Vừa hôm trước trời còn nhuộm vàng từ cọng rơm ẩm mục đến sóng
sánh mấy cánh mai tứ quý nở lai rai. Ấy thế mà hôm nay chỉ cần một cơn mưa xuân
trời đất đã ủ ê tựa thiếu phụ đượm buồn. Mưa mỏng giăng như sương che phủ cánh
đồng khiến tôi cảm tưởng bầy chim én có muốn về cũng đã lạc đường đâu đó. Hoặc
là quay cuồng rét lạnh trong đám mưa bụi chấp chới tìm một đường dây điện đậu
túm tụm vào nhau vun hơi ấm. Những cánh cửa đóng chặt để gió rét ở lại ngoài
kia. Đàn ông nhậu nhẹt suốt Tết dường như vẫn còn chưa đủ nên mượn mưa làm cái
cớ ới nhau uống vài ly cho ấm bụng. Đàn bà sấp ngửa lo một mùa vụ mới, lo cân đối
chi tiêu và thu vén nốt những chuyện chẳng đặng đừng gác lại từ năm cũ. Lúc nhỏ
tôi vẫn thường hé cửa nhìn dáng mẹ mờ dần trong khoảng trắng mưa xuân. Ngồi
trong nhà nghe bếp lửa bập bùng mà thương đến từng ngón chân mẹ bấm chặt xuống
ruộng đồng trơn trượt.
Bây giờ mẹ đã già, mưa xuân để con cháu giữ chân mẹ lại trong nhà không cho quanh quẩn ngoài vườn đào xới chỗ này, vun gốc chỗ kia. Nhà bốn thế hệ ngồi ngó mưa xuân với những luồng tâm trạng khác nhau. Mẹ thì xót mấy sào lạc mới trồng, cứ mưa triền miên thế này thì gieo hạt giống nào là thối mất hạt ấy. Mẹ thương đàn gà con mới ấp nở bằng máy, trứng thì mua cóp mỗi nhà vài quả nên mưa lạnh thế này chúng làm gì có mẹ ấp ủ. Đành quây gió phía này, thắp điện phía kia, mẹ ngồi cầu cho trời mau mau nắng. Bà chắc đang nhớ ông, nhớ cái thời còn thầu đầm cá.
Bà kể năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là ông lại gọi người tát đầm. Bán cá vào giai đoạn này là hợp lý nhất vì ai cũng có nhu cầu. Nhà giàu thì mua cá đổi món cho đỡ ngấy còn nhà nghèo tranh nhau mua ít tôm tép, cá mè về ướp muối ăn dần. Ngày xưa không có máy bơm, tát đầm là chục con người hì hụi tát cả đêm đến gần sáng thì nước cạn. Phụ nữ đứng trên bờ đốt đuốc để cánh đàn ông quây vào bắt cá. Mưa xuân lất phất không dập nổi ngọn lửa nhưng lại mang về cái rét cắt da cắt thịt tím tái thân người. Một đống lửa lớn được nhóm lên để từng ấy con người tranh thủ hơ tay, ngồi kể với nhau về mùa màng, công nợ. Đến lúc trời sáng thì những người hôi cá cuối cùng cũng đã lên bờ. Ông thường thương tình nhét vội vào giỏ người này, người kia vài con cá nhỏ. Ông mất đã lâu, cũng vào một ngày xuân mưa lạnh. Cả cái đầm cá rộng cũng đã được lấp phẳng làm đất ở. Nên chỉ còn lại trong bà những ngọn đuốc ký ức bập bùng ấm áp.
Đám trẻ con thì càng không thích mưa xuân. Bởi mưa nhốt chúng trong nhà bằng những lời răn đe của người lớn. Mưa bẩn áo quần, lạnh và dễ ốm. Nên mới có cảnh đứa đứng ở hiên nhà bên này ới qua rặng rào gọi đứa bên kia, đôi khi chỉ để khoe nhau một món đồ chơi mới. Mưa nhỏ không đủ ướt người nhưng cũng ngăn cách quá chừng. Để một sớm mai thức dậy thấy nắng đã tìm về le lói ngoài sân, tim vui mà chân cũng reo vui. Lũ trẻ gặp nhau mừng òa, người già đỡ lo xương khớp. Nắng xua đi cái lạnh lẽo và mùi ẩm mốc bám chặt đến từng mảng tường, từng cánh cửa. Những đàn én cuối cùng òa ra khỏi màn mưa tắm gội trong màu nắng. Bà đành gác lại câu chuyện ngày xửa ngày xưa để mang hạt rau ra vườn gieo mùa xanh mới…
Bây giờ mẹ đã già, mưa xuân để con cháu giữ chân mẹ lại trong nhà không cho quanh quẩn ngoài vườn đào xới chỗ này, vun gốc chỗ kia. Nhà bốn thế hệ ngồi ngó mưa xuân với những luồng tâm trạng khác nhau. Mẹ thì xót mấy sào lạc mới trồng, cứ mưa triền miên thế này thì gieo hạt giống nào là thối mất hạt ấy. Mẹ thương đàn gà con mới ấp nở bằng máy, trứng thì mua cóp mỗi nhà vài quả nên mưa lạnh thế này chúng làm gì có mẹ ấp ủ. Đành quây gió phía này, thắp điện phía kia, mẹ ngồi cầu cho trời mau mau nắng. Bà chắc đang nhớ ông, nhớ cái thời còn thầu đầm cá.
Bà kể năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là ông lại gọi người tát đầm. Bán cá vào giai đoạn này là hợp lý nhất vì ai cũng có nhu cầu. Nhà giàu thì mua cá đổi món cho đỡ ngấy còn nhà nghèo tranh nhau mua ít tôm tép, cá mè về ướp muối ăn dần. Ngày xưa không có máy bơm, tát đầm là chục con người hì hụi tát cả đêm đến gần sáng thì nước cạn. Phụ nữ đứng trên bờ đốt đuốc để cánh đàn ông quây vào bắt cá. Mưa xuân lất phất không dập nổi ngọn lửa nhưng lại mang về cái rét cắt da cắt thịt tím tái thân người. Một đống lửa lớn được nhóm lên để từng ấy con người tranh thủ hơ tay, ngồi kể với nhau về mùa màng, công nợ. Đến lúc trời sáng thì những người hôi cá cuối cùng cũng đã lên bờ. Ông thường thương tình nhét vội vào giỏ người này, người kia vài con cá nhỏ. Ông mất đã lâu, cũng vào một ngày xuân mưa lạnh. Cả cái đầm cá rộng cũng đã được lấp phẳng làm đất ở. Nên chỉ còn lại trong bà những ngọn đuốc ký ức bập bùng ấm áp.
Đám trẻ con thì càng không thích mưa xuân. Bởi mưa nhốt chúng trong nhà bằng những lời răn đe của người lớn. Mưa bẩn áo quần, lạnh và dễ ốm. Nên mới có cảnh đứa đứng ở hiên nhà bên này ới qua rặng rào gọi đứa bên kia, đôi khi chỉ để khoe nhau một món đồ chơi mới. Mưa nhỏ không đủ ướt người nhưng cũng ngăn cách quá chừng. Để một sớm mai thức dậy thấy nắng đã tìm về le lói ngoài sân, tim vui mà chân cũng reo vui. Lũ trẻ gặp nhau mừng òa, người già đỡ lo xương khớp. Nắng xua đi cái lạnh lẽo và mùi ẩm mốc bám chặt đến từng mảng tường, từng cánh cửa. Những đàn én cuối cùng òa ra khỏi màn mưa tắm gội trong màu nắng. Bà đành gác lại câu chuyện ngày xửa ngày xưa để mang hạt rau ra vườn gieo mùa xanh mới…
Vũ Thị Huyền Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét