Đến thăm Huế, một trong những môn nghệ thuật được nhiều người
yêu thích đó là đi xem múa hát cung đình. Huế là mảnh đất của nghệ thuật, đặc
biệt là những môn nghệ thuật truyền thống như nhã nhạc, tuồng, ngâm thơ, hò vè,
ca Huế, múa cung đình được giữ gìn và phát huy giá trị trong cuộc sống hiện tại.
Và một điệu múa được bạn bè khắp nơi biết đến là “Lục cúng hoa đăng”.
Điệu múa “Lục cúng hoa đăng”
Nơi thường biểu diễn hàng ngày điệu múa này trong chương
trình nghệ thuật truyền thống Huế phục vụ khách du lịch, đó là Nhà hát Duyệt Thị
Đường - Đại Nội Huế. Lục cúng hoa đăng là một điệu múa quan trọng bắt nguồn từ
Phật giáo. Điệu múa này có từ thời cổ do các vị sư Ấn Độ truyền vào nước ta. Đến
đời Minh Mạng, vũ khúc này đựơc sửa chữa để biểu diễn trong các ngày lễ. Tên gọi
“Lục cúng hoa đăng” chính thức có từ ngày ấy. Theo nghệ sĩ ưu tú La Cẩm Vân:
múa Lục cúng hoa đăng là điệu múa cung đình quan trọng thứ hai sau múa Bát dật.
Nội dung điệu múa gồm có 6 phần tượng trưng cho 6 lần dâng cúng Phật các lễ vật
hương, hoa, đèn, trà, quả và thực. Mỗi lần dâng cúng có một khúc nhạc khác
nhau. Dâng hương có khúc hát dâng hương, dâng hoa có khúc hát dâng hoa... và
bao giờ cũng được bắt đầu bằng một câu khởi xướng.Trong 6 lần múa các vũ sinh đều
hát theo 6 khúc lời Hán Việt với nhan đề: Tán hoa đăng, tán hương phù, tán hoa
quả, tán trí đăng, tán Phật điện, tán khế thủ. Những khúc hát này được thể hiện
theo cách hát ngân nga, trầm bổng, dứt một khúc hát nhạc công gõ não bạt, đánh
trống đổ hồi. Toàn cục các khúc hát mang âm hưởng điệu tán trong âm nhạc Phật
giáo.
Về trang phục, trên vai áo của các vũ sinh đều có 5 tua vải,
tượng trưng cho 5 màu trong ngũ sắc Huế và cũng là tượng trưng cho ngũ hành:
kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Các vũ sinh nữ mặc áo màu cánh sen, trên đầu đội mũ
màu vàng tượng trưng cho nhụy sen, hai tay cầm hai cây đèn hình hoa sen. Trong
Đạo Phật, hoa sen tượng trưng cho sự thanh cao, tinh khiết, đóa sen cũng chính
là nơi đức Phật toạ thiền.
Trong bài vở cổ, mỗi bài múa Lục cúng hoa đăng dài 22 phút có
48 vũ sinh tham gia. Hiện nay, Nhà hát nghệ thuật truyền thống cung đình Huế đã
dàn dựng lại được một số trích đoạn, bài dài nhất là 10 phút, bài ngắn nhất là
4 phút. Nghệ sĩ La Thị Cẩm Vân là người đã có công sưu tầm, tìm kiếm và đưa vào
dàn dựng lại các đoạn trích trong điệu múa “Lục cúng hoa đăng”. Theo chị cho
biết để dàn dựng lại điệu múa này, chị đã đi tìm kiếm tư liệu từ các nghệ nhân
của thời kỳ ấy, từ cha chị - cũng là một nghệ sĩ cung đình, tìm kiếm nguồn tư
liệu ở các thư viện quốc gia, từ bạn bè quốc tế và từ những hiểu biết của chị
vì chị cũng là ngươì đã từng tham gia vào đội múa cung đình khi còn nhỏ tuổi.
Hiện nay múa lục cúng hoa đăng không chỉ được giới thiệu tại
Huế mà còn được đưa đi biểu diễn trong các chương trình văn hoá giao lưu quốc tế.
Với kỹ thuật xây dựng đội hình biến hoá rất đẹp mắt, điệu múa lục cúng hoa đăng
đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng người xem.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét