Thứ Hai, 3 tháng 4, 2017

Một mảnh tình riêng ngẫm soi chung

Một mảnh tình riêng ngẫm soi chung*
Nhà báo, nhà văn Phan Quang có tên trong nhiều bảng tra cứu: một chính khách, một phóng viên, một quan chức hàng đầu của nghề báo, một nhà văn hóa lịch lãm, một dịch giả tài năng, một nhà văn, một nghị sĩ nhiều khóa, một người bạn thân thiết của nhiều nhà báo, nhà văn lớn trong nước và quốc tế.
Hai mươi năm trước, chuẩn bị bước vào tuổi xưa nay hiếm, với tình đồng hương, tôi được Ông giao việc sắp xếp những gì Ông đã viết cho Tuyển tập. Từ ba bao tải lớn bài báo và hàng chục đầu sách in trong gần 50 năm, tôi đã chọn và sau khi đích thân Ông loại thêm, TUYỂN TẬP PHAN QUANG gồm 3 tập dày dặn đã xuất bản.
Năm mừng thọ Ông vào tuổi 85, lớp hậu sinh đã chung tay sưu tầm nên cuốn sách Phan Quang, Bạn và Nghề gồm cả trăm bài báo của nhiều tác giả quen và không quen, tất nhiên tràn ngập những lời khen về người và nghề, cùng nhiều ảnh tư liệu quý về đời làm báo, viết văn của Ông, nhưng rồi Ông chỉ để giữ làm kỷ niệm mà không đồng ý phát hành rộng.
Ngỡ là sự nghiệp chữ nghĩa một đời đã an bài. Nào ngờ, hằng năm sau đó, năm nào Ông cũng có một vài đầu sách mới. Ngoài tuổi 85, Ông còn có  Xuân bao nhiêu tuổi, Tầm nhìn, Chuyện rừng Châu Phi, Cỏ lau Thành Cổ, Xin đừng quên nhau…, không tính những đầu sách tái bản. Đồngbằng sông Cửu Long là một tác phẩm đã được rà soát lại cẩn thận sau bốn lần in, có lần phát hành 30.000 bản (năm 1985). Lần này in ra trong nỗi bức xúc về dòng sông mẹ Mê Kông bị người ta chặn nước ở thượng nguồn, khiến cho cả một vùng châu thổ “hiện đại và hoang sơ, bí ẩn và cởi mở” phải đối mặt với bao vấn đề khô hạn, nước mặn xâm nhập, đất cằn, hàng trăm ngàn cháu gái mới lớn phải nhắm mắt đi làm vợ người nước ngoài mong giúp gia đình cải thiện đời sống! Mà nào có cải thiện được.
Riêng phần dịch thuật và giới thiệu, số lượng không nhiều, nhưng những tác phẩm đó làm nên một cõi riêng, không thể lẫn: Hoa lạ (tuyển truyện ngắn những vùng đất lạ, 1957), Những ngôi sao ban ngày của Olga Bergholtz (tùy bút Nga, 1963), Trở lại với đời (tiểu thuyết Bỉ, 1985), và đặc biệt bộ ba Nghìn lẻ một đêm, Nghìn lẻ một ngày, Mười hai sử thi huyền thoại, có cuốn, số lần tái bản chính thức cho đến nay đã ngoài 30 lần! Và chắc hậu thế sẽ còn nhờ đến bản dịch tài hoa của Ông để tiếp cận một kho tàng truyện cổ và sử thi vĩ đại nhất mọi thời đại. Thật ra, đây không đơn thuần là những tác phẩm dịch thuật.
Cuốn Nghìn lẻ một đêm và văn minh Ả Rập là kết quả mấy chục năm tích cóp tư liệu của các học giả nước ngoài về một nền văn minh lớn, nhằm mục đích tự học, nâng cao hiểu biết của mình là chính, về già ông xếp lại cho lớp lang với mong muốn giúp bạn đọc trẻ có thêm cơ sở để thưởng thức trọn vẹn chất nhân văn trong bộ truyện cổ Ả Rập nổi tiếng toàn cầu. Được phát hành mùa hè năm 2015, ba tháng sau, Nhà xuất bản đã in “nối bản”. Cả cuốn truyện cổ Ba Tư Nghìn lẻ một ngày cũng vậy, ra mắt bạn đọc Việt Nam lần đầu năm 2004, đến nay cũng đã mười mấy lần tái bản. Bộ Sử thi huyền thoại không chỉ sưu tầm và viết lại theo cách riêng, nhiều sử thi nhiều người chưa biết, kèm theo mỗi sử thi lời bình ngắn gọn chỉ vài trang sách nhưng cũng đủ ghi dấu ấn trí tuệ với một văn phong tài hoa, giàu chất thơ. Bản dịch Trở lại với đời của nhà văn người Bỉ Jacques Danois, in lần đầu đến 10.200 bản và vừa được tái bản, là một cuốn sách hiếm hoi của một nhà văn phương Tây viết trực diện về một đề tài mà vì nhiều lẽ, ngay văn học chúng ta cũng né tránh: Cuộc chiến đấu của Quân đội Việt Nam tại Campuchia, với sự ngưỡng mộ không che dấu đối với những hy sinh lớn lao và chịu đựng phi thường của những chiến sĩ tình nguyện Việt Nam sang giúp nhân dân nước bạn thoát họa diệt chủng. Một cuốn sách chân thực, với nhiều chi tiết cụ thể, chân thực mà các nhà phê bình phương Tây gọi là cuốn “tiểu thuyết bán hư cấu”, và Nhà văn - Thiếu tướng Nguyễn Chí Trung, người từng nhiều năm lăn lộn tại chiến trường này, bị thương nặng một lần bị tàn quân Khơ - me Đỏ bao vây, đã “không cầm được nước mắt ngay từ khi đọc những trang đầu”.
Lần đọc các tác phẩm của Phan Quang, phần lớn là ký, hay khảo cứu về văn hóa, không khỏi cảm phục những gì Ông đã trải nghiệm, những công việc Ông đã kinh qua các thời kỳ, và nhất là ký ức về những người Ông đã gặp gỡ, tiếp xúc, cùng sống và làm việc. Đặc biệt là bạn bè văn nghệ một thời: Hải Triều, Nguyễn Tuân, Chế Lan Viên, Bùi Hiển, Thanh Tịnh, Hoàng Yến, Hoàng Trung Thông, Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Nguyễn Văn Bổng, Thanh Châu, Xuân Diệu, Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Văn Tý, Tạ Phước, Nguyễn Đức Nùng, Văn Bình… những năm chống Pháp; Hoàng Tùng, Nguyễn Thành Lê, Tô Hoài, Quang Đạm, Trần Hoàn, Bạch Diệp… những năm sau hòa bình 1954.
Do công việc, mà cũng do nghề nghiệp, và không chỉ nghề nghiệp, hiếm nhà văn, nhà báo nào ở nước ta có một số lượng bạn bè văn báo quốc tế như Phan Quang. Không chỉ quen biết xã giao, họ còn đọc tác phẩm của nhau, cùng nhau tham gia nhiều hoạt động quốc tế để bạn hữu quốc tế hiểu rõ hơn về đất nước và cuộc chiến đấu chính nghĩa của chúng ta: Wilfred G. Burchett (Úc), Jacques Danois (Bỉ), Chris Mullin (Anh), Karl Hagel (Đức), Jules Roy, Jean Lacouture, Alain Decaux, Philippe Sainteny (Pháp)... Ngôn ngữ ở đây cũng chỉ là một lợi thế sơ đẳng. Sức đọc, sức hiểu, sự cảm thông, khả năng nắm bắt và trao đổi thẳng thắn những vấn đề học thuật và văn học nghệ thuật kim cổ cũng như những diễn biến xã hội một thời thế giới bị phân cực rối rắm, mới làm họ thành bạn bè thân thiết trong nhiều năm.
Ngước nhìn đỉnh cao vời vợi những tác phẩm Ông đã hoàn thành, những chặng đường vạn dặm Ông đã đi, thế giới những con người huyền thoại có thật Ông đã tiếp xúc và kể lại với biết bao tình yêu thương và quý trọng, kẻ hậu sinh đồng hương Quảng Trị là tôi càng bồi hồi, xúc động và không khỏi bất ngờ khi lần đọc lại những trang ghi chép và nhật ký mà Ông gọi là những mẫu sống nguyên thô của MỘT MẢNH TÌNH RIÊNG được công bố khi tác giả sắp bước vào tuổi 90! Ghi chép riêng tư của một chàng trai quê miền Trung bước vào tuổi hai mươi làm một nhà báo, từ những ngày đầu cuộc kháng chiến chống Pháp, luôn bám sát các đơn vị bộ đội chiến đấu, các điểm nóng của cách mạng, vừa làm vừa tự rèn luyện để nâng cao trình độ mọi mặt, và hạnh phúc đã có mặt trong ngày Hòa bình đầu tiên khi về giải phóng Thủ đô, dự buổi Mít tinh trọng thể ngày 1 - 1 - 1955, nhân dân Thủ đô náo nức mừng Bác Hồ và Chính phủ ta trở về Hà Nội, rồi hưởng cái Tết cổ truyền hòa bình đầu tiên của đất nước độc lập tại Hà Thành… bỗng trở thành nhân chứng về một trang lịch sử đất nước hào hùng, đau thương mà thật đẹp. 
Có lần Ông viết: Làng Thượng Xá nơi tôi chào đời nằm đúng vào “quãng đường tồi tệ” ấy… Con đường ấy chạy dọc theo chiều dài vùng Quảng Trị quê tôi. Nó vốn không có tên. Những người lính da trắng và da đen trong đạo quân xâm lược nước ta sau 1945 đã đặt tên cho nó là “ Con Đường Không Vui” (La Rue sans Joie), không vui cho quân đội Pháp đã đành, không vui cả cho quân đội Mỹ mấy năm sau: The Street Without Joy. Cái tên ấy lan truyền rộng rãi trên thế giới, trước hết đến những ai quan tâm đến các cuộc chiến tranh Đông Dương, là công của một học giả - nhà báo nổi tiếng tên là Bernard B. Fall, qua công trình biên khảo công bố lần đầu ở Mỹ năm 1961, khi tác giả mới vào tuổi 35… Tác giả đã dành trọn một chương trong cuốn Street Without Joy tường thuật và bình luận về cuộc hành quân lớn mang tên Chiến dịch Camargue tháng 7 năm 1953 trên doi đất hẹp gồm các ruộng lúa và đụn cát chạy song song bờ biển, cũng là song hành với quãng đường “tồi tệ” vừa nói ở trên...
Đây là một cuộc hành quân lớn, phối hợp lục, hải, không quân, do tướng Leblanc Tư lệnh Quân đội Pháp tại Trung Việt Nam đích thân chỉ huy, nhằm bao vây, tiêu diệt Trung đoàn 95 Bộ binh Quân đội nhân dân Việt Nam, đơn vị chủ lực của Phân khu Bình Trị Thiên hồi bấy giờ. Đó là cuộc hành quân quy mô lớn chưa từng được người Pháp bố trí tại Đông Dương tính đến thời điểm ấy, vẫn theo lời của Bernard B. Fall. Nhưng chính tác giả, sau khi tường thuật một cách kỹ lưỡng diễn biến chiến dịch, sau vài ngày đã khẳng định: “hoàn toàn sáng tỏ là cuộc hành quân… đã thất bại.”
Tôi đã trích dẫn hơi dài vì một chi tiết tiểu sử thú vị, trong chiến dịch diễn ra ngay trên quê nhà đó, khi nhà báo Bernard Fall ở tuổi 27, đi theo đơn vị lính Pháp, thì nhà báo trẻ Phan Quang của báo Cứu quốc Liên khu 4 đã bám sát Trung đoàn 95, và biết tường tận cách đơn vị quân ta đã phục kích, diệt địch và thoát ra một cách ngoạn mục như thế nào! Cũng nói luôn, trên đoạn đường mà những người lính Pháp hài hước đặt tên là Con Đường Không Vui ấy, GS - TS, học giả - nhà báo, người kiên trì phản đối mọi cuộc can thiệp vào Việt Nam, tác giả một loạt sách như  Con Đường Không Vui, Việt Minh, Điện Biên Phủ một góc địa ngục… mười bốn năm sau đã bỏ mình tại trận địa Quảng Trị khi ông theo chân một đơn vị Lính thủy đánh bộ Mỹ trong một chiến dịch “tìm diệt Việt Cộng” với mục đích sưu tầm tư liệu viết tiếp một cuốn sách nữa lên án cuộc chiến tranh của Mỹ ở Việt Nam, đồng thời kết hợp làm phóng viên tại chỗ, tường thuật trực tiếp cho Hãng Phát thanh - Truyền hình Mỹ CBS. Sau ngày đất nước ta thống nhất, có dịp về thăm quê, nhà báo Phan Quang đứng bần thần trên “quãng đường tồi tệ” giờ đã thực sự an bình, hình dung những phút cuối cùng bi tráng của “nhà bình luận quốc tế nổi tiếng nhất thế giới về chiến tranh Việt Nam”, Ông viết: “Tiếng mìn nổ bất thần tại Con Đường Không Vui chiều hôm ấy (21 - 2 - 1967) cắt ngang cuộc tường thuật đang trực tiếp lên sóng phát thanh, dập tắt một ngôi sao, tạo nên một tiếng bom nổ ngay giữa lòng thủ đô Washington, khuấy động chính giới và dư luận Hoa Kỳ. Năm đó, vị Giáo sư Trường Đại học Howard, Whasington D. C. vừa qua tuổi 40!”
Trong chiến tranh, không chỉ người lính, mà cả các nhà báo, nhà văn, bám sát các đơn vị chiến đấu, cũng thường xuyên đối diện với những rủi ro, bất trắc khó lường. Hàng trăm nhà văn, nhà báo nước ta đã trở thành liệt sĩ qua hai cuộc kháng chiến. Do có chút vốn chữ nghĩa, năm 1945, 17 tuổi Phan Quang tham gia công tác. Năm 1948, tròn tuổi 20 đã chính thức trở thành nhà báo. Từ vùng tự do Liên khu 4, Ông được phái trở lại chiến trường Bình Trị Thiên, và từ đây nhiều lần vào ra vùng địch chiếm đóng, theo các đơn vị chiến đấu để đưa tin, viết bài, làm công tác vận động quần chúng. Nhiều hiểm nguy rình rập không chỉ những năm tháng theo sát bộ đội trong các chiến dịch Phan Đình Phùng 1950, Thượng Lào 1953, mà những ngày trở lại quê nhà đang hồi chiến tranh quyết liệt và vùng địch hậu không an toàn, những năm làm báo ở vùng tự do Thanh Nghệ Tĩnh, nhưng cũng là mục tiêu tự do bắn phá của máy bay địch. Nhưng may mắn là hòn tên mũi đạn luôn tránh xa nhà báo trẻ xông xáo. Và may mắn hơn, là công việc và cuộc sống cho Ông có dịp gần gũi, tiếp xúc, cùng làm việc với nhiều, rất nhiều những con người thuộc nhiều vị trí, nhiều nghề nghiệp, ở nhiều địa phương suốt chín năm kháng chiến chống Pháp. Thói quen nghiệp vụ của một nhà báo ghi chép tài liệu rất cẩn trọng và chuyên cần, ngay tại trận địa, không chỉ giúp cho các bài báo kịp thời, có chi tiết chân thực, nhiều năm sau còn làm nên chất liệu cho những trang viết mang tính hồi ức đầy xúc động về các chính khách, các văn nghệ sĩ tên tuổi.
Riêng những trang Nhật ký, vốn chỉ viết cho riêng mình, mà cũng thật may mắn, là trải bao biến động, vẫn còn lưu giữ được, như chuyến tàu siêu tốc đưa người đọc ngược thời gian, trở về những ngày đầu kháng chiến chống Pháp ở miền Trung, gặp lại thời tuổi trẻ của cả một thế hệ nhiều những con người mà tài năng sáng tạo nhiều năm sau có dịp tỏa sáng. Bằng tập Nhật ký này, Ông là người hiếm hoi, qua những mẩu chuyện cụ thể, có thể nói với người hôm nay sự thật về cuộc sống và chiến đấu của thời ban sơ, khi chế độ mới, với những hình thức tổ chức và sinh hoạt mới, vừa đi vừa xếp hàng. Có bao nhiêu ước vọng đẹp lẫn vào những ngây ngô, ấu trĩ, khi xác định quan hệ giữa cái TA và cái TÔI, có sự không bằng lòng thường trực về bản thân và những công việc đã làm được, cả trong cuộc sống, trong công việc làm báo, viết báo và mộng ước sáng tác văn chương. Nhưng sau tất cả, như Ông từng nhớ lại: Ngày xưa, ngày xưa, cái thời các văn nghệ sĩ - mà chắc không chỉ họ - ai cũng nhiều khó khăn, day dứt, cái thời cô bác, anh chị chúng ta chẳng mấy ai thật sự nhởn nhơ cơm áo đời thường, sao tình đời tình người đẹp vậy! 
Một mảnh tình riêng là bức tranh sống động về cuộc đời trong sáng của cả một thế hệ, từ bà mẹ Việt Nam, anh bộ đội Cụ Hồ, chàng trai bị coi là tiểu tư sản, cô gái dịu dàng dù hơi kiêu ngạo, mấy anh cán bộ luôn nghiêm trọng hóa vấn đề…, mọi người đều vì nghĩa cả mà hết mình trong công việc. Thấp thoáng tâm tư của chàng trai với mối tình đầu trong đẹp như pha lê. Hai người thân thiết đến mức người trong cơ quan, ai cũng nghĩ họ yêu nhau và vun vào. Nhưng chỉ hai người mới biết điều đó là không thể, vì gia đình cô gái đã hẹn ước với gia đình một chàng trai, dù cô chưa yêu, nhưng lúc này anh ấy đang ở ngoài mặt trận… Và cứ như thế, chàng trai quê bên dòng Thạch Hãn, giã từ làng quê từ thuở niên thiếu, trưởng thành dần trong công việc trên những nẻo đường kháng chiến, cho đến một mùa thu đẹp, theo chân các đoàn quân, lần đầu tới Thủ đô trong ngày đầu giải phóng.
Tập sách còn có mấy bài mới viết gần đây liên quan đến ký ức về quê hương Quảng Trị, đúng hơn về những gì đã diễn ra ngay làng quê của tác giả, từ chuyện về nhà báo Bernard Fall, nhà báo lớn phương Tây như đã hơn một lần chồng dấu chân lên nhau, và đã ngã xuống khi đang tác nghiệp, đến ký ức và nghĩ suy về Cỏ lau Thành Cổ, và một kỷ niệm xa hơn nhưng quý báu, đó là câu chuyện cảm động khi Vua Hàm Nghi, trên đường xuất bôn, lập căn cứ kháng chiến chống Pháp, đã nghỉ qua đêm tại chính nhà ông nội của Ông. Rồi một ngày thu lịch sử, lần đầu tiên trong đời, Ông bỗng gặp trời thu Hà Nội. Một thoáng ký ức mà bộc lộ bao nhiêu phẩm chất quý báu của người dân miền đất nghèo kiên cường và quyết liệt. Những bài viết làm tròn đầy hơn hoài niệm của một “Ông già đầu bạc” đáng kính, chuẩn bị bước vào tuổi 90, về tuổi hai mươi tươi đẹp của mình.
Nguyện ước lớn của một thời tuổi trẻ là có những tác phẩm trung thực để hậu thế biết về thời chúng ta đã sống, tôi nghĩ, nhà văn - nhà báo Phan Quang (tên thật là Phan Quang Diêu, còn có các bút danh Hoàng Tùng, Phan Hoàng Tùng, Vị Hoàng, Yên Thanh, Lê Thanh, Hoàng Xá…) đã có thể yên lòng. Hình thức văn chương dẫu tân kỳ đến đâu, cũng không có nghĩa gì nếu nó không vận chuyển trong bản thân tác phẩm hình ảnh của cuộc sống. Trong dạng thức nguyên thô, thêm tập tư liệu, văn liệu, sử liệu về một mảng cuộc sống những năm kháng chiến chống Pháp, được ghi nhận chân thực qua cách cảm và nhận của một chàng trai trẻ giàu mơ mộng, giàu tình cảm yêu thương này hẳn mách bảo với người đọc hôm nay nhiều điều không hoàn toàn đã thuộc về quá khứ.
Tháng 10/2016
 Ngô Thảo 
Theo http://www.tapchicuaviet.com.vn/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một cách tiếp cận thơ Thiền

Một cách tiếp cận thơ Thiền Thơ ca dân tộc có một bộ phận thơ Thiền đặc sắc. Nhiều bài thơ của các Thiền sư từ  thời  Lý (1010-1225) - Trần ...