Thứ Năm, 6 tháng 4, 2017

Đoàn Chuẩn - Từ Linh và những ca khúc mùa thu để đời

Đoàn Chuẩn - Từ Linh và những 
ca khúc mùa thu để đời
Trong số những nhạc sĩ viết ca khúc về Mùa Thu được biết tới nhiều là Đoàn Chuẩn. Ông thường ký tên Đoàn Chuẩn- Từ Linh cho những bài hát của mình. Sau này người ta biết thêm rằng Từ Linh là người bạn văn nghệ thân mà Đoàn Chuẩn đưa tên vào bút hiệu để kỷ niệm cho tình bạn. Cũng có thể người này đã góp ý kiến cho bài hát, và cũng tạo thêm một cái nghệ danh là lạ trong làng âm nhạc Việt Nam thời đó.
Sự nghiệp sáng tác của Đoàn Chuẩn khoảng hai mươi bài, nhưng ông có mấy ca khúc chủ đề Mùa Thu tạo dấu ấn trong lòng người nghe nhạc. Đó là Tình Nghệ Sĩ (1948), Lá Thư (1948), Thu Quyến Rũ (1950), Chuyển Bến (1951), Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay (1952), Lá Đổ Muôn Chiều (1954), Tà Áo Xanh (1954), Cánh Hoa Duyên Kiếp  (1953).
Bản Tình Nghệ Sĩ, lời ca có mùa thu: “Đây khách ly hương mấy thu vàng ấm. Nơi quán cô đơn qua muôn trùng sóng…”
Lời ca bản Lá Thư có câu mở đầu: “Nhớ tới mùa thu năm xưa gởi nhau phong thư ngào ngạt hương, nét bút đa tình ngào ngạt hương” và kết thúc “Nhớ tới mùa thu năm nào mình anh lênh đênh rừng cùng sông, chiếc lá thu dần vàng theo.”
Đậm chất mùa thu vẫn là bài Thu Quyến Rũ:
“Anh mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh. Anh mong chờ mùa thu, dìu thế nhân dần vào chốn Thiên Thai, và cánh chim ngập ngừng không muốn bay, mùa thu quyến rũ anh rồi.
Mây bay về đây cuối trời, mưa rơi làm rụng lá vàng, duyên ta từ đây lỡ làng, còn đâu những chiều dệt cung đàn yêu. Thu nay vì đâu tiếc nhiều, thu nay vì đâu nhớ nhiều, đêm đêm nhìn cây trút lá, lòng thấy rộn ràng, ngỡ bóng ai về.
Anh mong chờ mùa thu, tà áo xanh nào về với giấc mơ, màu áo xanh là màu anh trót yêu, người mơ không đến bao giờ.”
Nét nhạc nhẹ nhàng, lời ca tả mùa thu thơ mộng và vẫn nỗi buồn nhè nhẹ chờ đợi người yêu đến trong mơ.
Bản Chuyển Bến tả cảnh chia tay người yêu vẫn có thời gian là mùa thu:
“Chiều nay sao dâng nhanh màu tím, và mây bay theo nhau về bến, thuyền cắm tay sào từ cuối thu, ngoài kia sông nước như đón chờ.”
Bản Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay: “Với bao tà áo xanh đây mùa thu, hoa lá tàn hàng cây đứng hững hờ, lá vàng từng cánh rơi từng cánh, rơi xuống âm thanh trên đất xưa… Gởi gió cho mây ngàn bay, gởi bướm đa tình về hoa, gởi thêm ánh trăng màu xanh lá thư, về đây với thu trần gian”.
Bản Tà Áo Xanh: “Gió bay từ muôn phía, tới đây ngập hồn anh, rồi tình lên chơi vơi, thuyền anh một lá ra khơi, về em phong kín mây trời, đêm đêm ngồi chờ sáng mơ ai. Mộng nữa cũng là không, ta quen nhau mùa thu..”
Bản Cánh Hoa Duyên Kiếp cũng có nhắc đến mùa thu: “Từ một nơi xa xôi cách bao núi rừng suối đồi, anh gởi mấy cánh hoa về người yêu, hoa lan hương màu trắng, như duyên em thầm kín, trong hương thu màu tím buồn..”
Bản Lá Đổ Muôn Chiều: “Thu đi cho lá vàng bay, lá rơi cho đám cưới về, ngày mai người em ngồi trong thuyền hoa tình duyên đành dứt. Có những đêm về sáng, đời sao buồn chi mấy cố nhân ơi. Đã vội chi men rượu nhấp đôi môi, mà phung phí đời em không tiếc nhớ. Lá đổ muôn chiều ôi lá úa, phải chăng là nước mắt người đi. Em ơi đừng dối lòng, dù sao chăng nữa cũng nhớ đến tình đôi ta.
Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi…”
Đoàn Chuẩn dùng âm thể trưởng cho các ca khúc Thu Quyến Rũ, Gởi Gió Cho Mây Ngàn Bay, Chuyển Bến, Tà Áo Xanh, Cánh Hoa Duyên Kiếp, Tình Nghệ Sĩ.
Riêng bản Lá Đổ Muôn Chiều thì dùng âm thể thứ và có chuyển sang âm thể trưởng ở cuối bài. Lời ca ray rức hơn, có vẻ trách móc hơn và hình ảnh lá vàng bay gắn bó với người yêu đi lấy chồng. Câu “Thôi thế từ nay như lá vàng bay tình lỡ rồi” chuyển sang âm thể trưởng làm nổi bật lời ca và cũng là câu hát được nhớ tới nhiều nhất của ca khúc.
Nhạc của Đoàn Chuẩn không được phổ biến ở Miền Bắc trong thời gian chiến tranh Việt Nam từ 1954 đến 1975; nhưng lại được thu băng và trình diễn ở Miền Nam và được giới yêu nhạc đón nhận.
Âm nhạc Đoàn Chuẩn nhẹ nhàng, âm điệu dịu dàng kết hợp lời ca êm ái, hát lên như một lời thì thầm, một lời tâm sự, và đặc biệt là chất mùa thu bàng bạc nhiều trong các bài hát của ông.
Có lẽ ông chơi nhạc cụ Hạ Uy Cầm, cho nên những bài ca ông viết có nét nhạc  chậm rãi, khoan thai.
Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn sinh năm 1924, qua đời ngày 25 tháng 11 năm 2001, hưởng thọ 77 tuổi. Trên tờ tuần báo Viet Mercury, một ấn bản tiếng Việt của nhật báo Anh ngữ San Jose Mercury News, có đăng một lời nhận xét của nhạc sĩ Phạm Duy đại ý rằng nhạc và lời của Đoàn Chuẩn không đặc biệt nhưng lại nổi tiếng. Đó là cái nhìn của một người trong giới sáng tác; nhưng đối với quần chúng thì thưởng thức theo cách riêng của họ.
Là một công tử con nhà giàu nổi tiếng đất Bắc, phong lưu và hào hoa, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn không phải là một nhạc sĩ chuyên nghiệp sống bằng nghề âm nhạc, thế mà mấy ca khúc về mùa thu đã đặt ông vào một vị trí đặc biệt trong nền tân nhạc Việt Nam.
Những hình ảnh mùa thu Hà Nội bầu trời xanh lơ, gió bay từ muôn phía rung động lòng người và lá vàng nhẹ bay, thấp thoáng bóng tà áo xanh của người yêu; lời ca cùng câu nhạc nhẹ nhàng là nét riêng của những bài hát Đoàn Chuẩn Từ Linh.
Theo http://xn--nhngbihtmathu-tdbr00b4954b.vn/



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Lỗi văn hóa 1.  Vũ trụ hình như quyện lại, không rõ thu nhỏ hay loang ra, nhưng nhất thể. Đen đen, đùng đục, nhầy đặc và vô biên. Lạnh...