Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Đôi nét cảm nhận và học tập ca khúc trữ tình Việt Nam

Đôi nét cảm nhận và học tập 
ca khúc trữ tình Việt Nam
Ca khúc trữ tình Việt Nam đã trải qua nhiều năm hình thành và phát triển. Với lịch sử hào hùng của dân tộc, ca khúc trữ tình là nguồn cổ vũ, động viên tinh thần vô cùng quý giá đối với quân và dân ta trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Những giá trị lịch sử ấy là không thể phủ nhận, nó thể hiện tâm hồn, trí tuệ con người Việt Nam, dù trong gian khổ, tăm tối, trong mưa bom bão đạn vẫn luôn cất cao lời hát lạc quan, tin tưởng vào một ngày mai tươi sáng.
Ngày nay, đất nước ta đang trên đường đổi mới, nhưng mỗi khi những ca khúc ấy được ngân lên ta lại cảm nhận được những hình tượng, giá trị nghệ thuật trong mỗi tác phẩm. Đã có biết bao thế hệ ca sĩ đã cất lên giọng hát với niềm đam mê bằng cả trái tim như Người Hà Nội (Nguyễn Đình Thi), Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Sông Lô (Văn Cao), Tình ca (Hoàng Việt), Nơi đảo xa (Thế Song)...
Ca khúc trữ tình biển hiện thế giới chủ quan của tác giả trước cuộc đời. Trong các tác phẩm này thì tình cảm, cảm xúc, tâm trạng, suy nghĩ… được trình bày trực tiếp và làm thành nội dung chủ yếu của tác phẩm. Vì vậy, ca khúc trữ tình bao giờ cũng mang dấu ấn riêng của các nhạc sĩ. Đó là những nỗi niềm chủ quan thầm kín, nhưng khi sáng tác các nhạc sĩ luôn luôn nâng mình lên thành người mang tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ cho một mẫu người, một thế hệ và cả những chân lý phổ biến…
Nội dung của các ca khúc trữ tình luôn gắn với các nhân vật trữ tình. Đây chính là đối tượng để các nhạc sĩ gửi gắm tâm sự, cảm xúc, suy nghĩ của mình, là nguyên nhân trực tiếp khêu gợi nguồn cảm hứng cho các nhạc sỹ. Nhân vật trữ tình có thể chính là bản thân các nhạc sĩ hoặc cũng có thể do các nhạc sĩ tưởng tượng, hóa thân vào đối tượng để xây dựng nhân vật theo quy luật điển hình hóa trong sáng tạo nghệ thuật.
Cấu trúc các ca khúc trữ tình Việt Nam đa số thường được viết ở dạng 2 đoạn đơn hoặc 3 đoạn đơn,  như ca khúc 2 đoạn đơn: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du)... ca khúc 3 đoạn đơn: Biết ơn chị Võ Thị Sáu (Nguyễn Đức Toàn)...
Điệu thức thông thường các ca khúc trữ tình Việt Nam được viết theo điệu thức trưởng, thứ 7 âm của phương Tây và có pha trộn những màu sắc của những điệu thức 5 âm trong âm nhạc truyền thống, dân ca Việt Nam. Có những ca khúc gắn liền điệu thức, chất liệu dân ca, điệu hò, điệu ví... niềm tự hào, kiêu hãnh của con người ở vùng, miền đó tạo cho mảng ca khúc trữ tình rất nhiều sắc thái riêng.
VD: Ca khúc Nhớ về quê mẹ (Văn Đông, trích).
Có một số ca khúc ở giữa bài, chuyển giọng trưởng - thứ, hay chuyển sang giọng khác nhằm diễn tả sắc thái tình cảm của tác giả, hình tượng nội dung của tác phẩm. Từ gian khổ đến thắng lợi, vui tươi sang u buồn, hay từ u tối sang tươi sáng... như ca khúc Chào sông Mã anh hùng (Xuân Giao), Bình Trị Thiên khói lửa (Nguyễn Văn Thương), Tấm áo chiến sỹ mẹ vá năm xưa (Nguyễn Văn Tý), Sông Lô (Văn Cao)...
Về mặt giai điệu, ca khúc trữ tình Việt Nam thông thường có giai điệu liền bậc, đa số các ca khúc sử dụng kỹ thuật hát liền tiếng legato theo lối hát Ben cato của châu Âu, ít có những ca khúc sử dụng giai điệu staccato. Gần như không có những quãng nhảy lớn.
Trong các ca khúc trữ tình, giai điệu được xem như nhân tố đầu tiên và quan trọng để tạo nên hình tượng âm nhạc. Giai điệu trong ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ thường tiến hành trong phạm vi quãng bình ổn (quãng 2, quãng 3). Nhiều chủ đề được xây dựng thành công bởi các nhạc sĩ đã khéo léo kết hợp các âm hình tiết tấu với đường nét giai điệu.
VD: Ca khúc Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du, trích).
Một số những ca khúc giai điệu có những quãng nhảy lớn là để đưa cảm xúc người nghe lên cao trào, nhằm tạo nên điểm nhấn về sắc thái, tình cảm và thể hiện trình độ kỹ thuật thanh nhạc của người hát.
VD: Ca khúc Dáng đứng Việt Nam (nhạc: Nguyễn Chí Vũ, thơ:Lê Anh Xuân, trích).
Tiết tấu của các bài ca khúc trữ tình Việt Nam với phần mở đầu thường mênh mang, dàn trải. Tốc độ thường vừa phải hoặc chậm vừa.
VD: Ca khúc Sông Lô (Văn Cao, trích).
Với những ca khúc có những đoạn chuyển nhịp để thể hiện tình cảm kiên nghị, anh hùng, tự hào... thì tiết tấu như dạng hành khúc (sử dụng chấm dật, móc đơn có chấm dôi).
VD: Ca khúc Vàm cỏ Đông (nhạc Trương Quang Lục, thơ Hoài Vũ, trích).
Hay có những đoạn chuyển nhịp từ nhanh về chậm thể hiện sắc thái trầm hùng, đau thương, u tối...
VD: Ca khúc Sông Lô (Văn Cao, trích).
Ca khúc trữ tình Việt Nam có lời ca trữ tình, giàu hình tượng. Đa số các bài hát có lời ca đẹp, bay bổng, lãng mạn, nội dung chủ yếu mang nhiều tính chất ca ngợi. Khi ca ngợi hình tượng lãnh tụ Hồ Chí Minh với lời hát bày tỏ lòng xúc động, thành kính biết ơn, các anh hùng, người chiến sỹ đã chiến đấu hy sinh cho tổ quốc, ca ngợi hình tượng người mẹ, quê hương, địa danh, cảnh đẹp của đất nước gắn với tình người Việt Nam và phong cảnh. Nói về tình yêu đôi lứa gắn liền với chiến đấu và xây dựng đổi mới đất nước... Lời ca trong bài hát thường rất đẹp, câu chữ mượt mà tình cảm như bài thơ và bám sát giai điệu ca khúc. Ngoài chất liệu của ca khúc, thì từ ngôn ngữ, lời ca, đặc biệt là yếu tố ngữ âm vùng miền cũng như địa danh của từng địa phương được các tác giả đặc biệt chú trọng khai thác.
Ảnh: Tiết mục “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát” (Nguồn: st)
Lời ca trong các ca khúc trữ tình đòi hỏi bộc lộ những tình cảm mạnh mẽ, hàm súc, sâu lắng.Do đó, nó phải có những ca từ phù hợp với yêu cầu gây ấn tượng sâu sắc, không phải chỉ bằng ý nghĩa của từ mà còn cả âm thanh, nhịp điệu của từ ngữ và giai điệu của bài hát đó. Chẳng hạn những câu hát ru thể hiện tình cảm yêu của người mẹ dành cho con trong bài hát Mẹ yêu con của nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý mang đầy chất trữ tình trong ca từ. Giai điệu êm dịu, du dương, trìu mến, tiết tấu nhẹ nhàng, lời ca giàu hình tượng, dạt dào tình yêu thương tha thiết đối với bé thơ, tất cả những yếu tố ấy đã như đôi cánh nhẹ nhàng nâng bước chấp cánh cho một tương lai tươi sáng..
VD: Ca khúc Mẹ yêu con (Nguyễn Văn Tý, trích).
Hay khi viết về tình yêu đôi lứa, trong tác phẩm Tình ca, nhạc sĩ Hoàng Việt đã có những câu hát thể hiện tình cảm mãnh liệt, da diết của người trai ra đi vì nhiệm vụ gửi lại người vợ còn ở lại trong miền tạm chiếm miềm Nam. Đây là một bản tình ca bất hủ, viết lên với một trái tim rực đỏ, cháy bỏng yêu thương và niềm tin vào hạnh phúc tương lai.
VD: Ca khúc Tình ca (Hoàng Việt, trích).
Ngoài ra, chất trữ tình trong các ca khúc không chỉ đơn thuần là những tình cảm cá nhân giữa những con người với nhau mà nó còn mang ý nghĩa to lớn sâu sắc hơn, đó là tình yêu quê hương đất nước, lòng tự hào dân tộc. Ca khúc Đảng đã cho ta một mùa xuân của nhạc sĩ Phạm Tuyên, ra đời năm 1957 là ca khúc tiêu biểu thể hiện lòng yêu nước, tinh thần đấu tranh quật cường của quân và dân hai miền đất nước trong thời kỳ kháng chiến. Với tính chất trong sáng, nhịp độ vừa phải, lời ca giản dị nhưng tràn đầy tự hào và niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng. Bao năm dài dưới ách đô hộ, dân tộc ta lầm than, cực khổ. Từ khi có Đảng, có Bác Hồ cuộc sống của nhân dân ta ấm no, hạnh phúc. 
VD: Ca khúc Đảng đã cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên, trích).
Ca khúc trữ tình Việt Nam ra đời trước năm 1945 ở trong dòng ca khúc lãng mạn. Nếu dòng nhạc yêu nước - cách mạng chủ yếu vận dụng thể loại hành khúc, ca khúc tập thể để thể hiện tình cảm và ý chí chung của nhiều người, của “cái chúng ta”, thì dòng âm nhạc lãng mạn lại vận dụng thể loại ca khúc trữ tình làm phương tiện bộc lộ “cái tôi” và nhìn nhận cuộc sống từ “cái tôi”, cái cá thể, đơn chiếc. Bên cạnh ngôn ngữ âm nhạc được xây dựng và tiếp thu từ những ca khúc trữ tình châu Âu, ca khúc trữ tình đã biết vận dụng ở một mức độ nhất định chất liệu từ âm nhạc cổ truyền.      
Trong âm nhạc Việt Nam, ca khúc trữ tình có thể chia thành các khuynh hướng đa dạng như sau: chính luận, trần thuật, tự sự, dân gian, tình ca, nghệ thuật...
Ca khúc trữ tình chính luận phản ánh các vấn đề có tính thời sự về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội... "Đề tài của các ca khúc trữ tình thuộc loại này phải mang yếu tố chính luận với những cảm xúc cá nhân cụ thể" [6]. Nội dung khái quát cao về truyền thống lịch sử, thể hiện qua ca từ có sự đan xen giữa màu sắc trữ tình, triết lý và sử thi. Bên cạnh đó là hơi thở của thời đại.
Ca khúc trữ tình ngợi ca, chủ yếu bằng lời ca có tính chất giáo dục truyền thống, ngợi ca Đảng, lãnh tụ, ngợi ca các nhân vật lịch sử dân tộc, những địa danh có những chiến công huyền thoại của cha ông xưa và trong hai cuộc kháng chiến gần đây dành lại tự do, độc lập, thống nhất đất nước, ngợi ca về các bà mẹ Việt Nam anh hùng. [7, tr.739]. Như ca khúc: Tôi hát tên Người, đồng chí Lênin (Phan Thanh Nam), Người là niềm tin tất thắng, Ta tự hào đi lên, ôi Việt Nam (Chu Minh)...
VD: Ca khúc Người là niềm tin tất thắng (Chu Minh, trích).
Ảnh: NSND Quang Thọ và tốp ca trong đêm nhạc Khúc tráng ca Điện Biên với ca khúc “Ta tự hào đi lên ôi Việt Nam” (Nguồn: st)
`Ca khúc trữ tình tự sự theo nghĩa là một phương thức trình bày một chuỗi các sự việc, sự việc này dẫn đến sự việc kia, cuối cùng dẫn đến một kết thúc, thể hiện một ý nghĩa. Trong ca khúc tự sự, các nhạc sỹ phản ánh lại thế giới bên ngoài bằng cách kể chuyện liên quan đến một sự việc, một tập thể, một địa danh... Vì vậy,  ca khúc tự sự phải có nội dung cụ thể và nhân vật trung tâm. "Đó là sự giãi bày, sự kể lại những sự việc, những câu chuyện, những con người trong cuộc sống hiện hữu thông qua nhân vật “tôi”, “em”, “chúng ta” hoặc một người khác trong cuộc”. [7, tr.213].
Ca khúc dạng tự sự thể hiện sự đa dạng, phong phú bằng nhiều đề tài.
Đề tài về quê hương, đất nước thời kỳ kháng chiến chống Pháp, như: Làng tôi, Ngày mùa(Văn Cao), Làng tôi (Hồ Bắc),  Sẽ về thủ đô (Huy Du), Đường lên Tây Bắc (Văn An), Nhớ về quê em (Tân Huyền), Quê hương anh bộ đội (Xuân Oanh), Lên ngàn (Hoàng Việt), Quê em (Nguyễn Đức Toàn)...
Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ chất dân gian được đưa vào nhiều hơn, cách sáng tác của các nhạc sĩ cũng chuyên nghiệp hơn. Giai đoạn này, đề tài về quê hương đất nước không chỉ một vài địa danh của vùng Tây Bắc, mà mở rộng ra các vùng, miền khác, tính chất âm nhạc tuy dàn trải, nhưng có xu hướng đi vào chiều sâu nội tâm. Có thể điểm qua một số bài như: Quê tôi (Lưu Cầu), Trên đường ta đi (Bửu Huyền), Từ trên đỉnh núi (Nguyên Nhung), Địu con đi nhà trẻ (Đào Ngọc Dung), Vàm Cỏ Đông (nhạc: Trương Quang Lục, thơ: Hoài Vũ), Rặng trâm bầu, Qua bến Đò Quan (Thái Cơ)...
Ca khúc trữ tình trong sáng, mượt mà là dạng ca khúc trữ tình gặp nhiều nhất trong ca khúc Việt Nam, với điệu thức thiên về điệu Trưởng, có tiết tấu dàn trải, với lối hành tiến giai điệu ổn định, ít những quãng nhảy xa. Tính chất tình cảm thường trữ tình lạc quan, trong sáng, không bi thương, buồn tủi.
   Ca khúc dạng này mà mang tính chất âm nhạc trữ tình, phần ca từ trong sáng, bay bổng nhưng gần gũi mà vẫn giàu hình tượng, giai điệu không phức tạp, cầu kỳ mà vẫn thể hiện được sự mượt mà, lãng mạn. Với các ca khúc trữ tình trong sáng, mượt mà cách mạng, thì các nhạc sĩ đưa ra cách đặt vấn đề tài tình, luôn lồng ghép tư tưởng cách mạng dân tộc, tinh thần yêu nước mãnh liệt, thấm nhuần tư tưởng của Đảng và Bác Hồ kính yêu nhưng hết sức nhẹ nhàng cả trong lời ca và giai điệu âm nhạc, phù hợp  tất cả mọi tầng lớp người nghe.
Các ca khúc trữ tình trong sáng, mượt mà đề tài về Bác Hồ như: Bên lăng Bác Hồ (Dân Huyền)...đề tài về Đảng như: Đảng cho ta một mùa xuân (Phạm Tuyên), Đảng là cuộc sống của tôi(Nguyễn Đức Toàn)...
   Ca khúc trữ tình trong sáng, mượt mà về đề tài về người chiến sỹ như: Trên đỉnh Trường Sơn ta hát (Huy Du), Bài ca bên cách võng (Nguyên Nhung)...
   Đề tài quê hương, đất nước với giai điệu thường liền bậc, nhẹ nhàng, tiết tấu đều đặn, legato, tạo cho người nghe cảm nhận sự êm ái, trong sáng, bay bổng với sắc thái tình cảm chứa chan, lời ca đẹp, mượt mà như bài thơ: Việt Nam quê hương tôi (Đỗ Nhuận), Việt Nam trên đường chúng ta đi(Huy Du), Thành phố hoa phượng đỏ (nhạc: Lương Vĩnh, thơ: Hải Như)...
   Có thể kể thêm đề tài về tình ca trong dạng này. Nói thật chính xác, ca khúc trữ tình tình ca là một nhánh của dạng ca khúc trữ tình, những bài hát thuộc dạng này, nội dung đề cập tới tình yêu đôi lứa nhưng vẫn gắn liền với chiến đấu và xây dựng đổi mới đất nước, và mở đường cho một xu hướng thể hiện tình cảm cá nhân sâu lắng, lãng mạn. Những ca khúc như: Tình em (nhạc: Huy Du, thơ: Ngọc Sơn), Tình ca (Hoàng Việt), Tình ca Tây Bắc (nhạc: Bùi Đức Hạnh, thơ: Cầm Giang),Tiếng hát anh tìm em (Hoàng Dương)...
Bảo tồn nền âm nhạc dân gian nói chung và ca khúc trữ tình Việt Nam nói riêng là một việc hết sức quan trọng, việc tiếp thu có chọn lọc các loại hình văn hóa văn nghệ, các thể loại âm nhạc trên thế giới là rất cần thiết. Do đó việc áp dụng có chọn lọc kỹ thuật hát Bel canto vào thể hiện ca khúc trữ tình Việt Nam sẽ góp phần nâng cao tính nghệ thuật, thẩm mỹ trong mỗi ca khúc. Trên thực tế, đã có nhiều các thế hệ nghệ sỹ, ca sỹ hát rất thành công những ca khúc trữ tình Việt Nam khi áp dụng kỹ thuật này. Như thế hệ các nghệ sĩ, giảng viên đi tu nghiệp nước ngoài như Mai Khanh, PGS. NGND Lô Thanh, NSƯT Hồ Mộ La, NSND Quý Dương, NSND Trần Hiếu, NGƯT Vũ Thu Huyền, NSND Quốc Hương, PGS. NSND Trung Kiên, NSND Lê Dung, NSND Quang Thọ... với trình độ chuyên môn cao đã đào tạo ra biết bao thế hệ sinh viên thanh nhạc tiếp bước. Các ca khúc Việt Nam cũng được các nghệ sĩ thể hiện biểu diễn rất thành công và là những chuẩn mực cho các giảng viên thanh nhạc sau này học tập và áp dụng cho sinh viên của mình.
Hiện nay trong các trường nghệ thuật âm nhạc, được học tập và thể hiện ca khúc trữ tình Việt Nam không còn xa lạ với sinh viên chuyên ngành Thanh nhạc. Tuy nhiên, về phương pháp dạy học của giảng viên và học tập của sinh viên còn khá nhiều hạn chế và bất cập. Các sinh viên thanh nhạc đôi khi còn mơ hồ, không phân biệt được ca khúc nhạc nhẹ giải trí đơn thuần và ca khúc nghệ thuật chuyên nghiệp. Mảng ca khúc trữ tình Việt Nam nói riêng sinh viên cũng chưa nắm bắt được đặc điểm và thể loại dẫn đến khi luyện tập và thể hiện không phát huy được hết nội dung của tác phẩm. Trong giảng dạy, nhiều giảng viên áp dụng kỹ thuật thanh nhạc và lối hát Bel canto vào ca khúc trữ tình Việt Nam một cách cứng nhắc khiến cho sinh viên xử lý và thể hiện sai tác phẩm... dẫn đến sinh viên mất dần đi hứng thú trong học tập biểu diễn. Có thể thấy rằng việc tìm hiểu và áp dụng kỹ thuật thanh nhạc một cách hợp lý dạy học ca khúc trữ tình của các nhạc sĩ Việt Nam là quan trọng rất cần thiết, với mục đích xây dựng nền thanh nhạc ngày càng phát triển nhưng không mất đi bản sắc dân tộc Việt Nam.
 TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Hoàng Dương, Hồ Quang Bình, Phạm Tuyên, Vũ Tự Lân, Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Minh Châu (2010), Ca khúc Hà Nội thế kỷ XX và những năm đầu thế kỷ XXI, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
2. Nguyễn Thụy Kha (2001), Nắng Ba Đình, Nxb Thanh niên, Hà Nội.
3. Nguyễn Thụy Kha (2003), Lá đỏ, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
4. Trần Ngọc Lan (2011),  Phương pháp hát tốt tiếng Việt trong nghệ thuật ca hát, Nxb Giáo dục Việt Nam, Hà Nội.
5. Vũ Tự Lân (2009), Âm nhạc Việt Nam - Tác giả - Tác phẩm, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội.
6. Nguyễn Đăng Nghị (2012), Nhìn lại các dạng ca khúc trữ tình giai đoạn 1945 – 1975, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, (số 342), Hà Nội.
7. Tú Ngọc, Nguyễn Thị Nhung, Vũ Tự Lân, Nguyễn Trọng Oánh, Thái Phiên (2000),  Âm nhạc mới Việt Nam - tiến trình và thành tựu, Nxb Viện Âm nhạc, Hà Nội
8. Nguyễn Thị Nhung (2006), Âm nhạc Việt nam - Tác giả - Tác phẩm, Nxb  Viện Âm nhạc, Hà Nội.
9. Đặng Hữu Phúc (2006), Tuyển chọn 60 bài Romance và ca khúc cho   giọng hát và piano, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
10.     La Thăng (1975), Tiếng hát Việt Nam, Nxb Văn hóa, Hà Nội.
Nguyễn Vĩnh An 
Theo http://www.spnttw.edu.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Một thoáng Yên Bái Từ lâu, tôi đã mong được đến thăm hồ Thác Bà nhưng cứ bị nhỡ hoài. Đã được đến hồ Ba Bể, cái hồ tự nhiên lớn nhất n...