên cuộc
sống của một kẻ trưởng thành ở không gian phố thị, là một nỗi ngang trái với
quá khứ huy hoàng thơ dại. Tìm cách gợi lại những bóng hình của quá khứ, là việc
không phải của riêng tôi, kẻ đã thất lạc mình giữa những xa vắng lung linh, mà
là nỗ lực của tất cả những ai từng sống trọn vẹn trong dung ảnh xa xưa của một
thời nào đó, đến không bao giờ nhòa xóa đi, không bao giờ quên lãng. Tôi chắc
mình không hoài công khi cố lục lọi những gì còn lại của Trằm, của gia đình
tôi, của những con người đánh đổi thời gian và sức lực trên màu xanh vĩnh cửu
hoa màu. Những dòng trên đây là cách duy nhất để tìm lại quãng thời gian đã tan
chảy ấp chứa trong nó một vùng đất, cuộc sống đồng quê, những mảnh đời, những kỉ
niệm lạc mất, những rung cảm chân thật... Tôi cố nuôi tham vọng kiến tạo quá khứ
bằng nỗi nhớ, sự dằn vặt đầy thôi thúc từ tiềm thức để kéo lại những phút giây
tươi đẹp mỏng mảnh, níu lại cái tính bất định của sự vật vô thường trôi qua
trong sự bất lực của chính tôi. Tôi không hoài công với vài trang viết, nhưng
tôi thất bại vì tất cả đã thực sự trôi qua rồi, cái còn lại đây chỉ là những ảo
ảnh tính linh mà tôi đã nhận diện phần nào trong đại dương sâu thẳm trích từ
quá khứ.
Huế, đầu hạ 2014
LÊ VŨ TRƯỜNG GIANG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét