Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Lửa miền ký ức

Lửa miền ký ức*
Trong mơ vọng đời người, nhiều lúc người ta quên nhằm tới tương lai mà muốn trở về miền ký ức. Có lẽ tiên cảm phía trước gập ghềnh hao khuyết khó làm con tim mang cái hăm hở của tuổi ngựa hồng thời vang bóng đó chăng?
Miền ký ức lở bồi trong đạn bom, trong nắng mưa cuộc đời dội xuống, những đứa trẻ lẽ ra được chở che bao bọc trong hoa trái hạnh phúc lại sớm gánh nỗi lo thời cuộc và cơn bão chiến tranh đã làm bay mất tuổi hồn nhiên chân sáo học trò. Hoàng Công Kiển, như ta thấy, đi ra từ đám trẻ ấy. Trong một hồi ức, tác giả hơn một lần tự thuật rằng, “cũng như bao đứa trẻ khác, mới 7 tuổi đầu tôi đành phải xa gia đình ra miền Bắc sơ tán để cha mẹ yên lòng cùng bà con làng xóm bám trụ kiên cường, quyết tâm đánh Mỹ và thắng Mỹ” (Gọi thầm hai tiếng Ba ơi!). Điều làm ta yêu mến anh là tình cảm sáng trong mà mãnh liệt, chứa chan mà sâu lắng, nối tiếp được mạch sống của một thế hệ luôn lấy niềm tin, khát vọng làm bệ phóng cho tâm hồn, trí tuệ và bản lĩnh thời đại.
Gặp lại bạn áo lính phơi phới lạc quan thuở nào lại trở về trong bóng dáng “nửa tỉnh nửa mê” bởi bom đạn giặc thù, lòng anh chùng xuống:
Gặp bạn tôi
Áo lính phong sương giữa chiều thị trấn
Nửa tỉnh, nửa mê
Ở nơi này, thời ấy chúng tôi đi
Chỉnh tề quân phục
Sắc áo, màu cờ hiên ngang rạo rực
Mắt ngời long lanh
(Bạn tôi)
Người ta nói, một khi trái tim rớm máu vì thương tổn, co thắt vì đau xót bật ra thành những cơn dư chấn ngôn ngữ thì đích thị trái tim đó là của người nghệ sĩ. Đọc thơ và văn xuôi của Hoàng Công Kiển qua Miền ký ức, những gì người đọc nhận cảm được dễ thấy qua tần suất thể hiện tình cảm đó. Đến nơi nào, dường như sau những rung cảm vô hồi lắng lại, kết tụ nên hình hài yêu tin vẫy gọi tình người, anh sinh hạ nên những tác phẩm nằm lòng. Có lẽ xuất phát từ sự thành thực ấy mà anh không ngại ngần né tránh đề thơ, dù trước mặt đã có những thi phẩm đóng đinh vào tâm cảm người đọc. Thiết nghĩ chưa cần làm một thống kê, chúng ta đã thấy, Huy Cận có Ngã ba Đồng Lộc gắn với sự hy sinh thầm lặng của mười cô gái tạo âm vang trong trang sử oai hùng của dân tộc; Vương Trọng có Lời thỉnh cầu ở Nghĩa trang Đồng Lộc; Yến Thanh có Cúc ơi; Bùi Quang Thanh có Hà ơi… Mỗi bài thơ một tâm can dâng trào niềm xa xót lẫn tự hào. Hoàng Công Kiển cũng vậy, thơ bật ra tự nhiên từ huyết lệ tâm hồn, giản dị, xúc động và ám ảnh:
Mười chị anh dũng hy sinh
Tuổi yêu đương chưa lời hẹn ước
Thư gửi mẹ chữ mới vừa ráo mực
Khiến nỗi đau quặn thắt cõi lòng
(Trước tượng đài Đồng Lộc)
Cuộc đời với những chuyến đi, có cái sự đi “đổi gió”, có cái đi rũ bụi nhọc nhằn, phiền muộn để tìm tới sự an nhiên lòng mình và muôn lý do cá nhân khác, nhưng với tác giả thì đi chính là tìm chân thân trong cõi phù thế để tự nghiệm:
Lên Côn Sơn, bàn cờ
Nơi tiên trời giáng thế
Trèo lên cao càng thấy mình nhỏ bé
Giữa vô cùng mênh mông
Nhặt nhành củi khô con đốt ngọn lửa hồng
(Hành trang về Côn Sơn)
“Ngọn lửa hồng” ấy đốt lên giữa thực tại trở thành một ẩn tượng làm ấm trái tim kẻ hậu thế vì thỏa được nỗi chờ mong và thắp lên khát vọng làm NGƯỜI, trong ý nghĩa viết hoa của từ này.
Đồng hành tác giả Miền ký ức, ta thấy lắm nẻo đi về tái hiện trong tác phẩm đã được nội cảm hóa thành một thăm thẳm, một da diết, một thao thức dựng dậy những nhớ quên giữa âm u tục lụy, đưa người ta về với “tính bổn thiện” từ nguyên khởi đời người. Về giữa phố thị lấp lánh đèn màu, anh mang niềm vui đầy ắp trước cuộc sống hồng hào sắc thắm nhưng vẫn chập chờn giấc ngủ bởi còn bao nhiêu phận người theo đời cơm áo nhọc nhằn:
Tiếng xe lắc lư, miệt mài hối hả
Gom cả ruộng đồng xuôi về phố chợ
Đánh thức tôi trong giấc ngủ bình yên.
(Tiếng xe thồ)
Hoàng Công Kiển là vậy, ngỡ tưởng cái công việc đang làm khá “vinh thân” (ngành Quản lý thị trường) sẽ ít nhiều làm nhạt đi sự sẻ chia và đồng cảm, nhưng Miền ký ức lại là một bảo chứng của trái tim giàu có tình người: 
Trên vai em gánh cả tiếng rao
Mua đi anh…
                      rau rẻ lắm…
                                          mua đi
Tôi lắc đầu như người có lỗi
Cái lắc đầu ngô nghê của người rỗng túi
(Tiếng rao)
Trong văn xuôi cũng vậy, chúng ta thấy anh luôn mang tâm thức của một người sống đầy trách nhiệm công dân và nghĩ suy thấu lẽ ân tình.
“… dư âm của chiến tranh vẫn còn phảng phất đâu đó trên thân thể không toàn vẹn của những thương binh, trên hình hài dị dạng của những em bé bị chất độc màu da cam và những làn khói nghi ngút trên lăng mộ của những liệt sỹ... E rằng chưa đủ nếu thế hệ hôm nay và thế hệ mai sau nếu chỉ nhìn lịch sử thông qua các bài học, các bài diễn thuyết mang tính khái quát và những điều còn đang hiện hữu” (Bản hùng ca cách mạng).
Những trang viết về bậc sinh thành, về người thầy, về đồng đội với sự rung cảm mãnh liệt và chan chứa nghĩa tình. Trong Hồi ức người lính, tình quân dân, tình hữu nghị Việt - Lào thấm đẫm được miêu tả bằng một lối thể hiện ngôn ngữ sinh động và tinh tế. Thứ nữa, điều không thể không nói đến là công việc đang làm đã giúp anh soi rọi nhiều mặt sáng tối cần tìm tới sự hóa giải, minh định của công lý và cuối cùng, đáng ghi nhận là cái nhìn ấm áp tình người của tác giả, dù trong những hoàn cảnh cụ thể có biến động thế nào.
Có thể nói, Hoàng Công Kiển là cây bút khá linh hoạt trong thể hiện. Anh biết sự sáng tạo khi nào thì nên thơ, lúc nào thì ra văn. Nó là hai mặt của hiện thực, bên trong tâm hồn và bên ngoài cuộc sống. Có điều, những con chữ theo nhau nối dài trên trang viết như những giọt hồng cầu lưu chuyển không ngưng nghỉ từ một trái tim chân thành và đến đó, thiết tưởng cũng đừng quá đòi hỏi những mê tự, vì anh đã biết lấy ngọn lửa từ miền ký ức truyền dẫn thông điệp muôn thuở nhưng mãi mang giá trị hằng cửu của tình yêu con người, tình yêu cuộc sống.
* Đọc Miền ký ức, tập thơ văn Hoàng Công Kiển, NXB Hội Nhà văn, 2017.
 Võ Văn Luyến
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt “L’amour est au monde pour l’oubli du monde (Tình yêu có trên đời là để cho quên hết đời đi)” Paul...