Thứ Bảy, 22 tháng 4, 2017

Thương nhớ đồng quê

Thương nhớ đồng quê
...Bộ phim là sự thể hiện của tài năng chân chính và sự giàu có nội tâm... Chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt những nhận xét cảm động về bộ phim kể cả từ phía khán giả đại chúng. Bộ phim đã giành được uy tín rất cao trong lòng hàng loạt khán giả, kể cả chuyên gia điện ảnh và truyền hình lẫn các giới chức ngoại giao và những người khác...
Tiếp theo sau người Anh là người Nhật. Người Nhật vốn thận trọng trước khi có một quyết định gì. Họ theo dõi công việc làm của tôi và sau khi 3 phim: Bao giờ cho đến tháng Mười, Cô gái trên sông, Trở về được chiếu ở Nhật (có nghĩa là quá tam ba bận) họ mới quyết định bỏ tiền cho tôi làm phim. Để thiết thực kỷ niệm 100 năm ngày điện ảnh ra đời (1895 - 1995) Đài Tuyền hình NHK Nhật bản có sáng kiến mời 5 đạo diễn của 5 nước châu Á làm phim (năm nước đó là Ấn Độ, Thái Lan, Mông Cổ, I Ran và Việt Nam) để đến cuối năm 1995 sẽ chiếu tại Tokyo trong Liên hoan phim châu Á lần thứ I của NHK.
Tháng 1 năm 1995 Đài Truyền hình NHK cử một đoàn sang Việt Nam thông báo quyết định mời tôi làm phim và tôi lại được nghe họ nói đúng câu mà người Anh đã từng nói(1): Ông hãy chuẩn bị một kịch bản mà ông thích, về những vấn đề mà ông thực sự quan tâm (ở trong nước tôi chưa bao giờ được nghe ai nói với tôi như vậy bao giờ). Tôi nghe nói khi đến Việt Nam những người Nhật đã gặp lãnh đạo Cục điện ảnh để trình bầy chủ trương trên. Cục trưởng Điện ảnh hồi ấy là ông Bùi Đình Hạc rất hoan nghênh, nhưng yêu cầu để Cục cử đạo diễn. Đương nhiên những người Nhật đã không chấp nhận yêu cầu đó. Họ muốn mời đích danh người mà họ muốn mời. Họ xin gặp lãnh đạo Bộ. Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin hồi đó là ông Trần Hoàn đã đồng ý cho tôi được làm phim hợp tác với NHK.
Trong đoàn sang Việt Nam lần ấy có ông bà Tadao Sato, nhà phê bình phim lớn của Nhật. Đã từ lâu ông bà coi tôi như người thân vì chính ông bà là người đã phát hiện ra nền điện ảnh Việt Nam khởi đầu bằng bộ phim Bao giờ cho đến tháng 10. Sau này bà Sato kể lại: Trước đấy chúng tôi không hề biết gì về nền điện ảnh Việt Nam nên khi chồng tôi định sang Việt Nam tôi đã can ông: đến đó chắc chỉ có những phim tuyên truyền. Nhưng chồng tôi vẫn cương quyết đi. Thế là chúng tôi đến Việt Nam vào đầu năm 1990. Nhưng sau khi xem phim Bao giờ cho đến tháng 10 tôi thấy ân hận vô cùng về lời nói trước đây của mình. Từ đó hai ông bà đã làm việc không mệt mỏi để đưa nền điện ảnh Việt Nam đến với thế giới. Khi đã thân quen bà Sato ngỏ ý nhận tôi làm em nuôi. Vậy là tôi có hai bà chị nuôi: chị Madeleine Riffaut người Pháp và chị Hisako Sato người Nhật.
Đây là lần làm phim mà tôi được toàn quyền quyết định mọi vấn đề chi tiêu. Tôi nhớ lại lời của một đồng nghiệp Bulgarie nói với tôi trước đây: không bao giờ được nhân nhượng với chủ nhiệm phim. Bây giờ thì tôi chả phải nhân nhượng ai. Chủ nhiệm Tất Bình xác định với tôi ngay từ đầu: đây là phim của ông, người ta tài trợ cho ông. Ông quyết thế nào tôi chi như thế, miễn làm sao phim cho thật hay không thì bẽ mặt với thiên hạ. Cả đoàn làm phim chúng tôi đều nhận thức rằng việc làm phim này là một thách thức lớn đối với danh dự của điện ảnh Việt Nam, bởi vì cùng một lúc đầu tư cho chúng tôi làm phim, Đài NHK còn đầu tư cho 4 đạo diễn của 4 nước Châu Á khác nữa. Phải làm sao phim Việt Nam không thua kém phim các nước đó. Cái trách nhiệm nặng nề này chúng tôi tự nhận lấy cho mình, chẳng có ai giao phó, động viên. Tôi có cảm tưởng như mình là đội trưởng một đội bóng đá đi thi đấu trong khu vực.
Việc tìm kịch bản không phải mất thời giờ vì tôi đã có sẵn trong tay: kịch bản phim Thương nhớ đồng quê dựa theo truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Tôi viết kịch bản này cách đấy nửa năm, tức hứng mà viết. Không ai đặt tôi viết và viết xong tôi cũng chưa định gửi đi đâu cả. Thoạt tiên tôi thấy ở truyện ngắn này một không gian điện ảnh đầy gợi cảm. Các nhân vật chỉ được phác họa vài nét về tính cách, còn thoại thì hầu như không có. Tất cả chỉ là những lời kể ngắn gọn của nhân vật Nhâm, một thanh niên vừa mới lớn. Thoạt đầu tôi không có ý định rủ Thiệp viết chung, nhưng Thiệp nói: Ông viết đi. Tôi cẩn thận mời Thiệp lại nhà trình bày ý định của mình về mối quan hệ giữa ba nhân vật: Quyên, Nhâm, Ngữ để tạo ra cái lõi kịch tính của bộ phim. Trong truyện ngắn không có mối quan hệ tay ba này, nhưng tôi thấy nó rất cần thiết cho bộ phim. Nhâm sống với chị Ngữ trong một nhà, nhưng cậu không biết rằng cậu là chỗ dựa tình cảm duy nhất đối với chị Ngữ trong những ngày sống cô độc xa chồng. Chỉ khi xuất hiện Quyên, cô gái Việt kiều di tản trở về và Nhâm bị hút hồn vào người phụ nữ đó thì những tình cảm thầm kín bên trong của người chị dâu mới trỗi dậy. Đến lúc này Nhâm mới hiểu được hết nỗi cô đơn của chị dâu mình, cậu cảm thấy xúc động trước những tình cảm của chị Ngữ dành cho cậu. Một thứ tình cảm hơn cả tình chị em đã xuất hiện giữa hai người.
Khi tôi vẽ ra trên giấy sơ đồ tay ba của mối quan hệ đó thì Thiệp thốt lên: Ông thắng rồi. Bộ phim nhất định thành. Thiệp còn gợi ý cho tôi nên kết hợp thêm truyện ngắn Những bài học nông thôn. Tôi nhất trí. Một thời gian sau giám đốc Hãng phim Giải phóng Thanh Hùng ra gặp tôi thông báo: Hãng muốn mời tôi làm một phim về nông thôn miền Bắc. Tôi liền đưa kịch bản cho ông đem về đọc. Một tháng sau ông trở ra Hà Nội trả lại kịch bản, nói: Ban biên tập của Hãng đã đọc và thấy kịch bản thiếu yếu tố để làm thành một phim truyện. Tôi vui lòng nhận lại kịch bản. Quả thật khi nghe tôi chuyển Thương nhớ đồng quê thành kịch bản ai ai cũng ngạc nhiên kể cả cánh nhà văn. Ai cũng nói một câu giống nhau: Truyện ngắn ấy sao mà làm thành phim được? Nhưng dưới con mắt tôi đó là truyện ngắn giàu chất điện ảnh nhất của Nguyễn Huy Thiệp (có thể đó là chất điện ảnh mà tôi quan niệm chứ không như người khác quan niệm).
May thay khi người Nhật sang thì tôi đã có sẵn cái để đưa ra. Một tháng sau đài NHK thông báo nhất trí với kịch bản Thương nhớ đồng quê, kèm theo một vài gợi ý nho nhỏ nhưng dành quyền quyết định hoàn toàn cho tôi. Không lâu sau ông Yoshimasa Omi chủ nhiệm phim phía Nhật và ông Izumi kỹ thuật viên của Hãng in tráng Imagica sang Việt Nam làm việc với đoàn. Ông Omi làm việc với chủ nhiệm Tất Bình để bàn về Tổng dự toán còn ông Izumi làm việc với quay phim Nguyễn Hữu Tuấn về những yêu cầu kỹ thuật rất cụ thể, đặc biệt là cách điền vào các phiếu kỹ thuật sau mỗi cảnh quay. Công việc còn lại của tôi là tìm diễn viên. Quan trọng nhất là tìm người cho vai chính của phim -vai Nhâm, một thanh niên nông thôn vừa mới lớn (17 tuổi) tâm hồn lại nhậy cảm, thích làm thơ.
Tôi cùng trợ lý đạo diễn Nhuệ Giang đi khắp các trường nghệ thuật nhưng không tìm ra được gương mặt nào thích hợp. Cuối cùng tôi dừng lại ở Tạ Ngọc Bảo, một học sinh đang theo học lớp đào tạo của đoàn Chèo Hà Nội. Bảo thực sự là một thanh niên nông thôn, quê ở Thường tín. Mặc dầu cô giáo chủ nhiệm cho biết học lực của Bảo kém, nhưng tôi vẫn quyết định chọn Bảo, hy vọng trước ống kính điện ảnh, khác với trên sân khấu chèo, nếu tập tành kỹ lưỡng chắc Bảo sẽ đóng được và Bảo đã hoàn thành xuất sắc vai diễn đầu tiên của mình trong điện ảnh (về sau cậu được mời vào một số phim nữa nhưng không thành công bằng). Khó khăn nhất trong việc tìm diễn viên lại là vai chị Ngữ. Đến phút chót rồi tôi vẫn không ưng ý một ai. Nhuệ Giang đành yêu cầu tôi xuống Bắc Ninh trực tiếp gặp Thuý Hường, ca sỹ của đoàn quan họ Bắc Ninh. Tôi cùng Nhuệ Giang và quay phim Hữu Tuấn cầm máy ảnh xuống Bắc Ninh.
Phút đầu tiên gặp Thuý Hường tôi thất vọng hoàn toàn. Cô đánh phấn son loè loẹt, mặc một bộ đồ bộ mầu xanh nõn chuối trông chẳng có dáng dấp gì một phụ nữ nông thôn. Nhưng đã cất công xuống đây rồi nên tôi cũng đề nghị Tuấn chụp vài pô ảnh. Tôi yêu cầu Thuý Hường tẩy hết son phấn, mặc chiếc áo nâu và quần đen do Giang đem theo sẵn. Khi cô thay quần áo xong, bước từ trong phòng ngủ ra tôi và Tuấn cảm thấy sững sờ, cô hoàn toàn khác hẳn. Tôi đưa Hường ra bờ giếng để chụp ảnh. Sau khi nhìn vào viseur của máy ảnh Tuấn thốt lên: Chị Ngữ đây rồi. Đến khi về Hà Nội rửa ảnh ra thì tất cả mọi người đều công nhận không ai có thể vào vai chị Ngữ hơn Thuý Hường được. Bản thân cô sinh trưởng ở nông thôn, mọi công việc đồng áng quen thuộc từ nhỏ. Tuy chưa một lần lên phim nhưng vốn là một ca sỹ từng lên sân khấu, tôi tin cô sẽ không bỡ ngỡ khi bước sang điện ảnh. Và đúng như vậy, Thuý Hường đã chinh phục được người xem bằng diễn xuất chân thật và tinh tế của mình. Chị Ngữ của cô toát lên một vẻ đẹp mộc mạc và quyến rũ lạ thường. Vai nữ Việt kiều tôi mời Lê Vân. Cô lúc này không còn là Lê Vân của thời đóng Bao giờ cho đến tháng 10 nữa. Cô đã là một diễn viên có hạng, cô muốn sửa vai Quyên trở thành nhân vật trung tâm của phim, nhưng tôi không đồng ý. Chính vì không nhận thức rõ nhân vật của mình trong tổng thể chung của cả bộ phim nên vai diễn của cô không đạt bằng các vai khác là Nhâm và chị Ngữ.
Phim được khởi quay vào đúng giữa mùa hè oi ả năm 95. Đoàn làm phim được làm việc với những phương tiện kỹ thuật tốt nhất có thể có ở Việt Nam, kể cả việc thuê các thiết bị đắt tiền của công ty P/S Canada (công ty dịch vụ kỹ thuật cho các đoàn làm phim nước ngoài đến quay ở Việt Nam). Điều kiện sinh hoạt và lương cho anh em trong đoàn phim được đảm bảo tối đa, nên dù công việc vất vả, đầy những sự cố bất ngờ, nhưng tiến độ của phim vẫn tiến triển đều đặn. Phải nói rằng một đội ngũ thiện chiến nhất của điện ảnh Việt Nam trong mọi lĩnh vực chuyên môn đã được huy động cho phim này. Chủ nhiệm Tất Bình là người có khả năng tổ chức tuyệt vời. Mỗi lần quay xong một đợt chừng 1.500 đến 2.000 thước phim chúng tôi lại gửi sang Nhật để in tráng, và chỉ một tuần sau chúng tôi nhận được mẻ nháp gửi về kèm theo một bức thư dài với những nhận xét tỉ mỉ về chất lượng kỹ thuật của hình ảnh. Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn cùng anh em trong tổ quay truyền tay nhau đọc, vừa đọc vừa đoán những từ kỹ thuật viết bằng tiếng Anh. Cuối cùng rồi mọi người cũng hiểu hết nội dung để rút kinh nghiệm cho các đợt quay sau. Tôi đã học được rất nhiều điều qua những bức thư ấy mặc dầu chúng chỉ liên quan đến phần kỹ thuật quay phim.
Tôi không thể kể hết mọi thuận lợi cũng như khó khăn trong khi làm bộ phim này. Chỉ biết nói rằng nếu đời tôi đã từng gặp những may mắn thì đây là một trong những may mắn lớn nhất mà tôi có được. Cho dù sau này khi làm phim xong, bị các báo hùa nhau đánh đòn hội chợ, thì đến bây giờ và mãi mãi về sau tôi vẫn nghĩ rằng những ngày làm phim Thương nhớ đồng quê là những ngày hạnh phúc nhất trong đời làm phim của tôi. Sau khi dựng xong hình ảnh, lồng tiếng thu nhạc, tiếng động xong, chủ nhiệm phim Yoshimasa Omi và ông Izumi chuyên viên kỹ thuật của Hãng Imagica liền sang Việt Nam (Hãng Imagica là một hãng in tráng lớn nhất ở Nhật đã từng in tráng cho những phim lớn của nước ngoài như phim Hoàng đế cuối cùng của đạo diễn Ý Bertoluci). Sau khi khảo sát khả năng kỹ thuật của ta, bạn đã quyết định đưa phim sang Nhật để hòa âm và ra bản đầu. Tôi cùng nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn, dựng phim Trần Anh Hoa lên đường sang Nhật với đầy đủ các linh kiện: băng hình ảnh, băng lời, băng nhạc và các băng tiếng động.
Chúng tôi đã được hoà âm trong các điều kiện tối ưu, nhưng làm đúng như tác phong của người Nhật: có nghĩa là làm liên tục, ăn ngay tại phòng hòa âm, chỉ trở về khách sạn khi đã khuya để nghỉ ngơi, sáng hôm sau lại làm tiếp từ sớm. Có một chi tiết trong khi hòa âm mà tôi muốn kể ra đây để thấy rõ sự tôn trọng nguyên tắc về luật bản quyền. Khi dương cuốn 2 có cảnh nhà chú Phụng đang ngồi xem tivi truyền những hình ảnh của cuộc thi hoa hậu, chủ nhiệm phim đề nghị chúng tôi dừng lại để kiểm tra xem điệu nhạc phương Tây phát ra trong cảnh đó xuất xứ từ đâu. Ông lập tức gọi một chuyên viên trong Hãng đến nghe và chỉ vài giây sau chuyên viên này cho biết đó là giai điệu trong một bản disco của một tác giả người Anh và bản này đã được Nhật mua bản quyền sử dụng rồi. (Nếu Nhật bản chưa mua bản quyền bắt buộc chúng tôi phải thay bằng một đoạn nhạc khác). Chỉ hai ngày sau khi hòa âm xong chúng tôi đã được báo đến Hãng Imagica để xem bản đầu hoàn chỉnh. Công việc dịnh sáng không phải làm đi làm lại nhiều lần như ở Việt Nam vì Hãng đã cử hai chuyên viên hàng đầu của Hãng theo dõi từ những thước nháp đầu tiên, họ đã thuộc lầu từng cảnh quay và biết cần điều chỉnh như thế nào khi ra bản đầu. Nhà quay phim Nguyễn Hữu Tuấn làm việc với hai chuyên viên này không có trở ngại gì mặc dù ngôn ngữ bất đồng.
Đoàn chúng tôi hồi hộp đến Hãng Imagica chờ xem bộ phim ra lò. Chúng tôi được đưa đến phòng chiếu có chừng một trăm ghế ngồi rộng rãi như xa lông. Một chuyên viên của Hãng cho biết đây là một trong hai phòng chiếu kiểm tra chất lượng duy nhất ở Nhật. Toàn bộ phòng chiếu được cách ly với cả toà nhà (mặc dầu nằm ở tầng hai) để không bị ảnh hưởng bởi bất kỳ một rung động nhỏ nào từ bên ngoài. Cùng xem với chúng tôi có đông đủ các chuyên viên kỹ thuật trong bộ phận OTK của Hãng, đại diện NHK, đại sứ Việt Nam tại Nhật Nguyễn Tâm Chiến, tùy viên văn hóa cùng một số khách mời Nhật Bản trong đó có bà Seino, trước kia làm phụ tá cho cha tôi ở phòng thí nghiệm Tokyo thời gian ông nghiên cứu tại đây. Tôi nín thở theo dõi như theo dõi đứa con mình ra đời. (Hai lần tôi đưa vợ đi đẻ nhưng chưa bao giờ được sống cái phút hồi hộp này. Cả hai con tôi đều sinh vào lúc nửa đêm, khi tôi đang ngủ ở nhà). Khi đèn bật sáng tôi nhìn thấy nỗi hân hoan trên gương mặt của tất cả mọi người. Đại sứ Nguyễn Tâm Chiến không giấu nổi xúc động nói với tôi: Tôi là một nông dân, tôi từ nông thôn mà ra. Cái cậu Nhâm trong phim đúng như tôi hồi còn ở làng, mà cả cái làng trong phim nữa đúng hệt như làng tôi. Xin chúc mừng anh. Đấy là lời khen ngợi đầu tiên của người đại diện cao nhất của Nhà nước Việt Nam trên đất Nhật Bản (sau này giới ngoại giao là giới ủng hộ bộ phim này mạnh mẽ nhất). Ông Chủ tịch Hội Nhật-Việt ở Tokyo, trước kia từng là Đại sứ Nhật tại Pháp đã bắt tay tôi nói bằng tiếng Pháp: Grand succès! (thành công lớn). Tôi biết rằng bộ phim đã thành công không còn điều gì phải nghi ngờ nữa (mặc dù tôi vẫn nhận ra một vài chỗ còn có thể chỉnh lý, cắt gọn thì còn tốt hơn).
Khi các khách mời đã ra về, ê kíp làm phim Việt Nam và ê kíp chuyên viên kỹ thuật Nhật cùng chủ nhiệm kéo nhau đi bộ ra nhà hàng để liên hoan, kết thúc một quá trình hợp tác tốt đẹp. Trên đường đi, một chuyên viên của Hãng Imagica tâm sự với tôi: Thú thật với anh, khi theo dõi từ các mẻ nháp đầu tiên cho đến các mẻ nháp cuối cùng, tôi vẫn không hình dung được bộ phim sẽ như thế nào. Nhưng hôm nay xem xong phim tôi muốn nói với anh rằng: một khi nghệ thuật làm từ trái tim thì nó không còn biên giới nữa. Không hiểu sao tôi cảm thấy gần gũi với những con người trên phim đến thế. Họ thân thuộc đến nỗi tôi cứ nghĩ như họ đang sống ở một làng quê nào đó ở Nhật Bản. Sau này khi nhận được những lời khen ngợi của các đồng nghiệp, các nhà phê bình phim tôi vẫn không bao giờ quên được lời tâm sự cảm động của anh chuyên viên kỹ thuật trong buổi chiều hôm đó trên đường phố Tokyo.
Chúng tôi trở về nước một tháng sau thì trở lại Nhật để tham dự đợt chiếu ra mắt các phim châu Á mà đài truyền hình NHK hợp tác tài trợ trong năm 1995. Cùng đi có đạo diễn Lê Hoàng với bộ phim Lưỡi dao mà phía NHK đề nghị tôi giới thiệu để cùng chiếu trong đợt này. Khi vừa tới sân bay, một cán bộ của đài NHK ra đón cho biết lãnh đạo của Đài đánh giá phim Việt Nam là phim hay nhất. Tôi nhớ lại những nỗi lo lắng của anh em đoàn làm phim và sự quyết tâm của mọi người để không bị thua chúng kém bạn. Trong một bức thư gởi Bộ trưởng Trần Hoàn, ông Tadao Sato thay mặt Đài NHK đã viết như sau:
Mấy ngày trước đây, bộ phim Thương nhớ đồng quê (ở Nhật phim được đặt tên là Nhâm) của Việt Nam đã được chiếu tại Trung tâm Văn hóa Châu Á thuộc quỹ giao lưu văn hóa Nhật Bản tại Tokyo cùng với phim của các nước khác và nó lại được phát lên vệ tinh truyền hình của NHK để truyền đi khắp nước Nhật. Bộ phim là sự thể hiện của tài năng chân chính và sự giàu có nội tâm... Chúng tôi đã chứng kiến hàng loạt những nhận xét cảm động về bộ phim kể cả từ phía khán giả đại chúng. Bộ phim đã giành được uy tín rất cao trong lòng hàng loạt khán giả, kể cả chuyên gia điện ảnh và truyền hình lẫn các giới chức ngoại giao và những người khác. Chúng tôi đánh giá cao đất nước ngài, nơi đã làm ra một bộ phim như vậy và tự đáy lòng mình, chúng tôi xin cảm ơn ngài về sự cộng tác ấy. (Sao gửi các ông Lưu Trọng Hồng, Bùi Đình Hạc và Đặng Nhật Minh).
Tôi không thể kể hết về dư luận báo chí trong và ngoài nước về bộ phim này. Từ báo Mỹ như Herald Tribune cho đến các báo ở Pháp, Ấn Độ, Thụy Sĩ, Nhật Bản, Canada, Đức.v.v... đã có những bài viết đầy thiện cảm với bộ phim (đặc biệt ở Đức có nhà phê bình tên là Rudolf Tomzac đã xem bộ phim này tới 24 lần, và đã viết nhiều bài về phim thật sâu sắc, cảm động).
Ở Việt Nam khi phim vừa xuất hiện đã có hàng chục b
ài báo khen ngợi của những người viết có uy tín như nhà văn Nguyễn Khải, Trần Đăng Khoa, Lê Lựu, Chu Lai; của các nhà phê bình phim có uy tín như Ngô Phương Lan, Tô Hoàng v.v... Các nhà báo Lưu Trọng Văn, Việt Văn, Nguyễn Trọng Chức, Nguyễn Đức Dương v.v... Những bài công kích chỉ xuất hiện sau này trước khi bước vào thềm Liên hoan phim Việt Nam lần thứ XI. Những bài viết đó xuất phát từ một số người trong giới điện ảnh đội tên khác nhau. Họ vận động một số nhà báo quen biết cùng tham gia bằng cách bịa đặt những chuyện không có thật để gây hiềm khích giữa tôi và giới báo chí. Tất cả đều chỉ vì coi thành công của người khác là thất bại của chính mình. Họ đã tung ra một chiến dịch giống như chống Nhân văn Giai phẩm ngày nào cách đây đã 40 năm. Họ vu cho phim cái tội bôi đen hiện thực, không thấy những thành tựu của đổi mới, những cố gắng của Đảng và Nhà nước ta để cải thiện đời sống ở nông thôn v.v.... Đặc biệt trong chiến dịch này có sự tham gia của một ông chuyên viên Văn phòng Chính phủ có tên là Phạm Duy Khuê với một bài viết khá dài đăng trên tờ Hà Nội mới chứa đựng những lời lẽ tố cáo, chụp mũ hết sức nặng nề. Ông ta còn bịa cả những chi tiết không có trong phim để lên án (giông bão làm đổ bức chân dung Hồ Chủ Tịch sau buổi lễ tiễn tân binh lên đường nhập ngũ!). Đây có lẽ là bài phê bình phim duy nhất trong đời của ông chuyên viên nọ, bởi trước đó và cho đến tận bây giờ không thấy ông viết bài báo nào nữa. Trước những sự công kích vu khống đó, tôi chỉ giữ thái độ im lặng..Trong cuộc trưng cầu ý kiến khán giả tại Liên hoan phim Việt Nam năm 1996 có 78,6% khán giả đánh giá đây là một phim hay (trong 3 mức đánh giá: hay, trung bình và kém), nhưng ban tổ chức đã không công bố kết quả đó. Nữ diễn viên Thúy Hường kể lại với tôi rằng một chị nông dân ở Bắc Giang sau khi xem phim này, đã nói với Thúy Hường rằng:
Cô cho tôi gửi lời cảm ơn ông đạo diễn phim vì đã nói hộ bà con nông dân chúng tôi. Không biết ông có sống ở nông thôn không mà hiểu đời sống của chúng tôi như vậy. Tình cờ thằng con trai tôi có đem về một tờ báo trong đó có bài lên án bộ phim là bôi nhọ nông thôn. Đọc xong tôi tức quá xé vứt đi. Nhà báo gì mà nói láo thế. Không biết có bao giờ họ về nông thôn chưa?
Tôi định có dịp sẽ tìm gặp chị nông dân ấy để nói với chị rằng: Tôi không phải là nông dân. Hiện tôi ở Hà Nội. Nhưng thưa chị tôi chỉ cần bước chân ra đầu phố thôi là tôi đã có thể gặp những người nông dân như chị. Họ quảy những sọt su hào, cà chua, bắp cải nặng trịch, đứng rong ruổi cả ngày để bán được vài nghìn bạc (đấy là chưa kể phải chạy sấp chạy ngửa mỗi khi có xe xi-đờ-ca của công an rượt đuổi). Thưa chị nếu tôi đi xa hơn chút nữa, tới chân cầu Long Biên thì tôi có thể gặp bà con đông như cả một Tổng, thúng mủng, đòn gánh ngồi chờ có ai đến thuê gánh đất cát, sỏi đá để người thành phố xây nhà, xây biệt thự, vila... Thưa chị chẳng cần đi đâu xa, nông thôn ở ngay trong thành phố mà tôi đang ở.
Chỉ cần một buổi tối mùa đông dừng lại mua bắp ngô nướng của một cô gái quê bỏ ruộng đồng ra Hà Nội làm thuê kiếm mướn, tối tối tranh thủ quạt một thúng ngô non để có thêm vài nghìn bạc là biết ngay nông thôn ta bây giờ sống ra sao. Thưa chị ở cái xứ này cứ 10 người thì có 8 người là nông dân, đi đâu mà chẳng gặp họ. Tôi cũng xin phép báo cáo với chị rằng tôi từng là đại biểu Quốc hội của một tỉnh vào loại nghèo nhất nước, nơi có đến 99% là nông dân. Mỗi năm 2 lần trước mỗi kỳ họp Quốc hội tôi có về gặp bà con. Thưa chị nhiều câu thoại trong phim là của bà con nông dân nói với tôi trong những lần tiếp xúc ấy đấy. Tôi bị kết tội bôi nhọ nông thôn là vì tôi đã nói như bà con đã nói. Bây giờ thì tôi thôi là đại biểu Quốc hội rồi. Năm năm làm người thay mặt cho bà con tôi chả làm gì được cho bà con, tôi chỉ để lại một bộ phim để nói lên cho bàn dân thiên hạ biết tâm tư nguyện vọng của bà con. Những gì chưa làm được cho bà con nằm ngoài khả năng và quyền hạn của tôi, xin bà con thông cảm cho.
Bộ phim Thương nhớ đồng quê được Phát hành phim Quân đội mua để chiếu rộng rãi trong và ngoài quân đội. Nó đã được mời tham dự hơn 60 Liên hoan phim quốc tế và đã nhận được một số giải thưởng. Quan trọng hơn hết là nó đã đem lại rất nhiều thiện cảm cho đất nước, cho nền điện ảnh Việt Nam. Sau khi bị báo chí lên án, Ban Tư tưởng – Văn hóa TW mới tổ chức chiếu cho các Tổng biên tập các báo TW và Hà Nội xem. Xem xong nhiều người ngạc nhiên không hiểu vì sao một phim như vậy lại bị phê phán. Thì ra họ đều không xem phim. Họ đã bị lừa.. Nhiều bạn bè ngạc nhiên tại sao tôi lại có thể đứng vững trước đòn hội chợ này của báo chí. Thực ra tôi chẳng có bản lĩnh gì ghê gớm cả. Chẳng qua trong những ngày ấy tôi cảm thấy mình như người đi đường bị đâm xe nhưng rồi lại im lặng đứng lên phủi sạch quần áo rồi đi tiếp. Tôi đã từng chứng kiến nhiều cảnh tượng như vậy ở ngoài đường và tôi vẫn nhớ gương mặt của những người bị đâm xe đó. Họ chẳng hề la lối mà chỉ im lặng.
Đặng Nhật Minh 
Nguồn: tapchisonghuong.com.vn
Theo http://trieuxuan.info/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Tam Lu nghiêng trời

Tam Lu nghiêng trời Trương Thu Hiền đã xuất bản ba tập bút ký: “Đoản khúc cho quê”, “Độc bản”, “Hoa báo mùa sang”. Ngôn từ của chị đẹp, gi...