Sự phân biệt về phương diện xã hội
dành cho giới nam và giới nữ trong văn hóa Việt Nam truyền thống đã có ảnh hưởng
lớn đến các biểu tượng về người nam và người nữ trong văn học Việt Nam từ văn
học dân gian, qua văn học trung đại đến văn học đầu thế kỷ XX. Vấn đề này là
đề tài cho một công trình nghiên cứu công phu, còn ở đây tôi chỉ xin phác thảo
một số ý tưởng.
Trong văn hóa ứng xử giới truyền thống,
có dấu vết ảnh hưởng khá đậm của lễ giáo phong kiến Nho giáo. Theo Dịch Trung
Thiên, nhà nghiên cứu người Trung Quốc, “lễ giáo phong kiến gồm hai phương diện,
áp bức giai cấp và áp bức giới tính”[1]. Như vậy, nếu người đàn ông chỉ chịu
áp bức giai cấp thì người phụ nữ phải gánh chịu hai tầng áp bức: áp bức giai
cấp lẫn áp bức giới tính từ người đàn ông.
Qua một quá trình diễn biến phức tạp,
triết học cổ đại phương Đông lấy hai cực âm-dương để lý luận hóa sự khác biệt
giữa người nữ và người nam trong xã hội nam quyền. Trong nhiều sự khác biệt
đó, người xưa qui định âm bị động, dương chủ động hay nói khác đi, phụ nữ bị
động, nam giới chủ động. Triết học âm dương là cơ sở của sự luân lý hóa tính
bị động ở phụ nữ và tính chủ động ở nam giới. Từ đó, dẫn đến các nguyên tắc
nghệ thuật miêu tả của văn học truyền thống đối với tình yêu người
nữ và người nam. Các nguyên tắc này đều hướng đến khẳng định sự bị động của
phụ nữ trong tình yêu và dành phần chủ động cho phía nam giới, một trong những
biểu hiện của nam quyền.
Chúng ta nhớ lại, Nguyễn Du tả cách
ứng xử của Kim Trọng-Thúy Kiều trong lần gặp đầu tiên như thế nào. Chàng trai
Kim Trọng chủ động tiến lại làm quen Thúy Kiều: Nẻo xa mới tỏ mặt người/
Khách đà xuống ngựa tới nơi tự tình. Còn Thúy Kiều (và Thúy Vân) thì làm vẻ
thẹn thùng, giấu mặt, chỉ riêng em trai tiếp chuyện: Chàng Vương quen mặt ra
chào/ Hai kiều e lệ nép vào dưới hoa. Đêm ấy, vì là trai tài gái sắc, hai bên
đều tương tư (nghĩ về nhau), nhưng Nguyễn Du chỉ cho Thúy Kiều nghĩ về Kim Trọng
trong hai câu thơ: Người đâu gặp gỡ làm chi/ Trăm năm biết có duyên gì hay
không ? Còn nỗi nhớ của chàng Kim Trọng về Thúy Kiều được dành cho hơn hai
mươi câu: Cho hay là thói hữu tình/ Đố ai dứt mối tơ mành cho xong/ Chàng Kim
từ lại thư song/ Nỗi nàng canh cánh bên lòng biếng khuây/ Sầu đong càng lắc
càng đầy/ Ba thu dồn lại một ngày dài ghê…Tính chủ động đều thuộc về người
con trai-chàng Kim.
Đến lần gặp chính thức đầu tiên giữa
hai người bên vườn đào, Nguyễn Du vẫn tuân thủ nguyên tắc nam chủ động, nữ bị
động: Sượng sùng giữ ý rụt rè/Kẻ nhìn rõ mặt, người e cúi đầu. Khi chàng Kim
ngỏ lời: Tiện đây xin một hai điều/ Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng? thì
câu trả lời của nàng Kiều vẫn thể hiện sự bị động đó: Ngần ngừ nàng mới thưa
rằng/ Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong/ Dù khi lá thắm chỉ hồng/ Nên
chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.
Có lẽ Vũ Đình Trác, trong luận án
tiến sĩ bảo vệ tại Tokyo năm 1984, là người đầu tiên nêu nhận xét về hiện tượng
này: “Trong cuộc đối thoại lần đầu tiên tại vườn Thúy, nguyên tác (ý nói Kim
Vân Kiều truyện-TNT) đã để cho Thúy Kiều trở thành chủ động, nói năng huyên
thuyên và tống tình Kim Trọng một cách khiêu khích. Nguyễn Du trái
lại, trả Thúy Kiều về với bản tính thanh cao của giai nhân tài trí, để cho
Kim Trọng trở thành chủ động, theo quan niệm Dương chinh phục Âm”[2]. Nói
khác đi, theo Nguyễn Du, ứng xử của một cô gái có giáo dục trong tình yêu,
khi hai bên chưa quen biết nhau thì phải như thế. Tuy nhiên cũng cần lưu ý rằng
nhân vật Thúy Kiều không phải chỉ biết có lễ giáo, cô còn có trái tim biết
rung động trước tình yêu: Nặng lòng xót liễu vì hoa/ Trẻ thơ đã biết đâu mà
dám thưa.
Ứng xử của Thúy Kiều khá tương đồng
với cô gái trong ca dao, dân ca, cô gái đã đáp lời hai chàng trai mời “ăn trầu”:
Thưa rằng bác mẹ tôi răn/Làm thân con gái chớ ăn trầu người.
Đối lập lại với mẫu phụ nữ được tả
theo chuẩn mực về tính bị động như một yêu cầu của đạo đức là mẫu
phụ nữ chủ động, táo bạo trong tình yêu nam nữ được tả như ma quỷ, một ẩn dụ
đạo đức mang tính phê phán. Trong Truyền kỳ mạn lục của Nguyễn Dữ
(thế kỷ XVI), có một số câu chuyện như vậy. Chuyện kỳ ngộ ở Trại Tây kể về
hai cô gái chủ động “tấn công” chàng trai trẻ Hà Nhân bằng nụ cười, lời nói,
lại lấy cả hoa, quả ném cho chàng để buộc chàng phải dính líu tình ái với họ.
Hai cô gái cũng là những người tỏ ra mạnh dạn trong quan hệ dục tính. Nhưng
cuối cùng, hóa ra hai cô chỉ là tinh của hai cây Đào, Liễu trong trang trại bỏ
hoang nhiều năm. Ẩn dụ ở đây là những hạng con gái chủ động trong tình yêu
nam nữ chỉ là loại ma quỷ chứ không phải là người trần. Chuyện cây gạo của Truyền
kỳ mạn lục cũng có một chủ đề tương tự. Một buổi nọ, cô Nhị
Khanh đi dạo chơi bên cây cầu, liếc thấy chàng trai Trình Trung Ngộ để ý đến
mình, đã nói to cho người hầu gái rằng đêm nay ta lại ra đây dạo chơi, tức
nàng chủ động cho chàng trai nghe thấy thời gian và địa điểm cô sẽ có mặt, chủ
động đưa chàng trai vào một cuộc tình ân ái mãnh liệt. Nhưng hóa ra Nhị Khanh
chỉ là hồn ma của cô gái đã chết từ nửa năm trước. Những truyện kể về ma quỷ
như thế phản ánh thái độ tiêu cực của người xưa về mẫu phụ nữ chủ động trong
tình yêu.
Điều quan trọng là ý thức giới hóa
của xã hội nam quyền đã chuyển hóa thành các biểu tượng nghệ thuật như thế
nào, và đến khi nào các biểu tượng thông báo cho chúng ta biết sự thay đổi của
ý thức này?
Quá trình hình thành một biểu tượng
có thể hình dung về đại thể như sau: trước hết, con người phải có một mục
đích tìm kiếm một hình ảnh, một sự vật để diễn đạt một ý niệm nào đó. Tiếp
theo, quá trình quan sát, nhận thức hiện thực đời sống xã hội và tự nhiên,
con người nhận ra mối liên hệ ngữ nghĩa giữa sự vật, hiện tượng và ý niệm cần
diễn đạt. Trong ca dao, có nhiều biểu tượng diễn tả ý niệm về tính bị động,
phụ thuộc của người con gái trong tình yêu, hôn nhân: Thân em như tấm lụa
đào/ Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai? Tấm lụa đưa ra chợ bán tất nhiên
không thể tự quyết định việc ai sẽ mua nó. Thân em như hạt mưa rào/ Hạt rơi
xuống giếng hạt vào vườn hoa/ Thân em như hạt mưa sa/Hạt vào đài các hạt ra
ruộng lầy. Cũng vậy, hạt mưa không có quyền quyết định nó rơi xuống đâu.
Văn hóa dân gian có khi dùng biểu
tượng bến và thuyền để nói về tình yêu nam nữ. Bến là người con gái đứng đợi
thụ động, còn thuyền di chuyển đó đây, có quyền chọn bến đỗ. Thuyền ơi có nhớ
bến chăng/ Bến thì một dạ khăng khăng đợi thuyền.
Nói về tình yêu nam nữ,
người xưa còn dùng biểu tượng hoa để diễn tả thân phận bị động, phụ thuộc của
người con gái, trong đối sánh với bướm/ong chỉ nam giới chủ động. Nói lời phải
giữ lấy lời/ Đừng như con bướm đậu rồi lại bay. Bông hoa thì đẹp nhưng nó mọc
trên cành, nó không thể và không có quyền chủ động chọn tìm bướm, ong; còn
con bướm, con ong khi đậu bông hoa này, khi đậu bông khác, không hoa nào có
quyền níu giữ. Thúy Kiều nói với Thúc Sinh: Thiếp như hoa đã lìa cành/ Chàng
như con bướm lượn vành mà chơi. Còn màn Kim Trọng tái hồi Thúy Kiều
được Nguyễn Du tả: Tình nhân lại gặp tình nhân/ Hoa xưa ong cũ mấy phân chung
tình.
Văn học là một dòng chảy liên tục.
Nhiều biểu tượng của thời trung đại vẫn tiếp tục tồn tại trong văn học thế kỷ
XX. Biểu tượng “tấm lụa” vẫn sống trong thơ Nguyễn Bính: Em là con gái trong
khung cửi/ Dệt lụa quanh năm với mẹ già/ Lòng trẻ còn như cây lụa trắng/ Mẹ
già chưa bán chợ làng xa (Mưa xuân). Và không chỉ có tấm lụa; Nguyễn Bính còn
sử dụng các biểu tượng văn học dân gian truyền thống khác như bến-đò, hoa-bướm:
Bao giờ bến mới gặp đò/ Hoa khuê các, bướm giang hồ gặp nhau. Điều đó chứng tỏ
từ trong tiềm thức của người Việt Nam ở nửa đầu thế kỷ XX, cảm nghĩ về sự phụ
thuộc, bị động của người con gái, sự chủ động của người con trai trong tình
yêu vẫn có sức ám ảnh. Thực tế xã hội vẫn còn đất cho sự tồn tại của nam quyền.
Nhưng đâu phải các biểu tượng về
người nam chủ động và người nữ bị động chỉ có ở nửa đầu thế kỷ XX? Trong Truyện
Kiều chú giải (bản in 1953), nhà nghiên cứu Lê Văn Hòe bình luận lời của Thúy
Kiều Vì hoa nên phải đánh đường tìm hoa đã hạ một câu phê bình “Nói
thế mà không biết thẹn! Thật là trâu không tìm cọc mà cọc đi tìm trâu”. Theo
Tục ngữ, cổ ngữ, gia ngôn (bản in 1897) do Huỳnh Tịnh Của biên soạn, “Trâu
tìm cột, cột chẳng tìm trâu” được giải thích như sau “Cột là chỗ trâu ở: ngọn
phải cứ gốc; đày tớ phải tìm chủ nhà; con cái phải tìm cha mẹ” (tr. 79). Còn
bản soạn Đại Nam quốc túy (1908) của Ngô Giáp Đậu ghi “Trâu tìm cọc, cọc chẳng
tìm trâu”. Thúy Kiều được Lê Văn Hòe so sánh với cọc thì cũng diễn tả ý bị động
mà người con gái phải chấp nhận.
Nhà thơ nam giới Xuân Diệu trong
bài thơ Biển sáng tác năm 1962 vẫn thích với cách quan niệm đó. Mặc
dù biểu tượng sóng biển và bờ biển là rất mới so với truyền thống văn hóa Việt
Nam, chắc được tiếp thu từ văn học phương Tây, nhưng chúng vẫn đắc lực chuyển
tải tư tưởng xưa cũ: người con gái là bờ-một ý niệm bị động, con trai là sóng
biển-gợi ý niệm chủ động: “Anh không xứng là biển xanh/ Nhưng anh muốn em là
bờ cát trắng…Anh xin làm sóng biếc/ Hôn mãi cát vàng em…”. Anh vẫn phải là chủ
động, mạnh mẽ, còn em là bị động, bị chiếm hữu.
Năm năm sau khi xuất hiện Biển của
Xuân Diệu, chúng ta chứng kiến một cuộc đảo chính ngoạn mục về biểu tượng nghệ
thuật trong phạm vi thơ tình: nữ thi sĩ Xuân Quỳnh có thể đã là một trong những
thi nhân Việt Nam đầu tiên sử dụng biểu tượng sóng biển để biểu đạt tình yêu
của “em” và ở đây, anh là bờ! Sóng bắt đầu từ gió/ Gió bắt đầu từ đâu? Em
cũng không biết nữa/ Khi nào ta yêu nhau…Con sóng dưới lòng sâu/
Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được/ Lòng em
nhớ đến anh/ Cả trong mơ còn thức.
Biểu tượng sóng chủ động, mãnh liệt,
bền bỉ hướng vào bờ dành cho người con gái khi yêu là một đóng góp quan trọng
khó diễn tả hết của nữ sĩ Xuân Quỳnh. Nó chính thức nêu vấn đề: Tại sao người
con gái lại cứ phải phụ thuộc, phải bị động trong tình yêu? Tại sao có tình
yêu mà người con gái lại phải chờ đợi từ người con trai mà không mạnh mẽ thể
hiện, chiếm lĩnh, chở che trong tình yêu? Một quan niệm đạo đức và thẩm mỹ mới
mang tinh thần thời đại nữ quyền đã xuất hiện, đánh dấu cho một trang mới
trong lịch sử biểu tượng nam nữ trong thơ tình Việt Nam nhiều thế kỷ.
Trần Nho Thìn
Theo http://trieuxuan.info/
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét