Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Đi tìm thể tản văn

Đi tìm thể tản văn
1. Tản văn có phải là “nồi lẩu thập cẩm”?
Từ góc độ thể loại, nhìn vào đời sống văn chương Việt Nam từ đầu thế kỷ XX đến nay, chúng ta thấy xuất hiện thêm một khái niệm mới, đó là tản văn. Ngoài cách gọi tản văn, thể loại mới này cũng được gọi với nhiều vài cái tên khác nhau, như: Tạp văn, tạp bút, tản mạn, nhàn đàm... Bình luận về cái tên này, có ý kiến cho rằng chỉ nguyên chữ “tạp” đã không mấy giá trị. Phàm những gì là “tạp” thường là không ổn định, thiếu tính rõ ràng, khó mà nghiêm ngắn.
Thế nhưng tản văn lại vẫn xuất hiện với tần số dày đặc trên báo chí văn học, nhất là trong những năm gần đây. Hầu như báo chí văn học đều có mục tản văn, nhàn đàm, tản mạn... Lý giải thể loại mới này, bao câu hỏi của bạn đọc đã từng đặt ra: Tản văn là gì? Nó là văn xuôi, hay thơ? Xếp tản văn ở khoảng nào giữa văn xuôi và thơ? Tại sao tản văn lại có sức hấp dẫn người viết lẫn người đọc đến thế? Vì sao nhiều nhà thơ, nhà văn thành danh lại chọn thể loại này?
Theo Từ điển Tiếng Việt “tản văn là văn xuôi, loại văn gồm thể ký và các thể văn khác, ngoài truyện, thơ và kịch”. Từ điển thuật ngữ văn học cho rằng “tản văn là loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, có thể trữ tình, tự sự, nghị luận, miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật. Lối thể hiện đời sống của tản văn mang tính chất chấm phá không nhất thiết đòi hỏi có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh nhưng có cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, cốt cách cá nhân. Điều cốt yếu là tản văn tái hiện được nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả... Tản văn là loại văn tự do, dài ngắn tùy ý, cách thể hiện đa dạng, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả”1.
Còn nhà nghiên cứu Phạm Văn Ánh thì khẳng định “Tạp văn là những bài luận văn ngắn, giàu tính luận chiến, thường xoay quanh một số vấn đề xã hội, lịch sử, văn hóa, chính trị... Đặc điểm chung của tạp văn là ngắn gọn, linh hoạt, đa dạng; phản ứng một cách kịp thời trước những vấn đề bức xúc của xã hội với những ý kiến đánh giá rõ ràng và sắc sảo”2.
Trong cuốn Năm bài giảng và thể loại, tác giả Hoàng Ngọc Hiến cho rằng tản văn là “một tiểu loại kí ngắn gọn, hàm súc theo tùy hứng của tác giả, có thể bộc lộ trữ tình, tự sự hoặc nghị luận, thường là mấy thứ đan quyện nhau. Lối thể hiện đời sống trong tản văn mang tính chất chấm phá, tuy vậy, ngòi bút tản văn chạm vào những hiện tượng được tái hiện ở những khía cạnh cốt yếu và bất ngờ. Có lẽ đặc trưng quan trọng nhất của thể loại tiểu kí này là ở chỗ tất cả những gì được thể hiện biểu hiện trong bài tản văn đều mang đậm dấu ấn cách cảm nhận và cảm nghĩ của riêng tác giả...”.
Như vậy, theo quan niệm của GS Hoàng Ngọc Hiến thì tản văn vẫn chưa thể tách ra thành một thể loại riêng biệt, tồn tại độc lập mà vẫn “dưới trướng” của thể ký. Tuy nhiên, một số đặc trưng nổi bật nhất của tản văn được Hoàng Ngọc Hiến đề cập tới ở đây, đó là “sự tự do trong cách biểu hiện (có thể là tự sự, trữ tình, nghị luận), sự luận giải mang tính cá nhân của người viết đối với vấn đề đưa ra được đề cao. Tản văn là văn xuôi giàu chất trữ tình”3.
Song ranh giới của thể “tiểu ký” này đã gần như đã bị nhòa dần. Tản văn sẽ không bị gò bó, thậm chí đã được nới rộng ranh giới thể loại, phong phú, đa dạng về đề tài, chủ đề, tinh túy về nội dung, ngắn gọn hàm súc về câu chữ. Tản văn rất gần với thơ. Có ý kiến cho rằng tản văn đứng giữa thơ và truyện ngắn.
Cứ tư duy theo kiểu người Tày của chúng tôi, có thể còn thô thiển và nông cạn, thì tản văn có đặc điểm khiến ta liên tưởng đến một “nồi lẩu” – một bản “hòa tấu” tổng hợp, một món ẩm thực rất được ưa chuộng, có sức lan tỏa từ Nam ra Bắc, từ miền núi đến đồng bằng, từ nông thôn về thành thị... Ngồi quanh nồi lẩu, mọi người ăn uống tùy theo sở thích.
2. Tản văn có tự bao giờ?
Theo các nhà nghiên cứu, thể loại tản văn được khai sinh từ những thập kỉ đầu thế kỉ XX. Nhà nghiên cứu Phạm Văn Ánh thì cho rằng “Tạp văn với tư cách một thể văn chỉ chính thức ra đời vào khoảng thời cách mạng Ngũ Tứ (1917 - 1924). Nhưng nó tồn tại mờ nhạt, không gây được sự chú ý của giới nghiên cứu, phê bình, bởi trong ý thức của nhiều người thì tản văn là thể loại đi ngoài lề đời sống văn học. Hơn nữa, nó lại là một thứ văn không có diện mạo, không tiếng nói, không được định danh một cách nhất quán. Từ những thập niên 90 của thế kỉ XX, tản văn bắt đầu gây sự chú ý nhiều hơn bởi quá trình giới thiệu tản văn Trung Quốc vào Việt Nam diễn ra mạnh mẽ hơn, cũng từ đây ý thức thể loại được định hình rõ hơn”4.
Trong lý luận văn học Trung Quốc cổ, tản văn vốn được dùng để chỉ một thể văn xuôi tương đối tự do, phân biệt với vận văn (văn vần) và biền văn (câu văn sóng đôi, đăng đối). Xét theo tiêu chí hình thức ấy, tản văn đã xuất hiện ngay từ thời Tiên Tần với những tác phẩm nổi tiếng như: Tả truyện, Chiến quốc sách, Luận ngữ, Mạnh Tử, Nam Hoa kinh... Tuy nhiên, người Trung Quốc thường dùng khái niệm “tạp văn”, ít dùng khái niệm “tản văn”.
Ở Việt Nam, ngay từ đầu thể kỉ XX trở đi đã có các bậc tiền bối mở đường cho thể loại này như: Tản Đà, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Phan Khôi... và sau này có Xuân Diệu, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên... tiếp nối. Các nhà văn thường gọi thể loại từng viết này là tùy bút, bút ký...
Song, dạng “tiểu ký” này cứ thưa vắng dần.
Lý giải cho sự vắng bóng của tản văn, nhiều ý kiến đồng tình cho rằng tản văn “nhập nhằng” về thể loại, chả “ra tấm ra món”, không “nét” như văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết). Vì thể loại này được coi là tiêu chí đầu bảng xếp tư cách nhà văn (tiểu thuyết mới được gọi là nhà văn đích thực). Tản văn không xung đột như kịch. Có thể đẩy cảm xúc gần thơ, nhưng không gọi là thơ (trữ tình). Không ít người cho rằng tản văn chỉ dành cho những nhà văn nghiệp dư, hay những tác giả sau khi đã hoàn thành tác phẩm dài hơi, nay đã vắt kiệt nguồn lực sáng tạo. Chả nói đâu xa, chính tôi khi viết tản văn đã được nhà phê bình Lê Thị Bích Hồng nhận xét là “Chiếu nghỉ giữa khoảng thơ”...
3. Tản văn thời nay
Từ đầu thế kỷ XXI cho đến nay, thể loại tản văn xuất hiện ngày càng nhiều với nhiều nhà văn tên tuổi “xông trận” thể loại mới này. Một đội ngũ đông đảo nhà văn đã và đang “đầu quân” cho tản văn. Điểm danh đã thấy một đội ngũ nhà văn hùng hậu viết tản văn: Nhà văn Đỗ Chu với Tản mạn trước đèn; Hoàng Phủ Ngọc Tường với Nhàn đàm; Nguyễn Phan Hách với Cha tôi không về, Đàn bướm bay, Mười hai tháng quê hương; Y Phương với Kungfu người Co Xàu và Tháng Giêng - tháng Giêng một vòng dao quắm; Trần Đức Tiến với Cà phê Trầm, Làng bên kia sông; Phan Thị Vàng Anh với Truyện ngắn và tản văn; Đỗ Quang Hưng với Rì rào mùa hoa, Thương lắm, tết những người xa xứ; Nguyễn Ngọc Tư với Gáy người thì lạnh; Phong Điệp với Bay lên mái nhà thành phố; Đỗ Bích Thúy với Trên căn gác áp mái; Đỗ Phấn Hà Nội thì không có tuyết; Nguyễn Việt Hà Con giai phố cổ; A Sáng với Giấc mơ màu hạt dẻ...
Thậm chí ngay cả những nhà “ngoài luồng” văn chương, như nhà sử học Cao Huy Thuần, nhà khảo cổ học Nguyễn Thị Hậu, họa sỹ Phan Cẩm Thượng, nhạc sỹ Dương Thụ, đạo diễn điện ảnh Việt Linh... cũng đã từng “lấn sân” tản văn.
Tản văn bộc lộ cái tôi trữ tình một cách rõ nét nhất, tâm huyết nhất. Những gì được phản ánh trong tản văn là một phần trải nghiệm sâu sắc của chính tác giả. Trong khi các nhà tiểu thuyết phải cất công dàn dựng, phải hư cấu, phải phân thân... Trong khi đó tản văn như một thứ thuốc thử, phản ứng ngay tức thì, cho biết kết quả một cách nóng hổi.
Tản văn không cần phải hư cấu, không cần đến cả thi pháp nghệ thuật. Tản văn như trời mưa, như nước chảy, như gió thoảng, như tiếng ve kêu ran ran mùa hè. Tản văn phóng khoáng như bầy ngựa hoang tung vó trên đồng cỏ. Tản văn phá vỡ các quy phạm khuôn thước, luôn tạo ra những cảm xúc bất ngờ. Tản văn không thể tìm ra tính logic thông thường như các thể loại văn chương khác. Nhưng tản văn đòi hỏi người viết phải có tư duy trực giác cao độ và cảm xúc cực mạnh như khi ngồi làm thơ.
Tản văn không kén đề tài. Có thể viết chân dung. Có thể nói về lịch sử, về văn hóa, về tôn giáo tín ngưỡng, về nghệ thuật, về triết học, về cây cỏ sông suối... Không có gì trên đời mà không thể đưa vào tản văn.
Tản văn có lối kết cấu tự do như người đánh bóng bàn không cần lưới. Chính vì lẽ đó người đọc cảm thấy mất “trật tự”. Nhà văn Nguyễn Tuân từng nói “Ý này nhằng vào ý kia” và “sự liếc nhau” giữa các ý tạo nên tính thống nhất. Tất cả xâu chuỗi lại bởi mạch cảm xúc của nhà văn. Tản mạn là hiện tượng bên ngoài vỏ ngôn ngữ. Còn cái thần sắc là tính thống nhất ở bên trong tác phẩm. Ngôn ngữ trong tản văn trong sáng, chân mộc, nhưng đòi hỏi sự tinh tế, khiến cho người đọc thích thú khi tiếp nhận. Nhiều nhà văn đã chú ý sử dụng từ thuần Việt.
Tản văn (tạp văn, tạp bút) xuất hiện đậm đặc báo chí. Với những ai vừa viết văn vừa viết báo, tản văn như một gạch nối giữa hai công việc nghệ thuật và báo chí. Thực tế cho thấy tản văn không khó viết. Nó là một thể loại phi hư cấu. Nó không đỏi hỏi phải mất công xây dựng cốt truyện, nhân vật sự kiện, tình tiết... một cách chặt chẽ như ở truyện ngắn hoặc tiểu thuyết. Nó cũng không đòi hỏi người viết sự “thâm nhập thực tế” một cách trường kỳ và cái nhìn quan sát có tính chủ ý cao như ở tùy bút hay bút ký. Truyện có thể không cần có cốt truyện gì cả, vẫn có thể dựng thành tác phẩm văn học. Nhưng tản văn nhất thiết phải có tứ. Đọc xong người nhớ đây là dòng sông trong xanh như có trời lội xuồng. Người đọc cảm thấy miếng bánh áp chao nóng giòn trong khoang miệng...
Sự xuất hiện trở lại của tản văn không thể xem là chuyện bình thường. Tản văn đáp ứng được yêu cầu thực tế trong xã hội. Trong khi thơ và tiểu thuyết cần có thời gian quan sát, chiêm nghiệm và đầu tư công phu cho tác phẩm. Đây là thời buổi của thế giới phẳng, Trái đất như một ngôi làng khổng lồ. Đâu đâu cũng bùng nổ thông tin. Các phương tiện truyền thông đại chúng đều có thể chuyển tải tản văn một cách dễ dàng. Hơn nữa, tản văn là một thể loại văn học rất gần với thông tấn báo chí. Bằng mọi con đường, tản văn đến với công chúng độc giả một cách hữu hiệu nhất, kịp thời nhất, linh hoạt nhất.
Có thể nói tản văn ở thời kỳ này, làm đúng chức năng phản ánh cuộc sống, phản ánh tâm hồn con người một cách nhanh chóng và được đông đảo bạn đọc nhiệt tình hưởng ứng tìm đọc.
Lý giải điều này, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng dung lượng tản văn nhỏ (thường chỉ trên dưới 1.000 chữ/bài), nên tản văn dễ “có chỗ đứng” trong làng báo chí. Bởi thế, tản văn “vừa ra lò”, còn “hôi hổi nóng” đã có báo “đón tay” ngay. Đơn cử, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều có chùm tản văn đăng trên tờ Cảnh sát toàn cầu. Tản văn Nhân trường hợp chị thỏ bông của Thảo Hảo (Phan Thị Vàng Anh) tập hợp những bài viết đặc sắc trong mục “Tôi nghe, đọc, xem, thấy” đăng trên báo Thể thao văn hóa. Thảo Hảo thường đặt tên cho những tản văn của mình như muốn trêu tức người đọc (Tôi cũng muốn ăn cắp, Ai cho mày chê con tao xấu?, Để bóp (gần) chết lòng yêu nghề, Cụ Rùa thuộc biên chế bộ nào?...). Đọc hai tản văn của tôi, nhà văn Lê Thị Bích Hồng nhận xét như lùa vào gan ruột “Y Phương cũng cố tình muốn “gây sự” và gợi sự hiếu kỳ của người đọc với một loạt tản văn mang đậm phong vị quê hương vùng Tày Nghe hạt dẻ rơi, Trám mang thai, Bánh xì chen chạy lung tung, Tết Slip Sli thịt vịt, Băm sáu giờ say, Phúng xàng lủng lẳng...
Riêng với trường hợp của mình, vốn đã đặt cược cả đời trong sự nghiệp thi ca, nhưng tôi vẫn không ngừng tìm kiếm một cách viết mới, ngoài thơ. Vượt qua cảm giác lống loáng, rỗng ruột, tôi đã vịn câu nói của cổ nhân người Tày: “Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy”. Tôi viết như gieo một loài giống mới trên cánh đồng con gái trinh nguyên. Viết như nã “đạn mác xá” (đạn súng kíp) hàng trăm viên vào một “con thú”... và tôi chờ kết quả. Tôi trông chờ sản phẩm “ra lò” là một thể loại nào đó của văn xuôi. Thế là tôi đã tìm được một cách thể hiện mới. Mọi người gọi là tản văn. Ừ thì tản văn. Nó không giống tùy bút. Càng không như phóng sự. Nó là nó. Vậy thôi. Nhưng tôi “lén” coi tản văn với thơ như hai anh em con dì con già. Viết tản văn phải có chất thơ. Nghĩa là nó biêng biêng trên nền tảng hiện thực. Nó bám hiện thực, nhưng rồi đến khi có đà, nó bay lên trên hiện thực. Tôi thích viết tản văn – loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, dài ngắn tùy ý, lối thể hiện đời sống mang tính chất chấm phá, tái hiện nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả. Tôi chọn thể loại này vì có nét gần thơ. Thơ gần tản văn vì không nhất thiết phải có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh, nhưng lại đòi hỏi nghiêm ngặt là cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, có cách thể hiện đa dạng để có thể miêu tả phong cảnh, khắc họa nhân vật, bộc lộ cảm xúc trữ tình, tính tự sự, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả...
Trong không khí dân chủ, đổi mới với cái nhìn cởi mở, cho phép các nhà văn “nhìn thẳng vào sự thật” và nói lên sự thật. Chính điều đó đã tạo cho tản văn có được mảnh đất màu mỡ giúp các nhà văn tung tẩy cây bút, đúng như lời Khổng Tử “thuật nhi bất tác” phản ánh cuộc sống như vốn có. Cuộc sống hiện đại, buộc con người đứng trước áp lực miếng cơm manh áo không kém phần khốc liệt. Nếu như trước đây chỉ cần ăn no mặc ấm, thì nay đòi hỏi phải ăn ngon mặc đẹp. Nếu như trước đây chỉ cần “một túp lều rơm với hai trái tim vàng” thì nay người ta phấn đấu có biệt thự, có trang trại, có sân gôn... Nếu như trước đây “phu xướng phụ tùy” thì nay vợ chồng bình đẳng, cùng nhau bàn bạc, xướng cùng xướng, tùy cùng tùy. Nếu như trước đây “cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy”, ngày nay, con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy. Con cái sinh sống và làm việc ở thủ đô, ở những thành phố lớn, buộc các ông bố bà mẹ phải bỏ làng ra sống cùng con cái. Ngày nay “cá không cần ăn muối”. Cá để trong tủ lạnh cả tháng vẫn không bị ươn.
Ngày xưa lo dựng vợ gả chồng cho các con. Ngày nay, các con “sống thử” rồi mới tính chuyện cưới xin. Ngày xưa “Đi hỏi già, về nhà hỏi trẻ”. Ngày nay thì chỉ cần “cái gì chưa biết thì tra google” (Dân Huyền). Mọi biến chuyển nhanh chóng với chiếc kích 180 độ xoay. Các quy chuẩn trước đây, nay buộc phải xem xét trước khi quyết định.
Tản văn không bí hiểm nhiều tầng nhiều lớp như thơ, không phải bóc tách luận giải như trong tiểu thuyết. Có ai đó nói tản văn dễ viết, nhưng sòng phẳng mà nói, tản văn cực khó viết. Mặc dù ai cũng có thể viết tản văn, cũng như ai cũng có thể luộc rau chín. Ai cũng có thể luộc cho trứng chín. Nhưng chín như thế nào mới thực sự quan trọng.
Với tôi, sau hai tập tản văn Kungfu người Co Xàu (Giải thưởng Hội văn học nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2011) và Tháng Giêng – tháng Giêng một vòng dao quắm (Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam, năm 2010) được bạn đọc đón nhận. Tôi tiếp tục “dấn thân” thể loại mới này và đã trình làng cuốn tản văn mới Fừn Nèn (Củi lửa) Nhà xuất bản Phụ nữ năm 2016.
Tản văn là một thể loại mới trong sự nghiệp văn chương của tôi.
Chú thích:
1/ Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb GD, H, 2004, tr.293.
2/ Từ điển văn học (bộ mới) NXB Thế Giới, 2004. Tr.1601.
3/ Dẫn theo Lê Thị Bích Hồng – Hoàng Thị Kiều Trang Bản sắc văn hóa Tày trong tản văn Y Phương – NXB Đại học Thái Nguyên, 2015.
4/ Lê Trà My, (2008), Tản văn Việt Nam thế kỉ XX (từ cái nhìn thể loại).
Y Phương
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt

Ngô Thụy Miên, giấc tình ca bất tuyệt “L’amour est au monde pour l’oubli du monde (Tình yêu có trên đời là để cho quên hết đời đi)” Paul...