Với nhiều học trò như nhà phê bình
mỹ thuật Thái Bá Vân, thầy Nguyễn Đỗ Cung không chỉ để lại khối di sản lớn
các tác phẩm, các công trình nghiên cứu mà trên hết là một nhân cách hội họa.
Hai mặt đối lập
Nguyễn Đỗ Cung tốt nghiệp khóa 5
Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (1929-1934), cùng với Nguyễn Gia Trí, Trần
Bình Lộc… Trong con mắt của giới phê bình mỹ thuật, ông là người họa sĩ không
bao giờ chịu bó hẹp phong cách, mà luôn thích khám phá, thể nghiệm các trường
phái hội họa mới của phương Tây như lập thể, trừu tượng. Ông vẽ không nhiều,
nhưng mỗi tác phẩm lại là một công trình lớn, đánh dấu bước tiến dài với từng
khuynh hướng hội họa. Những năm 1940, dù không có đủ tiền, nhưng với sự giúp
đỡ của một người bạn, “người thanh niên có đôi mắt sáng trong” ấy đã quyết
tâm sang Nhật để tìm hiểu về các trào lưu hội họa ở xứ sở này, trong đó có kỹ
thuật sơn mài. Nguyễn Đỗ Cung luôn đi tìm những thứ mới mẻ trong hội họa, có
tư tưởng cách tân mạnh mẽ nhưng bên cạnh đó, lại dành tình yêu lớn cho những
vốn cổ của nền mỹ thuật truyền thống. Đó là hai mặt đối lập trong con người
nghệ sĩ của ông.
Họa sĩ Nguyễn Tư Nghiêm, trong bộ tứ
Nghiêm - Liên - Sáng - Phái, người được đề cao với dấu ấn mỹ thuật cổ trong
các tác phẩm hội họa, đã nói với nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Đỗ Bảo
(con trai họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung) rằng: “Tô Ngọc Vân là người đã dạy cho tôi về
mỹ thuật, thẩm mỹ hiện đại của phương Tây, còn người dạy cho tôi biết yêu mỹ
thuật truyền thống chính là Nguyễn Đỗ Cung”. Khi còn là chàng sinh viên Cao đẳng
Mỹ thuật Đông Dương, Nguyễn Đỗ Cung vẫn thường lui tới các ngôi chùa, đền, miếu,
ngồi say sưa hàng giờ vẽ lại tỉ mỉ từng chi tiết trang trí. Trong suốt thời
gian dài, ông tự mày mò tìm hiểu về nền mỹ thuật của từng triều đại Lý, Trần,
Lê, Nguyễn, đưa ra những bản tổng hợp mang tính chất nghiên cứu có hệ thống.
Dù luôn không nhận mình là nhà nghiên cứu nhưng không thể phủ nhận, Nguyễn Đỗ
Cung là người có công đặt nền móng cho việc nghiên cứu mỹ thuật cổ trong thời
kỳ mỹ thuật hiện đại.
Vào năm 1962 khi Viện Mỹ thuật được
thành lập, người ta đã nghĩ ngay đến Nguyễn Đỗ Cung với vị trí người chèo lái
vừa có tâm, vừa có tài. Ông đã khiêm tốn từ chối bởi con người nghệ sĩ như
ông vốn chỉ quen với công việc sáng tác. Nhưng vì được thuyết phục đây là
“nhiệm vụ của nhà nước giao cho” nên Nguyễn Đỗ Cung không thể không nhận lời.
Một trong những công việc cũng là nhiệm vụ đầu tiên ông đặt ra là đào tạo thế
hệ các nhà nghiên cứu trẻ về mỹ thuật truyền thống. Chính nhờ vậy, Viện Mỹ
thuật đã có những tài liệu quý giá, khẳng định Việt Nam có nền mỹ thuật độc lập
và phát triển lâu đời. Sau này Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam được sửa lại từ tòa
nhà mang kiến trúc Pháp, nhưng được kết hợp với kiến trúc mỹ thuật cổ Việt
Nam với những cột trụ, đấu đỡ, họa tiết chạm trổ thường thấy trong những ngôi
chùa, ngôi đình Việt Nam truyền thống.
Phẩm cách người nghệ sĩ
Nguyễn Đỗ Cung là người có lòng yêu
nước trong sáng, không phải do được giác ngộ, mà xuất phát từ lòng tự ái dân
tộc của bản thân. Khi hiệu trưởng đầu tiên của Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông
Dương là Victor Tardieu qua đời, nghệ sĩ điêu khắc Jonchère được bổ nhiệm
thay thế. Trước khi lên tàu sang Việt Nam, Jonchère đã tỏ rõ thái độ của kẻ
thực dân, miệt thị các nghệ sĩ bản xứ. Ông ta đã tuyên bố đi chuyến này chỉ để
đào tạo “những người thợ chứ không phải những người nghệ sĩ”. Cảm thấy như bị
xúc phạm tới lòng tự trọng, danh dự, Nguyễn Đỗ Cung đã cùng với họa sĩ Trần
Văn Cẩn, Hoàng Lập Ngôn, Lương Xuân Nhị (có tài liệu nói cả Lưu Văn Sìn) cùng
thảo một bức thư phản đối và ký tên tại ngay nhà của Lương Xuân Nhị. Bức thư
được đăng trên báo Ngày nay (1939) đưa ra những bằng chứng và lý lẽ
chứng minh tài năng của người Việt Nam qua các công trình kiến trúc cổ, cũng
như các tác phẩm sau này. Thấy Nguyễn Đỗ Cung có tư tưởng chống Pháp,
Jonchère đã đuổi, không cho ông được lui tới trường.
Cũng chính từ lòng tự hào, trân trọng
trước tài năng của các họa sĩ Việt Nam, ông Viện trưởng Viện Mỹ thuật Nguyễn
Đỗ Cung đã có chủ trương tìm mua lại các tác phẩm của các họa sĩ của Trường
cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương đang còn lưu lạc ở nhiều nơi. “Chính ông viện
trưởng đã “cứu” các tác phẩm hội họa Đông Dương” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn
Hải Yến, người nhận nhiệm vụ tìm lại các bức tranh, nhớ lại. Bởi nếu như ông
không đưa ra chủ trương kịp thời, thì các tác phẩm quý giá này đã có thể bị
bán hết ra nước ngoài.
Lòng yêu nước sớm thôi thúc Nguyễn
Đỗ Cung tham gia cách mạng, sáng tác phục vụ các cuộc kháng chiến. Ông là người
có vinh dự có hai lần được diện kiến, vẽ chân dung Bác Hồ. Lần đầu tiên vào
năm 1946, họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung cùng họa sĩ Tô Ngọc Vân, nhà điêu khắc Nguyễn
Thị Kim đã tới Bắc Bộ phủ trước ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường sang Pháp
dự Hội nghị Fontainebleau, lần thứ hai là vào năm 1954. Nhiều tác phẩm sau
Cách mạng Tháng Tám của Nguyễn Đỗ Cung đang được lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật
Việt Nam, nhưng đáng tiếc là hầu hết các tác phẩm trước đó của ông đã bị thất
lạc hoặc hư hỏng hết. Để đánh giá về tài năng, con đường hội họa của Nguyễn Đỗ
Cung, sẽ trọn vẹn hơn nếu nhìn nhận các tác phẩm thuộc cả hai thời kỳ sáng
tác, khi ông luôn thích các khuynh hướng hội họa mới, và khi chỉ trung thành
với khuynh hướng hiện thực để tập trung thể hiện nội dung tuyên truyền.
Với ông, sáng tác (trong thời kỳ
sau Cách mạng Tháng Tám) hay giữ vị trí Viện trưởng Viện Mỹ thuật chỉ là cách
ông cống hiến cho đất nước, nhân dân. Tuy chỉ làm nhiệm vụ trong thời gian ngắn
(7 năm), nhưng ông luôn được nhắc đến như người có công đầu trong việc tạo dựng
nên Viện Mỹ thuật hay Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, và hơn nữa là công việc giữ
gìn nền mỹ thuật Việt Nam.
Họa sĩ Nguyễn Đỗ Cung (1912 - 1977)
sinh ra trong gia đình có truyền thống Nho học ở Hà Nội, cha ông là danh sĩ
Nguyễn Đỗ Mục. Ông đã để lại nhiều tác phẩm rất nổi tiếng trong nghệ thuật Việt
Nam thế kỷ 20: Du kích La Hay tập bắn, Cổng làng, Cổng thành Huế, tranh bìa
cho tập Xuân Thu nhã tập, Từ Hải... nhiều minh họa độc đáo trên Phong hóa,
Ngày nay, nhất là Trung Bắc chủ nhật. Ông được tặng thưởng Huân chương Lao động
hạng nhất, Huân chương Kháng chiến hạng ba; năm 1996, ông được nhà nước trao
tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật.
Ngọc An
Nguồn: thanhnien.com.vn
Theo http://trieuxuan.info/
|
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét