Bài thơ “Tạm biệt” của Thu Bồn nảy sinh từ trong mối giao
hòa tình cảm ấy.
Tạm biệt
Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu
Xin chào Huế một lần anh đến
Để ngàn lần anh nhớ trong mơ
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô
Áo trắng hỡi thuở tìm em không thấy
Nắng mênh mang mấy nhịp Tràng Tiền
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Nhịp cầu cong và con đường thẳng
Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Tạm biệt Huế với em là tiễn biệt
Hải Vân ơi xin người đừng tắt ngọn sao khuya
Tạm biệt nhé với chiếc hôn thầm lặng
Anh trở về hoá đá phía bên kia
Các nhà thơ có “ba bảy đường” viết về Huế. Người này phác họa
hình ảnh cô gái Kim Long. Người khác đem lòng tha thiết cùng trăng Vỹ Dạ, da
diết cùng mưa Huế. Bởi Huế đẹp nên nhiều thi nhân viết được thơ hay về Huế là
lẽ thường. Nhưng vì đã có nhiều thơ hay về Huế và vì chính Huế vốn đã là “bài
thơ đô thị tuyệt tác” nên viết về Huế cho mới, cho độc đáo là cả một thử
thách. Thu Bồn đã vượt qua “cửa ải” ấy của thơ, tìm cách nói mới để nói cho
được cái đặc thù của Huế, để có được những khám phá mới về Huế. Cái độc đáo của
nhà thơ là đã chọn thời khắc tạm biệt giữa mình với Huế để xây dựng tứ thơ.
Chắc chắn đó là thời khắc đặc biệt khiến nhà thơ thấu hết cõi lòng mình vấn
vương với Huế thân thiết như máu thịt mà có lẽ lúc bình thường không thấu hết:
Bởi vì em dắt anh lên những ngôi đền cổ
Chén ngọc giờ chìm dưới đáy sông sâu
Những lăng tẩm như hoàng hôn chống lại ngày quên lãng
Mặt trời vàng và mắt em nâu
Xuyên suốt bài thơ là dòng mạch tình cảm triền miên trong
lưu luyến của người sắp xa Huế. Số chữ trong từng câu thơ nhiều ít không hạn
định để diễn tả những dạt dào, chất chứa trong lòng. Nhưng bài thơ không đơn
thuần chỉ tả tình. Như bất cứ bài thơ thành công nào viết về Huế, “Tạm biệt”
của Thu Bồn không chỉ biểu hiện xúc cảm nồng nàn với Huế mà còn góp thêm nhiều
phát hiện mới về những nét độc đáo của thiên nhiên và con người xứ Huế-hai
nhân tố hợp thành bản sắc Huế.
Không ít nhà thơ nhận diện Huế chưa đầy đủ, nếu không nói
là phiến diện, thiên lệch, dù họ ca ngợi Huế rất thành tâm. Nói Huế đẹp, Huế
thơ, Huế mộng mơ đều đúng cả. Nhưng đó là những lời ca chưa đủ, như những
vòng hoa nhỏ khoác không xứng vừa lên mình Huế diễm lệ. Thu Bồn nhận diện Huế
toàn vẹn hơn:
Em rất thực nắng thì mờ ảo
Xin đừng lầm em với cố đô
hay:
Nón rất Huế nhưng đời không phải thế
Mặt trời lên từ phía nón em nghiêng
Với nghệ thuật tương phản, mấy đoạn thơ dẫn ra trên khắc hoạ
những đường nét khác nhau hợp thành gương mặt Huế đa dạng, viên mãn: thực quyện
với ảo, xưa gắn với nay... Hai hình tượng thẩm mỹ “nón Huế” và “mặt trời” đặt
cạnh nhau càng tô đậm nét Huế- thành phố trữ tình và khát vọng, “nữ tính” mà
cháy bỏng. Đọc “Tạm biệt” cho thấy Thu Bồn còn là một hoạ sĩ giỏi phối màu,
phối cảnh. Trong bức tranh khéo phối màu về Huế, dĩ nhiên Thu Bồn không thể
nào quên phối màu áo trắng ảo diệu của người con gái Huế: “Áo trắng hỡi thuở
tìm em không thấy”, cái màu trắng “sắc sắc, không không” mà Hàn Mặc Tử đã diễn
tả thật thần tình trong bài thơ “Đây thôn Vỹ Dạ”: “Áo em trắng quá nhìn không
ra, Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”. Nhưng Thu Bồn không lặp lại lối diễn tả cũ
về Huế, chỉ thiên về nét ảo, mà Thu Bồn đặt nét thực và nét ảo cạnh nhau,
trong thế đối nghịch “gay gắt” tưởng như phủ định nhau mà hoá ra không phải:
“Em rất thực nắng thì mờ ảo”, “Nón rất Huế nhưng đời không phải thế”. Giữa
hai nét thực và ảo đó, Thu Bồn vẫn giành nhiều “điểm nhấn” cho nét thực, thể
hiện qua lời nhắc khéo của người con gái Huế: “Xin đừng lầm em với cố đô”.
Cảm Huế, hiểu Huế một cách sâu sắc và toàn vẹn vậy rồi, thế
mà nhà thơ vẫn chạnh lòng chợt hỏi: “Một đời anh tìm mãi Huế nơi đâu”. Câu hỏi
chẳng qua chỉ là “cái cớ” để đẩy cảm xúc bài thơ lên đến cao trào, thể hiện
qua hai câu thơ tuyệt bút:
Con sông dùng dằng con sông không chảy
Sông chảy vào lòng nên Huế rất sâu
Nhà thơ đã tìm thấy Huế từ trong chính ngọn nguồn, từ trong
chính bản thể của Huế, mà một trong những biểu hiện đặc sắc đó là dòng Hương,
dòng sông tâm thức, dòng sông tâm hồn, dòng sông bản thể của những gì “rất Huế”.
Thu Bồn tiếp nhận ảnh hưởng của người đi trước, nhưng có
sáng tạo. Câu kết bài thơ vay mượn hình ảnh cổ tích để diễn tả khá đạt “nỗi
đau” khắc khoải và dằng dặc của người xa Huế:
Anh trở về hóa đá phía bên kia
Ghi nhận những thành công của Thu Bồn, dĩ nhiên không có
nghĩa coi “Tạm biệt” là bài thơ cuối cùng viết về Huế, sau nó không ai vượt
qua được.
Nguyễn Hoàn
Nguồn: vnthidan.com
Theo http://khamphahue.com.vn/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét