Chủ Nhật, 2 tháng 4, 2017

Về chỗ cũ

Về chỗ cũ
Nhà thờ Cột đèn ba ngọn (cũ) 
nay là nhà thờ Chính tòa, 
giáo xứ Thánh Tâm Ban Mê Thuột. 
 Qúy vị đang nghe Ave Maria của Gounod

Tháng 4.2013, tôi trở lại Ban Mê Thuột sau 56 năm bỏ về Sài Gòn khi một cơn ho ra ít máu, khiến tôi không thể ở lại, nếu không, có lẽ tôi sẽ ở Ban Mê Thuột lâu hơn. Cuối tháng 11 vừa qua tôi lại lên để tìm sự yên tĩnh và nghỉ ngơi, uống cà phê trong mùa lạnh và gió rừng, và một lần nữa thăm chỗ cũ trên đường Y Jut, đi nhà thờ Chính tòa, giáo xứ Thánh Tâm trên đường Phan Chu Trinh.
Nhưng nếu chỉ để tìm sự yên tĩnh cho tâm hồn và nghỉ ngơi, thì không thiếu nơi gần Sài Gòn hơn, như Thủ Đức, Long Thành, Bà Rịa, Vũng Tàu, xa hơn một chút có Đơn Dương v.v…, những nơi này có một địa chỉ với một không gian trầm lặng, một môi trường thích hợp cho người đi tìm cái thanh cao cho tâm hồn, đi tìm chất liệu cho đời sống hạnh phúc thật sự, trong lúc bên cạnh nó là những bất hạnh, những đau đớn xé lòng, những chênh vênh, những bất định của tương lai con người. Bởi vì những nơi này có các đan viện tức nhà dòng chiêm niệm (Xitô) lúc nào cũng mở rộng cửa để đón những ai tìm đến tĩnh tâm,cầu nguyện, nghỉ ngơi trong vài ngày. Những đan viện này, có nơi tôi đã đến, chỉ một ngày hay thăm viếng ít giờ vì đi chung với một đoàn thể, nên không có “cuộc sống” của tôi ở đây. Mặt khác nếu chỉ để “nghỉ mát”, thì có Vũng Tàu, có Đà Lạt, Nha Trang… Nhưng muốn có kỷ niệm để nhớ, để “về”, phải có thời gian, có “cuộc sống” rồi thời gian và cuộc sống ấy len lỏi mãi vào tiềm thức, “ngủ im” mãi ở trong ấy. Cho đến một lúc nào đó, cái tiềm thức ấy gặp được một sự tình cờ, như chiếc lá vàng rơi xuống bờ vai ở một nơi nào đó trên đường đi đến nhà thờ hay tại một nghĩa trang, hoặc như một cơn gió nhẹ ban mai thoáng hơi lạnh mùa Noel ở Sài Gòn, một chiều mưa sau hồi chuông tắt lửa, khách cô đơn và lặng lẽ rời nhà thờ…Có thể còn có nhiều cái “tình cờ” khác nữa gọi cái tiềm thức đã “ngủ im” lâu ngày, nhiều năm nhiều tháng trở dậy. Ý thức xuất hiện, khiến khách phải lên đường, đi tìm lại những gì chưa hẳn đã lãng quên, nhưng “mờ nhân ảnh”.
Ngoài quê hương của mình ra thì Hoàng Nguyên, Hà Đông và Ban Mê Thuột có những kỷ niệm rất yêu dấu của một thời đã “ngủ im” trong hồn tôi, nên khi tôi không còn vướng bận gì về chuyện cơm áo và ở vào cái tuổi của hoài niệm thì tôi đã lên đường để đào bới những kỷ niệm của quá khứ tại các nơi này. Những gì tôi tìm lại được là một phần quan trọng của đời tôi. Tôi yêu quý và giữ gìn nó như trái tim tôi. Nói cách khác, nó là trái tim tôi, là hồn tôi. Ở đây, tôi muốn nói lại một điều mà trong một truyện ký viết năm 1999 tôi đã nói đến, đó là việc “Tôi đi tìm tôi” khi tôi về thăm quê nhà và đi thăm ngôi trường Hoàng Nguyên, nơi đào tạo linh mục cho địa phận Hà Nội, có từ hơn 100 năm trước. Phải nói là sau quê nhà, đây là nơi tôi yêu quý và nhớ đến nhất. Tôi học ở đây không hết hai niên khóa trọn vẹn, nghĩa là thời gian sống ở Hoàng Nguyên của tôi chỉ bằng một nửa thời gian ở Ban Mê Thuột. Nhưng Hoàng Nguyên đã mở cho tôi cánh cửa đi vào tinh thần tu sĩ Kitô giáo, từ đó đến nay đã gần 70 năm. Còn Ban Mê Thuột là nơi mở cho tôi cánh cửa đi vào thi ca. Cho nên tôi coi hai nơi này là một phần quan trọng của đời tôi. Vì thế mà tôi lưu luyến, tôi yêu nó, chỉ muốn có thời gian trở lại để sống với nó ít ngày, để từ đây tôi có thể “gặp lại mình” cái mình căn cơ đã bị bụi trần gian che mờ. Không phải tôi đã đánh mất nó. Tôi đã dùng sai nhóm từ ngữ “tôi đi tìm tôi”. Thực ra, cái tôi nó vẫn không bao giờ rời tôi đi đâu hết, để phải “đi tìm”. Tôi chưa bao giờ để mất nó, để thành một con người khác, cái xác là tôi mà hồn thì của kẻ khác hay của một tập thể khác mang tính thế tục. Không, chưa bao giờ. Nó chỉ bị che phủ mà không bị xóa đi. Thời gian “cái tôi căn cơ” bị che lấp là lúc tôi lầm lỗi, đi “trật đường rầy”. Cho nên, phải tỉnh thức và cầu nguyện để cho bản thể tôi trở lại nguyên hình hài.
Chuyến lên Ban Mê Thuột lần này, tôi cũng đi máy bay vào lúc sáng sớm, 6g25 ngày 27-11-2015.Tới nơi hồi 7g. Trước khi máy bay hạ cánh, nhân viên phi hành đoàn cho biết thời tiết bên ngoài 23oC. Tôi bước xuống máy bay, gió hơi lạnh, trong số hành khách có người mặc áo ấm. Nhìn lên bầu trời như có một làn sương mỏng, trăng hạ tuần chênh chếch mờ nhạt. Những người đồng hành với tôi bước đi thư thả, họ như không có gì vội vã, khác với cảnh người ta chen chúc, lấn lướt nhau thường thấy tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất. Tôi có lẽ còn khác hơn những người vừa đi trên cùng chuyến máy bay từ trong Sài Gòn lên đây. Bởi tôi nhớ Ban Mê Thuột, tôi yêu cảnh trí ở đây, nhớ hương vị cà phê, nên tôi mới đi một mình lên đây, dù ở cái tuổi khi làm thủ tục trước khi vào phòng đợi tới giờ ra sân bay, nhân viên hỏi tôi ông có bệnh tim mạch hay áp huyết cao không, rồi làm giấy cam kết khách không khiếu nại nếu xảy ra chuyện gì trên máy bay liên quan đến căn bệnh này. Cho nên, bước chân xuống sân bay là tôi đã đạt được mục đích rồi, nên không có gì phải vội vã. Mục đích ấy thật đơn giản và ở cái tuổi khó ai tin là thật, có người ngạc nhiên. Tôi liều. Anh taxi chở tôi từ sân bay về khách sạn và ngày tôi từ khách sạn ra sân bay để về Sài-Gòn, cả hai cùng có một câu hỏi tương tự nhau: ông có ai là người quen ở đây không? Ông đi một mình vậy thôi à? Người đồng hương ở Sài-Gòn khi biết tôi đi Ban Mê Thuột thì nói: ông ấy đi tìm người tình cũ, chứ Ban Mê Thuột có gì mà đi. Có ai chọn Ban Mê Thuột làm nơi du lịch đâu. Với người lái xe taxi, tôi nói thật về mục đích. Còn với người đồng hương, nghe nói thế, tôi chỉ cười. Tôi chưa hề đi đâu với ý nghĩ là du lịch cả. Mà tôi cũng chẳng có người yêu nào ở Ban Mê Thuột. Ngày đó tôi còn đang đi học, bỗng dưng nghỉ. Nếu có người nào ở đây yêu tôi thì tôi đâu có dễ bỏ về Sài-Gòn.
Lúc bước ra khỏi phòng tại sân bay, một luồng gió mát lạnh từ khu rừng phía trước lùa tới, tôi khẽ rùng mình, nghĩ ngay đến việc phải uống một ly cà phê tại đây đã rồi mới về khách sạn. Đặc biệt, quầy cà phê này không đặt bên trong nhà ga, mà ở bên ngoài, đầu dẫy hành lang. Ngồi ở đây, khách nhìn thẳng sang khu rừng trước mặt. Quả thật, cái hồn của những ai đã tìm ra mảnh đất Ban Mê Thuột này và mang hạt giống cà phê gieo trồng tại đây, đã đón nhận một người khách như tôi, không mời mà đến, đã đem lòng yêu nó, yêu không gian yên bình đến da diết, dù không cưu mang khách từ tuổi thơ cho đến lúc khách rời xa mãi đến bây giờ, 58 năm rồi! Vậy mà dáng dấp của khách vẫn dửng dưng, coi vẻ nhạt như nước ốc, nhưng lòng khách lại rất thiết tha, mặn mà. Yêu là thế. Nhớ nhung hoài là thế. Phải chăng đấy là điều kỳ diệu là bí ẩn của nội tâm con người. Cảm ơn hồn cố nhân, hôm nay đã chạnh lòng đến một người khách, bước xuống máy bay không để khách rời khỏi đây ngay như những người khác, mà lại níu kéo khách lưu luyến không gian này, gió se lòng hoài cổ và một mình một ly cà phê sữa nóng ấm, đặc quánh. Chất đắng cà phê và chất ngọt của sữa hay mật ong gì đó hòa trộn với nhau se với không gian thanh tịnh, tiết trời mát dịu lãng đãng hơi rừng và một tâm tư u hoài, khách coi đấy là một khoảnh khắc thiêng liêng, huyền diệu, có một không hai trong đời. Khách thấy bình an trong lòng.
Chiếc taxi chở tôi đã dừng lại trước cửa khách sạn Tây Nguyên, đường Lý Thường Kiệt. Tôi bước đến quầy tiếp tân, nhận chìa khóa phòng, giao cho nhân viên khách sạn tờ CMND của mình. Lần trước tôi cũng ở tại khách sạn này, chỉ có một mình, song con gái tôi liên lạc trước với họ, lại chọn phòng hai giường, để có một không gian rộng và thoáng mát.
Lúc còn ở nhà, tôi có dự tính lên tới nơi sẽ ngủ một giấc rồi đi phố uống cà phê. Nhưng sau khi nhận phòng, tôi ngả lưng trên giường mãi mà không ngủ được. Tại lạ nhà hay tại những hình ảnh của dĩ vãng trở về đầy ắp tâm trí tôi lúc này. Nếu dĩ vãng không về với tôi lúc này, thì thật là chuyện lạ. Tôi nhắm mắt, thở sâu và tĩnh tâm để có một giấc ngủ, bù vào giấc ngủ đêm vừa qua không đầy đủ. Vẫn không sao ngủ được. Tôi biết là không nên cố gắng để có giấc ngủ, như thế là không được tự nhiên nữa. Tôi nhớ câu nói của một thiền sư người Nhật tôi đọc trong một cuốn sách Thiền của ông đã lâu: thiền là tự nhiên. Vì thế tôi trở dậy, ra ngồi bàn viết vào sổ mấy ý tưởng nẩy sinh sáng nay để về viết cái tùy bút Về chỗ cũ, lần 2, nếu không sẽ quên mất những ý tưởng của khoảnh khắc này. Sau đó, tôi mở quyển sách Gương Phúc, nay in lại là Gương Chúa Giêsu. Tác giả là một tu sĩ, tên là Thomas Homerken (Thomas a Kempis, 1380-1431). Sách thuộc loại Tu đức, được xếp sau Phúc Âm thư. Tôi lật chương có thẻ đánh dấu từ ngày hôm trước, chương XX quyển I. Chương này nói đến việc đi tìm thanh vắng và thầm lặng. Tôi chột dạ, sao lại linh nghiệm thế này? Thanh vắng, không gian ngoài kia và ký ức hội tụ ở đây, đã đưa tôi đến ngưỡng cửa của ý thức là tôi biết tôi. Điều này có hơi muộn với tôi. Nhưng những gì tôi đã thể hiện trên văn bản từ hơn nửa thế kỷ vừa qua, vẫn phản ảnh con người thật của tôi. Có thể có một vài sai lầm song nó vẫn là của tôi, cái của tôi một thời dấn thân, một thời chiến tranh, đất nước máu lửa, hận thù! Tôi ăn năn vì đã mất những gì không giữ lại được, không tìm lại được. Chỉ còn trong tâm khảm. Trớ trêu, điều này lại đỏ rực trong trái tim tôi, trong hồn tôi. Nó sẽ đi với tôi về một thế giới khác. Ở đó có hồn cố nhân từ trăm năm, ngàn năm…
Rồi ngày nào chết đi tôi biết mình sẽ mang niềm đau lớn khôn hôm nay
(Trong Tiếng hát khuẩn trùng, 1964, bài Bây giờ 2)
Chương sách Gương Phúc tôi mở ra, có một đoạn như sau:
Chính trong thầm lặng và yên hàn mà linh hồn đạo đức tiến bộ nhiều, vì trong đó họ tìm ra được những bí quyết tàng ẩn của Thánh Kinh.
Trong đó họ gặp được những suối nước mắt: họ tắm gội suốt đêm trong đó và càng sống xa tiếng ồn ào của thế tục họ càng mật thiết với Chúa Tạo thành. (Gp. quyển 1 Ch. XX, 6)
Hơn 40 năm về trước tôi đã đọc Gương Phúc, bản dịch của Thanh Hải, Hiện Tại xuất bản ở Hà Nội năm 1953. Từ đó đến nay, sách này luôn luôn ở trong tủ sách hoặc trên bàn của tôi. Mặc dù đây là một tác phẩm ra đời gần 500 năm nay, nhưng Gương Phúc vẫn được đánh giá là “hiện đại”. Người văn minh trong thế giới ngày nay càng muốn loại trừ Thiên Chúa ra khỏi môi trường sống của họ thì con người càng nghèo nàn đi, nội tâm họ càng trống rỗng, cô đơn, xã hội càng phát sinh những vấn đề ngoài sự giải quyết của nhà nước thế tục. Chỉ có Phúc Âm và sau Phúc Âm là Gương Phúc mới có một đường lối hoàn hảo giúp con người bước qua những bế tắc và những thách đố trong cuộc sống. Tính “hiện đại” của Gương Phúc là vậy.
Đọc hết chương sách Gương Phúc, tôi thinh lặng ít phút rồi ra phố ăn cơm trưa. Quán cơm này bình dân, sạch sẽ và có hương vị đất Bắc. Tôi gọi một phần cơm. Chủ quán mang cho tôi đĩa cơm, hai món mặn, một tô canh nhỏ. Còn người giúp việc thì mang ra một đĩa cà muối và chén mắm nêm. Tôi không dùng món này, cỏn mấy món kia thì ngon miệng.
Buổi trưa tôi ngủ được một giấc trong cảm giác đây là chỗ cũ của một quãng đời tôi đã đi qua lâu lắm, nên tôi thấy êm ấm và ngủ rất ngon. Trở dậy lúc 15 giờ hơn, tôi đi nhà thờ Thánh Tâm trên đường Phan Chu Trinh. Tới nơi, các cửa trong nhà thờ chưa mở, nên tôi vào Phòng Tĩnh Nguyện, phía ngoài bên cạnh đầu nhà thờ. Phòng nhỏ, chỉ đủ chỗ từ 15 đến 20 người. Phía cuối phòng, có 3,4 cái ghế xếp, còn lại có hai hàng đặt mấy tấm nệm trên mặt đất để quỳ. Tôi cầu nguyện với 15 chặng đường thương xót, lần một chuỗi kinh Mân côi, rồi đọc kinh nhật tụng kính Đức Maria Vô Nhiễm. Tôi thinh lặng nhiều phút. Tôi nhớ người đã tặng tôi chuỗi tràng hạt 50 kinh Mân côi từ hơn nửa thế kỷ, trước ngày tôi rời Sài-Gòn lên Ban Mê Thuột vào cuối thập niên 1950, mà tôi vừa đọc xong và còn đang nằm trong lòng bàn tay tôi. Những ngày đầu năm 1975, tôi nghe tin nàng đã có gia đình với một người ngoại quốc và mang cả gia đình sang Hoa Kỳ. Bây giờ nàng đang ở đâu hay đã là người thiên cổ. Tôi nâng chuỗi Mân côi lên hôn. Tôi gọi thầm tên người con gái ấy và xin phó thác nàng cho Đức Mẹ. Một giọt lệ ứa ra đọng lại ở khóe mắt và cứ để thế tôi bước ra ngoài.
Bên ngoài trời lạnh, lúc đi tôi không nghĩ là cần mang theo chiếc áo khoác.Tôi thấy đây là những khoảnh khắc ban chiều của Tây Nguyên, vào tháng cuối Thu, đầu mùa Đông, không phải bỗng dưng tôi có được, cũng chẳng phải nó là một phần mục đích tôi muốn có trong chuyến đi này sao. Còn hơn nửa giờ nữa mới có thánh lễ. Tôi đi vòng quanh nhà thờ một lượt, vừa đi vừa chiêm ngắm cảnh vật chung quanh. Đó là một hàng cây thông cao vút, càng lên cao cái ngọn nó càng nhỏ lại, còn thân thì to đến một người ôm. Phía trước mỗi cây là một cột đèn bằng sắt, cao đến hơn 1m, sơn màu đen, ở trên có ba ngọn đèn tròn màu trắng. Những cột đèn ba ngọn này có lẽ là để lưu lại trong ký ức người dân thành phố Ban Mê Thuột, đặc biệt người tín hữu ở đây và cả giáo phận Ban Mê Thuột nhớ đến ngôi nhà thờ Cột đèn ba ngọn cũ. Vị trí trước kia của nó không phải ở chỗ hiện nay mà ở chỗ bây giờ là quảng trường (tức ngã 6) có đặt chiếc xe tăng trên đó. Đứng ở cửa nhà thờ Chính tòa này, nhìn ra thấy quảng trường và cả chiếc xe tăng nữa, cách khoảng vài trăm mét. Đây không phải là quảng trường chính của Ban Mê Thuột. Quảng trường chính cách đây cũng không xa, rộng hơn nhiều. Những buổi lễ lớn, có mít tinh thì tổ chức tại đấy. Một người đàn ông lớn tuổi, gốc Huế, nhà thờ Phủ Cam, vào Ban Mê Thuột cùng thời kỳ tôi bỏ Sài-Gòn lên đây, nói với tôi, nhà thờ Cột đèn ba ngọn phải dời vô tận đây, tức nơi chúng tôi đang đứng nói chuyện trong sân nhà thờ giáo xứ Thánh Tâm, dời tới ba lần. Xưa kia rộng lắm, bây giờ còn lại có thế này thôi. Nhà thờ Chính tòa hiện nay (tức nhà thờ Thánh Tâm) đã làm lại từ lâu, vẫn hình dáng ngôi nhà thờ Cột đèn ba ngọn, nghĩa là hình thánh giá, hai cánh gà hai bên, vật liệu là nhà tiền chế, khung sắt, tháp chuông ở bên trái, phía ngoài cuối nhà thờ. Còn phía đầu nhà thờ là núi Đức Mẹ, được hình thành từ những tảng đá lớn, dựng đứng, giữa các tảng đá, có một khoảng cách ngắn, như thể đó là tượng trưng cho mỗi sắc tộc ở vùng Tây nguyên này, có lẽ thế, nên có nhiều hình dáng, trông rất nghệ thuật do giáo dân người sắc tộc mang từ trong núi ra.
Lễ xong, tôi ra về. Trời đã tối. Gió lạnh thêm. Bước ra khỏi cổng nhà thờ, tôi nhìn sang góc đường trước mặt xem có người đàn ông, có lẽ cùng độ tuổi với tôi, lái xe ôm, đứng ở đó đợi có ai dự lễ xong cần đi xe thì chở. Trông ông rất phong sương. Lần trước lên đây, mỗi chiều sau giờ lễ, tôi đều tới chỗ ông đứng nhờ ông chở về khách sạn, mặc dù nếu đi bộ cũng chỉ mất khoảng 15 hay 20 phút thôi. Lúc xuống xe, tôi trả tiền cho ông và biếu ông thêm một ít nữa. Lần cuối cùng, sau khi về đến khách sạn, tôi chào tạm biệt ông, nói ngày mai tôi trở về Sài-Gòn. Ông hơi nghiêng đầu về phía tôi, nhỏ nhẹ hỏi, “Ở Sài-Gòn, cụ ở phủ nào?” Nhưng lần này tôi không thấy ông đâu nữa. Ông đã đi đâu ? Đã về đâu ? Hay vì lý do nào khác ? Tôi nhớ khuôn mặt khắc khổ sạm nắng và bộ râu dài muối tiêu của ông.
Không có người năm trước, tôi bước qua đường, đi bộ một quãng, tới ngã tư Quang Trung – Hai Bà Trưng, tôi rẽ phải vào Hai Bà Trưng, đến một tiệm cà phê loại sang, xây cất trên một khu đất, cao hơn mặt đường đến 1m. Lề đường rộng nên sát với chân tường nhà, có một hàng ghế, mỗi bàn có một cái dù lớn trên đầu, che mưa nắng, trước mặt là một hàng cây cau cao, to một người ôm.Tôi ngồi ở đây, gọi một ly cà phê sữa nóng. Tại Sài-Gòn, một tiệm cà phê có bộ mặt nổi như thế này thì giá một ly cà phê sữa nóng sẽ đắt hơn ở đây, 5 hoặc mười ngàn đồng. Buổi sáng sau khi xuống máy bay, tôi đã uống một ly cà phê sữa nóng tại hành lang của sân bay. Có lẽ không gian và thời tiết ở hai nơi khác nhau nên ly cà phê ở đó khác hơn ở đây nhiều. Tôi khó mà quên được cái ly cà phê ấy. Nó dính chặt vào môi miệng, thơm và ngọt, như cái hôn đầu đời của một đôi tình nhân lãng mạn, với cuộc đời phong ba.
Trời lạnh mà tôi không mặc áo khoác, lại ngồi uống cà phê ở lề đường, nên lúc về tới khách sạn, tôi thấy hơi nhức đầu. Chợt nhớ là mình có mang theo thuốc, tôi mở túi xách quần áo lấy gói thuốc, uống mấy viên, sau đó đọc kinh tối, nhớ một ngày đã qua, rồi lên giường kéo chăn lên ngủ. Tôi bình an trong tâm hồn và có một giấc ngủ ngon.
Sáng ngày thứ hai ở Ban Mê Thuột, tôi thức dậy không trễ lắm. Sau khi nguyện vài lời kinh sáng và kinh nhật tụng kính Đức Maria Vô Nhiễm, tôi rời khách sạn, đi tới ngã tư Lý Thường Kiệt - Phan Bội Châu thì rẽ phải, sau đó gặp đường Y Jut. Tôi chậm rãi nhẹ bước tới chỗ ở cũ, đứng bên này đường, nhìn sang dẫy nhà trước mặt. Lần trước đến đây, dẫy nhà này đang xây cất, thì nay đã mang một bảng hiệu là Chợ Trung Tâm Buôn Ma Thuột. Tôi đứng lặng người một lúc, rồi lại nhẹ bước tới chợ cũ, thấy một tiệm cà phê, bên trong thấp thoáng một người phụ nữ trang phục lịch sự, tôi bước vào. Tiệm này ở gần cuối chợ. Người phụ nữ đến bàn tôi ngồi, hỏi tôi dùng gì. Tôi xin chị một ly cà phê sữa nóng. Lát sau chị mang cho tôi, cả bình trà nóng nữa. Tiệm này nằm ở phố chợ, nên khách là những người lao động. Ngồi ở bên này tôi nhìn thẳng sang bên kia là những kiốt chợ, thấy sự mua bán khá sầm uất. Kẻ mua lẻ, người mua buôn như những đầu mối, mang tới những buôn làng xa xôi khác. Sáu mươi năm về trước, ngôi chợ này rất nghèo nàn, hàng hóa ít lại rẻ. Người thượng ở các nơi xa ra đây mua quần áo hoặc các thực phẩm khác. Còn bây giờ, chợ đã xây cất lại kiên cố hơn, đẹp hơn, nới thêm hai chiều dài và rộng, hai tầng lầu. Phía đầu chợ, bên kia đường, (tôi không nhớ tên đường thời đó, nhưng nay là Quang Trung) có rạp chiếu bóng Lodo và tiệm sách báo gần đó, đi một quãng nữa là ngôi trường tôi dậy học trò cùng những căn nhà khác kéo dài thêm, thì nay là Chợ Trung Tâm Buôn Ma Thuột, có nhiều tầng, cùng một mô hình như khu chợ cũ xây cất lại
Ngồi ở phố chợ này, bao nhiêu hình ảnh cũ trở về với tôi, cả cuộc sống cơm áo và tinh thần. Tôi nhớ vị ân nhân và cũng là thầy dậy học của tôi lúc ở ngoài Hà Đông, nhớ những người trong gia đình ông, nhớ những học trò nhỏ và nhớ một vài người anh em trong cơ sở xã hội, đã nhận tôi là anh tinh thần. Tôi nhớ những bạn hữu ở phương xa, đã ra đi mà chẳng có ngày về! Trong lúc đó, người phụ nữ bán cà phê có lẽ thấy tôi là một người khách lạ, chỉ có một mình, lại như có nhiều tâm tư thầm kín phảng phất ở trên mặt, một điều tôi không thể che dấu được mỗi khi có u uẩn, nên đã mở nhạc cũ đãi khách. Đĩa nhạc có những bài như Tiếng chuông chiều thu, Đêm đông, Giọt mưa thu, Con thuyền không bến, Trở về mái nhà xưa, Tình hoài hương, Làng tôi, Gửi gió cho mây ngàn bay, Chiều Chúa nhật buồn… Những bài này quá đỗi thiết tha, làm khổ cho hồn viễn xứ và khách đa tình. Lòng tôi trùng xuống thật sâu. Tôi lại khóc vì tất cả, đã qua đi hết rồi, vì cuộc đời tôi sao có lắm ưu phiền. Phải chăng vì thế mà lúc này tôi đang ngồi đây ? Tôi nghĩ đến ngày ra đi sắp tới của mình.
Trở lại quán cơm ăn bữa trưa rồi về khách sạn. 15giờ, tôi tới nhà thờ, vào Phòng Tĩnh Nguyện chầu Thánh Thể. Tôi dâng cho Chúa tất cả mối quan hệ về đạo đời của tôi từ trước đến nay, xin lỗi Chúa về một lối sống đan sĩ Kitô giáo, trong đời sống hàng ngày và những công việc riêng tư của tôi, những bận lòng về chuyện đời, làm nhẹ đi một điều cần thiết là sự kết hiệp với Chúa. Ở Phòng Tĩnh Nguyện ra, tôi lên nhà thờ vì cũng gần tới giờ có thánh lễ.
Chiều nay thứ bảy, có thánh lễ Chúa nhật mừng sớm. Số người đi lễ làm tôi ngạc nhiên, trái với ý nghĩ của tôi ban đầu, nghĩ rằng đây là thành phố ở miền cao, số tín hữu tham dự thánh lễ Chúa nhật chiều thứ bảy, chắc không đông lắm. Nhưng có hai việc làm tôi ngạc nhiên. Thứ nhất, giáo dân vào nhà thờ trước khi cử hành lễ khá sớm và ngồi chật các hàng ghế, kể cả hai bên cánh gà. Nam nữ chỉnh tề trong các trang phục mầu sậm với dáng vẻ thanh lịch. Thứ hai, sau lễ có rất nhiều người ngồi lại cầu nguyện và có lẽ cũng để cho người ta về bớt đã. Tôi cũng ngồi lại ít phút rồi mới đi ra, phía bên phải, tôi đã thấy người đi lễ rất đông, đầy sân và cả xe cộ. Ra đến cuối nhà thờ, tôi nhìn sang phía trái, từ trong ra đến ngoài toàn là ô tô con nối đuôi nhau, xê dịch từng chút để ra về.
Trời đã tối và gió lạnh của Ban Mê Thuột, làm tôi quyến luyến nghĩ đến lúc sẽ phải rời xa, trở về thành phố nóng và ồn ào, tôi cảm thấy cuộc đời còn lại của tôi sẽ vẫn là thời gian của nghịch lý mà tôi phải sống. Đấy là thách đố và tôi phải vượt qua.Tôi lặng lẽ đi bộ về khách sạn.
Sáng ngày hôm sau tôi thức dậy sớm, dành ít phút cầu nguyện như thường lệ, rồi ra phố uống cà phê. Từ khách sạn Tây Nguyên, tôi đi về hướng tay phải, gặp ngã tư Lý Thường Kiệt - Hoàng Diệu, rẽ trái. Tôi bước vào tiệm cà phê đầu tiên gặp, chọn một bàn phía trong ngồi. Tôi mường tượng đây là một tiệm cà phê có dáng dấp của ngày trước, lúc tôi sống ở đây, chỉ khác một chỗ là ngày đó không có một cái kệ cao, ghế cao đặt ở phía trước, cho khách nào thích ngồi vừa thưởng thức cà phê vừa nhìn ra ngoài với xe cộ và người qua lại. Ngày đó buồn lắm, đường xá chật hẹp, đèn đóm tù mù, chập chờn, nhà cửa nghèo nàn, xe cộ ít. Việc buôn bán chưa phát triển nhiều. Đâu có ô tô và xe máy đủ loại chạy vun vút như bây giờ, cũng chẳng có con gái, thiếu nữ ngồi trên những chiếc xe máy đắt tiền, vừa lái xe mà cũng vừa như khoe dáng. Tiệm cà phê này có lẽ do một họa sĩ trẻ trang trí bên trong, từ bàn ghế đến cái ly uống cà phê và tranh treo tường. Đơn giản nhưng mang dáng dấp nghệ thuật. Tôi chú ý đến những bức tranh, có lẽ do một họa sĩ vẽ. Vì có cùng một màu sắc, êm dịu, nhẹ nhàng, đơn giản và cách phối trí. Bức tranh treo tường gần bàn tôi ngồi, vẽ một tiệm cà phê, ngoài cửa dựng một chiếc xe đạp. Có vẻ họa sĩ mô tả một cảnh trí trong cô quạnh của miền cao nguyên, hay một miền nào đó, không có người ta. Nhưng lại rất phù hợp với khách một mình từ nơi phố thị ồn ào tới, để “dừng chân” và tìm sự bình yên.
Tôi còn một cảm hứng mới từ ly cà phê của tôi, đặt trên một cái lò đất nung màu nâu, hình tròn. Lò này cao khoảng 5cm, đáy và miệng lò rộng khoảng 6cm, co lại ở giữa, phía trên có mấy lỗ nhỏ thông hơi và một lỗ hổng để đưa vào bên trong một ngọn nến nhỏ, sáp được đổ vào cái khuôn tròn, bằng thiếc trắng, rất mỏng, cao 1cm, bề mặt rộng khoảng hơn 3cm. Còn ly, cũng làm bằng đất nung, cao khoảng 4cm, màu nâu, mặt trong màu vàng nghệ, mặt ngoài điểm cành trúc, miệng ly rộng vừa đủ để đặt cái phin cà phê. Phin cà phê lược xong thì bỏ xuống. Muốn uống nóng thì đốt ngọn nến. Tôi cầm cái lò và ly đi tới quầy phía trong, hỏi một cô gái đứng ở đó về xuất xứ của nó. Một thanh niên ngồi phía sau cô gái, nghe tôi hỏi, đứng lên ngay bước tới chỗ tôi. Anh ta nói, lò và ly này đặt làm tại Sài Gòn, còn hàng bán ở ngoài thì lớn hơn một chút. Vừa nói cậu vừa quay vào trong, cầm ra một bộ, lò và ly, màu đen, mặt trong cái ly cũng màu vàng nghệ, mặt ngoài cũng cành trúc ấy. Tôi ngạc nhiên vì mình sống ở Sài Gòn đã hơn nửa thế kỷ rồi mà không biết đến nó. Không biết trước kia, lúc tôi còn trẻ, đã có chưa hay chỉ mới đây thôi. Cũng đã khá lâu, tôi không ra ngoài uống cà phê nữa. Còn mấy ngày ở Ban Mê Thuột, tôi uống tất cả 5 ly cà phê sữa ở 5 tiệm khác nhau. Nhưng chỉ có tiệm trên đường Hoàng Diệu này là có lò lửa và ly đặt làm tại Sài Gòn, phục vụ khách uống nóng.
Tôi không uống được trà theo kiểu của các nhân sĩ Bắc Hà xưa nay. Nhưng bộ lò và ly uống cà phê tôi mua ở quầy bán hàng tại phòng chờ trước khi lên máy bay, sẽ vừa là một vật kỷ niệm lần cuối tôi đi Ban Mê Thuột, vừa là những dụng cụ giúp tôi tìm sự khuây khỏa ở tuổi già, trong những nghịch lý của cuộc sống thường ngày. Với tôi, nó đã thay thế cho bình trà và tách uống trà cổ vẫn còn rải rác ở đâu đây.
Ngày 31-12-2015
Khải Triều
Theo http://newvietart.com/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch

Giải mã tục cúng Thần Tài vào mùng 10 tháng giêng âm lịch Khoảng hơn 10 năm trở lại đây, trên báo chí và mạng xã hội thường phản ánh chuyệ...