Khổng Tử có nói “Thi (Kinh thi, thơ
ca- TĐS) khả dĩ hưng, khả dĩ quan, khả dĩ quần, khả dĩ oán”. Khả dĩ hưng, là
gây niềm hứng khởi, cổ vũ. Khả dĩ quan, nghĩa là giúp nhận thức, biết nhiều
chuyện. Khả dĩ quần, nghĩa là tập hợp, gọi đàn, Khả dĩ oán, là nói lên niềm
oán hận, đau đớn. Khổng Tử đã rất tinh ý khi để chữ oán ở vị trí cuối cùng,
không coi là quan trọng hàng đầu, mặc dầu đã không bỏ quên nó.
Vào những năm thời Mao Trạch Đông,
trong một dịp đi sang giao lưu với giới văn chương Nhật Bản, nhà văn Trung Quốc
Tiền Chung Thư có bài nói chuyện Thi khả dĩ oán (in trong Tiền Chung Thư văn
tập, 2004, tr. 635-647). Ông bảo người ta bỏ quên lời dạy này của Khổng Tử đã
quá lâu, cho nên trong văn học tuyền chỉ nghe một thứ tiếng ngợi ca, ngọt
ngào, hào sảng, mà không nghe thấy tiếng thương đau. Mà cuộc sống thì đâu phải
chỉ có tiếng reo vui, tiếng hào hùng, tiếng phấn khởi. Tiền Chung Thư sau khi
dẫn lời của Khổng, liền kiểm kê lại văn học Trung Quốc mấy nghìn năm, xem các
thứ thơ hưng, quan, quần, oán trong lịch sử thế nào. Ông dẫn rất nhiều rồi đi
đến kết luận, tiếng vui, tiếng lạc chỉ có ít trong thơ, trong sử, phần nhiều
không thật, còn tiếng đau, tiếng bi thì rất nhiều và thật. “Oán hận nhi ca” mới
là tiếng thật. Nhạc phủ có “Bi ca hành”, mà không có lạc nhi hành. Tư Mã
Thiên có câu “bất bình tắc minh” nghĩa là bất bình thì kêu lên. Ông lại có
câu “phát phẫn trước thư”, nghĩa là có uất đau thì mới viết sách. Lưu Hiệp
trong Văn tâm điêu long cũng nói “Trai đau mà thành ngọc”. Thi phẩm của Chung
Vinh tuy có chỗ phân tán, song khi bình thơ “thượng phẩm”, phân biệt với
trung phẩm và hạ phẩm đều nêu các bài thơ oán, thơ hận, thơ đau.
Nhà viết kịch Lý Ngư cho biết cả đời
ông toàn là ủ ê đau đớn, không khi nào dược nở mày nở mặt, chỉ khi sáng tác
hướng tới nơi ảo cảnh mới thật sự có được niềm vui.
Cái cười của ông trong kịch
là tương phản với nỗi đau của đời ông, chứ không phải phản ánh cuộc đời ấy.
Hàn Dũ đời Đường đã nói “Đại phàm vật khi bất bình thì phải kêu (minh)”, rồi
dẫn Khuất Nguyên, Tư Mã Thiên, Trang Chu, Tương Như, coi là những tiếng kêu
đau mới hay, sau đó mới nói đến Mạnh Giao, rồi nói đến mình, đều cùng một loại.
Văn học Trung Quốc cổ có rất nhiều bài bi thu, thương xuân, khóc tình, khóc đời
kiệt tác. Tiền Chung Thư nói quan niệm thơ văn đau là tư tưởng chung có tính
nhân loại. Điều thú vị là các nhà văn nhà thơ suy nghĩa rất giống nhau.
Nietsche cho rằng người làm thơ như con gà mái đau khi đẻ, nó có đau thì mới
đẻ. Có đau thì mới sáng tác, chứ sướng vui thì chỉ có thi ca tầm thường. Kêu
đau là tiếng tự nhiên, rất tự nhiên, không vì mục đích nào khác. Nhà thơ Áo
Franz Grillparzer bảo, con trai đau không biết kêu thì nó cho ngọc. Flaubert
cho rằng phong cách nhà văn toát ra từ nỗi đau của con trai, cũng cùng ý ấy.
Heiner hỏi: “Thơ ca của con người phải chăng là hòn ngọc do đau đớn như con
trai mà có?” Nhà thơ Anh A. E. Housman nói thi ca là một sự trút xả, như cây
thông chảy nhựa nơi lở loét, hay như con trai cho ngọc ở nơi đau.
Một nhà thơ Ý nói: Vui sướng khiến
người ta khoa trương, ồn ào, còn đau thương khiến người ta nén lại. Người
Trung Quốc hay nói khi vui thì hoa lòng nở tung, trái tim mở ra (khai tâm),
vui đến mức miệng không khép lại được. Trái lại khi buồn thì lòng nặng như đá
đeo, lòng quặn thắt lại, lòng bị cắt đứt (đoạn trường). Goethe nói khi vui
lòng như mang cái gì hình tròn, êm ái, khi đau lòng mang một vật hình nhiều cạnh.
Cái hình tròn chỉ một loáng nó đi qua, cái hình có góc cạnh còn vướng mắc
mãi. Các nhà thơ lãng mạn phương Tây cũng nói rất nhiều đến nỗi đau. “Thơ ca
đẹp nhất là những thơ ca nói lên niềm đau đớn”. Có người nói: “Thơ ca đích thực
là thơ ca xuất phát từ trái tim đau nỗi đau của nhân loại, đồng loại”. Lại
nói “Bài thơ đẹp nhất là bài thơ tuyệt vọng, chỉ thuần tuý là nước
mắt”. “U uất là điệu tình cảm phù hợp nhất của thi ca”. Nhà mỹ học Ý là Croce
nói “Thi ca là sản phẩm của sự bất như ý”. Một nhà lý luận Thuỵ Sĩ viết cuốn
văn học sử bi kịch, cho rằng “thơ ca, văn học thường bắt nguồn từ nỗi đau ẩn
giấu”. Tóm lại ông Tiền Chung Thư là nhà bác học, ông dẫn đủ cổ kim, đông tây
chỉ để khẳng định một điều, thơ ca, văn học nhân loại xưa nay có nhiều thứ,
những chỉ những ai động đến nỗi đau con người thì văn chương mới hay.
Văn học Việt Nam cổ điển có nhiều
tác phẩm tuyệt đỉnh cũng đều là văn thơ đau. Đó là thơ Nguyễn Trãi, Nguyễn
Du, Đặng Trần Côn, Nguyễn Gia Thiều, Nguyễn Đình Chiểu. Thơ cười như Nguyễn
Khuyễn, Tú Xương, Hồ Xuân Hương… cũng đều do đau đớn với đời mà sinh ra.
Không có ai vui, phấn khởi mà làm nên thơ văn vĩ đại, bất hủ... Văn chương
đau ở ta vốn không nhiều, mà còn chưa được đánh giá đúng mức, nếu không muốn
nói là còn định kiến và kì thị. Phải chăng nói đau thì thiếu lạc quan, thiếu
tin tưởng, một tiêu chí của văn chương cách mạng? Niềm tin con người gắn với
sự thật. Chính do nói nhiều điều không thật mà văn học một thời đã mất đi niềm
yêu mến. Văn chương nói thật thì mới có niềm tin yêu lâu bền. Mà có tin thật
thì mới có động lực trong cuộc sống. Không thể xây dựng niềm tin bằng ảo ảnh
hoặc bằng che giấu.
Đã đến lúc chúng ta nên nhìn lại
quan niệm văn học ta. Cuộc sống đâu phải chỉ có tiếng reo vui, tiếng hào
hùng, tiếng phấn khởi. Tôi nhớ nhà văn Ngô Thảo có lần lấy câu tục ngữ Nga,
“Một nửa cái bánh mì là bánh mì, nhưng một nửa sự thật không phải là sự thật”.
Cũng vậy văn chương mà chỉ có tiếng khen, tiếng vui, không có tiếng oán thán,
đớn đau thì cũng không phải là sự thật. Hàng ngày xem báo chí trong nước, báo
giấy và báo mạng, xem tin vui nhiều hay tin buồn, tin đau đớn nhiều? Tin
thành công nhiều hay tin thất bại nhiều? Tin lãng phí, thất thoát, nợ xấu nhiều
hay tin chống được tham nhũng nhiều? Tin bị lấn chiếm nhiều hay tin giành lại
lãnh thổ nhiều? Vậy mà văn chương ít có tiếng oán thì mới lạ. Phải nói rằng
báo chí chúng ta thật giỏi. Họ nhiều khi phanh phui được sự thật, hé lộ những
sai sót chết người. Nhân dân sẽ mang ơn họ.
Nhưng còn văn học thì sao? Đã có
bao nhiêu tác phẩm nói được nỗi đau của người dân, của dân tộc? Đã có bao
nhiêu tác phẩm nêu lời ai oán? Có bao nhiêu tác phẩm khóc cho các số phận bất
công? Có tác phẩm nào kêu cho những mảnh đời tan vỡ? Tôi không có điều kiện đọc
nhiều, không tự trả lời được. Nhưng theo quan niệm chung, văn học thiên về
nêu gương, nêu người tốt việc tốt, nêu gương người tử tế khó mà xuất phát từ
nỗi đau. Ta đã có tác phẩm nào như Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn? Có tác
phẩm nào như Cung oán ngâm khúc? Có tác phẩm nào như Ai tư vãn? Chẳng nhẽ nhà
văn Việt Nam hiện thời không biết đau, không hiểu oán là thế nào? Tôi hoàn
toàn không tin điều đó. Vậy có gì vướng mắc phải gỡ cho ra. Tính từ thời đổi
mới đã ba mươi năm qua rồi mà tác phẩm lớn được coi là chưa có, các tác phẩm
cứ bằng bằng. Lại có ý kiến cho rằng nhà văn ta thiếu tài. Tôi chưa bao giờ
cho là như thế. Hãy nhìn lại xem, nhà văn ta đã sống sâu, sống thật với nỗi
đau của nhân dân ta trong suốt mấy thế kỷ qua hay chưa? Đã thấy nỗi đau đứt
ruột về nỗi thống khổ của con người hay chưa?
Làm gì có con trai có tài và
con trai bất tài. Mọi con trai đau đớn đều cho ngọc. Cái tài tự nó chưa là gì
cả, nó chỉ có nghĩa khi đem dùng vào việc gì. Rất có thể ta đã phí tài vào việc
miêu tả những cái không quan trọng, dùng vào nơi không đúng chỗ. Hãy bớt đi lời
ngợi ca, bớt đi lời khen ngợi, hãy sống thật sự với nỗi đau của
lòng mình, và để nó toát ra tự nhiên dưới đầu ngọn bút. Khi ấy ta sẽ thấy
thiên tài xuất hiện. Hãy làm người bình thường, khi đau thì kêu. Xưa ta chê
nhà thơ lãng mạn không đau mà rên, hàm ý là giả đối. Nhưng nếu đau thật mà
không kêu thì có giả dối hay không? Nay mỗi người hãy tự hỏi mình có đau hay
không? Nếu anh chị có đau thật, đau sâu, đau lớn, đau không thể chịu nổi nữa,
không thể ngồi yên, đau như chưa bao giờ đau như thế, tôi tin cậy hoàn toàn ở
anh chị, tin hoàn toàn vào Văn học Việt Nam.
Trần Đình Sử
Nguồn: Văn Nghệ số
20/vanvn.net
Theo http://trieuxuan.info/
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét