Thứ Ba, 4 tháng 4, 2017

Hành trình từ ý tưởng đến tác phẩm nghệ thuật

Hành trình từ ý tưởng 
đến tác phẩm nghệ thuật
Sáng tác mỹ thuật có thể xem như một bộ phận của hoạt động nghệ thuật nói chung và có thể tìm thấy ở hầu hết các nền văn hóa. Bất kỳ ai có chút ít hiểu biết về lịch sử nghệ thuật thì đều có thể nhận định rằng đây là hoạt động rất phổ biến trong xã hội loài người ngay từ thuở sơ khai và mặc dù không có đóng góp lớn một cách trực tiếp về mặt vật chất, nhưng luôn được coi trọng với sự ảnh hưởng mạnh mẽ tới tinh thần. Nghệ thuật có lúc đã được coi cùng với tôn giáo và khoa học, là một trong những hoạt động ở bậc cao của con người, với mục tiêu không nằm trong cái đẹp chung chung mơ hồ mà nhằm phản ánh con người và xã hội, hơn nữa, là sự khảo sát bản chất của cuộc sống. Việc cắt nghĩa nghệ thuật chưa bao giờ là công việc đơn giản, với người thưởng ngoạn, các nhà phê bình và thậm chí ngay cả với giới nghệ sỹ.
Với một nghệ sỹ, cũng trên cơ sở ấy nhưng có lẽ câu hỏi về nghệ thuật sẽ chủ yếu nằm ở một mặt khác của vấn đề, đó là sáng tác là gì và liệu có tồn tại một nguyên lý chung cho sáng tác mỹ thuật?
Để giải nghĩa một khái niệm, ta có thể truy ngược lại nguồn gốc ngôn ngữ để hiểu nó, mặc dù phương pháp này không hẳn bao giờ cũng cho ra kết quả chính xác, và đôi khi, cách hiểu ban đầu của một khái niệm lại không hẳn đã giống với cách sử dụng của nó trong thời đại cụ thể. Có thể giải nghĩa từ “sáng tác” bằng việc bóc tách hai chữ tạo nên từ này gồm: sáng – tìm ra cái mới và tác - tạo dựng, biến thành sản phẩm.
Vậy có thể hiểu “sáng tác” nghĩa là tạo nên với mới. Thông qua việc bóc tách từ ta cũng có thể thấy “sáng tác” gồm hai hoạt động: hoạt động tư duy và hoạt động vật chất. Hoạt động tư duy ra cái mới sẽ đi trước, làm nền tảng và định hướng cho việc tạo nên sản phẩm mà với trường hợp của nghệ thuật, đó là tác phẩm. Sản phẩm của quá trình sáng tác nghệ thuật ấy có thể là một đối tượng khách quan như một bức tranh, tượng, công trình, cũng có thể nó là sản phẩm chủ quan, như với trường hợp của nghệ thuật Ý niệm, lĩnh vực mà ở đó ý niệm nghệ thuật chính là tác phẩm  nghệ thuật, mọi sự vật khách quan được sử dụng chỉ như sự biểu lộ nhằm ám chỉ ý niệm. Như vậy “sáng tác” sẽ bao gồm tất cả các khâu tương tự như mọi hoạt động khác của con người, đi từ thế giới khách quan, được nhào nặn trong tư duy và được chuyển hóa thành sản phẩm. Việc khảo sát nguyên lý sáng tác mỹ thuật cũng sẽ phải đi theo trình tự như thế.
Vấn đề của sáng tác nghệ thuật trước hết đó là nó bị vướng mắc lại với vế “sáng” – tính mới. Có lẽ ở Việt Nam thì đây vấn đề được nhắc đến nhiều nhất, bởi cả các khán giả lẫn những nhà nghệ sỹ cả thành danh lẫn ẩn danh, tình trạng sao chép vay mượn thì chưa bao giờ nhiều đến như thế. Từ đó câu hỏi về sáng tác trở thành vấn đề lớn. Ngay cả ở những ngành gần như thiết kế đồ họa hay thời trang, thì từ “sáng tác” – “sáng tạo” luôn lặp đi lặp lại không ngừng và đôi khi nó được coi như mục đích tối cao của nghệ thuật. Có những quan điểm cho rằng sáng tác nghệ thuật hoàn toàn là quá trình đi tìm cái mới, làm nên cái mà chưa ai làm, nói đến chủ đề chưa từng ai nói và có lẽ với họ, đỉnh cao của nghệ thuật có thể so với việc Columbus “tìm ra” châu Mỹ. Điều đáng tiếc là châu Mỹ luôn ở đó, mà chẳng hề chờ đợi ai “tìm ra” nó cả. Nếu lật ngược lại lịch sử nghệ thuật, hẳn chúng ta sẽ nhận ra sự thật trớ trêu là sự phát triển của nghệ thuật trông giống như sự lặp đi lặp lại của các trường phái và phong cách trong lịch sử.
Các tác phẩm của El Greco vào thế kỷ XVII hoàn toàn có thể nhìn với con mắt của Biểu hiện, các tác phẩm của Picasso thì giống như bản tranh vẽ của tượng châu Phi và nếu tìm xa hơn nữa, chẳng khác nào các hình vẽ hang động. Nội dung có thể thay đổi, chúng ta sẽ tiếp tục xem xét vấn đề này sau, nhưng ngôn ngữ, phương pháp tạo hình thì không, nó lặp đi lặp lại trong lịch sử. Một thứ có thể coi là mới với một nhóm người cụ thể trong một hoàn cảnh lịch sử cụ thể, trong khi so với tất cả sự tồn tại thì có lẽ không có gì có thể coi là mới được nữa. Giống như khi hội họa Trừu tượng được du nhập vào Việt Nam những năm sau Đổi mới thì sự mới mẻ của nó là không thể chối cãi, mặc dù trào lưu này lúc ấy đã quá quen thuộc với nghệ thuật thế giới. Cũng giống như trường hợp của Video art mới được du nhập vào Việt Nam khoảng vài thập kỷ gần đây và thậm chí còn chưa làm chủ được, chưa được công nhận hay còn rất xa lạ với giới nghệ sỹ chứ không chỉ công chúng, nhưng lại ra đời từ cách đây khá lâu và không còn gì mới lạ ở các nền nghệ thuật tiên tiến hơn. Đó là những trường hợp lớn của thể loại, phong cách hay trào lưu, nếu xét đến những trường hợp nhỏ lẻ hơn như một tác phẩm cụ thể, thì có lẽ không ai dám vỗ ngực tự xưng là người đầu tiên sử dụng một phương pháp tạo hình như thế, sự trùng hợp, cả tình cờ ngẫu nhiên, lẫn có chủ ý là không thể tránh khỏi. Như vậy, tính mới, chữ “sáng” trong sáng tác chỉ có thể được xét trong một quy mô cụ thể, có phạm vi và phải được xem xét tương đối linh hoạt, không quá khắt khe, mang tính tương đối cao. Do đó có thể thấy thật sai lầm nếu quá sức tôn vinh sự sáng tạo và coi nó là kim chỉ nam cho toàn bộ hoạt động nghệ thuật, đây là điều sai làm mà phấn lớn công chúng lẫn người hoạt động nghệ thuật mắc phải, đi tìm những thứ lạ lẫm với một nhóm người, hay tệ hơn là cố tình tạo ra những thứ dị hợm và chỉ hoàn toàn dị hợm, rồi gọi nó là nghệ thuật. Đến đây thì câu hỏi tiếp theo được đặt ra là: Nếu nghệ thuật không đồng nghĩa với sáng tạo, thì nó là gì, nguyên lý của sáng tác nghệ thuật là gì nếu không để thỏa mãn tính mới ?
Để hiểu giải đáp câu hỏi ấy chúng ta cần xem xét một chủ đề cơ bản hơn, và do đó, trừu tượng hơn và phức tạp hơn: mục đích của nghệ thuật. Có nhiều quan điểm cho vấn đề này: mục đich về cái đẹp, về tôn giáo, về chính trị… nhưng nó có thể gói trọn trong hai vấn đề: giao tiếp và biểu hiện. Các hình vẽ hang động và điêu khắc đá còn lại từ thời tiền sử, mặc dù không thể khẳng định một ý nghĩa rõ ràng cho nó, nhưng đa số các nhà phê bình đều lập luận theo xu hướng giải nghĩa nó theo xu hướng thể hiện niềm tin tín ngưỡng. Truyền thống nghệ thuật Hy Lạp La Mã thì gián tiếp ca ngợi sức mạnh và sự tự do của con người thông qua những hình tượng thần thánh. Nghệ thuật trung cổ Châu Âu biểu hiện niềm tin tôn giáo mạnh mẽ cùng với sự khắc khổ cả trong lối sống lẫn tinh thần. Những ví dụ ấy đủ cho thấy giá trị cốt lỗi của một tác phẩm nghệ thuật nằm ở cái mà nó biểu hiện, truyền tải. Rõ ràng, nghệ thuật Phục Hưng từ bỏ lối tạo hình Trung Cổ quay trở về với lối vẽ hiện thực Hy La thể hiện sự thay đổi trong tư duy chứ không nhằm tìm một thứ mới lạ. Vì vậy, điểm cốt yếu của nghệ thuật là giá trị về tư tưởng và các thủ pháp nghệ thuật là nhằm đạt được mục đích truyền đạt tư tưởng ấy, chứ không nhằm thỏa mãn nỗ lực đi tìm cái mới. Nếu chỉ chạy theo cái mới lạ, thì chắc chắn nghệ thuật không thể đứng vững trong vài tháng, nhưng thực tế chứng minh ngược lại, nghệ thuật thực sự có thể đứng vững trong nhiều thế kỷ, cho đến khi nào người ta còn thấu hiểu được nó.Có thể thấy các ngành nghệ thuật về bản chất là giống nhau, ở mục đích chung ấy, chỉ có sự thay đổi về ngôn ngữ thể hiện. Nếu như nghệ thuật có một mục đích, nằm ở khả năng biểu lộ và thấu cảm, thì như thế, sáng tác là con đường đi đến mục đích ấy. Như vậy, sáng tác nghệ thuật là hành động giải quyết vấn đề nhằm đạt tới mục đích cụ thể. Nguyên lý sáng tác sẽ trở nên rõ ràng nếu chúng ta nhìn nhận nghệ thuật với góc độ giải quyết vấn đề. Từ đó nghệ thuật trở nên gần gũi hơn và khoa học hơn.
Tác phẩm nghệ thuật, ngay từ khái niệm của nó, được hiểu là những thứ không có giá trị cụ thể về mặt vật chất, không nhằm một mục tiêu vật chất mà hoàn toàn để thỏa mãn nhu cầu mỹ học của người sáng tác. Như vậy mục tiêu của nghệ thuật thực sự nằm ngoài tính vật chất mà nằm ở giá trị tinh thần của nó. Vấn đề mà tác phẩm nghệ thuật giải quyết là vấn đề về tinh thần và tư tưởng. Vấn đề tư tưởng ấy là những thứ lặp đi lặp lại, xuyên suốt theo sự phát triển của loài người cũng như của từng cá thể riêng rẽ, những có sự biến đổi theo lịch sử. Những vấn đề ấy là vấn đề về tâm lý – tình cảm, tư tưởng, tôn giáo, triết học, chính trị, xã hội… Bất cứ một khía cạnh nào có thể phát sinh bên trong một cá nhân, từ chính đời sống của họ thì nó đều có thể trở thành mục tiêu truyền tải của nghệ thuật. Điều này đặc biệt đúng với nghệ thuật Hiện đại và Hậu hiện đại. Có thể nhận thấy tác phẩm nghệ thuật thường là sự biểu đạt một trong những vấn đề ấy và như thế quá trình sáng tác là quá trình giải quyết ngôn ngữ nghệ thuật nhằm đạt được sự tối ưu trong biểu đạt. Các yếu tố ngôn ngữ của nghệ thuật tạo hình cũng như các nguyên tắc cơ bản của nó đều có thể liệt kê được, do đó không có gì lạ khi xuất hiện sự lặp lại trong việc sử dụng ngôn ngữ và các thủ pháp nghệ thuật.Sáng tác nghệ thuật là việc đi tìm một cấu trúc phù hợp, thỏa mãn những yêu cầu của tư duy nhằm giải quyết vấn đề cụ thể, sử dụng những yếu tố có sẵn, với những nguyên lý đã biết, nó là sự tái cấu trúc những cái đã có để thỏa mãn vấn đề phát sinh trong hiện tại.
Mặc dù là sản phẩm từ sự tạo tác của con người, tác phẩm nghệ thuật là tổng hòa của rất nhiều yếu tố, trong đó có nhiều yếu tố mà con người không hoàn toàn làm chủ được hoặc không thể làm chủ được, dẫn đến việc tồn tại nhiều biến số khiến cho tác phẩm thường không hoàn toàn tuân theo ý chí của nghệ sỹ, luôn tồn tại sự khác biệt giữa hình dung ban đầu với tác phẩm khi hoàn thiện. Ngay từ ban đầu, khi ý tưởng con đang được thai nghén, thì tùy vào mức độ nhận thức cũng như khả năng tư duy của mỗi người, mà kết quả của quá trình giải quyết vấn đề lại khác nhau rất nhiều, dẫn đến vô số những sự kết hợp trong ngôn ngữ thể hiện. Ngay cả khi phương pháp sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật là như nhau, những các yếu tố bên ngoài như đặc trưng di truyền của nghệ sỹ, môi trường, điều kiện khí hậu, chất liệu, các yếu tố con người, xã hội, và rất nhiều yếu tố khác có thể tác động và làm gia tăng các biến số khiến cho tác phẩm không thể giống với ý đồ ban đầu, và không thể giống nhau. Dựa vào đó có thể nói sẽ không có hai tác phẩm nào giống nhau được hoàn toàn, ngay cả khi người ta có chủ định, có nghĩa là tính “mới” của một sáng tác nghệ thuật luôn được đảm bảo. Quay lại với kết luận ở bên trên, chúng ta có thể rút ra là: tính mới của tác phẩm nghệ thuật không thể đạt tới một cách triệt để, nhưng mặt khác, tính mới luôn tồn tại trong mỗi tác phẩm. Ngay cả khi cùng một nghệ sỹ với cùng một điều kiện sáng tác, cố gắng sao chép lại tác phẩm mình vừa mới thực hiện, thì sự mới mẻ bên trong nó luôn tồn tại. Vậy thì vấn đề sáng tạo trong nghệ thuật một lần nữa có thể khẳng định đó không phải là vấn đề then chốt. Ngược lại người ta có thể hoàn toàn không quan tâm đến tính mới, bởi vì nó chỉ là thứ yếu, thậm chí là khía cạnh cần phải gạt bỏ khi hình thành tác phẩm bởi nó là thứ lừa dối và nó làm loãng đi điểm mấu chốt trong nghệ thuật là giải quyết vấn đề của con người.
Có thể tổng kết quá trình sáng tác nghệ thuật theo trình tự như sau: ý đồ tư tưởng, ý đồ nghệ thuật, tìm kiếm ngôn ngữ, tạo tác. Trong quá trình tạo tác liên tục có sự trở lại của các bước trước đó, dẫn tới tác phẩm hoàn chỉnh. Đôi khi ý đồ tư tưởng không hoàn toàn rõ ràng, nhiều khi nghệ sỹ chỉ cảm thấy vấn đề một cách mơ hồ không thể cắt nghĩa, hoặc đôi khi bản thân người nghệ sỹ không chủ đích áp đặt một tư tưởng nào nhưng bản thân cách tạo tác nên tác phẩm đã phản ánh tư tưởng của họ. Ngược lại, có nhiều trường hợp bản thân người nghệ sỹ có một mục tiêu cần biểu đạt nhưng bế tắc trong cách thể hiện, thì các hình thái của tự nhiên, hiện thực cuộc sống, các tạo tác vô ý hay hữu ý của con người, các trạng thái đặc biệt của thần kinh như mơ mộng, thôi miên hay sử dụng chất kích thích… đều có thể gây ấn tượng bởi những hình ảnh có thể sử dụng như sự gợi ý, nguồn cảm hứng, làm nảy sinh và hỗ trợ về ngôn ngữ tạo hình cho nghệ sỹ.
Cũng có thể có trường hợp khi mà bản thân tạo tác nghệ thuật làm nảy sinh ý đồ về tư tưởng và tiếp tục được sử dụng nhưng biến đổi đi, nhằm truyền tải tư tưởng ấy. Do đó, việc sử dụng lại các yếu tố tạo hình trong các tác phẩm cũ, sự ảnh hưởng lẫn nhau trong một cộng đồng nghệ thuật, sự vay mượn từ các nền nghệ thuật khác hoặc các loại hình nghệ thuật khác hoặc các sản phẩm nhân tạo khác… là tất yếu, không thể tránh khỏi. Miễn là tác phẩm nghệ thuật còn truyền tải được thông điệp của tư tưởng, thì khi ấy nó vẫn còn có giá trị.
Một quan điểm sáng tác khả thi là quan điểm xuất phát từ con người, với những vấn đề bức thiết của hắn. Việc tạo tác một tác phẩm phải lấy con người làm trung tâm, việc sử dụng ngôn ngữ như thế nào cho phù hợp phải nhằm giải quyết các vấn đề tư tưởng, tình cảm, tôn giáo… của chính bản thân người nghệ sỹ. Mục đích của sáng tác mỹ thuật phải thoát ra khỏi các mục đích về vật chất, chạy trốn khỏi trò chơi đi tìm cái mới mẻ và nó không thể phản ánh tư duy của cá nhân khác mà phải đi từ bên trong người tạo tác. Những phương pháp thực hành có thể coi là mới đối với nghệ thuật, thì chỉ có ích khi chúng làm cho việc giải quyết vấn đề được trọn vẹn triệt để hơn, làm cho ý tưởng nghệ thuật được thực hiện chuẩn xác và đúng đắn hơn. Nguyên lý sáng tác mỹ thuật gói gọn ở trong việc tìm kiếm ngôn ngữ nghệ thuật phù hợp để biểu đạt vấn đề của tư duy.
Nguyễn Quang Trung 
Theo http://www.spnttw.edu.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau"

Hoàng Nhuận Cầm "Mà thơ là nợ, mà tình là đau" Mà thơ là nợ, mà tình là đau là câu thơ Hoàng Nhuận Cầm viết tặng bạn anh, nhà th...