Hà Khánh Linh có 40 năm viết văn, làm báo từ trong
chiến tranh ác liệt, cho đến những năm hòa bình, vật lộn với
miếng cơm manh áo từng ngày... 40 năm với 17 tác phẩm tiểu thuyết,
thơ, truyện ngắn bút ký, chứng tỏ sức bền của một ngòi bút, sức
cảm sức làm việc ghê gớm của trái tim và trí tuệ. Cuộc đời và
văn chương Hà Khánh Linh mang đậm dấu ấn lịch sử đất Cố đô Huế.
Vốn là dòng dõi quan lại quý tộc, được đào tạo dưới chế độ cũ,
lại lên rừng chống Mỹ... hiện thực ấy đã biến thành tư tưởng,
tình cảm và những trăn trở đau đớn khóc cười tuôn chảy từ trái tim
ra ngọn bút, hiện lên trong hàng chục ngàn trang viết thấm đẫm nhân
tình thế thái. Còn chị thì cứ âm thầm cùng ngọn đèn và
trang giấy, lặng lẽ sống, lặng lẽ yêu, lặng lẽ viết...
Hà Khánh Linh sinh ra ở quê thôn Niêm, làng Uu Điềm, xã Phong Hòa
phía bắc Huế. Nguyễn Khoa là một danh gia vọng tộc ở TT-Huế, đồng
hành với vua chúa Nguyễn suốt 300 năm Huế- Phú Xuân. Dòng họ danh
giá ấy trải qua nhiều thế hệ, thế hệ nào cũng có nhiều
người làm quan lớn, nhiều nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Năm 1965, lúc
20 tuổi, đang học dự bị Đại học Khoa học Sài Gòn, chị đã viết
xong tiểu thuyết "Trắng canh" với bút hiệu Linh Lan Khai,
nói về cuộc chiến đấu chống Mỹ của tuổi trẻ đô thị miền Nam.
Tiểu thuyết được viết trên cuốn vở học trò 100 trang chép tay nắn
nót.
Một năm sau cô nữ sinh Sài Gòn ấy đã bỏ học nửa chừng để tham gia
quân giải phóng, mang theo cuốn tiểu thuyết lên rừng và gửi theo
đường giao liên Trường Sơn ra miền Bắc. Một lần ở Trường Sơn chị
gặp nhà thơ Bùi Minh Quốc trên đường vào Nam. Bùi Minh Quốc cho
biết, tập bản thảo tiểu thuyết "Trắng canh" đã đến với
nhà xuất bản, chính anh đã đọc trước khi đi B. Hà Khánh Linh dù
nghe nói bản thảo chưa đạt, nhưng cũng mừng vì nó vẫn còn. Khi ra
Bắc chữa bệnh và điều dưỡng, chị đã đến Nhà xuất bản xin lại
bản thảo "Trắng canh". Và tác phẩm đầu tay đó đến nay vẫn
chưa in, như là một kỷ niệm đầu tiên trong đời văn của chị...
Những ngày ở Trường Sơn, bom đạn khốc liệt, chị được điều về Đài
Phát thanh Huế giải phóng; Cuộc di chuyển Đài ra khỏi tầm bom
pháo khi hầu hết cán bộ, nhân viên kiệt sức vì thiếu đói và bệnh
tật. Lúc đó, Đài không phát sóng được. Rất nhiều người đã nằm lại
mãi mãi ở Trường Sơn. Sau lần gặp nhà văn Bùi Minh Quốc, biết
cuốn tiểu thuyết đầu tay của mình đã đến Hà Nội, Hà Khánh Linh
hưng phấn muốn bắt tay viết ngay một cái gì đó. Chị quyết định
viết về cuộc chiến đấu nóng bỏng, sục sôi của thanh niên đô
thị miền Nam, những năm 1964-1965, khi đang ở Sài Gòn. Chị lấy tên
nhân vật chính là cô Thúy đặt tựa cho tiểu thuyết.
Viết sau trận bom B52, viết sau những ngày phát rẫy trỉa lúa để
chống đói. Chừng được vài chục trang thì hết cả giấy, đành cuộn
tròn bản thảo cất kỹ vào ba lô. Rồi đang đêm, một trận bom B52 địch
rải xuống khu rừng nơi cơ quan đóng. Chị cùng mọi người lao xuống
hầm trú ẩn, đất đá vùi toàn thân, nghẹn cổ họng và tức ngực,
máu mũi chảy ra, may vẫn còn sống. Trận bom ấy ba lô của chị bị
vùi lấp ở đâu không biết, trong đó có bản thảo tiểu thuyết
Thúy vừa mới viết được mấy chục trang. Khát vọng sáng tác thúc
giục Hà Khánh Linh viết lại cuốn tiểu thuyết.
Nhờ xin được giấy bút ở các anh bộ đội, chị lại viết lại từ
đầu. Lần này chị quyết tâm viết từng chương thật hoàn chỉnh, để
nếu bom đạn có đánh chết mình thì vẫn còn một chút gì để lại.
Đang viết dở cuốn sách thì Hà Khánh Linh phải chuyển về Đài Phát
thanh Huế giải phóng làm phóng viên. Đài phát thanh này do nhạc sĩ
Trần Hoàn vừa từ Bắc vào làm Giám đốc. Những ngày về căn cứ A
Lưới, chuẩn bị Tổng tấn công Mậu Thân 1968, máy bay địch bắn phá vô
cùng ác liệt. Đài không phát thanh được. Sốt rét hành hạ, Hà
Khánh Linh không thể tiếp tục viết tiểu thuyết Thúy. Mãi đến năm
1971, khi được ra miền Bắc chữa bệnh ở Bệnh viện E Hà Nội rồi
chuyển về Viện điều dưỡng K55 ở Bắc Ninh, trong lúc chờ đợi trở
lại chiến trường, chị tiếp tục viết. Năm 1973, tiểu thuyết Thúy đã
được Nhà xuất bản Giải phóng in, gây được ấn tượng tốt đẹp với
độc giả miền Bắc và vùng giải phóng miền Nam về phong trào đấu
tranh của đồng bào các đô thị miền Nam.
Bẵng đi một thời gian dài, mãi đến 10 năm sau, năm 1983, Hà
Khánh Linh mới cho ra tập truyện ký Nụ cười Apsara viết về bộ đội
tình nguyện Việt Nam chiến đấu giải phóng Campuchia. Để có được
tập truyện ngắn quý giá đó, năm 1981, Hà Khánh Linh đã đến tận
mặt trận, nơi bộ đội Việt Nam đang truy lùng tàn quân Polpot ở tỉnh
Xiêm Riệp, sát biên giới Thái - Miên. Năm 1989, chị trở lại Campuchia,
thăm lại đơn vị bộ đội tình nguyện Việt Nam.
Bất ngờ thấy các chiến sĩ trẻ đang nằm võng đọc tập truyện Nụ
cười Apsara, nhưng không phải là bản in của nhà xuất bản mà
là bản quay ronéo! Tướng Trần Văn Trân, tư lệnh trưởng bộ đội Việt
Nam tại Campuchia lúc ấy cho biết, đơn vị đã về Sài Gòn mua sách Nụ cười Apsara mang sang cho bộ đội đọc, nhưng không đủ, phải in
ronéo thêm. Từ đó đến nay chị liên tục cho ra mắt 17 tập tiểu
thuyết, truyện, ký, thơ và chị đang còn say sưa viết tiếp những
cuốn tiểu thuyết mới.
Chị viết như chạy đua với thời gian, chạy đua với tuổi, mặc dù mấy
năm qua chị phải đánh vật trên trang viết trong khi bệnh tim luôn đe
dọa. Không vi tính, không máy chữ. Cứ viết tay thế mà tốc độ sách
xuất bản của Hà Khánh Linh thuộc loại nhanh nhất Huế. Vậy mà
Hà Khánh Linh tâm sự: "Tôi không coi công việc sáng tác văn học
là một "nghề", mà là một cách sống, một thái độ ứng
xử, cũng như tôi cũng đã từng nói đấy chỉ là cuộc chơi".
Và chị đã miệt mài với cây bút và trang viết với "cuộc
chơi văn chương" của mình hơn 40 năm nay một cách sung sức và mẫn
cảm.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét