Tôi không nói thơ của Nguyễn Nguyên
Bảy lạ về bút pháp, mới về cách nhìn. Song cái lạ, cái mới, khi ẩn, khi hiện,
chuông mõ thức hồn tràn ngập trong thơ ông. Nguyễn Nguyên Bảy có biệt tài vận
dụng những biểu tượng, nhạc điệu và những hình tượng thơ để nói lên những tâm
trạng, cảm xúc của tâm hồn, kết hợp hài hòa giữa trực giác với cảm xúc và sự
làm mới mình mang phẩm cấp của một nhà thơ. Nói cách khác trong thơ NNB có âm
hưởng của thơ tượng trưng, thơ lãng mạn và thơ cổ điển. Ngay trong khúc tráng
ca: “Sông Cái mỉm cười” mà ông trang trọng đặt tên là “Trường
ca Lễ Tạ Cha Ông trước thềm Năm Mới” đã hội tụ những yếu tố nghệ thuật ấy.
Sông Cái, con sông của quê hương
yêu dấu, con sông thơm thoảng hương cỏ mật ngày đêm cần mẫn chuyên chở những
phù sa, bồi đắp nên cánh đồng mầu mỡ và bồi mãi bao kỷ niệm của đời người,
hóa than thành Sông Mẹ, nơi sinh ra và nuôi dưỡng cả phần xác và phần hồn mỗi
con người. Sông Cái thiêng liêng và vĩnh hằng trong tâm tưởng con cháu, bởi
có người cha, người ông đã “hóa thân vào Sông Cái”, hòa trong
phù sa, hiện sinh trong những mùa vàng, hoàn sinh và vĩnh hằng và ngày một đẹp
hơn trong kiếp luân hồi đời người.
Hình ảnh nghệ thuật “Sông Cái” chảy
suốt khúc tráng ca, đầy những khuôn mặt người thân yêu của ông với nhiều
cảnh ngộ. Dẫu ông có xử dụng nhiều chi tiết nghệ thuật như: “Lá cỏ mật”, “hồn”,
“nắng”, “gió”… và rất nhiều nữa trên con sông trăng, sông đời, với cha, với mẹ,
vợ, con… thì mỗi chi tiết nghệ thuật lại nâng bài thơ lên một tầm cao mới.
Cái thực và cái ảo đan xen làm cho chất thơ, chất tráng ca mang một phẩm cấp
của nhà thơ. Đọc câu thơ: “Con anh quì áp mặt ông/ Ông cho cháu nốt nụ
cười”, người đọc vẫn nhận ra thủ pháp nghệ thuật ấy, vì có gì cao siêu
đâu nhưng sự tinh tế đến chân thực của tình người, của đạo làm người, hướng
người ta tới tấm lòng thương yêu, hy sinh vô bờ bến của người sắp đi
vào miền cực lạc dành cho đứa cháu yêu, cho thế hệ kế tiếp, không dành lại
chút nào cho riêng mình. Ngay chi tiết: “Lần đầu tiên cha viết dối các
con/ Về sức khỏe mình” rất thật đấy chứ nhưng lại được đặt đúng chỗ tạo
nên một chi tiết nghệ thuật chuyên chở đức trọng của cha, không muốn những
người con phải buồn phiền lo nghĩ đớn đau nhiều bởi cuộc “ra đi” ấy
theo qui luật của tạo hóa: “Bà nội sinh cha nơi bến sông/ Bà đang đến
đón cha về/ Hãy để thân xác cha về với Mẹ”, về với cội nguồn, cát bụi lại trở
về cát bụi. Người cha thanh thản “ra đi” không chỉ vì hiểu qui luật
sinh tồn, mà hơn thế ông yên tâm đã có người con chí hiếu chắc chắn sẽ
làm rạng rỡ giống nòi. Sông Cái trở thành bất tử: “Sông luân hồi miệt mải/ Cho
phù sa muôn đời/ Chẳng chút chi đòi lại/ Chỉ đòi còn mãi dòng sông...”. Và
hình ảnh: “Cha chầm chậm hóa thân vào sông Cái” đã trở thành vĩnh hằng.
Triết lý nhân sinh được thể hiện thật dễ hiểu và dung dị. Thơ Nguyễn Nguyên
Bảy luôn da diết một tình yêu với quê hương, đất nước. Tình yêu cụ thể mang
truyền thống của cha ông, ngấm vào xương tủy, thấm đẫm hơi thở trong suốt cuộc
hành trình đời người.
Đó là nơi cha từng: “chỉ thèm củ khoai năm Dậu”,
khi cả dân tộc quay quắt, thóp thoi trong tận cùng cái đói. Đó là nơi: “Đôi
bạn tình không tuổi/ Uống trà thoại yêu”. Đó là nơi: “Tôi lại là tôi trồng
dâu, ươm kén/ Tiếng hát ban mai mình liệng/ Say lịm cha đong đưa vai”. Đó là
nơi ông tìm ra chân lý: “Nước non còn bởi còn người/ Bể mặn bởi nước mắt
đời yêu nhau”. Đó cũng là nơi khi những bậc tiền nhân nhận được tình yêu
trong lòng, sâu sắc của những người con: “Tiếc thương cắn lưỡi/ Nước mắt
tràn đê/ Chảy xuống sông” để rồi yên tâm thanh thản: “Sông Cái mỉm
cười”. Nụ cười mãn nguyện, bao dung thấm đượm tình người. Yêu như thế,
tuy không có tiếng gào thét nhưng sao mà sâu sắc, thấm mát hồn người, nâng mỗi
con người vượt qua bể khổ. Sông Cái, con sông mỗi phù sa là xương cốt và máu,
là bao khổ đau và khát vọng của bao thế hệ, từng ngày nuôi dưỡng, tạo dựng
nên nhân cách và chắp cánh cho thơ ông chăng! Và cuộc sống sẽ ngày tươi đẹp
hơn vì người con của quê hương biết yêu và biết sống! Cánh đồng tâm đức ông
gieo chắc chắn sẽ đơm hoa kết trái cho muôn đời!
“Sông Cái mỉm cười” như nén
hương lòng ngát thơm ba cõi, có khác nào tiếng của thần thánh, đất trời và
con người trong khúc hòa ca về tình yêu cuộc sống. Vợ chồng ông có lúc tưởng
đã bị “thác thơ” nhấn chìm như rồi bằng bản lĩnh con người và bản
lĩnh người thơ đã vượt qua “Thác thơ” mà không hề trách cứ ai: “Mọi
hệ lụy xô đẩy chúng tôi đến bần hàn và cơ cực không liên quan đến bất kỳ
cá nhân nào, quyền lực nào. Mọi ảo thực, tốt xấu tôi tự mình chịu trách nhiệm,
không than oán bất kỳ ai, về bất cứ điều gì”. Đó phải chăng là bản lĩnh
của những con người đã hiểu được qui luật của cuộc sống. Và nhân quả chăng,
khi ông viết: “Trong anh sông Cái mỉm cười/ Và anh tin lòng con anh Sông Cái
cũng mỉm cười…” Niềm tin ấy bây giờ đã thành hiện thực. Thơ ông chở cái
đạo làm người, bởi vậy cuộc đời và sự nghiệp thơ văn của ông sống mãi trong
lòng bè bạn. Con cháu của vợ chồng ông đã được hưởng hạnh phúc mà hai vợ chồng
ông lặng thầm chiến thắng số phận gom góp, gieo trồng cây đức cho đời sau.
Xin thắp nén tâm nhang và cùng đọc
Tráng ca Sông Cái Mỉm Cười
Nếu em là hạt mưa Xuân
Anh là
chồi biếc uống chầm chậm em
Nếu em ngọn gió Hè lên
Anh xin là cánh diều êm lưng trời
Nếu em trăng Thu chơi vơi
Anh nằm trên cỏ hát cười cùng em
Nếu em đơn chiếc mùa Đông
Anh là nắng ấm ửng hồng má em
Dù em chỉ muốn là em
Nhưng anh vẫn cứ là anh bốn mùa
(Rút trong tập: “99 khúc tặng Liên”, NXB Văn học, 2012)
Bài thơ chỉ có năm cặp lục bát mà
có tới bốn từ mang tính giả thiết “nếu” và năm từ: “là”, cùng
những hình tượng nghệ thuật như “mưa Xuân”,“gió Hè”,“cánh diều”,“trăng Thu”,
“mùa Đông”… nhưng đã chuyển tải được những giá trị cùng những cung bậc
tinh tế và sâu sắc nhất của tình yêu chân chính của đời người.
Tình yêu của thi sĩ đã từng trải
qua “bẩy nổi ba chìm” có khác. Chân tình, mạnh mẽ, ào ạt như sóng
xô bờ, đầy nam tính mà không xô bồ, dung tục. Thi sĩ giả thiết người
mình yêu là “hạt mưa xuân”, hạt nhỏ nhoi thôi nhẹ bay nhưng tưới
nhuần cây cỏ, đánh thức một mùa xanh đầy sức sống. Cái mùa mà khi nói tới, tất
cả các tác phẩm thơ, ca, nhạc, họa… đều gắng miêu tả sức sống hôi hổi diệu kỳ
và cảm xúc cứ trào dâng trong lòng người và đất trời. Khao khát, vậy mà thi
sĩ vẫn gắng “uống chầm chậm em”. Có lẽ trong cảm nhận của thi sĩ, tình“em” có
cả tình yêu của mẹ, của chị, của người em, của những gì đẹp nhất mà cuộc sống
ban tặng như suối nguồn trong mát không bao giờ vơi cạn. Bởi vậy dẫu thi sĩ
có nhận mình “là chồi biếc”, thì cũng do “hạt mưa xuân” thổi hồn,
nên phải “uống chầm chậm” mới có thể cảm nhận được hương vị tuyệt vời
tình yêu của người phụ nữ mà tạo hóa ban tặng cho đời, thông qua tình em; và
nếu biết “uống chầm chậm” thì mới biết trân trọng, nâng niu và cảm
nhận được vị ngọt cùng đắng cay của tình yêu để rồi như một điểm tựa vượt lên
tất cả những trở lực của cuộc sống.
“Nếu em ngọn gió Hè lên”, ngọn gió
lồng lộng trên bầu trời cao xanh, thì “Anh xin là cánh diều êm lưng trời”.
Cái từ “êm” sao mà đắt giá, mang một sự đồng điệu đến tuyệt vời,
gió nâng cánh diều bay cao, diều nương gió nhẹ bay trên trời rộng, cùng vươn
đến chân trời mơ ước.
Đến câu: “Nếu em trăng Thu chơi
vơi” thì đã ẩn chứa những tâm tư sâu kín đầy sự trải nghiệm. Trăng thu,
mùa trăng đẹp nhất trong năm không chỉ của trẻ thơ mà “em” lại
rơi vào tâm trạng “chơi vơi”, thì “Anh nằm trên cỏ hát cười cùng
em”. Tiếng hát và tiếng cười ấy phải chăng cất lên từ trái tim yêu đồng cảm
sâu lắng nhất, chung tình nhất, yêu thương và cả những khổ đau. Tình thơ được
đẩy lên một cung bậc mới khi giả thiết cuộc đời éo le, khắc nghiệt: “Nếu
em đơn chiếc mùa Đông” thì “Anh là nắng ấm ửng hồng má em”. Cái mầu
hồng tươi tắn ấy chỉ có được từ lửa con tim tràn đầy yêu thương, nhân ái.
Bài thơ được đẩy lên cao trào ở câu
cuối. Anh đã nêu lên bao giả thiết khó khăn, khắc nghiệt của cuộc đời và bên
em cả lúc vui, buồn và đau khổ nhưng nếu: “Dù em chỉ muốn là em”, “Nhưng
anh vẫn cứ là anh bốn mùa”. Sự khẳng định đầy nam tính mang bản chất của giới.
Anh không bao giờ chiếm đoạt em đâu mà anh mãi là anh, mãi mãi anh nuôi và
tin vào tình yêu sắt son chung thủy, để em tự nguyện hiến dâng, hòa hợp và đồng
điệu.
Bài thơ ngắn gọn mà hàm xúc, mở ra
một không gian và thời gian vô hạn của tình yêu, dẫu tác giả khéo léo giới hạn
trong “Bốn mùa” nhưng bốn mùa là chu trình của tạo hóa, của đời người.
Bốn mùa yêu phải chăng cho cuộc đời mãi mãi sinh sôi. Bởi vậy bài thơ viết tặng
người vợ thân yêu của mình từng chung con “thuyền thơ” vượt “thác
thơ” mà như viết cho mọi người.
Rút từ Chém gió muôn màu, tập
2. Nguyễn Nguyên Bẩy - Lý Phương Liên chủ biên. NXB Hội Nhà văn, 1- 2017.
Hà Nội, 10/2012.
Trần Văn Hạc
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét