Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Dòng sông, bóng núi, địa linh và lời đồng vọng Huế

Dòng sông, bóng núi, địa linh 
và lời đồng vọng Huế
iết về sông Hương nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã từng thon thót lo âu: “Nếu có một biến động địa chất nào đó xảy ra thật nhẹ nhàng khiến cho chỉ sau một đêm thức dậy, người ta bỗng thấy hai bên bờ sông Hương đã líp lại với nhau – nghĩa là thành phố Huế vẫn y nguyên nhưng sông Hương không còn nữa... Vâng, giả sử là như vậy, thì liệu người trong nước, ngoài nước có buồn nhắc đến Huế nữa không? Có lẽ ai đó vẫn còn tìm về, để rồi nhận ra cái tâm Huế  trong mình đã khác” (Sử thi buồn). Đồng điệu tâm hồn trước sơn thủy hữu tình xứ Huế, Dương Phước Thu thử để lạc tầm nhìn và phấp phỏng: “Nhưng giả sử... bên cạnh dòng sông âm vang thi ca ấy thiếu đi một người bạn đồng hành đáng tin cậy là ngọn núi Ngự Bình và duyên phận chia lìa chúng ra xa nhau hơn một chút nữa, thì chắc chắn rằng khuôn mặt diệu kỳ của kinh thành Huế sẽ không có một vị thế ngước mắt đầy kiêu hãnh như hiện thời ngó về phương Nam” (Đồng vọng người phía núi). Và thi sĩ Bùi Giáng thuở nào cũng lãng đãng đã mượn tiếng dạ thưa nhỏ nhẹ, ngọt ngào của cô gái Huế để viết những câu thơ vu vơ ngu ngơ một cách tài hoa và ngụ tình: “Dạ thưa xứ Huế bây giờ, vẫn còn núi Ngự bên bờ sông Hương”. Những con người nặng lòng với Huế đã tìm thấy trong vẻ đẹp hài hòa,  cân xứng tự nhiên của đất trời một sự hòa nhập “văn hóa dòng sông” và “văn hóa núi”. Sơn giang địa chí, địa linh, linh khí núi sông hun đúc thành bề dày văn hóa của vùng đất cố đô, là người sáng tạo muôn đời của loại hình văn học, nghệ thuật chọn cho mình mảnh đất “đắc địa”, bằng đặc trưng thế kỷ, Dương Phước Thu đã điền dã, quan sát, ghi chép lần giở từng trang cổ sử, soi tìm từng địa danh, tiếp tục đào xới những vỉa nguồn văn hóa. Tiếp nối nguồn mạch từ Dòng sông nắng đục mưa trong (1996 – Giải thưởng Văn học nghệ thuật cố đô lần thứ hai), một lần nữa Dương Phước Thu lại làm “kẻ lãng du lặn lội kiếm tìm”, “lang thang trên sóng nước sương mù tìm nguồn mê cố sự”. Tập bút ký “Đồng vọng người phía núi’ (1999) chính là khát vọng “đào xới dưới bùn đất thời gian”, nhìn lại ngút ngàn lịch sử khai thác những dấu ấn văn hóa biểu trưng của xứ Huế nói riêng và dân tộc nói chung. Qua góc nhìn của Dương Phước Thu, từ ngọn núi, dòng sông, thế đất, dáng chùa không đâu không tạc in đậm dày vết tích của một nền văn hóa hôm qua và hôm nay.
Trong tập ký, hơn một lần Dương Phước Thu nói đến “văn hóa sông ngòi” và “văn hóa núi”. Nhìn qua nhan đề những bài ký đã thấy khuynh hướng của nhà văn (Dấu ấn văn hóa Ngự Bình, Phượng hoàng Trung đô, Quảng Điền – miền đất sử thiêng, Người xưa, tư tưởng, khát vọng và linh khí núi...)
Viết về Ngự Bình, “đứa con của tạo hóa định sơn, được các nhà khan dư địa lý phát hiện ra các thế mạnh tiềm ẩn mang đủ yếu tố làm “đệ nhất án sơn”, và định đoạt số mệnh “trời ban” cho việc chọn hướng dựng phủ lập dinh nhà Chúa, để rồi định đô sau này”, anh nhìn thấy những dấu tích văn hóa mà người Huế qua nhiều thế hệ đã tạc nên. Dừng chân ở ngọn núi Kim Phụng đầu nguồn sông Hương, anh nhận ra một dấu ấn của một vùng văn hóa tâm linh nơi sơn thủy hữu tình, nơi thiên địa nhân giao hòa. Thấp thoáng qua từng trang sử và từng vùng ký ức của nàh văn những  Tản Viên, Hoa Lư, Yên Tử, Dục Thúy Sơn, Hồng Lĩnh, Thiên Thai... gắn liền với từng chặng đường dựng nước và lịch sử nghệ thuật thi ca. Từ những bóng núi trầm mặc, trùng trùng linh khí ấy, Dương Phước Thu nhận ra dấu vết từng vùng văn hóa ẩn sâu. Viết về vùng đầm phá Tam Giang, anh khơi lại những truyền thuyết, chuyện xưa về hiện tượng sóng thần, về kế yên dân của chúa Nguyễn, từ đó tác giả khẳng định: “hệ thống đầm phá, vũng vịnh ấy được xem như nguồn năng lượng nước đủ sức tạo nên những yếu tố văn hóa hàm chứa tính nhân văn đa cảm của người Huế”. Chia nhỏ từng tiểu vùng văn hóa là cách làm của Dương Phước Thu, tựu trung nhằm phát hiện bề dày văn hóa lịch sử của các hiện tượng tự nhiên và cuộc sống con người. Mở đầu tập bút ký, tác giả đã minh xác một tầm nhìn: “từ thời hoang sơ, nhân loại vốn đã xem các dòng sông tải nặng phù sa và văn hóa của nó như một cái nôi nguồn cội (...) Nhưng phải thêm vào đó, dĩ nhiên là rất cần phải có, thì Núi và “văn hóa núi” cũng là một yếu tố định mệnh không thể tách rời đời sống tinh thần của họ”. Trong ký Dương Phước Thu, những không gian văn hóa ấy tôn tạo, hội nhập thành bản sắc văn hóa một vùng đất.
Đặc điểm của ký Dương Phước Thu là thường xuyên liên tưởng về quá khứ. Đứng ở cột mốc hiện tại tác giả luôn hoài niệm, ngưỡng vọng những năm tháng xa xưa, đồng thời từ những hoài vọng quá khứ anh luận giải, phẩm bình những vấn đề hiện tại. Thời gian trong ký Dương Phước Thu vì vậy không liền mạch. Người viết không theo một trình tự thời gian, không gian nào mà câu chuyện về sông, về núi, về đất, về người được dẫn dắt từ mạch kể, suy tưởng, cảm xúc bất chợt. Thời gian cứ trải ra không ngừng. Lịch sử – hiện đại, quá khứ – hiện tại có lúc song hành, đan cài, lắp ghép. Thời gian, không gian đồng hiện. Âm thanh đồng vọng. Phá Tam Giang hôm nay với tiếng gọi đò trăm năm và huyền thoại về loài chim đơn côi khắc khoải gọi tìm (Lang thang trên phá Tam Giang), Phượng hoàng Trung đô với thế núi xây thành như dáng phượng hoàng vỗ cánh và “âm vọng nghìn năm trước đang hóa thân thể hiện” (Phượng hoàng Trung đô). Trên đỉnh núi vùng A Lưới, nhìn màu xanh mênh mông của rừng mía bạt ngàn, trong giai điệu rừng thở, tác giả nghe như vọng về “muôn ngàn dấu chân đang rầm rập qua đây từng ngày” (Đồng vọng người phía núi).
Không gian trong ký ức Dương Phước Thu thường có bề cao. Đồng vọng người phía núi vươn tới một không gian cao rộng, thuần khiết. “Đó là những dãy núi cao ngất sừng sững giữa trời xanh”, nơi “mây vẫn trắng phủ trùm đỉnh ngọn”, nơi “hào quang sơn mạch lan tỏa”. Ở chiều cao thẳm ấy có cái tôi trữ tình của thể ký ngưỡng vọng người xưa qua những dấu tích văn hóa tạc vào vách núi. Từ không gian thiên địa vỡ òa ra thoáng đãng trên đỉnh núi Quyết, cái tôi “thẩm ngộ từ trong thinh không những âm thanh kỳ ảo, dường như đây là dấu hiệu vĩnh hằng của người xưa”. Con người trong ký của Dương Phước Thu mang khát vọng chiếm lĩnh không gian cao rộng ấy. Trong Người xưa, tư tưởng khát vọng với linh khí núi hiện lên chân dung những con người nhập hồn vía với núi non. Ông Trang Điền hậu duệ của dòng họ Trần làng Trúc Lâm – Huế “thi thoảng lại chống gậy trúc thượng sơn và bình thản, tự tại ngồi lặng thật sâu trên đỉnh núi Kim Phụng định thần” và “nhấm nháp khí lành giữa thiên trung cùng với mây ngàn gió núi luyện phép dưỡng sinh”. Trong Dấu ấn văn hóa Ngự Bình, Dương Phước Thu đề cập thú leo núi – một phần trong đời sống tinh thần của người Huế. Vua quan triều Nguyễn đã từng ngự lãm trên núi Ngự Bình, và hàng năm cứ đến rằm tháng giêng “đêm này âm dương đầy vượng khí, thịnh phát nhất tại cực điểm của Càn Khôn, giao thoa mà sinh ra vạn vật” Ngự Bình lại đông nghịt người. Thượng sơn, đăng cao là một phương thức để thưởng ngoạn thiên nhiên, chiếm lĩnh bầu trời, đồng thời với tác giả cũng là một cách để xúc tiếp với văn hóa núi.
Trong mạch vọng về quá khứ, một đặc điểm của ký Dương Phước Thu là  thường sử dụng huyền thoại như là một vệt nối mềm mại giữa hôm qua và hôm nay. Huyền thoại được tác giả sử dụng như một môtip kể chuyện để làm nổi rõ vấn đề, lý giải cặn kẽ một địa danh, hoặc đưa một hiện tượng trở về khai nguyên của nó. Trong tập ký, huyền thoại như một chất muối gia giảm khéo léo làm tăng thêm chất đậm đà của những trang tư liệu giàu lượng thông tin. Mẩu huyền thoại đầy nữ tính về cô gái tóc dài chấm gót ướp tấm thân ngọc ngà hóa thành núi Ngự. Truyền thuyết về một loài chim đêm đêm côi cút gọi đò. Truyền thuyết về những cơn cuồng nộ phá Tam Giang. Những thiên huyền thoại hư ảo, lung linh làm hiện thực thêm phần đa dạng. Huyền thoại điều hòa những số liệu, những sự kiện, mang lại chất mượt mà, trữ tình cho thể ký. Huyền thoại còn mở ra chiều sâu văn hóa tâm linh – đó chính là những trường âm hưởng, thể hiện sự vĩnh hằng của những dấu vết xưa.
Đặc trưng của thể ký khác thơ và truyện ngắn, nhưng không có nghĩa là thể loại này không đòi hỏi một sự rung cảm sáng tạo để dẫn đến rung cảm tiếp nhận. Trong cuộc đời sáng tạo ai cũng hơn một lần bất lực vì một “phút linh cầu mãi chưa về”. Không có “phút linh” sáng tạo ấy “những sự kiện thật xô bồ trong hai cuốn sổ đầy đã ghi đến hết trang cuối, nhưng chữ nghĩa thì cứ bỏ qua dưới mắt tôi như một bầy kiến không hồi hộp, không vang động” (Hoàng Phủ Ngọc Tường - Ai đã đặt tên cho dòng sông – trang 226). Tuy chưa phải đạt đến độ sâu tinh tế; hàm súc vốn cũng cần thiết cho thể ký, nhưng Dương Phước Thu không chỉ dừng lại ở sự kiện, ở tính tư liệu, báo chí. Ký Dương Phước Thu thể hiện rỏ cảm xúc, trầm tư và cả chất “humour” trong giọng điệu. Giọng điệu trần thuật lúc dí dỏm, lúc trầm ngâm, khi bỗ bã, khi thiết tha. Vẫn còn có nhiều chỗ nhà văn sa đà kể hết sự kiện này đến sự kiện khác. Anh “tạt ngang tạt ngửa” một cách tự nhiên, nhưng đôi lúc cái ngang ngửa ngẫu hứng này làm cho mạch văn tản ra, mà người đọc vẫn đòi hỏi ở thể loại có vẻ như chỉ chuyển tải thông tin, tư liệu này độ chìm, độ nén.
Dương Phước Thu viết chưa nhiều nhưng đã kịp tạo ấn tượng cho người đọc. Chọn mảnh đất trù phú lại chọn riêng một góc nhìn văn hóa lịch sử, cùng với những cây bút ký tiêu biểu ở Thừa Thiên Huế, Dương Phước Thu đã góp phần làm nổi rõ bản sắc văn hóa Huế - miền Trung.
Lê Thị Hường
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi

Những ồn ào hòa tấu khúc mưa rơi Nhà thơ Phạm Ánh Sao còn có bút danh Triều Vân, sinh trưởng ở Hải Dương, học Đại học Văn hoá Hà Nội và kh...